TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Tuesday 17 March 2020

CÁI KHÓ CỦA NGƯỜI XUẤT GIA


CÁI KHÓ CỦA NGƯỜI XUẤT GIA


Có vô vàn những khó khăn, những thử thách nguy hiểm do ngũ dục và ngoại cảnh luôn rình rập, chực chờ người xuất gia chúng ta. Nếu như một phút giây lơ là, thiếu sự tu tập thì chúng sẽ tấn công và làm nguy hại đến chúng ta. Nhưng cũng có một điều an ủi là nếu như chúng ta có những tâm nguyện tốt lành khi phát tâm xuất gia, thì đây chính là động lực để chúng ta có thể vượt qua tất cả.

Sống trong một thế giới đầy nhiễm ô, chúng ta mãi bận rộn chạy theo những khát vọng, ham muốn lợi danh, mãi đắm chìm trong cái vòng lẩn quẩn của khổ đau, buồn vui rồi sợ hãi. Để rồi có một ngày, trong phút tĩnh lặng hiếm hoi của nội tâm - phút giây chánh niệm tỉnh giác, chúng ta mới chợt nhận ra rằng:
Vậy mỹ nữ là hòm chôn tuấn kiệt
Dĩa dầu hôi là mả chúng thiêu thân
Bả vinh hoa là ngục nhốt tinh thần
Mồi phú quý là mồ trang sĩ hoạn.
Trong Kinh Pháp Hoa, Phật đã nói: “Tam giới vô an, du như hỏa trạch”, nghĩa là ba cõi đều không an ổn, giống như ngôi nhà lửa thôi. Khi nhận định sâu sắc lời dạy này, chúng ta cảm thấy nhàm chán, muốn xuất ly ra khỏi những khổ đau đó. Như một người lữ khách quay về với cố hương, về bên chân Phật, chúng ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Phát nguyện đem hết tâm trí của mình cống hiến cho chúng sanh để bù đắp những lỗi lầm, những tháng ngày vô ích; trả hết những món nợ ân tình mà ta đã vay mượn của cuộc đời. Tưởng rằng chúng ta sẽ thực hiện cái tâm nguyện đó một cách trọn vẹn và đầy đủ, nhưng thực tế đường tu học Phật pháp cũng lắm gian nan. Chính đức Phật cũng từng nói: “Vui hạnh xuất gia khó ”.

Như một người lữ khách quay về với cố hương, về bên chân Phật, chúng ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Đầu tiên, việc khó nhất của chúng ta là chọn được cho mình một môi trường, một vị Thầy sáng và một Tăng thân có chung lý tưởng, đồng hướng đến đời sống phạm hạnh. Môi trường thích hợp cho người xuất gia không phải là rừng núi thiên nhiên đẹp đẽ, hay đầy đủ tiện nghi vật chất mà là một môi trường giống như được miêu tả trong bài kinh Khu Rừng Sừng Bò (Trung Bộ Kinh), tương đối hội đủ các điều kiện thuận lợi đưa đến sự thăng tiến, thành công về phương diện tu tập tâm linh. Và một hội chúng mà chúng ta có thể tin tưởng không một chút nghi ngờ, đó là một hội chúng gồm đủ 6 yếu tố hay còn gọi là lục hòa, đó là: Sự hòa hợp về chỗ ở (thân hòa đồng trú), sự hòa hợp về lời nói (khẩu hòa vô tránh), sự hòa hợp về suy nghĩ (ý hòa đồng duyệt), sự hòa hợp về giới (giới hòa đồng tu), sự hòa hợp về tri thức (kiến hòa đồng giải), sự hòa hợp về tứ sự (lợi hòa đồng quân).

Để tìm được môi trường lý tưởng, biết bao người đã luống công vô ích. Vì vậy chúng ta cần phải biết sống tùy duyên với thực tại, cố gắng đem hết tâm huyết để xây dựng hội chúng hiện hữu, giữ tâm luôn thư thái để vững bước trên đạo lộ tối thắng an tịnh mà chúng ta đã chọn.

Cái khó khăn nữa của người xuất gia chúng ta là đối duyên xúc cảnh, những thói quen, những cảm xúc hay những trạng thái tình cảm khi còn tại gia lại nổi dậy.

Nhiều vị tôn túc đã cho rằng: so với các Ngài ngày xưa thì người xuất gia thời nay gặp thuận duyên hơn nhiều, nhưng nếu không khéo tu thì cũng khó khăn và gặp chướng duyên cũng không kém. Thuận duyên ở nhiều phương diện. Thứ nhất là được sống trong sự an bình, đất nước không còn phải chiến tranh, giặc giã. Thứ hai là được cư gia bá tánh cúng dường và chu cấp đầy đủ về những nhu cầu (ăn, mặc, ở, bịnh), chùa chiền ngày một khang trang hơn. Thứ ba là trường lớp Phật học được mở ra rất nhiều, pháp môn tu hành cũng như phương tiện nghe nhìn và nghiên cứu Phật pháp đa dạng và phong phú. Các Ngài xưa học ít mà hành nhiều: Đời sống giản đơn, bữa cháo bữa rau, an phận tu tập, không chút lợi danh, tâm luôn được an vui. Chúng ta ngày nay thế nào?

Với một rừng kinh sách, pháp môn, biết đâu là những điều căn bản để tưới tẩm, dưỡng nuôi tâm bồ đề của người sơ tâm học đạo? Có bậc tôn túc trong những thập kỷ trước đã thấy khó và từng thốt lên rằng:
Kinh văn rối rắm lạ thường
Như là đêm tối không tường nông sâu.
Để tìm được môi trường lý tưởng, biết bao người đã luống công vô ích. Vì vậy chúng ta cần phải biết sống tùy duyên với thực tại, cố gắng đem hết tâm huyết để xây dựng hội chúng hiện hữu, giữ tâm luôn thư thái để vững bước trên đạo lộ tối thắng an tịnh mà chúng ta đã chọn.

Chính vì thế, người thầy đóng vai trò rất quan trọng. Đức Tổ sư từng dạy: “Làm người xuất gia trước phải lựa thầy cho chơn chánh đặng ở cho lâu, không đặng thay đổi hay lìa thầy sớm”. Nhưng khổ thay, chúng ta chưa đủ trí để nhận biết đâu là minh sư để chúng ta chọn. Theo người viết, trước tiên chúng ta phải có sự tìm hiểu về giáo lý của nhà Phật, nhận thấy vị thầy nào sống và hành theo lời Phật dạy một cách tương đối và có nhân duyên để tiếp nhận mình, thì nên theo vị ấy.

Cái khó khăn nữa của người xuất gia chúng ta là đối duyên xúc cảnh, những thói quen, những cảm xúc hay những trạng thái tình cảm khi còn tại gia lại nổi dậy. Điều đó được đức Phật nói rõ trong kinh Catuma (Trung Bộ kinh): Người đi ra biển có bốn sự sợ hãi, đó là sợ sóng, cá sấu, nước xoáy, và cá dữ. Cũng vậy, người xuất gia có 4 điều phải đối mặt đó là phẫn nộ, tham ăn, năm dục, sắc đẹp của người khác giới.

Đức Tổ sư từng dạy: “Làm người xuất gia trước phải lựa thầy cho chơn chánh đặng ở cho lâu, không đặng thay đổi hay lìa thầy sớm”.

Phẫn nộ là sự phản ứng thô thiển của tâm thức bị dồn nén trong trạng thái giận dữ với tác động của các hành vi không thích ý hay cảnh ngộ không hoàn thiện. Điển hình là trong sinh hoạt hàng ngày, nếu như chúng ta bị người đồng phạm hạnh chỉ dạy hay góp ý, dù đúng hay sai thì cũng khiến ta bực bội vì bị chạm tự ái (bản ngã); hoặc khi gặp những thức ăn không hợp khẩu vị, gặp những hoàn cảnh trái ý thì ta cũng có thể nổi giận. Phẫn nộ độc hại vô cùng. Nếu như chúng ta không kiểm soát được, nó thì sẽ nguy hại đến ta vì: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, hay ngạn ngữ Hungary có câu: “một cơn nóng giận tương đương với 100 con quỷ dữ”. Thế mới hay tác hại của phẫn nộ to lớn biết dường nào. Chúng ta phải dè chừng và cẩn thận với nó.

Phẫn nộ là sự phản ứng thô thiển của tâm thức bị dồn nén trong trạng thái giận dữ với tác động của các hành vi không thích ý hay cảnh ngộ không hoàn thiện.

Nhiều người đã xuất gia nhưng không lo tu học mà chỉ biết lo ăn uống, lo bảo trì cái huyễn thân giả tạm này của mình, ít nghĩ đến người khác. Vì thế khi có ai cản trở hay góp ý về việc ăn uống, thì người này liền phẫn nộ và bất mãn, đường tu tập luôn bị đình trệ, khó phát triển về mặt tâm linh và dễ dàng rơi vào những lỗi lầm khi phải sống chung với hội chúng. Cho nên trong kinh đức Phật thường dạy các đệ tử của Ngài: “phải biết tiết độ trong ăn uống” là vậy. Một con chim bị nhốt lâu ngày trong lồng, sống quá phụ thuộc vào thức ăn, nước uống do người nuôi đem lại, khi được thả ra thì không bao giờ bay đi đến phương trời cao rộng, sống một cuộc sống hạc nội mây ngàn mà chỉ quanh quẩn bên chiếc lồng, không từ bỏ được. Cũng như thế, một người đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, là những người tự nguyện, là những kẻ luôn đề cao đời sống giải thoát trong thanh bần hơn sự trói buộc trong phú quý, suốt đời mơ những giấc mộng tuyệt vời, luôn khinh bỉ tất cả những cái gì mà thế tục đề cao, thế mà lại dính mắc vào việc ăn uống thì thật là hổ thẹn vô cùng, rốt cuộc thì cũng giống như con chim kia cả đời không bao giờ tận hưởng được hương vị của tự do bay lượn trong bầu trời bao la.

Và một trong những khó khăn tiếp theo mà người xuất gia đối mặt đó là năm dục. Năm dục ở đây là tài, sắc, danh, thực, thùy. Nó luôn chi phối đời sống của chúng ta. Người đời luôn chạy theo và chìm đắm trong nó, và lấy nó làm nhu cầu, niềm vui chính yếu để vun bồi cho cuộc sống của họ. Nhưng họ đâu có ngờ rằng, đó chỉ là yếu tố giả tạm:
Mùi phú quý nhử làng xa mã
Bã vinh hoa lừa gã công khanh.
(Nguyễn Gia Thiều - Cung Oán Ngâm Khúc, câu 81-82)
Phẫn nộ độc hại vô cùng. Nếu như chúng ta không kiểm soát được, nó thì sẽ nguy hại đến ta vì: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, hay ngạn ngữ Hungary có câu: “một cơn nóng giận tương đương với 100 con quỷ dữ”.

Cho nên không biết bao nhiêu người bị chôn vùi dưới hố thẳm của dục tình mà không tìm được lối thoát. Như những con thiêu thân lao vào những trò vui của thế gian, để rồi kết quả là đón nhận một cái chết lãng nhách và vô vị. Người xuất gia phải khác hơn người thế gian, “tâm hình dị tục”, tức là phải giác ngộ về lẽ thật của cuộc đời và phải luôn thấy rằng: Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn, bọt bóng, như sương cũng như ánh chớp. Nếu thường xuyên quán chiếu như thế, thì dễ dàng xa lìa ngũ dục. Điều này cũng được Đức Phật xác chứng trong bài kinh Khúc Gỗ. Khi một khúc gỗ hướng về biển, xuôi theo biển, muốn thể nhập vào biển thì phải vượt qua được xoáy nước. Cũng như thế, một người xuất gia muốn thể nhập Niết Bàn thì phải tránh xa năm dục. Vì vậy để tiến tu trên con đường đạo nghiệp, đạt đến sự giải thoát hoàn toàn, chúng ta phải dè chừng với năm dục.

