https://phtq-canada.blogspot.com/2021/07/tien-te-viet-nam-cong-hoa.html
TIỀN TỆ VIỆT NAM CỘNG HÒA
ĐỒNG TIỀN TUỔI NHỎ
Ai cũng bắt đầu đến với tiền bằng vài đồng
xu, cắc bạc nhỏ nhoi được cha mẹ cho hồi con nít, dịp Tết đến trong
phong bao lì xì. Có chút tiền là có đồ ăn vặt, có thể mua vài món đồ
chơi, từ đó bắt đầu hiểu được giá trị đồng tiền.
Thời tôi còn nhỏ, nhớ nhất là được xài 5
đồng kim loại có khía gần như hình hoa mai và đồng bạc 10 đồng tròn. Hai
đồng này có một mặt hiển thị mệnh giá và mặt kia là hình bông lúa. Còn
đồng 20 đồng lớn hơn, trông giống hình tròn
nhưng chính xác là hình đa giác tới 12 cạnh. Đồng này có một mặt số và
một mặt đúc nổi hình người nông dân đội nón lá trên cánh đồng. Ngoài ra,
còn có đồng tiền 10 xu, 20 xu có từ năm 1953, mỗi đồng tiền có một mặt
hình ba cô gái Bắc Trung Nam nhìn về một
phía và mặt kia hình bông lúa chín bên cạnh số tiền. Cùng hai loại này
có đồng 50 xu, một mặt có hình ba cô gái Bắc Trung Nam nhìn ba hướng
khác nhau và mặt kia là hình hai con rồng chầu quanh số 50 xu. Đồng này
tương đương 5 cắc nên chúng tôi gọi là đồng
“năm cắc ba cô”. Tiền kim loại ngày đó có các hình dạng và kích thước
khác nhau để dân chúng dễ nhận diện, không bị nhầm lẫn khi dùng. Đó
cũng là cách giúp người mù chỉ cần dùng tay sờ là nhận ra giá trị của
mỗi loại tiền khi mua bán hoặc khi nhận tiền thối
lại từ người bán. Thời trước năm 1975, đồng 10 đồng có thể mua được một
ổ bánh mì thịt rất ngon để ăn sáng, chứng tỏ đồng tiền rất có giá trị.
Khi nào buồn không biết làm gì, con nít
dùng giấy bạc trong vỏ bao thuốc lá hay ở miếng chewing gum bóc ra khỏi
lớp giấy trắng rồi bọc đồng tiền lại. Xong chà xát vào vải quần cho giấy
bạc ôm sát đồng tiền, nổi rõ những hình đúc
sẵn trên đó, nhìn rất đẹp như được mạ lớp bạc sáng choang. Chơi chán
thì bóc ra đi mua miếng bánh tráng chiên có me ngào bên trên, hay gói
đậu phộng rang.
Con nít hồi đó còn dùng tiền cắc như một
thứ đồ chơi, có thể chơi bật tường, hay chơi đánh đáo. Khi chơi bật
tường, dùng phấn kẻ một đường thẳng trên mặt nền xi măng rồi dùng bàn
tay gõ những đồng bạc cắc vào tường cho nó bật ra,
cố gắng cho đồng tiền rớt gần lằn kẻ nhưng không được ra ngoài lằn. Nếu
tiền vượt qua khỏi lằn, người chơi mất phiên dùng tiền mình chọi vào
tiền của những người khác. Đồng của ai bật ra nằm ngay trên lằn kẻ thì
người đó được chọi đồng của mình vào những
đồng tiền khác nằm gần đó. Nếu chọi trúng, người bị chọi bị loại ra,
phải trả cho người chọi trúng một đồng cắc như đã thoả thuận trước đó.
Người chọi thắng tiếp tục chọi cho đến khi chọi hụt đồng nào đó và bị
thay thế, cứ như thế đến khi không có người chọi
trúng nữa.
Nếu chơi đánh đáo thì đào một lỗ nhỏ dưới
đất đường kính chừng ba phân, cũng gạch một lằn kẻ cách xa lỗ khoảng hai
mét. Người chơi đứng gần lỗ, thảy đồng tiền tới lằn kẻ xem đồng nào
rớt gần lằn nhất. Nếu ai thảy đồng của mình
trúng ngay lằn kẻ hay gần nhất có thể thì là người đầu tiên được cầm
tất cả đồng tiền của người chơi đứng ngay chỗ lằn kẻ để thảy vào lỗ.
Nếu có đồng nào lọt vào lỗ thì nó thuộc về người đã thảy nó. Đồng nào
nằm ngoài lỗ sẽ được người chơi thay phiên dùng
đồng của mình ném vào, trúng đồng nào thì thắng đồng đó đến khi không
còn đồng nào nữa. Nhiều đứa trẻ có khiếu và tài mọn, thảy tiền vào lỗ
rất nhuyễn, chọi đồng bạc cắc rất chính xác nên những đứa xếp sau hầu
như không có cơ hội để chọi tiền, thua sạch.
Vui vậy đó, con nít hồn nhiên nhưng chơi đùa cũng theo lề luật chặt chẽ!
Lúc tôi còn nhỏ, má tôi bán hàng tạp hóa
ngoài chợ nên trong túi áo bà ba của bà treo đầu giường luôn có cọc tiền
tròn cuộn trong đó. Thỉnh thoảng, tôi và anh em trong nhà lại lấy một
ít mua đồ ăn vặt. Biết vậy không đúng, nhưng
luôn trấn an mình chỉ lấy ít tiền lẻ để mua đồ ăn rẻ tiền như trái
chuối, bịch đậu phộng thôi mà. Má tôi không mấy khi la chuyện này, duy
chỉ một lần phàn nàn là xấp tiền mới đó bị đứa nào lấy vài tờ. Qua độ
tuổi lên mười hay hơn một chút, anh em tôi tự động
bỏ dần tật xấu đó dễ dàng, để rồi sau này nhắc lại mà cười.
Lúc đó, trong mắt chúng tôi tiền là vật
không quá quan trọng, trừ khi muốn mua đồ ăn vặt hay mấy thứ đồ chơi
nhựa rẻ tiền từ trong Chợ Lớn bán ra ở tiệm chạp phô. Nếu có một tờ giấy
bạc còn lại sau Tết, thường là lần xuống vạt áo,
nhét tờ giấy bạc đã cuộc tròn vào khoảng gấp của vạt, luồn sâu vào
trong và sau đó... quên luôn. Vài người lớn thích chơi trò gấp tờ giấy
bạc thành những chiếc vòng, chiếc nhẫn đeo vào ngón tay hay cổ tay, hay
dùng nhất là những tờ bạc có giá trị lớn như
tờ 500 đồng, hay 1.000 đồng. Có người khéo tay dùng tiền như là giấy
origami để gấp thành con chim, con công, hay con cá vàng... phải chăng
đó là những cách “mân mê” giá trị đồng tiền?
Đọc đoạn văn của ông Lê Bảo Trân trong
cuốn “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều” xuất bản tại Mỹ năm 1992 có nhiều
chi tiết mấy ai còn nhớ. Thời chiến tranh sau 1945, tiền ăn quà vặt
phát cho con nít là hai xu, trong khi đó phải có
năm xu mới mua được một ổ bánh mì bột bắp. Ông kể: “Chiến tranh càng
leo thang, kim loại khan hiếm nên tất cả xu hào đều phải thay thế bằng
tiền nhôm, trắng toát và nhẹ. Về sau từ năm xu trở lên đều in bằng giấy.
Giấy một cắc in màu đỏ bầm có người Thượng
cưỡi voi. Giấy bạc một đồng hãy còn xài tiền Đông Dương, một mặt có
người con gái Bắc vấn tóc, mặt kia là thanh niên Nam cởi trần gánh dừa”.
Ông kể về sau nhôm cũng khan hiếm nên một xu phải đúc bằng chì, rơi
chạm đá là bể đôi.
Khi bàn về chuyện tiền bạc, Kha, anh bạn
bên Mỹ kể chuyện mẹ anh nhắc hồi còn ở ngoài Bắc trước khi di cư 1954,
mỗi lần đi bán vải vóc với các bà cô trong họ thì tiền bạc lúc đó là
những đồng hào, đồng xu và đồng trinh, những đồng
bạc có lỗ vuông ở giữa. Mỗi khi thâu tiền từ khách hàng, các bà xâu
những đồng bạc đó và đeo ở trong vành váy vì ngày đó phụ nữ không mặc
quần chỉ mặc váy, nên không có túi để cho tiền vào. Vả lại, dù có túi
thì túi nào đựng cho xuể nên những đồng tiền thường
được xâu vào những sợi thép và đeo vào người.
Người miền Bắc hồi mới di cư vào Nam năm
1954 rất ngạc nhiên khi thấy người Nam thích xài giấy bạc xé ra phân
nửa. Thói quen này với họ rất lạ, buồn cười, có phần ngô nghê… Tuy
nhiên, không mấy ai biết một cách thấu đáo là nó có
lý do dẫn tới thói quen rất phổ biến lúc đó. Số là từ đầu thế kỷ 20,
khi Pháp đang cai trị nước ta, đồng tiền xu rất phổ biến trong hệ thống
tiền tệ xứ này. Tới năm 1942, đồng xu dần dần hết dùng và không thấy lưu
hành nữa. Người ta cho rằng đó là do giá trị
kim loại đồng để đúc xu còn cao hơn giá trị ghi trên loại tiền này, nên
con buôn thu hết tiền xu về đúc thành các đồ vật khác kiếm lời nhiều.
Vì thiếu tiền lẻ, tại Sài Gòn và các tỉnh đã nảy ra phong trào xé đôi
giấy bạc thành phân nửa giá trị khi cần thiết.
Mọi người thấy vậy cũng tiện dù không đúng luật lệ, khi cần thì ráp hai
nửa giấy bạc dán lại, không cần đúng số vẫn tiêu xài như thường. Ai
cũng chấp nhận tiêu xài như vậy. Mua món gì bằng tiền xé đôi, nếu gặp
khó khăn gì thì cứ dùng tiền ấy mua thịt heo của
người Tàu thì họ cũng chấp nhận ngay không thắc mắc.
Thấy chuyện này không ổn, đến tháng 8 năm
1955, ngân hàng quốc gia và Tổng ngân khố của miền Nam lúc đó ra một
thông cáo nhắc công chúng là giấy bạc 1 đồng, 5 đồng và 10 đồng xé đôi
dán lại được lưu dụng đến cuối tháng 8 là hết
hạn. Từ ngày 1 tháng 9 trở đi, giấy bạc bị xé sẽ không còn giá trị
nữa. Tuy nhiên, để cho công chúng có đủ thời giờ đổi những giấy bạc xé
đôi, ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ngân hàng quốc gia ở Sài Gòn và các
tỉnh nhận đổi những giấy bạc ấy tới 15 giờ chiều
ngày 2 tháng 9 năm đó. Có lẽ đây là hiện tượng sử dụng đồng tiền thuộc
hàng độc đáo và tùy tiện hiếm có của thế giới!
Giá trị của đồng tiền thời xưa như thế
nào? Dì tôi học trường Gia Long, sau đó học sư phạm rồi đi dạy ở trường
tiểu học Võ Tánh năm 1958, lãnh lương hơn bốn ngàn đồng, ngang giá một
lượng vàng và tương đương lương chuẩn úy quân
đội. Vì chồng làm ra tiền, nhà chồng khá giả nên khi tôi hỏi đùa là phụ
nữ như dì ngày xưa khi Tết đến có đi mua vàng không, dì bảo sao phải
đợi đến Tết, trong năm mua cũng được mà! Đến khi đọc Hồi ký của nhà văn
Bà Tùng Long, biết thêm mức lương tháng của
bà (dạy trung học đệ nhất cấp, cùng thời gian với dì tôi nhưng dạy cấp
cao hơn) bằng hai lượng vàng, nhờ vậy mới đủ nuôi đàn con đông đúc dù
vẫn phải làm thêm.
Có những bà buôn thúng bán mẹt ở Sài Gòn –
Gia Định hàng ngày bươn chải để cùng chồng nuôi sống gia đình nhưng
cũng tìm cách cóp nhóp để dành một ít tiền, ráng mua cho được một chỉ
vàng mỗi tháng. Đến cuối năm, các bà gom góp
lại những chỉ vàng đó, đổi thành một lượng vàng lá để dành lúc cần
thiết sau này. Nhiều người lúc đó và cả bây giờ chỉ tin vào giá trị của
vàng hơn bất cứ loại giấy bạc nào, chỉ muốn giữ vàng bên mình, tin rằng
nó không bao giờ mất giá nó dù ở thời đại nào
hay chính quyền nào.
Đến khoảng năm 1967, anh tôi học xong
trường sư phạm nhận nhiệm sở ở Tây Ninh là Hiệu trưởng trường tiểu học,
lương khoảng 25 ngàn đồng, lúc đó xe Honda dame của Nhật nhập qua khoảng
32 ngàn, anh mượn thêm tiền mua luôn. Đó là khoảng
thời gian có một công việc ổn định ăn lương tháng là mơ ước của nhiều
người, không phải lo kiếm sống qua từng ngày. Cả nhà tôi vui vì đồng
tiền anh kiếm được có giá trị cao như vậy.
Đó là vài hiểu biết tuổi nhỏ về đồng tiền.
Chúng ta lớn dần lên, được dạy là tiền rất quý, rất cần cho cuộc sống
nên phải biết giữ gìn, tiết kiệm và đừng để mất. Lớn hơn nữa, bài học bổ
sung là đồng tiền tuy cần thiết và quý nhưng
có những thứ còn quý hơn để có lúc phải ngoảnh mặt với tiền. Bài học
với biên độ rộng đó luôn quay về tâm trí từng người trong mọi lúc. Đồng
tiền theo ta từ hồi trẻ thơ, theo suốt cả đời và sướng khổ trên đời, có
lẽ từ nó phần nhiều.
Phạm Công Luận