https://phtq-canada.blogspot.com/2022/11/ban-nga-cai-toi.html
Monday, November 7, 2022
BUÔNG BỎ CÁI TÔI (vô ngã) BẠN SẼ ĐƯỢC HẠNH PHÚC
Trong kinh sách có câu:
"Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả".
Nghĩa là người có trí tuệ bát nhã của bậc Bồ Tát, trước khi hành động, nói năng, suy nghĩ, đều cân nhắc đắn đo hậu quả, còn phàm phu tục tử, muốn làm thì làm, muốn nói thì nói, muốn nghĩ thì nghĩ, chẳng cần biết đến hậu quả ra sao. Trong tam tạng kinh điển, Đức Phật có dạy: Tự ái tức là chấp ngã, chấp ngã thì khổ đau. Muốn hết phiền não và khổ đau thì phải đạt được "trạng thái vô ngã", đó là mục đích cứu kính của đạo Phật. Muốn đạt được trạng thái vô ngã, chúng ta cần phải tu học và hành trì trong một thời gian không ngắn! Đó chính là tu tâm dưỡng tánh vậy.
Chấp ngã nghĩa là gì? Chấp ngã tức là "chấp cái
ta" là thiệt, là ngon lành, hễ ai đụng tới là ăn thua đủ ngay tức
thì. Chúng ta có biết đâu rằng "cái ta" ngon lành đó, chỉ gồm
có cái xác thân hôi hám bằng xương thịt, trong kinh sách gọi là thân tứ đại vì
gồm có bốn chất là đất nước gió và lửa, sẽ bị chúng ta bỏ lại trần thế ngay khi
lìa đời. Cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Vậy cái gì là
"ta" thực sự đây? Có phải cái tâm suy nghĩ là "ta" chăng?
Cũng không phải! Tại sao vậy? Bởi vì cái tâm suy nghĩ lăng xăng,
lộn xộn đó "tùy duyên mà có", hết duyên thì lặng mất, cho nên đó chỉ
là "vọng tâm", tức là cái tâm vọng động mà thôi, đâu phải
thực là "ta". Nếu đó là "ta",
thì chẳng lẽ, "ta" lúc có lúc không, lúc còn lúc mất?
LINK: https://phtq-canada.blogspot.com/2014/05/tu-tam-duong-tanh-cu-tran-lac-ao-tap-3.html
Con người tìm cách nổi tiếng do "cái tôi" không kể tuổi tác |
Khổ Vì Sống Với ''Cái
Tôi'' Quá Lớn!
- Khi bàn về cái tôi, người ta thường nói hóm hỉnh rằng:
trong cuộc sống, cái tôi mà thêm dấu nặng thì thành TỘI; cái
tôi huyền thì thành TỒI; và cái tôi sắc thì thành TỐI.
Mà sống trong tội lỗi, tồi tàn và tăm tối đều là sống trong sự thiếu hiểu biết.
Vậy phải chăng sự hiểu biết và cái tôi có sự đối lập như Albert Einstein đã
từng nói: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều
thì cái tôi càng nhỏ. Hiểu biết càng ít thì cái tôi càng lớn”.
- Trong Đạo Phật, ''cái Tôi'' chính là năm uẩn, có đoạn kinh đức Phật dạy
là thủ ngũ uẩn (sự chấp thủ năm uẩn). Ngũ uẩn vốn không lỗi,
lỗi lầm vì chữ ''Thủ'' này của chúng sanh, chính lỗi lầm này làm tăng thêm gánh
nặng.
- Này các Tỷ-kheo, thế nào là đặt gánh nặng xuống? Đây là sự ly tham, đoạn
diệt ái ấy một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải thoát, sự không chấp
thủ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đặt gánh nặng xuống.
- Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo Sư lại nói thêm:
Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người;
Mang lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống,
Tức là lạc (không khổ).
Đặt gánh nặng xuống xong,
Không mang thêm gánh khác.
Nếu nhổ khát ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Được giải thoát tịnh lạc!
Trích: Kinh Tương Ưng | Chương I Tương Ưng Uẩn |Phẩm Gánh Nặng (Tạp, 2.3, Trọng Đởm. Đại 2,19a) - (Tăng 25.4, Đại 2,631c) (S.iii,25)
SUY NGHIỆM:
- Con người từ khi sinh
ra đời đã tồn tại cái tôi và cái tôi trong mỗi người phát triển theo năm tháng,
nó thuộc về cá tính riêng biệt của mỗi người mặc dù chúng ta cùng sống trong
một xã hội.
Cái tôi giúp cho con người tìm ra lẽ sống của bản thân. Nếu hiểu được giá trị
thật sự về cái tôi của mình người ta có thể là chính mình và sống thật với mình
hơn. Sự tồn tại cái tôi trong mỗi người là lẽ tự nhiên. Nhưng nếu cái Tôi quá
lớn sẽ tự mình làm mình đau khổ, những khổ đau bất an đều xuất phát
từ cái tôi quá lớn, cho nên chỉ nên “tôn trọng”, chớ TÔN SÙNG...
- Người có cái tôi quá lớn, là người luôn xem mình là nhất không chịu thua kém
bất cứ ai. Trong bất kỳ công việc nào họ đều cho mình là đúng, không chịu lắng
nghe không chấp nhận cái sai của mình từ đó hình thành tính cách kiêu ngạo,
hống hách bảo thủ cố chấp, nếu nóng nảy không kiểm soát được bản thân có thể
gây họa làm khổ mình khổ người khác!??
Những người có cái tôi quá lớn họ rất ít khi để tâm đến suy nghĩ cảm xúc người
khác. Có một điều rất quan trọng trong cái tôi cao đó họ thường coi trọng giá
trị bản thân mình hơn giá trị của người khác. Họ luôn cho mình là đẹp là sang,
là giỏi là hay, là đỉnh là chóp, còn người khác không là gì !?
“Khiêm tốn” mới là đỉnh cao của sự hiểu biết.
“Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu,
Khiêm tốn bao nhiêu còn chưa đủ,
tự kiêu một chút cũng là thừa”.
Cuộc sống không nhất thiết điều gì cũng phải tranh luận đúng sai, cao thấp cho
bằng được. Đối nhân xử thế, buông bỏ cái tôi cố chấp, hãy lắng nghe để thấu
hiểu, nhìn lại mình để điều chỉnh cân bằng bản thân, đây là lựa chọn của người
có trí tuệ.
Núi cao không cần giải thích về độ cao của chính mình, mà vẫn đứng sừng sững
trong mây; biển lớn không cần giải thích độ sâu của mình, mà vẫn cứ dung nạp
trăm sông không ngừng nghỉ; đất dày không cần giải thích độ dày của mình, mà
tấm lòng vẫn bao la nâng đỡ vạn vật.
Một người trở nên thành hay bại, hạnh phúc hay khổ đau, vui vẻ hay u uất đa
phần phụ thuộc vào “cái tôi” trong chính bản thân họ.
Có câu: ''Tính cách con
người tạo nên số phận” !?
Hạnh phúc hay đau khổ chủ yếu do cách nghĩ và cảm nhận sự việc của mỗi người.
Con người ý thức được cái TÔI của mình là gì từ đó điều chỉnh cái tôi của bản
thân để hoà nhập với mọi người, tuỳ cơ ứng biến để phù hợp với môi
trường cuộc sống sẽ gặt hái được nhiều thành công!?
Cái tôi quá lớn chính là rào cản ngăn bạn phát triển bản thân.
- Hãy cùng hóa giải cái tôi quá lớn của mình để sống hạnh phúc thành công trong
cả sự nghiệp và cuộc sống nha các bạn!?
- Chia sẻ hình ảnh Pháp thoại: ''HIỂU THÊM VỀ TRÍ THỨC VÀ TRÍ TUỆ'' trong Khóa
tu Khóa tu “KHƠI NGUỒN TUỆ GIÁC” đã khai mạc vào lúc 09h ngày
23/9/2022 tại Quận Cam tiểu bang California, Hoa Kỳ. Tổ chức: Tăng đoàn ''Theo
Dấu Như Lai'' & Thiền Sinh Sợi Nắng và thành tựu viên mãn vào 25 Sept 2022.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
KÍNH CHÚC LUÔN CHƯ BỒ ĐỀ
QUYẾN THUỘC XA GẦN LUÔN TINH TẤN, AN VUI...
llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
Tấm bảng cái tôi của anh này lớn thế
Email address: LaiVanLy@yahoo.com
Cellular phone: (682) 521-0145
Mailing address: LẠI VĂN LÝ, P.O. Box 460853, Garland, TX 75046 - USA
Hình: Lại Văn Lý lúc 16 tuổi năm 1967, Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt của Lớp Đệ Tứ, Trường công lập TRUNG HỌC DUY TÂN PHAN RANG.
www.LaiVanLy.com !
From: Michael Do <md46usa@gmail.com> To: CDNVQGHK_CDTV@googlegroups.com <cdnvqghk_cdtv@googlegroups.com> Sent: Tuesday, November 1, 2022 at 01:59:59 PM MDT Subject: Giới thiệu bài mới Cái ‘Tôi’ Đáng Ghét!
Cái ‘Tôi’ Đáng Ghét!
Đỗ Văn Phúc
Nhà bác học vĩ đại người Pháp Blaise Pascal (1623
– 1662) từng nói “Cái ‘tôi’ là cái đáng ghét” (Le moi est
haïssable)
Thói phô trương cái ‘tôi’ lố bịch hình như rất
phổ biến trong người Việt chúng ta! Một anh bạn của tôi ở Minnesota xúi dại tôi
viết về đề tài này. Dù rất sợ lãnh dao, ăn búa; tôi cũng ráng gồng mình góp vài
kinh nghiệm và ý kiến như sau.
Gần đây, thấy xuất hiện trong những loại email có
tựa đề “Tiến Sĩ Luật Cù… làm cái này, Tiến Sĩ Luật Cù nói điều kia…”. Mở
đầu email là câu viết “Tôi trả lời phỏng vấn…” hay “Tôi lên tiếng trên đài
XYZ….” Cuối email thế nào cũng lặp lại nguyên học vị kèm tên “Tiến
Sĩ Luật Cù….”
Chao ôi, sao cái tôi của anh này lớn thế?
Bỏ qua một bên việc anh Cù này từng viết bài ca
tụng các lãnh tụ cao cấp Việt Cộng như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm văn
Đồng và bố anh ta là Cù Huy Cận, từng là Bộ Trưởng liên tiếp các Bộ Canh Nông,
Văn Hoá Giáo Dục dưới thời Hồ Chí Minh. Cũng bỏ qua việc anh Cù bị Cộng Sản
nhốt tù vì tội chơi gái, nhưng được đối xử như loại tù công tử; phòng giam tiện
nghi như căn phòng ở nhà với tủ kệ đầy rẫy thức ăn ngon miệng; được vợ vào thăm
ở lại du ngoạn trong vườn hoa; rồi sau cùng được Việt Cộng bố trí cho qua
Mỹ để xâm nhập làm công tác tuyên vận cho chúng.
Chúng tôi biết quá rành về tên Việt Cộng này. Anh
ta từng lân la tìm đến những hội nghị, hội thảo đánh tiếng tự cho mình là nhân
vật tiếng tăm sẽ có tương lai trong chính trường Việt Nam sau này. Chúng tôi đã
ngăn (block) và cho vào hộp thư “spam” những điện thư của anh ta. Nhưng thỉnh
thoảng vẫn cứ bị nhận những rác rưởi này mà điểm nổi bật nhất là sự khoe khoang
cái “tôi” quá lố của anh ta.
Cái học vị là chứng minh sở học của một người ở
trình độ nào đó, trong lãnh vực nào đó. Nó chưa hẳn chứng minh được khả năng
thực sự, tư cách, và kinh nghiệm. Nó không làm cho người ta quý mến kính trọng
mình hơn. Học vị chỉ đáng nêu lên trong những trường hợp cần thiết. Ví dụ: ông
bác sĩ viết hay trình bày vấn đề y học, ông kỹ sư nói về khoa học kỹ thuật. Họ
cần ghi học vị để độc giả, thính giả… tin rằng những điều họ trình bày là khả
tín.
Trong những đám cưới, tiệc tùng của người Việt,
việc giới thiệu quan khách rất phức tạp đầy tính khoe khoang. Các MC phải bỏ ra
mười lăm hai chục phút để đọc cho hết vài trang giấy ghi tên họ, chức vụ của
khách. Chớ hòng bỏ sót những vị tự tưởng mình là nhân vật quan trọng. Ngay cả
khi giới thiệu chủ tịch một Liên Hội X rồi, cũng phải giới thiệu luôn các ông
chủ tịch các hội trực thuộc thì mới yên. Chúng tôi từng đọc những thư của vài
vị gửi đến ban tổ chức và gửi ra công luận phản đối gay gắt vì bị sót tên trong
phần giới thiệu hay thứ tự được giới thiệu không vừa ý họ. Mà đã giới thiệu thì
chớ quên bằng cấp, chức vụ, cựu này cựu nọ của họ!
Vài bản cáo phó, phân ưu cũng thấy ghi luôn học
vị bác sĩ, kỹ sư; luôn các cấp bậc, chức vụ, binh chủng thời VNCH xa xưa của
những người đứng tên (không chỉ là người quá cố mà thôi)! Không thấy ghi các
nghề tài xế, thợ máy, làm neo!
Chúng tôi nhớ ở một thành phố đông người Việt nọ
ở Texas. Một vị, sau khi mất chức Chủ Tịch Liên Hội Cựu Quân Nhân về tay vị
khác; bèn nhảy ra thành lập một hội mới tự mình vừa là chủ tịch, vừa phó CT,
vừa tổng thư ký… Dứt khoát ông ta không thể để mất một chiếc ghế hàng đầu và sự
xướng danh trong các buổi sinh hoạt của Cộng Đồng địa phương! Cái chức chủ tịch
nó oai lắm đấy!
Chúng tôi cũng thường thấy một vài ông, bà gửi
email về những vấn đề tầm thường, có tính cách xã giao hay tranh cãi chuyện tầm
phào; nhưng cuối thư thế nào cũng ghi thêm một loại những bằng cấp nào là BA,
MA; rồi nào là văn sĩ, thi sĩ, võ sĩ, chủ talk show…
Cái tôi của mấy vị này cũng đáng khiếp!
Cách đây vài thập niên,các nhân sĩ thành phố
Austin được dịp mời một ông Tiến Sĩ NAT từ Oregon bay qua nói chuyện tại hội
quán Hội Cao Niên. Cả phòng hội chưng hửng khi nghe câu nói quá đặc biệt của
một ông Tiến Sĩ khi mở đầu: Đừng gọi tôi là "tiến sĩ" hay "lùi sĩ". Có lẽ ông như muốn tỏ ra khiêm tốn; nhưng cách bày tỏ nghe ngộ nghĩnh quá! Rồi
ông tạo thêm một sự ngạc nhiên khi nói “Các anh phải chuẩn bị sẵn sàng để
khi tôi phát động thì hưởng ứng ngay”. Một ông cựu Thiếu Tá Hải Quân ngồi
cạnh tôi nói nhỏ vào tai tôi “Tay này là ai mà mới đến nói chuyện lần đầu đã
muốn ra lệnh cho chúng mình”? Tuần lễ sau khi ông Tiến Sĩ này về Oregon,
tôi nhận được một hộp bưu phẩm trong đó có khoảng chục cái băng audio cassette
loại nhỏ chứa hàng trăm bài “xã luận, thuyết trình” của ông ta!
Cái tôi của ông Tiến Sĩ này cũng lớn ghê!
Hãi quá nên chúng tôi xin ‘kính nhi viễn chi.’
Những người coi trọng cái tôi của mình là do tính
tự cao tự đại, cho mình là trung tâm điểm vũ trụ, cao hơn hết tất cả mọi người.
Họ quên rằng tính tự cao làm mọi người xa lánh, ghét bỏ và có nhiều xác suất
cao bị mạt sát trên các diễn đàn. Nhưng khiêm tốn cũng không phải dễ. Cũng có
người làm bộ tỏ ra khiêm tốn nhưng lời nói và hành vi càng lố bịch. Người Mỹ
khi được khen thì họ bình thản nhận lời khen và cám ơn chứ không xua tay “Tôi
không đáng”. Sự khiêm tốn thể hiện qua lời nói ôn tồn, cử chỉ lễ độ;
không cúi đầu khom lưng quá mức, không giơ cả hai tay ôm chầm lấy bàn tay người
ta. Một người khiêm tốn biết dùng đại danh từ “chúng tôi” thay vì “tôi” khi
trình bày, báo cáo một công việc nào đó. Những người trẻ nông nổi háo thắng thì
tạm dung thứ; nhưng ở người trung nên trở lên thì nên bỏ bớt cái tôi đáng
ghét đi thôi.
Gần đây, tôi thấy có vài người post trên facebook
câu châm ngôn như sau:
Cúi đầu là bông lúa.
Ngẩng đầu là cỏ dại;
Tự cao là thất bại,
Nhẫn nại là thành công.
Theo tôi, hai câu sau thì rất chí lý. Nhưng hai
câu đầu lấy bông lúa để ví von cho tính nhẫn nại và cỏ dại để ví von cho tính
tự cao thì quá khập khiễng.
1.- Không chỉ có cỏ dại mà tất cả mọi loại cây
đều ngẩng đầu, vươn ngọn về hướng mặt trời. Dù có bị che đậy, ngăn cản; ngọn
cây vẫn tìm mọi cách để vươn lên. Ngẩng đầu không phải là tự cao mà là
biểu hiện của lòng tự tin, tự hào, cương trực, ngay thẳng, bất khuất. Người
xưa dùng cây thông, cây trúc, để làm biểu tượng cho sự ngay thẳng; dùng cây sồi
nói lên sự dũng mãnh, che chở.
Từ gia đình, học đường, trong quân đội đều dạy
cách làm người là đứng thẳng, không cúi đầu chịu nhục trước áp bức, bất công,
cường quyền.
2. Bông lúa, hay bất cứ thứ bông hoa, trái cây
nào đã chín, sắp tàn, đều gục xuống. Cúi đầu không phải là biểu tượng
cho sự nhẫn nại mà là chịu khuất phục. Làm người thì phải biết lúc
cương lúc nhu. Đó là chiến thuật trong quân sự hay cách sống ngoài xã hội để
chiến thắng hay sinh tồn, thành công. Nhẫn nại là yếu tố thành công thì đúng
lắm, nhưng mềm mỏng, nhẫn nại khác với cúi đầu nhẫn nhục.
Dân VN hiện nay đa số học mấy câu trên nên im lặng chịu đựng mọi áp bức bất công, miễn là được sống một cuộc đời vật chất mà không biết đến những giá trị tinh thần như các quyền tự do. Lẽ ra phải khuyến khích: Mềm mỏng uyển chuyển nhưng không cúi đầu. Đứng thẳng, ngẩng đầu nhưng không tự cao.
Đỗ Văn Phúc
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
From: vietnguyen2016 vietnguyen2016@aol.com via VIỆT NAM CỘNG HÒA
<vietnam-conghoa@googlegroups.com>
Sent: Monday, November
7, 2022 at 02:35:46 a.m. EST
Subject: [vietnam-conghoa] CON TIM VÀ CÁI TÔI.
CON TIM VÀ CÁI “TÔI”.
Chu Tất Tiến
Từ thế
kỷ thứ 17, Blaise Pascal viết: “Con tim có những lý lẽ
mà lý lẽ không thể hiểu
nổi” (Le coeur a ses
raisons, que la raison ne connaît point.) Câu triết lý này từ đó đã thấm nhập vào suy nghĩ của rất nhiều người,
rất nhiều dân tộc, tại rất nhiều nơi. Nhiều trí thức tôn sùng ý nghĩa của câu
này và khi gặp những trường hợp khó xử của trái tim, thì dựa vào triết lý này mà cố giải thích sự việc.
Dần dần, ý nghĩa này bị lạm dụng như một tấm bình phong che
đậy những hành vi xấu phát
sinh từ chủ đề “Tôi”, từ “cá nhân chủ nghĩa”, hay nói gọn lại là sự
“Ích Kỷ”, yêu Mình hơn yêu Người. Nếu nhìn vào cách chia động từ của mọi dân
tộc, Việt, Pháp, Mỹ, Đức, Tầu... đều thấy Ngôi thứ Nhất, số ít, là TÔI! Tôi
trên hết mọi người khác. Tôi ăn, Tôi uống, Tôi yêu, Tôi ngủ... Cũng vì cái Tôi
nằm ở vị trí thứ Nhất của mọi vấn đề, cho nên, ở môi trường thế giới, chiến
tranh đã xẩy ra,
còn ở
môi trường Cá Nhân thì có giết nhau, hại nhau, lừa gạt nhau, phản bội nhau.
Trong suốt thời gian hiện diện trên trái đất này, đại đại đa số con người đều
hành động nhắm vào 1 mục tiêu: Tôi, Tao, C’est Moi. Me, Mine...Với phương diện
gia đình thì Ly Dị, Ngoại Tình, Gạt Tiền, Gạt Tình, thậm chí đến giết nhau chỉ
vì cái “Tôi Muốn”, “Tôi Thích” rất to và cái Tự Ái hay Lòng Tham Cá Nhân tràn
ngập.
Khi thoạt yêu nhau, thì người ta hạnh phúc lắm vì tưởng
là Yêu Người đối diện, nhưng thật ra là Yêu Chính Mình qua Người đối diện.
Chàng yêu đôi mắt Nàng, không phải vì đôi mắt Nàng có gắn kim cương, vàng ròng,
mà vì trong mắt Nàng, phảng phất hình bóng của Chàng. Nàng yêu tiếng cười,
tiếng nói, điệu bộ của Chàng không chỉ vì “ đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu”
mà vì Nàng thấy rằng ý tưởng của Chàng rất hợp với ý Nàng, với cái Tôi của
Nàng. Nếu các Nàng chỉ yêu các Chàng vì 3 yếu tố “đẹp, giỏi, giầu” thì mấy Chàng không đẹp
giai, không học giỏi, không phải con nhà giầu suốt đời ế vợ sao? Ngược lại cũng
thế, không lẽ tất cả các đám cưới trên thế gian này đều có cô dâu đẹp nghiêng
nước, nghiêng thành? Mỗi ngày có hàng triệu triệu đám cưới, và chỉ có một tỷ lệ
1 phần trăm triệu là chú rể có đủ 3 điều kiện kể trên, cũng như chỉ có 1 phần trăm
triệu là có cô dâu đẹp dịu dàng
bước đến
phòng Tân Hôn. Thực vậy, thường thường, con người ta yêu nhau chỉ vì nhìn thấy
cái “Tôi”, cái “Mình” qua cơ thể người đối diện. Đa số đàn ông cưới vợ vì sự
hấp dẫn của cơ thể người yêu, hợp với ý thích của mình. Về hình dáng người vợ,
có thể cô ấy thấp hoặc cao, chân dài hay chân ngắn, ngực nở hay ngực búp đều là vì trong sâu
thẳm tâm hồn của người đàn ông đã có những yếu tố thích hợp với sự thấp hay
cao, nở hay búp đó. Có người đàn ông chỉ mê phía hậu của
người nữ, vì phía hậu của người nữ giống mình. Cũng có thể vì người đàn ông có
bộ mông dẹp nên luôn mặc cảm và nhất định phải lấy cho được người vợ có bộ mông
nở nang để làm chủ cái bộ mông ấy cho đỡ mặc cảm! Dĩ nhiên cơ thể gợi cảm thì đàn ông nào
cũng thích, nhưng để lấy làm vợ thì còn phải xét lại, vì “vợ đẹp là vợ người
ta”, rước cô vợ đẹp não nùng về nhà là rước cả thương đau, không trước thì sau,
chưa kể “vợ đã được dao kéo thăm hỏi từ đầu tới ngón chân” thì sẽ gặp nhiều
biển cấm: “Stop! Đừng đụng! Hàng chợ đó!”. Lúc đó thì chỉ còn nước thở dài và
than rằng “thà ôm cây chuối còn sướng hơn”...
Trong tất cả các lời cầu hôn, sau câu: “Anh yêu em!” luôn
luôn có câu: “Em có yêu Anh không?” Thảng hoặc
lắm, mới có câu: “Tôi yêu em mà không cần em yêu Tôi!” Câu này, nếu xẩy ra thì
chỉ có trong trường hợp cưỡng dâm mà thôi. Mà một khi đã muốn cưỡng dâm người
ta, thì đó là vì ý muốn phục vụ cái Tôi của mình quá to, đến nỗi muốn xúc phạm
đến người khác, bất chấp kẻ khác đau khổ cùng cực, bất chấp tương lai của người
bị cưỡng hiếp sẽ ra sao. Cũng vì cái Tôi luôn bao trùm mọi yếu tố khác cho nên
vợ chồng, các cặp đang yêu nhau mới cãi nhau. “Anh muốn..” khi gặp “Em không
muốn” là nổ ra một trận cãi nhau. “Tại sao em lại không thích cái anh thích?”, “Tại sao anh không chiều theo ý em?” Thế là cãi nhau
tưởng như muốn cầm súng mà bắn nhau, mặc dù chỉ mấy tiếng
đồng hồ trước, còn nói: “Anh không thể sống thiếu em!” Trường hợp các bà vợ
sửng cồ với chồng cũng thế, chỉ vì ông chồng không chiều theo cái “Tôi” của bà
vợ! Đôi khi chỉ vì bà vợ muốn để cái ghế sa lông chỗ này, ông chồng lại muốn để
chỗ kia, thế là cãi nhau đến nỗi đòi ly dị, mặc dù cả hai vợ chồng mới khoác
tay nhau đi mua đồ, cười nói vui vẻ!
Các trường hợp ngoại tình, đa hôn...cũng thế. Người ta
ngoại tình chỉ vì cái tính ích kỷ của mình. Có người đàn ông chỉ mê nụ cười của
phụ nữ, mê tiếng nói dịu dàng, mê thái độ ân cần, thân ái của người khác phái,
và tưởng rằng mình yêu người ta chỉ vì người ta đẹp, người ta tốt với mình,
nhưng có mấy ai thừa nhận rằng họ mê “thái độ phục tùng” của phái nữ? Một khi
mà thấy vợ không phục tùng mình, cứ cãi cọ với mình hoài, thì chán nản, rồi nếu
gặp một người nữ khác biết phục tùng, là ngả theo việc ngoại tình liền, rồi
tiến tới ly dị, bất chấp con cái và gia đình tan nát trong đau khổ. Nhiều
trường hợp các bà vợ khóc kể: “Tôi suốt ngày lo cho chồng con, chẳng biết gì
đến thân mình, vậy mà ổng lại bỏ tôi, đi với con đĩ kia... Con đượi kia thì có
gì quý hơn tôi chứ? Xấu và đen như ma cà rồng! Mũi tẹt, răng hô, gò má cao
ngồng, cười thì hở mười cái răng... Chỉ có thằng đui như ổng mới có thể mê
nó...” Các bà vợ ấy không biết rằng, và không bao giờ nghĩ rằng, chỉ tại mình
nuôi cái Tôi của mình lấn át cái Tôi của ông chồng, khiến cho chồng phải đi tìm
cái chỗ nào đó, bất cần đẹp xấu, miễn là biết nựng nịu cái Tôi của ông chồng mà
thôi...
Tại các khu bình dân giáo dục, không thiếu những câu gào
thét nghe rợn người: “Mày đi với con đĩ nào? Nó có cái gì khác của bà không?
Nếu nó có gấp đôi cái của bà thì mày hẵng đi, còn nếu nó chỉ có như bà thôi,
thì mày về đây với bà!” Những người phụ nữ ấy không biết rằng mấy ông chồng ấy
trốn vợ để đi chơi bời bậy bạ, vì
cái Tôi của chồng bị cái Tôi của vợ đè
bẹp phũ phàng, nên phải phản ứng bằng cách đi tìm chỗ cho cái Tôi của họ được
chiều đãi mà thôi. Mà cái Tôi là cái gì? Chính là tính Ích Kỷ, Cá Nhân Chủ
nghĩa, tuy không lộ ra rõ ràng, mà tiềm ẩn trong mọi công việc làm hàng ngày. Ở
Mỹ, đa số các trẻ khi lớn đến 18 tuổi thì có thể bỏ gia đình để đi theo người
yêu mình, bất chấp sự đau đớn của Cha mẹ, bất chấp bao kỷ niệm đẹp mà bố mẹ
từng cho mình, cũng chỉ vì tính ích kỷ mà ra.
Như thế, thì thế giới này sẽ ra sao? Thực tế, bên cạnh
những gương Xấu, gương của sự Íck kỷ, của cái Tôi lừng lững, vẫn có những con
người nhân hậu, không thích làm cái gì để thỏa mãn cái Tôi của mình mà ngược
lại, muốn tiêu diệt cái Tôi của mình đi. Đó là những chiến sĩ anh hùng, hy sinh
cứu nước, chẳng kể gì đến cái
Tôi của mình mà lo cho cái Tôi của chiến hữu, của Đất Nước. Đó là những vị tu sĩ hiến thân
giúp đời, cứu giúp người đau
khổ, người phong cùi, người nghèo khổ. Đó là những người khi biết rằng
mình không
thể giúp đời một cách trực tiếp thì lại ngồi Thiền, và ăn chay trường, cố dẹp cái “Tôi muốn ăn ngon” đi. Bên Công Giáo lại có dòng tu Khổ
Hạnh, cho rằng “Cái Tôi là
cái đáng ghét”, nên suốt ngày nằm trên vải gai, rồi tự đánh mình bằng roi để diệt cái Tôi khó chịu. Đó là Mẹ Têrêsa Calcutta đã tự diệt cái Tôi
của mình mà thương yêu cái Tôi của nhân loại.
Thực tế, trong đời sống bình thường, không cần phải tự
hành xác mình, mới có hạnh phúc, mà chỉ cần sống với con tim nguyên thủy, dịu dàng của mình chứa
đầy những lời dậy của cha mẹ, Thầy Cô giáo… khi mình còn nhỏ, và rồi chia xẻ cái Tôi của
mình với cái Tôi của người
khác là đủ. Những người vợ bớt mang cái “Tôi quán xuyến gia đình”, “Tôi mang nặng đẻ đau cho ông”, hoặc “Tôi rành
hơn ông, ông chẳng biết cái quái gì..” ra để đè cái Tôi của chồng thì chồng sẽ
không nghĩ đến việc ngoại tình nữa. Các ông chồng, nếu bớt cái “Tôi thành công”, “Tôi chỉ huy”, “Tôi rành 6 câu vọng cổ hơn
bà” ra để nạt vợ, thì vợ sẽ không nghĩ đến việc “ôm Keyboard sang học nhạc sĩ
khác”. (Các
ông, bà làm việc cộng đồng, nếu bớt cái “Tôi số một”, “Tôi phải làm chủ tịch”,
“Tôi liệu việc như thần” thì cộng đồng sẽ êm ả và tiến bộ). Các cô cậu trẻ mới lấy nhau, nếu bớt cái “Tôi
dược sĩ, Tôi kỹ Sư, Tôi Bác Sĩ, Tôi Luật Sư, Tôi chuyên viên…” thì tỷ lệ ly dị
nhất định sẽ bớt hẳn. Dĩ nhiên, cũng đừng nhún nhường thái quá để biến thành...
đần! Mỗi con người đều có giá trị khác nhau, mà giá trị của con người không
phải ở bằng cấp, ở tài kiếm tiền, ở dung nhan bề ngoài mà chính là cái TÂM
nguyên thủy, chưa bị bơ, sữa, rượu, cà phê làm loang lổ. Hạnh phúc không ở đâu xa, chỉ cần soi gương
nhìn lại Mình thì sẽ thấy ngay, không phải soi gương để đánh phấn, để tỉa râu,
hay để nặn mụn, mà để nhìn thấy những nếp nhăn đã bắt đầu thành hình đuôi con
mắt và nhận thức rằng “Cuộc đời như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao…” mà
cố sống sao cho những ngày còn lại được thanh thản. Thế là Hạnh Phúc!
Trái đất yên bình!
Chu Tất Tiến,