Saturday, 11 February 2012

*** CHÁNH KIẾN VÀ CHÁNH TÍN (CƯ TRẦN LẠC ĐẠO TẬP 1)

CHÁNH KIẾN VÀ CHÁNH TÍN
TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ


Chánh kiến là kiến thức chân chánh, hay sự hiểu biết sáng suốt, đúng lẽ thực, đúng chân lý. Chánh tín là niềm tin chân chánh, niềm tin có căn cứ, thông qua trí tuệ sáng suốt của con người. Nói tóm gọn là: Thấy "đúng như thực" và tin "đúng như thực" gọi là chánh kiến và chánh tín. Chánh kiến là bước thứ nhứt trong "bát chánh đạo", gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chánh kiến là điều kiện thiết yếu hàng đầu, để giúp con người có chánh tín, để giúp con người có thể phán đoán, nhận xét và nhìn thấy vạn hữu sự vật đúng với bản chất của nó, đúng với chân thật tướng, không tự dối, không trốn tránh sự thực và không trốn tránh cuộc đời.


Ðạo Phật là đạo xuất thế gian nhưng không xa rời thế gian. Ðạo Phật vào đời để giác ngộ và giải thoát người đời, khỏi phiền não và khổ đau, khỏi sanh tử luân hồi, nhưng không bị vẩn đục vì đời, ví như hoa sen mọc từ bùn nhơ nhưng không nhơ vì bùn, mà vẫn tỏa hương thơm ngát. Ðạo Phật cứu độ nhân loại đang còn ở thế gian này được giác ngộ và giải thoát, chứ không phải đợi đến khi con người chết mới độ về Tây phương cực lạc!
Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu bốn chánh kiến quan trọng sau đây: Một là "Lý Nhân Quả", còn gọi là "Lý Nhân Duyên". Hai là "Lý Vô Thường". Ba là "Lý Trùng Trùng Duyên Khởi". Bốn là "Thập Như Thị".

1) LÝ NHÂN QUẢ:
Ngày nay, nhờ kiến thức khoa học, chúng ta đã hiểu rõ, nếu gieo hạt cam xuống đất, cộng thêm những "trợ duyên" như nước tưới, ánh sáng, phân bón, công chăm sóc, thời gian sau, chúng ta có thể gặt được quả cam. Nói gọn là: "Nhân nào quả nấy". Ðôi khi có nhân nhưng thiếu trợ duyên, cũng không gặt được quả. Cho nên được gọi lý nhân quả hay lý nhân duyên, chính là nghĩa đó vậy. Lý nhân quả ứng dụng trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.
Nghĩa là: Có những nghiệp nhân tạo tác trong quá khứ, chúng ta nhận nghiệp quả trong hiện tại. Có những nghiệp nhân tạo tác trong hiện tại, chúng ta sẽ nhận nghiệp quả trong vị lai. Cũng như có những hạt giống trồng được quả sớm, có những hạt giống trồng được quả sau một thời gian nào đó, ngắn hay dài.

Cho nên chúng ta đừng ngạc nhiên, khi thấy có những kẻ đang gây nghiệp nhân xấu xa, tức là họ đang làm các việc xấu ác, các việc bất thiện, nhưng vẫn được sung sướng, bình yên. Tại sao vậy? Bởi vì họ đang hưởng nghiệp quả tốt, từ nghiệp nhân lành tạo tác từ nhiều kiếp trước, trong kinh sách gọi đó là "phước báo". Tức là họ đang hưởng phước báo đã gieo từ nhiều kiếp trước. Ðến khi hưởng hết phước báo đó, thì họ sẽ bắt đầu gặt "quả báo" từ những việc xấu ác, những việc bất thiện, do chính họ đang gây ra. Ðến khi đó, nhẹ thì tán gia bại sản, tiêu tan sự nghiệp, nặng thì vong mạng thảm tử, chết chẳng toàn thây.


Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy:"Con người khi đang hưởng phước báo, cũng như mủi tên bắn lên không trung. Mủi tên bay lên rất nhanh, rất mạnh, cũng như con người gặp mọi sự may mắn, tốt đẹp, như ý. Ðến khi phước báo hết, con người bắt đầu đền trả nghiệp báo, cũng như mủi tên hết trớn thì rơi xuống đất vậy".

Do đó, chúng ta đừng ngạc nhiên khi đã làm hay đang làm không biết bao nhiêu việc lành, việc thiện, việc tốt, giúp người, giúp đời, bố thí, cúng dường, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, nhưng vẫn gặp khốn nạn, khổ sở, điêu đứng, kiện thưa, đói rách, nạn tai liên miên. Tại sao vậy? Bởi vì những nghiệp nhân thiện lành chúng ta đã làm hay đang làm hiện đời chưa tới lúc có kết quả. Trái lại, chúng ta đang thọ lãnh nghiệp báo xấu, là hậu quả từ những nghiệp nhân chẳng lành, do chính chúng ta đã tạo tác trong quá khứ trước kia. Hiểu được như vậy, chúng ta mới có thể vẫn tinh tấn, tiếp tục làm việc thiện, việc tốt, không mệt mỏi, không ngừng nghỉ, để tạo tác thêm phước báu, trong khi vẫn đang chịu nghịch cảnh, khổ nạn. Ðó là chánh tinh tấn trong bát chánh đạo vừa kể trên.

Chúng ta đừng vội cho là "ở hiền không gặp lành", đừng vội nghĩ làm ác sướng hơn, đừng vội tin thủ đoạn nhiều thì lợi lộc nhiều. Tại sao vậy? Bởi vì, không thể nào gieo hạt cam ngọt lại gặt quả chanh chua được, hoặc ngược lại. Nhân nào thì quả nấy, có lửa thì có khói, gieo gió thì gặt bão, sinh sự thì sự sinh, làm thiện thì gặp lành, làm ác thì gặp ác, chạy trời sao khỏi nắng! Cũng có những trường hợp quả báo nhãn tiền. Quả báo có nghĩa là nghiệp quả hay nghiệp báo phải nhận, từ nghiệp nhân đã tạo tác. Quả báo nhãn tiền tức là gieo nhân nào thì gặt ngay "kết quả tốt", hay nhận ngay "hậu quả xấu" hiện đời. Thí dụ như chăm chỉ thì học giỏi, cần mẫn thì sung túc, tiết kiệm thì có dư, điều độ thì sống lâu, có ăn thì no bụng, thể dục thì khỏe thân. Thí dụ như ngậm máu phun người liền dơ miệng mình, nghiện ngập thì khổ thân, lười biếng thì nghèo nàn, cờ bạc thì nợ nần, hoang phí thì đói rách, trộm cướp thì ở tù, hại người thì người hại, gậy ông lại đập lưng ông, viết thư nặc danh thì xanh xao hao sức, chẳng ích lợi gì cho thân và tâm của tác giả.

Tuy nhiên, dù nghiệp nhân đã lỡ tạo tác rồi, từ nhiều kiếp trước, hay ngay kiếp này, nhưng nếu chúng ta "biết dừng nghiệp, biết chuyển nghiệp", tức là biết ăn năn sám hối, biết quày đầu hướng thiện, biết tu tâm dưỡng tánh, biết tu nhơn tích đức, thì khi nghiệp quả hay nghiệp báo, nói chung là "quả báo" có đến, cũng sẽ nhẹ bớt đi nhờ có "phước báo" do chính mình tạo tác được, che chở cho mình. Chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ sẽ hóa không. Bằng như không biết dừng nghiệp, không biết chuyển nghiệp, thì khi nghiệp quả hay nghiệp báo, nói chung là quả báo có đến, chúng ta sẽ lãnh đủ. Thí dụ như chúng ta có biết tiết kiệm, biết dành dụm thì sẽ có khả năng trả bớt, trả dứt nợ nần xưa vậy. Tiền tiết kiệm dụ cho phước báo, nợ nần xưa dụ cho quả báo.


Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy thí dụ như sau: Một người bị bắt buộc phải nuốt một nắm muối thì quả thực là khổ sở vô cùng. Nếu người đó có thể bỏ nắm muối vào một tô nước rồi uống thì sẽ đỡ khổ hơn một chút. Nếu người đó có thể bỏ nắm muối vào một lu nước rồi uống thì sẽ đỡ khổ nhiều hơn chút nữa. Nếu người đó có thể bỏ nắm muối vào một hồ nước lớn rồi uống thì sẽ không thấy khổ sở bao nhiêu, hoặc không có thấy khổ gì cả. Nắm muối tượng trưng cho "quả báo" phải thọ nhận, từ nghiệp nhân xấu ác, bất thiện đã tạo tác. Tô nước, lu nước hay hồ nước lớn tượng trưng cho "phước báo" ít hay nhiều, từ nghiệp nhân thiện lành, tích lũy được từ nhiều kiếp cho đến ngày nay vậy.

Hiểu được lý nhân quả một cách tường tận như thế, chúng ta sẽ bớt phiền não và khổ đau rất nhiều. Chẳng hạn như mới gặp người nào đó, nhưng họ ghét chúng ta cay đắng, thì phải quán: chuyện đó không phải là tự nhiên, không phải là tự dưng họ ghét mình. Nhứt định chúng ta đã có gây oán hờn, từ đời trước với họ, có khi ngay đời này, tại chúng ta không biết, không để ý đó thôi. Hiểu được như vậy, chúng ta không bực bội, không phiền não, không trách cứ người đó, chỉ biết trách mình và càng thận trọng hơn trong cách cư xử, trong hành động, trong lời nói, ngay cả trong tư tưởng, để không tạo thêm nghiệp nhân mới, giảm bớt oán hờn xưa. Chẳng hạn như có người đem bụi dơ ném vào chúng ta. Chúng ta hiểu ngay là nghiệp quả hay nghiệp báo, nói chung là quả báo, đang đến. Chúng ta chỉ nên tự lo trong sạch thân và tâm của mình, không ném trả bụi dơ lại người đó. Bằng không cả hai đều lấm dơ lem luốc!
Sách có câu: "Trách người một, trách ta mười. Bởi ta tệ trước nên người bạc sau". Nghĩa là chúng ta có bị người đời đối xử bạc bẽo cũng do chúng ta đã đối xử tàn tệ với họ trước. Chúng ta hãy can đảm nhận lỗi, qui tội về mình, đừng đổ lỗi cho người, đừng than phiền, đừng trách móc ai cả. Chúng ta cần nên biết rằng: "Không bao giờ có quả mà không có nhân". Nghĩa là không bao giờ có chuyện gì xảy ra mà không có nguyên nhân xa và nguyên nhân gần, chỉ tại chúng ta không chịu quán chiếu, không chịu tìm hiểu đó thôi.

Hiểu được lý nhân quả một cách tường tận như thế, chúng ta sẽ thấy phiền não và khổ đau hay an lạc và hạnh phúc đều do chính chúng ta chủ động tạo tác, không do thượng đế, hay bất cứ thần linh nào, ban phước hay giáng họa cả. Chúng ta có làm bất cứ điều gì, thì phải có can đảm chịu, can đảm nhận. Nói gọn là: "Dám làm thì dám chịu". Cũng như sách có câu: "Tự tác hoàn tự thọ" chính là nghĩa đó vậy. Chẳng hạn như khi có chuyện bất hòa, tranh chấp trong gia đình, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra, có phải do tâm ích kỷ, do lòng tham lam, do sự cố chấp, do những người trong nhà chấp chặt ý kiến cá nhân hay không. Tìm được nguyên nhân rồi chúng ta tích cực sửa đổi, tích cực chuyển hóa tâm hồn của chính chúng ta. Như vậy, chúng ta mới có khả năng xây dựng một mái ấm gia đình an lạc và hạnh phúc.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Vũ trụ vạn vật đều do nhơn duyên sinh". Nghĩa là vũ trụ vạn vật đều do nhơn và do duyên sinh ra, chứ không do một vị thượng đế, một đấng tạo hóa toàn năng nào sinh ra, tạo ra cả. Có người thắc mắc: Thế nào là nhơn duyên sinh? Câu trả lời: "Thử hữu cố bỉ hữu. Thử sinh cố bỉ sinh". Nghĩa là: "Do cái này có nên cái kia có, do cái này sinh nên cái kia sinh". Chẳng hạn như có chọc chó nên mới bị chó cắn. Muốn không bị chó cắn thì đừng chọc chó! Thực vậy, thời nay chúng ta hiễu rõ, có lửa mới có khói, có ăn mới có no, có tu mới có chứng, có học mới có hiểu, có mây mới có mưa, có gieo trồng nhân mới có gặt hái quả. Không có ông trời nào làm ra mưa cả, mặc dù chúng ta quen gọi trời mưa hay trời nắng! Không có thiên lôi nào làm ra sấm sét để hù dọa con người cả. Chỉ tại con người, lạc hậu kém cỏi, ít học giáo lý, mê tín dị đoan, tưởng tượng có trời, tin có thượng đế, quyền năng tuyệt đối, có thể ban phước, có thể giáng họa, rồi tự hoảng sợ, giống như con nít, hay sợ bóng ma, sợ luôn ông kẹ, chỉ vậy mà thôi, không có gì khác.
Khi trong gia đình, có chuyện bất hòa, chúng ta hiểu ngay, là chính mình đã, "làm việc gì đó", mới khiến người khác, phản ứng như vậy. Chúng ta phải tự xét lại mình, trước khi mở lời trách người khác. Chắc chắn do mình đã làm "chuyện đó", nên mới có "chuyện này" xảy ra, nên người ta mới làm "chuyện kia" đáp ứng vậy đó thôi.
Nghĩa là: Có chuyện này xảy ra nên chuyện kia mới xảy ra. Chẳng hạn như mình có kỳ cục, người khác mới bực bội. Chẳng hạn như mình có nói khó nghe mới bị chúng chửi! Nếu mình dễ tính, dễ thương thì được yêu mến, quí trọng. Thấy người khác tỏ vẽ bực bội, nếu chúng ta chỉ biết trách cứ, chỉ biết đối đáp, chỉ biết trả đủa, thì càng làm chuyện lớn thêm mà thôi. Tây phương có câu: "Do not sweat the small stuff, it is all small stuff". Chuyện nhỏ bỏ đi, đừng thêm to chuyện. Chiêm nghiệm suy xét kỹ lưỡng như vậy, chúng ta tạo được gia đình hạnh phúc không khó.


Chúng ta cần nên biết rằng: "Không việc gì trên đời tự nhiên sinh ra cả". Không thể tự nhiên có cái cây mọc lên, mà không có hạt giống ở trong đất. Không thể tự nhiên có người đến mắng chửi khơi khơi, hoặc không thể tự nhiên có người ghét, mà không do chính chúng ta đã làm điều sái quấy, dù vô tình hay cố ý. Không thể tự nhiên mình gặp tai nạn chết người, mà không có quả báo từ trước, do chính mình tạo tác. Không thể tự nhiên con cái ngỗ nghịch mà chúng ta không có lỗi gì cả. Sách có câu: "Nhân chi sơ tánh bổn thiện". Con cái có mất dạy là do chúng ta không biết dạy đó thôi, đừng trách tuổi trẻ, hãy trách chính mình. Hiểu được như vậy, còn gì đáng ngạc nhiên, đáng bực bội nữa đâu?

Muốn trị thân bệnh, tức là trị dứt bệnh tật của thân thể, chúng ta phải đi khám bác sĩ, phải uống thuốc, phải ăn uống điều độ, phải giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung, phải tập thể dục. Chứ không phải chỉ biết cầu xin thượng đế, van vái Trời Phật, tìm uống nước sông nước suối, cho là nước tiên nước thánh, mà hết bệnh được. Nếu sự thực có như vậy, các vị giáo chủ đã đến đó lấy nước về uống trị bệnh, không cần bác sĩ, không cần bệnh viện! Càng tệ hơn nữa là đi gặp mấy ông bà thầy bói, mấy ông bà đồng cốt, để thỉnh bùa chú, thỉnh kính chiếu yêu, dán đầy nhà cửa, trừ tà trừ ma, hay đem đốt uống! Muốn trị tâm bệnh, tức là muốn giảm bớt cái quả phiền não và khổ đau, chúng ta phải biết rõ nguyên nhân nào gây ra những phiền não và khổ đau đó, rồi tích cực tu sửa, chứ không than trời trách đất gì cả. Cảnh giới thiên đàng hay địa ngục tùy thuộc nơi chúng ta tạo tác, chứ không từ bất cứ nơi nào tới, không do trời thần quỉ vật nào quyết định cả. Ðó là chánh kiến quan trọng mà tất cả chúng ta cần phải có, phải hiểu, phải biết, để cuộc sống có ý nghĩa hơn.

2) LÝ VÔ THƯỜNG:
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng". Nghĩa là bất cứ những gì có hình, có tướng trên thế gian này đều là hư vọng, giả dối, không tồn tại vĩnh viễn. Mọi sự sự vật vật trong thế giới này đều trải qua bốn giai đoạn: "sinh, trụ, dị, diệt" hoặc "thành, trụ, hoại, không". Từ những vật nhỏ như cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái cửa, kể cả cái xác thân tứ đại của chúng ta, đến những thứ to lớn như núi non, quả địa cầu, thảy đều được sinh ra, được hình thành, tồn tại trụ thế một thời gian nào đó, rồi cũng bị biến dị, hư hoại, cho đến ngày nào đó, bị tiêu diệt, hủy diệt, thành ra không có còn nữa. Chúng ta ai ai cũng biết rằng: "Có sinh ắt có diệt". Cũng trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy Nhứt thiết hữu vi pháp Như mộng huyển bào ảnh Như lộ diệc như điển Ưng quán như thị tác.

Nghĩa là tất cả mọi pháp, mọi sự sự vật vật trên cõi đời, đều như là giấc mộng không thực, như là huyễn hóa, ảo thuật giả tạo, như là bào bọt, bóng nước mong manh, như là ảo ảnh mơ màng, như là giọt sương dễ tan, như là điện chớp thấy đó mất đó, không có gì tồn tại vĩnh viễn cả. Hiểu được lý vô thường một cách tường tận, một cách sâu sắc, chúng ta sẽ không phiền não và khổ đau nhiều, như khi có chiếc xe bị hư hoại, khi có một vật quí bị mất mát hay rớt bể, thậm chí khi người thân có mệnh hệ nào hoặc chính chúng ta đến ngày phải bỏ lại xác thân tứ đại và ra đi. Hoặc khi con cái lỡ tay đập bể đồ đạc gì, dù quí giá đến đâu, nhưng nhờ hiểu được lý vô thường một cách thấu đáo, chúng ta sẽ không vì tiếc của, la rầy, mắng nhiếc con cái. Gia đình nhờ đó được an lạc và hạnh phúc. Hiểu được lý vô thường một cách mạnh mẽ, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy một người thân thiết biến thành kẻ thù không đội trời chung, một người tốt biến thành kẻ xấu hay ngược lại, một người ơn biến thành kẻ oán, một kẻ si mê biến thành người giác ngộ. Tại sao vậy? Bởi vì: Tâm của con người cũng như thân của con người, không phải bất biến, không phải vĩnh cửu, không phải cố định, mà chỉ là một dòng năng lực chuyển biến không ngừng, tùy duyên mà có, tùy duyên mà thành, và cũng tùy duyên mà diệt.


Cũng vậy, con người tùy theo lợi lộc mà tâng bốc tán dương, khen ngợi ca tụng, bốc thơm xum xoe. Con người cũng tùy theo lợi lộc mà hạ nhục phỉ báng, chỉ trích bới móc, bôi tro trét trấu, ném đá giấu tay, viết thư nặc danh, hăm he hù dọa, vu oan giá họa, lôi nhau ra tòa, kiện cho sạt nghiệp! Thực chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả! Mọi sự thăng trầm của thể chất hay những hiện tượng của tâm linh, giống như một dòng nước, luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi, không bao giờ ngừng nghỉ, dù trong một phút giây. Một thành phố với bao nhiêu nhà cửa, cầu cống, đường xá, xa lộ, đồ sộ nguy nga, vĩ đại huy hoàng, nhưng chỉ qua một đêm có trận động đất, chỉ còn là một đống gạch vụn khổng lồ mà thôi. Thường xuyên quán chiếu lý vô thường như vậy, chúng ta sẽ giảm bớt phiền não và khổ đau rất nhiều.


3) LÝ TRÙNG TRÙNG DUYÊN KHỞI:
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật giảng dạy rõ ràng lý trùng trùng duyên khởi. Chúng ta cần phải biết rằng trên cuộc đời này, mọi sự vật không bao giờ bình yên trôi chảy, không bao giờ an ổn như ý chúng ta mong muốn. Việc này vừa xong thì việc khác xảy đến. Chuyện này chưa dứt thì chuyện khác đã tới, liên tục và liên tục không bao giờ ngừng, cũng như gió ngoài biển khơi vậy. Tây phương có câu: "Que sera sera! " hay "What will be will be! ". Tạm dịch: "Chuyện gì phải đến sẽ đến!". Không tránh được chuyện đời, chúng ta hãy chấp nhận một cách bình thản vậy. Không thể cầu được bình yên khi chúng ta không có phước báo.

Sách có câu: "Có phước thì hưởng phước". Chúng ta không thể hưởng phước, trong khi không chịu làm phước, chỉ biết van xin, cầu nguyện, làm sao có phước được mà hưởng? Cũng như muốn xài tiền, thì phải làm việc kiếm ra tiền, phải có tiền, vậy thôi, đi xin tiền thì ai cho? Ðó là sự thực hiển nhiên. Chúng ta nhận thức được như vậy, thì sẽ không ngạc nhiên, không đau khổ khi phải đối đầu với những cảnh ngộ phiền não, liên tiếp xảy ra trên cuộc đời này, trong cuộc đời của chúng ta. Người nào chịu đựng được bát phong, tức là tám ngọn gió thế gian, luôn luôn thổi tới tấp, người đó được gọi là "bát phong xuy bất động", đó chính là bậc đại nhân. Bát phong đó chính là: "lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc", tức là lợi lộc, suy sụp, hủy báng, khen tặng, tán thán, chỉ trích, khổ nạn, sung sướng. Sách có câu: "Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí" nghĩa là các điều phước, các việc may, thường không đến hai lần, trái lại, tai họa thì tới liên miên, hết chuyện này đến chuyện khác xảy ra dồn dập.

4) THẬP NHƯ THỊ:
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thường gọi là Kinh Pháp Hoa, Ðức Phật có dạy mười điều đương nhiên đúng như thế, còn gọi là "thập như thị". Ðó là: như thị tánh, như thị tướng, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhơn, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh. Nghĩa là: Do tâm tánh của con người như vậy, cho nên hình tướng của con người là như vậy. Do bản thể của con người như vậy, cho nên nghiệp lực của con người là như vậy. Do tạo tác của con người như vậy, gây ra nghiệp nhơn như vậy, cộng thêm nghiệp duyên như vậy, cho nên nghiệp quả của con người là như vậy. Vì nghiệp báo của con người như vậy, cho nên từ xưa đến giờ cứu cánh của con người cũng chỉ là như vậy.

Thí dụ như khi người ta đưa lửa tới đốt, chúng ta đưa bổi ra đón, lửa có điều kiện cháy lớn hơn. Nếu chúng ta không đón ngọn lửa do người ta đem tới, thì ngọn lửa đó chỉ đốt hư không mà thôi. Không ai có thể đốt cháy hư không được. Một lát ngọn lửa cũng sẽ tắt queo, không gây thiệt hại gì! Cũng vậy, khi bị người khác công kích, chỉ trích, mạ lị, miệt thị, chúng ta "không chấp" vào đó, coi chuyện đó là những chuyện "đương nhiên phải có" ở thế gian đầy tranh chấp, ganh tị, đố kỵ, chúng ta sẽ an ổn, không ai xâm phạm được, không ai đốt được khi tâm của chúng ta bình thản, trống rỗng như hư không.

Thí dụ như giới chủ nhân thì muốn công nhân làm việc nhiều, năng xuất cao, nghiệp vụ tốt nhưng lãnh lương thấp. Trái lại, giới công nhân thì muốn lè phè, chọn việc nhẹ, nghỉ nhiều, làm ít, nhưng lãnh lương cao! Cuộc đời là như thế, là "như thị". Thí dụ như hai con gà ghét nhau vì tiếng gáy, hai con người ghét nhau vì tiếng nói, hai cô ca sĩ có bao giờ thương nhau. Cuộc đời là như thế, là "như thị". Thí dụ như chúng ta đem lợi lộc đến thì người ta yêu mến, còn đem phiền toái tới thì người ta chửi bới. Ðem quà tới thì được, đem họa tới thì không. Khi đến các nơi công cộng, có tiền thì hậu đãi, không tiền thì bạc đãi. Cuộc đời là như thế, là "như thị". Thí dụ như con người vốn tánh tham lam và lười biếng, tu thì không muốn, hoặc chỉ hành ít ít, chút chút thôi, nhưng lại thích được lên thiên đàng, hay vãng sinh tây phương cực lạc, hưởng sự sung sướng, hoặc đợi đến khi chết, bà con đăng báo cầu chúc tiêu diêu nơi miền cực lạc! Cuộc đời là như thế, là "như thị". Hiểu được đủ mười điều đương nhiên, "thập như thị", như thế, như vậy, tức là chúng ta đã thấy tột chơn tướng của mọi pháp trên thế gian này. Ðược như vậy, được như thế, được như thị, tức là chúng ta đã qua cơn mê, hết mơ toàn chuyện trên mây, chúng ta sẽ sống đời an lạc và hạnh phúc. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta đã giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ tức là qua cơn mê, hết nằm mơ. Giải thoát tức là an lành tự tại thong dong.
* * *
Tóm lại, để chuẩn bị bước sang thế kỷ mới, thiên niên kỷ 2000, để có một cuộc sống tâm linh sung mãn, vững vàng, mạnh mẽ, để có một cuộc sống an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời, chúng ta hãy phát tâm cầu học và áp dụng Phật Pháp ngay trong cuộc sống, một cách tích cực, một cách mãnh liệt, một cách tinh tấn, không bao giờ thoái chuyển.


Trong kinh sách, Ðức Phật có dạy: chúng ta được thân làm người như hiện nay rất là khó. Bởi vì do nghiệp lực dắt dẫn, chúng ta đã từng trôi lăn nhiều đời nhiều kiếp trong sáu nẽo luân hồi. Ðó là: thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta đã từng chịu đựng khổ đau không biết cơ man nào mà kể cho xiết qua các cảnh giới trong ba đường khổ. Bây giờ chúng ta hãy lắng lòng, phát nguyện tu tâm dưỡng tánh, phát triển trí tuệ bát nhã sáng suốt vi diệu, để phá tan màn vô minh che phủ tâm trí của chúng ta tự bấy lâu nay. Cho đến một ngày nào đó, gần hay xa tùy theo công phu tu tập, chúng ta sẽ được giác ngộ và giải thoát, sẽ được thoát ly sanh tử luân hồi, sẽ được hưởng cảnh giới cực lạc, cảnh giới Niết bàn.

Màn vô minh u tối đã che lấp trí tuệ sáng suốt của chúng ta không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp rồi, cũng như những đám mây đen dầy đặc che khuất ánh sáng của mặt trăng, cũng như bóng tối bao phủ căn phòng đã ngàn năm qua. Nhưng chỉ cần học hiểu, thực hành giáo lý của Ðức Phật ngay trong cuộc sống hiện tại, có ngày chúng ta bổng dưng bừng sáng, giác ngộ, thấu hiểu chân lý, ngay trong phút giây. Cũng như chỉ cần một cơn gió mạnh đủ thổi sạch những đám mây đen kia, để mặt trăng trở lại sáng, cũng như chỉ cần bật ngọn đèn lên thì căn phòng sáng lên lập tức, không cần phải đợi ngàn năm sau mới sáng tỏ được.
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: "Người có chánh tín là người đã gieo trồng căn lành nơi vô lượng ngàn muôn Ðức Phật. Người có chánh tín được vô lượng phước đức. Người có chánh tín không còn chấp tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức là không còn chấp ngã, không còn chấp pháp". Chư Tổ có dạy: "Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đãy sách". Dù là Phật Tử tại gia hay xuất gia, đã phát tâm tu theo Phật, thì phải học hiểu giáo pháp, để có chánh kiến và chánh tín, bằng không chỉ là tu mù, dễ lầm đường lạc lối, mê tín dị đoan. Còn nếu chỉ đọc kinh sách và tìm hiểu cho biết, không chịu tu tâm dưỡng tánh, thì cũng như cái đãy, cái bị đựng sách mà thôi.

Vừa học đạo lý vừa tu tâm dưỡng tánh, vừa tu tâm dưỡng tánh vừa học đạo lý, nhứt định có ngày chúng ta sẽ hoát nhiên đại ngộ, tâm trí chúng ta sẽ bừng sáng. Như vậy, cuộc đời của chúng ta bước sang kiếp mới, bước ra khỏi vòng u mê tăm tối ngàn năm, kể từ phút giây giác ngộ đó vậy. Sau khi qua cơn mê, xa cuộc đời trầm luân, hết mơ chuyện huyễn hoặc, ta sẽ ươm thật nhiều, trái yêu thương ngọt ngào, hái đem cho mọi người. Rồi đây sau cơn mê, trí tuệ được khai thông, sông cạn lại thành ròng, qua đến bờ bên kia, phiền não thành an lạc, khổ đau thành hạnh phúc, đấu tranh thành hòa bình, hận thù thành yêu thương, cay đắng thành ngọt ngào, nghi ngờ thành cảm thông, ta bà khổ thành cực lạc quốc, thế gian thành thiên đàng, mọi người thành nhất thể.  

Thật là hạnh phúc thay! Thật là vi diệu thay! Thật là nhiệm mầu thay!

TK THÍCH CHÂN TU
CUTRANLACDAO@YAHOO.COM
PHẬT HỌC TỊNH QUANG
 http://www.phtq-canada.blogspot.com/



DIỆU ĐẠO NAN CẦU
    
TKN Thích Nữ Chân Liễu 



Ngài Viễn Công nói:  
“Trong trời đất thực có những vật dễ sinh. Nhưng, một ngày ấm mà mười ngày lạnh, thì cũng chưa thấy vật nào có thể sinh được. Diệu đạo vô thượng rõ ràng ở nơi tâm, và ngay trước mắt mình, nên cũng dễ thấy được. Song cốt yếu là chí phải bền, làm phải tận lực thì ngay nơi mình, đứng, ngồi cũng có thể mong đợi mà đạt tới được. Nếu một ngày tin, mười ngày ngờ, sớm siêng tối nản, thì không những ngay trước mắt khó mà thấy được, tôi sợ rằng suốt đời cũng vẫn cách xa diệu đạo vậy”. (Thiền Lâm Bảo Huấn - Phẩm Tự Cường).

“Thiền Lâm Bảo Huấn”   là cơ duyên may mắn cho tứ chúng đồng tu, cảm nhận hỷ lạc trong mưa pháp, kiếp sống con người vén được màn vô minh, khổ đau phiền não do sự chiêu cảm từ nhiều đời kiếp luân hồi như được giải tỏa. Trên đời không có cuộc vui nào vui hơn sống trong biển giáo pháp.
Nhân thân nan đắc
Diệu đạo nan cầu.
(Thân người khó được
Diệu đạo khó cầu).
Từ khi được cha mẹ sanh ra, có được thân người đầy đủ trang nghiêm, đó là phước báo thiện lành. Hãy thường tư duy rằng trải qua nhiều đời nhiều kiếp ta mới được nhàn cảnh thân người như vậy. Nhưng đã sanh ra đời thì có khổ, nhờ đau khổ mà ta phát sinh tâm chán lìa sinh tử, kiêu căng tan biến, phát tâm thương xót những chúng sanh trong cõi luân hồi, tự hổ thẹn về việc ác và hoan hỷ làm điều lành.

Tuổi đời càng thêm lớn, chướng duyên, thuận duyên đưa đến càng nhiều, thân tâm có lúc an vui, có lúc phiền não, buồn giận, thương ghét, tự ti, tự tôn, tâm sanh diệt luôn luôn hiện hữu chi phối làm cho con người đôi khi quên mất mình và quên luôn thời gian đang lướt qua trước mắt, khi giật mình thì tóc đã đổi màu, vô thường kề ở bên mình. Tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp đều theo luật nhân quả mà thọ sanh. Đường sinh tử luân hồi sáu nẽo không biết về đâu?!

Tâm đại từ đại bi của Đức Phật vì thương xót sự vô minh của chúng sinh mà thị hiện ra đời, để chỉ diệu đạo - con đường vi diệu - ngay trước mắt. Diệu đạo là những gì Đức Phật đã chứng nghiệm và đã trải qua bằng trí tuệ giác ngộ cao thượng của bậc chánh đẳng chánh giác. Diệu đạo không do mong cầu mà có được, cũng không do lễ bái khấn nguyện mà thấy được.

Trong Tăng chi bộ kinh, Đức Phật dạy:
“Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành. Trong cuộc sống ta có thể tự giải thoát cho chính mình. Giải thoát không tự nhiên mà có, cũng không do cầu xin mà được, mà chỉ cần phát triển nổ lực vào trí tuệ. Ta không nên tin một cách mù quáng bất cứ việc gì mà chưa thông qua trí tuệ, phải sáng suốt nhận định một cách rõ ràng đứng đắn rồi mới hành trì. Nếu thấy bình an và hạnh phúc là giải thoát. Nếu thấy trói buộc và phiền não là sai đường”.

Tu theo Phật nghĩa là phải chuyên tâm giữ chánh niệm, không theo tạp niệm, như kẻ đội bát dầu trên đầu, bị người đưa gươm kề cổ dọa sẽ giết chết nếu đổ đi một giọt.

Bản chất thực sự của đời sống, là nguyên nhân sanh đau khổ và nguyên nhân sanh hạnh phúc, người tu thấy rõ bằng mắt rất chân và rất thật, thì khi ấy mới quyết tâm chuyển đổi trở nên con người đạo đức nhằm đưa đến giải thoát cùng tột, đồng thời đem về trạng thái quân bình cho cuộc sống. 

Giây phút hiện tại, chúng ta có thể nhận thức được thực tế cuộc đời không mơ hồ, không mộng tưởng điên đảo, thì sẽ cảm nhận và thấu hiểu được sự chân thật của diệu pháp không còn xa cách nữa, mà ở trong từng hơi thở, trong từng tâm thức vắng lặng vô trụ và vô niệm.

Trong kinh thường nói, chỉ có trí tuệ mới đem đến cho người tu một sự kiên nhẩn bền chí để đi đến giác ngộ và giải thoát mà thôi. Nhu cầu cuộc sống nếu biết đủ, sống thanh đạm, không đòi hỏi nhiều, không tranh chấp hơn thua được mất, thì người tu có rất nhiều thì giờ để tận dụng khả năng nghiên cứu, suy tư học đạo, giữ tâm ý trong sạch. Phụng trì giới luật, trang nghiêm thân tướng, ngày đêm suy nghĩ, sớm hôm thực hành thì không lo gì không thấy được diệu đạo vậy.

Theo như Ngài Viễn Công dạy, nếu như có ngày tu học tinh tấn, có ngày buông xuôi trì trệ, bản tánh dễ duôi, khiến con người rơi vào tình trạng giãi đãi, mất hết năng lực tự tin về mình, hiện tượng vọng tâm vọng niệm xấu ác, ganh tị đố kỵ sẽ xâm nhập và quấy nhiễu chế ngự người tu một cách dễ dàng. Diệu đạo suốt đời khó gặp, thật uổng phí một đời tu!

Khi bước trên đường đạo, chúng ta mang nhiều nghiệp bất tịnh của luân hồi cho nên hành động từ thân, khẩu, ý tha hồ tạo tác.  Do đó khi chuyển thân trên bước đường tu hành thường rơi vào trạng thái mê và tỉnh, thiện và ác lẫn lộn. 

Cho nên không phải xấu tốt ở bên ngoài không thôi, mà xấu tốt thiện ác nằm thật sự ở ngay trong tâm, biết xấu hổ, sợ quả báo, tâm an tịnh, siêng năng đem an vui cho mình và cho người, nhận thức sớm được chừng nào thì “diệu đạo” ngay trước mắt. 


Để giúp hành giả tiến đến đời sống thánh thiện và trọn lành vi diệu trên đường tu, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ban truyền các giới luật cao thượng. Giới luật mới nghe qua chừng như một sự răn cấm khắt khe, đầy những điều kiện khó khăn, nhưng khi thấu hiểu và cố gắng sống với thân tâm một cách chân thành và thực sự, thì giới luật giúp ích cho người tu rất nhiều. 

Khi ấy, giới là người bạn đạo chân thật, là phương pháp thực tập chánh niệm hữu hiệu nhất, là sự bảo vệ an lành nhẹ nhàng trong sáng của thế giới tuyệt đẹp, mà người tu theo Phật được thừa hưởng, như một chuỗi ngọc vô giá sáng ngời trí tuệ của Bồ tát Quán Tự Tại cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm trong phẩm “Phổ Môn” vậy.

Tóm lại, an lạc thay khi sống trong pháp vị, thật sự buông bỏ những lo âu phiền muộn, mưa pháp cam lồ liên tục đã nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng. Phước báo thay tứ chúng đồng tu, đều hoan hỷ vì thấm nhuần được sự lợi ích khi đem vào cuộc sống tỉnh tu hằng ngày ở nơi trụ xứ. Mưa pháp làm hạt giống Phật tánh ở nơi mỗi người từ lâu bị chôn vùi khô cạn, nay như được nẩy mầm, đâm chồi kết lộc.

“Qua lẽ tuần hoàn của vũ trụ, sự vật có trải qua sự nghiêm khắc của mùa đông, khi sức sống trỗi dậy, trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi, mới thấy ánh xuân đầm ấm là quí. Tất cả hiện tượng tốt xấu của xã hội đều do tâm chúng ta sáng tạo. Chúng ta phải có tinh thần tự chủ. Tự thân chúng ta, luôn luôn phải thúc liễm, phải tỉnh thức, phải trong sạch hóa tâm hồn, hành động, nói năng, suy nghĩ, mới có thể đem lại lợi ích cho tha nhân, cho quốc gia, cho cộng đồng và cho nhân loại”.

Đối trước mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, con xin chắp tay đảnh lễ, chí thành cầu khẩn các Ngài trụ thế lâu dài và hãy vì chúng sanh đau khổ mê mờ mà đốt lên ngọn đuốc chánh pháp. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
TKN Thích Nữ Chân Liễu





Việc Tang Lễ Trong Phật Giáo
From:
Date:  
Subject:
Dâng sớ cầu an.
Tiền mất tật mang.
Cúng sao giải hạn.
Tai nạn vẫn tới.

Kính Thầy,
xin Thầy hướng dẫn và chỉ dạy cho chúng con:
Khi có tang sự, không có Tăng Ni, người nhà có được phép tụng kinh hay không?
Nếu được phép tụng thì bận áo tràng hay đồ tang?
Có người nói là không được phép ngồi trước ban Phật. 
Nhiều nơi cũng như Thầy biết, vì tiền tụng có khi hơi hơi mắc, nên có những ban hộ niệm đi tụng được mời, 
bao luôn từ tụng thất cho đến chôn cất, nhưng không thù lao hay tiền xăng cộ.
Có khi tang chủ không biết nấu đồ chay, ban hộ niệm bao luôn, nhưng không tính tiền. 
Như vậy có đúng hay không? 
Vì cả một tấm lòng thành chúng con đến với người ta, chúng con xem như là người thân của mình trong tiền kiếp, 
chứ không phải lại để cho họ mang ơn, hay khen ngợi.
Con xin được Thầy chỉ dẫn
A Di Đà Phật
Pd Trí Dũng

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật
Kính quí ĐH,

VP.PHTQ.CANADA xin giải đáp ngắn gọn các thắc mắc của quí ĐH như sau:

1. Khi gia đình có tang sự, chính các thân nhân tang quyến chân thành tụng kinh cầu nguyện là tốt nhất. Mặc áo tràng màu lam, nâu hay mặc đồ tang cũng đều được cả. Tất cả hình thức bên ngoài đều không quan trọng. Điểm quan trọng là tâm chân thành hướng về mười phương chư Phật, cầu xin gia hộ cho người thân vừa quá vãng và hồi hướng công đức cho khắp pháp giới chúng sanh (mở rộng tâm từ vô biên thì phước báo vô lượng).

2. Không cần mời thỉnh các ông bà thầy cúng đám, tụng đám - dù tại gia hay xuất gia - với giá cả cắt cổ. Các vị này thường hay bày vẽ đủ điều tà pháp, làm ra vẻ linh thiêng huyền bí để làm tiền, làm phiền tang gia. Họ tụng mướn kiểu đó, ê a ngân nga lóc cóc leng cheng lùng tùng lèng xèng như phường hát dạo, chẳng có tâm thành vị tha, chẳng vị chánh pháp, chỉ vì hầu bao, tranh giành cơm gạo, cho nên chẳng có công đức gì, chẳng ích lợi chi. Đón rước mất công, tốn tiền vô ích.

3. Đối với các Ban Hộ Niệm: Nếu quí vị đến giúp tang gia với tấm lòng chân thành, vị tha - bất vị danh lợi, thì quá tốt, đáng tán thán. Tuy nhiên, việc làm của quí Ban Hộ Niệm không thể so sánh với pháp sự của chư vị Tôn đức chân tu thực học. Hơn nữa, không nên phán quyết người này được vãng sanh hay không, bởi phán quyết đó là tà pháp; không nên cùng nhau vỗ tay reo hò vui mừng ngay trên thân xác, chúc tụng rằng người quá cố đã vãng sanh, trông man rợ quá. Có một nhà sư quái đản lập dị bên Đức tuyên bố:

«chia vui đám tang,
chia buồn đám cưới».

Việc tang chế cần nên tiết giảm tối đa các hình thức nghi lễ rườm rà, tốn kém, chỉ có tác dụng phô trương thân thế, phô trương sự hiếu để giả dối. Việc cần làm thực sự là chí tâm cầu nguyện cho người quá cố được vãng sanh về cõi tịnh độ, cõi thiện lành, qua các thời tụng kinh, niệm Phật, hồi hướng công đức, bố thí cúng dường, làm việc phước thiện, cứu người giúp đời.

Giáo Lý Đạo Phật là phương tiện độ sanh, độ thân nhân của người quá cố được giác ngộ, hiểu rõ luật nhân quả, vô thường qua các nghi thức tang lễ.

Các thân nhân tang quyến và bằng hữu nên giác ngộ chân lý này và phát tâm tìm hiểu chánh pháp, để chuyển hóa đời sống tâm linh, để đạt an lạc hạnh phúc và giải thoát phiền não khổ não ngay trong cuộc sống và giải thoát sanh tử luân hồi. Đây mới chính là cứu cánh của các hình thức nghi lễ trong đạo Phật đúng theo chánh pháp.

Tóm lại, việc tang lễ trong Phật giáo nhằm mục đích chính là an ủi thân nhân và giảng giải chánh pháp. Các tà sư coi tang lễ chính là phương tiện tài chánh cho chùa và bản thân.

Nên giác ngộ sự thật là: nhà sư còn chưa biết khi chết có siêu (vãng sanh) hay không, làm sao cầu siêu cho người khác được, huống là chư Phật tử tại gia như Ban Hộ Niệm.

Nhà sư chân tu thực học cần hướng dẫn cho quần chúng Phật tử giảm thiểu những lễ nghi ma chay tốn kém, dành nhiều thời gian «chuyên tâm nguyện cầu».

Nên nhớ:
 ai ăn nấy no,
ai tu nấy chứng.
Đó là chân lý.

Một người suốt đời ăn hiền ở lành, tu hành thập thiện, tại gia cũng như tại chùa, khi sống hạnh phúc, ra đi bình an, khỏi cầu cũng siêu.

Một người suốt đời thân làm ác, miệng mắng chửi rủa xả thêu dệt nói xấu người khác, ý nghĩ luôn luôn lợi mình hại người, khi sống nhiều kẻ thù người oán, khi chết làm sao bình an được, nói gì chuyện vãng sanh. Chỉ là trò dối gạt người nhẹ dạ, chưa học hiểu giáo lý mà thôi.

Kính mong mọi người an tâm và không còn bận tâm, hay phiền não khổ đau qua các tang sự, qua việc quá coi trọng cái thân xác tứ đại, cái nắm tro tàn hay nấm mộ,
mà quên đi phần chính là tâm linh của người quá cố cũng như của những người còn sống trên thế gian. []



Ý NGHĨA TÙY DUYÊN
HT. Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi sẽ nói chuyện với quí Phật tử về đề tài "Ý nghĩa tùy duyên". Ý nghĩa này rất sâu xa không phải tầm thường, và lâu nay nó cũng đã bị lạm dụng nhiều.
Về ý nghĩa tùy duyên, thì đây là một chỗ sống, không phải là chỗ lý luận hay chỗ bắt chước, bởi vì khi chúng ta bắt chước thì nó không còn là tùy duyên nữa, bởi khi bắt chước là nó có cái khuôn rồi. Cho nên ý nghĩa này rất quan trọng mà lâu nay nhiều người lại hiểu lầm rồi cũng dễ lạm dụng nó nữa. Như vậy muốn tùy duyên thì thế nào là biết tùy duyên cho đúng ý nghĩa ?

1- Thứ nhất là phải thấy đúng lý mới tùy duyên được, còn chưa thấy đúng lý mà nói tùy duyên thì chỉ là lạm dụng, là hiểu lầm vậy thôi. Nghe nói tùy duyên, rồi mặc tình buông thả theo duyên thì tùy duyên kiểu đó là chạy theo cảnh chớ không phải tùy duyên, đó là bị duyên nó cuốn, nó lôi đi. Tùy duyên theo kiểu đó gọi là "tùy duyên tiêu sự nghiệp", tiêu tan sự nghiệp hết, rất nguy hiểm !
Cho nên muốn sống, muốn thấy được đúng ý nghĩa tùy duyên thì phải thấy đúng lý. Trong cái thấy đúng lý này, thứ nhất là cần rõ lý Tánh không của Bát-nhã.
Tánh không là sao? Bát-nhã dạy tất cả các pháp trên đời này "không có một pháp gì là thật cố định", nghĩa là từ bản thân của mình cho đến sự vật bên ngoài đều là duyên khởi. Duyên khởi tạm có cho nên gọi là Tánh không, là không có tánh cố định, không có Thể thật của nó. Chính vì Tánh không mới tùy duyên mà hiện khởi tất cả được, chớ nó cố định thì đâu còn tùy duyên. Ví dụ cố định là một khối cứng thì đâu thể tùy duyên mà biến thành các vật khác được.
Cũng giống như cái gương, nó không có một hình gì trong đó, cho nên nó có thể hiện đủ tất cả mọi hình bóng, nếu nó có một cái hình gì cố định bên trong, thí dụ hình tròn, thì nó không thể hiện được hình vuông, mà vuông tròn đẹp xấu gì cũng hiện được hết, là vì nó không có một cái gì trong đó, không cố định là cái gì.
Hoặc như hư không, hư không không phải là cái gì hết, cho nên nó cũng hiện được đủ mọi thứ.

Rồi gần nhất là cái gì? - Tâm của mình. Tâm mình không là một cái gì hết, cho nên nó mới nghĩ được đủ tất cả, nếu nó cố định là một cái gì rồi, chắc chắn nó không thể nghĩ tất cả được. Mà nó nghĩ đủ hết, cái gì nó cũng nghĩ tới, kể cả những cái gọi là không có, nó cũng nghĩ ra được nữa bởi vì nó không có gì hết.
Qua điểm nữa là, ngay thân mình là thân năm uẩn thì Tâm kinh Bát-nhã nói “ngũ uẩn giai không”, năm uẩn đều Tánh không, không thật, cho nên nó mới tùy duyên hiện được lớn được nhỏ, được tốt được xấu, mập ốm vui buồn, trời người nó cũng hiện được đủ hết, chính vì nó Tánh không, không cố định là gì. Nếu nó cố định, thí dụ năm uẩn này cố định là người rồi, tức nhiên nó không thể hiện thành trời được, cũng như nó cố định là mập rồi thì không thể hiện ốm được. 

Do nó không cố định gì, nên nó hiện được tất cả. Bởi vậy Bồ-tát Quán Thế Âm có ba mươi hai Ứng thân, có khi hiện nam hiện nữ, rồi hiện Tỳ-kheo, hiện Tỳ-kheo ni, hiện vua hiện quan, hiện đủ hết, làm sao hiện được như vậy ?
Do đó xét cho kỹ, rõ ràng không có một cái gì cố định, vậy thì mình bám chặt một chỗ, một cái làm gì để chịu khổ ? Như vậy cho thấy, hiểu được tùy duyên thì phải thấy lý Tánh không. Rõ được Tánh không của các pháp rồi thì tùy duyên, lúc đó luôn luôn có ánh sáng Bát-nhã đi theo, nên tùy duyên mà không có lầm lẫn. Còn nhắm mắt tùy duyên là đi xuống hố, mình phải thấy rõ cái ý nghĩa đó, thí dụ như người mù nhắm mắt đi bừa là phải lọt hố thôi.
Nhớ lại câu chuyện của ngài Tăng Triệu khi bị án tử hình, Ngài xin phép hoãn lại bảy bữa để viết cho xong bộ Luận Bảo Tạng rồi Ngài sẽ chết. Thử hỏi tới lúc đó còn tâm hồn gì ngồi để mà viết luận! Nhưng mà Ngài thấy chuyện đó như là chuyện chơi thôi, và đến trước khi chết Ngài còn đọc bài kệ :
                   Ngũ ấm nguyên phi hữu
                   Tứ đại bản lai không
                   Tương đầu lâm bạch nhẫn
                   Nhất tự trảm xuân phong.

Tức là:
                    Năm ấm nguyên chẳng có
                    Bốn đại xưa nay không
                    Đem đầu đến dao bén
                    Giống hệt chém gió xuân.
Có ai bị chém bị chết trong đó đâu? Cho nên Ngài thản nhiên coi như không có chuyện gì. Nếu mình thì lúc đó rụng rời tay chân, còn tâm hồn đâu mà ngồi viết sách, huống nữa là tới khi sắp chết còn nói kệ nữa! Như vậy đó mới thật sự là biết tùy duyên. Và tùy duyên kiểu đó dễ bắt chước không ?

Bởi vì Ngài thấy rõ năm uẩn bốn đại đều là không, đều là vô ngã hết, không có cái ta thật, thì trong đó cái gì chết, cái gì bị chém? Không thấy có cái gì bị chém thì đâu có gì mà khổ ? Còn mình vì thấy có “cái ta” bị chém bị chết, cho nên mới có khổ.
Do Ngài thấy rõ không có gì thật hết, bởi vậy hễ còn duyên thì làm Phật sự tiếp, hết duyên thì thôi ra đi, chớ không cố ghì lại một chỗ để chịu khổ. Còn mình vì thấy có cái ta trong đó cho nên cố ghì lại để sống, ghì không được thì phải kiếm cái ta mới ráp vào, chính cái ta mới đó lại đi trong sanh tử. Hiểu như vậy, thấy được cái lý như vậy thì mới khéo biết tùy duyên. Đó là điểm thứ nhất là phải thấy rõ được Tánh không.

2- Thứ hai, tiến bước nữa là nhận ra Bản tánh chân thật của mình, nghĩa là thấy được, nhận rõ được Bản tánh chân thật luôn luôn hiện hữu nơi mình, cho nên mình tùy duyên là để chi? - Tùy duyên là để sống trở về Bản tánh chân thật đó chớ không sanh những niệm, những tâm hoặc lấy hoặc bỏ, chỉ thuận với tánh để sống, làm sao không để mất nó, đó là chỗ sống của mình rồi.
Như bài kệ của vua Trần Nhân Tông, nhiều người nghe quen quá thành ra xem thường:
                    Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
                    Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
                    Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
                    Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Nghĩa là sao ? Nghĩa là ở đây nhận ra Bản tánh chân thật của mình hay của báu sẵn có trong mình rồi, thì khỏi cần phải chạy, phải tìm kiếm đeo đuổi cái gì bên ngoài nữa, nghĩa là không để cho cảnh nó lôi mình, nó làm mất mình. Như vậy mình sống ngay trong lòng đời này, ở giữa thế gian này mà vẫn vui với đạo, đó là biết tùy duyên, mà tùy duyên như vậy là để làm chi? - Là để sống với Bản tánh của mình, sống trở về với Bản tánh chân thật, ngoài ra không có gì quan trọng. Đó gọi là tùy duyên sống với Bản tánh, tiêu nghiệp cũ mà không tạo thêm nghiệp mới.
Như vậy tùy duyên mà thường sáng tỏ không có mê, không có mờ, tùy duyên mà không đặt thành một “cái ta” trong đó. Đó là điều quan trọng, còn tùy duyên mà có cái ta trong đó thì không phải tùy duyên. Cũng như ở đây “đói đến thì ăn, mệt ngủ liền” nhưng nếu còn có cái ý niệm là đói nên ăn hay không nên ăn thì sao? - Đó là chen cái ta vào trong đó, tức là cái gì nên ăn hay không nên ăn ? Đó là hết tùy duyên. Cho nên tùy duyên ở đây là thuận theo Tự tánh để sống trên đời, để cho nó luôn luôn được hiện hữu khắp nơi, đó mới là tùy duyên chân thật.

Ngài Sùng Tín sau khi ngộ đạo, Ngài hỏi vị thầy là Thiền sư Đạo Ngộ: “Làm sao để bảo nhậm ( giữ gìn ) ?” Ngài Đạo Ngộ bảo rằng: “Mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết phàm tình, không thánh giải khác.” Nghĩa là mặc tình thuận theo cái tánh đó mà tiêu dao tự tại, tùy duyên phóng khoáng thôi, chỉ cốt làm sao hết được cái tình phàm này, tình mê này chớ không có thêm một cái kiến giải thánh gì khác, không thấy có chứng có đắc gì khác nữa, đó là tùy duyên. Tùy duyên như vậy làm sao bắt chước đây ?
Chỗ này là phải sống, biết rõ mình có cái chân thật rồi thì sống tùy duyên, duyên đến thì tiếp, duyên qua thì thôi, không có cố chấp, không có mong cầu thêm nữa. Đó là vì có được chỗ sống vững vàng trong này rồi, nên mới tùy duyên được như vậy, mới tiêu được những nghiệp cũ và nghiệp mới không tạo thêm.
Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài có bài kệ:
                Nhạn quá trường không
                Ảnh trầm hàn thủy
                Nhạn vô di tích chi ý
                Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Giống như con nhạn bay trên không, nhạn bay qua thì bóng hiện dưới nước, nhạn không có ý lưu dấu vết lại dưới nước. Và bay qua rồi thì bóng mất, nước cũng không có tâm giữ bóng con nhạn lại. Đó là tùy duyên, nhạn bay qua là duyên đến thì bóng nó hiện trong nước, duyên qua rồi thì nước không lưu bóng lại. Còn mình thì sao? Có khi duyên chưa đến mà kêu nó đến! Rồi duyên qua thì giữ lại không cho nó qua! Chính vì vậy cho nên khổ. Ngay trong lúc ngồi thiền cũng còn muốn giữ lại nữa. Ngồi thiền nhớ lại, giữ lại, lưu lại trong này, đó là không biết tùy duyên, còn biết tùy duyên thì tâm lúc nào cũng trong sáng, đâu có cái gì lưu lại trong đó thì có gì mà ngăn ngại ?

Có vị Tăng hỏi ngài Triệu Châu:
- Thế nào là cầu đá Triệu Châu?
Ngài đáp:
- Độ lừa độ ngựa.
Ở gần chỗ ngài Triệu Châu Tùng Thẩm có cái cầu đá do ông Lý Ưng làm, cầu đá cũng nổi tiếng, cho nên nghe nói tới cầu đá Triệu Châu là ai cũng biết. Nhưng ở đây ông Tăng hỏi “thế nào là cầu đá Triệu Châu” ý lại khác. Ngài đáp : "Độ lừa độ ngựa", độ tức là đưa, đưa lừa đưa ngựa qua hết. Như vậy quí vị hiểu sao là “cầu đá Triệu Châu”? thấy được “cầu đá Triệu Châu” chưa ?

Thường nghe hỏi cầu đá, người ta tưởng ngay cái cầu bằng đá. Nhưng ở đây, ý ông Tăng này chuyện đó ai cũng biết rồi, ông cũng ở đó thì ông biết rồi, đâu cần hỏi làm chi nữa. Vậy hỏi cầu đá này là hỏi cái gì? - Đó là chỉ cho cái lý thật. Cho nên ngài Triệu Châu đáp “độ lừa độ ngựa”. Lừa ngựa gì cũng độ hết, đều cho đi qua hết. Lừa là loài vật, ngựa cũng là loài vật mà cái cầu đá độ hết, cho đạp đi qua hết, nhưng cầu đá không phải là lừa, không phải là ngựa, không đồng hóa nó với lừa với ngựa, đó là tùy duyên.
Còn mình thì sao ? Độ thì phải độ làm sao? - Phải độ những hạng thượng căn, hạng Bồ-tát chớ lừa ngựa đâu để cho đi qua. Mà không để cho đi qua tức là còn cái ngã trong này, bị cái ngã nó che. Cho nên ở đây muốn thấy lý thật thì phải như vậy, độ lừa độ ngựa, cái gì cũng là tùy duyên hết, cái gì cũng cho đi qua nhưng nó không là cái gì, không đồng hóa với cái gì .

Không đòi hỏi theo một cái ngã, không sanh những niệm sanh diệt hay lấy bỏ gì hết, đó là tùy duyên. Còn mình thì phải lựa, độ thì cũng phải lựa, người đó mình thương mình mới độ, còn không thương thì đâu có độ, đó là còn mắc kẹt. Còn ở đây thì độ hết, chỉ thuận theo duyên để sống trở về với Tự tánh, để làm sao cho Tự tánh của mình luôn luôn có mặt, không có vắng, vẫn luôn luôn sáng ngời trong tất cả mọi duyên, đó là khéo tùy duyên, tùy duyên mà đúng lý không lầm lẫn. Như vậy với nghĩa tùy duyên này mình làm được chừng bao nhiêu? Hiểu được như vậy mới thấy nghĩa tùy duyên rất là sâu.

3- Một điểm nữa, tùy duyên thì phải hiểu rõ được thế gian là tương đối, đó là lẽ thật của thế gian (thế đế). Thế gian luôn luôn là tương đối, mọi cái có ra đều nằm trong đối đãi hết. Nhưng thấy ở đây không phải là cái thấy hiểu tầm thường, lâu nay người nghe pháp nhiều quá cũng hiểu rồi, cũng thấy rồi nhưng chưa phải. Tức là phải thấy trong lúc mình tu, thấy rõ bằng chính trí tuệ của mình cái đó mới giúp mình sống được. Chớ hiểu theo kiểu ngồi đây hiểu nhưng ra ngoài quên, ngồi đây thì hiểu thế gian tương đối, cái gì cũng đối đãi nhau mới có, không có gì là thật, nhưng khi ra ngoài đụng chuyện thì cái gì cũng thật hết, cái hiểu đó không phải.
Cho nên ở đây phải thấy bằng chính trí tuệ của mình. Xét thấy rõ trên thế gian này đều là tương đối hết, thiện đối với ác, phải đối với quấy mà có, cũng như vui đối với buồn mà có, ngay cả thầy đối với trò mà có, không trò thì đâu có thầy, cũng như mẹ đối với con mà có, không con lấy gì có mẹ. Luôn luôn là đối đãi nhau, không có một cái gì đứng riêng, như vậy tại sao mình phải đòi hỏi một chiều? Có nhiều người còn đòi hỏi hơn nữa, đòi hỏi cái toàn mỹ, cái gì cũng phải cho toàn mỹ, toàn vẹn ! Nhưng sự thật thế gian nói toàn mỹ chỉ là nói chơi, không bao giờ có, chỉ tuởng tượng, không thể có cái toàn mỹ nếu chưa sống được với cái chân thật. Thế gian là tương đối thì làm sao có cái toàn mỹ được !
Đức Phật có nói bài kệ:
                Kẻ hơn thì thêm oán
                Người thua ngủ chẳng yên
                Hơn thua hai đều xả
                Ấy được an ổn ngủ.
Nghĩa là có hơn thì có thua, làm sao mà toàn mỹ được? Mà chính có hơn có thua, từ đó có oán có hờn, có khổ, có cái này thì có cái kia. Như vậy thì hơn không hẳn là yên, còn thua cũng không hẳn là xong. Thua còn ấm ức trong lòng cũng khổ, như vậy làm sao mà toàn mỹ được? Thường thường mình thích đòi hỏi cái toàn mỹ, sống với ai mình cũng đòi hỏi người đó phải tốt với mình, lâu lâu thấy không tốt thì bực tức, nhưng thử hỏi chính mình có toàn mỹ chưa ?
Thế gian là tương đối, tâm người là vô thường, bữa nay như vậy, nhưng mai mốt vô thường nó đổi đâu còn như vậy nữa. Bởi vậy không có cái toàn mỹ, đòi cái toàn mỹ là mê. Bởi vì xét kỹ thì chính mình còn chưa toàn mỹ, ngay nội tâm của mình, có khi còn tự mình mâu thuẫn với mình nữa nói chi tới bên ngoài. Như vậy làm sao muốn mọi người toàn mỹ được, muốn mọi cái bên ngoài toàn mỹ được!



Kính thưa quý đồng hương Phật tử
Tôi là một Phật tử, pháp danh Trí Giác.

Một số bạn Công Giáo và Tin Lành hỏi tôi: “Đạo Phật các anh sao lại làm đại nhạc hội, ca hát, buôn bán, xổ số làm tiền um sùm ở trong chùa, trong khu vực chùa. Như vậy có đúng luật đạo Phật không”.

Tôi nghe hỏi mà cảm thấy xót xa, đau khổ, và xấu hổ cho đạo Phật. Vì tôi cũng đã thấy nhà thờ Công giáo, Tin Lành và nhà thờ Đạo Cao Đài, ngay cả Đạo Hồi, không bao giờ làm đại nhạc hội, buôn bán, xổ số để làm tiền nơi chốn thiêng liêng.
Chùa là nơi thanh tịnh già lam. Đến chùa để lắng lòng, nghe kinh, niệm Phật, học đạo, chuyển mê thành ngộ. Nghe được tiếng chuông U Minh lòng nhẹ nhàng thanh thoát.

Là Phật tử khi chúng ta tập tu 24 giờ Bát Quan Trai Giới, ai cũng nhớ và phải giữ giới thứ 6 là: Không được trang điểm, thoa dầu thơm. Múa hát và xem múa hát. Đó là hàng Phật tử tại gia, tập tu mà không được nghe ca hát. Huống gì, trong lúc chùa là nơi thanh tịnh, mà lại tổ chức đại nhạc hội, buôn bán, xổ số. Vị thầy xuất gia mà ngồi nghe ca sĩ sexy hát múa, ỏng ẹo nhạc đời. Thì còn gì phá đạo hơn nữa. Phật tử đã đau lòng khi thấy trong nước một số chùa thờ tượng Hồ Chí Minh cùng với Phật Thích Ca. Ngoài nước thì chùa chiền biến thành Siêu thị Phật. Quý thầy ở hải ngoại mạnh ai làm nấy. Một mình một chùa. Không cần giới luật. Hởi ôi! Thật quá đau lòng cho đạo Phật.

Son phấn thơm lừng, ăn mặc hở hang, đại diện Tịnh Xá Ngọc Hòa San Jose, chào đón Ông bà chủ nhân Phật ngọc trong buổi chiêm bái Phật ngọc tại San Jose, Calfornia.

Ở Portland có vị thầy đã chết với cái tên là Ông Thầy Đại Nhạc Hội, Phật tử nghe đồng hương nói như vậy thật là xấu hổ và đau xót cho đạo.
Cúi xin quý tăng ni suy nghĩ lại. Phật tử mong quý tăng ni nên nói với nhau giữ tròn giới luật để Phật giáo trường tồn và để Phật tử khỏi xấu hổ.
Đến lúc đồng hương Phật tử đã lên tiếng, không phải quý tăng ni muốn làm gì thì làm.
  
Khuôn viên tịnh xá nầy hàng năm tưng bừng tổ chức đại nhạc hội vào các dịp đại lễ như Phật Đản, Vu Lan v.v...đàn trống xập xình, chạy theo lợi dưỡng, 
làm biến tướng Bát Chánh đạo

Vừa qua đồng hương Phật tử rất hoan hỷ và tâm đắc, thật hạnh phúc khi đọc được bài thơ đăng trên Oregonthoibao mấy tuần trước đây của Thi sĩ Hàn Thiên Lương

Thi sĩ Hàn Thiên Lương, là một Phật tử 13 năm tù CS, thuộc lớp người cao tuổi, vợ chồng anh rất thích đi chùa nhưng bây giờ không còn muốn đi tới chùa nữa, thì buồn biết là bao. Anh trở về tu ở “Trở Lại Vườn nhà”. Xin đồng hương Phật tử đọc lại nguyên văn bài thơ của anh để thông cảm tâm trạng của anh và cùng nhau xót xa, đau khổ vì đạo.

Trở Lại Vườn Nhà.

Tuổi thời gian đã cuối mùa
Nên tôi cố gắng đến chùa nghe kinh
Xa đời tránh cõi phù sinh
Quên đi những chuyện của mình của ai.

Nhân sinh lắm nỗi sầu đầy
Bon chen chìm nổi sông này biển kia
Vội quên tiếng hẹn lời thề
Dối gian quên mất ngõ về nghĩa nhân.

Chao ôi tôi rất ân cần
Vào chùa nghe tiếng chuông ngân tịnh hồn
Mong vơi đi những nỗi buồn
Cuối mùa được thấy con đường thênh thang.

Nhưng thôi tôi lại hoang mang
Thiền môn còn cảnh khoe khoang sang giàu.
Bày trò gây qũy xôn xao
Thêm trò đấu giá thấp cao ồn ào.

Em Xi khéo móc hầu bao
Tội cho Phật tử bụng đau cũng đành!
Cũng vì một chút hư danh
Cho nên có chuyện cạnh tranh ở chùa!

Thôi tôi trở lại vườn nhà
An nhiên dưới cội thông già tĩnh tâm
Giữ lời giữ ý âm thầm
Quanh đây lặng lẽ tháng năm yên bình!

Mới hay trong cõi nhân sinh
Niết Bàn, Bồ Tát trong tim mình mà thôi!

Hàn Thiên Lương


TAM TUỆ HỌC VÀ TAM VÔ LẬU HỌC
NHÂN NÀO QUẢ NẤY
CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT
ĐƯỜNG LỐI TU THEO PHẬT
TÌM VỀ NGUỒN AN LẠC GIẢI THOÁT
PHẬT GIÁO PHẢI CHĂNG LÀ MỘT TÔN GIÁO
HÌNH THỨC CÚNG KIẾN TRONG PHẬT GIÁO
HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?