Tuesday, 14 August 2012

***HẠNH PHÚC NHỜ BIẾT BUÔNG XẢ



Hạnh Phúc Nhờ Buông Xả !
Có người nọ nghe nói về một đạo sư nổi tiếng nên tìm đến hỏi đạo. Đến nơi, anh thấy trong nhà của vị đạo sư trống trơn, chỉ có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cuốn sách.
Anh ngạc nhiên hỏi: "Sao nhà đạo sư trống trơn, không có đồ đạc gì cả?"
Đạo sư hỏi lại: "Thế anh có hành lý gì không?"
Anh đáp: "Dạ có một va li".
Đạo sư hỏi: "Sao anh có ít đồ vậy?"
Anh đáp: "Vì đi du lịch nên đem ít đồ".
Đạo sư nói: "Tôi cũng là một người du lịch qua cuộc đời này nên không mang theo đồ đạc gì nhiều".
Chúng ta thường quên mất mình chỉ là khách du lịch qua cuộc đời này, lầm tưởng mình sẽ ở mãi nơi đây, nên tham lam, ôm đồm, tích trữ quá nhiều đồ vật, tài sản. Đàn bà thì chất chứa quần áo, vòng vàng, nữ trang. Đàn ông thì máy móc, xe hơi, ti vi, máy điện tử. 
Tranh Chấp
Mỗi khi có sự tranh chấp, buồn phiền, chúng ta thường có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác. Sau đây là ba trường hợp:
a. Người chưa biết đạo thì luôn cho mình đúng và người kia lỗi 100%.
b. Người bắt đầu học đạo, biết tu thì thấy cả hai bên đều có lỗi 50%.
c. Người hiểu đạo thì thấy mình lỗi 100%.
1/ Người chưa biết đạo thì luôn cho mình đúng 100%. Do vô minh và chấp ngã quá lớn, cho mình là người quan trọng nhất, nghĩ cái gì cũng phải, cũng đúng, nên xảy ra chuyện gì trái ý cái ngã (cái ta) thì tức giận bắt lỗi người khác. Thí dụ một chuyện thật xảy ra ở Hoa Kỳ, có một bà già vào mua cà phê tại tiệm Starbucks, không biết vì lý do gì, bà uống ly cà phê bị phỏng miệng.
Thế là bà nổi giận làm đơn kiện tiệm này đã bán cho bà ly cà phê quá nóng khiến bà bị phỏng miệng và đòi bồi thường hai triệu đô la. Bà ta không thấy lỗi mình là khi cầm ly cà phê lên, nếu thấy nóng thì phải biết thổi cho nó nguội rồi mới uống, đàng này có thể vì tham ăn, tham uống, thấy ly cà phê bốc mùi thơm phức, mờ mắt húp cái ực nên bị phỏng miệng. Trong khi đó biết bao nhiêu người khác uống đâu có bị phỏng? Không những không biết lỗi mình mà còn đi kiện người ta!
Một chuyện khác có thật cũng xảy ra tại Hoa Kỳ. Một ông nọ đưa bộ đồ vét (veste, suit) đến một tiệm giặt ủi. Khi lấy bộ đồ về thì nhận ra cái quần không phải của mình.  Ông đem trả lại tiệm và khiếu nại. Khoảng một tuần sau, chủ tiệm đưa cho ông một quần khác, nhưng ông vẫn không công nhận là quần của ông. Thế rồi ông làm đơn kiện tiệm giặt ủi. Chủ tiệm đề nghị bồi thường ông 12.000 đô la nhưng ông không chịu mà đòi 54 triệu. Đương nhiên là quan tòa đã bác đơn của ông ta.
2/ Người bắt đầu học đạo và biết tu thì thấy cả hai bên đều có lỗi 50%. Ở đây nói 50% là nói tượng trưng, vì có thể là 40% và 60%, hoặc 30% và 70%, hoặc 20% và 80%, v.v...  Khi xảy ra một sự tranh chấp, cãi nhau thì đương nhiên phải có một người bắt đầu. Thí dụ như ông A và bà B cãi nhau. Ông A là người bắt đầu, nhưng nếu bà B im lặng bỏ đi, không chửi lại thì ông A không thể đứng đó chửi mãi. Nhưng nếu ông A nói một câu và bà B nói lại hai câu thì ông A sẽ tức lên nói ba câu hoặc năm, sáu câu liên tiếp. Và nếu bà B không biết ngừng thì cuộc cãi nhau sẽ leo thang. Nếu bà B biết ngừng thì cuộc khẩu chiến sẽ chấm dứt. Nhưng sau đó cả hai bên đều mang vết thương lòng và hận nhau. Về nhà, nếu bà B là người hiểu đạo thì sẽ nhận ra mình cũng có lỗi trong chuyện cãi nhau, và nếu nhận ra mình có lỗi 40% thì cơn giận của bà sẽ giảm xuống 40%. Nếu bà B nhận ra mình có lỗi 60% thì cơn giận của bà sẽ hạ xuống 60%.
3/ Người hiểu đạo thì thấy mình lỗi 100%. Trong một cuộc tranh chấp mà thấy mình lỗi 100% thì coi bộ lỗ quá. Nhưng nếu hiểu đạo, đạo ở đây là luật nhân quả và nhân duyên thì biết là không thể nào tự nhiên vô cớ mà người kia lại gây sự với mình.  Có thể mình đã nói hoặc đã làm điều gì tổn thương người ta mà mình không nhớ. Và nếu xét cho kỹ mà vẫn không thấy mình làm gì sai quấy thì có thể đời trước, hay nhiều kiếp trước mình đã não hại người ta, nên bây giờ họ gặp lại mình thì gây sự, kiếm chuyện trả thù. 
Thấy mình lỗi đã là quý, nhưng nếu biết xin lỗi thì càng quý hơn vì có thể giải tỏa ân oán và oan gia.


Hạnh phúc xả ly
Ở đời người ta thường cho hạnh phúc là có được cái này, cái kia: Có nhà lầu, xe hơi, có vợ đẹp, con ngoan, có tài sản, quyền thế, v.v...  Khi chưa có thì muốn có, làm đủ mọi cách để cho có. Có rồi thì sợ mất hoặc xem thường rồi lại muốn có cái khác. Nếu không được thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.
Người biết tu thì thấy "không có" là một hạnh phúc. Không có ở đây là do trí tuệ quán chiếu thấy mọi sự phiền toái đều do ham muốn mà ra. Bởi thế người tu không muốn có, nếu đã có rồi thì tập xả ly. Vì những thứ "có" trên thế gian này đều là ràng buộc.
Tuy nhiên đối với những người chưa có, chưa thỏa mãn được những mong ước, thèm khát, còn mải mê chạy theo vật chất thì xả ly là một việc thật khó làm, vì họ chưa có thì lấy gì mà xả bỏ.
Ðức Phật khi còn là thái tử đã có vợ con, vàng bạc, của cải, cung phi mỹ nữ, đầy đủ vật chất mà trong lòng vẫn nặng trĩu âu lo, không cảm thấy hạnh phúc. Do đó Ngài mới xả bỏ ra đi tìm chân lý, tìm hạnh phúc chân thật. Trong khi đó có những người tu lại chạy theo vật chất, của cải, tài sản, danh lợi bởi vì trong đời họ chưa được thỏa mãn, chưa cảm thấy có đầy đủ. Chỉ khi nào có được rồi và trải qua kinh nghiệm thấy những thứ mà họ đã nhọc công tìm kiếm chỉ đem lại phiền toái và khổ đau thì lúc đó ý nghĩ xả ly mới xuất hiện.
Trước hết có thân thì phải lo cho thân ăn, mặc, ở, sống. Phải đi làm kiếm ăn, phải mua quần áo mặc, phải thuê nhà ở tránh mưa nắng. Khi thân đau ốm phải lo thuốc men, chạy chữa. Nếu có gia đình thì phải lo làm ăn buôn bán kiếm tiền nuôi vợ con. Suốt ngày chỉ lo suy nghĩ và làm đủ mọi chuyện cho cái ta và những thứ của ta.
Hạnh phúc xả ly tương đương với thiểu dục tri túc, có nghĩa là tâm không ham muốn, và luôn cảm thấy đầy đủ dù trong tay không có gì hết. Với người tu, không có sở hữu gì thật là một hạnh phúc. Nói như vậy có vẻ ngược đời, nhưng người tu là kẻ đi ngược dòng đời kia mà!
Xả ly giống như người đang mang gánh nặng trên vai mà đi, nay bỏ được gánh nặng xuống thì cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng vô cùng. Người tu cần tập xả ly, vì xả nhiều chừng nào thì nhẹ chừng nấy. Xả ly không có nghĩa là phải vứt bỏ hết tài sản, của cải đang có.
Xả ly trước hết là xả bỏ sự ham muốn và buồn giận trong tâm, kế đến là xả bỏ sự bám víu vật chất bên ngoài. Tuy sống giữa tài sản, vật chất, nhưng tâm không còn nhớ nghĩ những thứ đó là của ta, nếu có ai xin hoặc mất thì xem như nhẹ gánh nặng.
Tập xả ly tới mức cùng cực thì khi chết, ta xem như trút hết gánh nặng, nhất là cái thân tứ đại già yếu, bệnh hoạn. Ta đã phải mang nó trên vai suốt cả cuộc đời, nay bỏ được nó, há không phải là sung sướng lắm sao? Vì thế các thiền sư đắc đạo, khi chết đều vui vẻ an nhiên tự tại ra đi.
Khi đói thì ta thèm ăn, nhưng khi ăn thì đòi thứ này thứ kia rồi ăn cho cố, đau bụng, nặng bụng, khó thở. Khi khát thì thèm uống, nhưng khi uống thì thích những thứ độc hại như rượu bia, rồi say mèm, ói mửa. Nhiều khi sinh ra ung thư hay sưng gan.
 Người tu là người đi tìm hạnh phúc chân thật,
hạnh phúc này chỉ có khi tâm không còn bám víu, dính mắc, thèm khát mọi sự vật trên đời này.
Như vậy hạnh phúc chính là sự giải thoát của tâm ý.
Và muốn có giải thoát thì phải tập xả ly.
Hãy nhìn vào tự tâm, xem mình còn bám víu, dính mắc, ưa ghét cái gì không?
Có người xả bỏ được vợ con nhưng lại dính mắc vào chùa chiền, xả bỏ được tài sản nhưng lại dính mắc vào danh lợi, địa vị.
Xả bỏ được cái này nhưng rồi lại dính mắc vào cái khác!

Những bài Thơ nhỏ này được sáng tác
sau khi tác giả đã đọc một số bài thuyết pháp
của Tỳ Kheo Thích Chân Tuệ  Phật học Tịnh Quang - Canada.
Xin quảng bá đến quí vị.

PHƯỚC BÁU
Ai ơi phước báu tồn kho
Giúp người, công quả...là cho chính mình!
Đừng nên lơ đãng, vô tình
Lúc tai nạn đến thì mình làm sao?
Người may, phước báu dồi dào
Người không, phước báu khác nào sợi tơ!
Làm lành, lánh ác, phụng thờ
Ấy là phước báu căn cơ đồng hành
Mong ai làm mọi điều lành!
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
TÂM LÀNH
Khi ta biết chưa rành
Đừng cái kiểu lanh chanh
Vội phê bình chỉ trích
Đó là tâm không lành
Muôn việc ở đời khó
Nó không như thế đó
Nhiều uẩn khúc bên trong
Chi tiết to và nhỏ
Không liên quan đến ta
Nghe xong rồi bỏ qua
Nhiều việc hữu ích khác
Chúng vẫn đang chờ ta
Cái tâm của người lành
Trong sáng như bình minh
Chớ để gợn mây xám
Làm hại vẻ thanh quang!
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
VP.PHTQ.CANADA chân tình tri ân Gs. Bút Xuân Trần Đình Ngọc
 - Cựu Dân Biểu VNCH.
Kính chúc Quí Giáo Sư luôn sáng tác cho đời thêm dễ thương.
Kính.

Một hành động của lòng nhân ái
Trong suốt thời gian xảy ra nội chiến, Tổng thống Abraham Lincoln vẫn thường đến các bệnh viện để thăm hỏi và trò chuyện với những thương binh đang điều trị ở đó. Một lần, các bác sĩ dẫn Lincoln đến bên giường một người lính trẻ đang gần kề cái chết.
"Tôi có thể làm cho anh được điều gì ngay bây giờ không?" Tổng thống hỏi.
Người lính trẻ rõ ràng không nhận ra Lincoln. Anh cố thều thào: "Xin ông hãy giúp tôi viết một lá thư cho mẹ!"
Bút và giấy được mang tới, và vị Tổng thống bắt đầu nắn nót viết từng chữ mà người lính trẻ có thể đọc được bằng hơi sức yếu ớt còn lại của mình:
 "Mẹ yêu quý! Con bị thương rất nặng trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Con e rằng con không thể qua khỏi được. Nhưng mẹ ơi, mẹ đừng quá đau buồn vì con nhé. Xin hãy hôn em Mary và John giúp con. Xin ơn trên phù hộ cho bố mẹ."
Người lính đã quá yếu sức và không thể tiếp tục được nữa, nên vị Tổng thống ký tên giùm anh vào cuối bức thư và thêm vào dòng chữ: "Viết thay cho con trai bà - Abraham Lincoln."
Người lính trẻ nhìn vào bức thư, và anh thật sự ngạc nhiên khi đọc thấy tên người đã giúp anh thực hiện nguyện vọng cuối cùng của mình.
"Ngài chính là Tổng thống ư?" anh hỏi.
 "Vâng, tôi đây!" Lincoln trả lời một cách bình thản, và lại tiếp tục hỏi rằng ông có thể làm thêm được gì cho anh.
 "Xin ngài hãy nắm lấy tay tôi!" anh nói. "Điều đó sẽ giúp tôi rất nhiều khi phải đối mặt với cái chết!"
Và trong căn phòng tĩnh lặng, vị Tổng thống cao gầy nắm chặt tay anh lính trẻ trong bàn tay mình, nhẹ nhàng nói những lời an ủi, động viên cho đến khi anh ra đi trong thanh thản.
- The Best of Bits & Pieces
THƯ NGỎ VÀ MỤC LỤC PHTQ SỐ 20
KHOA HỌC VÀ KIẾN THỨC TRONG PHẬT GIÁO
CON CHIM TRONG BÀN TAY
TÌM HẠNH PHÚC Ở ĐÂU
THUYẾT TRÌNH VÀ HỘI THẢO CHƯƠNG TRÌNH ĐI TÌM HẠNH PHÚC
NGUỒN GỐC CỦA SỰ MÊ TÍN
LÀM SAO TÌM THẤY PHẬT