DỌN KHO ĂN TẾT
Tỳ-Khưu
Thích-Chân-Tuệ
Thông lệ hằng năm, năm hết tết đến, nơi nơi người người, dọn dẹp nhà cửa, cho ngăn nắp hơn, sắp xếp bàn ghế, sửa soạn tủ giường, cho tiện nghi hơn, trang hoàng phòng khách, cho sáng sủa hơn, lau chùi bàn thờ, cho trang nghiêm hơn. Tất cả đều được, lo liệu chu tất, trước ngày đón rước, ông bà tổ tiên, tức là trước ngày, mùng ba mươi tết, trể lắm cũng phải, xong hết mọi việc, trước giờ giao thừa.
Bởi
vì suốt năm, làm việc quần quật, mọi người đều mong, ngày đầu một năm, hoàn
toàn nghỉ ngơi, cho thiệt thoải mái, khỏe khoắn tinh thần, phục hồi sức khỏe,
chuẩn bị làm việc, suốt trong năm mới. Có người tin rằng, nếu làm việc nhiều,
trong ngày đầu năm, sẽ "giông" cả năm, nghĩa là suốt năm, đều phải
làm lụng, vất vả cực nhọc. Dẫu biết đó là, mê tín dị đoan, nhưng không ít
người, cứ tin như vậy. Thực ra năm nào, chúng ta cũng phải, làm việc vất vả, mới
được có ăn, trừ phi thất nghiệp, trừ phi trúng mánh, thần tài chiếu cố, trúng
số chẳng hạn. Đặc biệt năm nay, mọi người chúng ta, ngoài ra những
chuyện, bắt buộc kể trên, phải nên làm thêm, một việc ngoại lệ, việc đó chính
là:
Dọn Kho Ăn Tết.
Trong suốt năm qua, hay nhiều năm tháng dài, chúng ta đem cất
vào trong kho bất cứ vật dụng gì còn tốt, còn xử dụng được, còn chưa muốn vứt
đi, lại chẳng biết đem cho ai, có biết cũng chẳng dám, không khéo sợ mích
lòng.Thậm chí nên biết, có các món đồ, cứ mua đem về, hoặc người khác cho,
nhưng chưa có dùng, cũng bỏ vào kho, đợi khi có dịp, đem cho người khác. Lâu
ngày dài tháng, cái kho ắp lẫm, đã quá bụi bặm, bẩn thỉu dơ dáy. Hôm nay chúng
ta, nhân dịp cuối năm, dọn dẹp nhà cửa, muốn đem vào kho, thêm vài món nữa,
nhưng thực không còn, một chỗ nào trống, để nhét cho vừa.
Chúng ta bèn phải, xăn quần cởi áo, ra công dọn kho, để ăn tết
nhứt. Đến khi mở cửa, bước vào trong kho, lôi ra từng món, món to món nhỏ, món
cũ món mới, quét bụi sạch trơn, lau chùi kỹ lưỡng, xem xét kỹ càng, kiểm soát
đàng hoàng, đem vô trở lại, chẳng muốn bỏ đi, một món nào hết! Như vậy nghĩa
là: cái kho vẫn đầy, đủ moi mọi thứ, thiệt là khổ quá, chẳng biết làm sao, giải
quyết thế nào, cho được ổn thỏa. Người đời thường nói: "Bỏ thì thương,
vương thì tội", chắc có lẽ là trường hợp này đây, chẳng biết đúng vậy hay
không?
Cũng vậy, ngoài cái kho của cải vật chất nói trên, đã gây bao
nhiêu cực nhọc rối rắm, chúng ta còn có một cái kho nữa, chứa đựng nhiều thứ ác
liệt hơn, kinh khủng hơn, dữ dằn hơn, khó khăn hơn, khó thấy hơn, khó bỏ hơn,
khó chịu hơn. Cái kho đó là, cái kho chứa gì, ghê rợn quá vậy? Xin thưa
trình ngay, khỏi mất thời giờ, đó chính thực là: "Kho Tàng Tâm Thức", của mỗi chúng ta. Thực vậy, tất cả chúng ta,
ai ai cũng có, một cái gọi là: kho tàng tâm thức, chứa đựng tất cả, hình ảnh âm
thanh, mùi hương mùi vị, cảm xúc ký ức, chúng ta thu lượm, từ khi còn bé, chí
cho đến lúc, trở về thăm viếng, tổ tiên ông bà.
Chúng ta sống ở trên đời, hằng ngày phải sinh hoạt, phải làm
việc, phải tiếp xúc với mọi người, trong xã hội, trong khu phố, trong cộng
đồng, trong trường học, trong sở làm, trong hãng xưởng, trong công trường,
trong nông trại. Với hai con mắt và hai lỗ tai, chúng ta thu nhận biết bao
nhiêu hình ảnh và âm thanh, rồi đưa vào chứa trong kho tàng tâm thức. Hai
con mắt và hai lỗ tai của chúng ta ví như hai bộ phận quan trọng của một cái
máy quay phim, mỗi ngày quay một cuộn băng, với đầy đủ hình ảnh và âm thanh, từ
êm ái dịu dàng, đến ồn ào náo động, từ thương yêu trìu mến, đến giận ghét hận
thù, chưa kịp dán nhãn, chưa kịp đặt tên, đã được đưa vào, cất ngay trong kho. Tạm gọi đó là: kho tàng tâm thức.
Trong kho tàng tâm thức, chúng ta chứa đựng đầy đủ hình ảnh của
người thân lẫn kẻ thù, hình ảnh của những người gọi là tốt, vì đã từng giúp đỡ
chúng ta, lẫn hình ảnh của những kẻ gọi là xấu, vì đã từng làm chúng ta mích
lòng. Lâu lâu, chúng ta đem những hình ảnh đó chiếu đi chiếu lại, để sống lại
cảnh náo động, thương thương, ghét ghét, bên trong tâm trí, y như lúc cảnh
tượng đó xảy ra trước kia. Hình ảnh những người thân thương hiện ra, chúng ta
cũng đau khổ bất an, thờ thẩn thẩn thờ, nhớ nhung thương mến, muốn được gặp
lại, nhưng biết bao giờ, mới được toại nguyện.
Hình ảnh những kẻ đáng ghét hiện ra, chúng ta cũng đau khổ bất
an, phùng mang trợn mắt, bực bội khó chịu, không muốn nhớ tới, không muốn gọi
tên, không thèm gặp mặt, nhưng phải gặp hoài, cứ gặp đều đều, thực là trớ
trêu! Như vậy, việc chúng ta cất giữ những hình ảnh đó, trong kho tàng
tâm thức, là nên hay không nên, là khôn hay không được khôn lắm? Vậy mà
giờ đây, nhân dịp cuối năm, tại sao chúng ta, không chịu ra công, dọn dẹp sạch
sẽ, kho tàng tâm thức, cho được trống trải, mát mẻ khỏe khoắn, đêm ngủ được yên,
ngày ăn được ngon?
Trong kho tàng tâm thức, chúng ta chứa đựng đủ thứ âm thanh, từ
những lời khen tặng, xưng dương, tán thán, ca ngợi, nịnh hót, tâng bốc, yêu
thương, trìu mến, ngọt ngào, tình cảm, cảm động, dễ nghe, cho đến những lời vu
oan, vu khống, thống trách, hách dịch, trịch thượng, kiêu căng, lăng nhục, thô
tục, giận hờn, chửi bới, bươi móc, bêu riếu, phỉ nhổ, phỉ báng, hủy báng, hủy
nhục, nhục mạ, mạ lỵ, phê bình, chỉ trích, khích bác, chê trách, khiển trách,
trách cứ, câu mâu, lầu bầu, rủa xả, xiên xỏ, xỏ xiên, mắc mứu, quở trách, quở
mắng, la rầy, la mắng, mắng nhiếc, mắng chửi, sỉ vả, sỉ nhục, gièm pha, nói
xấu, khinh khi, khi dể, coi thường, coi rẻ, rẻ rúng, sâu độc, sâu hiểm, hiểm
ác, ác độc, độc địa, đay nghiến, nguyền rủa, nhiếc mắng, kê tủ vào họng, tọng
cho câm mồm, đặt điều thêm bớt, có nói không không nói có, đâm bị thóc thọc bị
gạo, thọc gậy bánh xe, thực là khó nghe, nhưng cứ nhớ hoài, rất là khó quên,
cho nên khó ngủ, cú rủ suốt ngày, năm này tháng khác!
Hai cái lỗ tai của chúng ta làm việc thực đắc lực, đem chứa thực
nhiều thứ, vào trong kho tàng tâm thức. Những lời êm dịu, dễ chịu dễ nghe, lại
không nhiều lắm, nhưng vẫn làm cho, chúng ta khó ngủ, bất an trằn trọc, khoái
chí hả hê, muốn nghe lần nữa, vẫn chưa thỏa mãn. Những lời khó nghe,
không ai thèm nghe, không ai thích nghe, không ai muốn nghe, không ai chịu
nghe, quả thực là nhiều. Dĩ nhiên, những lời nói như vậy càng làm cho chúng ta
khó ngủ, bất an trăn trở, bực bội tức tối, không muốn nghe nữa, nhưng cứ nhớ
hoài, văng vẳng bên tai, ít ai nín được. Thực là đau khổ, cho cái lỗ tai, phải
nghe dài dài, những lời cay đắng!
Chúng ta ai ai, đều nhận ra rằng: Cuộc đời của mình, thực nhiều
đau khổ, là bởi nguyên do, trong kho tâm thức, chứa nhóm quá nhiều. Nếu muốn
giảm bớt, phiền não khổ đau, chắc chắn chúng ta, phải hạ quyết tâm, ra công dọn
dẹp, kho tàng tâm thức. Nhưng phải dọn dẹp, bằng cách nào đây, bắt đầu từ đâu,
khởi công lúc nào, tốn hao bao nhiêu, công lao sức lực, bao nhiêu thời gian,
mới dọn dẹp xong, kho tàng tâm thức? Trước hết nên biết, mình muốn dọn dẹp,
trống trải kho tàng, cái việc đầu tiên, phải làm đó là: ngăn ngừa chận đứng,
đừng có đem thêm, bất cứ vật gì, vào kho nữa cả. Sau đó từ từ, chúng ta loại
bỏ, những thứ trong kho.
Cũng vậy, nếu muốn cái kho tàng tâm thức của mình ngày một vơi
bớt đi, để phiền não cũng vơi bớt theo, chúng ta đừng quay thêm cuốn phim nào
nữa, trong cuộc sống hằng ngày. Nghĩa là trong các sinh hoạt hằng ngày,
khi tiếp xúc với mọi người, chúng ta luôn luôn giữ gìn chánh niệm, cố gắng duy
trì sự bình tĩnh thản nhiên, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời gian, trong
mọi không gian, không để cho các "tâm tham, tâm sân, tâm si", có cơ duyên khởi lên, trong tâm trí của mình.
Thí dụ như có, người tới rủ rê, hùn hạp làm ăn, mập mờ phi pháp,
nhứt bổn vạn lợi. Chúng ta đừng để, tâm tham khởi lên, dẫn dắt chúng ta,
nghe lời dụ dỗ. Được những mối lợi, phi pháp bất chánh, ngày không ăn ngon, đêm
chẳng ngủ yên, lúc nào cũng sợ, nơm nớp phập phồng, không biết bao giờ, chuyện
đó đổ bể, hậu quả thế nào?
Thí dụ như có, người tới rỉ tai, bày vẻ đủ cách, vu oan người
khác, chỉ dẫn thủ tục, kiện người ra tòa, nhứt bổn lệ phí, thu được bỏ túi,
hằng triệu đô la, bồi thường thiệt hại, mới vừa nghe qua, thiệt là sướng quá!
Chúng ta đừng để, tâm tham khởi lên, xúi giục chúng ta, nghe lời ác độc. Pháp
luật đặt ra, chỉ nhằm mục đích, duy trì an ninh, bảo vệ bình đẳng, trật tự xã
hội, chứ không phải để, con người lợi dụng, kiếm tiền làm giàu, bất chấp khổ
đau, của kẻ bị hại, gia đình của họ, phiền muộn không nguôi. Dù cho có thắng,
vụ kiện bạc triệu, liệu mình có thể, an nhiên tiêu xài, cho đến mãn đời, một
cách bình yên, hay không chẳng biết?
* Luật nhân quả dạy rằng: "Gieo nhân nào thì gặt quả nấy". Bởi vậy cho nên, chúng ta đã thấy:
Không biết bao nhiêu, gia đình giàu có, tan nhà nát cửa, vợ chồng ly tán, âm
mưu hại nhau, tranh chấp của cải, con cái ám hại, cha mẹ anh em, tranh đoạt gia
tài, hùn hạp làm ăn, thường bị phá sản, gặp cơn bệnh hoạn, nan y khó chữa, tai
nạn hiểm nghèo, bất đắc kỳ tử! Đó là những quả báo nhãn tiền, người đời gọi là:
của thiên trả địa, của sông đổ biển. Nhưng vì lòng tham, vô cùng vô tận,
túi tham không đáy, tối tăm mặt mũi, lương tâm mê mờ, lòng dạ tối đen, không
thể thấy được, đó là ác nghiệp, cho nên nhào vô, tạo tội tạo nghiệp, để rồi về
sau, người đó lãnh đủ, quả báo chẳng lành, khác nào thiêu thân, nhào vô lửa đỏ!
Hiểu được như vậy, chúng ta quyết tâm, không thèm nghe theo,
không làm những chuyện, ác nhân thất đức, cố gắng làm chủ, bằng được tâm mình,
dừng ngay các vụ, thưa kiện kiếm tiền, dừng ngay âm mưu, sang đoạt tài sản, tác
quyền tác giả, dừng ngay mưu mô, chiếm đoạt công ăn, sang đoạt việc làm, của
những người khác. Đó mới thực là, những điều khó làm. Không phải ai ai, cũng
làm được ngay, nên cần phải có, thời gian thử thách, công phu thực tập. Làm
được như vậy, lâu ngày dài tháng, con người chắc chắn, trở nên sáng suốt, giác
ngộ hoàn toàn, những người chung quanh, cũng sẽ cảm nhận, an vui lợi lạc. Kho
tàng tâm thức, chủng tử tham lam, vơi dần bớt dần, trí tuệ phát triển, không
còn những chuyện, mê tín dị đoan, cuộc đời an lạc, được hạnh phúc hơn, nhứt
định không nghi.
Thí dụ như là, có người đi tới, chửi bới nhục mạ, khiêu khích
chỉ trích. Chúng ta đừng để, tâm sân khởi lên, khiến cho chúng ta, tiếp nhận
ngay những, lời nói khó nghe. Tại sao vậy? Bởi vì, những lời nói như vậy
không có nghĩa lý gì cả, chỉ nhằm mục đích gây phiền não cho chúng ta mà thôi.
Chúng nói mình ngu, mình liền nổi giận, cãi cọ đôi co, đúng là ngu thiệt, chứ
còn gì nữa! Tục ngữ có câu: "No
mất ngon, giận mất khôn". Nếu chúng ta tiếp nhận ngay những lời nói khó nghe ấy vào
lòng, cơn giận lập tức khởi lên, hành động thiếu bình tĩnh, lời nói kém sáng
suốt, thường khi chỉ đem lại thiệt thòi cho mình mà thôi.
Chẳng hạn như khi bị vu khống cáo gian, nếu không dằn được sự
tức giận bực bội, chắc chắn chúng ta sẽ có những lời nói hay hành động khiến
người khác mất cảm tình, hay hiểu lầm một cách tai hại vô cùng. Chẳng hạn như
khi cấp trên trong sở làm, có những lời nói hiểu lầm hay khó nghe, nếu không
thể nhịn được, không chịu giải thích một cách ôn hòa nhẹ nhàng, chắc chắn chúng
ta sẽ gặp nhiều phiền phức trong công việc.
Trong gia đình cũng vậy, muốn có được an lạc hạnh phúc, vợ chồng
con cái phải biết hai chữ:
thương yêu và nhẫn nhịn.
Thiếu một trong hai chữ đó, gia đình sẽ luôn luôn có sóng gió, bất hòa, bất an,
lâu dần có thể làm giảm hạnh phúc, cuộc sống chung trở nên phiền não và khổ
đau. Một lời nói ra, trong sự vui vẻ, trong tình yêu thương, nói sao cũng được,
nói gì cũng được. Một lời nói ra, trong sự bực bội, trong lúc giận hờn, tâm
trạng bất an, nói sao cũng không được, nói gì cũng có thể gây hiểu lầm. Bởi vậy
cho nên, chúng ta luôn luôn, quán sát tâm mình. Mỗi khi tâm sân, vừa mới khởi
lên, chúng ta liền biết, dừng ngay không theo. Đừng để tâm sân, dẫn dắt
chúng ta, đến chỗ phiền toái, rắc rối cuộc đời. Nếu được như vậy, mọi sự mọi
việc, ở trên đời này, sẽ được bình yên, vui vẻ trọn vẹn, thành tựu tốt đẹp.
Nhiều khi cơn sân, nổi lên đùng đùng, có thể tiêu tan, tất cả cảm tình, tiêu
tan sự nghiệp, khổ công gầy dựng, từ trước đến giờ. Ví như đốm lửa, có thể
thiêu đốt, cả một khu rừng. Cho nên chúng ta, luôn luôn nhớ rằng: tâm sân
quả thực, tai hại vô cùng!
Có người không hiểu: Tại sao phải nhịn?
Nhịn để làm gì? Nhịn ở đàng chân,
chúng lân đàng đầu. Trên thế gian này, nhịn nhục khó sống, khó ngóc đầu lên,
chẳng nên tích sự, lợi ích gì cả. Thực ra tất cả, suy nghĩ vừa kể, đều do
tâm sân, do tâm chấp ngã, tất cả mọi người, từ đó phát ra. Con người thế gian,
thường hay nghĩ rằng: "đời mình còn
dài", thấy người khác chết,
chứ mình sống dai, còn lâu mới chết! Con người ở đời, cần danh và lợi, cho nên
thực hiện, bất cứ thủ đoạn, miễn được làm giàu, bất kể chà đạp, thanh danh
người khác, để giành địa vị, để kiếm tí danh, luôn luôn muốn hơn, tất cả mọi
người, về mọi phương diện. Có người dạy con: ra đường phải nhớ, luôn luôn
hơn người, chớ bị hiếp đáp, chớ để thiệt thòi, nếu bị thua nhục, thì đừng về
nhà! Nhịn thì nhục, cự thì đục! Cho nên có ngày, đứa con chạy về, ôm đầu đầy
máu, hoặc đến nhà thương, nhận xác con mình!
Tâm sân thường thường, thúc đẩy con người, đấu tranh cãi cọ, lời
qua tiếng lại, từ những chuyện như: quốc gia đại sự, chính trị tôn giáo, đến
những thứ chuyện, lặt vặt nhỏ mọn, sinh hoạt thường ngày. Thực ra nên
biết: những khi người khác, nói lên một tiếng, mình trả một miếng, thì dễ dàng
quá. Nếu không nhịn được, người vào nhà xác, mình vào nhà thương, hay vô nhà
tù, hoặc là ngược lại. Còn nếu nhịn được, không thèm tranh cãi, không có bực
dọc, không nổi cơn sân, làm chủ tâm mình, làm chủ ý mình, miệng mỉm nụ cười,
thực là tươi tắn, may mắn mọi chuyện, chấm dứt nơi đây. Đó mới thực là, những
điều khó làm. Không phải ai ai, cũng làm được ngay, nên cần phải có, thời
gian thử thách, công phu thực tập. Làm được như vậy, lâu ngày dài tháng, con
người chắc chắn, trở nên sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn, những người chung
quanh, cũng sẽ cảm nhận, an vui lợi lạc. Kho tàng tâm thức, chủng tử sân hận,
vơi dần bớt dần, trí tuệ phát triển, không còn những chuyện, mê tín dị đoan,
cuộc đời an lạc, được hạnh phúc hơn, nhứt định không nghi.
Thí dụ có người, tới cho mình biết: người khác nói xấu, nói mình
ngu si, hạ nhục bêu riếu, đàm tiếu khinh khi, khi dể chửi rủa, đồ đạo đức giả,
thứ dân sợ vợ, khố rách áo ôm, như gả ăn mày, như trâu cày ruộng. Chúng ta đừng
để, tâm si khởi lên, liền khiến chúng ta, tin lời đồn đại. Tại sao như
vậy? Bởi vì nên biết, những lời đồn đại, thường là bịa đặt, đặt điều thêm bớt,
vẽ rắn thêm chân, thổi phồng con cóc, thành con khủng long, chuyện xe cán chó,
trà dư tửu hậu, đòn xóc hai đầu, đầu đâm bị thóc, đầu thọc bị gạo, phá hoại gia
cang, chia rẽ cộng đồng. Tin những điều đó, chứng tỏ con người, có tâm chấp
ngã, thực là quá lớn, dễ bị khiêu khích, tự ái quá cao, cho nên té nhào, đau
thương tơi tả, đúng là ngu si, chứ còn gì nữa!
Thí dụ có người, tới cho mình biết: mình có căn tu, có nhiều
phước báu, mau mau theo đạo, do họ dựng lên, cúng hết bạc tiền, nhà cửa xe cộ,
tiệm buôn phố xá, vợ con bất kể, cha mẹ xá gì, cầu khẩn van xin, kiếp sau được
về, cõi mình mong muốn. Người nào nhẹ dạ, dễ tin nghe theo, những lời như
vậy, chữ ngu chữ ngốc, còn là quá nhẹ! Còn nếu hiểu được, không thèm tin theo,
không chút si mê, làm chủ tâm mình. Đó mới thực là, những điều khó làm.
Không phải ai ai, cũng làm được ngay, nên cần phải có, thời gian thử
thách, công phu thực tập. Làm được như vậy, lâu ngày dài tháng, con người chắc
chắn, trở nên sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn, những người chung quanh, cũng sẽ
cảm nhận, an vui lợi ích. Kho tàng tâm thức, chủng tử si mê, vơi dần bớt dần,
trí tuệ phát triển, không còn những chuyện, mê tín dị đoan, cuộc đời an lạc,
được hạnh phúc hơn, nhứt định không nghi.
* *
Có người thắc mắc: Nếu như bỏ hết, tâm tham tâm sân, luôn cả tâm
si, đâu còn mình nữa, mình bị biến mất, mất thiệt rồi sao? Xin thưa đúng vậy,
nhưng mà thực ra, cũng không phải vậy. Thường thường hầu hết, tất cả mọi người,
trên thế gian này, đều chấp cái tâm, suy nghĩ là mình, mình là con người, có
tâm suy nghĩ. Bởi vậy cho nên, khi tâm suy nghĩ, lăng xăng lộn xộn, lắng
xuống không còn, tưởng mình biến mất! Thực ra không phải! Điều đúng chính
là: chỉ có cái tâm, nghĩ suy suy nghĩ, lăng xăng lộn xộn, biến mất mà thôi.
Chúng ta vẫn còn, hiện hữu rõ ràng, với tâm thanh tịnh, không có tham lam, sân
hận si mê. Bằng cớ chính là: chúng ta biết rõ, nhận rõ thấy rõ, khi mình bình
tĩnh, thản nhiên tự tại, cái tâm suy nghĩ, lăng xăng lộn xộn, tan biến mất
dạng. Ai thấy điều đó, ai biết điều đó? Chính mình chớ ai! Thực không có
sai! Lúc đó chính là: con người chân thật, hiện tiền trước mắt, đúng theo chân
lý! Chúng ta sống được, con người chân thật, đời sống an vui, phiền não
rút lui, cuộc đời hạnh phúc.
Như ngoài biển khơi, sóng to sóng nhỏ, đều lặng hết rồi, mặt
biển thanh bình, tức thời hiện ra, một cách rõ ràng, rộng rãi bao la, vô bờ vô
bến. Trong lúc sóng to, và có gió lớn, bầu trời đen kịt, mình chỉ thấy được,
vùng biển nhỏ hẹp, sóng động mà thôi, tầm mắt giới hạn, không thể nhìn
xa. Cũng y như vậy, khi tâm của mình, sôi nổi náo động, lòng tham nổi lên,
tối tăm mặt mũi, lòng sân nổi lên, mất hết trí khôn, lòng si nổi lên, quên hết
mọi việc, mình chỉ thấy được, con người nhỏ hẹp, suy nghĩ ích kỷ, chỉ biết có
mình, và gia đình mình, chỉ vậy mà thôi.Tất cả mọi người, phiền não ra sao, đau
khổ thế nào, cũng mặc kệ họ, chẳng cần biết tới! Bởi thế cho nên, hành
động lời nói, và trong tư tưởng, chỉ có ích lợi, cho bản thân mình, gây nên bao
nhiêu, khổ đau cho người, và gia đình họ. Nếu những người khác, cũng nghĩ như
vậy, thì mình lãnh đủ, mình là nạn nhân, của tâm xấu ác, của người khác vậy. Do
đó cuộc đời, vay trả trả vay, liên miên như vậy, hỏi sao đau khổ, hỏi sao phiền
não?
Nếu muốn người khác, không làm hại mình, thì điều trước hết,
mình không hại người. Mọi sự bắt đầu, ngay trong tâm mình! Đừng để đến
khi, quả báo chẳng lành, xảy tới liên miên, chịu nhiều khổ nạn, thậm chí mạng
vong, hả họng rên la, than trời trách đất, cầu trời cầu Phật, cứu con cứu con,
cứu sao kịp nữa!
Sách xưa có câu:
Tâm mình bạc ác tinh ma.
Chớ nên oán trách trời xa đất gần.
Khi nào tất cả, lăng xăng lộn xộn, thí dụ như là: tâm tham tâm
sân, và tâm si mê, lắng xuống hết rồi, con người chân thật, của mình hiện tiền,
tâm thể thênh thang, cõi lòng cởi mở, rộng rãi bao la, tâm trí an vui, đời sống
lợi lạc, cảm giác hòa đồng, vũ trụ vạn vật. Cũng ví như là, cặn cáu lắng đi,
cái ly nước trong, hiện hữu rõ ràng. Con người chân thật, đầy đủ bốn tâm, từ bi
hỷ xả, vì người quên mình, bác ái vị tha. Nếu như tất cả, mọi người đều sống,
như người chân thật, thế gian này là, thiên đàng cực lạc, nhà nhà an vui, người
người hạnh phúc, nơi nơi thái bình, âu ca thạnh trị, phiền não không còn, khổ
đau biến mất! Lúc đó mọi người, không ai còn sợ, chuyện nhảm tận thế, vào năm
2000, hoặc năm nào khác. Tại sao như vậy? Bởi vì khi đó, tâm tánh mọi
người, sáng suốt hiền hòa, công minh chính trực, dù ở nơi nào, cũng được bình
thản, an vui lợi lạc, không còn phiền não, cho nên không còn, sợ sệt gì nữa.
Tóm lại,
chúng ta đã ráng, ra công ngăn chận, không đem vào trong, kho
tàng tâm thức, thêm những chủng tử, phiền não khổ đau, trong đó có ba, món to
lớn nhứt, đó chính thực là: cái tâm tham lam, cái tâm sân hận, và tâm si
mê. Lâu ngày dài tháng, những món chứa trong, kho tàng tâm thức, từ từ
vơi bớt. Những cuốn phim cũ, được thu cất giữ, từ bao năm xưa, nếu như
chúng ta, không đem ra chiếu, chiếu đi chiếu lại, lâu dần phai mờ, rơi vào quên
lãng. Kho tàng tâm thức trống rỗng, tức là tâm của mình sẽ được khinh an,
nhẹ nhàng, cuộc sống an vui hạnh phúc. Lúc đó, dù mình không muốn làm
thánh nhân, thánh nhân cũng không còn khác lạ, xa cách nữa.
Mỗi khi năm hết, cái tết lại đến, năm cũ bước qua, năm mới sắp
đến, thiên hạ vui mừng, hân hoan hớn hở, mọi người nô nức, chào đón xuân sang.
Người trẻ thường thấy, tương lai mở rộng, trước mắt màu hồng, đáng yêu đáng
sống. Còn như các người, lớn tuổi thì sao? Mỗi một năm qua, hết trẻ đến già,
người ta bước tới, một ngày quan trọng: giã từ gác trọ! Gác trọ của tất cả mọi
người chính là: ta bà thế giới. Người phải giã từ gác trọ không đợi độ tuổi
nào. Bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, bất cứ tuổi nào, bất cứ người nào,
cũng đều có thể ra đi. Nhưng mà đi đâu? Mừng mùa xuân đến, người hiểu
biết đạo, gấp rút tu tâm, đồng thời dưỡng tánh, cho được giác ngộ, đến ngày ra
đi, khỏi phải quờ quạng, mang mang mờ mịt, chẳng biết đi đâu? Người chưa thấy
đạo, nhân dịp năm mới, hãy tạo thuận duyên, chuẩn bị kỹ càng, hứa hẹn rõ ràng:
trong năm sắp tới, mọi việc tốt hơn, tiến hơn năm cũ, nỗ lực tu tập, cho sáng
được đạo, đó là nguồn vui, hy vọng năm mới, sẽ hơn năm nay, công phu viên mãn.
Đất nước này, xứ sở này, địa phương này đã mở rộng vòng tay từ
ái bao dung, thương yêu đùm bọc, chấp nhận chúng ta sống chung hòa bình, xây
dựng cuộc đời mới, trên miền đất tự do nhân đạo này. Như vậy cộng đồng,
chúng ta với nhau, tại sao không thể, giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa với nhau, đối
xử với nhau, một cách nhân đạo, với tình đồng bào, để tạo cuộc sống, vạn sự như
ý, an vui lợi lạc, vừa hợp tình nghĩa, vừa hợp đạo lý. Trước thềm năm mới,
chúng ta có quyền, hy vọng từ đây, cuộc đời của mình, và của mọi người, tất cả
đều được: an lạc hạnh phúc, giác ngộ giải thoát.
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Chủ-Nhiệm VP. PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
Hình ảnh cái tết cổ truyền vào năm
1920, cách đây đúng 100 năm được một nhiếp ảnh gia người nước ngoài ghi lại.
Các hình ảnh trải qua 100 năm đã được Đại Nam Phục Ảnh phục chế lại màu.
Ảnh tư liệu Tết nguyên đán 100 năm
trước:
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi lại
thích nghĩ về quá khứ, về những gì đã qua. Tết là một cái cớ để sống chậm lại
và suy ngẫm về những giá trị cũ. Thời gian lúc này như chậm lại để cho những
dòng ký ức cứ bám quanh người đặc quánh, nghi ngút.
Di sản của ông cha ta để lại không
chỉ là những thứ xa xôi, cao siêu như giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc cần
được đánh thức và bảo tồn mà còn là những khoảnh khắc, thói quen, con người đã
gắn bó sâu đậm đến mức trở thành một phần của tiềm thức, không bao giờ thay
đổi.
Ban biên tập mời các bạn cùng nhìn
lại con người Việt Nam trong không khí tết của 100 năm trước qua những bức ảnh
tư liệu quý hiếm…