Friday, 30 December 2022

HUYỀN KHÔNG TỰ

https://phtq-canada.blogspot.com/2022/12/huyen-khong-tu.html

Friday, 30 December 2022

Vì sao ngôi chùa treo trên không hàng ngàn năm không bị đổ?  

Minh An

Ở Trung Quốc có rất nhiều Huyền Không Tự (chùa treo), nhưng ngôi chùa  ở núi Hằng Sơn, Bắc Nhạc là ngôi chùa kỳ lạ và nguy hiểm nhất trong số đó

Ở Trung Quốc có rất nhiều Huyền Không Tự (chùa treo), nhưng ngôi chùa ở núi Hằng Sơn, Bắc Nhạc là ngôi chùa kỳ lạ và nguy hiểm nhất trong số đó. Tại sao nó có thể treo lơ lửng trên không suốt hàng nghìn năm? Liệu có một loại sức mạnh, hay công nghệ bí mật nào đó đang trông chừng cho nó?

Trung Quốc không chỉ có một Huyền Không Tự, nếu tính kỹ thì ở toàn Trung Quốc có khoảng hơn 10 ngôi chùa treo như thế, trong đó ngôi chùa cổ tích nhất, gây ấn tượng nhất đối với người hâm mộ điện ảnh trên toàn thế giới là Huyền Không Tự núi Thương Nham, bởi vì qua ống kính máy quay, đạo diễn Lý An đã để cho nhân vật chính Ngọc Kiều Long trong bộ phim “Ngọa hổ tàng long” nhảy xuống khỏi Huyền Không Tự, với bối cảnh cây xanh, núi cao, mây mù như trong tranh. Hình ảnh đã để lại ấn tượng khó phai cho người xem.

Núi Thương Nham nằm ở phía Tây Nam thành phố Thạch Gia Trang, thuộc tỉnh Hà Bắc, nhánh của dãy núi Thái Hành Sơn.

Ngôi chùa Huyền Không tuyệt đẹp này thực ra là một phần của chùa Phúc Khánh núi Thương Nham, được xây dựng ở lưng chừng núi. Mặc dù gọi nó là Huyền Không tự nhưng thực ra chỉ có hai kiến trúc treo trên không: một là chùa Huyền Không, và còn lại là cầu đá Huyền Không; chùa ở phía sau, còn cây cầu ở phía trước.

Mặc dù gọi nó là Huyền Không tự nhưng thực ra chỉ có hai kiến trúc treo trên không: một là chùa Huyền Không, và còn lại là cầu đá Huyền Không; chùa ở phía sau, còn cây cầu ở phía trước

Nhân vật Ngọc Kiều Long chính là nhảy từ trên cây cầu đá này xuống. Điều có ý nghĩa là thời gian xây dựng cây cầu và ngôi chùa không giống nhau. Cầu được xây vào thời nhà Tùy, còn kiến trúc chùa được xây vào thời nhà Đường. Ngôi chùa và cây cầu này nối hai đỉnh núi dựng đứng nhất của núi Thương Sơn. Huyền Không Tự còn được gọi là ‘kiều lâu điện’, bởi vì toàn thể đại điện lớn đều được xây dựng trên một cây cầu vòm bằng đá.


Kiều lâu điện nằm ở phía Tây hướng mặt Đông, chiều dài 15m, rộng 8m, các góc mái của đại điện cao vút với những hàng ngói tua rua nhiều màu sắc, trong điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà và Dược Sư Phật.

Huyền Không Tự còn được gọi là ‘kiều lâu điện’, bởi vì toàn thể đại điện lớn đều được

xây dựng trên một cây cầu vòm bằng đá

Nếu như ở đại điện chứa đầy du khách, thì tổng trọng lượng sẽ khoảng 35 tấn. Với trọng lượng 35 tấn, tất cả đều áp xuống cây cầu đá, dưới cầu là vách đá dựng đứng cao 70m. Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng khi lên đó sẽ không cảm thấy ‘cheo leo’, bởi vì bên dưới cây cầu đá là cầu vòng cung 1 vòm. Đây cũng là phương pháp xây dựng cầu thuận tiện nhất cho các kiến trúc sư trong các triều đại nhà Tùy và nhà Đường.


