Không phải nơi nào có tượng Phật
nơi đó là chùa và chánh pháp.
Không có gì gọi là linh thiêng trong chánh pháp.
Đây chỉ là tín ngưỡng dân gian.
Ai có niềm tin, đó là quyền tự do,
miễn bàn.
Kỳ lạ ngôi chùa cổ 1000 năm, tọa lạc trong lòng hang động ở Ninh Bình
(Dân trí) - Tất cả các ban thờ Phật,
thờ Mẫu của chùa Bái Đính cổ đều được đặt giữa lòng những sơn động u
minh, làm tăng thêm không khí linh thiêng và huyền bí nơi cửa thiền.
Kỳ lạ ngôi chùa cổ 1000 năm, tọa lạc trong lòng hang động ở Ninh Bình
Chùa Bái Đính cổ (Ninh Bình) có lịch sử hơn 1000 năm, tọa lạc trên
một ngọn núi cao thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Không chỉ có kiến
trúc cổ độc đáo, ngôi chùa còn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Phật
giáo Việt Nam.
Tương truyền, vào triều Lý, khi Đức Thánh Nguyễn Minh Không về núi
Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho nhà vua, ông đã nhận ra đây là vùng đất
tiên cảnh, với thế núi hướng về phía Tây như chầu về đất Phật, rừng núi
mênh mông với muôn vàn cây thuốc quý nên quyết định dừng chân xây chùa.
Chùa Bái Đính cổ mang đậm lối kiến trúc thời Lý. Chùa không có những
mái chùa cong vút, những trụ cột to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga
lộng lẫy mà được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động khá phổ biến như
các chùa cổ khác ở Ninh Bình.
Lên thăm hang động ở núi Bái Đính phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng
tam quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba: bên phải là hang
sáng thờ Phật và Thần, bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên.
Động Tối gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu. Các hang
đều thông nhau qua nhiều ngách đá. Nơi đây là nơi thờ Mẫu và Tiên.
Không gian trang nghiêm bên trong lòng hang
Trong động Tối có giếng ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống.
Ngoài khu vực Động Tối, chùa Bái Đính cổ còn có có Hang Sáng nơi thờ
Phật. Động thờ Phật của chùa Bái Đính cổ có chiều dài 25m cao 2m.
Bàn thờ Phật được đặt ngay chính giữa hang sơn động.
Trần hang động đã trở thành những mái chùa kiên cố, che chắn chốn thiêng ngự trị của Phật, của Mẫu đã hàng bao thế kỷ nay.
Bên trong hang Sáng, các pho tượng được đặt trang hoàng, linh thiêng
Đi hết hang Sáng sẽ dẫn đến một sườn thung lũng cây cối xanh tốt, đi
hết các bậc đá hiện ra đền thờ Thần Cao Sơn. Đền được xây tựa lưng vào
núi, là nơi thờ vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm ở phía Nam kinh đô Hoa
Lư xưa.
Tương truyền, Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua
Lạc Long Quân. Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là
ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía tây, đông và nam của cố đô Hoa Lư
xưa.
Vùng núi quanh chùa Bái Đính cổ đã diễn ra nhiều sự kiện oai hùng
trong lịch sử Việt Nam. Đây chính là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế
trời cầu mưa thuận gió hòa, sau này tiếp tục được vua Quang Trung chọn
để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân
Thanh.
Trong kháng chiến chống Pháp - Nhật, vùng núi này thuộc chiến khu
Quỳnh Lưu, một căn cứ cách mạng quan trọng ở miền Bắc. Năm 1997 chùa Bái
Đính cổ đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp
quốc gia. Khác với sự uy nghi, tráng lệ của khu chùa Bái Đính mới, chùa
Bái Đính cổ lại trầm mạc, tĩnh lặng và linh thiêng.
Toàn Vũ - Hà Trang