TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Thursday 12 January 2023

THI SĨ ĐÔNG HỒ 1906-1969

https://phtq-canada.blogspot.com/2023/01/thi-si-dong-ho-1906-1969.html

Thursday, January 12, 2023
Nguyễn Kiến Thiết 11 tháng 1, 2023

Ngày Tết, nhớ về thầy Đông Hồ

Thi sĩ Đông Hồ (file photo)

Trong bài nầy, tôi muốn viết những kỷ niệm về thầy Đông Hồ nhân khi tìm được tấm ảnh cũ thầy tặng tôi 54 năm về trước. Đồng thời làm sáng tỏ một vài chi tiết về hành trạng cũng như cái chết đầy huyền thoại của thầy Đông Hồ. Đó cũng là cách để trả phần nào món nợ tinh thần đối với thầy của mình.

Từ một tấm ảnh cũ…

Cuộc đời và sự nghiệp thầy Đông Hồ (1906-1969) đã làm hao tốn nhiều giấy mực của biết bao nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình văn học từ Nam chí Bắc, cũng như của phần đông môn sinh của thầy từ Trí Đức Học Xá (TĐHX) Hà Tiên đến Đại học Văn Khoa (ĐHVK) Saigon.

Nói đến Đông Hồ, người ta nghĩ ngay tới nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học. Nói đến Đông Hồ, người ta nghĩ ngay tới “một người có công với Quốc văn” (Nam Phong số 173), đã “tự nguyện làm một người tri kỷ với Quốc văn, (…) cùng với Quốc văn ước nguyền sông núi” (Trọng Toàn, Nam Phong số 175). Có người còn cho rằng Đông Hồ là một trong những tiền bối có công đầu khai phá cho bộ môn Thư pháp chữ Quốc ngữ. Võ Phiến còn tán tụng: “Đông Hồ văn hay chữ đẹp, làm thơ xướng họa, viết câu đối mừng đám cướikhóc đám ma, viết những cánh thiệp đón xuân chúc Tết v.v… thì tuyệt” (Văn học miền Nam – Thơ, NXB Văn Nghệ, 1999).

Nhớ lại lúc còn theo học chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm tại ĐHVK Saigon, tôi có phước duyên được dự những buổi giảng của thầy Đông Hồ vào mỗi sáng thứ Ba hằng tuần (khoảng tháng Ba đến tháng Sáu năm 1968). Năm ấy, thầy giảng về Văn học Miền Nam – Văn học Hà Tiên. Sau khi điểm qua bối cảnh lịch sử hình thành miền Nam theo đà Nam tiến của tổ tiên người Việt, thầy dừng lại khá lâu để giới thiệu, phân tích Văn học Hà Tiên – đặc biệt Truyện Song Tinh và Tao đàn Chiêu Anh Các.

Vốn là một “thi sĩ phong lưu” nên lối dạy của thầy Đông Hồ không bị gò bó trong chương trình quy định, không khác Đông Kinh Nghĩa Thục, như nhận xét của Nguyễn Hiến Lê: “Lựa một bài thơ, một áng văn hoặc một thời sự, một truyện cổ làm đầu đề giảng của mỗi buổi, rồi liên miên bàn về cách xử thế tu thân, về lòng yêu nước, về cách đặt câu, dùng chữ v.v…”. Giảng về truyện Song Tinh, đôi lúc ngẫu hứng thầy cất cao giọng sang sảng ngâm mấy bài thơ luật và các cặp lục bát tiêu biểu trong truyện. Thầy đắc ý nhứt là các từ hoa – lối trùng điệp chơi chữ:

Khách tiên từ tận mặt tiên / Một mình tưởng lại một mình / Vốn quê nên giữ lòng quê

Song le cách trở đó đây / Mặt nhìn tận mặt, phiền tây thêm phiền… 

Một buổi sáng thứ Ba hôm ấy, trời trong xanh, nắng vàng chói lọi. Vài cơn gió nhẹ thoảng qua ngập ngừng mơn man từng cánh hoa phượng đỏ thắm trong sân trường Đại học. Thay vì giảng bài tiếp, thầy cao hứng ngâm mấy câu thơ do thầy sáng tác:

            Mùa son hoa phượng nở son / Vàng son hoa nở hai mùa…

Mùa son hoa phượng nở hồng (?) / Hồng gieo đỏ thắm tám nẻo đường Văn khoa.

Có lần, tôi đặt câu hỏi: – Thưa thầy, những câu thơ thầy vừa ngâm phải chăng chịu ảnh hưởng lối trùng điệp chơi chữ trong truyện Song Tinh?

Thầy đáp: – Câu hỏi của anh rất hay. Thầy chịu ảnh hưởng cách sử dụng điệp ngữ, trước hết ở truyện Song Tinh rồi Lục Vân Tiên và Truyện Kiều.

Sau khi thi đậu chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm, tôi tình cờ gặp lại thầy Đông Hồ ở ĐHVK Saigon. Nụ cười, ánh mắt tình sư đệ trao nhau đượm nồng tình cảm. Thầy kêu tôi vô phòng học rồi rút từ trong cặp ra hai tấm ảnh:

Tấm thứ nhứt thầy mặc quốc phục (áo dài khăn đóng) chụp bán thân năm thầy khoảng hai mươi tuổi, lúc bắt đầu dạy học ở TĐHX Hà Tiên; tấm thứ hai thầy mặc com-lê màu xám, áo sơ-mi trắng, thắt cà-vạt màu sậm và đeo cặp kính lão.

Tấm ảnh thứ hai nầy thầy vừa chụp để kỷ niệm lúc dạy học tại ĐHVK Saigon, được thầy ký tên sẵn dành tặng một số môn sinh. Điều cần nói rõ là mỗi lần lên bục giảng, thầy Đông Hồ luôn vận Âu phục như đã mô tả trong tấm ảnh thứ hai. Sau khi hỏi tên họ tôi, thầy hí hoáy viết mấy chữ đề tặng tôi trên tấm ảnh thứ nhứt. Xin được đọc ở mặt trước, phía dưới theo thứ tự: (chữ ký) Đông Hồ, 22.VIII.68 để cho…; và mặt sau:… môn sinh Nguyễn Kiến Thiết giữ làm lưu niệm. Đ.h. [Để ý cách ghi của thầy: ngày và năm bằng số Arab; tháng bằng số La Mã].

Rồi thầy tặng tôi cả hai tấm ảnh đánh dấu hai giai đoạn trong đời dạy học của thầy.

Tôi bồi hồi xúc cảm nhận hai tấm ảnh từ tay vị thầy khả kính và nguyện sẽ giữ gìn cẩn thận, coi như đó là những kỷ vật thiêng liêng. Nhứt là tấm ảnh thầy mặc quốc phục, có thể nói “độc nhứt vô nhị” – mà trong đời thường tôi chưa bao giờ được thấy – có dáng vẻ một nhà nho tiên phong đạo cốt, còn ghi đậm trong lòng tôi cho mãi đến ngày nay. Tôi nhớ lời khuyên dạy của thầy còn văng vẳng bên tai: “Thầy mong đào tạo những anh tài, trong đó có Kiến Thiết, sẽ nối gót thầy phát huy Văn học Miền Nam!” (Thầy thường gọi đám môn sinh chúng tôi là “thế hệ anh hoa tuấn tú”).

Sau những cuộc bể dâu, tôi những tưởng là tấm ảnh ấy cùng chung số phận với các tập thơ của thầy Đông Hồ: không còn trong “Tủ Sách Gia Đình Nguyễn Kiến Thiết” nữa. Không ngờ, một cái “phước duyên” lạ lùng đã đưa châu về hợp phố: Người anh họ của tôi đã nâng niu cất giữ và gởi trả cho tôi tấm ảnh ấy trước khi anh qua định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O. Đó cũng là lý do, là nguồn cảm hứng để tôi viết bài nầy coi như cách để trả ơn thầy Đông Hồ.

Nhớ về thầy Đông Hồ

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một thầy Đông Hồ với “dáng gầy tuấn nhã nét văn nhân”, mũi cao thanh tú. Mái tóc bạc không dài lắm cũng đủ bồng bềnh quấn hai bên vành tai. Mỗi lần chấp bút, “những ngón tay búp măng trắng trẻo” của thầy “đưa thoăn thoắt trên tờ giấy điều”. Thầy luôn có cái nhìn tríu mến, thân thương. Nụ cười hiền hậu, rất tươi. Giọng nói trong và ấm, ngâm vịnh thơ văn rất tuyệt.

Về cách trang phục, nhiều người không theo học trực tiếp với thầy Đông Hồ, chỉ nhìn thấy hình thầy rồi tha hồ “hư cấu”, nên càng “tam sao” càng “thất bổn”! Phần đông đều mô tả thầy Đông Hồ lên bục giảng đều mặc quốc phục! Đầu tiên, từ Tháng Năm 1969 (tức hai tháng sau ngày thầy mất), Đỗ Châu Huyền và Trần Đình Lập đã viết trên báo Cấp Tiến: “Nhà giáo Đông Hồ lúc nào đến giảng đường cũng vui tươi với tấm lòng yêu quê hương, phát huy tinh hoa của tiếng nói dân tộc và trang trọng trong bộ quốc phục như nhà mô phạm thời xa xưa”. Lê Hồng Thiện trong bài “Nhà giáo, nhà thơ Đông Hồ giảng bài đến chết”, có viết: “Ông [tức Đông Hồ-NKT] vẫn mặc áo dài, khăn xếp lên bục giảng…” . Nguyễn Triệu Nam (trưởng nam nhà văn Nguyễn Triệu Luật) trong bài “Kỷ niệm về thi sĩ Đông Hồ”, có viết: “… Lễ lạc hay tiếp tân đều vận quốc phục, khăn đóng, áo dài, giầy Gia Định”.

Là môn sinh đã theo học với thầy Đông Hồ ít nhứt sáu buổi giảng, và có vài lần gặp thầy tại trường, tôi xin xác nhận: Mỗi lần lên bục giảng ở ĐHVK Saigon, thầy Đông Hồ thường vận âu phục tươm tất: com-lê màu xám, áo sơ-mi trắng, thắt cà-vạt màu sậm, chân mang giầy đen Gia Định. Chỉ những dịp lễ lạc, tiếp tân, thầy mới mặc quốc phục.

Cách xưng hô của thầy cũng có người ngộ nhận. Chẳng hạn, Lê Hồng Thiện đã viết: “Ông (…) xưng thầy và gọi học trò trai là con trai của thầy, coi con gái là con gái của thầy” (Tài liệu đã dẫn). Trong Đặc San Gia Đình Cựu Giáo Chức Việt Nam Tại Québec 2011 (NSGĐCGCVN), tr.130, Nguyễn Bá Hoa có trích lại đoạn thầy Đông Hồ “giảng” về bài thơ “Trưng Nữ Vương” của nữ sĩ Ngân Giang: “Dù chiến thắng vẻ vang đuổi được quân Tàu, dù quân thù khiếp hãi, Bà Trưng vẫn là người đàn bà đang có tang chồng. Phần trên bài thơ tả chiến thắng của Hai Bà; đến bốn câu kết thì tuyệt. Thầy đọc cho các con nghe, ai thích thì chép”. Vì bạn Nguyễn Bá Hoa không ghi rõ xuất xứ, mặc dầu in chữ nghiêng trong ngoặc kép, chúng tôi ngỡ là văn phong của nữ sĩ Mộng Tuyết hơn là lời giảng – trong đó có cách xưng hô – của thầy Đông Hồ!

Mặc dầu cách xưng hô không phải là vấn đề lớn; nhưng đã viết thì phải đúng hoặc gần đúng sự thật. Tôi nhớ không lầm thì các thầy ở ĐHVK Saigon, như GS Nguyễn Khắc Hoạch, GS Thanh Lãng, GS Bửu Cầm v.v… trên bục giảng thường xưng “tôi” và gọi sinh viên là “các anh chị” hoặc “các bạn”. Riêng GS Nghiêm Toản thường gọi đùa chúng tôi là “Tiên sinh” hoặc “ông Cử/bà Cử”. Bởi lẽ sinh viên thuộc nhiều lớp tuổi (từ 20 đến 60), thành phần, địa vị xã hội khác nhau. Ngoại trừ sinh viên thuần túy, phần đông học “hàm thụ”: một số đã đi dạy học; một số phụ trách phòng ban ở các Sở, Bộ; còn có một số sĩ quan các cấp trong quân lực VNCH- trong đó có mấy ông tướng.

Thầy Đông Hồ thường xưng “thầy” và gọi sinh viên là “các anh chị” hoặc “các bạn”. Những lúc chuyện trò thân mật, thầy chỉ nói đùa và gọi “học trò trai là con trai của thầy, học trò gái là con gái của thầy”! Càng không có chuyện thầy xưng hô trên bục giảng: “Thầy đọc cho các con nghe”.

Một người thầy tuyệt vời

Cuộc đời nhà giáo Đông Hồ, như mọi người đều biết, gồm hai giai đoạn: khởi đầu từ TĐHX ở Hà Tiên (1926-1934) và kết thúc ở ĐHVK Saigon (1964-1969). Riêng giai đoạn hai, chỉ vỏn vẹn có năm năm, để nối lại cái “tình duyên lỡ làng” với TĐHX 30 năm trước, nhưng hình ảnh và phong độ của thầy Đông Hồ đã in đậm vào tâm khảm chúng tôi. Đám môn đệ chúng tôi đều tán thành nhận xét của Võ Phiến: “Đối với sinh viên theo học ông, Đông Hồ là một người thầy tuyệt vời”.

Thật vậy, Đông Hồ là một nhà giáo yêu nghề, một người thầy tuyệt vời. Thầy là tấm gương sáng cho môn đệ noi theo: từ sự cẩn trọng trong cách ăn mặc đến sự mềm mỏng, lịch thiệp trong giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, văn thi hữu. Đỗ Hân có kể rằng:

Mỗi lần đến thăm Nguyễn Hiến Lê, ông đều tới thắp nhang ở bàn thờ cha mẹ bạn rồi mới ngồi xuống trò chuyện”.

Có người còn thuật lại, một lần nọ, lúc đang giảng bài, thầy vui vẻ nói với các môn đệ (đại ý):  Các bạn đừng quá chú trọng đến việc học với thầy, vì GS Thanh Lãng đã cho các bạn kiến thức bao la, GS Nguyễn Khắc Hoạch và GS Nghiêm Toản đã dạy các bạn những suy tư thâm trầm, trang nhã; riêng thầy như cành hoa, cánh bướm chỉ để làm công việc tô điểm mà thôi!

Ngoài sự tao nhã dễ thấy, đôi khi thầy còn tỏ ra nghiêm khắc trong cách đặt câu, dùng chữ, hun đúc cho đám môn sinh tình-yêu-tiếng-Việt, yêu cái quốc hồn quốc túy như thầy đã từng chịu ảnh hưởng thi hào Ấn Độ, Rabindranath Tagore: “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra”. Thật lòng thầy thương mến học trò như con cái trong nhà. Ngược lại, môn sinh yêu quý, kính trọng thầy như con đối với cha:

Tưới nước vun phân: người giáo hóa  /  Đầm thấm dồi dào, ân móc mưa

Ba xuân tấc cỏ tình sư đệ  /  Một hội trăm năm cảnh học đường!

(Cảnh học đường)

Mỗi buổi dạy vào sáng thứ Ba hằng tuần, thầy đến giảng đường rất sớm, trước giờ vào lớp học. Mục đích là để gần gũi, chuyện trò với môn đệ nhiều hơn. Thầy thường thân mật hỏi quê quán, gia cảnh, hoài bão mỗi người. Nếu có dịp, thầy thường kể chuyện về quê hương Hà Tiên, về Trí Đức Học Xá, về sự tích Tao Đàn Chiêu Anh Các ngày xưa, cũng như cái duyên được hiệu đính và xuất bản Truyện Song Tinh.

Nhà giáo Đông Hồ đến giảng đường ĐHVK Sài Gòn còn có “dáng dấp một nhà thơ, một văn nhân nên lớp học lúc nào cũng chan hòa ý thơ, là nguồn thơ bất tận, ý thơ tuôn trào”! Nhân ngày đầu một năm học, nhìn bình hoa cúc màu vàng tươi do các môn sinh trang trí, đặt sẵn trên bàn, thầy cảm hứng đọc mấy câu thơ:

            Hoa nào mới nở mùa khai giảng  /  Nô nức mùa khai hội gấm hoa

            Gấm trải tưng bừng vườn Đại học  /  Hoa phô rực rỡ ngõ Văn Khoa.

Tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Hiến Lê qua nhận xét sắc sảo về người thầy tuyệt vời Đông Hồ:

Tôi chắc chắn không có một giáo sư Đại học nào ở Việt Nam hiện nay [1970-NKT] có thái độ và tấm lòng đó đối với sinh viên. Có thể rằng giờ này đây, môn sinh ông quên gần hết những điều ông giảng về văn học miền Nam, về nhóm Chiêu Anh Các, nhưng suốt đời họ, họ sẽ không bao giờ quên được cái phong độ, cái chân tình nho gia của ông”. Cuối cùng ông khẳng định: “Nhiều người có thể thay Đông Hồ về môn Văn học miền Nam, nhưng cái không khí của giáo sư Đông Hồ, của “thầy đồ” Đông Hồ thì không ai tạo nên nổi”.

Cái chết của thầy Đông Hồ     

Đầu năm 1969, nghe tin thầy Đông Hồ có ý muốn nghỉ dạy vì tuổi già sức yếu, GS Thanh Lãng, Trưởng ban Văn chương Việt Nam ĐHVK Saigon, gặp nhà thơ và nói: “Thưa tiên sinh, sinh viên nó quý tiên sinh lắm. Tiên sinh cố gắng trở lại với học trò, nếu lỡ tiên sinh có ra đi giữa đám học trò thì âu đó cũng là nghiệp dĩ”. Nghe lời khuyên chí nghĩa, chí tình, thi sĩ Đông Hồ đã vui vẻ trở lại trường lớp. Và những gì phải xảy ra, đã xảy ra sau đó đúng như tiên đoán của vị Trưởng ban Việt văn ĐHVKSG.

Trong một bài báo đăng trên Thời Báo số Xuân Tân Mão (2011), tôi có viết về nguyên nhân cái chết của thầy Đông Hồ là do cố gắng quá sức để nhập vai một cách xuất thần trích đoạn tuồng hát bội Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa tại ĐHVK Saigon. Với sự dè dặt thường lệ, tôi có ghi ở phần chú thích: “Người viết – vốn là môn sinh cũ của thầy Đông Hồ – biết được tin nầy qua một sinh viên đang theo học môn Văn Chương Quốc  m với thầy Đông Hồ thời ấy. Về nguyên nhân cái chết của thầy Đông Hồ cũng có người nói khác đôi chút… Rất mong được thân nhân của thầy Đông Hồ và bạn đọc soi sáng vấn đề trên” (Thời Báo số 1001, ngày 04/02/2011 tr.13-19).

Nhớ lại hôm dự tang lễ thầy Đông Hồ, tôi có hỏi một số sinh viên về nguyên do cái chết của thầy và được trả lời như sau:

-Hôm ấy, thầy giảng tác phẩm Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa. Sau khi minh họa một đoạn trong vở tuồng hát bội, thầy kêu mệt rồi ngồi nghỉ. Tôi có việc phải về sớm khoảng vài mươi phút trước khi buổi học kết thúc, nên không biết chuyện gì đã xảy ra sau đó.

Từ ấy cho đến khi viết bài cho Thời Báo, tôi vẫn đinh ninh thầy Đông Hồ ngã gục tại bục giảng ĐHVK Saigon trong lúc giảng tác phẩm Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa, đúng như chương trình đã ghi. Còn thơ của nữ sĩ Ngân Giang hoàn toàn không có trong chương trình học.

Một thời gian sau khi tờ báo phát hành, tôi nhận được một số góp ý của bạn đọc, phần đông trong Gia Đình Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Québec, cụ thể là Nguyễn Bá Hoa.

Tôi đã để công tra cứu nhiều tư liệu trong sách báo, trên các trang mạng Internet của các tác giả trong và ngoài nước viết về thầy Đông Hồ để có một cái nhìn tương đối đầy đủ, khách quan. Hơn nữa, tôi cũng mong muốn và đề nghị các nhà viết văn học sử nên có cái nhìn thật sự khoa học khách quan về nhà thơ Đông Hồ. Xin tạm dẫn sau đây.

Có tài liệu cho rằng: “Đông Hồ dẫn thơ của nữ sĩ Hồng Hà (Đoàn Thị Điểm) [đáng lẽ của nữ sĩ Ngân Giang-NKT]… Trong sự xúc động cao độ, Đông Hồ đã đứt mạch máu não…” (Lê Hồng Thiện, tài liệu đã dẫn). Một tài liệu khác ghi (nguyên văn): “Năm 1969, giữa giảng đường Đại học Văn Khoa Saigon, thi sỹ Đông Hồ đang bình giảng bài thơ này đã đứt mạch máu não khi ngâm câu “Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá…”. Sau một tuần [chi tiết sai, đáng lẽ chiều hôm ấy-NKT] thiêm thiếp tại bệnh viện Grant [đáng lẽ Grall-NKT], Đông Hồ ra đi vào cõi vĩnh hằng” (Nguồn).

Trong bài “Phút cuối cùng trên bục giảng” của Bùi Văn Chúc, có đoạn: “Các sinh viên dự lớp hôm ấy đều tin rằng: Khi đang bình giảng bài thơ “Trưng Nữ Vương” (…) của nữ sĩ Ngân Giang, vì quá xúc động trước vẻ đẹp của nhà thơ nên thầy Đông Hồ đã bị đột tử (tai biến mạch máu não) ngay trên bục giảng đường Đại học Văn Khoa Saigon vào ngày 25/3/1969” [Nữ sĩ Mộng Tuyết cho in lại trong “Núi Mộng Gương Hồ”, quyển 2, NXB Trẻ, 1998, tr.115-116].

Riêng Nguyễn Bá Hoa có kể một chi tiết khá trung thực: “Sáng thứ ba hôm đó (…) trong chương trình giảng dạy của thầy cho lớp Chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm có phần giảng về tác phẩm “Kim Thạch Kỳ Duyên” của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Nhưng nhân dịp lễ Hai Bà Trưng năm đó, thay vì giảng tiếp tác phẩm “Kim Thạch Kỳ Duyên” (…), thầy giảng bài thơ Vịnh Hai Bà Trưng của nữ sĩ Ngân Giang in trong tập Tiếng Vọng Sông Hương…” (Tài liệu đã dẫn, tr.129).

Dựa vào các nguồn tư liệu dẫn trên, người viết xin ghi lại nguyên nhân cái chết của thầy Đông Hồ, như sau:

Vào sáng thứ Ba (25/03/1969), thầy Đông Hồ đến lớp giảng tác phẩm Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa cho sinh viên chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm tại ĐHVK Saigon. Nhưng nhân dịp Lễ Hai Bà Trưng năm đó, thay vì giảng tiếp tác phẩm Kim Thạch Kỳ Duyên, còn vài mươi phút cuối, thầy Đông Hồ đã bình giảng bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang. Thầy đắc ý nhứt là bốn câu chót nên cất cao giọng ngâm mấy vần thơ: 

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi. 

Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá

Chênh chếch trăng tà bóng lẻ soi.

Vì quá cố gắng, và trong sự xúc động cao độ, thầy đã ngất đi tại bục giảng trong vòng tay môn sinh. Mọi người đưa thầy vào bệnh viện Grall để cấp cứu. Đến 19 giờ cùng ngày, thầy đã ra đi vĩnh viễn.

GS Bửu Cầm đã gởi tặng đôi câu đối phúng thật tuyệt:

                 Sông Thái ôm trăng, Lý Bạch thoát

                Trường Văn nhả ngọc, Đông Hồ siêu.

Có lần đến thăm GS Bửu Cầm, tôi đã nghe thầy đọc đôi câu đối vừa kể.

Không hiểu sao, có người đã trích dẫn sai:  

Sông Thái ôm trăng, Lý Bạch quị; 

Trường Văn nhả ngọc, Đông Hồ tịch.

(Để ý hai chữ cuối câu: quị và tịch, không theo đúng luật bằng trắc trong phép đối – NKT) (Nguồn)

Về sau, Chiêu Dương đã sáng tác mấy câu thơ:

Ai đem tang tóc vào thơ 

Ngâm câu “Điện ngọc…”, Đông Hồ ra đi.

Cái chết của thầy đã đi vào huyền thoại. Có người còn nói là cái chết đầy “bí ẩn”? Một cái chết thật đẹp – đúng như tiên đoán của GS Thanh Lãng và nhận xét của Nguyễn Hiến Lê! Đó là ý trời mà cũng hợp với ý thầy, như câu của Lương Khải Siêu: “Chiến sĩ tử ư sa trường; học giả tử ư giảng tọa”.

Thầy được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Saigon (nay là công viên “Lê Văn Tám”). Trên mộ bằng cẩm thạch Ý Đại Lợi có khắc hai câu thơ lục bát, không biết do môn sinh TĐHX Hà Tiên hay ĐHVK Saigon sáng tác:

Ân sâu, nghĩa nặng tình dài

Khóc thầy, khóc mãi, biết đời nào nguôi?

Đến ngày 30/06/1983, nữ sĩ Mộng Tuyết đã di quan về Hà Tiên, cải táng trên núi Tô Châu. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của thầy Đông Hồ.

Thay lời kết

Thầy Đông Hồ đã ra đi vào cõi vĩnh hằng để lại niềm tiếc thương vô hạn của môn sinh, đồng nghiệp, văn thi hữu cũng như của người bạn đời, bạn thơ của thầy – nữ sĩ Mộng Tuyết.

Nguyễn Hiến Lê, từ năm 1970, đã ao ước những câu thơ sau đây của thầy Đông Hồ “được khắc trên phiến đá Ngũ Hành Sơn mà dựng trước di chỉ Trí Đức Học Xá ở Hà Tiên hoặc khắc lên bảng đồng trong phòng diễn giảng ở Đại học Văn Khoa Saigon:

“Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên  

Nền móng văn chương cổ điển

“Đặt xây viên đá đầu tiên  

Xây dựng tương lai còn hẹn”

(Tiếng Việt huy hoàng – 1967).

Nhân dịp Lễ kỷ niệm húy nhật đệ nhị chu niên của cố thi sĩ Đông Hồ, do trường Trung học Nguyễn Trung Trực Kiên Giang và nhóm môn sinh tổ chức vào ngày 28/03/1971 tại Kiên Giang, GS Thanh Lãng đã phát biểu: “Trong khi ở trung tâm thủ đô, văn thi sĩ lơ là với Đông Hồ bao nhiêu thì ở miền cực Nam, văn thi sĩ say sưa với Đông Hồ bấy nhiêu”. Theo GS, “Nếu Nhất Linh đã làm đẹp mặt miền Bắc, thì ít ra Đông Hồ cũng làm đẹp mặt miền Nam”. Cuối cùng, “GS đề nghị với ông Tỉnh trưởng và Hội Đồng tỉnh Kiên Giang nên đặt tên đường Đông Hồ trong thị xã, và đề nghị với ông Đổng Lý chủ tọa dành một cái gì cho thi sĩ Đông Hồ, tốt hơn hết là đổi tên đường Lam Sơn trước nhà cố thi sĩ thành đường Đông Hồ”.

Viết bài tường thuật buổi lễ kể trên để đăng ở Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, tôi chợt nghĩ đến việc đặt một tấm bảng nhỏ ghi mấy dòng chữ tại giảng đường ĐHVK Saigon: “Nơi đây, người thầy tuyệt vời Đông Hồ, một người thiết tha yêu tiếng Việt đã ngã xuống”.

Giờ đây, ước mơ của Nguyễn Hiến Lê và tâm nguyện của người viết vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng đề nghị chánh đáng của GS Thanh Lãng đã được thực hiện. Hiện nay, theo chỗ chúng tôi được biết, có một số đường đã đổi tên thành đường Đông Hồ, như ở quận Tân Bình và quận Tám, Saigon cũ, hay ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Riêng người học trò xuất sắc ở TĐHX, người bạn đời tri kỷ của thầy Đông Hồ – nữ sĩ Mộng Tuyết – đã thực hiện tâm nguyện của thầy khi còn sống. Ngoài việc tập hợp các bài giảng của thầy ở ĐHVK Saigon để in thành sách (Văn Học Miền Nam), tác giả “Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp” còn xuất bản tập “Núi Mộng Gương Hồ” để tưởng nhớ đến người thầy tuyệt vời, người chồng yêu kính của mình.

Chưa hết, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội còn lập nên “Nhà Lưu Niệm Đông Hồ” (ở số 46, đường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên) – tức trên nền cũ TĐHX – để lưu giữ các kỷ vật, bút tích, di ảnh, tác phẩm của nhà thơ. Có thể nói, trong “Hà Tiên Tứ Tuyệt” (gồm Đông Hồ, Lư Khê, Trúc Hà, Mộng Tuyết) thì đôi uyên ương Đông Hồ – Mộng Tuyết chiếm hết hai. Nói theo Huy Cận: Đông Hồ – Mộng Tuyết là duyên văn tự, mà cũng là tình duyên, tình đời, thấm đượm tình non nước.

Noi tấm gương sáng của thầy, người viết cũng tập tễnh làm thơ, viết văn, làm báo rồi nghiên cứu văn học với sự nghiêm cẩn học được ở thầy. Trong khoảng thời gian dạy học, đã thể hiện phần nào tình-yêu-tiếng-Việt, tình-yêu-say-sưa-văn-học-miền-Nam mà thầy thường nung đúc (như giảng về Ca dao miền Nam, Văn chương chữ Quốc ngữ, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa v.v… cho sinh viên Đại học Cần Thơ và Đại học Hòa Hảo, rồi cho sinh viên Lớp Quê Hương Mến Yêu tại Montréal, Canada). Nhưng môn sinh của thầy không bao giờ tạo nên nổi “cái không khí của giáo sư Đông Hồ, của thầy đồ Đông Hồ” được.

Để kết thúc, người viết xin chép lại mấy câu thơ khóc thầy trên mộ chí ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngày nào: 

Ân sâu, nghĩa nặng tình dài

Khóc thầy, khóc mãi, biết đời nào nguôi!

llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/cao-thom-lan-gio/nha-suu-khao-nhat-tam-nguyen-ba-the/

·                

Nhà sưu khảo Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế

·                Nguyễn Kiến Thiết



Trường Đại học Cần Thơ năm 1967. Hình minh họa

·                Để thực hiện bài nầy, ngoài mối giao tình giữa tôi và nhà sưu khảo được lần lượt tái hiện qua trí nhớ, còn có sự tiếp tay của văn hữu Lê Cần Thơ (tức Lê Hoàng Viện, Huyền Vân Thanh) qua việc cung cấp nhiều nguồn tư liệu quý cũng như sao chụp một số bìa sách và thủ bút của ông Nguyễn Bá Thế. Ngoài ra cháu Nguyễn Thị Băng Trinh- ái nữ của nhà sưu khảo đã cho phép Nguyễn Văn Nở sao chụp trong Quyển sổ lưu niệm của ông, bài thơ do Trúc Lan tôi sáng tác để dành tặng người bạn văn vong niên ngày 16/9/1976. Xin gởi lời cám ơn nồng hậu nhứt đến nhà văn Lê Cần Thơ, cháu Nguyễn Thị Băng Trinh và cựu môn sinh Đại học Cần Thơ- PGS TS Nguyễn Văn Nở.

Nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế (1925-1996). Ảnh tác giả gởi

Lịch sử văn chương Việt Nam cũng như thế giới đều ghi nhận một thực tại vô cùng chua xót: Phần lớn các văn thi sĩ trước khi thành danh thường trải qua cảnh ngặt nghèo khốn khó. Nguyễn Công Trứ đã từng sống cảnh “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”, Trần Tế Xương phải “chạy ăn từng bữa”, Vũ Trọng Phụng đã chết trong cảnh lầm than…Và Nguyễn Bá Thế cũng không ngoại lệ. Đó là đề tài tôi muốn viết về nhà sưu khảo văn học Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế.

·                Duyên lành gặp gỡ. Tôi quen nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế từ trước năm 1975 lúc về giảng dạy ở Đại học Cần Thơ. Có lần tôi chở ông trên chiếc xe gắn máy đến viếng mộ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, sau đó mời ông một tách cà-phê để làm quen và kết tình văn nghệ. Bấy giờ ông đi đứng không vững và lãng tai nặng. Phải kề miệng sát lỗ tai và nói lớn tiếng ông mới nghe được. Sau biến cố Tháng Tư 1975, đúng ra là từ giữa cuối năm 1976, chúng tôi mới được dịp tái ngộ. Cứ vài ba tuần tôi đến gặp người bạn văn vong niên để mạn đàm thế sự, bàn luận văn chương. 

·                Từ chỗ sơ giao đến chỗ thân tình, chúng tôi thật sự quý mến nhau qua mối duyên văn nghệ. Thật ra lúc bấy giờ là cao điểm của thời kỳ bao cấp, ai nấy đều phải thắt lưng buộc bụng, thiếu thốn mọi bề, phải vật lộn với cuộc sống, với cái ăn, cái mặc. Đặc biệt là cái ăn. Cơm gạo không đủ, phải độn khoai, độn bắp và bo bo vi bản. Cái điệp khúc ai nấy đều đã nếm trải: Sổ hộ khẩu – sổ gạo – sắp hàng, đôi khi phải chen lấn, giành giựt mới mua được một món hàng “khiêm tốn”. Cho nên bàn chuyện văn chương là bàn chuyện hái sao trên trời, mò kim dưới biển xa rời thực tế. 

·                Bấy giờ ông hoàn toàn không còn khả năng nghe được nên chỉ trò chuyện qua bút đàm. Thính giác của ông dầu bị khép lại, nhưng bù vào đó là đôi mắt tinh anh, đầu óc mẫn tiệp- nhứt là giọng nói trong trẻo, nồng ấm có sức lôi cuốn và chiếm trọn cảm tình người được tiếp xúc. Tôi có thể mượn ý thơ cụ Đồ Chiểu để viết về nhà văn hóa Nguyễn Bá Thế: “Sự đời đà khép đôi tai thính; Nghiệp văn giữ tròn một tấm gương”. Ông nhắc tôi nên ghi một vài cảm nghĩ trong Quyển sổ lưu niệm của ông. Nhưng tôi chỉ hẹn lần hẹn lữa.

Vài nét về tiểu sử

·                Nguyễn Bá Thế sanh ngày 19 Tháng Mười Một 1925 tại làng Thường Thạnh, thị trấn  Cái Răng, Cần Thơ. Ngoài tên họ thật, hầu hết tác phẩm của ông còn ký các bút danh Thế Nguyên, Nhất Tâm, Nam Xuân Thọ. Thời niên thiếu, ông có cuộc sống nghèo khổ nhưng hiếu học- nhứt là tự học không ngừng, có thể so sánh với sức tự học dẻo dai bền bỉ của GS Bửu Cầm và thi sĩ Đông Hồ ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn. 

·                Là cựu học sinh trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, vốn lưu loát chữ quốc ngữ, ông còn đọc thông, viết thạo tiếng Pháp và chữ Hán. Thừa hưởng tinh hoa của thân phụ- tức nhà thơ, nhà soạn kịch Nguyễn Bá Thọ (Nam Sơn), ông nung nấu ý chí trở thành một nhà văn hóa. Lúc còn mài ghế nhà trường, ông đã bắt đầu sáng tác thơ văn. Sau đó viết tiểu thuyết, dịch sách và miệt mài sưu tầm, biên soạn văn học- cụ thể là các tác gia miền Nam, cũng như danh nhân lịch sử Việt Nam và Trung Quốc. Từ đó về sau, ông đã thành danh nhà văn, nhà sưu khảo không riêng gì ở miền Tây mà còn lan rộng khắp cả nước.

·                Đến thăm ông, ai cũng cảm thấy đau lòng khi nhìn tận mắt nơi ăn, chốn ở và nghe tận tai về hoàn cảnh kinh tế gia đình của một nhà văn hóa. Căn nhà trệt mái tôn lụp xụp ở hẻm Vú Sữa mang số 15/59 đường Duy Tân (nay là Hoàng Văn Thụ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) do nhạc phụ ông mua cho, vào mùa nắng thì nóng như đổ lửa, “bóng nắng giọi trứng gà trên vách”, còn mùa mưa thì nước len lỏi trên vách, xuống sàn nhà lót gạch Tàu, bốc mùi ẩm mốc khó chịu. 













Chợ Cần Thơ thời xưa. Hình minh họa

·                Vậy mà “căn nhà kỷ niệm” ấy đã gắn bó với ông suốt cả đời để ông yên lòng viết lách, theo đuổi nghiệp văn. Còn vợ ông từ thời bao cấp phải bỏ nghề giáo, đi buôn bán hàng rong ở chợ Ninh Kiều để phụ giúp việc sanh kế gia đình. Bất giác tôi liên tưởng tới hình ảnh thân cò lặn lội của bà Tú Xương mà cảm tác mấy câu thơ: “Quanh năm quần quật gánh hàng rong / Bươn chải nuôi con với một chồng!”. 

·                Những năm tháng gần cuối đời, số phận nghiệt ngã ập đến đời ông. Bị nhĩ tật chưa đủ, tạo hóa khéo cơ cầu bắt ông phải liệt thân nên mọi sanh hoạt hằng ngày đều bị hạn chế. Mặc dầu ở thế bi kịch, ông không đầu hàng số phận, mà trái lại vẫn lạc quan vui sống, miệt mài làm việc, phục vụ cho đời đến mức tối đa! Sau một thời gian dài chống chọi với bịnh tật, ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 02 Tháng Ba 1996 tại Cần Thơ, hưởng thọ 71 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn của người vợ hiền đảm đang và các con hiếu hạnh cũng như của đông đảo bằng hữu, văn thi hữu từ Nam chí Bắc. Ông được an táng tại nghĩa trang Từ thiện, bót số 10, Châu Thành, Cần Thơ.

·                Văn nghiệp

·                Trong giai đoạn đầu cuộc đời cầm bút, ông Nguyễn Bá Thế làm thơ, viết báo,  tiểu thuyết và dịch thuật. Về sau ông nghiêng hẳn về sưu khảo văn học và soạn từ điển. Văn phong bình dị, trong sáng, không cầu kỳ trau chuốt. Văn nghị luận đanh thép, rạch ròi, tham khảo nhiều tư liệu- kể cả tư liệu sống, “nói có sách, mách có chứng”.

·                .Về thơ. Ông làm thơ không nhiều lắm, đăng rải rác trên các báo địa phương và Sài Gòn. Một số bài thơ khác chưa hề phổ biến vì ông muốn viết cho riêng mình, cho bè bạn tâm giao. Ông có tập Thơ Vịnh Kiều độ 200 trang viết tay trên giấy tập học trò, định có dịp sẽ xuất bản. Vì quá tốt bụng và tin người, ông cho một văn hữu ở Sài Gòn mượn để tham khảo, nhưng quên trả lại. 

·                Một thời gian sau, ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy tập thơ của mình đã được xuất bản, tác giả không phải ông, mà là một “nhà văn hóa” có chút tiếng tăm- tức N.V.Y. (Tôi thuật lại việc “cầm nhầm” nầy với sự dè dặt, cẩn trọng dựa theo lời kể của chính ông và sự xác nhận của văn hữu Lê Cần Thơ). Tập thơ duy nhứt được xuất bản của ông là Một Kiếp Tằm Tơ (ký Nhất Tâm – 1996).

·                .Về báo chí. Nhà báo Nguyễn Bá Thế đã cộng tác với rất nhiều nhựt báo và tạp chí ở miền Nam từ năm 18 tuổi (1943) như Điện Tín, Thời Cuộc, Chuông Mai, Việt Bút, Buổi Sáng, Đuốc Nhà Nam, Tiếng Dân, Hoà Đồng, Văn Đàn, Thế Giới, Phổ Thông, v.v… Các bài đăng báo cũng như các đầu sách xuất bản khi thì ông ký tên thật, lúc với bút danh Thế Nguyên, Nam Xuân Thọ hoặc Nhất Tâm. Hãy nghe ông tâm sự với Lê Cần Thơ: 

·                “Tên họ thật của tôi là NGUYỄN BÁ THẾ, ký tên THẾ NGUYÊN, tức là tên THẾ với họ NGUYỄN bỏ bớt dấu ngã. NAM XUÂN THỌ là một cửa hiệu của thân phụ tôi, cũng là nhà thơ, nhà soạn kịch, tên thật là NGUYỄN BÁ THỌ, bút hiệu Nam Sơn. Năm 1945 ông thân tôi mất. Do tấm lòng hiếu thuận, tôi mang danh NAM XUÂN THỌ để biểu dương tinh thần thân phụ tôi sống mãi với đời. Còn bút hiệu NHẤT TÂM, vì tên tôi là THẾ, về mặt chữ Hán, chữ THẾ có một nét ngang, tượng trưng cho chữ NHẤT; vòng chữ THẾ tượng trưng cho chữ TÂM, vì vậy NHẤT TÂM tức là chữ THẾ chiết ra. Lại nữa, tôi dùng phương châm với câu “NHẤT sanh háo đức TÂM như thạch”, và “Thường bả NHẤT TÂM hành chánh đạo”(1).

·                Năm 1973, tại Cần Thơ, ông đứng tên chủ biên tạp chí Miền Tây Thăng Hoa với tôn chỉ: “Tô điểm non sông VIỆT, Bồi dưỡng văn hóa VIỆT”, Huyền Vân Thanh- tức Lê Cần Thơ phụ trách kỹ thuật. Đến số thứ tư đang lên khuôn ở nhà in Cần Thơ ấn quán thì đành phải đình bản bởi biến cố 30 Tháng Tư 1975.

·                .Về tiểu thuyết. Nhà văn Nguyễn Bá Thế đã “trình làng” vào giữa thập niên 50 những bộ tiểu thuyết như: Lá Cờ Hồng Thập, Lột Vỏ, Tình Và Nghĩa Vụ, Son Sắt Một Lòng… Nhà xuất bản Nguồn Sáng ở Sài Gòn lo việc in ấn và phát hành các bộ tiểu thuyết nầy từ năm 1949. Ngoài ra nhiều báo ngày đã in feuilleton các tiểu thuyết của ông như: Nghị Lực, Cô Giáo Ánh, Cô Ký Hiền, Một Chữ Đồng, Oán Tình, Gió Nghĩa Trăng Tình, Chim Việt Cành Nam…

·                .Về dịch thuật. Ban Tu Thư Tân Việt đã in một số tác phẩm của dịch giả Nguyễn Bá Thế như Tam Quốc Bình Giải, Kim Cổ Kỳ Quan, Thủy Hử  Tế Điên Hòa Thượng. Theo nhà văn Lê Cần Thơ, truyện dịch Tế Điên Hòa Thượng đã được xuất bản ngay tại Cần Thơ trước năm 1975. Báo The Viet Nam Post ở Houston đã in lại tác phẩm nầy rất nhiều kỳ, mang tựa Tế Công Hòa Thượng, nhưng chẳng ai thèm chi trả tiền nhuận bút cho người dịch! (2) 

·                .Về sưu khảo văn học. Đây là phần trọng tâm trong văn nghiệp của Nguyễn Bá Thế tiên sinh. Họ Nguyễn đã soạn nhiều đầu sách về danh nhân Việt Nam- hầu hết ở Lục tỉnh, và giao cho nhà Tân Việt của ông Lê Văn Văng lo việc xuất bản. Đó là những bộ sách trong Tủ Sách NHỮNG MẢNH GƯƠNG dùng tham khảo trong chương trình bậc Trung học như: 

·                Sương Nguyệt Anh (1956), Huỳnh Thúc Kháng (ký Thế Nguyên, 1956), Phan Văn Trị (ký Nhất Tâm, 1956), Bùi Hữu Nghĩa (1956), Huỳnh Mẫn Đạt (ký Thế Nguyên, 1956), Võ Trường Toản (ký Nam Xuân Thọ), Nguyễn Đình Chiểu (1956), Nguyễn Văn Vĩnh (1957), Tôn Thọ Tường (1957), Phan Thanh Giản (ký Nam Xuân Thọ, 1957), Học Lạc(1958), Phan Bội Châu (1958), Phan Chu Trinh (ký Thế Nguyên, 1959). 

·                Ngoài ra, từ năm 1963, tuần báo Văn Đàn của Phạm Đình Tân đã giới thiệu  nhiều bài biên khảo giá trị của ông như Nguyễn Trường Tộ, và loạt bài Khảo Về Tiếng Việt gây được tiếng vang trong văn giới. Chưa hết, nhà sưu khảo Huỳnh Minh (nhà xuất bản Cánh Bằng ở Sài Gòn) còn “lợi dụng” ông  trong việc hợp tác biên soạn một số sách loại sưu khảo “Xưa và Nay”, nhưng chỉ một mình ông Huỳnh Minh được hưởng lợi từ tác quyền tới tiền nhuận bút. Cụ thể là các quyển Cần Thơ Xưa Và NayGia Định Xưa Và Nay. 

·                Theo nhà văn Lê Cần Thơ, để soạn cuốn Gia Định Xưa Và Nay, “ông Huỳnh Minh đã mời ông Nguyễn Bá Thế lên Sài Gòn, ở hẳn tại nhà ông trong một hẻm trên đường Phan Đình Phùng để viết liền một mạch trong mấy đêm, xong thì mang đi nhà in nên quyển nầy còn đúng với sự sắp xếp của ông Thế. Như vậy, việc xuất hiện những quyển sách trong tủ sách nhà xuất bản Cánh Bằng của ông Huỳnh Minh phần nhiều có sự biên soạn của ông Nguyễn Bá Thế, nhưng không có ông đứng tên” (3).

·                .Một số bản thảo. Chí Sĩ Trên Đường Duy Tân Cứu Nước, Gương Nữ Lưu, Gương Nghĩa Liệt, Cao Hiền Xử Sĩ, Giai Thoại Văn Chương… và những di cảo mang chủ đề: Gương Chí Sĩ, Tinh Hoa Nòi Việt, Những Bậc Cao Tăng, Những Bậc Tiết Nghĩa, Phụ Nữ Lỗi Lạc, Nước Non Nhà, Lối Kim Cổ, Lắng Tiếng Đàn Lòng, Tên Tự, Hiệu Danh Nhân, Cây, Hoa Trái… Cũng theo nhà văn Lê Cần Thơ, được sự ủy nhiệm của gia đình nhà sưu khảo ở quê nhà qua cô Nguyễn Thị Băng Trinh- ái nữ của ông, tác phẩm di cảo Gương Chí Sĩ, trong tủ sách TINH HOA VIỆT NAM được giới thiệu đầu tiên ở hải ngoại (BNS Dân Ta tại Houston, Texas, Hoa Kỳ từ số 158, bộ mới, năm thứ 16, phát hành từ 28/6/1997 đến 11/7/1997).

·                .Về Từ điển. Đặc biệt bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam

·                Học giả Nguyễn Bá Thế còn là tác giả hai bộ sách giá trị: Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (TĐNVLSVN)  Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Trung Quốc (TĐNVLSTQ). Đây là những công trình tâm huyết được ông bắt tay biên soạn từ lúc ông 30 tuổi (1955), mãi đến 20 năm sau (1975) mới hoàn thành. Sau đó được chỉnh sửa, bổ sung cẩn thận và sẵn sàng xuất bản. 

·                


Một mẩu quảng cáo trên báo cho cuốn Việt-Sừ Nhân-Danh Từ-Điển của Nguyễn Bá Thế. Ảnh tác giả gởi

·                Tưởng cũng nên biết, bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam đã khởi đăng trên tạp chí Miền Tây Thăng Hoa số 3, 1974 (tr.53-93) với tựa đề Việt Sử Nhân Danh Từ Điển để “trước bạ” (Giấy phép xuất bản số 473/74/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP ngày 27/8/1974, dầy 100 trang). Số nầy đã phổ biến: Biêp tập đại ý, Lời nói đầu, Phàm lệ, Bản liệt kê danh hiệu các vị Hoàng đế, vương công cự khanh (gồm A. Đế hiệu, B.Vương hiệu, Vương tước, C. Công tước, D. Hầu tước, Đ. Bá tước, E. Tử tước,  Ê. Nam tước, Phụ chú (tước hiệu các nhân vật Trung Hoa và các Võ quan Pháp có mặt trên lịch sử ta, có phong tước) (3).  

·                Chỉ với hai bộ từ điển đồ sộ nầy được biên soạn công phu với tinh thần khoa học nghiêm cẩn, tôi có thể nói ông Nguyễn Bá Thế xứng đáng đạt danh hiệu học giả. Bởi vận nước và gia cảnh tới hồi đen đủi không đủ phương tiện xuất bản, lại thêm quá tin người nên hai bộ sách quý của ông bị thiên hạ “đoạt” gần hết.

·                Chỉ nói riêng về bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam. Bản thảo được thai nghén suốt 20 năm với hơn 4500 nhân vật chưa kịp và không thể chào đời bởi biến cố Tháng Tư 1975. Rồi thời kỳ bao cấp kéo dài suốt 10 năm (1976-1986), cả nước phải khốn đốn vì cơm ăn áo mặc nên mọi ước mơ sách được xuất bản của nhà sưu khảo đã tan theo mây khói. Tôi muốn nói rõ, bộ từ điển nầy chỉ một mình ông Nguyễn Bá Thế biên soạn. 

·                Mãi đến năm 1980, nhờ một “duyên may”, ông được “nhà văn hóa” Nguyễn Q. Thắng- Giảng viên Đại học Cần Thơ, đến thăm và bàn việc “hợp tác” xuất bản sách. Nhờ “công lao” của ông Nguyễn Q. Thắng trong việc “chạy lo giấy phép, lo vốn in v.v…” nên đến năm 1991, bộ từ điển được nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành lần đầu năm 1991 (1094 trang), sau đó tái bản tới 14 lần, tác giả theo thứ tự là Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế (Ông Thắng đứng trước ông Thế). Có dịp tôi sẽ bàn về việc “tiếm danh” gây lùm xùm trong văn giới một thời.

·                Kỷ niệm không quên 

·                Vào buổi xế trưa nọ- ngày 16 Tháng Chín 1976, trời nắng đẹp, tôi đến thăm nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế. Cũng với cái xiết tay nồng ấm, nụ cười thân thiện nở trên môi của hai người bạn văn vong niên. Chúng tôi trò chuyện qua bút đàm về văn chương, thế sự vô cùng tương đắc. Tôi viết một câu, ông nói thao thao vài chục phút. Cứ thế mà cuộc trò chuyện kéo dài, có khi cả tiếng đồng hồ. Hôm ấy, nhà sưu khảo say sưa điểm qua một số tác phẩm đã, đang và sẽ xuất bản, công trình nào thực hiện được, công trình nào còn dang dở cùng hoài bão của mình. Ông không quên đem bản thảo hai bộ từ điển ra “khoe” với tôi. Tôi choáng ngợp với công trình đồ sộ nầy và vô cùng ngưỡng mộ sự cống hiến của ông.

·                – Bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam gồm 4500 nhân vật lịch sử, có người tốt lẫn kẻ xấu, cùng 300 ảnh chân dung. Việc “hợp tác” không mấy vui vẻ, kém sòng phẳng giữa ông Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế trong việc xuất bản bộ từ điển nầy khiến ông càng ngao ngán rồi mang tâm bịnh

·                – Bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Trung Quốc gồm khoảng 10 ngàn nhân vật lịch sử từ cổ xưa đến cận đại, lưu phương (để lại tiếng thơm, tiếng tốt) lẫn lưu xú (để lại tiếng xấu) cùng vô số ảnh chân dung. Điều đáng nói, hai bộ từ điển nầy được soạn giả chép tay bằng mực tím, chữ nhỏ rõ nét nghiêng nghiêng đều đặn trên hàng ngàn trang giấy tập học trò, kể cả phần chữ Hán. Riêng về ảnh chân dung, phải nói là cả một kỳ công, cả niềm đam mê: Nhà sưu khảo phải chi hết số tiền chắt mót để mua đầy đủ báo ngày, báo tháng rồi mày mò, sưu tập, cắt dán; ảnh nào còn thiếu thì hỏi xin bè bạn, v.v…

·                













Một con đường khu trung tâm Cần Thơ năm 1960s. Hình minh họa

·                Thình lình trời đổ cơn mưa. Mưa như trút nước. Mưa nặng hột rơi rào rào trên mái tôn cũ kỹ.  “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”. Mưa giữ chân tôi lại để được dịp trò chuyện với ông nhiều hơn. Ông đem Quyển sổ lưu niệm ra nhắc tôi ghi vào một vài cảm nghĩ của mình. Tưởng cũng nên biết, nhà sưu khảo có tới mấy Quyển sổ lưu niệm để “lưu giữ lại những suy nghĩ riêng tư, rất thật và cũng rất quí đối với riêng ông” của hàng trăm tao nhân mặc khách thuộc nhiều thế hệ từ Nam chí Bắc. 

·                Dĩ nhiên không thể thiếu những “nhà văn hóa” như: Huỳnh Minh, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Q. Thắng. Để đáp tạ cái tình tri ngộ, thay vì viết mấy câu, tôi ghi vội bài thơ trong Sổ lưu niệm để tặng ông. Vì ghi vội nên có chỗ bôi xóa.Thiệt tình tôi không nhớ hết. Cũng may, nhờ sự tốt bụng của ái nữ nhà sưu khảo cho phép một cựu môn sinh của tôi sao chụp bài thơ ấy và gởi qua Canada cho tôi vào Tháng Ba 2022. Đó là bài thơ lịch sử tình bạn giữa ông và tôi. Bài thơ ấy như sau: 

·                Với Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế

·                Tôi đến nhà anh, trời đổ mưa

·                Xem qua tác phẩm*- sánh sao vừa!

·                Đời anh là cả đời văn nghiệp

·                Nên sính văn – mà cũng rất ưa thơ.

·                Mưa xuống thật nhiều, mưa thật lâu

·                Anh – tôi trao đổi thật tâm đầu 

·                Xưa, anh sáng tác không ngừng nghỉ

·                Nay, phải làm gì cho mai sau

·                “Tâm sự Thế Nguyên, ai có thấu

·                Nỗi lòng Nguyễn Bá Thế, biết ai hay?

·                Còn non, còn nước, còn người,

·                Còn tôi mến mộ đời đời Nhất Tâm”**.

·                Cần Thơ, chiều 16.9.76

·                Trúc Lan (N.K.T.)

·                Vì sợ lẫn lộn trong đống “tàng thư”, ông Nguyễn Bá Thế đã ghi tên họ tác giả: Nguyễn Kiến Thiết.

·                * Xem qua tác phẩm: xem qua bản thảo hai bộ Từ điển TĐNVLSVN  TĐNVLSTQ.

·                **Bốn câu thơ cuối nầy được đưa vào tập thơ Một Kiếp Tằm Tơ của Nhất Tâm, xuất bản năm 1996, tr.54. Tên tác giả là Nguyễn Kiến Thiết (thay vì Trúc Lan).

·                Bẵng đi một dạo, tôi đến thăm ông rất nhiều lần (tính ra có tới 60 lần) trong giai đoạn 1980-1986. Vẫn bút đàm. Người viết, kẻ nói. Trong phần bút đàm, tôi có sáng tác một bài thơ thứ hai dành tặng ông trên một tờ giấy rời. Qua bao cuộc bể dâu, nay đã thất lạc. Tôi chỉ còn nhớ mang máng và soạn lại bài thơ nầy lấy tựa đề Với Bạn Văn – Tặng Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế rồi đưa vào tập sách Những Trang Văn Đời Tôi do nhà Văn Học Mới Hoa Kỳ xuất bản năm 2021 (tr.127). 

·                Hết bàn chuyện văn chương thế sự tới khoa học huyền bí. Để chia sớt gánh nặng áo cơm cùng người vợ tảo tần thời bao cấp, có lúc Nguyễn tiên sinh đành phải bắt chước Tản Đà kiếm sống bằng cách Hướng dẫn phương pháp chấm tử vi cũng như lấy lá số tử vi cho một số người quen biết- trong đó có tôi. Tôi còn giữ bốn Lá số tử vi của bốn đứa con trai. Mỗi lá số độ 4-5 trang luận đoán công phu, khoa học được viết tay bằng mực tím trên giấy tập học trò với nét chữ nghiêng đều đặn, có cả mấy câu chữ Hán. Đối với tôi, đó là một trong những kỷ niệm không quên. Mức độ chính xác của các lá số lên tới 80%.

·                Vốn là người yêu sách, học giả Nguyễn Bá Thế cũng có thú mua sách và thú chơi sách- đặc biệt loại sách biên khảo văn học. Trên trang đầu mỗi cuốn sách, ông đều ghi hai câu thơ ngũ ngôn: “Khi xem xin giữ kỹ; Nghĩ đến kẻ xem sau”; rồi ký tên cẩn thận.

·                Ngoài ra, ông còn trao tặng tôi bốn cuốn sách Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội -1976 với thủ bút và chữ ký theo thứ tự: “Trao về bạn Nguyễn Kiến Thiết kỷ niệm đời văn (ký tên) Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế 28/10/1980”. Tôi vô cùng trân quý các cuốn sách ấy. Trải qua bao biến cố, tôi vẫn còn gìn giữ chúng coi như là kỷ vật thiêng liêng của tình bạn được kết nối qua mối duyên hàn mặc.

·                Tóm, Nguyễn Bá Thế với hơn 30 tác phẩm trong đó có hai bộ từ điển đồ sộ xứng đáng đạt danh hiệu học giả. Số phận dẫu có nghiệt ngã vẫn không dập tắt ngọn lửa nhiệt tình, tận tụy với nghiệp dĩ văn chương nơi ông- như con tằm vẫn cứ nhả tơ phục vụ cho đời liên tục trên 54 năm cầm bút, khởi đầu lúc 18 tuổi. Nhiều người quý mến ông về cách đối nhân xử thế, bởi sự tốt bụng và lạc quan yêu đời; nhưng cũng lấy làm tiếc vì ông quá tin người nên dễ bị thua thiệt trong cuộc sống. 

·                Dựa vào nhận xét của GS Linh mục Thanh Lãng: “Nếu Nhất Linh đã làm đẹp mặt miền Bắc, thì ít ra Đông Hồ cũng làm đẹp mặt miền Nam”, tôi có thể nói thêm: “Chính Nguyễn Bá Thế- nhà văn hóa bị bỏ quên đã làm đẹp mặt Tây đô, nói riêng và miền Nam, nói chung”. Ông xứng đáng có một vị trí đặc biệt trong văn học sử Việt Nam. “Của César nên trả lại cho César”. Tôi nghĩ “Những gì của Nguyễn Bá Thế nên trả lại cho Nguyễn Bá Thế”. 

·                Ngay cả nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh cũng đã vô tình bỏ quên ông khi phân loại ba dòng văn học tại miền Nam (giai đoạn Văn Học Miền Nam 1954-1975), trong đó có một (dòng) thuần Nam- cụ thể là đã liệt kê 10 tác giả “từ Trương Vĩnh Ký qua Hồ Biểu Chánh đến Phi Vân, Bình-Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trang Thế  Hy, Lê  Xuyên, Phương Triều, Thanh Việt Thanh” (4) mà không nhắc tới nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế.  Xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến người bạn văn vong niên, một đàn anh văn nghệ đã về miền tiên cảnh: Còn non, còn nước, còn người /  Còn tôi mến mộ đời đời Nhất Tâm!

·                _______ 

·                Chú thích: 

·                 (1), (2) và (3) Lê Cần Thơ: Những Bạn Văn Nghệ Ngang Qua Đời Tôi (Tâm Bút). Thư Ấn Quán – 2010 & 2016. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo một số bài viết của Lê Cần Thơ đăng trên: BNS Dân Ta số 100 xuất bản tại Houston, Texas, Hoa Kỳ (Bộ mới, năm thứ 14 ra ngày 11/03/1995 – 24/03/1995); Vĩnh Biệt Nhà Sưu Khảo Văn Học NGUYỄN BÁ THẾ,  Dân Ta số 128 (ra ngày 13/04/1996 – 26/04/1996). Một lần nữa xin thành thật cám ơn văn hữu đồng hương Lê Cần Thơ rất nhiều.

·                (4) Nguyễn Vy Khanh: Văn Học Quốc Ngữ Thời Đầu & Miền Nam Lục Tỉnh. Nhân Ảnh Hoa Kỳ xuất bản năm 2021. tr.92. 

llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll