Friday, 10 August 2012

*** PHẬT PHÁP TRỊ TÂM BỊNH CHO CHÚNG SINH




HT THÍCH THANH TỪ
Trong kinh Phật dạy pháp của Phật là những phương thuốc trị tâm bệnh cho chúng sanh. Chúng sanh có tám muôn bốn ngàn phiền não, thì Phật có tám muôn bốn ngàn pháp môn. Như vậy mỗi pháp của Phật trị mỗi bệnh của chúng sanh. Nếu chúng sanh có bệnh, biết rõ bệnh của mình, lấy pháp của Phật trị thì bệnh sẽ lành. Còn người có bệnh mà không biết thì chịu thua, hoặc biết bệnh nhưng không biết thuốc cũng không dùng được.

Như vậy pháp Phật là pháp trị bệnh cho chúng sanh. Thế nhưng pháp Phật đã có hai ngàn năm trăm mấy chục năm rồi, mà bệnh chúng sanh cũng không hết, bởi vì chúng sanh nhiều bệnh quá.

Như chúng ta đã biết, sau khi đức Phật giác ngộ dưới cội bồ-đề rồi, Ngài tìm đến năm anh em ông Kiều-trần-như để hóa độ. Bài pháp đầu tiên Phật nói là Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế chia ra hai phần, một phần chỉ ra sự đau khổ, một phần dạy cách diệt đau khổ.

Về phần đau khổ, Phật chỉ thân này chứa đựng bao nhiêu sự đau khổ, nên có thân là có khổ. Vậy cái khổ đó ai đặt ra, từ đâu đến? Đức Phật bảo cái khổ đó có nguyên nhân. Nguyên nhân đó là gì? - Gọi là Tập. Như vậy khổ là một lẽ thật, nguyên nhân tạo khổ cũng là một lẽ thật. Vì vậy nên nói Khổ đế, Tập đế.

Khổ đã không phải ngẫu nhiên đến mà có nguyên nhân. Vậy khi biết nguyên nhân rồi muốn cho hết khổ thì phải tiêu diệt nguyên nhân gây khổ. Tiêu diệt được nguyên nhân gây khổ thì sẽ hết khổ. Nhưng muốn tiêu diệt nguyên nhân đau khổ không thể nói suông, mà phải có phương pháp. Cũng như thầy thuốc biết bệnh đang hành, bệnh nhân đang khổ, thì phải truy nguyên tìm ra vi trùng gây bệnh. Biết chính xác vi trùng rồi thì phải diệt vi trùng, diệt vi trùng xong mới hết bệnh. Nhưng nói diệt vi trùng suông thôi thì không được, phải có phương thuốc cụ thể, mới diệt hết vi trùng.

Cũng vậy, Phật dạy tất cả khổ của chúng sanh đều có nguyên nhân. Nếu chúng ta tra cứu biết rõ nguyên nhân rồi thì phải tiêu diệt nó, muốn tiêu diệt nó phải có phương pháp. Nên Phật nói Khổ đế là quả, Tập đế là nhân. Diệt đế là diệt hết nhân khổ. Muốn diệt hết nhân khổ phải có phương pháp, phương pháp đó là Đạo đế. Có phương pháp mới dùng phương pháp ấy diệt hết nguyên nhân đau khổ. Do đó, Diệt đế là quả giải thoát, còn nhân của quả giải thoát là Đạo đế, tức phương pháp diệt khổ.


Đức Phật dạy chúng sanh đâu khác gì việc của các thầy thuốc đang làm. Nên đạo Phật rất thực tế, không nói chuyện viển vông xa vời gì hết. Ai có bệnh chỉ cần dùng thuốc đúng thì trị lành bệnh. Trị lành bệnh là hết khổ, nên nói đạo Phật là đạo cứu khổ chúng sanh.

Ở thế gian, thầy thuốc trị về thân bệnh. Trong đạo, Phật trị tâm bệnh. Giữa hai việc điều trị đó, việc nào quan trọng hơn? - Điều trị tâm bệnh quan trọng hơn. Bởi vì dù thầy thuốc hay mấy, biết bệnh nhân đang bị đau tim, hay đau phổi, thầy thuốc có thuốc nhưng người bệnh cứ rầu, cứ buồn, thì trị nổi không? - Không nổi. Vì tâm người bệnh không an, không vui thì điều trị khó lành. Vì vậy nên tâm bệnh rất là hệ trọng. Nếu thầy thuốc có được hai phương thuốc, một trị thân bệnh, một trị tâm bệnh thì hay biết mấy. Trị như vậy mới toàn hảo, còn chỉ một phần thì chưa được.

Để trị tâm bệnh Phật dạy những pháp để tiêu trừ nguyên nhân sanh ra bệnh. Bệnh của chúng sanh tới tám muôn bốn ngàn, pháp của Phật cũng có tới tám muôn bốn ngàn. Nhưng nói về cội gốc của bệnh, thì có sáu thứ căn bản phiền não. Trước khi nói pháp trị bệnh chúng ta cần phải biết các thứ bệnh. Bệnh tình đó đang thế nào, muốn giới thiệu thuốc thì phải biết hậu quả hay hiện trạng bệnh đang hoành hành ra sao.

Bây giờ thử nghiệm lại tất cả chúng ta trong hiện đời khổ hay vui? Nếu vui thì không có bệnh, không bệnh thì cần gì thuốc. Nếu có bệnh mới tìm nguyên nhân gây bệnh và trị bằng cách nào. Trong nhà Phật nói con người bị bốn, hoặc tám thứ khổ vây hãm, không ai thoát khỏi. Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, có ai khỏi đâu? Như vậy quả thật chúng ta là bệnh nhân rồi. Ngoài ra còn ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Nghĩa là thương yêu xa lìa khổ, oán thù mà gặp mặt hoài khổ, mong muốn không được khổ, thân này tự bại hoại không an khổ. Kiểm lại trong tám thứ khổ chúng ta đều có đủ. Rõ ràng xác định được chúng ta là bệnh nhân rồi, thì mới nói tới trị liệu.

Muốn trị bệnh thì phải phăng tìm nguyên nhân. Nguyên nhân nào sanh ra những thứ khổ đó. Phật nói nhiều lắm nhưng ở đây tôi chỉ kể sáu thứ: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Vì có nhân này nên có quả kia. Thí dụ như tham, căn bản là tham sống. Có người nào không tham sống sợ chết đâu? Nhưng rồi cũng phải chết, bởi vậy nên khổ. Bây giờ mình hết tham sống thì không sợ chết. Mà không sợ chết thì đâu còn khổ.

Từ tham sanh bao nhiêu thứ khổ. Đức Phật chia ra hai thứ: một là tham về ngũ dục, hai là ngũ trần. Tham ngũ dục là: tài, sắc, danh, thực, thùy. Tài là tiền của, sắc là sắc đẹp, danh là danh vọng, thực là ăn uống, thùy là ngủ nghỉ, năm cái này để cho mình tham. Từ những tâm tham này sanh ra các thứ khổ kia. Vậy chúng ta phải lấy thuốc gì để trị vi trùng tham?

Tham tài phải lấy hai thứ thuốc hòa hợp lại trị: thuốc thứ nhất là “bố thí”, thuốc thứ hai là “vô thường”. Phật dạy tất cả tài sản của chúng ta bị năm nhà cướp lấy. Năm nhà là gì:
1- Nước lụt,
2- Trộm cướp,
3- Con bất hiếu,
4- Lửa cháy,
5- Vua chúa hay quan quyền tìm cách cưỡng đoạt.

Như chúng ta chứng kiến nạn lụt miền Trung vừa rồi, bao nhiêu năm dành dụm chỉ một cơn lũ là cuốn sạch, không còn gì cả. Như vậy tài sản của chúng ta có bảo đảm đâu, nên Phật nói nó thuộc về năm nhà. Nếu không bị lụt, có khi bị cháy cũng rụi. Không cháy thì bị trộm cướp, không bị trộm cướp thì con bất hiếu phá hết sự nghiệp. Không bị con cái thì gặp những thế lực bên ngoài cưỡng bức cướp lấy.

Tuy nói tiền bạc của cải của mình nhưng không bảo đảm giữ được lâu dài, như vậy tham để làm gì? Nghĩ đến lý vô thường chúng ta bớt tham. Bớt tham thì bớt khổ. Con người thường có bệnh hễ tiền của trong tay thì được một đòi hai, được hai đòi bốn, muốn thêm hoài. Ở đây Phật dạy phải xả, phải bố thí. Nên nghĩ chúng ta có bao nhiêu đủ ăn rồi, phần dư bố thí cho người. Như vậy là bớt lòng tham. Nếu người dư dả đem bố thí, vì biết rằng của cải giữ không được, không có tâm gom góp, keo sẻn là đã trị được bệnh tham tài. Rõ ràng có bệnh thì có thuốc. Biết được nguyên nhân vì tham tài, mà cầu bất đắc nên khổ. Muốn nhiều của nhưng muốn hoài không được thì khổ. Bây giờ mình đem ra bố thí tức không cần giữ gìn nữa thì đâu còn lòng tham. Mà không tham thì đâu có khổ.

Người tham sắc Phật dạy dùng thuốc “quán bất tịnh” để trị. Bởi vì khi tham sắc thì thấy người đẹp, tự nhiên chúng ta nghĩ ngợi người đó đẹp thế này, người đó quí, sang thế nọ v.v… Ngược lại nếu chúng ta quán thân mình bẩn thỉu không ra gì, thân mọi người cũng vậy. Quán đến khi mình gớm thân mình, thì thân người khác mình cũng gớm luôn. Mà gớm thì hết tham. Đó là cách trị bệnh tham sắc.

Đến tham danh phải dùng pháp quán “vô thường”. Bởi vì mọi thứ trên đời này được rồi sẽ mất. Thí dụ như người ứng cử Tổng thống được đắc cử, thì bốn năm năm cũng hết nhiệm kỳ, có còn mãi đâu! Bởi nó không bền, vì vậy phải quán vô thường, quán nó là khổ hai thứ hòa hợp. Khi chưa được danh vì lo lắng chạy chọt đủ thứ đã là khổ. Khi được rồi lo nó mất lại khổ nữa. Nếu thật sự nó mất thì càng buồn. Cho nên quán tham danh gốc là khổ đau. Người không hiếu danh dù được mời gọi cũng không muốn. Nếu có làm việc gì thì vì tất cả lợi ích chung chớ không vì danh vị của mình. Đã vì tất cả lợi ích chung thì được không mừng, mất cũng không lo, như vậy mới không khổ.

Đến việc tham ăn (thực) cũng là gốc của khổ. Phải dùng hai thứ thuốc “vô thường” và “bất tịnh” hòa lại. Thức ăn khi còn ở miệng thì quí, nhưng nuốt qua khỏi cổ rồi thì hết quí. Giả sử nó không chịu vào mà ụa ra thì có gớm không? Như vậy nó quí khi còn ở ngoài. Nuốt vô rồi nó trở thành dơ, đâu phải là quí. Tại vì chúng ta cứ mê say nên cho là quí. Nếu thấy nhơ nhớp thì đâu có tham. Lại một điều nữa, thức ăn ngon được bao lâu? Chỉ một hai phút ở trong lưỡi trong miệng thôi, qua khỏi cổ thì hết ngon rồi, nên nó tạm bợ vô thường, tham làm gì. Xét như vậy thì bớt được tham ăn.

Tới bệnh tham ngủ. Nhà Phật dạy muốn trừ bệnh tham ngủ phải dùng thuốc “vô thường”, thuốc “tinh tấn” hòa lại. Nên nghĩ mạng sống này không bao lâu, không có gì bảo đảm. Giờ nào còn sống thì mừng giờ đó, qua giờ khác thì không thể biết được. Vì thân này rất mỏng manh, rất tạm bợ. Nên chúng ta hiện sống, có những việc nên làm đáng làm mà không lo làm, cứ nằm ngủ hoài. Nhà Phật dùng câu: “cần tu như lửa cháy đầu”, nếu đốm lửa rơi trên đầu thì chúng ta chần chờ hay phủi ngay? Vô thường đến bất kể lúc nào, chúng ta không thể lường trước được. Vì vậy giờ nào còn sống, còn khỏe thì nên làm tất cả những gì có thể làm, chớ không bỏ trôi ngày giờ lãng phí một cách vô ích.

Như vậy vừa quán vô thường, vừa tinh tấn thì trừ được bệnh tham ngủ. Nên tôi thường nói với Tăng Ni muốn trị bệnh tham ngủ thì phải dùng cây roi tinh tấn mà đánh cho nó thức.
Như vậy là trị năm thứ ngũ dục bằng năm thứ thuốc rồi. Ở đây tôi không nói ngũ trần vì ngũ trần cũng anh em với ngũ dục vậy thôi.

Qua sáu thứ căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Bệnh tham đã có mấy bài thuốc ở trên rồi, đến đây khỏi phải nhắc lại. Kế bệnh sân, thì trị bằng hai thứ thuốc “từ bi”“nhẫn nhục”. Nhẫn nhục là giải quyết cấp thời, khi người ta làm trái ý, mình nổi sân lên liền phải nhẫn, buông xả đi thì gọi là nhẫn nhục. Buông xả dừng được cơn thịnh nộ rồi, nhưng lâu lâu nhớ lại cũng tức. Nghĩ rằng người ta nói bậy, làm bậy, mình mới giận. Nhưng nếu chúng ta biết nghĩ lại, tại vì ngu si nên họ làm quấy thật đáng thương. Nghĩ như vậy mới hết giận luôn, chớ còn đè nén, mai mốt nhớ lại giận nữa thì không được.

Cho nên có thuốc nhẫn nhục mà không có thuốc từ bi thì cũng dễ tái phát. Có nhẫn nhục rồi phải có từ bi quán theo sau đó. Bởi vì nếu chúng ta có tình thương thì lỗi nhiều thấy ít, nếu không thương thì lỗi ít thấy nhiều, không thể thứ tha được. Vì vậy phải vừa nhẫn nhục, vừa quán từ bi mới trị hết bệnh nóng giận.

Đến si, tức si mê. Si mê có hai tầng bậc:
Thứ nhất không biết gì là tội, gì là phước, gì là tà, gì là chánh, không phân biệt rành rẽ. Đó là si mê hạng thấp.

Tuy nhiên quí Phật tử thử xét lại xem thiện, ác chúng ta đã phân biệt rành chưa? Đôi khi chúng ta tưởng như mình đã biết rất rành về thiện ác, nhưng có nhiều cái thiện mà thành ác, ngược lại ác lại thành thiện. Thí dụ cô giáo phạt học trò lười, trốn học hoài thì thấy như ác. Nhưng nhờ phạt nó sợ cố gắng học, như vậy thì ác hay thiện? Còn giả sử như kẻ ghiền á phiện bị ụa mửa, có người thấy vậy mua á phiện đưa cho họ hút, như vậy thiện hay ác? Mới nhìn như thiện vì kẻ đang khổ, cho hút thì họ đỡ khổ, nhưng sự thật thì ác vì làm cho họ ghiền hoài. Nên nhiều việc mới nhìn thấy thiện, mà hậu quả lại ác hoặc ngược lại mới nhìn thấy ác nhưng hậu quả lại thiện.

 Vì vậy phân biệt thiện ác cũng không phải dễ, phải có trí tuệ mới có thể phân biệt được. Phân biệt được thiện ác mới phân biệt được tội phước. Cái gì tội, cái gì phước? Nếu việc làm giúp ích được người lâu dài thì có phước. Còn việc làm trước mắt thấy như thiện mà tạo thành cái khổ cho người lâu dài thì trở thành ác. Như vậy thiện ác thật khó xử, khó giải quyết. Nhưng nếu chúng ta phân biệt được thiện ác thì tội phước mới không lầm lẫn.

Cũng vậy tà chánh, rất khó phân biệt. Có những trường hợp mới nghe như phải, như chánh, nhưng mà rốt cuộc lại tà. Như có người trong đạo Phật, rất cung kính Phật. Bởi quá cung kính nên tin đức Phật có đầy đủ vạn năng xin cái gì cũng được. Vì vậy mỗi khi có tai nạn hoặc gặp vui buồn cứ đến xin Phật cầu Phật. Quan niệm như vậy là đã thành tà. Cung kính Phật tại sao lại tà, đó là vấn đề mà đôi khi Phật tử chúng ta không nhận ra.

 Đức Phật từng tuyên bố “ta không có quyền ban phước giáng họa cho ai”. Vậy chúng ta xin Phật cho hết tai họa thì có ngược lại lời Ngài nói không? Phật dạy một đàng, chúng ta làm một ngả, không phải tà là gì? Trong đạo, người mắc kẹt bệnh này rất nhiều. Tu thì không chịu tu mà cứ xin. Phật dạy dùng pháp để trị tâm bệnh mà chúng ta cứ xin là sao? Có nhiều Phật tử nói tôi theo đạo Phật mười năm rồi, mà động tới thì phiền não đủ thứ. Tu mà không hết khổ thì đạo Phật vô hiệu, không giá trị. Như vậy kẻ ấy làm tăng giá trị đạo Phật hay làm giảm giá trị đạo Phật? Việc này thật tế nhị. Quí Phật tử phải hiểu tin Phật là nên tin điều gì và không nên tin điều gì. Người ta cứ ỷ lại vào Phật, cầu mong Phật cho cái này cái nọ. Được như ý thì nói Phật linh, rủ nhau đi chùa. Nếu không được như ý thì Phật không linh.

Phật dạy chúng ta phương pháp tu, nếu có nóng giận nên tu pháp gì, đâu có cầu ai. Ứng dụng pháp Phật để tu thì phiền não giảm, đau khổ bớt. Như vậy Phật cứu khổ cho mình rồi. Cũng như thầy thuốc khám bệnh, cho thuốc, nhưng bệnh nhân không chịu uống, vậy làm sao hết bệnh? Kẻ ấy thầy thuốc cũng chịu không có cách nào khác. Phật là thầy thuốc trị tâm bệnh cho chúng sanh. Nhưng chúng sanh không chịu dùng thuốc thì làm sao hết bệnh, nên theo đạo Phật mà vẫn tà như thường. Hiện nay có rất đông người theo đạo Phật như vậy.
Nhiều huynh đệ than phiền nói tôi tu mà cứ chỉ trích người này chỉ trích người kia. Vì tôi thấy việc tà mà không xây dựng, không chỉ dạy thì đối với Phật pháp tôi đã có tội rồi. Do đó muốn phân biệt tà chánh rất là khó.

Đó là chưa kể nhiều người tuyên bố mình là Bồ-tát tái thế để độ chúng sanh, hay họ tuyên bố có câu chú lá bùa trị lành tất cả bệnh. Quí Phật tử nghĩ sao, điều đó chánh hay tà? Trong nhà Phật dạy không có vị Bồ-tát nào hiện thân ra đời mà vỗ ngực xưng tên ta là Bồ-tát cả. Bồ-tát đi lẫn trong quần chúng hành mật hạnh Bồ-tát. Nếu nói ta là Bồ-tát để được người cung kính lễ lạy thì làm sao hành hạnh Bồ-tát?

Chỉ như có người bệnh cần phải cõng đi bệnh viện thì Bồ-tát làm. Người gặp cảnh nghèo đói cần giúp thì Bồ-tát giúp thầm lặng, không hiện tướng khác người. Đôi khi vì thử người, Bồ-tát hiện thân thấp kém để thử người mến đạo. Nếu xưng Bồ-tát, mọi người đều quí kính hết thì làm được gì. Tự xưng Bồ-tát còn không phải hạnh Bồ-tát, huống nữa tự xưng Phật thì chúng ta bái không nên lại gần, vì đó là tà rồi.

Điểm kế nữa, người dạy tu mà bảo phải thề độc, nếu bỏ đạo sẽ bị đọa địa ngục v.v… Như vậy tà hay chánh? - Chắc chắn là tà rồi. Bởi tà nên họ sợ người ta bỏ. Vì vậy bắt thề độc, lỡ vô rồi phải trung thành. Đó là tà giáo, nhiều Phật tử bị lầm đáng thương lắm.

Đức Phật dạy chúng ta qui y Phật thề tránh điều dữ nguyện làm việc lành, chớ không thề thốt gì hết. Lúc nào không muốn tu nữa thì thôi, không có chuyện hăm dọa bỏ đạo bị đọa địa ngục. Phân biệt tà chánh phải dùng trí tuệ. Muốn trị bệnh si mê thì vận dụng trí tuệ quán chiếu mới trị được. Bởi vì từ si mê người ta tạo đủ thứ nghiệp, chịu đủ thứ khổ. Nay muốn có trí tuệ chúng ta phải: một học chánh pháp (Hữu sư trí), hai tu Thiền định (Vô sư trí). Lấy trí tuệ dẹp si mê.

Phần thứ nhất tôi nói về si mê cạn, đến phần thứ hai tôi nói về si mê sâu. Si mê sâu là giả mà tưởng là thật, cái thật lại không biết. Như thân này giả mà chúng ta tưởng thật. Đó là si mê. Si mê sâu này rất nguy hiểm vì chấp giả làm thật, nên không bao giờ biết được cái thật. Đến tâm cũng chấp cái giả của tâm cho là Tâm thật. Trong kinh Lăng Nghiêm, phần bảy chỗ hỏi tâm, Phật hỏi ngài A-nan:
- Cái gì là tâm của ông?
Ngài A-nan trả lời:
- Bạch Thế Tôn cái hay suy nghĩ là tâm con.
Phật quở:
- Cái đó không phải tâm ông.
Ngài hoảng hốt hỏi Phật:
- Vậy con không có tâm sao?
Phật nói:
- Ông có tâm, nhưng cái suy nghĩ đó không phải là tâm ông.

Phật liền dùng thí dụ chàng Diễn-nhã-đạt-đa đứng trước mặt gương soi mặt, thấy đầu mặt rõ ràng trong gương. Khi úp gương xuống, đầu mặt mất, ông ôm đầu chạy nói: “Tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi.” Tại sao ông ôm đầu chạy lại la mất đầu? Tại chấp bóng cho là đầu thật, nên mất bóng liền ôm đầu thật chạy la mất đầu. Chúng ta cũng vậy, suy nghĩ phân biệt mà cho là tâm mình. Thật ra đó là duyên theo bóng, nghĩ về người thì có bóng người, nghĩ về vật có bóng vật. Nó lăng xăng nhưng tìm lại thì mất dạng. Không phải bóng là gì? Khi không suy nghĩ, không tính toán gì hết, lặng yên, lúc đó có tâm mình không? Tâm là cái biết, mắt thấy biết, tai nghe biết. Vậy mà chúng ta không bao giờ nhận cái đó, cứ nhận bóng dáng cho là mình. Như vậy chúng ta có giống Diễn-nhã-đạt-đa không, cứ chấp bóng là tâm mình? Chấp bóng là mình tức chấp tâm giả cho là thật, thì không bao giờ thấy được Tâm thật.

Nên biết, tại sao chúng ta phải tu thiền? - Là để cái tâm tạm bợ bóng dáng đó lặng xuống, nếu theo nó liên tục thì làm gì thấy cái thật. Tôi thường ví dụ như cái gương, nhìn vào thấy có bóng người, bóng vật. Lúc đó chúng ta thấy mặt gương rõ không? Bởi mải lo thấy bóng mà quên gương. Nếu khi không thấy bóng mới nhận ra mặt gương luôn trong sáng. Cũng vậy, tâm chúng ta luôn hiện tiền trong sáng. Nhưng chạy theo vọng tưởng thì quên tâm. Khi dừng được vọng tưởng, cũng như gương không có bóng, mặt gương hiện rõ ràng. Chúng ta tu thiền chủ yếu là vì thế.

Tâm theo cảnh là tâm tạo nghiệp, buồn thương giận ghét là mầm tạo nghiệp. Nếu không nghĩ ngợi lăng xăng thì có buồn thương giận ghét không? Tâm không buồn thương giận ghét đâu có sanh diệt! Không sanh diệt mới thật là cái chân thật của mình. Do đó si mê tầng thứ hai này rất sâu. Tầng thứ nhất vừa nói có thể biết liền, còn thứ si mê này thật thâm trầm, Phật gọi đó là vô minh.

Đối với si mê cạn thì chúng ta dùng trí tuệ hữu học phân biệt chánh, tà. Đối với si mê sâu chấp giả làm thật thì phải có công phu tu. Từ trí do huân tu mới nhận chân được lẽ thật. Đây là nhân giải thoát sanh tử.

Tóm lại, muốn trị bệnh si mê phải dùng thuốc trí tuệ và Thiền định. Trí tuệ là trí hữu học, còn Thiền định để tăng Trí vô sư. Như chỉ thắp đèn mới phá được bóng tối. Nếu không như thế thì làm sao phá được phiền não. Cho nên người học Phật không có trí tuệ thì không làm sao phá được phiền não. Vì trí tuệ phá si mê. Mà si mê sanh ra phiền não. Si mê chấp thân, si mê chấp tâm v.v… Bao nhiêu khổ đau theo đó mà ra.

Đến bệnh mạn, tức ngã mạn. Tại sao chúng ta có bệnh khinh mạn hay ngã mạn này? Vì một là chấp thân, hai là chấp tâm. Thí dụ người đẹp, sang cả thì thấy ta hơn thiên hạ, hoặc người thông minh học giỏi cũng thấy ta hơn người. Từ hai thứ chấp thân chấp tâm, thân đẹp thì cho là quí, tâm lanh lợi thì cho là khôn ngoan, đó là bệnh ngạo mạn. Bệnh này phải dùng thuốc “vô ngã” để trị. Vô ngã có hai: về thân thì do tứ đại hòa hợp, về tâm thì tất cả suy nghĩ đều là vọng tưởng hư dối, có gì thật đâu mà chấp! Ta đã không thật mà trọng mình khinh người là điều vô lý. Nên dùng pháp quán vô ngã, thân tứ đại duyên hợp nên không có ngã thật, tâm cũng là bóng dáng của ngoại trần, nên cũng không thật, có gì là khôn có gì là hơn? Lấy vô ngã để phá ngã mạn, đó là thuốc trị bệnh mạn.

Đến nghi, thường nghi có hai loại: Trong nhà thiền hay nói “đa nghi đa ngộ” thì cái nghi này là nghi quí. Còn nghi bệnh như: một là nghi mình, hai là nghi Tam Bảo. Nghi không biết Phật có thật không, pháp Phật dạy có đúng không, các thầy tu có thật không? Do nghi như vậy nên đối với Tam Bảo mất hết lòng tin. Kế, nghi mình tu không nổi. Đã nghi mình, nghi Tam Bảo thì làm sao tiến được! Cho nên muốn hết nghi phải lấy thuốc “chánh tín” để trị. Tức là lấy lòng tin. Lòng tin ở đây là từ trí tuệ mà có, chớ không phải tin mù quáng. Bởi tin có hai: tin do trí tuệ gọi là chánh tín, tin một cách mù quáng gọi là mê tín. Chữ tin này cần phải hiểu cho rõ ràng.

Dùng chánh tín tức là lòng tin chân chánh để dẹp cái nghi. Chánh tín là tin thế nào? Một: Tin Tam Bảo bằng trí tuệ, đức Phật có thật hay không, chúng ta phải tra khảo tìm hiểu cho rõ. Khi nào biết thật có đức Phật là con người tu hành thành đạo, tin được Phật rồi. Thứ hai là tin pháp của Phật. Pháp này đúng sự thật hay huyền hoặc sai với chân lý? Nếu đúng thì chúng ta mới tin pháp.

Thứ ba là tin Tăng, những vị xuất gia tu theo Phật gồm có Tăng Ni. Các vị này có tu chân chánh hay không? Nghiệm xét thấy hoàn toàn chân chánh đúng với chánh pháp của Phật mới tin. Nhờ biết nhận định từ trí tuệ nên gọi là chánh tín. Vì vậy Phật dạy phải Văn Tư Tu. Xét đủ rồi mới đủ lòng tin Tam Bảo. Tin Tam Bảo là tín tha, kế đến phải tự tín, tức là tin nơi mình. Tin chắc rằng mình có thể tu được. Nhờ tin như vậy nên mới cố gắng tu. Nếu không, chúng ta sẽ sợ mình ăn chay không nổi, ngồi thiền không nổi. Không tin mình thì không thể làm gì được, mặc dù tin Tam Bảo. Cho nên tin Tam Bảo còn phải tự tin nữa. Những việc Phật làm được chúng ta cũng làm được. Mình sẽ tu được, không thua ai. Lòng tự tín phải mãnh liệt như vậy. Tóm lại, lấy thuốc chánh tín để trị bệnh nghi ngờ.

Cuối cùng là ác kiến. Trong phần ác kiến có: thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh phần tà kiến, bởi vì phần này rất tế nhị. Thường người ta nói tà là lệch là nghiêng. Kiến ở đây không phải thấy mà nhận định. Tà kiến nghĩa là nhận định một cách sai lầm. Thí dụ như nói chết là hết, hoặc cho rằng chết rồi, linh hồn vẫn còn hoài, A trở lại làm A, muôn kiếp vẫn là A thôi. Đây là tà kiến, vì một bên chấp đoạn kiến, một bên chấp thường kiến. Ngoài ra như chuyện đến núi Sam xin vay tiền Bà chúa Xứ về làm ăn v.v… Đây là vừa thuộc về mê tín, vừa là tà kiến.

Nếu nói Bà chúa Xứ linh thiêng, ai vay tiền Bà đều phát đạt hết thì từ Long Xuyên lên Châu Đốc mọi người phải giàu hết vì họ ở gần, dễ chạy lên vay. Nhưng thực tế xét kỹ từ Long Xuyên lên Châu Đốc hay vùng lân cận được bao nhiêu người giàu? Lẽ ra từ gần tới xa, nhưng ở gần đã không ra gì thì ở xa làm sao xin được! Tin như vậy là tin nhảm nhí, tin tà kiến. Tà kiến ngay con người mình, cứ nghĩ mình có linh hồn, mình chết rồi linh hồn còn nguyên trở lại làm người v.v… Nhà Phật gọi như thế là tà kiến, vì chấp thường kiến. Còn cho rằng chết là hết không có nhân quả báo ứng gì cả thì thuộc về đoạn kiến, cũng là tà kiến.

Trong đạo Phật không nói còn mãi, cũng không nói chết là hết. Quan trọng là phải làm sao nhận ra nơi con người mình phần nào sanh diệt, phần nào không sanh diệt. Nhận được như vậy rồi, phải làm sao cho phần không sanh diệt không bị phủ che. Còn trên mặt sanh diệt, nói còn hoài là sai, nói hết cũng sai. Bởi vì lâu nay người ta hay nói cái gì mất rồi là hết, nhưng sự thật không hết. Tất cả đều là một vòng chuyển biến tụ tán, tụ tán. Kể cả các hình thức nhỏ nhất như bụi đất v.v… Cục đất to đập nát thành bụi nhỏ, nhìn cục đất thì thấy mất, nhưng nó thành cát bụi chớ không mất, chỉ chuyển biến đổi hình đổi dạng thôi. Thân này cũng vậy khi hoại đất trả về đất, nước trả về nước, gió trả về gió, lửa trả về lửa chớ không mất, không hết. Vậy mà chúng ta thường nhận định sai lầm, chết là hết. Đó là tà kiến. Nên người Phật tử phải biết từ thể xác đến tinh thần đều tùy duyên. Chúng luân chuyển tụ nơi này tan nơi kia chớ không hết. Tùy duyên luân chuyển tức là luân hồi.

Biết rõ nguyên nhân tạo thành luân hồi như vậy mới có thể chận đứng nó lại. Hiểu thế mới tu giải thoát sanh tử. Nhiều người nói tu để giải thoát sanh tử, nhưng hỏi giải thoát cái gì, làm sao giải thoát thì không biết. Nếu chấp thân sanh diệt là thân mình, chấp tâm sanh diệt là tâm mình, đó là tiếp tục tạo nghiệp luân hồi, không bao giờ dừng. Còn không chấp hai thứ đó mà sống được với cái chân thật không sanh diệt của mình thì không tạo nghiệp, đó là giải thoát, không bị lôi cuốn đi trong sanh tử nữa. Có người hiểu lầm đạo Phật, nói đạo Phật là đạo cứu khổ nhưng sao quí thầy ít làm việc từ thiện hơn người tu đạo Chúa. Thầy chỉ giảng kinh như vậy thì cứu khổ chúng sanh chỗ nào? Bởi vì cái nhìn của đạo Phật khác đạo Chúa. Thí dụ như thấy đứa bé ra bãi biển vun cát làm núi non chơi, một lát sóng biển ào lên cuốn trôi mất hết, rồi nó tiếp tục làm nữa, cũng bị cuốn trôi mãi, như vậy tội nghiệp nó tốn công vô ích, sao không làm gì khác hay hơn.

Đây cũng vậy, nếu chúng ta còn luân hồi, bỏ thân này tụ lại thân khác kiếp kiếp đời đời không ra khỏi, nên Phật nói không có khổ nào lớn bằng khổ luân hồi. Cuộc sống mấy chục năm ra gì, có thiếu, có đói cũng là tạm thời. Dài thì chết muộn, ngắn thì chết sớm, tất cả cũng phải chết, không ai thoát được. Như vậy điều đáng lo nhất là làm sao ngay nơi thân này đừng tiếp tục làm việc vô ích nữa. Chúng ta xét xem cứ mỗi lần sanh ra chết đi, ta làm được những gì cho người cho mình? Hay sanh ra lớn lên rồi già chết, đời này qua đời khác! Cứ như vậy hoài thật là vô lý! Nên Phật nói đi trong luân hồi không có khổ nào bằng. Cứu khổ chúng sanh là làm sao cho họ thoát khỏi luân hồi.

Đó là gốc của đạo Phật. Điều này chỉ có Phật thấy chớ chúng ta đâu thấy. Con người chỉ thấy đói rách và những thứ cần thiết trong cuộc sống. Mà thân này đã tạm bợ thì những thứ phụ thuộc trong cuộc sống càng tạm bợ hơn. Vì vậy Phật nói khổ từ đời này sang đời khác liên tục không biết khi nào dừng.

Trong kinh đức Phật dạy rằng: “Cái khổ bị thiêu đốt ở địa ngục chưa phải là khổ, cái khổ làm ngạ quỉ đói khát chưa phải là khổ, cái khổ làm trâu ngựa kéo cày kéo xe chưa phải là khổ, chỉ si mê không biết lối đi mới là khổ.”

Cho nên đức Phật nói vô minh mê lầm là khổ nhất. Bởi vì nó dẫn mình đi trong luân hồi vô số kiếp. Phá được nó, không còn lầm lẫn nữa, gọi là giải thoát sanh tử. Được vậy mới thật sự hết khổ. Đạo Phật hết sức thâm sâu, chỉ vì người ta không biết nên mới phê phán thế này thế nọ. Vì đạo Phật đưa chúng ta đi quá cái tầm thường của con người, nên con người khó tin khó nhận. Đức Phật thấy tột cội nguồn nên Ngài thương chỉ dạy cho chúng ta đến chỗ đó mới là cứu kính. Không phải tu chút ít được phước sanh cõi lành mà cho là đủ. Sợi dây xích dù bằng vàng, nhốt chúng ta trong nhà lầu cũng bằng vàng, nhưng chúng ta vẫn thấy khổ như thường. Bởi vì còn dây xích là còn khổ. Dù xích vàng hay sắt gì cũng đều khổ hết. Khi nào thoát khỏi dây xích mới hết khổ. Giải thoát là như vậy. Cho nên đạo Phật không khuyên chúng ta tu để đời sau được sanh lên cõi trời, mà phải giải thoát sanh tử. Đó mới là cội gốc.

Thế nên chúng ta phải biết những gì đức Phật dạy là những phương thuốc trị bệnh cho chúng sanh hết khổ. Từ bệnh tham, bệnh sân, bệnh si v.v… những bệnh đó bớt được là bớt khổ. Nếu được hết sạch thì sẽ đi đến chỗ giải thoát sanh tử. Những phương pháp Phật dạy gọi là Đạo đế. Dứt được mầm đau khổ là Diệt đế, là giải thoát sanh tử.
Như vậy học Phật, tu Phật là phải ứng dụng phương pháp Phật dạy. Thầy thuốc cũng vậy, chẩn bệnh, cho thuốc, bệnh nhân phải uống thuốc mới lành bệnh. Nếu cứ xin thầy cho tôi hết bệnh mà không chịu uống thuốc thì có lành bệnh không? Đạo Phật vì thế rất thực tế chớ không phải huyền hoặc như người ta tưởng.

Hiểu được vậy mới thấy giá trị đạo Phật rất chân thật. Người Phật tử không hiểu vô tình làm cho đạo Phật trở thành mê hoặc. Lỗi đó tại ai? Cũng tại một phần ở nhà chùa. Giáo lý Phật dạy quá rõ ràng mà người tu không áp dụng, không đem ra dạy, lại dạy những chuyện đâu đâu rốt cuộc nhìn đạo Phật có khác gì ngoại đạo! Những gì ưu, những gì quí của đạo Phật cũng không biết, cứ nói đạo nào cũng dạy ăn hiền ở lành thôi, mà không biết gốc của đạo Phật là thế nào. Vì không thấy được điều đó nên ngày nay theo đạo Phật, mai mốt theo đạo khác, miễn đạo nào cũng ăn hiền ở lành là được. Như vậy là không hiểu đạo Phật.

Hôm nay nhân gặp gỡ quí vị thầy thuốc nên tôi nói về thuốc của đạo Phật. Bởi vì Bác sĩ, thầy thuốc là thực tế khoa học, thì đạo Phật cũng thực tế khoa học không có gì huyền bí hết. Chỉ tại người không hiểu và nhận định sai lầm thôi.
Mong quí vị suy gẫm kỹ và ứng dụng tu hành cho có kết quả.



BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN

TKN.Thích Nữ Chân Liễu
(15.4.2012)

Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn còn có danh hiệu Bồ Tát Chuẩn Đề hay Phật Quán Thế Âm thị hiện. Qua hình tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn chúng ta cũng có thể thấy được ý nghĩa Công Đức và Phước Đức của Bồ Tát Hạnh. Với tư tưởng giải thoát rốt ráo tuyệt đối của đạo Phật, nhận thức tâm lý con người ở thế gian thân, miệng, ý là nguyên nhân tạo những nghiệp thiện hay ác qua nhiều kiếp luân hồi, chỉ có tu hạnh bồ tát mới chuyển đổi được nhân quả.

Cho nên những tôn tượng bồ tát vẫn luôn luôn là đề tài thu hút một cách mãnh liệt các tín đồ Phật giáo. Hiểu theo chánh kiến một cách sáng suốt, thì tín ngưỡng dân gian chỉ nhằm mục đích giác ngộ thật tánh chân như bình dị tự nhiên và cốt tủy đạo Phật dạy: “Tu tâm chuyển ý hành bồ tát đạo”.

Trên mạng lưới Internet, nhiều người phổ biến rộng rãi một đoạn phim ngắn vũ khúc ngàn tay ngàn mắt, do các nghệ nhân câm điếc biểu diễn rất công phu điêu luyện.

Hình ảnh đẹp của những nghệ nhân khuyết tật, múa theo mẫu pho tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, một biểu tượng tuyệt vời về tư tưởng Từ Bi và Trí Tuệ của đạo Phật. Ngoài những đường nét tinh tế điêu luyện, họ thể hiện tuyệt đỉnh của nghệ thuật Đông Nam Á, bằng con tim (tâm) và khối óc (ý), vì họ hoàn toàn không nghe được âm thanh của tiếng nhạc. Tuy họ bất hạnh, nhưng khi biểu diễn, gương mặt các nghệ nhân khuyết tật nầy toát ra sự bình an từ nội tâm trong ánh hào quang của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn.
TRÍ TUỆ (CÔNG ĐỨC)
CỦA BỒ TÁT
THIÊN THỦ THIÊN NHẢN

Trong những khóa lễ thường có phẩm trì chú Đại Bi: “Thiên Thủ Thiên Nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni…” là sự truyền đạt cho người tụng đọc cảm nhận đại trí lực, đại từ bi, vô quái ngại của vị Bồ Tát ngàn tay ngàn mắt.

Bậc tu hành giác ngộ trong dân gian ngày xưa có lẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm bất khả tư nghì nầy, khó nói hết được, nên các Ngài tạo tôn tượng bồ tát từ những tảng đá trong thiên nhiên.

Đó là những phương pháp giáo hóa chúng sanh không bằng lời, mà bằng “Tâm”, thật sự bản chất của tảng đá không có sự linh thiêng nào cả.

Hình ảnh tôn tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn mỗi bàn tay đều có con mắt trí tuệ, trong tay cầm nhiều pháp khí dùng hàng phục ma chướng, những cánh tay cầm kiếm, búa, tràng hoa, châu báu, vải lụa gấm vóc, hoa sen, bánh xe pháp, bình tịnh thủy, chày kim cang.. cũng tượng trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống trên thế gian này.

Ý nghĩa tượng trưng vị bồ tát có đầy đủ năng lực khắc chế sự trói buộc của mọi cảnh trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), không khuất phục mọi quyền lực ngoại đạo tà giáo, tuyệt đối bình đẳng trong khi cứu độ chúng sanh, biểu trưng công đức và phước đức siêu việt. Con người có sáu cơ quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Kinh sách gọi là lục căn.

Khi sống trên đời, con người tiếp xúc hàng ngày với cảnh trần. Mắt thấy sắc (các vật có hình tướng). Tai nghe tiếng (âm thinh, lời nói). Mũi ngửi mùi hương. Lưỡi nếm vị. Thân xúc chạm. Ý nghĩ duyên theo pháp trần. Kinh sách gọi chung sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháplục trần.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi tiếp xúc với trần cảnh như vậy, tâm con người hay sanh ra sự phê phán: đẹp hay xấu (mắt), dễ nghe hay khó nghe (tai), dễ ngửi hay khó ngửi (mũi), ngon hay dở (lưỡi), mịn màng hay thô nhám (thân), thương hay ghét (ý). Những sự phê phán trong tâm thức như vậy, kinh sách gọi chung là lục thức.

Con người đời thường do lục căn dính mắc với lục trần sanh ra lục thức, và bắt đầu tạo nghiệp, thường là nghiệp chẳng lành. Người tu muốn phát sanh trí tuệ phải nhận rõ nguyên nhân bị cuốn vào sanh tử luân hồi là do sự dính mắc.

- Nếu mắt thấy sắc, tâm không phê phán đẹp xấu, khỏi bị trói buộc.

- Nếu tai nghe tiếng, tâm không phê phán, khỏi bị não phiền.

- Nếu mũi ngửi mùi, tâm không phê phán, khỏi bị bực mình.

- Nếu lưỡi nếm vị, tâm không phê phán, khỏi tạo nghiệp chướng.

- Nếu thân xúc chạm, tâm không phê phán, khỏi bị tham đắm.

- Nếu ý nhớ tưởng, tâm không phê phán, khỏi khởi sân hận, hay luyến tiếc, nhớ thương.

Tâm không phê phán nghĩa là không dính mắc, không nhiều chuyện, không chạy theo sự suy nghĩ sanh diệt, chứ không phải không nhận thức rõ đẹp xấu, đúng sai, ngon dở.

Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải có dạy:
"Tâm và cảnh không dính nhau là giải thoát".

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn hiểu, vẫn biết tất cả các cảnh trên trần đời, nếu tâm không dính mắc, không tham đắm, thì không phiền não.  Không phiền não tức là giải thoát. 

Hành Bồ Tát đạo là con đường nhập thế của người tu, 84 ngàn pháp môn diệt trừ phiền não tự thân và muôn ngàn phương cách đưa giáo lý đạo Phật giúp người cùng tu giải thoát. Con người trải qua trăm ngàn kiếp tái sanh luân hồi trong thập loại chúng sinh, tâm còn nhiều chánh tà lẫn lộn, tốt có, xấu cũng có.

Khi được thân người, thiện duyên kỳ ngộ với Phật Pháp, con người phát tâm tu muốn trở về Thật tánh chân như của mình, trước hết phải tẩy trừ nghiệp chướng sâu dầy nơi thân khẩu ý. Kinh sách dạy 48 ngàn pháp môn trừ sạch phiền não ma, phiền não chướng, chính là ngàn tay cầm pháp khí trừ ma, ngàn mắt trí tuệ sáng suốt xóa trừ vô minh.

Con đường cứu cánh của Bồ Tát là sự kiên định, ý chí bền vững để giác ngộ được khổ, không, vô ngã, vô thường trong Thật tánh của mỗi người. Để đạt được tâm thiền định và ý chí bền vững, cần áp dụng pháp tu quán Tứ Niệm Xứ, gồm có: thân, thọ, tâm, pháp.

Niệm thân: Quán thân bất tịnh. Biết rõ thân là bất tịnh, nhiều phiền lụy, không trau chuốt theo nhu cầu đòi hỏi của thân, tu thân đoan chính trang nghiêm, đơn giản.

Niệm thọ: Quán thọ thị khổ. Thọ nhận nhiều thì khổ nhiều. Không thọ vui buồn sướng khổ, không tham đắm quyền lợi vật chất, biết tri túc sống thanh bần, đạt được an lạc trong đời sống.

Niệm tâm: Quán tâm vô thường. Tâm con người nay thương mai ghét, nay tốt mai xấu. Hoặc ngược lại. Do đó, khi có hạnh phúc không vui quá, khi gặp khổ nạn không than trách. Không tự tôn, chẳng tự ti, thì tâm tự tại.

Niệm pháp:  Quán pháp vô ngã. Mọi sự việc xảy ra trên đời đều do nhiều nguyên nhân, nguyên do, xa và gần, không có một nguyên nhân đơn độc gây ra sự việc, nên gọi là vô ngã. Thấy được, hiểu được như vậy, tâm không còn phiền não.

Chúng sanh lăn lộn đầu thai trong lục đạo sanh tử luân hồi do nhiều căn bịnh từ vô minh ngàn kiếp, gồm: tham ái, dục vọng, chấp thủ, đoạn kiến, thường kiến, ngã mạn. Sự chân thật của Thật Tánh là người tu theo con đường Đức Phật dạy, đạt được tâm thanh tịnh, đầy đủ trí tuệ, có thể chuyển phàm phu trở thành thánh nhân hay bồ tát. 

Đức Phật Thích Ca chứng đắc tam minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh. Mắt trí tuệ của Ngài thấy được tam thiên đại thiên thế giới, thấy nhân quả trong nhiều đời nhiều kiếp, phá vô minh phiền não chấp ngã chấp pháp không còn sanh tử, ra khỏi lục đạo luân hồi. Lục đạo là sáu cảnh giới luân hồi mà con người phải đầu thai chuyển kiếp, nếu chưa sạch hết nghiệp chướng, gồm: Thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh.

Cõi Thiên: Sanh về cõi thiên, nơi cực lạc thế gian, hưởng phước báo thiện căn nhiều đời, được giàu sang, đủ ăn đủ mặc, có người hầu hạ, nhà cao cửa rộng, an lạc hạnh phúc.

Cõi Nhơn: Sanh vào cõi người, giàu có nghèo có, ưa thích làm việc phước thiện, cũng có khi tạo nghiệp bất thiện, hưởng phước báo và cũng chịu quả báo đau khổ, sanh, lão, bịnh tử.

Cõi A Tu La: Sanh vào nhà quyền quí, hưởng phước tốt của gia đình, có danh tiếng, có tiền của, tánh tình nóng nảy và kiêu mạn, thích bạo động, có trí thức đời và thông minh, không khéo dễ tạo nghiệp ác.

Cõi Địa Ngục: Sanh vào cõi đau khổ, vì nghiệp ác hại người sâu nặng, bị hành hạ tra tấn ngày đêm, sống không được chết không xong, đau khổ vô cùng.

Cõi Ngạ Quỉ: Sanh vào nơi bất tịnh, vì nghiệp bỏn sẻn, thường bị hãm hại, không chỗ dung thân, luôn đói khát, không có sức tự kiếm ăn, sống nhờ vào lòng tốt của mọi người.

Cõi Súc Sanh: Sanh vào nơi cầm thú, vì nghiệp sát quá nặng mà đọa vào cõi nầy, lúc nào cũng sợ bị giết, sống nơi ẩm thấp rừng sâu nước độc, mang lông đội sừng suốt kiếp.

Phật dạy: Rời xa kiến chấp, an lạc niết bàn, hàng phục ma chướng, chứng đắc trí tuệ sáng suốt, thoát ra khỏi lục đạo luân hồi, vượt khỏi giả danh, không còn chỗ thọ của bản ngã, không bị ràng buộc các pháp ác của tà ma ngoại đạo. Đó là chỗ nhận biết của người trí tuệ và là chỗ cư trú các bậc thánh, các bồ tát, các bậc giác ngộ.
(Kinh Duy Ma Cật)


TỪ BI (PHƯỚC ĐỨC)
CỦA BỒ TÁT
THIÊN THỦ THIÊN NHẢN

Xuất gia hay tại gia được các vị Tôn túc hay Sư phụ thường khuyến khích thọ bồ tát giới, vì đó là gieo căn lành cho người tu chuyển hóa phàm phu thành bồ tát. Nghĩa là nhiều đời nhiều kiếp, bằng trí tuệ sáng suốt, hạnh nguyện một vị Bồ Tát trong dân gian có thể cứu khổ cùng một lúc hàng trăm, hàng ngàn người, hoặc nhiều hơn nữa, mà không làm tổn hại bản thân hay một ai khác. Những Bồ Tát  sống trong nhân gian có rất nhiều hình tướng, tùy cơ nghi xiển dương chánh pháp, hóa độ chúng sanh, diệt ác sanh thiện, cứu khổ ban vui.

Với tâm Bồ Tát con người có thể khuyên nhủ vấn đề nan giải trong gia đình, bức xúc trong tình cảm, nỗi tuyệt vọng bị áp bức, bất công, xung đột, tranh chấp. Thiền môn cũng là nơi người Phật tử trở về nương tựa, tịnh tu, gởi gắm niềm tin hy vọng và tìm được những phương pháp xoa dịu nỗi đau tâm linh, giải quyết đau khổ mà họ đang gánh chịu.

Uy đức thiện lành từ các vị chân tu thật học, phước trí trang nghiêm có biện tài thuyết phục nhân vật quyền thế, kêu gọi hòa bình, hòa giải chiến tranh. Đó là trí lực nhiệm mầu của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong nhân gian, đã cứu được hàng ngàn, hàng vạn sanh linh trong biển lửa đao binh. Tâm nguyện của người tu hành:

Thượng cầu Phật đạo,
hạ hóa chúng sanh.
*
Trên cầu giác ngộ,
dưới cứu dân gian.

Có rất nhiều người trên thế gian phát tâm từ thiện, vô úy thí, bố thí ngoại tài, nội tài vô điều kiện cho những mãnh đời bất hạnh, nghèo khổ, thiên tai, bịnh tật, phiền não sầu bi, gia đình tan vỡ.

Khi mới bắt đầu chỉ có một tấm lòng với hai tay đơn độc, cùng đôi mắt từ bi biểu lộ tình thương và cảm thông. Nhưng lòng từ bi của họ lâu dần lan rộng, cảm ứng tâm từ thiện đến những người xung quanh, thêm người, góp thêm một bàn tay, ngàn người tạo thành ngàn cánh tay, với tinh thần vô ngã vị tha tuyệt đối không danh không lợi.
Đó chính là những vị Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong nhân gian ở khắp mọi nơi.

Tóm lại, sức mạnh thiện căn của Phật Tâm Phật Tánh con người ở thế gian rất thâm sâu khó nói hết được. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Tùng địa dũng xuất, Đức Phật ca ngợi đức độ và tin tưởng tuyệt đối, sự việc người phàm xuất thân cõi ta bà chuyển pháp luân, đầy đủ bi trí dũng, hành Bồ Tát đạo, tự tu, tự độ. Khi một người tu học Phật hiểu và hành trì giới, được định lực, có trí tuệ và từ bi, tinh thần rất mạnh mẽ cao thượng vô cùng, họ làm được những chuyện kỳ diệu nhiệm mầu không thể nghĩ bàn.

Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong dân gian xả thân cứu độ mọi loài, hành đạo giúp đời có thật không phải là hoang tưởng và Bồ Tát cũng là tâm Phật, là “Thật Tánh” của những con người biết tu tâm dưỡng tánh, rốt ráo đoạn trừ ma chướng tự thân.

Đạo Phật không dựa vào cầu khẩn, mê tín, trông chờ sự cứu độ của Bồ Tát bên ngoài, mà dạy phải tự chuyển đổi nghiệp xấu nơi tâm, tự cứu và phát tâm thành bồ tát muốn cứu độ những người hữu duyên sống xung quanh.

Người có tâm bất thiện nhìn thấy oai lực hình tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên nhãn cảm giác sợ hãi kinh hoàng, tưởng tượng phép lạ, mơ ước kỳ nhân, chỉ biết cầu khẩn van lạy xin thật nhiều thứ. Một khi con người phước đức thiện tâm có tu, thì có cảm ứng sự dịu mát kính ngưỡng khó nghĩ bàn, tự phát nguyện tu giới hạnh và hành trì theo đức độ Bồ Tát. Tôn tượng các vị Bồ Tát thường được ngầm ý biểu trưng thuộc về tâm thức, muốn tán thán đức hạnh cao thượng của những người tu xuất thế gian có đủ Từ Bi và Trí Tuệ.

Đó là tất cả ý nghĩa thâm sâu của Vi Diệu Pháp cần suy ngẫm thấu đáo. [ ]

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
TKN.Thích Nữ Chân Liễu






CHUYỆN TU HÀNH

PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 16


- Thưa Thầy, tôi có nghe câu nói: Thứ nhứt thì tu tại gia. Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

Vô chùa tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, thọ bát, bái sám, thì đúng là tu rồi, dễ hiểu quá. Còn tu tại gia, tu tại chợ là làm sao, thế nào, kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho. Cám ơn Thầy trước.



- Thông thường, ai cũng nghĩ vô chùa mới gọi là tu thì quả thật không sai. Nhưng chưa hẳn hoàn toàn đúng.



Người thường đi chùa, hoặc cạo tóc ở luôn trong chùa, nếu không tu sửa tâm tánh, vẫn tham lam, vẫn sân hận, vẫn si mê, có khi còn làm phách, dè bĩu, hay khinh khi người khác không biết tu như mình, rủa xả, mắng nhiếc người khác đọa địa ngục, phê phán không căn cứ, phỉ báng không tiếc lời, thích ăn trên ngồi trước, giành miếng ngon, lựa chỗ tốt, thì không gọi là tu được. Có chăng đó chỉ là hình tướng người tu, dù tại gia hay xuất gia, gọi là tu tướng mà thôi.



Còn tu tại gia, tu tại chợ thì rộng rãi hơn, chiếm toàn bộ thời gian trong một ngày, dù là người tại gia hay xuất gia. Lúc nào cũng tự xem xét, hôm nay mình có làm tổn thương ai qua hành động, lời nói và trong tư tưởng. Chẳng hạn như tại chợ, mình có để xe nghinh ngang giữa đường, bất kể người khác có đi qua được hay không. Chẳng hạn như tại gia, mình có ngồi coi TV chờ ông chồng (hay bà vợ) mời ăn cơm, ăn xong coi TV tiếp, không phụ giúp làm cơm, không phụ giúp dọn bàn, dọn dẹp, rửa chén bát, có khi lại ỷ mình là người làm ra tiền, nuôi cả nhà!



Tóm lại, tu tâm dưỡng tánh, hôm nay mình tốt hơn chính mình hôm qua, đó mới chính thực là tu.[]   



    BBT. PHTQ.






CHUYỆN TRONG ĐỜI



- Thế nào gọi là tu?



- Trong cuộc sống hàng ngày, khi xài điện, nước, giấy, nên tiết kiệm, không lãng phí, dù tại gia, tại chợ hay tại chùa. Như thế gọi là tu đó.





CHUYỆN TRONG CHÙA

- Chị hai! Thầy nói em bị vong ma nhập, nó cứ xúi em nhẩy xuống sông hoài. Em thì không biết lội chết chắc?!

- Khi nào con ma đó có xúi em nữa, em nghe lời chị nói với nó vậy nè: Mầy nhẩy đi, tao không nhẩy. Vậy chết chắc là nó, không phải là em.

- Ừ có lý hén!



CHUYỆN TRONG NHÀ

- Anh ơi, anh đem đồ đi chợ vào nhà, anh làm một mình hết nha!

- Còn em, sao không phụ anh chứ?...

- Em bịnh!

- Bịnh gì lẹ vậy, vừa rồi em ăn một lúc hai tô phở mà!

- Bịnh làm biếng được không thì bảo nào?



CHUYỆN TRONG CHÙA 

- Thầy nói anh nghiệp chướng nặng nề, không chịu đi chùa, lo đi làm kiếm tiền, coi chừng bị đọa đọa… đó!

- Em nói với Thầy dùm anh, ngày mai anh không đi làm nữa, anh sẽ đi chùa, nhưng không có tiền giúp chùa gây quỹ nữa, được không?



CHUYỆN TRONG ĐỜI

- Sách có câu: “Hoa hồng là rác, rác sẽ là hoa hồng”.

Câu đó đúng lắm! Nhớ hồi mới quen em, anh tặng “hoa hồng” cho em, quay lưng đi em cho vào thùng rác ngay. Nếu anh khôn một chút, tặng kim cương thì tốt rồi!



CHUYỆN TRONG CHÙA

- Thưa Thầy chồng con làm Bác sĩ lương hằng tháng rất cao, nhưng có điều là phải dùng những con thú như chim, chuột, thỏ, để thí nghiệm, như vậy có tội không vậy?



- Không được rồi! Nguy thay! Nguy thay! Tội lỗi! Tội lỗi! Bảo ông ấy bỏ “Job” liền lập tức đi nhá!



- Không được rồi! Nguy thay! Nguy thay! Thế thì cả nhà con chết đói rồi! Thầy ơi cứu con với! []




CHUYỆN TRONG CHÙA 

- Thưa Thầy, tôi nghe nói hùn phước in kinh sách ấn tống, phát hành băng giảng, được rất nhiều công đức thù thắng, cho nên có nhiều cá nhân cũng như tổ chức, chùa viện quyên góp thực hiện. Tuy nhiên, tôi thấy trong nhiều chùa, số lượng kinh sách, băng dĩa phát không, tràn ngập, bỏ bừa bãi, không trang nghiêm. Trong đó có quá nhiều kinh sách, băng giảng không có nội dung tốt, thậm chí mê tín dị đoan, sai lạc giáo lý, chẳng những không lợi ích gì, còn góp sức truyền bá tà pháp. Kính mong quí Thầy cho biết tôn ý về vấn đề này.



Đáp:



- Các dạng bố thí gồm có: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí có: ngoại tài (tiền bạc, của cải), và nội tài (các bộ phận của cơ thể). Pháp thí là bố thí chánh pháp, giúp người hiểu rõ chánh đạo, chánh kiến, chánh tín, sự thật của cuộc đời, để sống đời được an lạc và hạnh phúc, hơn nữa, đạt được giác ngộ và giải thoát. Và vô úy thí là giúp người vượt qua cơn sợ hãi, sợ chết, sợ đủ mọi thứ, ổn định được tâm bất an.



Trong các dạng bố thí vừa kể, bố thí pháp thù thắng nhất. Bởi lẽ, chánh pháp giúp đỡ con người trong kiếp này được khai mở trí tuệ, tránh tà pháp và mê tín dị đoan, biết tu tâm dưỡng tánh theo đúng chánh đạo, tránh tà đạo, nhận rõ tà sư và tà pháp. Cao cả nhất là chánh pháp giúp con người thoát ly được phiền não khổ đau trong sanh tử luân hồi.


Đúng như quí Đạo Hữu nhận xét, hiện nay tình trạng ấn tống kinh sách, băng dĩa rất được hưởng ứng, bởi nhiều lý do. Lý do trước hết là nhiều người hiểu rằng bố thí pháp (hùn phước ấn tống kinh sách, băng thuyết pháp) có công đức và phước đức trên tất cả các dạng bố thí khác. Hoặc, có nhiều người cầu khẩn, van xin, khấn vái điều gì đó cho gia đình hay cho công việc làm ăn, buôn bán, bèn bỏ ra chút tiền để in các loại gọi là “kinh sách” để hối lộ thần linh trước, cho được việc mình mong cầu.



Họ đâu biết rằng các loại sách rẻ tiền, các loại băng giảng tạp nhạp, hình thức bề ngoài có vẻ như đạo Phật, do chính các chùa in, các nhà sư giảng, nhưng nội dung rất phi chánh pháp, cho nên vô tình góp phần truyền bá tà pháp, mê tín dị đoan, làm cho nhiều người ngộ độc, tin theo, rất tai hại.



Chẳng hạn trước đây vài năm, có người góp tiền in sách Niệm Phật vãng sanh lưu xá lợi. Nghe qua có vẻ Phật pháp, nhưng nội dung chứa đựng, xen lẫn nhiều tà pháp. Người không học hiểu giáo lý, không nghiên tầm kinh điển, kể cả một số nhà sư già cũng như trẻ, rất dễ nhầm lẫn, ngộ nhận rồi ngộ độc, và đem truyền bá nọc độc cho nhiều người khác.



Thêm nữa, có vô số sách thuộc loại tà pháp, mê tín dị đoan, được in và bỏ bừa bải trong các chùa như: Bạch Y Thần Chú, Linh Cảm Thần Chú, Pháp Sám Đại Bi, Kinh Di Lặc cứu đời, Kinh Cứu khổ, Địa Mẫu chơn kinh, Kinh Hoàng Mẫu, Những điều linh ứng, Lời Nguyện,…




Các vị trụ trì chân tu thực học không phổ biến các loại sách nhảm này trong phạm vi hoằng pháp và các vị Phật tử chân chánh không góp phần tội nghiệp in phát hành hay phổ biến các loại sách này.

Chúng ta nên nhớ: nếu cầu nguyện mà được linh ứng (hữu cầu tắc ứng) thì trái với lý nhân quả nghiệp báo.




Mình làm mình hưởng.

Mình làm mình chịu.




Thế Nào Là Thượng Tọa

Thuở ấy, đức Thế Tôn đang ngự tại tinh xá Kỳ Viên. Mai sớm, có 10 vị tỳ kheo từ Câu Thi Na đến yết kiến Ngài. Lúc mới vào tinh xá, nhóm sa môn này gặp một chú tiểu ra vái chào. Sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn, đoàn sa môn lui ngồi một bên. Phật hỏi họ:
- Sáng giờ, các thầy có gặp một vị Thượng Tọa vừa rời khỏi nơi đây không?
Các thầy sa môn đồng thưa: - Bạch Thế Tôn, không ạ!
- Các thầy không gặp ai cả sao?
- Bạch Thế Tôn, chúng con có gặp một chú tiểu chưa đến 20 tuổi.
- Này các tỳ kheo! Vị ấy không phải là một chú tiểu. Ðó chính là bậc Thượng Tọa mà ta muốn nói.
- Nhưng, chú ấy còn quá trẻ, bạch Thế Tôn.
- Này các tỳ kheo! Ta không gọi ai là Thượng Tọa vì tuổi tác, vì họ được ăn trên ngồi trước, hay họ xuất thân từ dòng dõi danh gia vọng tộc. Chỉ có người nào thấu đạt chánh pháp, cư xử tốt với mọi người, ta mới gọi vị ấy là Thượng Tọa.

SUY NGẪM

Gọi là bậc trưởng lão, đâu phải căn cứ trên tuổi tác già nua? Bởi vì đó chẳng qua chỉ là tấm thân già yếu, râu tóc bạc phơ, rút cục chỉ là hạng giả danh ngu xuẩn mà thôi.

Sở vị trưởng lão
Bất tất niên kỷ
Hình thục bạch phát
Xuẩn ngu nhi dĩ.

Dù tuổi cao mày bạc

Không tịnh hạnh tu trì

Tôn xưng là trưởng lão

Danh suông nghĩa lý gì?



(Kinh Pháp Cú 260)

Những người chân tu thực học, giữ gìn tâm tính nhân từ, sáng suốt, cư xử rất mực từ bi & trí tuệ, khắp nơi cảm thấy thanh lương khi thân cận, thiền môn phát triển, nhiều người tìm tới nương tựa. Thế mới xứng danh là bậc trưởng lão trong chốn thiền môn.

Vị hoài chánh pháp
Thuận diệu từ nhân
Minh đạt thanh khiết
Thị vi trưởng lão

Những ai thấu chánh pháp

Tự điều phục thân tâm

Thanh tịnh và sáng suốt

Xứng đáng là trưởng lão.



(Kinh Pháp Cú 261)


Trong kho tàng kinh điển của Phật giáo, danh & thực là hai phạm trù thường được đề cập, phân tích cặn kẻ. Danh là tên gọi, hình thức bên ngoài. Thực là phẩm chất, nội dung bên trong.
Danh là một trong năm món dục được chúng sanh ưa thích, tham đắm cần phải loại trừ (tài, sắc, danh, thực, thùy).
Thực là nội dung của giác ngộ giải thoát, mỗi người phải phấn đấu để chứng đạt.
Cả hai phương diện này nếu tương ưng nhau thì thật là tốt. Nếu có thực mà không danh thì càng hay, nhưng có danh mà không thực thì quả là tai họa.
Thí dụ: các vị có danh Hòa Thượng, Thượng Tọa, lại nắm giữ các trọng trách trong nhà chùa, nhưng thực chất do bè phái, sống lâu lên lão làng, không thực tâm hoằng pháp lợi sanh, không thực tâm tu dưỡng, cư xử tàn độc với đồng môn, tự tôn tự đại, tai hại vô cùng!

Thời Đức Phật, các bậc đạo cao, đức trọng thường được tôn xưng là Thượng Tọa, là Trưởng Lão. Vì thế, hàng thượng tọa rất được Tăng chúng và tín đồ cung kính, nể trọng, cúng dường hậu hỷ, đồng thời các Ngài là bậc lãnh đạo, mô phạm trong đại chúng, nên luôn được Phật ca ngợi, tán thán.
Cũng vì sự trọng vọng này mà không ít người chưa điều phục được tâm tham danh, cũng mong ước bước lên hàng thượng tọa, cầu đắc lợi lộc, thích được cung kính, say mê danh vọng.
Đức Thế Tôn biết rõ người đời sau phước mỏng nghiệp dầy, đam mê danh vọng, cho nên Ngài dạy: Thượng Tọa là bậc đã thấu được Chánh Pháp, cư xử tốt với mọi người (từ bi & trí tuệ viên dung), chứ không vì tuổi tác hay nguồn gốc xuất thân. Một chú tiểu nếu xứng đáng cũng được gọi là Thượng Tọa.

Thời nay, các danh xưng như chú Tiểu, Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng cũng chỉ là để có tôn ti trật tự trong thiền môn. Các danh xưng vốn chẳng có giá trị hay liên hệ nào đối với nội tâm an tịnh, tuệ giác và sự tự tại giải thoát cả. Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Nhưng dù sao thì mỗi người cũng cần phải có một hư danh để phân biệt với các hư danh khác.

Như thế, nếu thực nội tâm tu dưỡng chưa xứng với danh xưng cao, thì điều phải làm chính là: tự phản tỉnh, tự vấn lương tâm, tự tàm quí, tự hổ thẹn, hơn là vỗ ngực xưng danh và tự mãn vui mừng. Ai cũng biết danh xưng là giả huyễn, tự phong hoặc người khác phong cho cũng vậy thôi, nhưng lâu ngày thấy đó là thật, nguy hiểm vô cùng. 

Về hình thức, chú Tiểu và Thượng Tọa tuy có khác nhau, nhưng nội dung bất khả tư nghì. Vì thế, khi biết rõ về cái giả danh không thật, người có tâm cầu pháp, muốn giác ngộ chân lý vô thượng, phải luôn phấn đấu cho xứng đáng, xứng danh là người có tuệ giác biết buông xả, không dính mắc, vượt qua hết thảy các pháp -  dù thực hay giả.

Tóm lại, các vị phát tâm xuất gia tu hành, các vị phát tâm tu tập tại gia, đã coi thường mọi thứ danh lợi, địa vị của thế gian thì quan trọng gì chuyện xưng hô, tranh hơn thua chi lời nói, quan tâm chi chuyện ăn trên ngồi trước, đi trước đứng sau, tranh chấp danh tiếng, tranh cãi lợi dưỡng, tranh giành địa vị, đòi hỏi chức vụ, nếu có, trong nhà đạo. Đồng quan điểm hay không, được cung kính hay không, xưng hô đúng phẩm vị hay không, chẳng đáng quan tâm, không nên tranh cãi. []

Ban Biên-Tập PHTQ.





Tất Cả Là Do Con Người Gạt Gẫm Nhau Thôi!!

Khi tứ đại tan rã, hệ thần kinh ngừng hoạt động, thần thức đã ra khỏi thân xác để đi sanh sang cõi khác. Những trò hề hộ niệm được vãng sanh hiện nay cũng khá phổ biến, bởi do con người không hiểu rõ chánh pháp, dễ bị gạt gẫm.

Đạo Phật dạy rằng xác thân chỉ là sự duyên hợp của vật chất, gọi là tứ đại, bao gồm: đất, nước, gió, lửa. Sau khi chết, những thứ này lại trở về với đất, nước, gió, lửa.
Con người ai ai cũng phải chết, và đi đầu thai qua kiếp khác, hoặc thiên đàng hay địa ngục, đều do nghiệp thiện hoặc nghiệp ác, con người đã làm ra khi sanh tiền. Chính con người quyết định kiếp sau đầu thai chốn nào, cõi nào, lành hay dữ, tịnh độ hay ác đạo, chứ không phải do thượng đế hay thần linh nào khác - cũng không do các ban hộ niệm cầu vãng sanh tào lao hiện nay rất nhiều.

Con người quyết định đời sống kiếp này và kiếp sau bằng các hành động qua thân, khẩu, ý hàng ngày, hàng giờ, hàng phút trong cuộc sống hiện tại. Do lòng thương yêu và sự hiếu hạnh - nhưng không học hiểu chánh pháp - khiến cho con người không còn sáng suốt, theo tà pháp, nên nghe quí thầy, quí cô trong chùa, bảo sao làm vậy chứ không có suy nghĩ chín chắn. Quí thầy quí cô này cũng ngu dốt, u mê, đời trước bảo sao, đời sau làm vậy, chẳng rõ chánh tà khác nhau ra sao. Các tăng ni không học hành dẫn dắt theo bao nhiêu người khác đọa lạc - tai hại vô cùng là chỗ này. Đầu tàu lạc đường, hay trật đường rầy, cả đoàn tàu không đến được mục tiêu mong muốn. Bởi vậy bọn trọc đầu đọa lạc dưới địa ngục nhiều hơn người có tóc, chính là nghĩa đó vậy.

Sự tin tưởng thiếu thực tế, không trí tuệ của một số người đã làm giàu cho các chùa và biến các chùa thành một nơi sinh hoạt mê tín chứ không còn là nơi chốn tu hành của tăng ni và cư sĩ nữa. Chùa nào hiện giờ cũng xây tháp hài cốt, khi có thân nhân chết, người ta đem thiêu xác, gửi vào chùa. Khi gửi nắm tro tàn như vậy thì phải tốn bao nhiêu tiền đóng vào và còn phải cúng dường tiền cho chùa rất nhiều hằng năm. Nếu thân nhân không cúng dường tiền thì hũ hài cốt ấy sẽ bị dẹp vào chỗ khuất lấp. Còn ai cúng dường tiền nhiều thì hũ hài cốt sẽ được để trên chỗ sang trọng trong tháp. Nhiều chùa hiện giờ lấy hài cốt làm con tin, để làm tiền người thân một cách phi nhân nghĩa, thiếu đạo đức. Tháp hài cốt là núi tiền, các lễ trai đàn bạt độ mê tín là những mẫu ruộng mầu mỡ xài hoài không hết.

Có nhiều thầy chùa cạo tóc có tiếng là đi tu, nhưng không học hiểu chánh pháp, không rành giáo lý, chỉ lo mua bằng thượng tọa, trèo lên hòa thượng, học tổ chức các lễ trai đàn bạt độ, các lễ vớt vong trên sông trên biển như vớt bèo, các lễ phóng sanh nhưng hại vật, các lễ rải tro trên sông cho người chết được giải thoát. Các loại lễ cúng này hét ra bạc, khạc ra vàng. Thiệt là các trò gạt gẫm của bọn giặc thầy chùa.

Thầy chùa nào biết luyện giọng, biết làm lễ mang màu sắc linh thiêng huyền bí, bẻ tay giậm chân, mặc y áo như kép cải lương rực rỡ xanh đỏ tím vàng, la la, hét hét, ợ ợ, ngáp ngáp, trợn trợn, chui vô màn vô mùng, đứng trên bục cao quơ quơ, rắc rắc, thì người ngu u mê càng tin tưởng và cúng tiền càng nhiều, bởi lẽ ai ai cũng có người thân đã qua đời. Mọi người đều thấy tệ nạn lừa đảo hiện giờ trong các chùa rất lộ liễu, kể cả các hàng gọi là lãnh đạo cao cấp của các giáo hội trong và ngoài nước. Nhà chùa vô hình, vô tình đã biến nơi tu hành thành nơi nhà mồ nghĩa địa, nơi thực hiện sự mê tín của dân gian, gạt gẫm, lừa đảo bá tánh u mê.

Trong lúc con người còn sống mà còn chưa hiểu biết được Cực Lạc, Thiên Đàng ở đâu? Có hay không có? Huống là người chết, nằm trong hũ tro còn nghe thấy được những gì? Nếu người chết rồi quả thật nghe kinh và được sanh về Cực Lạc Thiên Đàng, thì người sống tu hành làm gì cho cực khổ. Khi còn sống, con người cứ lo tạo nhiều tiền nhiều của, bất chấp thiện ác. Khi chết, người đó dặn thân nhân, thỉnh mời hàng trăm thầy chùa, hàng trăm ông cha đến cầu siêu, cầu hồn thì khoẻ quá. Sống ngon chết tốt như vậy ai mà không ham chớ.

Đó là những tệ nạn trong chùa - không phải chính là Phật Giáo - mọi người nên cảnh giác các mánh khoé lừa đảo này. Phật giáo là những giáo lý dạy NGƯỜI SỐNG, ăn hiền ở lành, tu tâm dưỡng tánh, giác ngộ giải thoát, quay đầu hướng thiện (đáo bỉ ngạn) - chứ không dạy con người đợi đến lúc nằm trên giường bệnh mới biết niệm Phật, đợi nằm trong quan tài, trong nấm mồ, trong lò thiêu, hay nằm trong hủ tro, mới chịu nghe kinh kệ. Tất cả đã quá muộn màng. Tất cả là do con người gạt gẫm nhau thôi.

KHOA HỌC VÀ KIẾN THỨC TRONG PHẬT GIÁO
CON CHIM TRONG BÀN TAY
TÌM HẠNH PHÚC Ở ĐÂU
THƯ NGỎ VÀ MỤC LỤC PHTQ SỐ 20
THUYẾT TRÌNH VÀ HỘI THẢO CHƯƠNG TRÌNH ĐI TÌM HẠNH PHÚC