Khó khăn cuối cùng và cũng là khó khăn lớn nhất mà người xuất gia phải đối mặt đó là người khác giới (sắc nam, sắc nữ). Như chúng ta đã biết nguyên nhân để thọ lãnh cái thân năm uẩn này là bắt nguồn từ dục, nghĩa là có thích người nữ thì ta mới sinh làm thân người nam. Từ nhỏ cho đến khi ta hiểu ra được chữ “yêu” thì cái bản ngã của chúng ta được trau chuốt, nâng niu, bảo vệ một cách kĩ lưỡng, tưởng rằng không hề có sự chẻ đôi ở trong ta, thế mà khi gặp người con gái:
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.
(Nguyễn Gia Thiều - Cung Oán Ngâm Khúc, câu 19-20).
Đức Phật thường dạy các đệ tử của Ngài: “phải biết tiết độ trong ăn uống”.

Thì cái bản ngã đó lại bị chẻ đôi một cách hết sức nhanh gọn và nhẹ nhàng. Đối với người tu như chúng ta thì sức mạnh của đôi mắt, khóe môi, hay cái cười duyên dáng của người phụ nữ mới đáng sợ làm sao. Thành lũy kiên cố của giới luật, một trong những vỏ bọc che chở, bảo hộ cho người tu, nếu không nghiêm giữ thì vẫn bị nó phá tan tành. Thế mới có người nói: “Nếu như trên đời này không có tiền bạc và người phụ nữ thì không có ai xuống địa ngục cả”. Nói như thế không phải hạ thấp người phụ nữ, mà chỉ để nhấn mạnh sự nguy hiểm của sắc dục đem lại cho người nam xuất gia, vì sắc dục là một trong những đối tượng được để ý nhiều nhất. Đối với người nữ tu thì ngược lại. Tương tư, đau khổ, vui mừng, xúc động, bồi hồi, những chuỗi cảm xúc ấy dồn dập kéo đến giày vò, hành hạ tâm can. Trong phẩm Sắc (kinh Tăng Chi), đức Phật có dạy: “Này các Tỷ kheo, ta không thấy một sắc nào khác, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ kheo sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”.

Nói tóm lại, có vô vàn những khó khăn, những thử thách nguy hiểm do ngũ dục và ngoại cảnh luôn rình rập, chực chờ người xuất gia chúng ta. Nếu như một phút giây lơ là, thiếu sự tu tập thì chúng sẽ tấn công và làm nguy hại đến chúng ta. Nhưng cũng có một điều an ủi là nếu như chúng ta có một cái tâm nguyện tốt lành khi phát tâm xuất gia, thì đây chính là động lực để chúng ta có thể vượt qua tất cả. Chúng ta xuất gia không phải vì thiếu nợ, không vì thiếu ăn, không vì thất tình. Vì vậy mỗi chúng ta phải luôn tự mình nhắc nhở, hun đúc cái tâm nguyện ban đầu đó thì mới mong tránh khỏi những khó khăn đó được. Mỗi chúng ta phải cố gắng tâm niệm rằng:
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi
Dở dang nào có hay gì
Đã tu tu trót qua thì thì thôi.
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Mong rằng, tất cả ai ai cũng sẽ vượt qua mọi thử thách để cùng đến bến bờ giác ngộ.
Minh Chính (Sưu Tầm)



llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll 


Chướng ngại trên đường tu
Sakyong Mipham Rinpoche

Chướng ngại không nhất thiết là điều ta phải tránh. Khi ta biết cách đối trị, chính chướng ngại lại trở thành con đường tu của chúng ta. Trong bài sau đây, đại sư Sakyong Mipham Rinpoche đã liệt kê những loại chướng ngại khác nhau mà chúng ta thường gặp phải và chỉ ra những phương cách thích hợp để đối trị.

Dù ở trình độ tu tập như thế nào, luôn luôn chúng ta sẽ có những chướng ngại. Tiếng Tây Tạng gọi chướng ngại là parche, có nghĩa là "cái cắt ngang sự tiến bộ". Thực ra, càng tu tập nhiều, chướng ngại càng lớn hơn, nhưng nếu chúng ta hiểu rằng chướng ngại là một phần của con đường tu thì ta có thể học hỏi từ đó. Chướng ngại có thể là những thông điệp nhắn gởi, báo hiệu cho ta thấy cần phải thức tỉnh và nhìn lại những gì đang xẩy ra. Trên một bình diện sâu xa hơn, ta có thể xem chướng ngại là một phần không thể thiếu trong cuộc hành trình của chúng ta.

Chướng ngại có thể đến từ bên ngoài, bên trong, hay tiềm ẩn. Chướng ngại bên ngoài là bất cứ những gì trong ngoại cảnh làm ta phân tán tâm trong tiến trình tu tập. Ví dụ như, bận rộn quá cũng là một trở ngại trong việc tu tập. Gánh vác quá nhiều việc nhà cũng ngăn trở sự tu tập. Giải trí cũng là một chướng ngại: một sở thích có thể chiếm hết thì giờ của ta , và đột nhiên ta thấy mình không còn muốn tu tập nữa. Trong một bình diện tinh tế hơn, trí óc ta luôn tìm kiếm phẩm chất tốt đẹp trong những trò giải trí của mình, và điều đó chắc chắn cũng là một chướng ngại.

Chướng ngại bên trong có liên quan đến quá trình tu tập của chúng ta, trong đó thông thường nhất là kiến chấp, hay sở tri chướng. Sự chấp trước vào một quan niệm hay ý kiến nào đó có thể khiến ta đi lạc hướng trên con đường tâm linh của mình. Một chướng ngại bên trong khác là tâm vọng động không ngừng những khởi niệm lăng xăng, khiến ta mất sự tập trung và năng lực bị hao tán. Một loại chướng ngại khác là có quá nhiều xúc động. Nếu ta bị lôi cuốn theo những cảm xúc nóng giận, hận thù, ghen ghét, tham cầu hay dục vọng, sự tu tập của ta sẽ bị trở ngại.

Chướng ngại tiềm ẩn có liên quan đến kiến giải của chúng ta, như là những nghi hoặc về con đường tu, hoặc thiếu sự tin tưởng nơi Pháp. Rõ ràng là khi chúng ta nghi ngờ thì khó mà tu tập, và dù cho ta có ngồi thiền đi nữa cũng không thể tiến triển được gì. Ta xem việc tu tập như là thứ yếu trong những hoạt động hàng ngày, và sự phát triển tâm linh của ta càng ngày càng rời rạc hơn. Thế rồi con đường tu cũng chấm dứt, và chúng ta đi theo con đường thế gian. Chúng ta mất đi tinh thần kỷ luật bản thân, tính hài hước và sự sảng khoái. Giải trừ những chướng ngại cản trở chánh kiến và sự phát triển niềm tin vững chắc là sự đối trị với chính mình trong phương diện tiềm ẩn.

Nói chung, những chướng ngại đều có liên hệ đến nghiệp và duyên (hay điều kiện). Đặc biệt, những chướng ngại phát sinh từ những điều kiện trong môi trường sống của chúng ta là những chướng ngại liên quan đến những thói quen của thân khẩu ý tạo tác thành nghiệp. Thân chướng có thể đưa đến hoàn cảnh xấu nhất là giết người hay làm tổn hại đến người khác. Khẩu chướng là những lời nói xấu ác tạo nên những điều kiện tiêu cực. Ý chướng xẩy ra khi trong tâm ta khởi lên một trạng thái không lành mạnh, như là lòng ham muốn quá độ hoặc là ghét bỏ một người nào đó. Từ những hành động bất thiện này, chướng ngại sẽ sinh sôi nẩy nở. Những gì chúng ta nói hay làm đều tạo nên một năng lượng, một tần số chiêu cảm chướng ngại đến với ta.

Phương thuốc gì có thể giải trừ những điều kiện gây ra chướng ngại? Trên mọi trình độ, phương thuốc giải trừ căn bản vẫn là một tâm tỉnh giác. Một Phật tử có lần bị xe đụng đã hỏi cha tôi là đại sư Chogyam Trungpa Rinpoche rằng, tại sao tai nạn ấy lại xẩy ra? Ông ta tưởng là có một nghiệp gì trong quá khứ đã khiến cho tai nạn ấy xẩy ra. Nhưng thật ngạc nhiên cho ông ta, cha tôi lại trả lời đó là chỉ vì ông không có sự tỉnh giác!

Đối với những vấn đề thực tế, ta có thể dễ dàng tỉnh giác, như khi qua đường phải cẩn thận nhìn hai bên, nhưng sự tỉnh giác không chỉ là sự chú ý thông thường mà còn vượt lên trên đó để trở thành sự thấy biết và quan sát chính mình. Tốc độ nhanh là kẻ thù của sự tỉnh giác; nó làm ta quên đi không nhìn những gì đang xẩy ra. Khi ta kiêu ngạo và vô cảm, tự mãn với những gì thuộc về thân, khẩu, ý của mình, thì chướng ngại sẽ sinh ra. Thế rồi ta không hiểu được tại sao mọi chuyện lại xẩy ra như vậy. Dù đang tu tập ở bất cứ trình độ nào, ta cũng phải chú ý đến cuộc đời của mình và quán chiếu nó một cách rõ ràng.

Phương thuốc giải trừ nội chướng là công phu tu tập. Trong sự thực tập an trú, chúng ta dùng giây phút hiện tại như điểm then chốt liên hệ với tâm để vượt qua những tạp niệm lăng xăng. Hướng tâm trở về với hơi thở là cách thực tập để có chánh niệm và sự tỉnh giác. Nếu có cảm xúc mạnh gây chướng ngại, ta có thể dùng hai cách để đối trị. Nếu đã luyện tập được tới mức chỉ cần theo dõi hơi thở và buông mọi vọng niệm cảm xúc, thì nên làm điều đó. Cách thứ hai là dùng pháp "quán" để phân tích, xem xét lại cảm xúc của mình. Ta bắt đầu tìm hiểu, điều tra cảm xúc ấy, tự hỏi mình "Tại sao ta lại ghen ghét như vậy? Cái gì làm ta cảm thấy thế này?" Trong khi xem xét những lý do đã đưa đến cảm xúc ấy, và làm thế nào chúng đã gây nên sự đau khổ, lo lắng cho mình, ta sẽ tách rời khỏi chúng được. Đó cũng là phương pháp để giúp ta có được chánh niệm và sự tỉnh giác.

Sự giải đãi, hay lười biếng, cũng là một chướng ngại lớn cần phải chú ý đến. Sự lười biếng có thể ngăn cản cho ta không bao giờ thực tập tọa thiền được. Sự giải đãi cũng biểu hiện qua tâm lý tự kỷ thấy mình lúc nào cũng bận rộn, hay trong một chiều hướng ngược lại, cảm thấy chán nản không muốn làm gì cả. Và dù cho ta có ngồi xuống thực tập thiền, nó cũng ngăn trở không cho ta gặt hái được kết quả theo đúng cách. Sự giải đãi có thể xẩy ra trong bất cứ trình độ nào, và luôn liên quan đến kiến giải của bản thân. Phương thuốc giải trừ là tạo sự hứng khởi. Có nghĩa là ta phải bắt đầu lại từ đầu.

Để có một khởi sự mới mẻ trở lại, ta không thể suy nghĩ huớng về phía trước, mà phải quay trở về phía sau, gợi nhớ lại điều gì đầu tiên đã gây cho ta sự hứng khởi để tu tập, xem xét lại ý nghĩa thế nào là một hành giả tu tập. Khơi lại niềm hứng khởi cũng có nghĩa là ta liên kết lại được với tình thương, với Bồ Đề Tâm, hay tâm giác ngộ. Khi ta dấy lên được tình thương và lòng từ bi mẫn cảm, ta sẽ an trụ được niềm tin nơi sự tu tập thiền của mình. Kết quả là, ta sẽ sáng tỏ được mục tiêu và sự dấn thân của mình, và vượt qua sự giải đãi của bản thân. Thế rồi, trên một bình diện sâu xa hơn, ta còn có thể dùng phương thuốc giải này để an trú một cách tự nhiên nơi bản chất nguyên sơ của tâm.

Làm việc để giải trừ chướng ngại từ ngoài, từ trong và ở trình độ tiềm ẩn cho ta cơ hội để học hỏi từ đó. Khi áp dụng những phương thuốc giải trừ, sự tu tập của ta có thể sâu xa hơn và giúp ta tiến triển nhiều hơn trên con đường đi đến giác ngộ. Với chánh niệm, sự tỉnh giác, và kiến giải vững chắc, ta có thể tìm được mục tiêu trong sự tu tập của mình và có niềm tin sâu xa nơi con đường tu ấy. Những yếu tố tốt đẹp này đem lại sự an lạc và mãn nguyện với tất cả những gì ta đang làm. Điều đó cũng khiến ta có thể kết hợp tất cả mọi sự trong việc tu tập của mình, ngay cả những vấn đề trong gia đình và công việc nữa. Nếu ta có thể giữ cho tâm mình luôn luôn tu tập, thì những việc mang nặng tính thế gian trong đời sống không còn là chướng ngại đối với ta nữa.

Một vài hành giả nổi tiếng đã tuyên bố rằng chướng ngại chính là con đường tu của họ. Đó là một cách lý giải khá lạ thường trong sự tu tập - là lấy làm thích thú với những trở ngại và khó khăn. Hầu hết chúng ta phải luyện tập cho tâm mình được vững chắc trước khi có thể nói là, "Đem chướng ngại đến đây!" Chúng ta phải tập phát triển quán chiếu những kinh nghiệm và cảm xúc của mình trước khi có thể siêu vượt chúng lên bằng phương pháp như vậy. 

Tu tập đều đặn, gieo trồng sự bình an và tình thương nơi tâm hồn, và làm mới lại niềm hứng khởi của mình là những yếu tố then chốt trong việc làm giải trừ chướng ngại. Qua từng bước một, phương pháp này sẽ dần dần tạo dựng được cho ta một tâm bình đẳng. Những dấu hiệu gì cho ta thấy là đã có tiến bộ? Đó là thân, khẩu, ý, của ta đều trở nên nhẹ nhàng hơn. Có những lúc ta có thể chịu đựng được những khó khăn, mà không có một lời than phiền. Ta còn có thể bắt đầu đón nhận chướng ngại như là cơ duyên để tập những hạnh lành như: lòng kiên nhẫn, độ lượng, tinh thần kỷ luật, thiền định, tinh tấn, và yếu tố nối kết những hạnh đó - Trí Tuệ thấy biết mọi việc đều là Như Thị. Qua sự tu tập và thay đổi thái độ, những gì đến với chúng ta - dù tốt dù xấu - sẽ đều giảm bớt cản lực gây chướng ngại cho chúng ta trên con đường tu tập.

----------
Sakyong Mipham Rinpoche là một lãnh tụ tâm linh của tổ chức Shambala, một mạng lưới quốc tế của những trung tâm tu thiền và nhập thất của Phật giáo. Ông cũng là tác giả của quyển "Biến tâm thành một đồng minh" (Turn mind into an Ally) và "Thống trị thế giới" (Ruling the world).

Diệu Huyền trích dịch

 llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll