Saturday, 1 October 2011

*** CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT - THỦ ẤN PHẬT THÍCH CA



CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT
TRÍCH CƯ TRẦN LẠC ĐẠO TẬP 3
TK Thích Chân Tuệ

 
Không hạnh phúc nào hơn an tịnh tâm
Mục đích cứu kính của đạo Phật là giúp đỡ con người giải thoát khỏi phiền não và khổ đau, xây dựng cuộc sống an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời.  Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải hàng phục tâm của mình và an trụ tâm của mình, phải nương nhờ chánh pháp, học hiểu giáo lý và đem thực hành, áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày.

Chư Phật và chư Tổ giảng giải tam tạng kinh điển cũng nhằm mục đích này mà thôi.  Chánh pháp được ví như chiếc thuyền, thường gọi là thuyền bát nhã, chở chúng ta từ bến mê, đầy dẫy những chuyện bất trắc, bất như ý, phiền não và khổ đau, qua đến bờ bên kia, được gọi là bờ giác ngộ và giải thoát.
Con người đạt được giác ngộ, giải thoát mọi khổ đau, trói buộc, dính mắc của chuyện thế gian, hàng phục được vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm, tâm liền được an trụ.  Từ đó, tuy vẫn sống tại thế gian, nhưng tâm an nhiên tự tại, bình tĩnh thản nhiên trước mọi sóng gió của cuộc đời.  Ngay đó, cảnh giới niết bàn hiện tiền. 

Không hạnh phúc nào hơn an tịnh tâm. 
Nếu như các cơ sở Phật giáo như chùa chiền, niệm Phật đường, thiền viện, trung tâm văn hóa Phật giáo, ngoài việc chăm lo phát triển tầm mức hoạt động, phát triển qui mô của cơ sở, ngoài các hình thức nghi lễ cần thiết của một tôn giáo, ngoài các phương tiện thiện xảo dĩ huyễn độ chơn giúp người sơ cơ, với tâm đại từ đại bi, tận tâm tận tình, tận sức tận lực, truyền bá chánh pháp, giảng dạy giáo lý, giúp đỡ mọi người sáng tỏ chân lý, thấu hiểu mục đích cứu kính của đạo Phật, cốt tủy của đạo Phật, thì thực là phước báu lắm thay, hạnh phúc lắm thay! 

Người Phật Tử chân chính đến các chùa chiền, hay các cơ sở Phật giáo, chỉ nên cầu học Chánh Pháp, để tự mình cứu độ chính mình, theo lời dạy của chư Phật, chuyển hóa phiền não thành bồ đề, loạn tâm thành an tâm, tâm phan duyên thành tâm thanh tịnh, không cầu bất cứ điều gì khác, nhứt là những điều chư Phật khuyên dạy nên bỏ, chẳng hạn như: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, và các sự hưởng thụ sung sướng, cùng những điều mê tín dị đoan: dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, xin xăm bói quẻ, coi ngày tốt xấu.  _
 

Thủ ấn của  Phật thích ca 
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có rất nhiều thắc mắc, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, chẳng hạn như là: Hình Đức Phật Thích Ca của trang nhà ĐPNN có hình thủ ấn bàn tay trái nằm trên bàn tay phải. Theo chỗ chúng tôi thấy thì phần lớn các hình Phật có thủ ấn ngược lại. Xin giải thích lý do. 
* * * 
Thực đúng như vậy, phần lớn các hình Phật Thích Ca có thủ ấn bàn tay phải nằm trên bàn tay trái, ngược lại với hình Đức Phật của trang nhà ĐPNN. Các tranh vẽ trong Phật giáo thường do các họa sĩ vẽ ra theo trí tưởng tượng, dựa vào những chi tiết trong kinh sách, thường có ý nghĩa tượng trưng, không đúng sự thực như trong hình vẽ diễn tả.
 
Chẳng hạn như là: hình Đức Phật A Di Đà đứng trên đóa hoa sen, một tay cầm hoa sen, một tay giơ ra, như đang chờ đón rước chúng sanh về với chư Phật ở cõi cực lạc, theo kinh A Di Đà.  Hoa sen tượng trưng cho "bản tâm thanh tịnh" của chư Phật và của mỗi người. Người nào tu tâm dưỡng tánh đạt được "nhất tâm bất loạn", tức là sống được với bản tâm thanh tịnh, người đó sẽ vãng sanh tây phương cực lạc. Chứ không phải chỉ tu tập sơ sơ, được chút ít công đức phước đức, rồi tưởng tượng sẽ được về cực lạc sau khi mãn phần, một cách dễ dàng. 


Trong kinh A Di Đà, Đức Phật có dạy: "Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc".  Nghĩa là: Không thể lấy chút ít phước đức làm nhân duyên để được sanh qua nước kia (tức là cõi cực lạc). 
Chẳng hạn như là: hình Đức Phật Thích Ca ngồi dưới cội bồ đề, trên đóa hoa sen, cũng có ý nghĩa: người nào giác ngộ và sống được với bản tâm thanh tịnh thì đó chính là một vị Phật.  Thực sự lúc thành Phật dưới cội bồ đề, Đức Thích Ca chỉ tọa thiền trên tấm thảm cỏ (tức là bồ đoàn).  Lúc đó, Đức Phật để bàn tay mặt trên bàn tay trái, hay ngược lại, không có kinh sách nào nói rõ. Tuy nhiên, việc đó không quan trọng. Tại sao như vậy?  Bởi vì, đó chỉ là hình tướng bên ngoài mà thôi. Không phải các thủ ấn có thể giúp mình hàng phục ma quân bên ngoài gì đâu? 


Cốt tủy của đạo Phật là giúp đỡ con người hàng phục "tâm ma" trong lòng chính mình, lúc đó tâm được an thì "tâm Phật" hiển lộ.  Khi nào tất cả mọi chúng sanh trong lòng chúng ta được độ hết, tức là chúng ta hàng phục được tâm của chính mình, chúng ta sẽ thành một vị Phật, chứ không phải lo đi độ hết mọi người bên ngoài xong rồi, mới được thành Phật. Tại sao như vậy?  Bởi vì, đã có biết bao nhiêu vị Phật đã thành, mà chúng sanh vẫn còn vô số trên thế gian! 

Tóm lại, cốt tủy của đạo Phật có thể tóm gọn vào một chữ, đó là chữ TÂM.  Tâm được an tịnh là điều hạnh phúc quí báu nhứt trên trần đời.  Tất cả những gì thuộc hình thức, hình tướng bên ngoài, chỉ là phần phụ thuộc mà thôi. 


 

Có câu chuyện của hai con chim như sauMột hôm con chim cú vọ sửa soạn dọn tổ sang nơi khác. Con chim bồ câu thấy vậy bèn hỏi thăm: Chẳng hay chị dọn tổ đi đâu vậy? Con chim cú vọ trả lời rằng: Con người nơi đây ác ôn quá đi, cứ hễ thấy tôi nơi đâu, họ liền lấy đá ném, lấy cây đánh. Tôi không chịu nổi, định dọn qua phương tây, hy vọng bên đó dân chúng hiền lành hơn. Con chim bồ câu bèn nói: Ở chỗ hàng xóm thân tình, tôi nói thiệt chị nghe, chị đừng giận tôi nhé. Nếu chị không chịu sửa tiếng kêu ghê rợn khó nghe của chị, thì dù dọn đi đến đâu, chị cũng bị bạc đãi mà thôi. 


Bởi vậy chúng ta mới biết giọng nói, tiếng cười có khi gây được cảm tình tốt đẹp, cũng có khi gây nên ác cảm, oán thù giữa con người với nhau.  Chỉ cần lỡ một lời nói có khi hư hỏng việc lớn.  Chỉ cần lỡ một lời có khi bị vạ lây, thậm chí bị tù tội, chỉ vì người nghe không vừa tai, cho nên đi tố cáo!  Điều này cũng tùy người, tùy lúc và tùy cảm giác của người nghe nữa.  Sách có câu: "Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", chính là nghĩa đó vậy. 


QUÍ VỊ MUỐN THỈNH BỘ SÁCH "CƯ TRẦN LẠC ĐẠO" LIÊN LẠC TÁC GIẢ:
 TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ
Chủ-Nhiệm PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
108 - 123 Railroad St.,
Brampton, ON, L6X-1G9, Canada.
Tel: 647-828-1016

BỘ SÁCH CƯ TRẦN LẠC ĐẠO TẬP 1,2,3  
 


Biết Mình Có Phước

Trên thế gian này, nếu ngước nhìn lên chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu người giàu sang hơn mình, học thức hơn mình, khỏe mạnh hơn mình, sung sướng hơn mình, đẹp đẽ hơn mình, địa vị hơn mình, quyền thế hơn mình, may mắn hơn mình, nhàn nhã hơn mình, bình yên hơn mình, thông minh hơn mình, sáng suốt hơn mình, nhứt là không biết bao nhiêu người tu tập giác ngộ hơn mình, được an lạc và hạnh phúc hơn mình.  Những người như vậy chính là những người "có phước" hơn mình. 

Trái lại, khi nhìn xuống chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu người nghèo hèn hơn mình, dốt nát hơn mình, yếu đuối hơn mình, khổ sở hơn mình, xấu xí hơn mình, thấp kém hơn mình, cô thế hơn mình, xui xẻo hơn mình, cực khổ hơn mình, hoạn nạn hơn mình, đần độn hơn mình, tối tăm hơn mình, nhứt là không biết bao nhiêu người không được sống an lạc và hạnh phúc như mình.  Những người như vậy chính là những người "bạc phước" hơn mình.

Như vậy, rõ ràng chúng ta được gọi là "có phước", hay đang thọ hưởng "phước báo", nếu như chúng ta có đủ tay chân, mắt mũi vẹn toàn, cơm ăn áo mặc, khỏe mạnh ít đau, sống lâu trăm tuổi, tâm trí bình thường, gia đình hạnh phúc, cuộc sống tương đối đầy đủ, cuộc đời tương đối bình yên, không gặp hoạn nạn, không gặp hiểm nguy, không gặp tai biến, không gặp chiến tranh, không gặp đói khát, không gặp kẻ thù, không gặp thiên tai, hỏa hoạn động đất, bão lụt cuồng phong. 

Khi nào bị đau mắt, không còn nhìn thấy được gì nữa cả, chúng ta mới thấy giá trị của đôi mắt, giá trị của thị giác, mà hằng ngày chúng ta không lưu tâm.  Ðến khi gặp thầy gặp thuốc, được chữa lành bệnh, đôi mắt trở lại như xưa, chúng ta mới thấy là mình đang "có phước"!  Hoặc khi nào bị bệnh bại xụi cả hai chân, không còn đi đứng được bình thường, phải dùng xe lăn. Ðến khi khỏi bệnh, được bình phục như xưa, chúng ta mới thấy là mình đang "có phước"!  Hoặc khi bị nghẹt mũi, khó thở, chúng ta mới thấy thở ra hít vô bình thường là "có phước"!

Thí dụ như trên một chuyến máy bay, một chuyến tàu thủy hay một chuyến xe lửa gặp tai nạn, hằng trăm người thương tích tử vong, những người được sống sót chính là những người "đại phước" vậy. Họ là những người theo đủ mọi tôn giáo, thuộc đủ mọi sắc dân, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, gồm đủ mọi lứa tuổi, nhưng điểm quan trọng là: chính họ đã "tu nhơn tích phước" nhiều đời nhiều kiếp trước, mới được sống còn như vậy, chứ không phải do họ cầu nguyện van xin thánh thần thiên địa gì cả, dù là chí thành và khẩn thiết lắm, trong lúc ngộ nạn, mà được đâu! 

Chúng ta thử suy nghĩ: trong khi lâm nạn, người thì cầu Ðức Mẹ cứu giúp, người thì cầu Bồ Tát Quán Âm cứu tai, cứu khổ, cứu nạn.  Vậy, khi cả hai người cùng thoát được nạn, vị nào thực sự đã tế độ họ?

· Thực sự chính "phước báo" của mỗi người đã cứu chính họ mà thôi. 

· Người có "phước báo" nhiều hơn, thoát nạn một cách an ổn hơn, gọi là có phước! 

· Người có "phước báo" ít hơn, thoát nạn với một chút sây sát, gọi là số hên! 

· Người hết "phước báo", không "phước báo", thì đã vong mạng, gọi là tới số!

Thậm chí trong số những người tử vong trong các tai nạn, nhiều trường hợp có cả các chức sắc thuộc các tôn giáo, có cả những người đã từng đại diện thượng đế tha tội cho nhiều người khác!  Còn chính họ có tội nghiệp, đến lúc phải trả, vẫn phải đền trả quả báo, nghiệp báo như mọi người khác vậy! 

Chúng ta đọc báo cũng thấy có những chuyến hành hương cầu nguyện của các tôn giáo, bị lật xe trên đường đi, hoặc trên đường về, gặp nạn hỏa hoạn tại thánh địa, tại khu vực hành lễ, khiến cho hàng trăm người, hàng ngàn người tử vong thương tích.  Ðiều này giúp cho chúng ta nhận định rất rõ ràng rằng: con người tạo nghiệp báo, dù vô tình hay cố ý, cho đến lúc quả báo chín muồi, lại không có phước báo che chở, thì cầu nguyện van xin cũng chẳng ích lợi gì, chẳng có hiệu quả gì.

Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:  Dù cho lên non, xuống biển vào hang, nghiệp báo đã mang, vẫn theo con người, như hình với bóng, không ai có thể,   tránh được thoát được.


Nghĩa là nếu như con người không biết tu nhơn tích phước, chỉ lo tạo tội tạo nghiệp, trong cuộc sống đấu tranh giành giựt hằng ngày, cho đến khi quả báo thuần thục, không ai có thể tránh được, dù cho người đó là bất cứ ai trong thế gian này, không phân biệt vua quan, chức quyền hay thường dân, giàu sang hay nghèo hèn, học thức hay bình dân, nam phụ lão ấu, tín đồ hay chức sắc! 
 
Tỳ Khưu Thích Chân Tuệ


Kính mời tham khảo bài viết theo link:

SÁNG SUỐT CHÂN CHÁNH THANH TỊNH

NGUỒN GỐC CỦA KHỔ ĐAU
HẠNH BỐ THÍ (CTLĐ 1)
PHẬT TÂM VÀ PHẬT TƯỚNG (PHTQ 14)