https://phtq-canada.blogspot.com/2022/08/dinh-doc-lap-saigon.html
Dinh Độc Lập ngày nay như thế nào?
- Tidoo Nguyễn
7 tháng 8, 2022 - Dinh Độc Lập, 1970 (ảnh: Leroy P. McCarty, manhhai flickr)
Đầu Tháng Tám 2022, tôi quyết định ghé thử Dinh Độc Lập sau khi đắn đo về địa điểm khám phá Sài Gòn ngày hôm đó. Ở trung tâm Sài Gòn, việc tìm một bãi gửi xe gắn máy là điều hơi khó. Khi đến Dinh Độc Lập, tôi phải chạy xe vòng qua đường Nguyễn Du (đường này không bị đổi tên so với trước 1975) rồi chạy vào một bãi gửi xe nằm cạnh Cung Văn Hóa Lao Động (trước năm 1975 được gọi là Cercle Sportif Saigonnais) ở đường Huyền Trân Công Chúa (đường này không bị đổi tên so với trước 1975). Giá gửi xe từ sáng đến trưa là 10,000 đồng một chiếc (khoảng $0.42).
Tôi đi bộ ngược lại cổng chính Dinh Độc Lập và xếp hàng mua vé vào. Giá vé vào cổng là 45,000 đồng (khoảng $1.92) và giá vé vào tham quan Nhà Trưng Bày là 20,000 đồng (khoảng $0.86). Vào cổng rào chính, đi vòng qua bên phải, ở đó có trưng bày hai chiếc xe tăng. Theo giới thiệu, đó là hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 “ủi sập cổng” Dinh Độc Lập ngày 30 Tháng Tư 1975.
Tuy nhiên, điều buồn cười là hai chiếc xe tăng trưng bày ở Dinh Độc Lập chỉ là “hiện vật đồng dạng, đồng thời” hay nói cách khác, chỉ là bản “copy” chứ không phải bản gốc. Bởi theo ông tướng Lê Mã Lương, “hai chiếc xe tăng bản gốc tiến vào Dinh Độc Lập mang số hiệu 390 và 843 hiện đều ở Hà Nội. Chiếc xe tăng 390 bản gốc hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp, còn chiếc xe tăng mang số hiệu 843 bản gốc hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch Sử Quân sự Việt Nam. Còn tất cả xe tăng khác có cùng số hiệu chỉ là hiện vật đồng thời”.
Một số phòng ở Dinh Độc Lập mà tôi chụp ngày 1 Tháng Tám 2022
Ở sảnh chính lối vào bên trong Dinh Độc Lập, tôi thấy vài khách du lịch Tây, vài đoàn khách du lịch đến từ Trung Hoa Đại Lục hoặc Đài Loan, còn lại là người Việt. Đối với đoàn khách người Hoa thì có một cô hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Hoa rất khẽ vào microphone cho những vị khách đang đeo tai nghe. Còn nhóm khách Việt, đa số là dân miền Bắc, thì họ tự giải nghĩa cho nhau. Có một đoạn đối thoại của hai vị khách Bắc mà tôi nghe được khi chụp ảnh khiến tôi bất ngờ: Ông Nguyễn Văn Thiệu là ai thế? Lạ thật, vào đến đây mà không biết ông Thiệu là ai?!
Càng khám phá các phòng ở mỗi tầng của Dinh Độc Lập, tôi càng thất vọng. Thất vọng vì tôi không thể nào tin được rằng nơi sống và làm việc của một Tổng thống miền nam Việt Nam mà trống huơ trống hoác và đơn điệu, thiếu tinh tế đến như vậy. Có lẽ bao nhiêu hiện vật cũ đã được tháo gỡ đi hết rồi. Đồng thời có một số lối đi bị treo bảng hiệu cấm vào. Khi về nhà, tôi đã tìm hiểu các hình ảnh nguyên bản của Dinh Độc Lập từ Google với từ khóa bằng tiếng Anh và khám phá ra rằng có nhiều khác biệt giữa các hình ảnh ngày ấy và bây giờ.
Phòng Quốc Thư bây giờ khác với phòng Quốc Thư trước 1975. Thảm hoa không còn, rèm đỏ đã biến thành màu vàng và những bình màu đen đã biến thành màu vàng. Trong thiết kế nội thất, chỉ cần thay đổi màu hay thay đổi bất cứ chi tiết nào cũng làm mất đi sự hài hòa của nó.
Điểm sáng duy nhất khi tham quan Dinh Độc Lập là khi tôi nhìn thấy tấm hình của bà Nguyễn Thị Mai Anh – phu nhân Tổng thống Thiệu được trưng bày trên chiếc bàn trong phòng ngủ. Tôi không rõ tấm hình này có sẵn ở đó từ trước hay mới được thêm vào nhưng vẻ đẹp nhẹ nhàng quý phái của bà dường như tạo hồn cho cái khung cảnh vốn đã bị thay đổi quá nhiều. Có một chi tiết vui là tôi nhìn thấy một vị khách nam trên 50 tuổi cố chồm qua rào chắn chụp lại chân dung của bà bằng điện thoại. Sau mỗi lần chụp thì ông ta đều xem lại và vì không lần nào lấy nét được, cuối cùng ông ta đành chắt lưỡi nuối tiếc và từ bỏ việc chụp.
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll