TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ
- Thưa Thầy, kính xin Thầy giải thích câu: "Phật pháp tràn đầy trong thế gian".
- Đức Lục Tổ Huệ Năng, trong Kinh Pháp Bảo Đàn, có dạy:
Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích bồ đề
Kháp như tầm thố giác.
Nghĩa là:
Người đời thường nghĩ Phật pháp là chuyện trên trời dưới biển, xa vời đâu đâu, không có thực tế, hoặc chỉ dành cho Phật tử hay người tu trong chùa mà thôi. Không ngờ rằng: Phật pháp tràn đầy ngay tại thế gian này, ngay trước mắt, trong đời sống hàng ngày, áp dụng bình đẳng, đồng đều cho tất cả mọi người, không phân biệt Phật tử hay không Phật tử. Nếu sống cách ly thế gian, con người không thể giác ngộ chân lý, cho nên không giải thoát phiền não khổ đau được. - Tại sao vậy? Bởi vì lìa thế gian thì mất sáng suốt. Khác chi đi tìm sừng thỏ!
Người nào nhận ra được như thế, tất sẽ được an lạc và hạnh phúc hiện đời, giác ngộ và giải thoát sau này.
- Kính xin Thầy giảng rõ hơn.
- Ví dụ, luật nhân quả có ngay tại thế gian, không cần đi tìm đâu xa. Gieo nhân nào, gặt quả nấy. Người gieo nhân hạt cam, chăm sóc, bón phân, tưới nước, tất sẽ gặt hái được quả cam, không thể nào được quả khác.
- Luật nhân quả đem lại an lạc và hạnh phúc như thế nào?
- Hiểu và tin sâu luật nhân quả, con người sẽ không buồn giận khi gặp nghịch cảnh (vận xui, bất trắc, nghe lời chướng tai, thấy cảnh gai mắt) và không vui mừng khi gặp thuận cảnh (vận hên, như ý, nghe lời tán tụng, thấy người hạp nhãn).
- Tại sao vậy? Bởi vì khi gặp nghịch cảnh, chúng ta hiểu ngay rằng: đó là nghiệp quả, nghiệp báo (quả báo) do chính mình đã tạo nghiệp nhân xấu ác trước đây.
Khi gặp thuận cảnh, chúng ta hiểu ngay rằng: đó là phước báo do chính mình đã tạo nghiệp nhân thiện lành trước đây.
Buồn giận hay vui mừng đều làm tâm loạn động. Tu theo Phật, cốt tủy là giữ bản tâm thanh tịnh.
Mình làm mình hưởng.
Mình làm mình chịu.
Đây là luật nhân quả, chí công vô tư, không do cầu nguyện mà được hưởng may mắn, không do cầu nguyện mà tránh được xui xẻo.- Trước đây, vì chưa hiểu Phật pháp, con người lỡ gây bao tạo nghiệp xấu ác, bất lương thiện, trong ý nghĩ, hành động và lời nói. Chẳng hạn như nghi ngờ, nghĩ xấu người khác, giựt hụi quịt nợ, vu khống cáo gian, ganh tỵ đố kị, gièm pha phỉ báng, chửi rủa mắng nhiếc, đâm bị thóc, thọc bị gạo, chờ người làm sẵn cho mình được hưởng, tìm nhẹ lánh nặng.
Giờ đây con người hiểu biết luật nhân quả, hết lòng sám hối, không gây thêm nghiệp nữa, nhưng rất lo sợ phải gánh chịu nghiệp báo nặng nề, nếu không thể van xin cầu khẩn mà tránh được, thì phải làm sao ?
- Theo kinh sách, Phật dạy: chỉ có phước báo mới có thể giảm thiểu, hoặc tiêu trừ quả báo mà thôi.
- Kính xin Thầy giảng rõ thêm.
- Phước báo là kết quả tốt đẹp trở lại với mình, do các điều thiện lành tạo ra phước báu. Chẳng hạn như tụng kinh, niệm Phật, bố thí cúng dường, cứu người giúp đời, thấy người làm việc phước đức, từ thiện, mình sanh tâm hoan hỷ, hoặc làm theo nếu có khả năng, bên ngoài luôn tránh việc tranh cãi, bên trong luôn khắc chế các tâm niệm không tốt, khi khởi lên niệm xấu về người khác liền ngưng và biết tàm quý (xấu hổ). Cũng giống như lấy công chuộc tội, hay dùng tiền tiết kiệm để trả nợ xưa vậy.
Nhờ đó, chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ sẽ hóa không. Ví dụ như đáng lẽ mình phải trả nghiệp báo nặng đến mức tán gia bại sản, thân bại danh liệt, tai nạn chết người, nhưng nhờ có phước báo che chở, mình chỉ gặp bất trắc nhẹ hơn, có thể vượt qua được, người đời thường gọi là may mắn, hay số hên. Đây là chân lý không dành riêng ai. []
***
GIA ĐÌNH HÒA THUẬN (TẬP SAN PHTQ 17)
TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có rất nhiều thắc mắc, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, chẳng hạn như là: Gia đình theo truyền thống Phật Giáo lâu đời, nhưng cha mẹ thường bất hòa với nhau, đôi khi gây gổ, đánh lộn. Làm sao khuyên giải để cha mẹ trở nên hòa thuận?
*
Trước hết, chúng ta phân tích câu hỏi này thành ba phần để tìm hiểu cho rõ ràng:
Thứ nhứt, khi nói gia đình theo truyền thống Phật Giáo lâu đời, có nghĩa là: ông bà, cha mẹ, nhiều thế hệ đã tin Phật, thờ Phật, tụng kinh, niệm Phật, đi chùa, lễ Phật, bố thí, cúng dường, làm phước, và thế hệ ngày nay tiếp tục truyền thống y như vậy, thế thôi, có phải vậy không?
Thực ra, như vậy cũng tốt, cũng quí, cũng đáng mừng lắm rồi, bởi vì gia đình đã gieo trồng căn lành thêm lớn. Tuy nhiên, như vậy chưa hoàn toàn đầy đủ. Tại sao như vậy? Bởi vì gia đình chưa có cơ duyên thuận tiện tìm hiểu giáo lý của đạo Phật một cách tường tận để áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Chính vì vậy mới có tình trạng bất an ở trong gia đình.
Đạo Phật là đạo cứu khổ nhân loại, cho nên giáo lý của đạo Phật rất thực tế, có thể áp dụng vào trong đời sống hằng ngày của mọi người, nhằm mục đích đem lại an lạc trong tâm của con người và đem lại hạnh phúc cho gia đình, hòa bình cho xã hội. Chẳng hạn như là: giáo lý đạo Phật dạy "từ bi hỷ xả" (trong kinh sách gọi là: tứ vô lượng tâm, tức là bốn tâm rộng lớn vô cùng) để con người có thể thương yêu mọi người như thể thương thân, vui với hạnh phúc của người khác, luôn luôn hòa thuận với tất cả mọi người xung quanh, tha thứ bỏ qua dễ dàng lỗi lầm của người khác, chỉ biết lo giữ gìn tâm niệm của chính mình cho được ngày một thanh tịnh hơn, ngày một trải rộng ra, vị tha hơn là vị kỷ, vì người hơn là ích kỷ, chỉ biết vì mình, vì gia đình mình.
* *
Thứ hai, cha mẹ bất hòa với nhau, thường gây gổ, đánh lộn. Nguyên nhân chính là do: tâm "chấp ngã" và tâm "chấp pháp".
Chấp ngã là chấp cái thân và cái tâm của mình là thực, tồn tại lâu dài, vĩnh viễn. Người ta thường thấy người khác chết, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến cái ngày, chính mình cũng phải chết! Nếu như con người biết rằng ngày mai mình sẽ từ giã cuộc đời, thì chắc chắn hôm nay không còn tâm trí đâu để cãi nhau, đánh nhau, tranh đấu hơn thua, tranh giành của cải, tranh danh đoạt lợi!
Đó là chuyện cái thân nặng mấy chục kí lô. Còn cái tâm của mình thì sao? Tâm của con người hằng ngày hết sức lăng xăng lộn xộn, lúc nghĩ chuyện thiện, lúc nghĩ chuyện ác, lúc nghĩ chuyện đàng đông, lúc nhớ chuyện bên tây, lúc hiền, lúc dữ, lúc nghĩ chuyện quốc gia đại sự, lúc nghĩ chuyện hang cùng ngõ hẹp, lúc nghĩ chuyện cứu đời giúp người, lúc nghĩ chuyện lợi mình hại người, lúc nghĩ chuyện quảng đại cao thượng, lúc nghĩ chuyện ti tiện nhỏ nhen.
Vậy cái tâm nào thực sự là "mình"? Mình thực sự là ai? Chẳng biết?! Mình hiền hay dữ? Chẳng biết? Tùy theo người khác đối xử với mình tốt hay xấu? Tùy theo cảnh trần? Nếu cứ như vậy, con người bị ràng buộc trong sanh tử luân hồi, chịu nhiều phiền não khổ đau, không sao tránh khỏi. Chúng ta không bao giờ nhận ra cái "bản tâm thanh tịnh" thường hằng, bởi vì kiếp con người luôn luôn bận tâm với cảnh trần đời bên ngoài quanh năm suốt tháng cả ngày, cho đến hơi thở cuối cùng!
Chấp pháp là chấp chặt mọi thứ vật chất có hình tướng trên đời là tồn tại vĩnh viễn. Cho nên con người mới đấu tranh, giành giựt, quơ quào, vơ vét, nhồi nhét cho đầy túi tham, giấu giếm, cất giữ, tích trử, cố gắng chiếm hữu thực nhiều của cải, bất chấp mọi thủ đoạn, không màng đến sự khổ đau của người khác, chà đạp lên mọi người để đoạt được ý muốn của mình.
Về phương diện tinh thần, chấp pháp nghĩa là chấp chặt cái ý kiến, cái suy nghĩ, cái sở học, cái hiểu biết của mình, luôn luôn là đúng, ai làm ngược lại, ai nói ngược lại, ai nghĩ ngược lại đều là sai hết! Chỉ có mình là đúng nhứt mà thôi! Hiểu được tường tận nguyên nhân chính gây ra những phiền não khổ đau trên cuộc đời này như vậy, con người chỉ cần phá bỏ tâm cố chấp (chấp ngã và chấp pháp) thì cuộc sống sẽ an lạc và hạnh phúc ngay.
**
Thứ ba, muốn khuyên giải cha mẹ hòa thuận, chúng ta cần làm hai điều: Một là, bản thân phải tỏ ra là người con hiếu đạo trong gia đình, là người công dân tốt, hiền lương trong xã hội. Hai là, bản thân phải tìm học giáo lý của đạo Phật để có thể giải thích cho cha mẹ những lời của Đức Phật, và chư vị Tổ sư, chỉ dạy trong các kinh sách, những điều thực tiển có thể áp dụng được trong cuộc sống hằng ngày, chứ không phải chỉ cầu nguyện, van xin, khấn vái, mà có được cuộc sống an lạc và hạnh phúc đâu.
Tóm lại, để gia đình được hòa thuận an vui, chúng ta cần phải thực sự hiểu nhau, thông cảm nhau, mới có thể thực sự yêu thương nhau được, bằng tinh thần vị tha, hơn là vị kỷ, bằng tấm lòng phục vụ, hơn là đòi hỏi được phục vụ, bằng sự phát tâm cứu khổ người khác, hơn là kêu trời than khổ. Mọi sự trên đời rồi sẽ qua, cuộc đời rồi sẽ kết thúc, chúng ta nên xây dựng cuộc sống của chính mình được an lạc và hạnh phúc, ngay trên hiện đời này, chấm dứt ngay sự gây đau khổ cho người khác. []
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Bạn có từng nghĩ rằng một ngày nào đó những người thương của bạn sẽ không còn sống bên bạn nữa không. Chúng ta không một ai có thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Thậm chí, chúng ta cũng không thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào một giờ sắp tới đối với những người thân của chúng ta, hay thậm chí đối với bản thân mình.
Có thể bạn ta mới đến thăm ta ngày hôm qua, mà hôm nay ta được báo tin là người đó đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Nhận được tin ấy mà lòng ta bồi hồi xúc động, và ta dường như không thể tin vào những gì mà tai mình vừa mới nghe thấy. Ta nói với người đến báo tin với ta rằng “tôi mới nói chuyện với anh ấy ngày hôm qua kia mà” , hay “chị ấy mới đến thăm tôi và còn tặng quà cho tôi nữa mà”.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Người bạn ấy của ta đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Và có rất nhiều, rất nhiều trường hợp tương tự như thế. Người ta mới thấy đó nhưng giờ đây đã không còn nữa.
Khi chúng ta giao tiếp, cư xử với người xung quanh với ý thức rằng có thể ngày mai ta sẽ không có cơ hội nghe được giọng nói của người đó nữa. Có thể ngày mai ta sẽ không còn thấy được nụ cười tươi trên khuôn mặt người đó nữa. Thì tự nhiên ta sẽ trân quí sự có mặt của người đó, và ta sẽ không nỡ nói hay làm những gì có thể gây tổn thương cho người đó.
Người đó có thể là ba mẹ chúng ta. Người đó có thể là chồng hay là vợ của chúng ta. Và người đó cũng có thể là con cái chúng ta.
Chúng ta sống với ý thức về sự vô thường, ngắn ngủi của một kiếp người càng sâu sắc, thì cách sống của chúng ta, cách hành xử của chúng ta cũng sâu sắc và yêu thương hơn.
Mỗi người trong chúng ta hay có khuynh hướng nghĩ rằng những người thương của chúng ta sẽ sống với chúng ta hoài, sẽ sống với chúng ta mãi. Chúng ta ít có khi nào nhớ rằng có thể chỉ sau một đêm thôi thì ta sẽ mãi mãi không còn gặp người ấy nữa. Ta muốn nói những lời xin lỗi của ta với người ấy, ta muốn nói lòng biết ơn của ta với người ấy, hay ta muốn thể hiện tình thương của mình cho người ấy - nhưng đã trễ rồi. Người đó đã không thể nghe, và mãi mãi sẽ không thể nghe những gì ta muốn nói dù chỉ một lời.
Vì vậy bạn hãy vui lên đi, bạn hãy cười tươi lên đi khi bạn vẫn có ba, có mẹ còn sống bên bạn. Bạn hãy hạnh phúc lên đi khi những người thương của bạn vẫn còn đó với bạn. Và bạn hãy can đảm để nói cho người thương của bạn những gì sâu kín nhất trong lòng của bạn. Vì có thể bạn sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa nếu bạn không nói ra điều ấy. Và bạn hãy tha thứ cho tất cả những ai đã từng làm hại bạn, làm tổn thương bạn vì có thể ngày mai bạn cũng sẽ không còn có mặt trên cõi đời này nữa.
Điều mà tôi khám phá ra trong cuộc đời của mình cho đến tận bây giờ, điều mà làm cho tôi hạnh phúc đó là tình thương, sự tha thứ, bao dung. Có thể tôi thực tập yêu thương còn kém, có thể sự tha thứ, bao dung trong tôi còn kém, nhưng đó là con đường mà tôi sẽ nguyện đi trên ấy mỗi ngày.
Tôi tự nói với chính mình: “Hãy thương yêu khi có thể, hãy tha thứ, bao dung khi có thể, bởi vì chỉ một giây phút thôi thì những điều này sẽ trở thành không thể”.
Và điều mà làm cho tôi hạnh phúc nhất không có gì khác hơn sau khi bạn đọc những dòng chữ này, thì sự thương yêu, tha thứ, bao dung trong bạn được biểu hiện. Và bạn đến nói với ba bạn, mẹ bạn, những người thương của bạn rằng bạn yêu họ lắm.
Rằng ba mẹ vẫn còn sống bên bạn là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời bạn.
Rằng bạn sẽ không cần gì hơn những điều như vậy. Rồi nụ cười hạnh phúc sẽ nở trên môi của bạn và khi đó bạn cũng biết rằng nụ cười hạnh phúc ấy cũng đang nở trên môi của tôi. []
TỰ
TÁNH TAM BẢO - VIÊN NGỌC MINH CHÂU
TKN
Thích Nữ Chân Liễu
5.10.2011
Các vị Tổ khi xưa tu đắc đạo nhưng thân còn tại
thế. Vì muốn hóa độ dễ dàng hơn, các Ngài thường vẽ ra hình tượng các vị Bồ
Tát, để diễn tả các pháp tu, để khuyên dạy và giáo hóa chúng sanh. Người thế
gian nếu chấp những hình tượng Bồ Tát đều là linh tượng, thánh tượng theo thần
quyền, có thể ban phước giáng họa, cầu nguyện van xin, thì không lợi ích gì cho
con đường tu tập bản thân. Chẳng những vậy, điều cố chấp này còn làm cho con
người yếu hèn, sanh tâm ỷ lại, thêm tâm ích kỷ, ham muốn lợi riêng cho bản thân
mình, gia đình mình. Rồi từ đó, con người sống cuộc đời với tâm tranh chấp hơn
thua, đấu tranh và đau khổ triền miên.
Khi vô thường đến cướp mất người thân yêu,
hay là chính bản thân đứng trước cửa tử, lúc bấy giờ tâm con người bất an, đau
đớn, hoảng loạn, kêu cứu, giờ phút đó không biết rơi vào cảnh giới xấu tốt nào,
địa ngục hay thiên đàng, Phật ở đâu, Bồ Tát ở đâu, sao không thấy? Làm sao giữ
được bình tĩnh để ra đi an lành trong giờ phút đó? Câu hỏi này chúng ta cần phải
tìm cho được giải đáp ngay bây giờ, trong lúc thần thức còn sáng suốt, tâm trí
còn ổn định. Sanh tử sự đại. Đó mới là sự cần thiết quan trọng bậc nhất.
Trong các chùa chiền, tự viện, tu viện, tôn
tượng trang nghiêm được an trí bên cạnh Đức Phật Bổn Sư Thích Ca, vị Bồ Tát
thân đắp cà sa, hình tướng một vị tăng xuất thế, tay phải cầm tích trượng, tay
trái nâng viên ngọc minh châu tỏa sáng. Đó là hình ảnh tôn tượng đại bi, đại
nguyện, đại thánh, đại từ, bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát. Ngài phát đại nguyện:
Địa ngục vị
không, thệ bất thành Phật. Tâm nguyện Bồ Tát không muốn an hưởng Niết
Bàn khi thấy chúng sanh còn quá nhiều đau khổ.
Địa: sâu dầy,
chắc cứng, kiên cố, sâu kín, tối tăm.
Tạng: chứa đầy
đủ, không hạn định, không đo lường.
Trong đạo Phật, Địa Tạng hàm ý đại địa bao
la, tượng trưng cho tạng thức và căn tánh con người có thể dung chứa tất cả thiện
ác, tốt xấu, có chân thật, có giả dối. Tâm con người có địa ngục và tâm con người
cũng có niết bàn.
HÌNH
TƯỚNG TRANG NGHIÊM VỊ TĂNG XUẤT THẾ
(TỰ
TÁNH TĂNG BẢO - THANH TỊNH)
Tinh thần mạnh mẽ vô úy, lý tưởng
vị tha của một vị hình tướng xuất gia, luôn dấn thân để cứu độ chúng sanh đang
chịu khổ cảnh địa ngục kinh hoàng bởi vô minh. Hình ảnh thân đắp cà sa, gương mặt
đôn hậu từ ái, lòng đại từ đại bi cao cả, là tấm gương sáng cho tất cả chúng
sanh, tượng trưng cho “Tăng Bảo”, một trong ba ngôi tam bảo quí hiếm. Tăng bảo
là người tu xuất gia, là kho chứa châu báu diệu pháp, mồi ngọn đuốc từ bi trí tuệ
nơi Đức Thế Tôn, đem lợi lạc cho chúng sinh, mở sáng trí tuệ cho người tu học
Phật.
Mặc dù sống trong nhà phiền não,
nhưng người xuất thế tục gia được người đời tin tưởng, là bậc thầy chỉ đường vượt
qua rừng u minh tăm tối. Tâm từ bi độ lượng bao dung của người tu, như thửa ruộng
hạnh phúc an vui cho cuộc đời. Những lời
thuyết pháp của Tăng bảo có sức mãnh liệt phá tan những vọng tâm, vọng tưởng
sâu kín tận trong tâm thức của những người đang mê ngủ với thú vui tạm bợ, làm
cho họ thức tỉnh.
Thân đắp cà sa có ý nghĩa kham nhẫn,
sống đời phạm hạnh thanh tịnh và còn là sức mạnh của giới pháp, ngăn ngừa những
tội lỗi của ác pháp. Chiếc áo cà sa che chở cho người tu trong cuộc sống xã hội
đầy tham vọng, sân hận và si mê. Người xuất thế tục gia có nghị lực mạnh mẽ
phát triển các thiện pháp, tự giải thoát cho bản thân, phát tâm hạnh Bồ Tát vì
người, không phải chuyện dễ dàng ai cũng làm được.
Trong 37 phẩm trợ đạo dạy người
tu cần phải có sức mạnh của Ngũ Căn (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ), gọi là “Ngũ Lực”
gồm có:
1. Tín Lực: Sức
mạnh của sự tin tưởng vào chánh pháp không thối chuyển.
2. Tấn Lực:
Sức mạnh của sự tinh tấn, quyết tâm thành
tựu phạm hạnh trên
đường tu.
3. Niệm Lực:Sức
mạnh của tâm niệm, luôn ghi nhớ xa rời điều ác, giữ giới
trong sạch.
4. Định Lực: Sức mạnh của sự quán sát
tâm và tập trung vào thiền định, an
nhiên tự
tại.
5. Tuệ Lực: Sức
mạnh của sự sáng suốt, trí tuệ mạnh mẽ đi đến bờ giác ngộ.
Tu là ở nơi nội tâm có chánh tín
sáng suốt và tư duy thanh tịnh, không phải ở hình tướng bên ngoài. Con người dù
thân còn tại gia nhưng tâm xuất gia đều có thể thực hành “Ngũ Lực” mạnh mẽ và
phát hạnh nguyện Bồ Tát như người xuất gia đắp y giải thoát vậy.
Tu là noi theo hạnh nguyện Bồ Tát Địa Tạng,
thấy được trong tâm địa con người có nghiệp lành, có nghiệp dữ, có tốt có xấu,
có địa ngục, có niết bàn và có tự tâm tự tánh “Tăng Bảo” thanh tịnh. Từ đó có
thể tự tu, tự giác ngộ giải thoát cho chính bản thân và mọi người hữu duyên,
như hạnh nguyện của người xuất gia đắp y giải thoát vậy.
Người biết cách tu, phải tự lực, tự giác ngộ,
tự chuyển đổi tâm địa của chính bản thân, đến khi hoàn toàn không một tạp niệm
nào sinh khởi nữa, tức là địa ngục đã trống không, lúc đó được giải thoát.
Đó chính là Tự Tánh “Tăng Bảo” thanh tịnh, mà ai ai cũng có.
TÍCH
TRƯỢNG PHÁ CỬA ĐỊA NGỤC: CHÁNH PHÁP
(TỰ
TÁNH PHÁP BẢO - CHÂN CHÁNH)
Địa ngục không nhất thiết khi con người chết đi mới thấy, địa ngục
ở ngay cõi đời ngũ trược ác thế. Địa ngục sanh ly tử biệt, địa ngục tù giam cấm
cố tra tấn, địa ngục bịnh hoạn, đau đớn, rên xiết. Thật là quá nhiều địa ngục ngay
trước mắt, con người phải chịu đền trả quả báo gây tạo ra nhiều đời nhiều kiếp
trong lục đạo luân hồi.
Bồ Tát Địa Tạng tay cầm Tích Trượng biểu dương
sức mạnh của Chánh
Pháp. Năng lực của Tích Trượng hay Thiền Trượng là tâm đại từ đại bi
của Bồ Tát, dùng chánh pháp chuyển hóa tâm địa con người đầy tham lam, hận thù,
đố kỵ, si mê mù quáng có thể thức tỉnh kịp thời. Như những cánh hoa sen nở thơm
tho thanh khiết, kết tụ của sự giác ngộ giải thoát, hoa sen đều từ gốc bùn tanh.
Mục đích của người tu là phải có chánh pháp, hiểu tận tường thấu đáo, thực hành
đúng theo lời Phật dạy. Chánh pháp chính là hiệu quả của “Tích Trượng phá cửa địa ngục”,
là gậy vàng đập tan gông cùm xiềng xích trói buộc của địa ngục phiền não đau khổ.
Xuất gia hay tại gia đều có thể tự tu theo
pháp “lục độ ba la mật”, trang nghiêm thân tướng với bố thí, trì giới, kham nhẫn,
tinh tấn, thiền định và trí tuệ, để đạt tự tánh “Pháp Bảo” chân chánh. Từ đó
phát sanh trí tuệ, phá vỡ cửa địa ngục vô minh nhiều kiếp luân hồi, tâm luôn hướng
về Bồ Tát hạnh để cứu khổ chúng sinh. Người tu theo con đường chân chính của Đức
Phật chỉ dạy, sống trong chánh pháp được an lạc hạnh phúc. Dù chưa thành Phật,
chưa an hưởng niết bàn, nhưng ở mọi cảnh giới đều có thể tự độ và độ tha như hạnh
nguyện Bồ Tát Địa Tạng. Còn sống trên đời, còn khỏe mạnh, con người nên dành nhiều
thì giờ vào việc tu học, tự quán sát, tự soi vào tâm địa chính bản thân, bởi vì
Phật dạy thân người khó được và được thân người là dễ tu nhất.
Trên đường tu học đạo, con người thường phải
trải qua nhiều chông gai thử thách. Nào trùng độc, rắn dữ, cám dỗ của ngũ dục
(tài, sắc, danh, thực, thùy), tiền của, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ,
ngày tháng rong chơi, ai nói gì cũng tin, ai bảo làm gì cũng nghe theo. Những
thứ tà pháp đó dẫn dắt con người lạc vào con đường tà đạo đầy bóng tối tội lỗi.
Chánh pháp là cứu cánh tận diệt tội lỗi, dứt trừ thói quen tạo nghiệp đua đòi
và nhiều tật xấu tiềm ẩn trong kho tàng tâm thức con người. Khi hiểu tận tường
giáo pháp trong kinh điển, thực hành và suy ngẫm thấu đáo lời Phật dạy, chuyển
hóa tâm địa si mê sâu nặng trong tàng thức và tâm ích kỷ mù quáng, con người thức
tỉnh kịp thời, đó là giải thoát.
Đức Phật dạy: "Phải luôn luôn quán chiếu
nội tâm, thúc liễm vọng tâm vọng thức để tự giác ngộ. Tâm làm chủ mọi hành động,
mọi nghiệp lực. Tâm là địa ngục, tâm cũng là niết bàn. Con người phải hứng chịu
mọi quả báo an lạc hay đau khổ do chính mình tạo ra. Chính tự thân mới có đủ
năng lực đưa mình ra khỏi địa ngục đau khổ mà thôi".
Địa Tạng là tâm địa sâu kín chân thật của con
người, khi thức tỉnh biết tàm quí, sám hối tội lỗi, chấm dứt nghiệp dữ. Chuyển
hóa, sửa đổi tâm niệm xấu ác thành thiện lành chính là con đường giải thoát ra
khỏi luân hồi, tam đồ ác đạo: địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Hiểu được đạo lý như
vậy thì rất có lợi lạc cho việc tu nhân, tích phước, kiệm đức, cứu người giúp đời.
Người đời có thể che giấu được tâm tốt hay xấu với người xung quanh, nhưng
không gạt được tâm địa của chính mình.
Nhận ra được chân lý sống, con người biết
dùng chánh pháp làm phương tiện thanh lọc những tư tưởng ô nhiễm bám vào tâm thức
nhiều đời nhiều kiếp. Thực hành lời Phật dạy, suy tư và tinh tấn phát huy định
lực tự thân, vững bước tu tập cho đến khi đạt được Tự Tánh “Pháp Bảo” chân chánh, thân tâm được tự tại giải thoát khỏi
cảnh giới địa ngục.
VIÊN
NGỌC MINH CHÂU - TRÍ TUỆ
(TỰ
TÁNH PHẬT BẢO - SÁNG SUỐT)
Bồ Tát Địa Tạng tay nâng viên ngọc
Minh Châu, tượng trưng cho vật thể vô cùng quí giá, ánh sáng của ngọc Minh Châu
có thể soi sáng trong bóng tối vô minh. Hình tượng Phật và Bồ Tát thường được
diễn tả những tia hào quang, chiếu sáng xung quanh đầu hay toàn thân, chính
là nghĩa đó.
Theo kinh sách, ánh sáng mang ý
nghĩa là trí tuệ cao tột và sự sáng suốt thanh tịnh của những bậc giác ngộ siêu
phàm, các vị chứng chánh đẳng chánh giác mới có được. Chư Phật, Chư Bồ Tát và
Chư Tổ đắc đạo được người đời tin tưởng, là bậc thầy chỉ đường, cứu giúp con
người vượt qua rừng u minh tăm tối. Con người nhờ được chỉ dẫn, cố gắng tìm cho ra viên ngọc Minh Châu
tượng trưng cho trí tuệ sáng ngời của tự tâm.
Viên ngọc Minh Châu tiêu biểu cho
Phật tánh sáng suốt bất sanh bất diệt của con người mà ai cũng có. Trí tuệ cũng
do từ bản tâm tự lực con người thanh tịnh mà được. Muôn pháp đều ở tại tâm, tùy
tâm biến hiện.
Viên ngọc Minh Châu là ý nghĩa sự
tỉnh thức giác ngộ của Phật tánh có công năng chiếu rọi vào sâu tận tâm địa của
con người, vượt lên trên tất cả sự thấy biết của phàm phu. Nhưng con người vì sống
trong sáu cõi luân hồi nhiều đời nhiều kiếp mê mờ nên không thấy được cái quí
giá của tự thân, cứ lo mãi tìm Phật, cầu Bồ Tát bên ngoài.
Người có được ý chí mạnh mẽ, phát
huy tinh thần tự giác, sống không chọn ăn ngon mặc sang, không hơn thua tranh
chấp, biết sợ nhân quả, hiểu rõ vô thường, thân này trăm năm rồi cũng tan rã. Nếu
tất cả những đòi hỏi của con người biết tùy theo khả năng và chỉ là phương tiện
cần thiết, biết đủ cho cuộc sống, thì đạt được sự tự do và giải thoát khỏi sự
trói buộc ngục tù của lòng tham sân si.
“Phật Bảo” là một trong ba ngôi
báu của Tự Tánh Tam Bảo sáng suốt nhất, là kho chứa đựng châu báu rạng ngời và
cao cả nhất. Tinh thần của đạo Phật không chấp nhận sự dựa dẫm, ỷ lại vào các hiện
tượng linh thiêng huyền bí hay cầu nguyện vì lòng tham lam và ích kỷ. Người tu
theo Phật phải có ý chí cương quyết phá tan mọi cám dỗ của danh lợi, không bị sáu
trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) trói buộc, tìm cho được tự tánh “Phật Bảo”
sáng suốt của tự tâm. Tâm mê là chúng sanh, tâm giác là Phật. Tâm mê ở địa ngục,
tâm giác ở niết bàn.
Trong Kinh Kim Cang, Lục Tổ Huệ
Năng ngộ được Tự Tâm Tự Tánh Tam Bảo sẵn có nơi tự thân mỗi người:
Bất ưng trụ sắc sanh tâm
Bất
ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm,
Ưng
vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Nghĩa là: Con người không chấp giữ
bất cứ việc gì cho riêng mình, đừng thấy sắc sanh phân biệt thương ghét, đừng
vì cao lương mỹ vị mất cảnh giác, đừng vì lợi dưỡng sung sướng sanh tâm tham đắm.
Không có chỗ dính mắc thì không có địa ngục khổ đau phiền não, tâm được nhẹ
nhàng an lành giải thoát. Tâm “vô sở trụ” là tâm bồ đề, là ngọc Minh Châu sáng
ngời trí tuệ. Đó chính là Tự Tánh “Phật Bảo”
sáng suốt, dù sống ở cảnh giới nào cũng được an vui tự tại.
*
Tóm lại, Bồ Tát Địa Tạng một tay
nắm vững tích trượng (từ bi), một tay nắm chắc viên ngọc (trí tuệ), không phải
là vị thần linh, và không có khả năng phá cửa địa ngục cứu chúng sanh theo nghĩa
đen, bởi
vì như vậy trái với luật nhân quả và hiểu như vậy
kinh Bát Nhã gọi là vọng tưởng điên đảo. Bồ Tát Địa Tạng biểu trưng chánh tín đủ
hai yếu tố Từ Bi và Trí Tuệ.
Người tu theo lời Phật dạy cần có chánh tín. Không có chánh tín, con người sẽ dựa
vào thần quyền, dựa vào tha lực, nghĩ rằng tiền của, tài sản có thể mua chuộc
được thần linh, và cầu nguyện Bồ Tát Địa Tạng
cứu vớt sau khi chết. Cho nên người mê tín không quan tâm đến chánh pháp, suốt
đời chỉ lo hơn thua tranh đấu, tạo nghiệp, chứ không sớm biết tu tâm dưỡng
tánh, dừng nghiệp và chuyển nghiệp. Từ đó, con người sẽ rơi vào trầm luân đau
khổ của sanh tử không thoát ra được.
Người sáng suốt biết quan tâm đến
chánh pháp, sớm thức tỉnh, rốt ráo thanh lọc thân tâm, vun bồi công đức, dụng
công tu tập càng nhiều thì minh tâm kiến tánh càng sớm đạt thành. Thấy được Phật
Pháp Tăng tự tâm tức là hằng sống trong “Tự
Tánh Tam Bảo”.
TỰ
TÁNH PHẬT BẢO:
Viên
ngọc Minh Châu quí hiếm, là trí tuệ viên mãn, là Phật tánh sáng suốt, có công
năng phá trừ vô minh và đạt chánh đẳng chánh giác.
TỰ
TÁNH PHÁP BẢO:
Tích
trượng Chánh Pháp nặng ngàn cân, là sức mạnh từ bi chân chánh vô úy của các
pháp, có công năng tự giải thoát khỏi địa ngục đau khổ của thân tâm.
TỰ
TÁNH TĂNG BẢO:
Tướng
xuất gia và Tâm thanh tịnh. Tuy sống tại thế gian, nhưng Tâm xuất gia, hành Bồ
Tát đạo, tự độ độ tha, chính là các vị chân tu thật học, một lòng không thối
chuyển.
Khi mê mờ:
Chúng con khổ - nguyện xin cứu khổ.
Khi giác
ngộ: Chúng con khổ - nguyện xin tự độ. []
NAM
MÔ U MINH GIÁO CHỦ BỔN TÔN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT.
TKN
Thích Nữ Chân Liễu
thichnuchanlieu@gmail.com
Tất Cả Là Do Con Người Gạt Gẫm Nhau Thôi!!
Khi tứ
đại tan rã, hệ thần kinh ngừng hoạt động, thần thức đã ra khỏi thân xác để đi
sanh sang cõi khác. Những trò hề hộ niệm được vãng sanh hiện nay cũng khá phổ
biến, bởi do con người không hiểu rõ chánh pháp, dễ bị gạt gẫm.
Đạo
Phật dạy rằng xác thân chỉ là sự duyên hợp của vật chất, gọi là tứ đại, bao
gồm: đất, nước, gió, lửa. Sau khi chết, những thứ này lại trở về với đất, nước,
gió, lửa.
Con
người ai ai cũng phải chết, và đi đầu thai qua kiếp khác, hoặc thiên đàng hay
địa ngục, đều do nghiệp thiện hoặc nghiệp ác, con người đã làm ra khi sanh
tiền. Chính con người quyết định kiếp sau đầu thai chốn nào, cõi nào, lành hay
dữ, tịnh độ hay ác đạo, chứ không phải do thượng đế hay thần linh nào khác -
cũng không do các ban hộ niệm cầu vãng sanh tào lao hiện nay rất nhiều.
Con
người quyết định đời sống kiếp này và kiếp sau bằng các hành động qua thân,
khẩu, ý hàng ngày, hàng giờ, hàng phút trong cuộc sống hiện tại. Do lòng thương
yêu và sự hiếu hạnh - nhưng không học hiểu chánh pháp - khiến cho con người
không còn sáng suốt, theo tà pháp, nên nghe quí thầy, quí cô trong chùa, bảo
sao làm vậy chứ không có suy nghĩ chín chắn. Quí thầy quí cô này cũng ngu dốt,
u mê, đời trước bảo sao, đời sau làm vậy, chẳng rõ chánh tà khác nhau ra sao.
Các tăng ni không học hành dẫn dắt theo bao nhiêu người khác đọa lạc - tai hại
vô cùng là chỗ này. Đầu tàu lạc đường, hay trật đường rầy, cả đoàn tàu không
đến được mục tiêu mong muốn. Bởi vậy bọn trọc đầu đọa lạc dưới địa ngục nhiều
hơn người có tóc, chính là nghĩa đó vậy.
Sự tin
tưởng thiếu thực tế, không trí tuệ của một số người đã làm giàu cho các chùa và
biến các chùa thành một nơi sinh hoạt mê tín chứ không còn là nơi chốn tu hành
của tăng ni và cư sĩ nữa. Chùa nào hiện giờ cũng xây tháp hài cốt, khi có thân
nhân chết, người ta đem thiêu xác, gửi vào chùa. Khi gửi nắm tro tàn như vậy
thì phải tốn bao nhiêu tiền đóng vào và còn phải cúng dường tiền cho chùa rất
nhiều hằng năm. Nếu thân nhân không cúng dường tiền thì hũ hài cốt ấy sẽ bị dẹp
vào chỗ khuất lấp. Còn ai cúng dường tiền nhiều thì hũ hài cốt sẽ được để trên
chỗ sang trọng trong tháp. Nhiều chùa hiện giờ lấy hài cốt làm con tin, để làm
tiền người thân một cách phi nhân nghĩa, thiếu đạo đức. Tháp hài cốt là núi
tiền, các lễ trai đàn bạt độ mê tín là những mẫu ruộng mầu mỡ xài hoài không
hết.
Có
nhiều thầy chùa cạo tóc có tiếng là đi tu, nhưng không học hiểu chánh pháp,
không rành giáo lý, chỉ lo mua bằng thượng tọa, trèo lên hòa thượng, học tổ
chức các lễ trai đàn bạt độ, các lễ vớt vong trên sông trên biển như vớt bèo,
các lễ phóng sanh nhưng hại vật, các lễ rải tro trên sông cho người chết được
giải thoát. Các loại lễ cúng này hét ra bạc, khạc ra vàng. Thiệt là các trò gạt
gẫm của bọn giặc thầy chùa.
Thầy
chùa nào biết luyện giọng, biết làm lễ mang màu sắc linh thiêng huyền bí, bẻ
tay giậm chân, mặc y áo như kép cải lương rực rỡ xanh đỏ tím vàng, la la, hét
hét, ợ ợ, ngáp ngáp, trợn trợn, chui vô màn vô mùng, đứng trên bục cao quơ quơ,
rắc rắc, thì người ngu u mê càng tin tưởng và cúng tiền càng nhiều, bởi lẽ ai
ai cũng có người thân đã qua đời. Mọi người đều thấy tệ nạn lừa đảo hiện giờ
trong các chùa rất lộ liễu, kể cả các hàng gọi là lãnh đạo cao cấp của các giáo
hội trong và ngoài nước. Nhà chùa vô hình, vô tình đã biến nơi tu hành thành
nơi nhà mồ nghĩa địa, nơi thực hiện sự mê tín của dân gian, gạt gẫm, lừa đảo bá
tánh u mê.
Trong
lúc con người còn sống mà còn chưa hiểu biết được Cực Lạc, Thiên Đàng ở đâu? Có
hay không có? Huống là người chết, nằm trong hũ tro còn nghe thấy được những
gì? Nếu người chết rồi quả thật nghe kinh và được sanh về Cực Lạc Thiên Đàng,
thì người sống tu hành làm gì cho cực khổ. Khi còn sống, con người cứ lo tạo
nhiều tiền nhiều của, bất chấp thiện ác. Khi chết, người đó dặn thân nhân,
thỉnh mời hàng trăm thầy chùa, hàng trăm ông cha đến cầu siêu, cầu hồn thì khoẻ
quá. Sống ngon chết tốt như vậy ai mà không ham chớ.
Đó là những tệ nạn trong chùa - không phải chính là Phật
Giáo - mọi người nên cảnh giác các mánh khoé lừa đảo này. Phật giáo là những
giáo lý dạy NGƯỜI SỐNG, ăn hiền ở lành, tu tâm dưỡng tánh, giác ngộ giải thoát,
quay đầu hướng thiện (đáo bỉ ngạn) - chứ không dạy con người đợi đến lúc nằm
trên giường bệnh mới biết niệm Phật, đợi nằm trong quan tài, trong nấm mồ,
trong lò thiêu, hay nằm trong hủ tro, mới chịu nghe kinh kệ. Tất cả đã quá muộn
màng. Tất cả là do con người gạt gẫm nhau thôi.
Đạo Phật có dạy rằng:
1. Con người có 2 phần (ngũ uẩn):
Ngoài xác
thân tứ đại phàm tục (sắc), còn có phần tâm linh (thọ, tưởng, hành, thức).
Phần xác
thân (tứ đại) khi hết phước (tận số) thì chết đi, đem chôn, hay thiêu - không
ai đem xác thối lên trời!
Con người
không cần bận tâm đến cái xác chết, của mình hay của thân nhân, không nên phiền
não với mấy cái hủ tro từ nhà quàn - chưa chắc là tro thiệt từ thân xác của
thân nhân quá vãng. Quan trọng mấy cái vật chất đó, chỉ làm khổ người thân còn
sống, phải đem xác chôn chỗ này, đem tro rãi chỗ kia. Đó chảng qua do tập quán,
tín ngưỡng lâu đời của thế gian, và cũng chính do bản ngã (EGO) của của con
người, làm khổ con người mà thôi. Cho nên, đạo Phật chủ trương “Vô Ngã, Vị
Tha”. Thầy sẽ giải thích thêm khi đủ thiện duyên qua đề tài: Ngũ Táng (Địa
táng, Điểu Táng, Hỏa Táng, Thủy Táng, và Thạch Táng). Tốt nhất là hiến xác cho
khoa học sau khi chết, hợp tình hợp lý, hợp tâm nguyện vô ngã vị tha, có lợi
ích đôi phần. Người chết thực hành hạnh bố thí (nội tài). Người sống hưởng
thành quả khoa học, thuốc men, giải phẩu qua ngành y dược. Đừng nghe mấy vị sư
Tàu (tào lao) tuyên truyền tâm ích kỷ rằng, hiến xác thì không được vãng sanh?
Kinh điển nào dạy như vậy, ngoài mấy vị sư tào lao hiện nay?
2. Tâm Linh lại có 2 phần: thật
và giả.
2.1. Phần
tâm giả là tâm tham lam, giận dữ, ngu si, mà con người thường sống hàng ngày.
Phần tâm
giả này khi có khi không, khi sanh khi diệt, khi khởi lên khi biến mất. Cho nên
con người thay đổi tâm tính thường xuyên (vô thường) khi đắc thế khi thất bại
(lợi/suy), khi thương khi ghét, khi thích khi chê, khi tán dương khi chửi bới
(xưng/ cơ hay hủy/ dự), khi vui khi buồn (khổ/lạc).
Phần tâm
giả (vọng tâm) này lẫy lừng, mạnh mẽ vô cùng, chính là động cơ (nghiệp lực) dẫn
dắt con người sống đời khổ đau, luân hồi kiếp này đến kiếp sau, và muôn kiếp
sau nữa.
2.2. Bởi
thế cho nên, cốt tủy của đạo Phật là phải tìm
cho ra (giác ngộ) phần tâm thật (chân tâm).
Những
hình thức cúng kiến, cầu an cầu siêu, các nghi lễ rườm rà trai đàn bạt độ,
trong khắp các chùa, chỉ là hình thức của một tôn giáo để mọi người tìm đến,
cần thiết nhưng không thật, giả đó.
Tham dự
xong rồi, con người thông minh phải phát tâm học đạo như ĐH Lệ Hằng hiện nay.
Khi tâm
con người không còn vọng động, không còn lăng xăng lộn xộn, không còn mong điều
này,
không còn
muốn điều kia, thì chân tâm (tâm thật) hiển lộ. Khi chân tâm hiển lộ, đời sống
con người bớt phiền não khổ đau.
Cũng ví
như mặt biển sóng to khi có gió lớn (tâm con người giận dữ khi gặp chuyện bất
như ý)
nhưng khi
hết sóng to gió lớn, thì mặt biển trở nên thanh bình, phẳng lặng,
có thể
trông xa, thấy rộng bốn phương, đến tận chân trời góc biển.
Các tôn
tượng của chư Phật đều có con mắt thứ ba, nằm giữa 2 con mắt thường, thường
tượng trưng bằng chấm đỏ, hay viên ngọc quí. Con mắt thứ ba này gọi là con mắt
thông minh trí tuệ (tuệ nhãn). Tuệ nhãn chỉ có được khi tâm con người không còn
vọng động, không còn những chuyện tham sân si, không còn loạn động với cảnh
trần hàng ngày, duy nhất, tâm chỉ còn trạng thái phẳng lặng, tịch tịnh, gọi là
nhất tâm bất động, hay nhất tâm bất loạn.
Tùy theo
tâm con người dẹp được, bớt được bao nhiêu tham sân si vọng tâm, thì trí sáng
chân tâm (hay tuệ nhãn) hiển lộ bấy nhiêu. Ví như mây đen (vọng tâm, phiền não)
tan biến bao nhiêu, thì mặt trời (tuệ nhãn hay chân tâm) hiển lộ ánh sáng bấy
nhiêu. Tất cả đều do công phu tu tập của mỗi cá nhân, theo từng thời gian ngắn
hay dài, mau hay lâu.
Cho đến
khi vọng tâm hoàn toàn biến mất, chân tâm hoàn toàn
hiển lộ, thì con người hoàn toàn giác ngộ và giải thoát, không còn sanh
tử luân hồi, gọi là đắc đạo. Đây chính là cốt tủy của đạo Phật.
Muốn
thành công, đạt được mục tiêu nầy (đáo bỉ ngạn) con người phải nổ lực hàng
ngày, không phải dễ dàng trong vài tháng, hay vài năm, nhưng cũng không phải không ai đạt được đâu. Trong lịch sử các
nước, nhiều vị chân tu thực học đạt được cảnh giới này, không phân biệt tại gia
hay xuất gia, không cần phải tu ở trong chùa, không phải là đệ tử của vị nầy
hay của môn phái nọ. Nhưng các vị không ai nói ra, các vị chỉ tu hành và dẫn
dắt người hữu duyên tu hành. Người nào nói rằng họ đạt được như vậy, như vậy, nhờ
pháp này hay pháp kia, toàn là những người muốn tự tôn làm lãnh tụ, muốn tự
đánh bóng để được tôn sùng, gạt gẫm mọi người, không ngoài mục đích danh và lợi
mà thôi.
Những
chuyện vu vơ khác, xin miễn bàn để khỏi bị loạn tâm trong thế giới đảo điên xưa
nay.
Thầy mong
rằng những điều giải thích trên đây giúp cho ĐH Lệ Hằng hiểu được chánh pháp và
Thầy mong ĐH Lệ Hằng đọc phần sau đây về ý nghĩa của sự cầu nguyện, rất bổ ích,
để suy nghiệm thêm.
Nam Mô
Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật.
Kính thư,
VP.PHTQ.CANADA
TRÍ TUỆ BÁT NHÃ
(TRÍCH: Giá trị con người - Cư Trần Lạc Đạo Tập 3)
TK THÍCH CHÂN TUỆ
Câu trả lời đó là: "Người
muốn thực hành được pháp nhẫn ba la mật, phải đạt được trạng thái vô
ngã".
Trước hết, người đạt được "trạng thái vô
ngã" là người không còn chấp "cái ta" tầm thường, như
mọi người trên thế gian này thường chấp. Người đời thường chấp, thường cho
rằng, tấm thân tứ đại mấy chục ký lô chính là "mình", chính là
"ta". Khi được hỏi mình là ai, người đời thường chỉ ngay ngực,
hay chỉ vào tấm thân tứ đại nặng nề và trả lời: Ta đây nè! Cho nên, hể ai
đụng đến "ta", thì phải phản ứng ngay, phải đối phó ngay, nhịn
không nổi, nín không được. Trái lại, người đạt được "trạng thái vô
ngã" là người hiểu rõ ràng: tấm thân, do đất nước gió lửa hợp thành
này, không phải là "ta" thực sự. Đó chỉ là cái trạm dừng tạm thời của
kiếp này, trong vô số kiếp, của "ta" mà thôi. Đến khi mãn kiếp này đời này, "ta" sẽ bỏ lại cái tấm thân đó
mà ra đi, tìm cái thân xác khác, trong sáu nẻo luân hồi. Nếu không khéo, do lòng tham lam lâu đời dẫn dắt, "ta" lại
chọn nhằm cái thân con heo, hoặc do lòng sân hận lâu đời dẫn dắt,
"ta" lại chọn nhằm cái thân con rắn mãng xà, hay do lòng si mê lâu
đời dẫn dắt, "ta" lại chọn nhằm cái thân con bò, thì khốn khổ biết là
bao nhiêu.
Sở dĩ gọi đó là "tấm thân tứ đại", do
"đất nước gió lửa" hợp thành, bởi vì nếu không có những chất từ
đất ra như thức ăn, những chất từ nước như thức uống, những chất từ gió như
dưỡng khí, những chất từ lửa như hơi ấm, bồi bổ liên tục mỗi giây, mỗi phút,
mỗi giờ, mỗi ngày, thì chúng ta đã vong mạng từ lâu rồi vậy. Đó chỉ là
"tấm thân tứ đại", không phải thực là "ta" vậy.
Thứ đến, người đạt được "trạng thái vô ngã" là người hiểu rõ ràng: tâm trạng của mình luôn luôn thay đổi trong từng sát na, trong từng giây phút. Những tâm niệm, những suy tư, nghĩ tưởng trong giây phút trước đây, bây giờ đã khác đi hay không còn nữa. Tâm tánh của mình có khi hiền thiện như thánh nhơn, cũng lắm khi độc hại còn hơn ác quỉ. Mình chỉ thấy mọi người khác gian ác, mọi người khác nguy hiểm, mọi người khác sai lầm, đáng bị trừng phạt, đáng bị bỏ tù, đáng bị xử tử, để cho xã hội này, cho thế gian này, trong đó có mình, được sống bình yên, được hưởng sung sướng! Con người thường thấy là mình đúng, khi đòi hỏi phải trừng phạt thật nặng, đòi hỏi phải bỏ tù rục xương, đày đọa địa ngục, xô xuống hỏa ngục, những người khác phạm tội ác. Con người thường suy nghĩ, sáng chế, yêu cầu thi hành những hình phạt ghê rợn nhất để trừng phạt, trừng trị đích đáng những phạm nhân đã sát hại thân nhân mình và nghĩ rằng người quá cố sẽ vui lòng nơi suối vàng. Thực ra, đó là tâm trạng của chính mình muốn như vậy mà thôi. Người đã chết có nói gì đâu, có yêu cầu gì đâu, có đòi hỏi gì đâu? Bởi vậy có câu: "Suy bụng ta ra bụng người... chết! ".
Thứ đến, người đạt được "trạng thái vô ngã" là người hiểu rõ ràng: tâm trạng của mình luôn luôn thay đổi trong từng sát na, trong từng giây phút. Những tâm niệm, những suy tư, nghĩ tưởng trong giây phút trước đây, bây giờ đã khác đi hay không còn nữa. Tâm tánh của mình có khi hiền thiện như thánh nhơn, cũng lắm khi độc hại còn hơn ác quỉ. Mình chỉ thấy mọi người khác gian ác, mọi người khác nguy hiểm, mọi người khác sai lầm, đáng bị trừng phạt, đáng bị bỏ tù, đáng bị xử tử, để cho xã hội này, cho thế gian này, trong đó có mình, được sống bình yên, được hưởng sung sướng! Con người thường thấy là mình đúng, khi đòi hỏi phải trừng phạt thật nặng, đòi hỏi phải bỏ tù rục xương, đày đọa địa ngục, xô xuống hỏa ngục, những người khác phạm tội ác. Con người thường suy nghĩ, sáng chế, yêu cầu thi hành những hình phạt ghê rợn nhất để trừng phạt, trừng trị đích đáng những phạm nhân đã sát hại thân nhân mình và nghĩ rằng người quá cố sẽ vui lòng nơi suối vàng. Thực ra, đó là tâm trạng của chính mình muốn như vậy mà thôi. Người đã chết có nói gì đâu, có yêu cầu gì đâu, có đòi hỏi gì đâu? Bởi vậy có câu: "Suy bụng ta ra bụng người... chết! ".
Mấy ai nghĩ được rằng: nếu làm như vậy, cả hai gia
đình phạm nhân và nạn nhân cũng đều thiệt hại một nhân mạng, đều cùng đau khổ
như nhau. Thỉnh thoảng báo chí cũng có đăng các tin rất cảm động, gia
đình nạn nhân xin giảm tội, xin xử nhẹ tội, hay xin tha tội cho phạm
nhân.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ân báo oán, oán nghiệp tiêu tan.
Con người thường nhân danh công lý, nhân danh
tôn giáo, nhân danh lẽ phải, nhân danh thượng đế, nhân danh đủ các thứ có
thể nhân danh được, để kết án, kết tội, trừng trị tất cả mọi người khác. Còn
nếu mình phạm tội thì đáng được tha thứ, phải được tha thứ, người khác thì
không đáng được! Cái chỗ bất công này là nguyên nhân chính, đưa tới xáo trộn,
biến loạn trong xã hội là như vậy. Cuối cùng, người đạt được "trạng thái
vô ngã" chính là người không còn chấp "cái ta" tầm thường như
mọi người trên thế gian này thường chấp. Người đạt được"trạng thái vô
ngã" là người hiểu rõ ràng rằng: "ta" không phải là cái
thân tứ đại nặng nề, và cũng không phải là cái tâm suy nghĩ lăng xăng lộn xộn
thường ngày, bởi vì những thứ đó bị vô thường chi phối, nay còn mai mất, chợt
hiện chợt biến, không tồn tại vĩnh viễn.
Như vậy, "cái gì" tồn tại vĩnh viễn,
không bị vô thường chi phối, "cái gì" bất cấu, bất tịnh, bất tăng,
bất giảm, theo như Đức Phật chỉ dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh? Đó chính là "cái ta chơn thật", đó chính là "con người
chơn thật" của tất cả chúng ta. Mục đích cứu
kính rốt ráo tột cùng của Đạo Phật chính là nhằm khai mở, chỉ bày "con
người chơn thật" đó cho mọi người biết được, hiểu được, ngộ được, nhập
được, sống được. Người nào được như vậy tức là được giác ngộ và giải thoát,
được an lạc và hạnh phúc hiện đời.
Trong kinh sách, Đức Phật có dạy: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn".
Nghĩa là trên trời dưới đất chỉ có "cái ta
chơn thật" là điều độc nhứt đáng tôn trọng, đáng trân quí mà thôi. Cũng
trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật có dạy:
Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố,
viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn.
Nghĩa là: Nếu chúng ta
ngộ được, nhập được, sống được bằng "con người chơn thật" không tướng
mạo, nên không dơ, không sạch, không tăng, không giảm, không kẹt nhị biên, thể
nhập bất nhị pháp môn, thì tâm chúng ta không bị bất cứ cái gì có thể khủng bố,
nên không còn sợ hãi, do không còn sợ hãi nên không có gì có thể khiến cho mình
kinh khiếp hoảng sợ, chúng ta xa lìa được tất cả các chuyện điên đảo đảo điên,
các chuyện mộng mơ mơ tưởng, các chuyện không thực ở thế gian, cuối cùng đạt
được cảnh giới niết bàn vô sanh, không còn phiền não khổ đau, không còn sinh tử
luân hồi.
Đó mới chính thực là mục đích cứu kính của người
theo đạo Phật bằng trí tuệ bát nhã.
VÌ NGƯỜI HAY VÌ MÌNH?
-
Ngoại à! Ngoại mua mấy cái
bánh cam nầy hôi hết rồi làm sao mà ăn đây, lần sau Ngoại đừng có mua nữa!.
-
Cháu à! Con thấy ăn được
thì ăn, không thì bỏ đi. Vì Ngoại thấy đứa nhỏ bằng tuổi đi học giống như cháu,
mà không được đi học phải bưng rỗ bánh cam đi bán, áo quần cũng không lành lặn.
Nghĩ vậy thay gì Ngoại cho nó tiền, Ngoại mua hết rỗ bánh cam còn lại đó thôi,
cháu hiểu thì đừng cằn nhằn Ngoại nữa được không?.
-
Cám ơn Ngoại, đã dạy cho con
biết suy nghĩ vì người không vì mình quá nhiều!!!
CHẤP HAY KHÔNG CHẤP?
-
Má à! anh rể và chị Hai mê
tín chấp rằng trong nhà mình đang có tang Ba xui lắm, không muốn Má đi dự đám
cưới cháu ngoại, thôi thì Má cũng đừng thèm đi nha!
-
Hồi sáng nầy, anh rể và chị
Hai của con có đến xin lỗi và xin Má tha thứ những lời nói vô tình xúc phạm đến
Má. Năn nỉ Má thương con cháu đừng chấp. Má quyết định rồi, Má sẽ đi đưa cháu
ngoại về nhà chồng. Nếu Má không đi, thì người chấp, người mê tín là Má đó.
PHƯỚC Ở ĐÂU?
-
Anh làm người tốt có ích
gì, phải nghĩ cho bản thân, cho vợ con gia đình anh sung sướng, đầy đủ giàu có
trước, khi nào có dư giả rồi hãy nghĩ đến làm tốt giúp người khác có được
không?
-
Được chứ! Như vậy anh sẽ
hưởng hết phước rồi, còn đâu dành cho em và con nữa!! khi muốn em thỏa mãn sung
sướng và giàu có thì anh phải tạo nghiệp bất thiện, vì gia đình hại người, cuối
cùng thì phước hay họa tới đây?!!..Anh làm chuyện tốt giúp người là đang tạo
phước an lành, hạnh phúc cho các con và em đó.
CÓ NÊN MUA HAY KHÔNG MUA?
-
Thưa Ba, có một số người đến
nhà con bán nhang đèn, có khi mặc y phục tu sĩ. Con lưỡng lự, không biết có nên
mua không, họ là người tu thật hay giả?
-
Con có cần dùng nhang đèn
hay không? Đó mới là điều cần thiết phải suy nghĩ mua hay không mua. Họ là người
bán con là người mua, có sự trao đổi, việc gì không thiệt thòi mình cũng không
hại người thì con làm đúng là vậy đó.
NGUỒN GỐC CỦA KHỔ ĐAU
GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT
GIÚP VỢ THOÁT KHỎI MÊ TÍN DỊ ĐOAN
PHƯỚC TUỆ SONG TU
GỐC RỄ CỦA SỰ AN LẠC
PHẢI CÓ TRÍ TUỆ MỚI MONG VÃNG SANH