TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Sunday 25 December 2022

ĐẠI HÙNG ĐẠI LỰC VÀ ĐẠI TỪ BI

https://phtq-canada.blogspot.com/2022/12/dai-hung-dai-luc-dai-tu-bi.html

Sunday, December 25, 2022


Tinh thần Đại Hùng Đại Lực và Đại Từ Bi của Phật Giáo.

Tinh thần đại hùng, đại lực và đại từ bi đối với sự hòa giải hòa hợp bên trong các dân tộc và giữa các dân tộc đưa đến nền hòa bình cho loài nguời.

Sự hòa giải hòa hợp đưa đến hòa bình chỉ có thể thực hiện khi những người hoạt động chính trị đều thật sự yêu thương người khác và có đủ sức chế ngự các dục vọng của mình, để không bị lòng tham quyền lực danh vọng cuốn vào con đường độc đoán và tàn ác.

Các đức tánh cần thiết trên đây đã được nhiều triết gia, học phái đạo đức nêu ra. Nhưng tự cổ chí kim, từ đông sang tây, không có trường phái nào có những nhận định và chủ trương thích ứng bằng Phật Giáo về các vấn đề này. Đó là vì Phật Giáo có những nguyên tắc căn bản khác với nguyên tắc của các giáo phái khác. 

1- Giáo lý nhà Phật không kêu gọi con người nhắm mắt tin tưởng theo và tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh các giáo sĩ của mình để được cứu rỗi hay hưởng phước. Trái lại, giáo lý nhà Phật dạy con người phải dựa vào mình trước nhất và phải cố gắng tự giải thoát. Ngay đến pháp môn Tịnh Độ Tông dạy con người tu hành bằng cách niệm Phật cũng không phải là một lối giải thoát hoàn toàn bằng tha lực, vì việc niệm Phật hàm ý là người tu theo Tịnh Độ tự nguyện làm lành lánh dữ và giữ các giới cấm tối thiểu. Sự tu hành theo Phật Giáo thuộc mọi tông phái đều đòi hỏi con người phải có đại hùng đại lực, tức một sức mạnh tinh thần vững chắc. 

Về mặt suy luận, tinh thần đại hùng đại lực mà Phật Giáo đòi hỏi nơi con người đưa đến tự do tư tưởng. Người theo Phật Giáo chân chánh không để cho mình bị cột buộc vào bất cứ tín điều hay định kiến nào, mà phải tự mình suy nghĩ để tìm chân lý. Trong bộ kinh Tăng Nhứt Tập, có ghi việc Đức Phật dạy người Kalama không nên tin theo truyền thống, kinh sách hay bực thầy dù đạo hạnh cao siêu, mà chỉ nên tin theo cái phải/quấy mà chính tâm trí mình nhận thức được. 

Trong lịch sử nhân loại, Đức Phật là vị giáo tổ duy nhất nhiều lần căn dặn các đệ tử không nên tin ngay các điều Ngài nói, mà phải xét kỹ lại, khi nào thấy chắc chắn những lời nói đó có giá trị thì mới tin theo. 

2- Chẳng những tự mình theo nguyên tắc tự do tư tưởng, người Phật tử chân chánh còn tôn trọng tự do tư tưởng của nguời khác. Đức Phật đã dạy các đệ tử phải đối xử với các giáo lý và giáo phái khác một cách khoan dung. Có lần người cầm đầu một giáo phái sai đệ tử là Upali gặp Đức Phật để đấu lý về thuyết luân hồi. Upali thấy Đức Phật có lý nên xin làm đệ tử của Ngài. Nhưng Đức Phật bảo: «Ông phải suy nghĩ cho thật chính chắn về lời nói của tôi, chớ không nên vội vã». Ông Upali thiết tha nài nỉ, Đức Phật yêu cầu ông đừng bỏ thầy cũ mà phải phụ giúp thầy này như truớc. Câu chuyện này cho thấy Phật giáo dạy người mở rộng tâm não để thông cảm với mọi giáo lý khác, vì chân lý vốn hiện ra muôn mặt và thường thì mỗi học thuyết đều có chỗ sở đắc của nó. Nguời Phật tử chân chánh phải phá trừ kiến chấp, tránh sự cuồng tín hẹp hòi. 

3- Nhưng sự khoan dung của Phật giáo không phải đưa đến sự tiêu cực thụ động trước những việc làm của kẻ sai quấy. Tinh thần đại hùng đại lực chẳng những được dùng vào việc tự thắng mình để tìm chân lý và theo chánh đạo, mà còn phải được dùng vào việc chế ngự các lực lượng ác hại. Tuy nhiên, trong sự đối phó với những kẻ sai quấy, tinh thần đại hùng đại lực cần phải hòa với tinh thần đại từ bi. Đối với kẻ hung bạo không phải là quyết tâm diệt trừ, mà cố gắng cảm hóa để lôi về con đuờng phải và cho dù có phải sát hại họ vì công lợi thì cũng không nuôi lòng hận thù. Trong tinh thần Phật giáo, đại từ bi hết sức cần thiết để cân lại đại hùng đại lực. 

Cái khó trong việc đạt hòa bình cho thế giới không phải phát xuất từ chỗ Phật giáo chưa phổ biến khắp nơi, nó phát xuất từ chỗ chính người đã qui y Đức Phật, và dù đã thông hiểu giáo lý của Ngài mà vẫn chưa có được tâm tánh và hành động như lời Ngài dạy.

. . .

Trích trong tác phẩm "Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Truyện Võ Hiệp Kim Dung" của Nguyễn Ngọc Huy.

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll