TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Tuesday 1 October 2013

*** ĐỨC PHẬT DẠY CON NHƯ THẾ NÀO?



 
 
Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
The Buddha as a Parent
by Gil Fronsdal Email In

Thái tử Tất Đạt Đa – sau này chính là đức Phật, có đứa con trai duy nhất là La Hầu La khi chưa xuất gia.  Song, ít ai biết rằng sau khi đạt Chính Đẳng Chính Giác, đức Phật đã trở thành thầy dạy dỗ rất quan trọng cho con trai của mình trong hầu hết quãng đời niên thiếu của con Ngài. Kể từ khi La Hầu La lên bảy tuổi, Ngài đã là một người cha rất mực mô phạm: La Hầu La đã đạt được giác ngộ viên mãn khi mới tròn 20 tuổi. Vậy, chúng ta hãy tự hỏi, đức Phật là một người cha như thế nào? Phương pháp dạy con của Ngài ra sao? Làm thế nào một bậc giác ngộ trao truyền những giá trị tâm linh của mình cho con cái?

Kinh điển không đề cập nhiều đến mối quan hệ cha-con giữa đức Phật và La Hầu La, nhưng đâu đó có để lại những dấu hiệu thú vị đáng lưu ý về việc đức Phật đã dẫn dắt con mình như thế nào trên con đường trưởng thành. Mặc dầu trước các kinh điển này đã có những mẩu chuyện nói về việc La Hầu La đã trở thành đồ đệ của đức Phật như thế nào, nhưng phần lớn những chi tiết này nằm trong ba bài pháp mà nếu ta gom cả lại với nhau, thì đó chính là một tiến trình liên tục của con đường dẫn tới giác ngộ: lúc La Hầu La bảy tuổi, đức Phật dạy cho con về đạo đức; lúc La Hầu La 10 tuổi, đức Phật dạy cho con thiền; và lúc 20 tuổi, Ngài dạy về tuệ giác giải thoát. Quá trình trưởng thành của La Hầu La, vì vậy, đi đôi với tiến trình giác ngộ của Đức Phật.

ĐẠO ĐỨC
Câu chuyện đầu tiên kể về La Hầu La được Đức Phật dạy về lòng chính trực (integrity) như thế nào. Lúc lên tám tuổi, La Hầu La đã có lần nói dối. Bài Kinh Giáo Giới La Hầu La trong Trung Bộ Kinh, 61,  kể rằng sau khi tọa thiền xong, Đức Phật đến tìm con. La Hầu La lấy ghế mời cha ngồi, rồi mang đến một thau nước cho cha rửa chân theo như phong tục thời ấy. Sau khi rửa chân xong, Đức Phật hỏi:
Này, La Hầu La, con có thấy chút nước còn lại trong cái thau này không?”
Dạ, con có thấy” – La Hầu La thưa.
Đời của một người tu cũng chỉ đáng bằng một chút nước này thôi, nếu như người đó cố tình nói dối.”

Sau đó, Đức Phật hất đổ hết nước trong thau ra và nói: Đời của một người tu cũng đáng vất bỏ đi như vầy, nếu như người đó cố tình nói dối.” Xong, Đức Phật lật cái thau úp xuống và nói: “Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy, nếu như người đó cố tình nói dối.” Và, để nhấn mạnh thêm nữa, Đức Phật lật ngửa cái thau trở lại và nói:
 “Đời của một người tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này, nếu như người đó cố tình nói dối.” 
Sau đó Ngài dạy con:
 “Đối với một người cố tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy, La Hầu La, con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa.”

Câu chuyện trên đây nhắc nhở rằng những lời la mắng giận dữ với con cái thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm đúng lúc để dạy con mà không trừng phạt hay nổi giận với con.
Sau bài thuyết giảng ngắn mà nghiêm khắc, rõ ràng về việc nói dối đó, đức Phật đã chỉ dẫn con làm sao để suy xét mọi hành động của mình.
Ngài hỏi – “Cái gương dùng để làm gì?”.
Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi” – La Hầu La đáp.

Đức Phật lại dạy:
Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm.”

Có thể nhận ra rằng thay vì dạy cho con mình nhận biết sự khác biệt tuyệt đối giữa đúng và sai, đức Phật đã dạy cho con suy gẫm về lợi ích và có hại. Điều này đòi hỏi cả sự tự tri (self-awareness) lẫn lòng bi mẫn. Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên “có lợi” hay “có hại” sẽ giúp đời sống đạo đức của ta khỏi những khái niệm trừu tượng và những ý niệm chẳng ăn nhập gì tới hậu quả của việc ta làm. “Có lợi” và “có hại” cũng giúp cho con người nhận biết mục tiêu của mình. Những điều ta làm sẽ trở thành hoặc là nghịch duyên, hoặc là thuận duyên trên con đường ta đi.

Phương pháp giáo hóa của đức Phật đã gieo vào tâm hồn con trẻ những hạt giống của lòng bi mẫn, những hạt giống của ý thức về mỗi hành động của ta sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Sức mạnh của sự quán chiếu và lòng từ bi sẽ không có được nếu đứa trẻ chỉ biết vâng theo lời của người lớn: “Con hãy biết quán chiếu, và hãy có lòng từ bi!” Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là của cha mẹ đứa trẻ.

Đức Phật cũng dạy cho La Hầu La hãy xem xét sau khi làm một việc gì đó, nó có gây tổn hại gì không. Nếu có, thì phải đến gặp một người có tuệ giác và sám hối để tránh lặp lại lỗi lầm trong tương lai. Đó là cách hướng dẫn con trẻ phát triển lòng chính trực bằng cách nhận ra lỗi lầm của mình. Và lòng chính trực đó tuỳ thuộc rất nhiều vào cách cha mẹ soi xét lỗi lầm của con mình ra sao. Cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển đạo đức của con trẻ: nếu cha mẹ cho con trẻ thấy được là nó có thể tin tưởng cha mẹ chỉ muốn giúp cho con mình trưởng thành hơn là muốn trừng phạt con, thì con trẻ sẽ trở nên thành thật với cha mẹ của chúng hơn.

THIỀN ĐỊNH
Câu chuyện thứ hai trong Trung Bộ Kinh, 62 nói về việc Đức Phật đã dạy thiền cho La Hầu La ra sao, nhằm phát triển nền tảng của nội tâm. Lúc đó La Hầu La được 10 tuổi. Câu chuyện bắt đầu lúc hai cha con đang đi thiền hành. Trong lúc đi, La Hầu Ha chợt thấy hãnh diện về vẻ đẹp của mình, và Đức Phật đã đọc được tư tưởng đó. Ngài nói với con:”Nhìn bằng con mắt của tuệ giác, cái thân này không phải là tôi (me), không phải là của tôi (mine), không phải là tự ngã của tôi (myself).”

Đức Phật đã dạy cho La Hầu La tỉnh giác về tưởng-hành-thức đã tạo nên ý niệm về tôi, của tôi, và tự ngã của tôi. Nghe những lời dạy này xong, La Hầu La cảm thấy hổ thẹn, lui về thiền viện, và không thiết gì đến việc ăn uống suốt ngày hôm đó. Tâm lý học về trẻ em cho rằng ở vào lứa tuổi này điều lo nghĩ đến diện mạo rất là quan trọng cho tiến trình phát triển của các em về “cái tôi” đi tìm kiếm bản thân mình. Như thế, có nên trách cứ một trẻ em ở vào lứa tuổi này về những ý tưởng phù du như vậy hay không? Có phải đức Phật đã xen vào tiến trình phát triển bình thường của con trẻ, thay vì để chúng tự khám phá?  Thật ra, nếu không có hiểu biết về “cái tôi”, làm sao một thiếu niên có thể phát triển thành một người lớn với một tâm lý thăng bằng? Câu trả lời nằm ở những gì Đức Phật dạy con Ngài ở đoạn sau đây.

Sau hôm đó, La Hầu La đến xin cha dạy cho mình phương pháp thiền quán. Trước hết, đức Phật dùng thí dụ để minh hoạ làm sao để buông xả trong lúc thiền định. Ngài dạy:
Con phải thiền làm sao giống như đất vậy: đất không cảm thấy phiền vì bất cứ một thứ gì đổ lên đó. Vì vậy, nếu con tập thiền giống như đất, con sẽ không dính mắc cảm giác vui thích hay không vui thích về bất cứ một điều gì. Hãy thiền tập như đất, như nước, như gió, và như lửa để không còn bị chi phối bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích, và như thế sẽ không còn bị trói buộc vào những gì cả.”

- Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của ĐẤT.
Dù người ta có đổ hay rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hương hoa, nước ngọt, sữa thơm.. hoặc những thứ hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu, phân rác.. thì đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên, không vướng mắc, cũng không oán hờn ...
Tại sao ? Tại vì đất là địa đại có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hoá. Nếu tâm con rộng lớn vô lượng như đất, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi thứ bất như ý và những thứ ấy không thể làm cho con khổ đau được.

- Này La Hầu La, con hãy học cách ứng xử của NƯỚC. Dù người ta có đổ xuống nước những chất thơm tho ... hoặc giặt rửa trong nước những thứ dơ bẩn, hôi hám... , thì cũng không vì thế mà nước bị vướng mắc, hoặc cảm thấy oán hờn, ...
Tại sao ? Tại vì nước là thuỷ đại có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả những gì đã tiếp nhận. Nếu tâm con rộng lớn bao la vô lượng như nước, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi tất cả mọi thứ bất như ý và những thứ ấy không thể làm cho con khổ đau được...

- Này La Hầu La con hãy học cách cư xử của GIÓ:- Gió có thể tiếp nhận, thổi và di chuyển hoa mọi mùi hương .. dù thơm, dù thối mà không bị vướng mắc, tự hào, buồn khổ, hay tủi nhục...Tại sao? Tại vì gió là phong đại có dung tích rộng lớn, có khả năng di động phi thường. Nếu tâm con có khả năng chuyển hoá và di động, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất như ý ... mà kẻ khác trút lên con và những thứ ấy không thể làm xáo trộn được sự bình an và hạnh phúc trong con.

- Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của LỬA. Lửa có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ , dù là những cái xấu dơ bẩn... , lửa cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục , buồn khổ, chán chường.
Tại sao ? Tại vì lửa là hoả đại có dung tích rộng lớn, có khả năng thiêu đốt và chuyển hoá tất cả nhưng gì người ta đem tới. Nếu tâm con không kỳ thị, không vướng mắc, con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất như ý ... và những thứ ấy sẽ không thể nào làm xáo trộn hạnh phúc và bình an trong con.

Và trước khi dạy cho La Hầu La phép quán niệm hơi thở, Đức Phật dạy cho con về quán tâm từ như là một phương thuốc giải độc trừ khử ác tâm, về tâm bi để vượt thắng sự tàn ác, về tâm hỷ để thuần phục những sự bất toại nguyện, và về tâm xả để ngăn chặn những thương ghét.
Sau đó, Ngài mới bắt đầu dạy cho con phép quán niệm hơi thở qua 16 giai đoạn. 
Những giai đoạn này chia làm 3 phần:
a) Tịnh tâm và thân.
b) Nhận biết thân tâm và phát triển tuệ giác.
c) Buông xả.

Cuối cùng, đức Phật lưu lại một dấu ấn đậm nét về giáo lý của Ngài với La Hầu La bằng cách nhấn mạnh rằng qua sự thực tập ý thức từng hơi thở của mình, chúng ta sẽ có khả năng nhận biết hơi thở cuối cùng của mình vào giây phút cận tử một cách hoàn toàn bình thản. Qua cách thức đức Phật dạy con phép thở để nhận biết thân tâm của mình, có thể thấy đó cũng là một phương pháp để nhận biết “cái tôi” không thực. Và phải chăng các em thiếu niên ở mọi thời đại hay chấp vào “cái tôi” của mình và có nhiều ý niệm phân biệt mình với kẻ khác, bởi các em không cảm thấy thoải mái với chính bản thân mình và với người khác? Thiết nghĩ, cái chấp và sự phân biệt ấy sẽ không còn nữa nếu các em cảm thấy an vui được với chính mình cũng như thoải mái với người chung quanh.

Khi giảng dạy thiền cho thiếu niên, có thể nhận thấy rằng khả năng thiền của các em nhảy bực vào khoảng 13-14 tuổi. Có nhiều em có thể nhập thiền rất sâu, tuy rằng các em không duy trì được trạng thái này lâu lắm. Kinh nhgiệm đã cho thấy rằng rất nhiều người trẻ dùng phương pháp thiền định để ổn định tinh thần và tìm về sự thảnh thơi an lạc giữa những thử thách của tuổi mới lớn.
Kỳ thật, thiền quán hơi thở không chỉ ích lợi cho các em thiếu niên, mà nó còn là cuộc hành trình suốt đời. Đức Phật đã kết thúc bài giảng của mình bằng cách chỉ cho La Hầu La thấy giá trị của việc tập quán niệm hơi thở như thế nào đối với giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.

TUỆ GIÁC
Trong bài pháp thứ ba cuối cùng nơi Trung Bộ Kinh - 147, đức Phật đã hướng dẫn La Hầu La trả lời một loạt những câu hỏi về tuệ giác giải thoát. Khi La Hầu La tròn 20 tuổi, Đức Phật biết rằng con trai của mình đã gần đến bờ giải thoát. Ngài đã làm một việc hết sức cảm động: Ngài đi bộ cùng với con vào sâu trong rừng. Ngồi dưới gốc một cây đại thụ già cỗi, Ngài đã hướng dẫn La Hầu La một cuộc pháp đàm rất kỹ về thuyết vô ngã. Đối với một người đã đạt đến trình độ tu tập cao như La Hầu La, thì những tư tưởng nằm sâu trong tiềm thức về cái ngã là chướng ngại cuối cùng của sự giải thoát.

Ngồi nghe Đức Phật giảng, La Hầu La đã chứng đắc được tính vô ngã của vạn pháp, và đó chính là nấc thang cuối cùng giúp La Hầu La đạt đến sự giải thoát trọn vẹn.
Thuyết vô ngã của đức Phật có thể khó hiểu. Người ta rất dễ ngộ nhận nó là một triết thuyết trừu tượng, mà không thấy được thực ra đó chính là những lời dạy rất thực tế về việc làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc bằng cách buông xả tất cả các chấp mắc cực đoan là nguồn gốc của mọi bế tắt khổ đau.

Việc đức Phật dạy con về thuyết vô ngã trong rừng sâu rất cần thiết. Bởi cảm giác an lạc và thảnh thơi mà thiên nhiên mang lại sẽ giúp mình dễ thoát ra được ý niệm về ngã hơn so với khi ở giữa phố thị. Quán chiếu về sự biết mình (tự tri) và buông xả trong khi đọc một cuốn sách về Phật pháp ở trong nhà, là rất khác so với bên ngoài, dưới một gốc cây, giữa khung cảnh thiên nhiên.  Trong Phật giáo, giác ngộ là hạnh phúc lớn lao nhất. Ước mong rằng con cái của chúng ta sẽ tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi, và an lành nơi sự giác ngộ. Và có lẽ, trên con đường trở thành người lớn, mong rằng chúng sẽ được dạy về đạo đức, thiền định, và tuệ giác như La Hầu La vậy.

Kính thưa quí vị,


Con người thường sống hàng ngày trong thế giới nhị biên: thị/phi, đúng/sai, phải/quấy,
đẹp/xấu, thương/ghét, thích/không thích, cho nên chìm đắm trong phiền não khổ đau.
Không cần phải đợi đến già mới phát tâm tu, thường khi quá muộn, thân đau tâm mệt,
lắm việc trái ngang ngăn cản đời sống tâm linh, trí tuệ khó khai mở.

Trong cuộc sống bận rộn, hãy dành thời gian ngắn mỗi ngày
để suy tư, ngẫm nghĩ, tập quán chiếu,
lâu dần sẽ đạt được an lạc và hạnh phúc hiện đời.
Xa hơn, con người đạt được giác ngộ và giải thoát khi tuổi vừa 20 như ngài La Hầu La,
con trai của Thái Tử Tất Đạt Đa,
tức là Đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội bồ đề khi ngài 35 tuổi.
Người tu dù xuất gia khi còn nhỏ tuổi - hay sau này,
nếu thực tâm tu và học, đều có thể đạt thành chánh quả (giác ngộ và giải thoát).
Ngược lại, nhiều vị đạo sĩ tu đến tuổi già nua, bỏ mạng trong khổ hạnh lâm, cũng chưa giác ngộ.
Tại sao?
Bởi vì BẢN NGÃ của người đó càng tu càng to như cây cổ thụ trong chốn thiền lâm.
Tiền bạc và địa vị trong chốn tu hành làm hư hỏng người tu - dù 100 tuổi hay hơn nữa cũng vậy thôi.

--------------------------------
Đạo Phật chủ trương chuyển hóa tâm bất thiện thành tâm thiện.
Đạo Phật không chủ trương tiêu diệt người xấu ác.
Người hiện nay tuy tâm tánh xấu ác - nếu giác ngộ và giải thoát thì sẽ chuyển hóa thành người toàn chân thiện mỹ.
Ví như phân rác chuyển hóa thành hoa thơm, bùn nhơ chuyển hóa thành sen thơm,
nước sông hồ dơ đục chuyển hóa thành nước sạch trong uống được.
Đồ tể buông dao chuyển hóa thành Phật.
&
Không cần phải là người theo đạo Phật, chỉ cần buông bỏ những cố chấp xưa nay, con người có thể giác ngộ và giải thoát như nhau. >> Mọi người đều có thể đạt thành chánh quả (giác ngộ và giải thoát). - Tiền bạc và địa vị trong chốn tu hành làm hư hỏng người tu - dù 100 tuổi hay hơn nữa cũng vậy thôi. >> Đức Phật dạy con như thế nào - GIÁC NGỘ & GIẢI THOÁT LÀ MỤC ĐÍCH CỨU CÁNH CỦA ĐẠO PHẬT

Người đời tặng tên đạn
Phê phán và phỉ báng
Biết tu tâm dưỡng tánh
Hóa thành đóa hoa tươi
*
Nên học hạnh của đất
Nhận chịu của thế gian
Thơm tho và hôi thúi
Hóa thành đóa hoa tươi

Kính thư,
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
VP.PHTQ.CANADA
--------------------------------
 
ƠN ĐỜI CHỨA CHAN
Tuổi già, buổi sáng thức dậy, nghe gân cốt đau rêm mà mừng, vì biết mình còn sống. Đại ý có người viết như vậy, trong một cuốn sách Mỹ mà ông Tư đọc được, làm ông thấm thía cái hạnh phúc lâng lâng của từng sớm mai khi vừa tỉnh giấc. Bạn bè cùng trang lứa với ông, nhiều người đã về với Diêm Vương khi còn trẻ măng, vì cuộc chiến tương tàn khốc liệt dài ngày trên quê hương. Nhiều người khác gục ngã trong trại tù vì đói khát, bệnh tật, mồ hoang vùi cạn. Một số khác nữa, vì khao khát tự do mà chôn thân dưới đáy biển, hoặc chết khô giữa rừng sâu. Không ít người còn lại, tử thần cũng đã đón mời vì bạo bệnh, khi tuổi năm sáu mươi. Phần ông vẫn còn dai dẳng sống sót cũng là ân huệ trời ban, không vui hưởng tháng ngày, cũng uổng lắm sao!
Ý nghĩ đó làm ông mỉm cười sung sướng. Ông vẫn trùm thân trong chăn ấm. Tội chi mà dậy sớm cho mệt. Mỗi khi nghe tiếng khởi động máy xe từ hàng xóm vọng qua trong buổi tinh sương, ông càng vui sướng hơn, vì không còn phải vùng dậy giữa đêm đen, lặn lội đi kiếm cơm hàng ngày như mấy gã trẻ tuổi ở cạnh nhà. Về hưu rồi, mỗi tuần hưởng bảy ngày chủ nhật, bảy ngày thảnh thơi. Hết áp lực của công việc hàng ngày, không phải lo lắng bị thất nghiệp khi kinh tế khủng hoảng xuống dốc. Khoẻ re. Cứ nằm trùm chăn ấm nghe nhạc mềm văng vẳng ru đưa, phát ra từ cái radio nhỏ, có khi ông chợp thêm được một giấc ngủ ngắn ngon lành. Ngủ chán thì dậy. Bước xuống giường, dù khớp xương sưng đau, đi khập khễnh ông cũng thầm cám ơn cái chân chưa liệt, còn lê lết được. Chưa phải nằm dán lưng vào giường như một số người bất hạnh khác. Những kẻ này mà nhích được vài bước cà thọt như ông, thì chắc họ cũng sướng rân người. Ông thầm bảo, có thêm được một ngày để sống, để vui, để yêu đời. Bệnh hoạn chút chút, thì phải mừng, chứ đừng có nhăn nhó than vãn ỉ ôi.
Mỗi khi đánh răng rửa mặt, ông lầm thầm: “Mình sướng như vua rồi, có nước máy tinh khiết để dùng. Giờ nầy, cả thế giới, có hơn một tỉ người thiếu nước để nấu ăn, để tắm giặt và nhiều tỉ người khác không có nước sạch, phải uống nước dơ bẩn”. Dù cái bàn chải đánh răng đang ngọ ngoạy trong hàm, ông cũng ư ử hát ca. Khi áp cái khăn tẩm đầy nước lên mặt, ông cảm được cái mát lạnh và niềm sung sướng chứa chan đang lan tỏa chạy khắp người. Ông biết đang được ân sủng của trời đất ban cho trong tuổi già. Ngồi lên cái bồn cầu êm ái, nhà cầu sạch sẽ, trắng toát, thơm tho, không vướng một chút mùi hôi hám, đèn đóm lại sáng trưng, có nhạc văng vẳng từ radio, ông cầm cuốn sách thưởng thức chữ nghĩa của “thánh hiền”, tư tưởng của Đông Tây. Không bao giờ ông quên cùng giờ phút nầy, có hơn ba tỉ nhân loại không có cầu tiêu để làm cái chuyện khoái lạc thứ tư. Có người phải ra đồng lồng lộng gió, mà làm chuyện “nhất quận công, nhì ị đồng”. Phải gấp gấp cho xong chuyện, không nhẩn nha được, vì hai tay phải múa lia lịa hất ra đàng sau, để xua đuồi lũ ruồi đồng đang vo ve “oanh tạc”. Xong việc, may mắn lắm thì có lá chuối khô mà lau chùi, còn không thì dùng đất cày, đá cục, nắm cỏ, que nhánh cây tươi, khô. Ông cứ nhớ thời làm việc ở quận lỵ, chỉ có nhà tiêu lộ thiên, hai tấm ván bắt ngang qua một hầm cầu lộ thiên, nắng xông hơi phân người lên nóng hừng hực rát cả mặt, bên dưới giòi bọ lúc nhúc lổm nhổm làm thành một tấm màn trắng-ngà chuyển động. Có con gà ở đáy hầm, nó đang thưởng thức ngon lành món giòi bọ, thấy ông xuất hiện bất thần, sợ hãi hoảng hốt đập cánh bay lên kêu quang quác và vung vãi ‘ám khí’ khắp trong không gian, làm ông cũng khiếp viá, ôm đầu phóng chạy dài. Nghĩ đến chừng đó thôi là ông đủ cảm được cái sung sướng đang có ngay bây giờ. Ngồi thật lâu, đọc cho xong mấy trang sách, mới nhởn nhơ rời phòng. 

Ông Tư tự đãi một bình trà nóng, một ly cà phê thơm, rồi nấu nồi cháo gạo tẻ đặc rền ăn với cá kho mặn. Dọn ra bàn, đèn vàng soi một khoảng ấm cúng. Ông thong thả vừa hớp nhâm nhi, vừa ăn từng muỗng cháo, chất gạo béo tạo vị giác đi qua trong cổ họng. Ông lầm thầm: “Ngon, cao lương mỹ vị cũng không bằng”. Ông thường ngâm nga hai câu thơ: “Vợ cũ, chó già, tô cháo nóng. Ba nguồn thân thiết dạt dào thương” . Mắt ông dán vào trang thơ đang cầm trên tay, gật gù thưởng thức ý lời hoa gấm. Ông trầm mình vào những giòng thơ, tim xao xuyến xúc động mênh mang. Thỉnh thoảng ông dừng lại, và nói nhỏ cho chính ông nghe: “Tiên trên trời cũng chỉ sướng và thong dong như thế này là cùng”. Ông nhớ đến cái thời “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”, buổi sáng bụng đói meo, vác cuốc đi làm lao động tay chân nặng nhọc, ráng uống một bát nước lã để cầm hơi và đánh lừa cái bụng đang sôi sồn sột. Bây giờ được như thế nầy, phải biết cám ơn ân sủng của trời ban cho. Biết bao nhiêu tỉ người trên thế giới này mơ ước được có một buổi sáng thảnh thơi và no ấm như ông mà không được nhỉ?
Nhìn xuyên qua cửa phòng ngủ, ông thấy bà vợ nằm ngủ giấc yên bình, lòng ông dạt dào niềm thương. Bà đã cùng ông mấy mươi năm dắt dìu nhau trong phong ba bão táp của giòng đời nghiệt ngã. Đã chia sẻ ngọt ngào cũng như đắng cay của một thời khói lửa điên đảo. Giờ này, may mắn vẫn còn có nhau trong cuộc đời, thương yêu thắm thiết, nhường nhịn nâng đỡ chăm sóc ngày đêm. Không như những cặp vợ chồng già khác, cứ lục đục gây gổ nhau, tranh thắng thua từng li từng tí, làm mất hạnh phúc gia đình. Ông thương bà biết an phận thủ thường, không đứng núi nầy trông qua núi nọ. Ông thấy bà hiền lành và có trái tim đẹp như thánh nữ. Ông muốn vào phòng, hôn bà lên trán, nhưng ngại làm vợ mất giấc ngủ ngon buổi sáng. Ông lại cám ơn trời đã đem bà buộc vào đời ông. Ông cười và nhớ câu nói của một nhà văn nào đó: “Đời sống không dễ khi thiếu đàn bà, nhưng sống được với một người đàn bà cũng không phải dễ”.
Ông Tư ra vườn, một mảnh đất nhỏ trồng vài cây hoa, hương thơm thoang thoảng, có tiếng chim kêu đâu đó líu lo vọng lại. Mấy đóa hoa sặc sỡ còn đọng sương đêm lóng lánh. Nắng mai ấm áp phả lên da thịt ông, tạo thành một cảm giác dịu dàng, êm ái. Ông vươn vai, xoay người trong thế thể dục chậm, xương sống được thư giãn kêu răng rắc, đã đời. Hít thở và phất tay chừng mười lăm phút cho máu huyết lưu thông. Loại thể dục nầy đã giúp ông bớt được những cảm mạo thông thường, ông tin vậy. Ông Tư thay áo quần để đi ra đường. Cầm cái áo lành lặn bằng vải tốt trên tay, ông thường nhớ đến thời đi tù, khâu bao cát làm áo, rách tả tơi, không đủ che gió lạnh thấu xương của núi rừng. Thế mà cũng có nhiều tù nhân khéo tay và nghịch ngợm, khâu bao cát thành bộ đồ lớn, đủ ba mảnh, và làm luôn cả cái “cà vạt”, mang vào trông cũng sang trọng như đi ăn đám cưới. Nhớ lại thời đó mà rùng mình. Còn sống sót, và đến được đất nước tự do này, cũng là một điều mầu nhiệm lạ lùng. Ông Tư đi ra đường, xe cộ vùn vụt qua lại liên miên. Lề đường rộng, phẳng phiu, sạch sẽ. Bên kia là giao điểm của hai xa lộ, các nhánh cầu cao đan uốn éo chồng chất lên nhau, vòng vèo trên không, như những nùi rối. Ông Tư thầm cám ơn tiền nhân đã đổ sức lực, mồ hôi, tài nguyên khai phá và xây dựng nên những tiện nghi nầy cho ông nhảy xổm vào hưởng dụng, mà không ai có một lời ganh ghét, tị hiềm. Ông, từ một trong những nước lạc hậu nhất của hành tinh nầy, bị chính quyền của xứ ông bạc đãi, kỳ thị, kềm cặp và lấy hết các tự do cơ bản. Đến đất nước này, ông được bình đẳng, có công ăn việc làm hợp với khả năng, con cái ông được đến trường, học hành thành tài, có nghề nghiệp vững chắc và sống với mức trung lưu. Ông cảm thấy còn nợ quê hương mới nầy quá nhiều thứ, từ tinh thần đến vật chất, mà biết không bao giờ trả lại được một phần nhỏ nào. Ông Tư vừa đi bộ vừa ca hát nho nhỏ.
Một người cảnh sát cao lớn dềnh dàng đi ngược đường chào ông, ông chào lại bằng lời cám ơn đã giữ gìn an ninh cho dân chúng sinh sống. Người cảnh sát cười và nói đó là bổn phận, vì lương bổng của ông ấy được trả bằng thuế của dân chúng, trong đó có ông. Ông Tư thấy trong lòng bình an, ông không làm điều gì phạm pháp, thì không sợ ai cả. Ông đọc trong báo, thấy có những xứ, dù không làm gì sai quấy cả, cũng bị cảnh sát giao thông chận lại đòi tiền, nếu không cho tiền, thì bị quy kết đủ thứ tội mà mình không có.
Nắng chiếu hoe vàng cả dãy phố của một ngày thu, ông Tư bước đi mà lòng rộn rã. Gặp ai cũng chào, cười vui vẻ. Nghe ông chào hỏi nồng nhiệt, mọi người đều vui theo. Thấy một ông cụ mặt mày đăm đăm rầu rĩ đi ngược đường, ông Tư lớn tiếng: “Chào cụ? Có mạnh khỏe không? Hôm nay trời nắng đẹp quá!”. Ông cụ trả lời qua loa: “Tàm tạm, chưa chết! Chán cái mớ đời”. Ông Tư nói to: “Việc chi mà chán đời cho mệt cụ ơi. Chưa chết là vui lắm rồi. Cụ có biết là chúng ta đang sung sướng phước hạnh, tội chi phí phạm thời gian để buồn nản?”. Ông cụ thở dài: “Ai cũng có nhiều việc âu lo! Đời đâu có giản dị! À, nầy, mà hình như ông đau chân, bước đi không được bình thường? Thế thì vui nỗi gì?. Ông Tư cười lớn: “Vâng, tôi đau chân, nhờ đau chân mà tôi thấy được niềm vui hôm nay lớn hơn, vì còn đi được, bước được, chứ chưa phải nằm nhà. Cụ ơi, nếu lo âu mà giải quyết được những khó khăn, thì nên lo. Nhưng nếu lo âu, mà không giải quyết chi được, thì hãy vui lên, cho đỡ phí phạm ngày tháng trời cho”. Ông cụ già lắc đầu bỏ đi.
Ông Tư xà vào ngồi trên ghế đá mát lạnh của công viên dưới tàng cây có bóng nắng lung linh. Nhìn bọn trẻ con chơi đùa la hét lăn lộn trên bãi cát, ông vui lây với cái hồn nhiên của chúng. Bên kia đồi cỏ, có đôi nam nữ nằm dưới gốc cây, kê đầu lên tay nhau, tóc đổ dài óng ánh, thỉnh thoảng vang tiếng cười rúc rích. Đất nước nầy ấm no và thanh bình quá, sao có nhiều người còn kêu ca đời sống khó khăn? Phải chăng những kẻ này chưa biết an phận, muốn được nhiều hơn điều đang có, đang đủ. Không thấy được phước hạnh là lỗi tại họ. Ông dong tay bắt vài tấm lá rơi đang quay cuồng trong gió và lấy bút ghi lên mặt lá mấy giòng thơ vừa thoáng qua trong trí để ca ngợi cuộc đời. Thấy bãi cỏ êm mát, ông nằm dài, những vòng tròn sáng màu vàng rải rắc trên mgười ông. Gió hiu hiu mát từ hồ nước vờn qua làm mơn trớn thịt da. Ông Tư rút từ túi quần một cuốn sách nhỏ có nhan đề “10 ngàn điều làm nên hạnh phúc”. Tác giả tập sách nhỏ nầy, thấy đâu đâu cũng là hạnh phúc tràn đầy. Vấn đề là cảm nhận được cái sung sướng, cái hạnh phúc đang có. Từ việc đặt chân lên một tấm thảm mềm êm ái, đến việc cắn một trái ngọt chín mọng trong miệng, đến mơ mộng được hát trên bục một hộp đêm, nghe một lời nói dịu dàng yêu thương.
Hạnh phúc và sung sướng cảm nhận được từ những điều rất nhỏ nhặt, đơn sơ, tầm thường nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Không cần phải là ôm chặt người yêu trong vòng tay, cũng chẳng phải vật nhau lăn lộn trên giường, cũng không cần đến việc cầm trong tay cái vé số trúng độc đắc, hoặc làm chủ được một tòa lâu đài sang trọng. Ông nghĩ, chắc sẽ có người cho tác giả tập sách nầy là kẻ “lạc quan tếu”. Nhưng thà lạc quan tếu hơn là bi quan. Đời nầy, có nhiều người đắm mình trong hạnh phúc, mà cứ tưởng đang ngụp lặn trong bể khổ. Hoặc đang được phước hạnh mà không biết và xem thường, chỉ khi mất đi, hay đã trôi qua, mới biết, thì đã quá muộn màng.
Nắng đã xông hơi nồng nóng, ông Tư đón chuyến xe buýt ra về. Cái vé xe cho người già rẻ rề, chỉ bằng một phần ba vé bình thường. Ông nói lời cám ơn tài xế, và thấy mang ơn những người cùng đi xe công cộng nầy, vì xem như họ đã gián tiếp gánh một phần tiền vé cho ông. Về nhà, bà Tư đã dọn sẵn cơm trưa, mời ông rửa ráy cho sạch sẽ, rồi ra ăn. Thấy ly nước chanh muối, ông cầm uống, chất nước ngọt ngào mằn mặn chua chua, ngon lành đi qua cổ họng. Ông nhìn vợ với ánh mắt thương yêu và nói lời cám ơn cho bà vui. Chưa ăn, mà thấy bát canh bông bí nấu tôm đã biết ngon. Những món ăn thanh đạm này, với ông, còn ngon hơn sơn hào hải vị. Thực ra ông có biết sơn hào hải vị ra làm sao đâu. Nghe người ta nói, ông nói theo. Thế thôi.
Ăn xong, còn chút cơm thừa, bà Tư bỏ vào chén, cất vô tủ lạnh, không dám đổ đi, vì sợ phí phạm của trời. Bà nhắc câu nói của ông: “Ngay giờ khắc nầy, trên thế giới có hơn năm trăm triệu người đang đói rã, không có một miếng gì đề ăn, và có hơn vài tỉ người ăn chưa no bụng, và nhiều tỉ người khác quần quật ngày đêm, cũng chỉ mong có đủ no mà thôi”. Đã từng đói, nên ông bà không dám phí phạm thức ăn. Ông Tư mừng vì ăn còn thấy ngon miệng, không như một số người khác, ăn gì cũng như nhai đất sét, không muốn nuốt, vì nhạt miệng, mất vị giác. Một số người khác còn tệ hại hơn nữa, họ không còn ăn bằng miệng được, mà ăn bằng bụng, nhờ ống dẫn thức ăn nối với dạ dày, như đổ xăng cho xe hơi.
Ông Tư ngồi vào bàn mở máy vi tính lướt mau tin tức thế giới biến động. Đôi khi thấy giá thị trường chứng khoán tụt dốc xuống thấp, làm nhiều nhà bình luận lo ngại. Nhưng ông Tư cười, ông chẳng thèm để ý, không cần quan ngại chi cả. Chứng khoán lên hay xuống, cũng thế thôi. Ông có lo ngại hay quan tâm cũng chẳng thay đổi được gì. Với số tiền hưu khiêm tốn, và cách ăn tiêu trong khả năng tài chánh, ông bà Tư chưa bao giờ thấy thiếu thốn cái gì. Có một ông bạn khoe rằng nay đã thành triệu phú. Bà Tư đùa và hỏi: triệu phú thì khác người không là triệu phú cái gì? Ông bạn lúng túng ấp úng không biết phải trả lời ra sao. Nhưng ông bà Tư chắc chắn rằng, họ ít tiền, nhưng được sung sướng, đầy đủ hơn nhiều người giàu triệu phú khác, nhờ biết cách sống và biết suy nghĩ lạc quan của họ.
Ông Tư rà mắt qua các tin tức và các biến cố mới nhất. Thật là tuyệt diệu và thần kỳ. Chuyện vừa xảy trong giờ trước, đã được tường thuật ngay. Dạo một vòng tin tức xong, ông quay qua mở vi-thư của bạn bè. Có những người bạn xa cách hàng ngàn dặm, mấy chục năm nay chưa gặp lại nhau, mà thư từ qua lại liên miên, tưởng như gần gũi trong gang tấc. Tha hồ hàn huyên tâm sự. Tình cảm qua lại thân thiết chứa chan. Nhờ máy vi-tính, khi viết, tha hồ bôi xóa tẩy sửa lung tung, mà không cần phải xé tờ nầy, viết lại tờ kia, vô cùng tiện lợi. Thư viết xong, chỉ cần một cái nhấp con chuột, bạn ông nhận được ngay tức thì. Không cần phải nhờ bưu điện chuyển đi có khi cả tuần mới đến. Hàng chục lá thư của bạn bè khắp nơi trên thế giới chuyển đến ông đủ điều hay, lạ, nhiều bài thuốc hiệu nghiệm, trăm bản nhạc du dương, ngàn hình ảnh tuyệt vời của các thắng cảnh thiên nhiên, các đoạn phim ngắn đủ thể loại của nhiều vấn đề khác nhau. Ông cám ơn khoa học kỹ thuật tiến bộ, đem thế giới mênh mông lại gần gũi trong không gian và cả thời gian.
Mỗi khi nghe tin một người già bệnh hoạn qua đời, ông Tư mừng cho họ thoát được thời gian đau yếu sống không chất lượng. Nhiều người nằm liệt vài ba năm, không sống, không chết. Còn có những kẻ phải cưa tay cưa chân. Ông vẫn thường mong sau này, nếu được chết, thì chết mau chóng, yên lành, khỏi qua thời gian bệnh hoạn lâu ngày  Có một bạn già mỉa mai, cho ông Tư là “kẻ tự sướng”, ông chỉ cười và nói: “Thà tự sướng hơn là tự khổ”.
Ông Tư thường nghĩ rằng, ông đã và đang được quá nhiều phước hạnh của trời ban, nhiều ân nghĩa của nhân loại, xã hội, nhiều tình thương của gia đình, bạn bè, người quen và cả chưa quen. Ông thấy sung sướng hạnh phúc. Ông tội nghiệp cho những người suốt đời than van, nắng không ưa, mưa không chịu, và tự bôi đen ngày tháng đẹp đẽ của họ, và dìm đời vào bất mãn, khổ đau ./.
TẬP-SAN TỪ-BI & TRÍ-TUỆ
do VP.PHTQ.CANADA chủ-trương & phát-hành
Kính thưa quí vị và các bạn,
Hạnh phúc đây trong giây phút này. Chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ, mọi người sẽ cảm nhận "Ơn Đời Chứa Chan". Hạnh phúc là gì, ở đâu, có thể tìm thấy chăng? Khi bị đau mắt, không còn nhìn thấy rõ và sau khi được chữa khỏi, con người mới nhận ra được hạnh phúc  thị giác còn tốt. Khi bị bệnh nghẹt mũi, không còn thở được dễ dàng, phải thở bằng miệng và sau khi được chữa khỏi, con người mới nhận ra được hạnh phúc  hít thở bình thường. Khi bị bệnh liệt giường, đi đứng không được và sau khi được chữa khỏi, con người mới nhận ra được hạnh phúc là đi đứng bình thường. Đó là nói về vật chất, chuyện bên ngoài.
Về phương diện tinh thần hay tâm linh, chuyện bên trong, con người chỉ cần chuyển hóa tâm bất an thành tâm an thì hạnh phúc là đây.  Làm sao chuyển hóa? Tâm bất an là do con người thường ngày sống trong thế giới nhị biên. Thế giới nhị biên là sự suy nghĩ thị/phi, đúng/sai, phải/quấy, tốt/xấu, khen/chê, thương/ghét, thích và không thích. Chỉ cần vượt qua, chuyển hóa sự suy nghĩ như vậy, con người sẽ đạt được thế giới bất nhị.
Hạnh phúc là đây, ngay giây phút này, chính là nghiã như vậy đó. Sách có câu:
Tâm buồn cảnh được vui sao. Tâm an dù cảnh ngộ nào cũng an.
Quan trọng hơn cả, con người nên biết rằng: Hạnh phúc (hay phước báo) mình đang hưởng không do trời ban, mà chính do mình biết cách sống vị tha không ích kỷ. Cách suy nghĩ luôn luôn vì người, không vì mình, mới đem lại hạnh phúc chân thật. Phải biết làm phước (tạo phúc) mới hưởng phước. Ví như phải biết làm việc kiếm tiền, mới có tiền để tiêu xài. Hạnh phúc (hay phước báo) trên đời ví như tiền tiết kiệm, tiêu xài sẽ có ngày cạn kiệt, nếu không biết tiếp tục làm phước thêm. Ví như các vị công nương, các vị đế vương, các vị đại gia hưởng phước sung sướng, giàu sang, sắc đẹp, sức khỏe, nhưng tiêu xài phung phí, đến khi hết phước, thảm họa xảy đến không kịp cứu vãn.
Tóm lại, xin cám ơn quí vị và các bạn thường xuyên liên lạc, tạo nên chuỗi hạnh phúc vô biên vô tận trong cuộc sống này. Kính chúc quí vị và các bạn một ngày an vui như mọi ngày và mọi người.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật
Kính thư,
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
VP.PHTQ.CANADA
 cutranlacdao@yahoo.com