Loại cầu này có kết cấu lực học hợp lý, có khả năng tồn tại lâu dài. Ví dụ như cây cầu Triệu Châu, tình Hà Bắc là hình mẫu của cầu vòng cung 1 vòm, là tác phẩm của thời kỳ Tùy Dương Đế. Trong khoảng 1400 năm, sau khi trải qua vô số các trận động đất, hoả hoạn, chiến tranh, nó vẫn mỉm cười kiêu hãnh đứng thẳng.

Vì vậy kiều lâu điện Thương Sơn mặc dù cũng được gọi là Huyền Không Tự, nhưng thực ra nó không hề ‘treo lơ lửng trên không”. Huyền Không Tự mà thực sự nhìn thấy ‘cheo leo’ và đi lên càng thấy ‘cheo leo’ là ở trên núi Thuý Bình gần Đại Đồng, Sơn Tây - vốn là ngôi chùa mọi người rất quen thuộc - Bắc Nguyệt Hành Sơn.

Huyền Không Tự Hành Sơn
Nhìn từ xa, ngôi chùa này trông giống như đồ trang sức treo trên vách đá, bên trên là tảng đá vôi nhô ra, phía dưới là thung lũng sông sâu 60-90m, tương đương với toà nhà 20-30 tầng. Khi đi tới gần thêm một chút, chỉ có hơn chục cột gỗ to cỡ miệng bát chống đỡ đình đài lầu các, khiến người ta toát mồ hôi lo lắng, liệu chỉ vài cột thế này có chống đỡ nổi không.

Nhìn từ xa, ngôi chùa này trông giống như đồ trang sức treo trên vách đá, bên trên là tảng đá vôi nhô ra, phía dưới là thung lũng sông sâu 60-90m, tương đương với toà nhà 20-30 tầng 
 
Hiện nay không tìm thấy ghi chép nào về nhà thiết kế Huyền Không Tự Hành Sơn, không ai biết người đó là ai. Có người nói rằng đó là hoà thượng tên là Liễu Nhiên thời Bắc Ngụy. Có người nói đó là Hoàng đế Thác Bạt Hoành xây Thiên sư Đạo trường cho Thiên sư Đạo trưởng Khâu Khiêm. Dù sao những lời nói đó không thể nào chứng thực được. Nhưng về cơ bản có thể xác định được niên đại mà Huyền Không Tự này được dựng lập nên - và vào thời kỳ Bắc Nguỵ khoảng 1.500 năm trước.

Nghe có vẻ mơ hồ, có người hỏi vậy rốt cuộc đây là chùa Phật hay Đạo quán. Thực ra Huyền Không Tự này không chỉ vừa là chùa Phật, vừa là Đạo quán, mà có lúc nó còn là miếu thờ Khổng Tử. Bởi vì trong chùa cùng thờ cúng cả Phật Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử và Khổng Tử, có thể nói là một ngôi chùa Tam giáo đồng tại.

Tên gốc của Huyền Không Tự là ‘Huyền Không Các’, chữ ‘huyền’ này là ‘huyền diệu, bí ẩn’. Nên thực tế tên của ngôi chùa là sự hợp nhất cái ‘huyền diệu’ của Đạo gia và ‘không’ của Phật gia, gọi là ‘huyền không’. Sau này người ta phát hiện ra chữ ‘huyền’ trong huyền diệu và ‘huyền’ trong cheo leo là đồng âm. Hơn nữa ngôi chùa thực sự lại giống như treo lơ lửng trên vách đá.

Huyền Không Tự nằm dọc theo ngọn núi, mở rộng từ phía nam ra phía bắc, càng hướng lên phía bắc địa thế lại càng cao, các toà lại càng hẹp. Toàn bộ ngôi chùa có kết cấu bằng gỗ. Giữa các kiến trúc chủ yếu của chùa có kết nối ván, cửa vào ở lầu phía nam. Lầu phía nam được xây dựng trên đá, gồm cả đường ván cũng đều được khoét ra từ đá, mỗi viên gạch được xây vững chắc trên đá, mặc dù chật hẹp nhưng đứng vững, không hề có cảm giác nguy hiểm. Lầu phía bắc mới thực sự mang tới cảm giác nguy hiểm.

Huyền Không Tự nằm dọc theo ngọn núi, mở rộng từ phía nam ra phía bắc, càng hướng lên phía bắc địa thế lại càng cao, các tòa lại càng hẹp (Ảnh chụp màn hình)

Phía bắc có hai tòa phi lâu ba tầng chín cột, ở giữa là liên kết ván, mỗi phi lâu đều cao hơn 10m, nếu người đứng kín mỗi toà sẽ hơn 10 tấn, nhưng hai toà phi lâu này và ván liên kết xem ra hoàn toàn ở bên ngoài. Hơn 10 cây cột ọp ẹp này đang chống đỡ cho toà nhà khiến người ta không khỏi lo ngại. Nếu tay chạm vào cái cột, quả thực chúng sẽ lung lay, lại thêm sàn của toà lầu vừa đi vừa rung. Chỉ số chóng mặt thực sự cao hơn nhiều so với chỉ số được xây dựng bằng khung thép hiện đại, và sàn kính đặc biệt dành cho đường đi bộ trên không. Người nào dám đi lên nó ít nhiều cũng cảm thấy chóng mặt, chân run.

Tháng 12 năm 2010, thời báo Time đã bình chọn Huyền Không Tự Hành Sơn là một trong 10 kiến trúc nguy hiểm nhất thế giới.

Vậy lầu phía bắc có thực sự treo trên không? Nếu vậy vì sao nó có thể lơ lửng hơn 1000 năm mà không bị đổ?

Mãi đến những năm 1990, câu trả lời mới thực sự được tiết lộ.

Bí mật của Huyền Không
Vào cuối những năm 70, một toà phi lâu của Huyền Không Tự đã có phần không đảm bảo an toàn. Chính quyền các chuyên gia kiến trúc tới hội chẩn. Sau khi xem xét, họ phát hiện ra một số dầm chịu lực bên dưới phi lâu đã bị mục nát nghiêm trọng. Có người băn khoăn liệu trước đây trong lịch sử, Huyền Không Tự có từng được bảo dưỡng định kỳ chưa.

Chắc chắn là có, tuy nhiên đáng tiếc là thiếu ghi chép chi tiết về việc này, chỉ biết rằng vào thời Minh và Thanh, trụ và sàn nhà đã được thay thế. Vậy chính xác thì dầm bị mục nát được tìm thấy lần này được lắp đặt vào thời điểm nào thì không thể biết được. Vì vấn đề đã rõ ràng nên những nhân viên kỹ thuật phụ trách sửa chữa bắt tay vào công việc, sau khi chuẩn bị tất cả xong, liền tới bước quan trọng nhất: rút các dầm ra. Các công nhân ra sức rút nhưng xem ra các cây dầm mục nát vẫn không nhúc nhích. Khi họ quan sát kỹ, các công nhân và chuyên gia mới bất ngờ hiểu ra rằng trong đó có ẩn chứa nguyên nhân Huyền Không Tự lầu bắc ngàn năm không đổ.

Vì sao treo trên không?
Mặc dù Huyền Không tự là ngôi chùa cheo leo trên không, nhưng kỳ thực nó không được coi là cao, chỗ thấp nhất của chùa cách mặt đất 50m, và chỗ cao nhất cách mặt đất 90m, các công nhân chỉ cần dựng giàn giáo là có thể thi công. Giàn giáo không phải là phát minh của con người hiện đại, nó đã có từ thời đại Chiến Quốc ở Trung Quốc.

Mặc dù Huyền Không tự là ngôi chùa cheo leo trên không, nhưng kỳ thực nó không được coi là cao, chỗ thấp nhất của chùa cách mặt đất 50m, và chỗ cao nhất cách mặt đất 90m

Có người đặt nghi vấn làm sao có thể biết được thời đó họ dùng giàn giáo, vì không có hình ảnh hay ghi chép lại. Thực ra, các chuyên gia kiến trúc và các nhà khảo cổ đã suy đoán ra dựa trên những khám phá khảo cổ trước đây về các tòa nhà cổ. Gần thành phố Tân Trịnh, tỉnh Hà Bắc có một di chỉ văn vật cổ thành tên là Trịnh Hàn. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Trịnh và nước Hàn đều có thủ đô ở Tân Trịnh, ngày nay vẫn có thể nhìn thấy tường thành được lưu lại từ thời đó. Di tích tường thành có độ cao khoảng từ 10-16m, trên bề mặt tường thành có hàng lỗ. Đường kính của lỗ khoảng 15 cm, giữa các lỗ cách nhau khoảng 70-80cm, khoảng cách trên và dưới các hàng lỗ khoảng 2m, các lỗ được sắp xếp rất ngay ngắn.

Khi các chuyên gia khảo cổ nhập dữ liệu trên vào máy tính và dùng phần mềm tính toán. Bất ngờ, họ phát hiện những cái lỗ đó chính là dấu vết cắm xuống của các giàn giáo khi xây dựng tường thành. Thực ra, loại lỗ này có thể nhìn thấy ở trên Trường Thành hay rất nhiều tường thành cổ khác, hiện nay vẫn còn, có điều là sau khi việc thi công hoàn thành thì quy trình cuối cùng là dùng đất để bịt các lỗ lại, và sau đó quét nhiều lớp sơn nên sẽ không nhìn thấy, vì tường thành là kiến trúc dùng cho phòng thủ quân sự. Nếu để hở ra, giặc đến cũng sẽ bắt chước lập giàn giáo công thành thì không thể được, nên phải lấp đầy lỗ hổng đó.

Thời cổ đại không chỉ dùng tới giàn giáo, xung quanh các giàn giáo của những công trình lớn còn dùng mây hoặc dây gai để làm hàng rào an toàn. Do đó thi công an toàn không chỉ là phát minh của người hiện đại mà nó đã có từ hàng ngàn năm trước.

Sau khi bắc giàn giáo cho Huyền Không tự, các thợ chuyển sang bước tiếp theo, đó là đục ra một mặt bằng có thể thi công ở trên vách đá. Đây hoàn toàn là công việc đòi hỏi sức lực, không có nội dung kỹ thuật, chỉ cần làm chăm chỉ là được. Sau khi đục xong mặt bằng, bước tiếp theo chính là bí mật của Huyền Không Tự.

Những người thợ đầu tiên sẽ khoét một hàng lỗ đá lớn ở dưới cùng của mặt bằng hẹp, tổng cộng có 27 lỗ đá. Thoạt nhìn những lỗ đá này rất bình thường nhưng thực ra bên trong nó có huyền cơ, bởi vì tất cả lỗ đá đều là hình nêm bên trong to, bên ngoài nhỏ. Hơn nữa những lỗ đá này vô cùng sâu, thông thường đều sâu vài mét. Bên này những người thợ xây đang khoan những lỗ đá và bên kia những người thợ mộc đang làm những cái móc để treo ngôi chùa.

Nói là làm móc treo, thực ra là làm dầm ngang. Các dầm là một loại gỗ được gọi là cây thiết sam, là gỗ có kết cấu tốt. Độ cứng và độ bền uốn của loại gỗ này đều thuộc hạng nhất, dai và chịu nén tốt, hơn nữa còn có khả năng chống ăn mòn tự nhiên. Nhưng để vật liệu gỗ càng thêm kiên cố, chống ẩm, các thợ quét nhiều lớp dầu trẩu lên trên bề mặt gỗ thiết sam. Dầu trẩu là loại dầu ép từ quả của cây trẩu. Trong thế chiến thứ II, nó thường được dùng cho bảo trì thiết bị quân sự, nó có hiệu quả chống nước và chống ẩm bậc nhất.

Những người thợ sẽ cắm một cái nêm bằng gỗ vào đầu cắt của gỗ thiết sam. Sau đó các thợ sẽ cùng hợp sức dùng dụng cụ để cắm vào lỗ đã được đục, khi đó bạn sẽ thấy nêm gỗ ở phía trước sẽ mở rộng gỗ từng chút một và nằm gọn trong lỗ đá nhỏ bên trong và bên ngoài. Đây chính là cùng nguyên lý và chức năng của vít nở phiên bản cổ đại và vít nở hiện nay.

Sau này, người ta gọi dầm gỗ là đòn gánh thép. Hai phần đòn gánh thép được chèn vào trong vách đá, phía sau còn có nền đá nhỏ dùng làm điểm tựa, rồi ván gỗ đệm vào, như thế mỗi dầm đều có thể chịu được trọng lượng vài tấn. Hơn 20 cột dầm chống chịu hơn 10 tấn trọng lượng của toà phi lâu mà không hề gì.

Những người đặc biệt quan tâm tới tính thẩm mỹ có thể sẽ không hài lòng, tuy nhiên hơn 10 cột trụ treo ở bên ngoài tường trông vừa không mỹ quan và không chịu tải, lại còn lắc lư. Lẽ nào chúng dùng để ‘bêu xấu’ chăng?
Hơn 10 cột trụ treo ở bên ngoài tường trông vừa không mỹ quan và không chịu tải, lại còn lắc lư 
Thực ra, 10 cột trụ này có tác dụng tuyệt diệu của nó. Khi chùa đầy người, khiến những thanh xà gỗ bị uốn cong, thì lúc này, những cột trụ này nó không còn lắc lư nữa, vì khi đó các cột sẽ giúp xà gỗ chia sẻ trọng lượng dư thừa. Do đó Huyền Không Tự có bảo hiểm kép, nên trông thì Huyền Không Tự có vẻ rất cheo leo, nguy hiểm nhưng thực ra nó không hề nguy hiểm.

Hơn nữa vị trí lựa chọn của Huyền Không Tự cũng rất tài tình, ở ngay tại chỗ lõm của vách đá. Tảng đá nhô ra phía trên có tác dụng đa năng. Nó có thể chặn ánh sáng mặt trời trực tiếp, tránh việc gỗ bị lão hoá do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Hơn nữa, vào mùa mưa, nó còn có thể chặn nước mưa, duy trì môi trường tương đối khô và ổn định, giúp cho kiến trúc có kết cấu gỗ được kiên cố lâu dài. Điều quan trọng nhất là vách đá phía trên thực chất là một chiếc ô bảo vệ, chặn đá từ trên rơi xuống không đập vào chùa.

Huyền Không Tự đứng vững chãi trên vách đá 1.500 năm, thực ra không thể thiếu sự đóng góp của các triều đại, đặc biệt là hai triều nhà Minh, Thanh luôn có tài trợ không nhỏ cho sửa chữa, tu bổ chùa.

Trên đây là những phân tích về mặt kỹ thuật của chùa, nhưng về điểm kỳ diệu khác của Huyền Không Tự còn có giải thích từ chiều không gian khác.

Giải thích từ chiều không gian cao
Người cổ đại xưa xem trái đất như một cơ thể sống hữu cơ, cho rằng mỗi từng phần của trái đất cũng giống như cơ thể người, cũng có kinh lạc, huyệt vị. Mục đích chủ yếu của xem phong thủy chính là tìm ra huyệt vị chính xác.

Quách Phác, đại sư phong thuỷ thời Đông Tấn đã viết cuốn “Táng Kinh”, được giới phong thủy ca tụng như tiêu chuẩn. Trong cuốn sách đó của ông nói rằng sinh khí của trái đất là chảy dọc theo núi, gặp đồi núi nó sẽ nổi lên, gặp đất thấp nó sẽ hạ xuống. Nói một cách đơn giản, bước đầu tiên để đánh giá chất lượng của Phong Thủy được gọi là ‘quan sơn’ (quan sát núi), chính là khảo sát hướng, hình thái và kết cấu của núi, bởi vì dáng núi uốn lượn giống như con rồng; việc khảo sát hướng núi được giới phong thủy gọi là ‘mịch long’ (tìm long mạch).

Cái gọi là năm bí mật của địa lý chính là tìm long mạch, xem cát, xem nước, điểm huyệt, lập hướng. Đây chính là quá trình từ lớn đến nhỏ, thu nhỏ phạm vi mục tiêu cho tới khi tìm ra các huyệt trên long mạch, thông thường vị trí này là một vùng đất lành to lớn.

Bắc Nhạc Hành Sơn bắt nguồn từ dãy núi Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây; nó chạy dọc theo hướng đông bắc, nhấp nhô uốn lượn, khi tới tỉnh Hà Bắc nó liên kết với núi Thái Hành Trải dài từ đông sang tây 150km với 108 ngọn núi, có hai đỉnh chính ở phía đông và phía tây. Phía đông là đỉnh Thiên Lĩnh, đỉnh chính phía tây chính là núi Thuý Bình nơi có Huyền Không Tự.

Trong phong thủy, Hành Sơn có thể được gọi long mạch tốt và vị trí của Huyền Không Tự chính xác là một huyệt đạo trên long mạch này.

Phong thuỷ mà chỉ có gió mà không có nước thì không được, nơi đất lành nhất định phải có nước, ‘huyệt’ có thể ẩn khí tụ khí, còn ‘thủy’ có tác dụng vận chuyển và thu nạp khí.

Huyền Không tự treo ở trên núi Thúy Bình tại đỉnh núi chính phía tây Hành Sơn. Các đỉnh núi ở hai phía đông và tây đối mặt với nhau, trông giống như dao cắt búa bổ, và khi chúng ôm lấy nhau, tạo thành một hẻm núi gọi là Hẻm núi Kim Long. Hẻm này dài 1500m, dòng sông Đường Dụ chảy chậm từ đáy thung lũng. Hầu hết thời gian sông không có nhiều nước, nhẹ nhàng yên tĩnh. Tuy nhiên tới mùa mưa nước sông sẽ dâng lên giống như một con rồng vàng lao tới và gầm rú qua hẻm núi, không thể ngăn cản. Hơn nữa miệng hẻm ở phía nam bắc rất hẹp, dù gió bên ngoài có mạnh đến đâu, dẫu là cuồng phong, khi thổi vào trong thung lũng đều biến thành làn gió nhẹ. Khi không có gió, khí dễ tụ lại và không dễ tản đi.

Huyền Không Tự còn một điểm kỳ diệu khác. Các bức tường đá ở cả hai bên đều bị hếch lên ở hai đầu, núi lõm ở giữa giống như vạc treo và Huyền Không Tự treo cao trong phần lõm của vạc, là phần sát đáy vạc. Trong phong thuỷ, loại địa hình này được coi là mỏ vàng, là vị trí đẹp nhất tụ được khí, có được vị trí này khó mà không thuận lợi. Mặc dù Huyền Không tự nằm ở Đại Đồng, Sơn Tây, một nơi mà các nhà chiến lược quân sự phải tranh giành, nhưng chưa bao giờ bị chiến tranh tàn phá, và đã được triều đình của tất cả các triều đại bảo vệ.

Chính bởi bởi vì có hàng loạt các nhân tố thiên thời địa lợi nhân hòa hỗ trợ, Huyền Không Tự mới có thể ‘treo lơ lửng’ ngàn năm vẫn bền vững, đồng thời vì vị trí của chùa ở chính vùng đất long mạch tốt lành - hẻm Kim Long. Điều này cũng đủ để chúng ta thấy được sự trí huệ của cổ nhân.
Minh An biên dịch

llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll