TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Sunday 4 July 2021

KHÔNG THẤY - KHÔNG NGHE - KHÔNG NÓI

🧡  NHẶT LÁ RỤNG TRONG TÂM

 Nhà sư trẻ và 4 người phụ nữ

(cuối trang) 

https://phtq-canada.blogspot.com/2021/07/khong-thay-khong-nghe-khong-noi.html

 

Hình tượng ba con khỉ 'không thấy, không nghe, không nói' và các phiên bản thế giới 

Trong tiếng Nhật, ba con khỉ này được gọi là Tam Viên (Ba con khỉ khôn ngoan): Mizaru, che mắt: không nhìn thấy điều ác; Kikazaru, bịt tai: không nghe điều ác; và Iwazaru bịt miệng: không nói điều ác.
Trong tiếng Nhật, ba con khỉ này được gọi là Tam Viên
Ảnh: T.L
Bên ngoài Nhật Bản, tên của ba con khỉ này đôi khi được gọi là Mizaru, Mikazaru và Mazaru (hai tên sau không còn giống trong bản gốc tiếng Nhật).
Hình tượng ba con khỉ này có nguồn gốc từ một bức chạm khắc (thế kỷ 17) trên cánh cửa của ngôi đền Tōshō-gū ở thành phố Nikkō, thuộc tỉnh Tochigi (Nhật Bản). Bức này do nghệ sĩ Nhật Hidari Jingorō chế tác, được tin là hợp với Bộ quy tắc ứng xử của Khổng Tử, sử dụng khỉ như một cách mô tả vòng đời của con người.
Có 8 bức chạm khắc, bức thứ 2 chứa hình ba con khỉ. Triết lý từ ba con khỉ này có thể bắt nguồn từ truyền thuyết Phật giáo Thiên Đài Tông (Tendai-shū) - một nhánh Phật giáo Đại Thừa ở Trung Hoa trong thế kỷ thứ 8 (thời kỳ Nara).
Hình tượng ba con khỉ 'không thấy, không nghe, không nói'  và các phiên bản thế giới  - ảnh 1

Khái niệm 3 con khỉ bắt nguồn từ việc chơi chữ đơn giản qua câu tục ngữ Nhật: mizaru, kikazaru, iwazaru, có nghĩa là ‘ không thấy, không nghe, không nói’

Ảnh: T.L

Ở Trung Hoa, trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử có câu: ‘phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động’, nghĩa là ‘Không nhìn điều sai, không nghe điều xằng bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy’. Có thể câu này đã truyền cảm hứng cho câu châm ngôn hình tượng đã được đưa vào Nhật Bản, thông qua tín ngưỡng dân gian Kōshin, một tín ngưỡng có nguồn gốc Đạo giáo, chịu ảnh hưởng Thần đạo, Phật giáo và những tôn giáo địa phương khác.
Khái niệm 3 con khỉ bắt nguồn từ việc chơi chữ đơn giản qua câu tục ngữ Nhật: mizaru, kikazaru, iwazaru, có nghĩa là ‘ không thấy, không nghe, không nói’, trong đó zaru là động từ phủ định (không) , do có cách phát âm gần giống với từ saru (con khỉ) nên được ghép chung để tạo thành những cái tên khỉ kể trên. Cách ghép này được gọi là rendaku, nghĩa là ‘giọng nối tiếp’, một hiện tượng trong hình thái học tiếng Nhật.
Ba con khỉ khôn ngoan và câu tục ngữ liên quan không những được biết ở châu Á mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Chúng còn là mô típ trong tranh, thí dụ như tranh Ukiyo-e (Phù thế hội) của Keisai Eisen, một loại bản in khắc gỗ, phổ biến từ thế kỷ 17 đến 19, thường đại diện cho văn hóa hiện đại của Nhật Bản.
Theo nhà huyền môn Osho, còn được gọi là Acharya Rajneesh, một bậc thầy tâm linh Ấn Độ (1931 – 1990), biểu tượng khỉ bắt nguồn từ Ấn Độ giáo cổ xưa, các nhà sư Phật giáo đã truyền bá biểu tượng này khắp châu Á. Phiên bản gốc của Ấn Độ giáo và Phật giáo gồm có bốn con khỉ.
Con khỉ thứ 4, được gọi là Shizaru, thường được miêu tả bằng cử chỉ khoanh tay hoặc che bộ phận sinh dục, hay bịt mũi để tránh mùi hôi thối, có nghĩa là ‘không có mùi tà khí’. Nó tạo thành một bộ ‘tứ không’, tượng trưng cho nguyên tắc ‘không làm điều ác’, phù hợp với phần trích đầy đủ của câu trong Luận Ngữ kể trên.
Một đại diện cổ xưa khác của ‘tứ không’ có thể được tìm thấy trong 4 bức tượng bằng vàng ở Bảo tàng vàng Đông Nam Á Zelnik Istvan, một bảo tàng tư nhân tọa lạc trên đường Andrássy, thuộc quận Terézváros của thủ đô Budapest, Hungary. Những bức tượng này xuất hiện khoảng từ thế kỷ 6 đến thứ 8, trông giống như người bộ lạc, không có đường nét cơ thể chính xác và những biểu tượng dương vật mạnh mẽ.
Hình tượng ba con khỉ 'không thấy, không nghe, không nói'  và các phiên bản thế giới  - ảnh 2

Ba con khỉ khôn ngoan và câu tục ngữ liên quan không những được biết ở châu Á mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Ảnh: jinjakentei.jp

Ngược lại, ta có thể thấy một phiên bản đối lập với ba con khỉ ‘tam không’, trong đó, một con đưa tay che phía trên mắt để tập trung tầm nhìn, con thứ hai khum bàn tay che phía ngoài vành tai để lắng nghe rõ hơn, và con thứ ba đưa bàn tay lên miệng như một cái loa đang phát âm thanh. Do có sự bất đồng về nguồn gốc của cụm từ ‘ba không” kể trên, nên có những cách giải thích khác nhau về câu này. Đối với Phật giáo, câu này cho thấy nguyên lý sâu xa của việc không sống với những ý nghĩ xấu xa. Với cách nhìn hiện nay thì câu này và biểu tượng ba con khỉ còn được dùng để chỉ sự thiếu trách nhiệm của một số người giả vờ không biết cái xấu đang diễn ra. Ngoài ra, câu này còn có thể biểu thị cho luật im lặng trong các băng đảng hoặc tội phạm có tổ chức.[]
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll 

 🧡  NHẶT LÁ RỤNG TRONG TÂM

Quét chùa, một hình ảnh và việc làm quen thuộc của các tiểu tăng, vì “con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Nhất là đối với những ngôi chùa thâm u. 

Sư Đỉnh Châu và một vị sư ngồi đọc kinh ở sân chùa, đột nhiên một trận gió thổi đến, lá trên cây rụng xuống khá nhiều. Đỉnh Châu liền khom lưng nhặt từng chiếc lá bỏ vào trong đãy. 

Vị sư bên cạnh thấy vậy bèn nói:

- Không cần nhặt đâu, dù sao sáng ngày mai chúng ta cũng phải quét mà! 

Đỉnh Châu không cho là như vậy nên nói:

- Không thể nói như vậy, tôi nhặt thêm một lá, sân sẽ sạch thêm một chút.

Vị sư lại nói:

- Lá rụng nhiều như thế, nhặt phía trước nó lại rụng phía sau, làm sao mà nhặt hết được?

Sư Đỉnh Châu vừa nhặt vừa nói:

- Không sạch lá rụng ở trên mặt đất nhưng với lá rụng trong đất tâm thì cũng có lúc tôi nhặt sạch.

Vị sư nghe rồi, hiểu ra việc nhặt lá rụng của Đỉnh Châu cốt là nhặt những phiền não vọng tưởng trong tâm.

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:

Quét chùa, một hình ảnh và việc làm quen thuộc của các tiểu tăng, vì “con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Nhất là đối với những ngôi chùa thâm u, nhiều cổ thụ thì lá rụng vô số và quét lá vàng rơi là việc gần như liền tay của các chú tiểu và những vị Phật tử công quả, gieo phúc với chùa.

Trước đây, mỗi lần đến chùa ngồi nhẩn nha niệm Phật thì các sư thường trao cho tôi một cây chổi tre, bảo quét chùa cho có phước. Lạ, quét chùa thì cũng như quét nhà thôi, có khác gì đâu, vậy thì tại sao quét chùa lại có phước? Cũng có thể làm việc cho chùa nên có phước, ngày ấy tôi cũng chỉ biết vậy thôi. 

Rồi duyên lành đến, một vị sư đã dạy tôi cách quét chùa. Sân chùa lá rụng hoài, dĩ nhiên phải quét mãi không thôi. Sân chùa phải sạch mới trang nghiêm chốn thiền môn, cũng như tâm của mình cần tĩnh lặng thì Phật trong tâm mới hiển bày. Do đó, quét lá vàng rơi trên đất cũng đồng thời quét luôn những phiền não rơi rụng trong tâm. Vì quét sạch bụi trần phiền não trong tâm nên mới tạo ra phước đức, sống hạnh phúc an lành.

Và từ đó đến nay cũng đã nhiều năm, tôi vẫn hành trì pháp môn “quét chùa” trong im lặng, bền bỉ và liên tục. Tôi nhận ra rằng phiền não trong tâm nhiều hơn lá rụng sân chùa gấp nhiều lần. Dù nhiều não phiền nhưng do kiên trì quét dọn, không bao giờ ngừng nghỉ, không đợi đến ngày mai nên rắc rối thưa dần và bình an ngày càng thêm lớn.

Mới hay, người biết tu và thực tu thì dù làm bất cứ việc gì cũng là phương tiện để dọn dẹp và trau dồi thân tâm nghiêm tịnh. Từ quét lá, làm vườn, trồng cây cho đến dịch kinh, viết sách, tụng niệm cũng chỉ để “an tâm”. Nếu không hướng đến mục tiêu làm trong sạch thân tâm thì mọi việc dù mệnh danh Phật sự cũng phù du và cạn cợt.

Như sư Đỉnh Châu chỉ làm một công việc bình thường là nhặt lá vàng rơi ở sân chùa nhưng kết quả thì diệu dụng vô cùng. Vì đó là một quá trình hướng đến thanh lọc nội tâm thanh tịnh, không còn phiền não và chấp thủ. Người biết tu tập là một người làm vườn, là thiên thần quét lá lúc nào cũng dọn dẹp vườn tâm trở nên đẹp đẽ và trang nghiêm. Người biết tu tập là người biết dẹp bỏ các tạp niệm, không theo các vọng tâm lăng xăng lộn xộn duyên theo cảnh trần. Khi đó, chân tâm thật tánh hiển lộ. Ví như mây đen phiền não tan biến, khi đó mặt trời trí tuệ hiển lộ. []


 
 
Nhà sư trẻ và 4 người phụ nữ 

Một hôm, có một nhà sư trẻ đi khất thực. Trên đường có đi qua một con sông, vì khát nước, nên nhà sư đã đi xuống bờ sông uống vài ngụm. Sau đó, thấy có gió mát, người lại sẵn mệt mỏi, nhà sư bèn kiếm một nơi cao ráo rồi nằm xuống, tựa đầu lên một tảng đá nhỏ để nghỉ ngơi trong chốc lát.

Nhà sư vừa nằm nghỉ được một lúc thì có một nhóm phụ nữ 4 người xuống sông lấy nước.

Người đầu tiên nhìn thấy nhà sư đã vội vàng bình phẩm: "Thậm chí sau khi từ bỏ mọi ham muốn trần tục và trở thành nhà sư, anh ta vẫn không thể bỏ được thói quen dùng gối. Cho dù nó là một hòn đá thì dù sao đi chăng nữa, anh ta vẫn dùng nó giống như một chiếc gối".

Nhà sư trẻ nghe thấy người phụ nữ đầu tiên nói như vậy thì giật nảy mình, vội ngồi bật dậy và vứt ngay hòn đá đang kê làm gối ở phía dưới.

Tưởng đã hết thứ để phàn nàn, nhà sư nào ngờ ngay sau đó, người phụ nữ thứ hai đã cất lời: "Ôi chao, nhìn cái cách anh ta tức giận mà ném hòn đá đi kìa. Sao người tu hành lại có thể mất bình tĩnh như vậy chứ?".

Chẳng biết phải cư xử thế nào cho phải phép, nhà sư trẻ cảm thấy vô cùng bối rối và tự nhủ: "Mình nên làm gì bây giờ?".

Đúng lúc đó, người phụ nữ thứ ba lên tiếng: "Đây là chỗ bờ sông. Phụ nữ chúng tôi hay ra đây để lấy nước lắm và mỗi lần đi lấy nước, chúng tôi sẽ nói chuyện này, chuyện kia. Nếu anh cứ bị ảnh hưởng bởi lời nói của chúng tôi, làm sao anh chú tâm để niệm Phật được?".

Trong lúc nhà sư trẻ chưa biết nên đáp lại ra sao cho phải phép, thì may mắn, người phụ nữ thứ tư đã lên tiếng giải vây cho nhà sư: "Tha thứ cho tôi vì đã nhiều chuyện, thưa nhà sư. Nhưng tôi trộm nghĩ thế này, ngài đã bỏ lại đằng sau tất cả để trở thành một người tu hành, trừ 1 thứ, đó chính là BẢN NGÃ CỦA NGÀI.

Chừng nào cái BẢN NGÃ ấy vẫn còn, thì ngài sẽ vẫn quan tâm và bị tác động bởi những lời khen chê, nhận xét, bình phẩm của người khác về mình. Chỉ đến khi ngài hoàn toàn vứt bỏ được cái bản ngã ấy, ngài mới có thể chuyên tâm niệm Phật, tìm ra con đường của chính mình và cứu giúp người khác thoát khỏi bể khổ được". Đó là cảnh giới VÔ NGÃ.

Nghe tới đây, nhà sư trẻ như chợt bừng tỉnh, ngộ ra được nhiều điều. Sau đó, ngài ung dung ngồi thiền định và không quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh nữa.

Đức Phật dạy: "Hãy sống tốt, đừng quan tâm người khác nghĩ gì về mình".

Tình huống mà vị thiền sư trẻ tuổi trên đây gặp phải rất phổ biến, hàng ngày chúng ta cũng gặp phải vô số những chuyện khiến ta bận lòng và tìm cách đối phó như vậy. Tuy nhiên, không phải lời nhận xét hay góp ý nào cũng đúng, cũng chân thành và xuất phát từ hảo ý của người nói.

Đôi khi, nó chỉ là những câu đùa vui, nói cho có mà thôi, chứ hoàn toàn không có mục đích thật sự để khuyên nhủ ta tốt hơn, thậm chí chỉ là "câu chuyện làm quà", chính vì thế, nếu luôn để tâm và dằn vặt bản thân, không có chính kiến và mù quáng làm theo, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được sự bình an trong tâm hồn, lúc nào cũng sống trong sự hoang mang, rối loạn.

Đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm cũng đã từng nói rằng: "Hãy sống tốt, đừng quan tâm người khác nghĩ gì về mình.

Cũng đừng phản ứng trước những lời xúc xiểm ta. Khi người khác xúc xiểm ta, họ chỉ đang cho thấy bản chất con người của họ, chứ không phải bản chất của ta. Đừng nghĩ những lời nói đó nhắm vào cá nhân ta. Hãy im lặng.

Đừng phán xét bất cứ điều gì, các con sẽ hạnh phúc. Quên đi mọi chuyện ưu phiền, các con sẽ càng hạnh phúc hơn. Hãy yêu thương tất thảy mọi thứ trên đời, các con sẽ là những người hạnh phúc nhất".  

Theo Thanh Hương

Kính mời tham khảo:

http://phtq-canada.blogspot.com/2021/06/chan-tam-va-vong-tam.html

Chân Tâm và Vọng Tâm

 

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll