Tuesday, 1 November 2011

*** HÃY TẠO HẠNH PHÚC BẰNG SỰ HIỂU BIẾT



*LỜI NGƯỜI VỢ NÓI VỚI CHỒNG

Tôi cũng là người trong lớp tuổi các ông, các ông trách chúng tôi là những con người nông nổi, những con thiêu thân của xã hội. Các ông nói chung là không tiếc lời nhục mạ phụ nữ với đủ thứ từ ngữ: nào là ích kỷ, nhỏ mọn, non nớt, yếu ớt, nông cạn, nào là tính hay khoe khoang, chỉ thích được nịnh, mới làm có tí tiền là lên mặt, ...

Phải! Chúng tôi là những người đó, và chúng tôi bằng lòng chấp nhận với nụ cười không bào chữa!
Không hãnh diện sao được khi chúng tôi biết sống thực tế cho chúng tôi, sống với sự trẻ trung và tươi vui của con người tự do với toàn nhựa sống trong đời!
Ô! các ông tự hào là lớp người mạnh khoẻ, từng trải, kinh nghiệm, hiểu đời, khôn ngoan, nhìn chúng tôi như loài ký sinh ung nhọt!

Được! Các ông cứ nhìn chúng tôi với đôi mắt khinh bỉ đi, cứ nhìn chúng tôi với thành kiến “tam tòng tứ đức”, “phu xướng phụ tùy”, “chồng chúa vợ tôi” cái con khỉ mốc, lạc hậu, xưa rích xưa rang của các ông!
Chúng tôi không cần các ông nói đến chuyện dạy dỗ chúng tôi, không cần đến cái mà các ông gọi là: kinh nghiệm, mạnh khoẻ, khôn ngoan, hiểu đời! Những cái đó không quan hệ gì cho lẽ sống, cho tình yêu chúng tôi cả!

Các ông đừng bắt chúng tôi phải sống cho các ông, làm nô lệ suốt đời, để cho các ông hiếp đáp! Chúng tôi là phụ nữ, là một phần nửa thế giới con người, là hồn nhiên, là tươi vui, là tự do.

Chúng tôi có quyền sống cho chúng tôi, cho một nửa thế giới loài người với tất cả nghĩa sống của nó.
Các ông bảo chúng tôi phải học theo cái phong tục, giữ gìn nề nếp gia phong, mà cái phong tục, cái nề nếp đó, do chính các ông làm ra, có hỏi ý kiến một người phụ nữ nào đâu?

Cái phong tục bắt vợ sống phải sống, bắt chết phải chết, là phong tục dã man, không có tình có lý chút nào! Nó thật là quái đản, bất công, dị hợm, các ông tạo ra, bắt chúng tôi theo hàng mấy chục thế kỷ rồi, đến nay vẫn chưa đủ thoả mãn lòng tham lam của các ông hay sao?

Các ông bảo chúng tôi phải học theo khuôn sáo khôn ngoan, hiểu đời, kinh nghiệm của các ông ư? Để làm gì? Nếu không phải để cúi đầu, ép mình làm nô lệ, đúc kết thành cái vỏ bề ngoài, mà bên trong chứa đầy thối tha mục nát!

Chúng tôi nhắc lại: chúng tôi không cần những cái đó. Các ông cứ để chúng tôi được sống. Trả lại sự hồn nhiên, trong sáng cho chúng tôi như thuở ban đầu chúng ta mới quen nhau!
Các ông là quân tử, tức là những con người đã chết, là thế giới nghĩa địa. Chúng tôi không buộc người chết sống lại thì các ông cũng đừng buộc người sống phải chết theo mình!

Các ông cứ đem ba cái đạo đức Khổng Mạnh cũ xì ra áp dụng trong gia đình thì gia đình biến thành cái nghĩa địa. Nghĩa là: các ông "đã chết" vì các ông không còn "sức sống". Chỉ có phụ nữ chúng tôi là kẻ đang sống, và chỉ có người sống mới hội nhập được với xã hội những nguồn sinh lực vui tươi mới lạ dồi dào và mãnh liệt.

Vợ nhà thì bắt chết, bắt chẹt, nhưng hễ thò mặt ra đường lại ngắm nghía người đàn bà khác, khen họ là vui tươi, cởi mở, hồn nhiên!
Chúng tôi không thể khép mình nhỏ bé mãi, muốn lớn không nổi, để chịu nô lệ cho chén cơm manh áo nhục nhã. Chúng tôi vốn hồn nhiên, chứ không nông cạn. Con người hồn nhiên không cần "sâu sắc, kinh nghiệm, hiểu đời" như kiểu các ông!

Các ông đã gây tổn thương nhiều cho phụ nữ, khi các ông bảo là yêu họ, rồi cưới họ về làm vợ, mà thật ra để làm nô lệ, không những cho các ông mà còn cho hết thảy gia đình các ông! Chuyện này để lại cho người phụ nữ chúng tôi biết bao điêu tàn trong một đời người ngắn ngủi!

Chả trách ngày xưa các cô lên xe hoa về nhà chồng khóc sướt mướt, khóc lả người!  Bố mẹ tôi nai lưng nuôi nấng chúng tôi mà chúng tôi chưa có ngày nào hầu hạ bố mẹ, làm cho bố mẹ được vui, nói chi đến sự đền đáp, mà nay lại cam tâm đi phục vụ chăm sóc các ông!

Chúng tôi cũng đi làm để củng cố kinh tế gia đình như các ông. Tại sao khi về nhà, chúng tôi còn phải lo cơm nước, hầu hạ các ông và cả gia đình các ông, trong khi các ông ngồi xem ti vi thoải mái, không biết phụ giúp chuyện bếp núc, rửa chén, chăm sóc con cái, lại còn chê khen, đòi hỏi, phê phán đủ thứ?!
Lễ giáo, phong tục, đạo đức là gì mà các ông bắt chúng tôi phải theo? Phải chăng các thứ ấy là cỗ quan tài để liệm người chết?

Chúng tôi phải sống và giành quyền sống! Đồng cỏ phải xanh, vườn phải nở hoa cây phải cho bóng mát. Chúng tôi phải đòi hỏi, phải xây dựng, phải tự mình đứng ra gánh vác với đôi vai mềm yếu, cô đơn, không mong ở các ông giúp đỡ.
Quá khứ chứng minh mọi sự giúp đỡ đều bày ra luật lệ cho phụ nữ, mà các ông gọi là phong tục, đầy sự thô bỉ giả dối, đó chỉ là bộ mặt đạo đức giả của các ông nhằm hiếp đáp phụ nữ.

Chúng tôi không làm ra các luật lệ phong tục đó, không đòi hỏi các ông một nghĩa vụ nào thì các ông cũng đừng bắt chúng tôi phải chịu một trách nhiệm nào.
Chúng tôi biết sống cho chúng tôi, cho tình yêu tự nguyện trong sáng, không bị ai tước đoạt, cưỡng ép, hay cố tâm cố ý lợi dụng.

Ngoài kia thế giới loài người cần sự đóng góp của chúng tôi, bao nhiêu sức sống đang chờ, chả lẽ chúng tôi cứ phải sống mãi trong nghĩa địa với người chết hay sao?
Chúng tôi cần phải sống cho đáng sống! Đơn giản thế thôi!



*LỜI NGƯỜI CHỒNG NÓI VỚI VỢ

Em ngồi đi, chúng ta vẫn có thể nói chuyện cởi mở và thông cảm và ôn hòa được mà em, phải không nà?
Điều cam kết của chúng ta là: trong lúc sống chung, có điều gì không phải thì đóng cửa bảo nhau, không một ai được biết, nhất là các con. Nhưng em đã phá vỡ giao ước này để mọi người biết rằng vợ chồng chúng ta luôn lục đục, gia đình không êm ấm.

Rồi sau này khi chuyện đâu vào đó chúng ta sẽ hối hận, em sẽ hối hận là không giữ gìn đi vạch áo cho người xem lưng. Anh ra đóng cửa sổ lại nhé!  Em đừng to tiếng làm gì, không khéo hàng xóm nghe thấy, họ tưởng anh đánh em, họ gọi cảnh sát đến nhà như lần trước, thiệt là đáng tiếc!

Anh sẽ chấm dứt không nói chuyện với em nữa và bỏ ra ngoài lập tức, nếu em to tiếng quát mắng anh! Em vừa uống trà vừa nghe anh nói nha, và hãy để anh trình bày cho xong, đừng cướp lời anh, nha!
Đã nhiều lần em không để cho anh nói hết ý, cho nên em chả hiểu anh muốn nói gì! Đang từ câu chuyện bàn bạc tâm sự vợ chồng bỗng chuyển thành cuộc cãi cọ nhỏ nhen, cũng chỉ vì em cứ ngắt ngang không chịu nghe anh nói.

Em ơi! Trước hết, anh muốn em đổi lối xưng hô thay vì em dùng "các ông" thì em chỉ nói "ông" đủ rồi, vì em chỉ nói chuyện với anh, chứ nào nói trước công chúng, phải không? Đâu có người thứ ba nào trong cái nhà này, ngoài anh với em!

Đáng lẽ sinh lực của em phải là nguồn sống của anh, của con cái, của mọi người trong gia đình, thì em lại phung phí cho các cuộc ăn chơi trác táng truy hoan ngoài xã hội mà em cho là hồn nhiên, là tươi trẻ! Vì em không thể sống như mọi người đàn bà khác trong bổn phận làm mẹ làm vợ, nên em đã xem đời sống em cằn cỗi trong cõi chết và gia đình là nghĩa địa! Em cho rằng cần phải thoát khỏi vòng lễ giáo gia đình để tìm nguồn tươi trẻ bên ngoài xã hội, nhưng thực tế, đó chỉ làm đồi trụy con người.

Em tự tìm một lối thoát cho nguồn sinh lực, nhưng đó là lối thoát hiểm nghèo!
Tới một lúc nào đó, sau các cuộc ăn chơi đàn đúm bạn bè, thể chất em sớm tàn tạ, tinh thần em bạc nhược, đôi mắt em không còn mơ màu suối, tóc em không còn xanh, da em không còn mịn! Hình bóng ấy đâu còn là hình bóng của em!

Loài người cần có những phương tiện để sống, nhưng không phải sống để làm nô lệ cho phương tiện ấy! Chúng ta ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn!

Em mua nhà to làm gì? Em cứ đổi xe hàng năm để làm gì? Ai giàu kệ họ, mình cảm thấy sung túc là đủ!
Cuộc sống là của mình, sao em cứ đua đòi theo ông này, bà nọ làm gì? Tiền các con mượn chính phủ để đi học nào đã trả xong! Nếu em có dư, nên phụ anh giúp trả cho con, có phải tốt hơn là sắm sửa các loại quần áo mới đắt tiền!

Chính cuộc sống hào nhoáng bên ngoài giả dối mới cướp đoạt tuổi hồn nhiên của em, đưa em vào thế giới ma quái, độc ác mà chính em mỗi khi gặp phải khổ đau, lại về nhà hờn trách, trút lên đầu anh!  Nó là liều thuốc độc nhưng rất quyến rũ, làm cho tâm hồn em không còn tự chủ được nữa, lý trí không còn của em mà là sản phẩm nô lệ của vật chất.

Em đã bị nó lôi vào vòng xâu xé và biến em thành lính của đạo quân ma! Là lính của quân ma em phải chiến đấu trong thế giới ma quái, hòa mình trong thế giới hỗn loạn và ảo ảnh, và làm bất cứ điều gì để chiến thắng. Và sau các cơn vật lộn, em chỉ thấy toàn là chiến bại, vì thế giới xa hoa là thế giới ảo ảnh, em không thể nào bỏ túi những chiếc bóng đẹp vì không phải vật thực.
Khi em sa vào thế giới ma quái ấy, em càng chạy xa càng mất gốc, và cho đến ngày em kiệt sức không còn biết mình là ai nữa, thì lúc đó, em sống trong cõi chết, mà em cứ tưởng mình đang tranh thủ tìm một cuộc sống tươi đẹp.

Phải! Cuộc sống bao giờ cũng vươn lên đến chỗ tươi đẹp. Nhưng cái tươi đẹp chúng ta tìm không phải là cái tươi đẹp giả dối bề ngoài.

Nếu em trông thấy cái hào nhoáng của đô thị phồn hoa thì em cũng không thể từ chối cái đẹp hồn nhiên mộc mạc của ngôi nhà lá, của dòng suối trong, của vườn cây um trái, của đồng ruộng bao la.
Em thích cảnh đông đúc nơi sòng bài, ngửi mùi rượu và thuốc lá trong các buổi dạ vũ thì em cũng không thể không thoải mái khi hít thở luồng gió mát trong lành, khoáng đãng đượm mùi đất mùi nước trên rừng hay trên cánh đồng bát ngát. Em say sưa các bản nhạc ngoại quốc tân kỳ, kích động thì em cũng không thể không cảm động khi nghe tiếng hát người mẹ ru con bên chiếc nôi nhỏ, những tiếng chim lảnh lót bên khung trời quê!

