Wednesday, 17 July 2024

NHÂN CÁCH LÀM NGƯỜI

 SỰ HY SINH THẦM LẶNG CỦA BA (cuối trang)  


TIỀN VÀ ĐẠO ĐỨC - BÀI HỌC VỀ NHÂN CÁCH LÀM NGƯỜI. 

https://phtq-canada.blogspot.com/2024/07/nhan-cach-lam-nguoi.html

Câu chuyện này xảy từ hơn 30 năm trước, vào một buổi tối mùa đông lạnh giá ở Washington D.C. Vợ của một doanh nhân giàu có Bất cẩn làm rơi túi xách tại một bệnh viện. Sau khi biết chuyện, vị doanh nhân này vô cùng lo lắng, vì bên trong túi xách không chỉ có 100 ngàn đô mà còn chứa thông tin thị trường vô cùng cơ mật. Ông vội vã lái xe đến bệnh viện ngay lúc nửa đêm.

Khi ông vừa đến nơi thì thấy một cô bé gầy còm đang ngồi ở hành lang bệnh viện, tay ôm chặt chiếc túi da mà vợ ông đánh mất. Cô bé ngồi dựa lưng vào tường, người run lên vì lạnh.

Cô bé ấy tên là Chiada. Em có người mẹ đang nằm viện và bệnh tình rất nặng. Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau sống qua ngày, họ đã bán đi rất cả mọi thứ có thể nhưng cũng chỉ đủ trả tiền viện phí đêm nay. Ngày mai, mẹ cô bé sẽ phải xuất viện, vì họ đã hết nhẵn tiền.

Buổi tối định mệnh hôm ấy, Chiada bất lực đi đi lại lại ở hành lang bệnh viện, nước mắt giàn giụa, cầu xin Thượng Đế hãy ban cho mẹ con em một phép màu. Vừa lúc đó, một người phụ nữ đi từ trên lầu xuống. Bà làm rơi chiếc túi da xuống đất, có thể là trong tay còn đang cầm thứ khác nên không biết túi xách bị rơi.

Ở hành lang chỉ có một mình Chiada. Cô bé nhặt chiếc túi lên, vội vàng đuổi theo người phụ nữ ra cửa, nhưng bà đã lên một chiếc xe hơi sang trọng và đi mất rồi.

Chiada quay lại phòng bệnh và kể cho mẹ câu chuyện này. Khi mở chiếc túi ra để tìm danh tính của người mất đồ, hai mẹ con đều sửng sốt bởi xấp tiền trong đó. 100 ngàn đô là số tiền quá lớn đối với họ, và nó rất có thể sẽ chữa lành bệnh của người mẹ. Nhưng mẹ của Chiada bảo con gáι hãy mang chiếc túi quay lại hành lang, đợi người bị mất đến nhận lại.

Sau khi được trả lại chiếc túi xách quan trọng, vị doanh nhân đã gắng hết sức chạy chữa cho mẹ của Chiada. Tuy nhiên bà vẫn không qua khỏi. Vì không muốn cô bé Chiada phải sống cô độc nên ông đã nhận nuôi cô bé và cho em đi học.

Kể từ sau đó, công việc kinh doanh của vị doanh nhân ngày càng phát triển, không lâu sau ông đã trở thành một tỷ phú. Sau khi tốt nghiệp đại học, Chiada cũng đến giúp đỡ ông quản lý công ty. Nhờ sự thông minh và những kinh nghiệm được học từ cha nuôi mà Chiada nhanh chóng trở thành một nữ doanh nhân thành công, rất nhiều việc cha nuôi đều phải hỏi ý kiến của cô.

Khi sắp qua đời, vị doanh nhân đã để lại một bản di chúc:

“Trước khi quen biết mẹ con Chiada, tôi nghĩ mình là một người rất giàu có. Nhưng khi đứng trước hai mẹ con họ – những người nghèo khổ, không có tiền chữa bệnh nhưng vẫn nhất quyết trả lại 100 ngàn đô, tôi nhận ra rằng họ mới là những người giàu có nhất. Bởi dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn giữ một tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Đây là điều mà người làm kinh doanh như tôi thiếu nhiều nhất. Tiền của tôi hầu hết đến từ sự tranh giành, tâm kế trên thương trường. Chính họ đã khiến tôi hiểu được nguồn vốn lớn nhất của đời người chính là phẩm hạnh.

Tôi nhận nuôi Chiada cũng không phải để trả ơn hay thương hại mà là mời về một tấm gương làm người. Có cô bé bên cạnh, trên thương trường, tôi luôn cố gắng ghi nhớ việc gì nên làm, việc gì không nên; số tiền nào nên lấy, số tiền nào không nên. Đây chính là sự đảm bảo vững chắc cho công ty phát triển và sau này tôi đã trở thành một tỷ phú.

Sau khi tôi ra đi, toàn bộ tài sản sẽ để lại cho Chiada thừa kế. Đây không phải là quà tặng, mà vì tôi muốn sự nghiệp của mình có thêm huy hoàng và thịnh vượng hơn. Tôi tin rằng, con trai tôi sẽ hiểu được tâm ý của tôi”.

Sau khi người con trai của ông từ nước ngoài trở về, đọc kỹ di chúc của cha, anh đã ký tên vào văn bản thừa kế: “Tôi đồng ý để Chiada là người thừa kế toàn bộ tài sản của bố mình. Chỉ mong cô ấy có thể làm vợ tôi”.

Chiada suy nghĩ một lúc rồi cũng cầm bút ký tên: “Tôi chấp nhận toàn bộ tài sản mà cha nuôi để lại, bao gồm cả con trai của ông”.

Nguồn sưu tầm .

Share Lại Hoài Niệm

 

SỰ HY SINH THẦM LẶNG CỦA BA 

Khi tôi viết những dòng chữ này thì ba tôi đã an nghỉ trong lòng đất. Ba tôi thọ 84 tuổi. Những người đến chia buồn đều cho ông cụ đã thuộc vào hạng “xưa nay hiếm”. Nhưng trong tôi, đó là một nỗi mất mát lớn lao không gì thay thế được.

Ba tôi là một nhà giáo nghiêm túc, hiền lành từ thời Pháp thuộc. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã ý thức được mình có một gia đình hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ cãi nhau. Hai người xưng hô bằng “mình ơi” nghe rất dịu. Ba đi làm, mẹ nội trợ, sáu anh chị em cắp sách đến trường. Một khuôn mẫu của gia đình cách đây năm mươi năm trước.

Năm tôi lên tám tuổi thì mẹ mắc bệnh. Một căn bệnh nan y mà đến giờ y học vẫn bó tay: ung thư. Mẹ tôi nằm sáu tháng tại nhà thương Huế. Dù bác sĩ giám đốc Lê Khắc Quyến đã lắc đầu nhưng ba tôi vẫn không chịu bó tay. Người xin nghỉ việc đưa mẹ vào Saigon với suy nghĩ “còn nước còn tát”. Sáu anh chị em bắt đầu thấm thía nỗi côi cút trong căn nhà vắng.

Rồi từ Saigon mẹ trở về với làn da xanh mét, thân hình gầy guộc. Mắt ba sâu hơn, nụ cười thường nhật biến mất. Tất cả chỉ còn đợi thời gian. Ba đặt một chiếc giường song song cạnh giường mẹ. Trong giấc ngủ trẻ con, nửa đêm tỉnh giấc tôi vẫn thấy ba ngồi nghiêng mình bên mẹ chăm sóc, vỗ về.

Mẹ tôi có một cái hộp bánh LU của Pháp. Trong đó người cất vòng xuyến, chuỗi ngọc hồi môn, những cái kiềng vàng của các con, tiền dành dụm của gia đình. Nhưng cái hộp càng lúc càng cạn dần. Tiền của lần lượt đội nón ra đi. Rồi vay mượn. Khi mẹ tôi mất thì gia đình hoàn toàn khánh kiệt. Suốt đời tôi chẳng thể nào quên cảnh ba ngồi khất nợ với một người bà con.

Một người đàn ông góa vợ lúc 48 tuổi và sáu đứa con dại! Bây giờ tôi mới thấm thía với nỗi vất vả của ba. Chúng tôi không còn người giúp việc. Ba lập một cái sổ thu chi hằng tháng. Chị Hảo chị Hà đi chợ hàng ngày. Tôi nhỏ nhất cũng có bổn phận dọn bàn, lau chén. Chẳng thể còn những món ăn ngon thời mẹ còn sống. Cái bàn tay vốn quen cầm bút của chị tôi chiên trứng thì trứng cháy, nấu canh bữa mặn bữa nhạt, vậy mà ba tôi không hề trách móc, than thở. Có hôm người xuống bếp thay mẹ bảo ban chị. Việc trường, việc nhà chất nặng trên đôi vai ba.

Mất mẹ tôi ngủ với ba. Thói quen sờ vú của đứa con gái út không dễ bỏ đi một sớm một chiều. Ba đã ôm ấp tôi, gối đầu tay cho tôi ngủ, cho tôi mân mê vú ba thay vú mẹ trong tiếng thở dài thầm kín.

Và cứ thế, cuộc đời gà trống nuôi con của ba lặng lẽ qua đi. Ba trả nợ, ba thu xếp cho các con ăn học nên người với số lương còm cỏi của một giáo viên. Mỗi lần anh chị tôi đi thi, không bao giờ ba quên thắp nhang trên bàn thờ mẹ, thầm vái van một sự độ trì.

Năm tôi học đệ tứ - tương đương lớp 9 thời nay, qua sự thu xếp của ông chú, ba tôi có ý định tục huyền với một người quen cũ, nghe đâu cũng là một cô giáo. Các anh đã lớn không có ý kiến gì. Chị Hà vào bàn thờ mẹ khóc. Tôi quay mặt vào tường, đêm ấy không nói với ba một lời. Quá nửa khuya, tôi vẫn nghe tiếng ba trở mình. Và đó cũng là lần cuối cùng. Không bao giờ chúng tôi còn nghe ba có ý định lấy ai.

Ôi, cái lòng ích kỷ tệ hại của tôi! Giá như ngày ấy chị em tôi biết nghĩ suy hơn một tí. Giá như tôi ý thức được rằng rồi mình cũng sẽ bỏ ba đi tìm một thứ gọi là hạnh phúc, thì hẳn rằng chúng tôi sẽ không ngăn cản ba có môt niềm an ủi khi chúng tôi lần lượt chắp cánh bay xa.

Ngày ba về hưu thì tôi đang ở năm thứ ba Đại học sư phạm, nối tiếp cái nghề truyền thống của gia đình. Các anh chị đã trưởng thành, mỗi người đều có một sự nghiệp tương đối trong xã hội. Tưởng đâu ba đã thong thả tuổi già, an nhàn trong sự bảo bọc của các con, mãn nguyện với hương hồn mẹ.

Miền Nam “được” giải phóng. Đất nước chấm dứt cuộc nội chiến nhưng gia đình tôi lại có nỗi đau riêng. Anh ruột và hai anh rể đi “học tập”. Ba tôi lại tất tả từ Đà Nẵng vào Qui Nhơn, từ Qui Nhơn lên Đà Lạt giữ cháu cho các chị tôi lăn lộn chợ trời, làm lụng kiếm sống. Còn một chút của cải phòng thân, người cũng ngắt ra giúp cho các chị thêm chút vốn liếng nuôi con.

Sự hy sinh của ba to lớn quá mà chúng tôi nào có cơ hội đáp đền! Sau này khi cuộc sống dần khá lên, các anh chị có điều kiện xuất cảnh gửi tiền về chu cấp thì ba vẫn cứ một đời sống khiêm cung giản dị. Ba đến thăm nhà đứa con nào thì nhà ấy phong quang, sạch sẽ, hoa cỏ tốt tươi. Tám mươi tuổi ba vẫn hái cà phê. Ngăn không cho ba làm thì ba bảo có lao động mới khỏe. Ba già mà tính không chướng. Ba vui vẻ thăm hỏi mọi người từ trong làng ra ngoài xóm. Ai cũng khen ba phúc hậu, quắc thước, phong thái ung dung. Có lần đưa ba về Saigon dự buổi họp mặt của cựu học sinh Trường Trung Học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị, ba tươi tắn biết bao nhiêu khi đón bó hoa tươi thắm mừng thọ của học trò, của các cô thầy đồng nghiệp.

Vậy mà tự dưng ba bỗng yếu đi bất ngờ. Ba có nhiều câu lẩn thẩn. Ba bắt đầu nói về cái chết. Ba kể những câu chuyện 40, 50 năm về trước. Ba sống trong hồi ức xa xăm. Tôi đã có cái hạnh phúc được chăm sóc ba những ngày cuối đời. Tôi bón cho ba thìa cháo, muỗng sữa. Tôi tắm cho ba, xoa nắn làn da mồi và những khớp xương gầy. Nhưng tôi vẫn chưa làm được những gì so với công ơn trời biển của ba. Trong những phút tỉnh táo ba vẫn băn khoăn, đau xót cho sự gãy đổ hạnh phúc của đời tôi. Anh chị đến đón, ba không về. Ba muốn sống và chết ở nhà đứa con út thiệt thòi nhiều thứ.

Và đúng là “phụ tử tình thâm”. Cái sáng thứ hai ấy, đang dạy ở trường, lòng tôi bỗng như lửa đốt. Tôi bỏ dở tiết mục dạy ra về và kịp chứng kiến sự ra đi của người cha yêu dấu. Tám mươi tư tuổi. Ba mươi sáu năm ở vậy nuôi con. Trải qua những biến cố thăng trầm, đời ba khổ nhiều hơn sướng.

Đám tang của ba tôi có rất nhiều thầy cô giáo và học sinh. Học sinh cũ của ba và của tôi hiện tại. Một số ở xa cũng đánh điện chia buồn. Âu cũng là một niềm an ủi cho nghề giáo đạm bạc mà thanh cao.

Ba ơi! Nếu quả thật có một thế giới bên kia cực lạc thì con chắc chắn rằng ba đang ở đó. Và xin hương hồn ba ghi nhận tấm lòng tri ân của các con trước sự hy sinh thầm lặng suốt cuộc đời ba.

Hương Thủy

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll