TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Thursday 29 August 2019

Dinh Gia Long



Nơi chôn cất hai anh em ông Ngô Đình Diệm hiện nay
(sau 1975) 
Nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 20km, nghĩa trang Lái Thiêu (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương)
Hồ sơ quý hiếm An táng hai Ông Ngô-Đình-Diệm và Ngô-Đình-Nhu
Những điều chưa biết về Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi xưa
DINH GIA LONG
Chùm ảnh khám phá hầm bí mật của Ngô Đình Diệm giữa lòng Saigon
https://phtq-canada.blogspot.com/2019/07/vien-ai-hoc-hue-1957.html 
Tổng Thống Ngô Đình Diệm & VĐH HUẾ 1957
DAKAO - TÂN ĐỊNH
Saigon 1965-1975
Hòn ngọc viễn đông của thuở nào
Ảnh màu cực hiếm về Saigon năm 1965 – 1966
Saigon 1900
Saigon 1971
Dinh Gia Long trong dòng lịch sử cận đại của Saigon

Khi nói đến những những dinh thự ở Saigon người ta thường chỉ nhắc đến Dinh Ðộc Lập, rất ít người nhớ hay biết đến Dinh Gia Long mặc dù Dinh này nằm cách Dinh Ðộc Lập chỉ có một con đường, và cũng đã từng đóng nhiều vai trò và chứng kiến rất nhiều biến cố quan trọng xảy ra trong khoảng thời gian hơn 100 năm qua của thành phố Saigon.  Bài viết này cố gắng ghi lại lịch sử của Dinh Gia Long trong bối cảnh đó.

Hình mặt tiền của Dinh Gia Long (Nguồn: Internet)

So với Dinh Ðộc Lập, Dinh Gia Long nhỏ hơn rất nhiều, chỉ chiếm một diện tích khoảng gần 2 mẫu, và giới hạn bởi 4 con đường như sau:
       Phía trước mặt: đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng)
       Phía sau lưng: đường Lê Thánh Tôn (nay vẫn là đường Lê Thánh Tôn)
       Phía bên tay phải (từ đường Gia Long nhìn vào): đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa)
       Phía bên tay trái (từ đường Gia Long nhìn vào): đường Pasteur (nay vẫn là đường Pasteur)

Kiến trúc sư Alfred Foulhoux (1840-1892)

Kiến trúc sư người Pháp đã thiết kế Dinh Gia Long là ông Alfred Foulhoux (1840-1892).  Ông sinh ngày 23-9-1840 tại làng Mauzun, thuộc tỉnh Puy-de-Dôme, ở giữa nước Pháp, với thành phố Clermont-Ferrand là tỉnh lỵ Ông theo học ngành kiến trúc trong thời gian 1862-1870 tại trường Ėcole des Beaux Arts ở Paris, và sang làm việc tại Saigon vào năm 1874, đãm nhận chức vụ Giám Ðốc Sở Công Trình Dân Sự (Directeur des Bâtiments Civils).  Ðến năm 1879, ông được Le Myre de Vilers (1833-1918, làm Thống Ðốc Nam Kỳ trong khoảng thời gian 1879-1882) cử làm Kiến-Trúc-Sư-Trưởng (Architecte-en-Chef) chịu trách nhiệm thiết kế cho các công trình dân sự cho toàn thuộc địa. Ông chính là người đã vẻ kiểu cho một số những công trình dân sự cho thành phố Saigon vẫn tồn tại cho đến ngày nay: Dinh Gia Long, Tòa án, Bưu điện, Trụ sở Hải quan. Ông mất ngày 20-1-1892 lúc 52 tuổi tại Saigon sau một cơn bệnh ngắn và được an táng trong nghĩa trang của thành phố (tại địa điểm ngày nay là Công Viên Lê Văn Tám), với ngôi mộ trong hình dưới đây: [1] 

Hình ngôi mộ của Kiến trức sư Alfred Foulhoux  (Nguồn: Internet)

Dinh Gia Long trong thời gian trước 1945

Lúc khởi đầu, Alfred Foulhoux được chỉ thị vẽ kiểu cho một Viện Bảo Tàng Thương Mại sẽ được sử dụng làm nơi triển lãm các sản phẩm của đất Nam Kỳ. Ðến nữa chừng thì mới có lệnh là tòa nhà sẽ làm nơi cư trú cho vị Phó Toàn Quyền Ðông Dương nên Alfred Foulhoux phải điều chỉnh bản vẽ lại rất nhiều. Việc xây cất bắt đầu vào năm 1885 và hoàn thành vào năm 1890. Vị Phó Toàn Quyền vào cư ngụ trong Dinh Gia Long đầu tiên là ông Henri Eloi Danel (làm Phó Toàn Quyền từ ngày 9-8- 1889 đến ngày 11-9-1892). Người dân Nam Kỳ lúc đó thường gọi tòa nhà này là Dinh Phó Soái. [2]

Sau ông Danel, các vị Phó Toàn Qyền người Pháp thay nhau tiếp tục làm chủ Dinh Gia Long.[3]  Từ năm 1892 đến năm 1911, đã có thêm tất cả 14 vị Phó Toàn Quyền khác (trong số 14 vị này có một số vị đãm nhiệm chức vụ này 2 hay 3 lần) cư ngụ trong Dinh Gia Long.  Ðó là các ông:

       Augustin Julien Fourès
       Eugène Auguste Navelle
       Alexandre Antoine Ėtienne Gustave Duclos
       Gustave Guillaume Sandret
       Ange Eugène Nicolai
       Ėdouard Picanon
       Ferdinand Georges Jules Bocquet
       Louis Paul Luce
       Henri Félix de Lamothe 
       François Pierre Rodier
       Olivier Charles Arthur de Lalande de Calan
       Louis Alphonse Bonhoure
       Ernest Outrey
       Jules Maurice Gourbeil

Từ năm 1912, chính phủ Pháp bỏ chức vụ Phó Toàn Quyền Ðông Dương và thay bằng chức vụ Thống Ðốc Nam Kỳ.  Từ 1912 cho đến ngày 9-3-1945 (khi quân Nhựt đảo chánh, lật đổ chính quyền Pháp) đã có thêm tất cả 16 vị Thống Ðốc Nam Kỳ (trong số 16 vị này cũng có một số vị đãm nhận chức vụ này 2 hay 3 lần) cư ngụ trong Dinh Gia Long. Ðó là các ông:

       Jules Maurice Gourbeil

       Leon Destenay

       Maurice Joseph Le Gallen
       Louis Félix Marie Ėdouard Rivet
       Georges René Gaston Maspéro
       Paul Achille Michel Quesnel
       Maurice Cognacq
       Auguste Eugène Ludovic Tholance
       Aristide Eugène Le Foi
       Paul Marie Alexis Joseph Blanchard de la Brosse
       Eugène Henri Roger Eutrope
       Jean-Félix Krautheimer
       Pierre André Michel Pagès
       Henri Georges Rivoal
       René Veber
       Ernest Thimothée Hoeffel  

Dinh Gia Long đổi chủ liên tục trong năm 1945
Trong thời gian Thế Chiến II (1939-1945), nước Pháp thua trận bị Ðức chiếm đóng phân nửa lãnh thổ ở phía Bắc, với thủ đô Paris nằm trong sự kiểm soát của Ðức. Phía Nam còn thuộc chính phủ Pháp với Quốc Trưởng là Thống Chế Philippe Pétain, và đặt thủ đô tại thành phố Vichy.  Nhựt Bản, cùng ở trong phe trục với Ðức, lúc bấy giờ đang có chiến tranh với Trung Hoa nên cần phải đóng quân ở Việt Nam để có thể kiểm soát đường xe lửa Hải Phòng – Vân Nam, hầu cắt đứt đường tiếp tế của Hoa Kỳ từ bên ngoài vào cho Trung Hoa. Nhựt thương thuyết với Chính phủ Pháp tại Vichy về việc này nhưng thấy Pháp cố tình kéo dài việc thương thuyết, Nhựt sử dụng vũ lực đánh chiếm các vị trí quan trọng ở biên giới Hoa-Việt như Ðồng Ðăng, Lạng Sơn, sau đó chiếm Hải Phòng, Ðồ Sơn, Phủ Lạng Thương, và sau cùng sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Chính phủ Pháp phải đồng ý cho Nhựt vào đóng quân tại Việt Nam từ cuối năm 1940.  Tuy nhiên Nhựt vẫn để cho chính quyền Pháp tiếp tục nắm quyền tại Việt Nam.  Sang đầu năm 1945, vòng vây của quân Mỹ ngày càng xiết chặt, phi cơ Mỹ hàng ngày oanh tạc các mục tiêu quân sự của Nhựt tại Việt Nam, Nhựt sợ Pháp sẽ làm nội ứng cho Mỹ nên quyết định ra tay trước.  Ðêm 9-3-1945, quân Nhựt trên khắp Ðông Dương đồng loạt tấn chiếm các cơ sở chính quyền của Pháp, bắt giam tất cả các cấp chỉ huy huy dân sự và quân sự của Pháp, trong đó, dĩ nhiên, là có cả vị chủ nhân của Dinh Gia Long lúc bấy giờ là Thống Ðốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel. Dinh Gia Long lại có chủ nhân mới là Thống Ðốc Nhựt Yoshio Minoda nhưng ông này cũng sẽ không chiếm ngụ Dinh được bao lâu.

Vua Bảo Ðại nhân cơ hội việc Nhựt lật đổ chính quyền Pháp, chớp thời cơ, tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ tất cả các hòa ước bất bình đẳng mà Pháp đã buộc triều đình Huế ký kết vào cuối thế kỷ 19 và bổ nhiệm học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ đầu tiên cho Việt Nam.[4]  Một trong những công tác quan trọng của Chính phủ là thương thuyết với Nhựt để lấy lại đất Nam Kỳ cho Việt Nam. Thủ Tướng Trần Trọng Kim đã đích thân ra Hà Nội gặp gở và trao đổi với Tướng Tsuchihachi Yuitsui, Toàn Quyền Ðông Dương của Nhựt và ông đã thành công.[5] Ngày 3-8-1945, trong một buổi họp của Chính phủ, Thủ Tướng Trần Trọng Kim đã đề cử ông Nguyễn Văn Sâm, một nhân sĩ người Miền Nam giữ chức vụ Khâm Sai Nam Bộ và không có ai phản đối cả.  Ngày hôm sau, vua Bảo Ðại ban chiếu chính thức bổ nhiệm ông Sâm làm Khâm Sai Nam Bộ.  Việc ông Sâm đi xe hơi vào Saigon để nhận chức là cả một cuộc phiêu lưu, đầy bất trắc, hiểm nguy vì bị Việt Minh gây rất nhiều khó khăn, ngay cả bắt giam ông Sâm tại Khánh Hòa.[6]  

Sau cùng, Khâm Sai Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm cũng về được đến Saigon, được Thống Ðốc Nhựt Minoda (lúc đó Nhựt đã đầu hàng Ðồng Minh rồi) tiếp đón và giao trả Dinh Gia Long.  Ông Sâm làm chủ Dinh Gia Long trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi. Tình hình chính trị tại Việt Nam thay đổi nhanh chóng. Chỉ trong vòng mấy ngày mà hàng loạt biến cố quan trọng đã xảy ra.  Tại Hà Nội, ngày 23-8-1945, Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Lâm Thời. Tại Huế, ngày 24-8-1945, vua Bảo Ðại chính thức ban chiếu thoái vị ở Huế, trao quyền cho Chính phủ lâm thời. Tại Saigon, ngày hôm sau, 25-8-1945, Việt Minh cũng cướp chính quyền và thành lập Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ (gọi tắt là Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ) do Trần Văn Giàu đứng đầu. Ông Nguyễn Văn Sâm phải giao Dinh Gia Long cho Trần Văn Giàu dùng làm trụ sở của Lâm Ủy Nam Bộ.  Nhưng rồi Lâm Ủy Nam Bộ cũng không chiếm ngụ Dinh Gia Long được bao lâu.

Theo thỏa thuận của phe Ðồng Minh, sau khi Nhựt đầu hàng, quân Trung Hoa sẽ vào Việt Nam để giải giới quân Nhựt ở phía Bắc vĩ tuyến 16, và quân Anh sẽ giải giới quân Nhựt ở phía Nam. Thi hành quyết định này, quân Anh vào Saigon ngày 13-9-1945 để giải giới quân Nhựt, họ chiếm Dinh Gia Long để làm trụ sở, Lâm Ủy Nam Bộ (lúc này đã đổi tên thành Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ) phải dọn về Dinh Ðốc Lý (sau này là Tòa Ðô Chính Saigon). Sau đó quân Pháp, dưới quyền chỉ huy của Tướng Philippe Leclerc, được sự thỏa thuận của Anh, tiến vào tái chiếm Saigon. Tướng Leclerc là chủ nhân mới của Dinh Gia Long. Từ đó Dinh Gia Long trở thành nơi cư ngụ của Ủy Viên Cộng Hòa Pháp. Kháng chiến chống Pháp bắt đầu ở Nam Bộ.

Dinh Gia Long trong thời kỳ 1946-49
Sau khi chiếm lại trọn Nam Kỳ, Pháp bắt đầu dòm ngó tới Miền Bắc. Ðể tạo bộ mặt đoàn kết quốc gia, Hồ Chí Minh cải tổ chính phủ và thành lập Chính phủ Liên hiệp với sự tham gia của một số nhân sĩ thuộc các đảng phái quốc gia vào ngày 2-3-1946.[7] Ngày 5-3-1946, sau khi thi hành xong nhiệm vụ giải giới quân Nhựt, quân Anh rút khỏi Nam Bộ. Trong khi đó, quân Trung Hoa vẫn chưa chịu rút ra khỏi Miền Bắc. Pháp phải điều đình với Trung Hoa và ký hiệp ước Pháp – Hoa ngày 28-2-1946, đồng ý trả lại Trung Hoa những tô giới mà Pháp đã chiếm trong thế kỷ 19; ngược lại Trung Hoa đồng ý để cho Pháp vào thay thế để giải giới quân Nhựt ở Bắc Bộ. Trước tình thế này, Hồ Chí Minh phải ký với Pháp Hiệp Ước Sơ Bộ 6-3-1946, đồng ý cho Pháp đem 15.000 quân vào Miền Bắc để giải giới quân Nhựt. Pháp và Việt Nam họp hội nghị ở Ðà Lạt ngày 17-4-1946 để bàn thêm về Hiệp Ước Sơ Bộ nhưng không có kết quả.  Ngày 27-5-1946 Hồ Chí Minh dẫn một phái đoàn sang Pháp dự Hội Nghị Fontainebleau để tiếp tục điều đình.

Ðể ngăn chận việc Nam Kỳ có thể trả lại cho Việt Nam, Ủy Viên Cộng Hòa Pháp Jean Sédille, được sự đồng ý và hỗ trợ của Cao Ủy Pháp Georges Thierry d’Argenlieu, cho tiến hành việc tách Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam. Ngày 7-5-1946, Chính phủ Cộng Hòa Tự Trị Nam Kỳ được thành lập với Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ Tướng. Chỉ được nửa năm, ngày 9-11-1946, Thủ Tướng Thinh tự tử. Bác sĩ Lê Văn Hoạch được cử lên thay vào ngày 15-11-1946, và một năm sau, ngày 23-5-1947, Pháp trao trả Dinh Gia Long để làm trụ sở cho chính phủ Nam Kỳ Tự Trị này.[8, 9]

Cũng trong khoảng thời gian này, đối với Cựu Hoàng Bảo Ðại, đã có nhiều biến cố bất ngờ và quan trọng đưa đến việc trở lại chính trường của Ngài. Sau khi thoái vị, Ngài đã ra Hà Nội và nhận làm Cố Vấn cho Chính phủ Lâm Thời. Ngày 16-3-1946, Chính phủ cử Ngài và một phái đoàn thiện chí đi Trùng Khánh với mục đích tạo một bang giao tốt với Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Thống Chế Tưởng Giới Thạch. Mục đích này không đạt được, và phái đoàn trở về Việt Nam ngày 15-4-1946, riêng Cựu Hoàng bị bỏ lại. Ngài ở Côn Minh một thời gian gần nữa năm và ngày 15-9-1946 Ngài sang Hong Kong.[10] Cuối năm đó, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19-12-1946. Lúc đầu Pháp thắng thế, chiếm đóng các thành phố, tỉnh lỵ của Miền Bắc. Nhưng càng về sau, lực lượng kháng chiến càng mạnh hơn và Pháp bắt đầu rơi vào thế phòng thủ và thụ động. Không thể thắng về quân sự được, Pháp cần một giải pháp về chính trị cho Viêt Nam. Pháp tìm cách tiếp xúc với Cựu Hoàng. Ngày 6-7-1947 báo chí loan tin: “Nhiều giới, cả Việt lẫn Pháp, đã nêu vấn đề: Pháp nên nghĩ tới việc điều-đình với Cựu-Hoàng Bảo-Ðại, thì hơn là điều-đình với Hồ-Chí-Minh.” [11]  Qua tháng 8-1947, ngày 12, một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại Huế ủng hộ Cựu Hoàng. Một tuần sau, ngày 18-8, “Nhiều đoàn-thể chính-trị nhóm họp và gửi điện sang Hong Kong yêu cầu C.H. Bảo-Ðại về nước, và đứng ra điều-đình với Pháp.” [12]  Ngày 1-9-1947, tại Hà Nội, một cuộc biểu tình lớn ủng hộ Cựu Hoàng cũng đã diễn ra. Ngày 5-9-1947, tại Hong Kong, Cựu Hoàng tuyên bố với báo chí Ngài sẵn sàng tiếp đại diện của dân chúng. Ngày 9-9-1947, một đoàn đại biểu gồm 24 người đại diện cho các đảng phái và đoàn thể sang Hong Kong để gặp Cựu Hoàng trình bày nguyện vọng chung là “…yêu cầu Cựu hoàng Bảo Ðại, người đại diện độc nhất, đủ tư cách của dân tộc Việt Nam ra chấp chính và mở cuộc đàm phán với nước Pháp, hầu tái lập hòa bình ở Việt Nam và thực hiện hòa bình và độc lập.” [13]  Về phía Pháp, Cao Ủy, Emile Bollaert, trong một diển văn đọc tại Hà Ðông, vào ngày 10-9-1947, cũng tuyên bố Pháp ưng thuận về nguyên tắc trao trả độc lập cho Việt Nam.[14] Sau cùng, ngày 14-9-1947, tại Saigon, cũng đã diễn ra một cuộc biểu tình lớn ủng hộ Cựu Hoàng.  Ðến đây thì mọi việc đã rõ ràng: dân chúng Việt Nam ở cả 3 miền Nam Trung Bắc đều mong muốn Cựu Hoàng trở về nước để lãnh đạo cuộc thương thuyết với Pháp hầu lấy lại độc lập cho Việt Nam. Cuối năm 1947, Cựu Hoàng gặp Bollaert tại Vịnh Hạ Long và sau đó Ngài sang Pháp tiếp tục thương thuyết với Chính phủ Pháp. Trong tiến trình thương thuyết này, Cựu Hoàng đề ra 2 mục tiêu phải đạt được: 1) độc lập, nghĩa là Pháp phải trao trả hoàn toàn chủ quyền cho Việt Nam, và, 2) thống nhứt, nghĩa là Pháp phải trả Nam Kỳ lại cho VIệt Nam.  Chính vì mục tiêu thứ nhì này mà việc thương thuyết kéo dài mãi cho đến ngày 23-4-1949 khi Hội Nghị Nam Kỳ “biểu quyết với đa số, sự tái nhập của Nam-Kỳ vào Quốc-Gia V.N.” [15] Ngày hôm sau, 24-4-1949, Cựu Hoàng mới chịu lên đường về nước, và ngày 1-7-1949, Ngài thành lập Chính phủ, đích thân đãm nhận chức vụ Thủ Tướng, chia VN làm 3 phần gọi là Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt với mỗi phần có 1 vị Thủ Hiến đứng đầu.

Dinh Gia Long trong thời kỳ 1950-1955
Ông Trần Văn Hữu được bổ nhiệm giữ chức Thủ Hiến Nam Việt. Dinh Gia Long trở thành Dinh Thủ Hiến Nam Việt.  Ngày 9-1-1950, học sinh Saigon biểu tình đòi Pháp trả tự do cho một số học sinh trường Petrus Ký đã bị Pháp bắt vào cuối năm 1949.  Học sinh kéo nhau đến Dinh Thủ Hiến, xô xát với cảnh binh và cảnh binh đã nổ súng gây tử thương cho một học sinh của Trường Petrus Ký là anh Trần Văn Ơn. Ðám tang Trần Văn Ơn, vào ngày 12-1-1950 với hàng trăm ngàn người tham gia, là một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử của thành phố Saigon.
   
Từ 1950 đến tháng 6-1954 Dinh Gia Long tiếp tục đóng vai trò Dinh Thủ Hiến Nam Việt.  Sau khi ông Ngô Ðình Diệm được bổ nhiệm làm Thủ Tướng vào cuối tháng 6-1954, Dinh Gia Long trở thành Dinh Thủ Tướng, và được Ðức Quốc Trưởng Bảo Ðại chính thức đặt tên là Dinh Gia Long, với đường La Grandière chạy ngang trước mặt Dinh cũng được đổi tên thành đường Gia Long.
  
Dinh Gia Long trong thời kỳ 1955-1961
Ngày 23-10-1955, Chính phủ Ngô Ðình Diệm tổ chức Trưng Cầu Dân Ý truất phế Quốc Trưởng Bảo Ðại, và ngày 26-10-1955 tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với ông Diệm làm Tổng Thống.
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm sử dụng Dinh Ðộc Lập làm Dinh Tổng Thống, và Dinh Gia Long được chỉ định làm Dinh Quốc Khách dùng làm nơi cư ngụ cho các vị Quốc Trưởng đến viếng thăm chính thức VNCH. Trong thời gian này, Dinh Gia Long đã có dịp được sử dụng làm nơi trú ngụ chính thức của các vị Quốc Trưởng sau đây:
       Tổng Thống Lý Thừa Vãn của Ðại Hàn: tháng 11-1958
       Tổng Thống Rajendra Prasad của Ấn Ðộ: tháng 3-1959
       Tổng Thống Carlos Garcia của Phi Luật Tân: tháng 4-1959
       Quốc Vương Bhumibol Adulyadej và Hoàng Hậu Sikirit của Thái Lan: tháng 12-1959

Dinh Gia Long trong thời kỳ 1962-1966
Ngày 27-2-1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc của Không Quân VNCH đã dội bom và phá hủy một phần Dinh Ðộc Lập. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm phải tạm thời dọn về sinh sống và làm việc tại Dinh Gia Long.
Khi cuộc đảo chánh của các tướng lãnh dưới sự chỉ huy của Trung Tướng Dương Văn Minh diễn ra vào ngày 1-11-1963, Dinh Gia Long là một mục tiêu quan trọng mà quân đảo chánh phải đánh chiếm. Các lực lượng đảo chánh đã giao tranh với các binh sĩ của Lữ Ðoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống suốt từ chiều ngày 1-11 đến sáng ngày 2-11 mới chiếm được Dinh sau khi binh sĩ của Lữ Ðoàn chịu đầu hàng. Dinh Gia Long đã bị thiệt hại rất nặng nề. (Sau vụ đảo chánh này bổng có tin đồn về sự hiện diện của một đường hầm bí mật trong Dinh Gia Long đã giúp cho hai anh em ông Diệm - Nhu thoát ra khỏi Dinh mà quân đảo chánh không hay biết gì cả. Về sau, tin đồn này được xác nhận là đúng: hầm này được xây cất gấp rút sau vụ Dinh Ðộc Lập bị ném bom, khá kiên cố để có thể chống lại đạn trọng pháo hay bom 500 kg.)[16] 

Sau khi được tái thiết, trong khoảng thời gian 1964-1965, Dinh Gia Long được sử dụng làm Dinh Quốc Trưởng, nơi cư ngụ và làm việc của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu. Dinh Gia Long đã là nơi chứng kiến sự thành lập của hai chính phủ dân sự Trần Văn Hương (từ 4-11-1964 đến 27-1-1965) và Phan Huy Quát (từ 16-2-1965 đến 18-6-1965).
Hình Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu với Chính Phủ Trần Văn Hương trước Dinh Gia Long chụp vào ngày 4-11-1964
Hình Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu với Chính Phủ Phan Huy Quát trước Dinh Gia Long chụp vào ngày 16-2-1965

Sau cuộc khủng hoảng nội các (bắt đầu vào cuối tháng 5-1966) đưa đến việc phe quân nhân lên nắm chính quyền (từ ngày 19-6-1966), Dinh Gia Long trở thành Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, nơi đặt văn phòng làm việc của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban.  Sau khi Dinh Ðộc Lập mới được khánh Thành vào ngày 30-10-1966 thì Trung Tướng Thiệu dọn vào làm việc tại Dinh Ðộc Lập. Một thời gian sau khi nền Ðệ Nhị Cộng Hòa được thành lập (theo Hiến Pháp ban hành ngày 1-4-1967), Dinh Gia Long được chỉ định làm trụ sở của Tối Cao Pháp Viện cho mãi đến ngày 30-4-1975.

Hiện nay Dinh Gia Long được sử dụng làm trụ sở của Viện Bảo Tàng Thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 13-12-1999).
Hình một phòng trưng bày trong Viện Bảo Tàng TPHCM hiện nay

Thay Lời Kết
Sau hơn một thế kỷ hiện diện như một dinh thự hàng đầu tại thành phố Saigon, chứng kiến không biết bao nhiêu biến cố quan trọng về chính trị và quân sự của Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng, cũng như trãi qua không biết bao nhiều đời chủ nhân hết người Pháp rồi đến người Việt Nam (không kể một vài trường hợp của người Nhựt và người Anh), Dinh Gia Long, sau cùng, đã được sử dụng đúng với chức năng mà người vẽ kiểu cho nó, kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux, đã nhận được chỉ thị để thực hiện: làm trụ sở cho một viện bảo tàng.


Ghi Chú:
1 . Foulhoux’s Saigon, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.historicvietnam.com/foulhouxs-saigon/
2.   Dinh Gia Long, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://honngocviendong.vn/2016/03/28/dinh-gia-long/
3.  List of administrators of the French colony of Cochinchina,  tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_administrators_of_the_French_colony_of_Cochinchina
4.  Phạm Cao Dương.  Trước khi bảo lụt tràn tới: Bảo Ðại – Trần Trọng Kim và Ðế Quốc Việt Nam (9/3/1945 – 30/8/1945).  San Bernardino, Calif.: Truyền Thống Việt, 2017.  Tr. 43.
5.  Phạm Cao Dương, sđd, tr. 228-233.
6.  Nguyễn Kỳ Nam.  Hồi ký: 1925-1964.  Tập II: 1945-1954.  [Saigon]: [Không ghi nhà xuất bản], 1964.  Tr. 34-48.  Lúc bấy giờ ông Nguyễn Kỳ Nam là Ðặc Ủy Viên của Bộ Tư Pháp (mà Bộ Trưởng là Luật sư Trịnh Ðình Thảo) cùng đi, và sau cùng, chính ông là người lái chiếc hơi hiệu Ford này đưa Ông Sâm về đến tận Dinh Gia Long ở Saigon.
7.  Ðoàn Thêm.  Hai mươi năm qua: việc từng ngày (1945-1964); tựa của Lãng Nhân.  Los Alamitos, Calif.: Xuân Thu tái bản, [1979?].  Tr. 20.
8.  Dinh Gia Long, tài liệu đã dẫn ở ghi chú số 2.
9.  Ðoàn Thêm, sđd, tr. 34.
10.  Bảo Ðại.  Con rồng Việt Nam: hồi ký chính trị (1913-1987).  [Không ghi nơi xuất bản]: Nguyễn Phước Tộc xuất bản, 1990.  Tr. 237-249.
11.  Ðoàn Thêm, sđd, tr. 36.
12.  Ðoàn Thêm, sđd, tr. 37.
13.  Bảo Ðại, sđd, tr. 284.
14.  Ðoàn Thêm, sđd, tr. 38.
15.  Ðoàn Thêm, sđd, tr. 54
16.  Dinh Gia Long, tài liệu đã dẫn.  Tài liệu này có kèm theo 1 băng video về cái hầm này.  Theo tài liệu này được minh họa bởi băng video kèm theo, thì nếu nói cho đúng đây chỉ là một cái hầm để trú ẩn chớ không phải là một đường hầm.
Lâm Vĩnh Thế 


13/12/2017
Nguồn: Tác giả gởi
 
llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll