Saturday, 1 October 2011

*** TỪ BI (HT THÍCH THANH TỪ)

HT THÍCH THANH TỪ

TỪ BI
I - MỞ ĐỀ
Tình thương là nguồn an ủi vô biên của chúng sanh đang đau khổ,  là bể nước cam lồ mát ngọt để cho những người đang bị lửa trần gian thiêu đốt mặc tình nhảy ùm tắm gội. Song phải là tình thương hoàn toàn vị tha, không nhuốm một tí xíu mùi vị kỷ. Nếu là tình thương vị kỷ, chẳng những không làm vơi được nổi khổ của chúng sinh, trái lại còn dìm họ chìm sâu trong biển khổ. Tình thương vị tha là vô biên không giới hạn, tràn ngập mọi loài, chan hoà trong nhân loại. Người mang tình thương này ra chan rải cho chúng sinh, quả là một từ mẫu đang săn sóc đàn con dại. Bao nhiêu khổ đau, mọi đều ấp nạn vừa gặp tình thương này chúng đều tan biến. Cao cả thay! Quí báu thay! Đẹp đẽ thay! Những ai đã cưu mang ôm ấp tình thương vô bến hạn này.
II - ĐỊNH NGHĨA
Từ là ban vui. Bi là cứu khổ. Cứu khổ ban vui cho người gọi là từ bi. sự vui khổ của người xem như vui khổ của chính mình, chia vui sớt khổ cho nhau đấy là lòng từ bi. Vì thế, ban vui cứu khổ cho người mà không thấy ta là kẻ ban ơn, kia là kẻ thọ ơn. Tận tâm tận lực vì người, không có một niệm một mảy may vì mình, là từ bi. Đây mới thật là tình thương chân thật. Nếu có một điểm nhỏ xíu vì mình là không phải tình thương chân thật. Có vì mình mà thương người, chính đó là thương mình không phải thương người. một tình thương vì mình thì không phải là thương, bởi trái sở cầu của mình liền giận. Hoàn toàn vì người hoàn toàn cho người mới là tình thương vô biên không giới hạn. Tình mẹ thương con chưa hẳn là từ bi, vì con không nghe lời mẹ liền giận. Tình thương từ bi là tình thương đồng hóa khổ vui của người như của mình. Mình khổ càng kíp lo giải quyết cho hết khổ, mình không cần biết ơn mình, mình không kể ơn với mình. Cảm thông sự khổ vui của mọi người như thế, khởi tình thương ban vui cứu khổ là lòng từ bi. Cứu giúp để mong đền đáp là sự đổi chác không phải lòng từ bi. thương yêu để thoả mãn nhu cầu riêng của mình, là lợi dụng tình thương, không phải từ bi. mọi sự xót thương cứu giúp người không xen lẫn một ý vì mình thật là lòng từ bi.
III - MỚI TẬP TỪ BI
Muốn phát âm từ bi, chúng ta phải tập cảm thông sự khổ vui với mọi người. Thấy người khổ cảm như chúng ta chịu khổ, nỗi khổ của người xem như nổi khổ của chúng ta. Dùng mọi khả năng sẵn có dẹp khổ cho người cũng như tiêu diệt khổ của chính bản thân mình. Người hết khổ là chúng ta hết khổ, không cần đòi hỏi nào, ngoài sự hết khổ của người. Đã xem cái khổ của người như của mình, nên nhiệt tình sốt sắng cứu giúp mà không điều kiện. Người khỏi khổ là mình an vui, không có một hậu ý gì với người mình cứu giúp. Nếu có hậu ý, chỉ mong đem lại cho họ sự an vui vĩnh cửu. Thấy người vui cũng như mình được vui. Những cái vui của mình đã sẵn sàng chia sớt với người, bằng cách giải bày, bằng cách chia sẻ, bằng cách mong mỏi, chia sớt với nhau cùng được vui chung thật là hạnh phúc trên trần gian. Chỉ để một mình vui, ai sao mặc kệ, là kẻ ích kỷ xấu xa, chính họ không bao giờ thấy sự an vui chân thật.
Chúng ta phải thấy cái vui của mình là cái vui của mọi người, cái vui của người chính là cái vui của mình. Cùng khổ cùng vui mới là tình thương chan hòa tràn ngập. Chỉ biết cái khổ vui riêng tư của mình là tự đóng khung trong một nhà giam riêng biệt, kẻ ấy suốt đời không bao giờ biết vui. Chúng ta trải lòng mình ra hòa nhịp với mọi con tim, chứa chan tình thương không bến hạn. Bởi cảm thông nhau trên nỗi khổ vui, chúng ta mới có nhiệt tình tích cực cùng sớt khổ chia vui. Mọi bức tường ngăn cách mỗi bản ngã con người, chúng ta mạnh dạn đạp đổ cho sự cảm thông không bị giới hạn. Thông cảm được sự khổ vui của mọi người, chúng ta bắt đầu phát tâm từ bi. Vì thế, mới tập từ bi là tập cảm thông.
Tuy nhiên lòng từ bi là không giới hạn, song mới tập từ bi phải phát xuất từ gần lan dần ra xa. Chúng ta tập cảm thông từ những người sống chung, thân thuộc với chúng ta, dần dần đến những người xa lạ bên ngoài, đó là trá hình từ bi, chớ chưa phải thực chất từ bi. Chúng ta phải tập lòng từ bi cho có căn bản, sự kết quả chắc chắn sẽ đúng như nguyện.
IV - ĐÃ TẬP TỪ BI
Lòng từ bi đã phát hiện nơi chúng ta, mọi sân hận tham lam theo đó tiêu diệt. Người từ bi không thể nổi nóng chửi đánh kẻ khác. Đã thấy sự đau khổ của người chính là đau khổ của mình. Chỉ thấy kẻ khác với mình không liên hệ nhau mới đành lòng làm họ khổ. Quả thật cảm thông được nổi khổ đau của người, lòng sân vừa dấy khởi liền tắt ngúm. Bởi nước từ bi tràn ngập thì không có lý do lửa sân nổi dậy. Lửa sân cháy hừng hực, chính là lúc nước từ bi đã khô cạn. Tự người gặp cảnh khổ, người có lòng từ bi còn không nở lấy mắt ngó, cần phải tìm đủ mọi cách để giải khổ cho người. Nếu khả năng chúng ta không thể giải cứu được, lòng vẫn xót xa đau đớn. Huống là, đích thân mình làm khổ cho người, lòng từ bi không cho phép dùng ngôn ngữ hành động làm khổ kẻ khác. Bao giờ chúng ta thích làm khổ mình, chừng đó mới vui vẻ làm khổ người. Gặp khổ chúng ta biết rầu buồn than thở, nỡ nào làm khổ kẻ khác cho đành. Kết quả đầu của lòng từ bi là diệt sạch sân hận của chính mình.
Người từ bi đâu đành tranh giành hơn thua được mất với người. Bởi kẻ được thì vui người mất phải khổ , giành giật nhau là làm khổ cho nhau. Lòng từ bi là cứu khổ, vô lý lại đi làm khổ người. Tham lam là thu góp, giành giật. Từ bi là ban bố cứu giúp. Mang lòng từ bi là mọi hành động có tính cách tranh đua giành giật không còn. Chính của mình còn đem ra ban bố cho người, không thể có giành giật của người về cho mình. Lòng từ bi với tham lam là 2 con sông chảy ngược. Có cái này thì không thể có cái kia. Lòng từ bi đi đến đâu thì đau khổ tan đến đấy, như ánh nắng soi đến đâu thì băng tuyết đều tan. Từ bi không dung đau khổ, dĩ nhiên từ bi không chứa chấp tham lam. Từ bi tràn lấn tham lam phải rã rời.
Với mọi lớp người trong mọi cảnh huống, chỉ một bề mang tình thương chân thật đến với họ. Không một hành động ngôn ngữ khiến cho họ phải phiền hà, thuần túy ban vui cứu khổ. Hành động như thế là thuận hạnh từ bi. Lòng từ bi này một bề thể hiện tình thương, chiều theo sở nguyện của người. Làm trái ý người là khiến họ đau khổ, thuận hạnh từ bi là không trái ý nguyện của chúng sinh.
Song tâm ý chúng sinh điên đảo, có cái khổ trá hình an vui họ lại thèm thuồng ưa muốn, người sẵn lòng từ bi, có khi cần đổi cái khổ nhỏ cho họ cái vui lớn, vẫn phải làm. Hoặc những chúng sinh ngỗ nghịch mãi tạo tội không chán người từ bi cần phải ngăn chặn bằng cách trừng trị dữ dằn. Hiện tướng dữ để điều phục đưa người về chỗ an vui, là nghịch hạnh từ bi. Hạnh từ bi này vừa mới trông như kẻ ác, nhưng mãi kia mới thấy rõ lòng từ. Người thể hiện hạnh từ bi này phải sáng suốt, thật là làm một việc khó làm. Dù thuận hay nghịch thì hạnh cũng là một nguồn ban vui cứu khổ. Bản chất từ bi là nhẹ nhàng mát mẻ, nên mọi chúng sinh bị nhiệt não gặp từ bi là đều được an lành.
V - CỨU CÁNH TỪ BI
Lòng từ bi được viên mãn khi nào mọi vọng thức không còn. Vì vọng thức chạy theo nghiệp phân biệt có yêu có ghét, khó mang tình thương chân thật bình đẳng lại cho chúng sinh. Khi nghiệp thức đã sạch, chỉ một tâm thể thênh thang bình đẳng bao trùm tất cả chúng sinh, không phân biệt ngã nhân bỉ thử, làm gì có thương ghét nảy sinh. Sống với tâm thể này chỉ tràn trề lênh láng một tình thương. Tình thương không phân biệt, không còn chủ khách đối đãi, bao dung không giới hạn, mới là tình thương chân thật hay viên mãn lòng từ bi. Còn thấy đối đãi là còn phân biệt, còn dụng công, mọi sự đối đãi đã tiêu dung, biết lấy đâu làm giới hạn. Cho nên ví lòng từ bi thênh thang như trời cao, bát ngát như bể cả. Từ bi trong chỗ không phân biệt không dụng công nên gọi là vô duyên từ.
VI - KẾT LUẬN
Từ bi là tình thương hoàn toàn bất vụ lợi. Bọn ác quỷ sân hận tham lam tật đố gặp từ bi đều chắp tay quỳ gối quy hàng. Có mặt từ bi ở đâu thì mọi khổ đau tan biến ở đó. Từ bi ngọt ngào như dòng sữa mẹ, từ bi mát nhẹ như dòng gió chiều thu, từ bi trong sáng như ánh trăng rằm, từ bi phát sinh muôn ngàn công đức như lòng đất phì nhiêu nuôi dưỡng vạn vật. Chúng ta tôn trọng kính mến những ai đã mang sẵn lòng từ bi, tán thán ca ngợi ai phát tâm từ bi, ước mơ mong mỏi ai sẽ học tập từ bi. Mọi người chúng ta gắng công khơi dậy dòng suối từ bi, để một ngày kia chảy tràn ngập trần gian đang nhiệt não. Hạnh phúc ở nhân gian nếu có, khi nào nguồn nước từ bi tràn về. Tất cả chúng ta đừng mong đấng nào cứu khổ, chỉ chắp tay cầu nguyện mọi người hãy phát tâm từ bi. Ngọn lửa khổ đau dập tắt, khi được trận mưa từ gội nhuần. Chân thành mong ước mọi người đều phát lòng từ bi.
KẾT LUẬN
Những vấn đề đã trình bày qua, chúng tôi cố gắng trong một khuôn khổ rất nhỏ hẹp, giống như việc “lấy thúng úp voi”, khó tránh khỏi lỗi khó hiểu và thiếu sót. Chúng tôi chỉ mong độc giả nhận được then chốt của mỗi vấn đề, cần đi sâu vài chi tiết, sẽ nhờ những quyển kinh sách khác, hoặc nhờ sự dắt dẫn của Tăng NI hay Thiện Hữu. Tóm lại then chốt thiết yếu có thể nói:
Phật là người đã giác ngộ và giải thoát sinh tử, đó là vị trí căn bản của Ngài. Chúng ta đừng xê dịch, đừng tô điểm, đừng ép buộc Ngài phải rời chỗ căn bản ấy.
Phật pháp là những lời giảng dạy chỉ ra lẽ thật: Lẽ thật trên hình tướng sự vật là nhân quả, lẽ thật trong sự cấu tạo kết hợp là duyên sinh, lẽ thật thầm lặng trong bản thể là chân không hay Phật tánh.
Học Phật là tiến bước trên con đường giác ngộï, là nhận hiểu phán xét những lẽ thật của Phật dạy, đem chỗ nhận hiểu ứng dụng vào cuộc sống của con người. Thực hiện được những điều này, cần nhờ cặp mắt trí tuệ sáng suốt mới thành công.
Tu Phật là ứng dụng những lẽ thật đã nhận xét vào cuộc sống hằng ngày của mình. Gỡ sạch mọi phiền não kiến chấp đang trói buộc khắn chặt trong tâm tư của chúng ta, đem lại sự an lạc ngay trong hiện tại và miên viễn ở vị lai. Chẳng những thế, tu Phật còn có nghĩa vượt ra ngoài vòng đối đãi sinh diệt, thoát khỏi mọi khuôn khổ hạn buộc, làm người tự do tự tại ngân hàng cả ngày đếm tiền, khi ra về chỉ hai tay không. Chúng tôi ước mong độc giả của quyển sách này không đến nỗi như thế.