Thế thì những cái tươi đẹp cần cho đời sống con người đâu phải tuyệt đối!
Em vẫn sống tránh được xa hoa phung phí mà vẫn đủ phương tiện vui tươi để sống không cần giành giựt của ai và không bị ai giành giựt!

Nói như thế không phải anh muốn kéo em về với thế giới lạc hậu. Chúng ta không chủ trương như thế, chúng ta cần vươn lên sáng tạo, kiến thiết hưởng thụ những gì chúng ta tạo được. Chúng ta chỉ hưởng thụ các công trình chúng ta làm nên, không ngửa tay xin bố thí của kẻ khác. Chúng ta không làm con thiêu thân trước ánh đèn, làm nô lệ của thế giới xa hoa, làm những con diều hâu độc ác lượn quanh đống xác chết đang tô son trát phấn.

Những cô Cam, cô Cúc với má lúm đồng tiền, chiếc mũi lệch, mắt lé kim, thì nay dưới bàn tay phù thủy, bỗng biến thành thành bà Julie, bà Judy, sắc đẹp đã sửa lộng lẫy y như khuôn, khiến chính bà mẹ không nhận ra con mình. Đứng trước những đe dọa hủy diệt nhân tính của xã hội, người phụ nữ Việt nam vừa bàng hoàng, phẫn nộ, vừa khủng khiếp, xót xa!

Em tự nhận thấy mình quá yếu đuối, phải không? Yếu đuối đến nỗi không còn đủ sức vươn lên nữa, và ý thức cần yên tĩnh đến với mình, muốn tìm một tổ ấm gia đình, nghe lại tiếng bầy con cãi nhau, giành ăn giành chơi, tiếng ông chồng "khó tính" cằn nhằn, tiếng cháu khóc, tiếng chó sủa, tiếng chim kêu, thì tất cả đã không còn nữa, vì chính mình đã đạp đổ nó, để dứt áo bước chân ra đi tìm sự "vui tươi" mới!

Em sẽ không còn sức vươn lên và ý thức tiêu cực, buông xuôi len lỏi vào đầu óc em. Em luôn luôn có cảm giác chán nản trong công việc tại sở làm hay ngoài xã hội, làm cái em không thích, nhìn cái em không ưa. Em phải học những cái giả dối của cuộc đời mà hàng ngày luôn đem đến cho em niềm ngao ngán và buồn tẻ.
Em cần nên dung hòa hai thái độ. Gia đình là yếu tố hạnh phúc chính của con người, cần củng cố trước khi góp bàn tay vào việc xây dựng xã hội, cải tạo phong tục, tập quán. Chiến đấu cải tạo phong tục cần kiên trì, không có nghĩa mình nổi loạn, đập phá hủy hoại tất cả, mà cải tạo từ cái nhỏ đến cái lớn.

Anh chưa thể một sớm một chiều bắt chước nguời đàn ông tây phương, có ngay một thói quen là ra đường che dù cho vợ, mở cửa xe cho vợ, lấy áo cho vợ tắm, giặt quần áo, rót nước cho vợ uống, quạt hầu cho vợ ngủ.

Nhưng, hôm nay anh rót nước mời em đã là một thay đổi, tuy còn ngượng lắm. Hãy cho anh từ từ, nếu giờ chưa quen thì cũng là dịp làm gương, ảnh hưởng trong việc dạy dỗ con cái, hy vọng đến đời chúng sẽ làm được!

Ngoài ra, cái điều quan trọng nhất anh muốn chúng ta cùng bàn bạc, đó là: ngoài đời sống vật chất cần thiết, chúng ta đừng quên đời sống tâm linh. Chính cái đời sống tâm linh sung mãn sẽ giúp chúng ta, anh và em, cùng với các con, tạo dựng được, cảm nhận được an lạc và hạnh phúc thực sự ngay trong cuộc sống hiện tại và ngay trong gia đình này, phải không em?



TẠI SAO
CHÚNG TA
CỨ MÃI LÀM KHỔ NHAU BẰNG
CỬ CHỈ, LỜI NÓI
HAY Ý NGHĨ
* * *
HÃY TẠO HẠNH PHÚC BẰNG SỰ HIỂU BIẾT
CẢM THÔNG



BBT PHẬT HỌC TỊNH QUANG SƯU TẦM