https://phtq-canada.blogspot.com/2023/04/ca-phe-saigon-xua.html
https://phtq-canada.blogspot.com/2023/05/caravelle-hotel.html
https://phtq-canada.blogspot.com/2023/12/saigon-xua.html
https://phtq-canada.blogspot.com/2023/12/saigon-xua-dakao-tan-dinh.html
https://phtq-canada.blogspot.com/2024/02/dakao-tan-dinh-saigon.html
Trần Đình Phước
Tân Định và Đa Kao chỉ còn trong kỷ niệm.Xin kính tặng đến bà con Tân Định-Đa Kao và những ai đã từng đi qua nơi đây. Hy vọng bà con sẽ tìm lại được một chút kỷ niệm của ngày xưa yêu dấu.
Nhiều hình ảnh, nhiều nơi đã biến mất hẳn, còn lại một ít thì cũng đang dần dần đi vào chốn hư không. Nếu có còn chăng thì chỉ là những con đường không bị đổi tên.
Cho đến bây giờ, dù đã xa Tân Định và Đa Kao nhiều năm, nhưng trong tôi “Tân Định và Đa Kao” lúc nào cũng là một nỗi nhớ khôn nguôi! Nỗi nhớ này cứ thôi thúc tôi hoài. Đã bao năm qua, tôi muốn tìm về chốn này, để sống lại với kỷ niệm thuở học trò, mà tình yêu khi đó “chỉ biết đôi mắt nhìn nhau cũng đủ rồi.”
Tôi cứ hẹn nhiều lần, nhưng vẫn chưa bao giờ thực hiện được ước mơ của mình, rồi một dịp tình cờ đưa đến, giấc mơ đã trở thành hiện thực. Tôi đã có hai tuần lễ đi qua, đi lại, đi tới, đi lui, đi xuôi, đi ngược trên những con đường kỷ niệm của Tân Định và Đa Kao. Điều làm tôi rất đỗi ngạc nhiên và thích thú nhất là nhiều con đường trong khu vực này vẫn không hề bị đổi tên.
Thật vậy! Sau 30 Tháng Tư, 1975, một số tên đường của thành phố Sài Gòn thân yêu đã bị đổi bằng những cái tên hoàn toàn xa lạ. Nay, được thấy lại các tên đường ở khu Tân Định và Đa Kao không bị thay đổi nhiều, trong lòng tôi bỗng nhiên dâng lên một sự xúc động mãnh liệt và một niềm sung sướng vô cùng.
Xin mời các bạn cùng tôi tìm về những con đường kỷ niệm thân yêu của Tân Định và Đa Kao với những bồi hồi, rung động khó quên của thời niên thiếu không bao giờ phôi pha, dù năm tháng trôi qua như cơn gió thoảng.
Trước hết, xin bắt đầu từ Cầu Kiệu với con đường Hai Bà Trưng (HBT) đi về phía Sài Gòn. Khoảng đường này, bên tay phải là hẻm Vựa Gạo số 475 HBT, nơi các ghe thuyền ngày xưa chọn làm bến tấp nập xuống gạo ở đây, để từ đó gạo được giao lại cho các chợ. Hẻm có nhà của họa sĩ vẽ áo dài ba miền Nam, Trung, Bắc nổi tiếng Lê Trung. Ông đã từng đoạt nhiều giải thưởng lớn về hội họa.
Con hẻm đi ra được hẻm 60 Cù Lao Yên Đổ, phòng khám mắt của Bác Sĩ Kính, tiệm bán bông cườm cho đám tang, tiệm thuốc Bắc của ông Lang Sách, nay là tiệm bán “bánh tằm bì 457 HBT, là “Đặc Sản Bạc Liêu” của con trai cua rơ nước rút Nguyễn Văn Châu, thuê mở quán ăn. Cua rơ xe đạp nước rút Nguyễn Văn Châu đã làm nên một kỳ tích vô tiền khoáng hậu, mà cho đến nay chưa từng có bất cứ cua rơ xe đạp Việt Nam nào tạo được. Trong cùng năm 1961, ông đã đoạt chức vô địch nước rút Á Châu ở Đông Kinh và Đông Nam Á Vận Hội ở Ngưỡng Quang.
Số 459 HBT là nhà của nữ ca sĩ TV Chi Bảo PHQ. Có lẽ cô là ca sĩ duy nhất xuất thân từ lò của nhạc sĩ Nguyễn Đức còn cất tiếng hát cho đời thêm vui.
Thời vàng son của cô với những bài hát về lính như: Giờ Này Anh Ở Đâu? Vườn Tao Ngộ, Dấu Chân Kỷ Niệm, Thương Hoài Ngàn Năm…đã đưa tên tuổi cô đến gần với những người yêu tân nhạc, nhất là các anh lính chiến đang trú đóng nơi tiền đồn xa xăm, heo hút. Hiện PHQ định cư ở Nam Cali. Cô cùng nữ ca sĩ TTL phụ trách chương trình truyền hình “Tiếng Hát Hậu Phương” được phát trên Hồn Việt TV.
Hẻm cô Hai Kim, số 451 HBT. Bên phải đầu hẻm là tiệm điện Ngọc Sơn, trong hẻm có cô Hai Kim chuyên cắt lể, giác hơi, cạo gió và bán thuốc tể. Cạnh bên là nhà của dịch giả các truyện kiếm hiệp nổi tiếng Từ Khánh Phụng với các truyện: Trảm Lư Bảo Kiếm, Hỏa Long Thần Kiếm, Quái Khách Muôn Mặt, Song Nữ Hiệp Hồng Y Kiếm Hiệp…
Hẻm có lò làm bánh hủ tiếu và bánh cuốn tráng hơi của người Hoa chuyên đem bỏ mối trong vùng, Bà Năm Cà Lì bán vải ở chợ Tân Định.
Bên trái hẻm là tiệm sửa xe gắn máy Ông Bảy Mập, chuyên sửa xe mô tô Harley-Davidson, nhà thuốc Nhân Phong Đường hay còn gọi là Thuốc Cam Hàng Bạc số 447 B – HBT. Trước cửa, trên quầy kính bên trái có trưng bày một con nai bằng gỗ mun, nhìn tưởng như thật. Gia đình Nhân Phong Đường hầu hết ở nước ngoài, hiện chỉ còn người con trai út là cựu quân nhân Binh Chủng Thiết Giáp VNCH, ở lại trông coi và kế nghiệp. Căn nhà đã sửa lại khang trang hơn xưa.
Trước năm 1975, ông chủ thuốc cam Hàng Bạc có nhiều bộ sưu tập đồ cổ rất giá trị, nhất là những binh khí và đồ sành sứ cổ xưa, đặc biệt, có một con chim sáo nhỏ bằng ngọc thuộc loại quý hiếm.
Kế bên là tiệm cà phê tên Hải Nàm của người Việt gốc Hoa. Nơi đây bà con thuộc giới bình dân thường đến thưởng thức cà phê pha bằng vợt. Khác uống cà phê hai chân ngồi trên ghế theo kiểu ngồi nước lụt, miệng nhâm nhi ly cà phê xây chừng, môi bập bẹ điếu thuốc rê Gò Vấp, Cotab, Bastos xanh đỏ…để bàn chuyện thời sự, bàn những con số đề do đêm ngủ nằm chiêm bao thấy và hy vọng sẽ xổ vào buổi chiều mà thường thì suýt trúng, bàn chuyện giá cả hàng hóa lên xuống hàng ngày, chuyện chính chị, chính em, bàn về đua ngựa cuối tuần ở trường đua Phú Thọ, với các con ngựa được mang tên các nữ nghệ sĩ cải lương danh tiếng như: Út Bạch Lan, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết…
Ngoài cà phê ra, còn có hủ tíu mì, hoành thánh, bánh bao, xíu mại. Buổi chiều có thêm xe bán tiết canh, lòng heo của bà Thìn, nhà trong hẻm 60 Yên Đổ, Cù Lao.
Phía bên trái, dưới chân Cầu Kiệu là con hẻm nhỏ số 478 HBT, chuyên bán chó, kèm theo một đội quân chuyên săn bắt chó. Dụng cụ hành nghề rất đơn giản: một ống nước dài khoảng một thước rưởi, bên trong luồn một sợi dây cáp nhỏ, được thắt nút thòng lọng. Họ lùng sục khắp hang cùng, ngõ hẹp trong thành phố, ra đến tận ngoại ô để tìm nguyên liệu chó, đem về cung cấp cho các quán “cờ tây.”
Em cún nào chạy lang thang là chỉ vài giây, bằng thao tác chuyện nghiệp, các tay săn bắt chó đã đưa thòng lọng vào cổ em và ném ngay vào bao bố trong có đựng tro, để cho em bị ngộp, không sủa, không giãy giụa, hoặc ú ớ được. Nếu em chó nào đẹp, có giá trị thì chờ vài ngày cho chủ nhân đến tìm chuộc lại theo luật giang hồ. Đợi một thời gian không thấy ai đến chuộc thì sẽ hóa kiếp.
Kế tiếp là tiệm trà Phật Tổ, cây xăng nhỏ HBT, cửa hàng bán đồ điện Thành Mỹ, tiệm sơn Mậu Ký và cửa hiệu bán xe đạp cùng phụ tùng Đoàn Văn Thẩm được các cua rơ xe đạp chuyên nghiệp như: Lê Thành Các, Bùi Văn Hoàng, Trần Văn Nên, Ngô Thành Liêm, Lưu Quần, Huỳnh Anh, Trần Gia Thu, Trần Gia Châu, Trương Tỷ, Huỳnh Ngọc Chánh, Tô Hiếu Thuận, Võ Vĩnh Thời, Nguyễn Hữu Thoại, Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Văn Kỉnh, Trần Hữu Tuấn…thường đến chọn mua phụ tùng. Đôi khi họ phải nhờ tiệm đặt hàng sản xuất từ Pháp và Ý Đại Lợi. Sau này, có thêm tiệm bán xe đạp Tuấn Kiệt với bà chủ đeo kính trắng, gọng nhựa đen, miệng lúc nào cũng cười tươi như hoa nở.
Quẹo trái ở ngã ba là đường Trần Quang Khải. Đầu đường là phòng mạch của Bác Sĩ Hạnh. Trước khi đi ngoại quốc, ông đã làm giấy tờ hợp pháp giao lại căn nhà cho người em tên Lịch. Nay, vợ chồng anh hành nghề bơm và vá ép xe giá rất bình dân. Họ làm ăn rất đàng hoàng, uy tín và có lương tâm. Tiệm Billiards TQK, về sau đổi thành Salon bán xe TQK. Đi thêm vài bước là con đường nhỏ tên Nguyễn Hữu Cảnh, còn gọi là đường Xóm Chùa vì trong hẻm có nhiều chùa chiền.
Đầu hẻm, phía bên phải là chỗ mài dao kéo, tông đơ, rồi đến quán bánh cuốn Thanh Trì và xôi vò số 212/2B vẫn còn tồn tại. Quán bắt đầu khai trương từ năm 1957, sau khi ông bà đi cư vào Nam một thời gian. Bà chủ tên PTP đã mất năm 2010. Nay, con trai và con dâu của bà tiếp tục nối nghiệp. Khách vẫn đến ủng hộ rất đông. Quán chỉ mở vào buổi sáng cho đến 10 giờ. Ngồi trong quán vừa ăn, vừa nhìn xe và người đi qua, đi lại cũng vui mắt.
Nằm đối diện là Hãng Sáo Công Ty, rồi tới Trường Việt Nam Học Đường, số 38 đường Đặng Tất do Thầy Phan Hiếu Kính làm Hiệu Trưởng và Trường Trung Học Tư Thục Văn Lang, số 51 Trần Quí Khoách do Thầy Ngô Duy Cầu làm Hiệu Trưởng. Trường Văn Lang bắt đầu bằng hai dãy nhà lợp bằng tôn trên nền đất từ các ao rau muống. Sau đó Thầy Cầu cho xây dựng từ từ. Sau này, trường Văn Lang được xem như có bề thế nhất trong vùng. Thành phần giáo sư giảng dạy rất hùng hậu. Đa số đang là Giáo Sư của các Trường Công Lập nổi tiếng như Pétrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương, Gia Long… Năm nào, tỷ lệ học sinh trường Văn Lang cũng đều đạt thành tích rất cao trong các kỳ thi Tú Tài 1 và Tú Tài 2 do Bộ Giáo Dục tổ chức. Thầy Cầu mất đúng vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975.
Hiện nay, trường Văn Lang là trường duy nhất trong khu vực Đa Kao và Tân Định còn tồn tại và vẫn giữ tên Văn Lang. Tuy nhiên, nhà cầm quyền địa phương đang có kế hoạch xây lại mới vì trường được xây dựng đã trên nửa thế kỷ trên khu đất ruộng, hư hại nhiều theo thời gian, hiện đang chờ kinh phí phê duyệt xong là bắt đầu đập bỏ để xây lại. Không biết khi xây xong còn mang tên Văn Lang hay trở thành khách sạn, nhà hàng, hoặc chung cư nhiều tầng?
Đối diện trường Văn Lang là cư xá Kiến Ốc Cục Tân Định, dành cho công chức. Đi vào phía trong là chùa Vạn Thọ do Thượng Toạ Bửu Truyền trụ trì và một số chùa nhỏ khác nằm rải rác. Ngoài ra có dãy phố mười căn, trong đó có gia đình ban kích động nhạc thần đồng CBC danh tiếng một thời, vì các nghệ sĩ trình diễn đều còn ở lứa tuổi nhi đồng và ban nhạc chuyên phục vụ cho đám tang của Hội Bắc Việt Tương Tế mà nhạc công sử dụng các nhạc cụ dân tộc, kể cả phần khóc mướn.
Phía tay phải là quán cơm cây Điệp, kế bên là hãng sản xuất Gạch Bông Vân Sơn và tiệm Billiards mang cùng tên. Nhìn sang bên đường là tiệm giặt ủi Tân Tiến, cho thuê xe xích lô đạp, làm bản kẽm dầu, trường trung học tư thục Tân Thạnh do Thầy Phan Út làm Hiệu Trưởng. Trước khi đi vào cổng trường, phải đi ngang bảo sanh viện Ngô Liêng.
Hẻm trường Tân Thạnh đi ra được đường Đặng Dung, quẹo bên trái có khách sạn Đặng Dung, sang bên phải là nhà Thầy Hiệu Trưởng Văn Lang Ngô Duy Cầu, số 48A Đặng Dung. Nay là phòng chữa răng Ngọc Nha. Đối diện nhà Thầy Cầu là số 85 Đặng Dung, ngày xưa là Đài Phát Thanh và nhà của gia đình Thuốc Cam Hàng Bạc gần đó.
Đi tiếp sẽ gặp quán cà phê nhạc tên Thơ, trước quán có trang trí mái che được lợp bằng lá dừa phơi khô. Nơi đây, các học sinh, sinh viên thường tới để vừa thưởng thức cà phê, vừa nghe nhạc do các giọng ca tài tử trình diễn vì giá cả tương đối bình dân. Thỉnh thoảng cũng có các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng…, các ca sĩ Khánh Ly, Miên Đức Thắng, Nam Lộc đến trình diễn. Nghe nói cả gia đình Quán Thơ định cư ở Canada.
Gần bên là chùa Cô Hồn hay Tân Hiệp Nam Nữ Hội số 188 Trần Quang Khải (TQK), chỉ còn tấm bảng ở phía trước, số 186 TQK có cây xăng TQK, Photocopy Hoàng Sơn, xe nước mía chị Hai số 186 Bis.
Chị Hai có cô em gái tên D, là hoa khôi nữ sinh trường trung học Lê Văn Duyệt, cô D. rất xinh xắn và duyên dáng, nhờ thế mà xe nước mía của chị Hai lúc nào cũng tấp nập khách đến thưởng thức, mà đa số là nam sinh.
Nhiều anh chơi nổi kêu một lúc hai, ba ly và tình nguyện rửa và dọn ly giùm. Tuy nhiên, một chàng sĩ quan tốt nghiệp Khóa 19 Võ Bị Đà Lạt thuộc Binh Chủng …, quanh năm hành quân với bưng biền, lặn lội ở Rừng Lá Thấp đã được nàng D. đáp lại tình yêu. Đây là một mối tình lãng mạn và trong sáng.
Nhưng định mệnh oái ăm đã không đưa đến một kết thúc tốt đẹp, vì thân mẫu cô đã quyết liệt từ chối. Lý do là khác biệt về tôn giáo, và nhất là bà không muốn cô sớm trở thành quả phụ thơ ngây ở tuổi vừa mới chớm hai mươi. Cuối cùng, hai người đành phải nhắm mắt chia tay.
Nghe đâu gia đình nàng đang định cư ở Canada, còn chàng sau năm 1975 tiếp tục dùi mài kinh sử hơn mười năm ở Đại Học Máu không có ngày tốt nghiệp, chàng đã cùng gia đình đến Mỹ theo diện H.O và định cư ở Nam Cali. Thỉnh thoảng, chàng cũng viết nhiều bài gồm đủ các đề tài và được độc giả các nơi ái mộ, chàng cũng đã từng đoạt giải “Viết Về Nước Mỹ” của Việt Báo nhiều lần.
Đường Bà Lê Chân bên tay phải, ngay góc đường là quán cơm tấm bì, chả, sườn nướng, xí mại và cà phê pha vợt bình dân tên Ngọc Long của vợ chồng con trai nghệ sĩ lão thành Bảy Nhiêu. Kế bên có bà Sáu bán nước trà Huế, bánh kẹp, chuối già và hai bàn đá banh tay, lôi cuốn các học sinh kéo đến chơi thường gây ồn ào trước khi vào học và lúc tan trường. Đôi khi sinh ra ẩu đả vì cá độ, chọc quê nhau. Cả hai bên thắng hay thua thì quần áo, mặt mày đều dính dầu nhớt lem luốc. Chắc chắn về nhà sẽ bị cha mẹ đánh đòn.
Nằm đối diện là đình Phú Hoà, số 159 TQK, nơi các đoàn hát bộ và cải lương thường đến tập và diễn tuồng. Diện tích đình Phú Hoà đang dần dần bị thu nhỏ lại vì bị biến thành nơi giữ xe và nhiều người cư ngụ. Sát bên đình Phú Hoà là lớp Anh Ngữ của Giáo Sư Nguyễn Thế Thông nằm ở phía trong nhà, còn phía ngoài cho thuê mâm quả, đồ cưới, kế bên có tiệm may mui nệm.
Nằm trên đường Bà Lê Chân phía bên trái có một hẻm nhỏ với ông Sáu Hộ chuyên bó bột trị trật xương, gãy xương tay chân, tiệm Kim Thạch bán văn phòng phẩm, dụng cụ học sinh, nhà in Bùi Văn Tạ, bảo sanh viện Hà Đông Hà. Trước mặt có con đường mang tên Mã Lộ. Hồi xưa là bến xe Thổ Mộ và xe Cá. Con đường này chạy song song phía sau chợ Tân Định.
Đi thêm khoảng mười mét là gặp đường Hai Bà Trưng. Nằm ngay góc Bà Lê Chân và HBT là Y Viện Tân Định. Phía bên phải có tiệm thịt bò Thành Thể và ba tiệm vàng Đình Thể, Hữu Thành và Mỹ Thịnh. Hai ông bà Mỹ Thịnh sản xuất hàng tá con. Tất cả đều là gái. tướng cô nào cũng đều dong dỏng cao. Nghe đâu ông bà đi cầu tự được một cậu con trai? Cũng nói thêm ở gần đó có tiệm thuốc Đông Y Đức Nguyên, số 350 HBT của Đông Y Sĩ Chánh Kỷ.
Bên trái là chợ Tân Định hoạt động hầu như suốt ngày. Ban ngày là hoạt động về chợ búa, còn về chiều và tối thì các hàng quán: trái cây, hột vịt lộn, ốc gạo, ốc hương, ốc len xào dừa, khô mực, đu đủ bò khô, gan cháy, hủ tíu mì, sâm bổ lượng, cháo lòng, bánh cuốn… Bà con đi ngang qua thường hay bị kéo lại mời mọc và lực lượng bán vé số vừa thấy khách ngồi là chạy lại đưa xấp vé số vô mặt như ép phải mua. Chưa tính đến các “cái bang” thường gây phiền phức cho thực khách khi vừa ăn xong, khách chưa rời khỏi bàn đã bị họ nhào tới thu gom chiến trường trong nháy mắt.
Khoảng 10 giờ đêm thường thấy hai anh TPB/VNCH xuất hiện: một anh mù hai mắt, một anh mất một tay và còn một chân. Anh mù hai mắt đệm guitar, còn anh kia chống nạng đến từng bàn lịch sự mời thực khách mua vé số. Cả hai cùng song ca những bài hát của các nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Trúc Phương, Mạnh Phát như: Rừng Lá Thấp, Chiều Trên Phá Tam Giang, Tâm Sự Người Lính Trẻ, 24 giờ Phép, Bông Cỏ May, Thành Phố Buồn, Đường Xưa Lối Cũ, Nửa Đêm Ngoài Phố, Kiếp Tha Phương, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Hoa Nở Về Đêm, Duyên Kiếp… rất được bà con hết lòng ủng hộ và tán thưởng. Nếu có ai yêu cầu hát thêm những bài khác, hai anh cũng sẵn sàng thoả mãn. Đặc biệt, khách không muốn mua vé số, nhưng muốn biếu tiền thì hai anh cảm ơn không nhận, mà trả lời: “Chúng tôi chỉ bán vé số mà thôi!”
Từ đình Phú Hoà, nhìn sang bên kia là đường Trần Nhật Duật (TND). Xe chè Huỳnh Thị Ngà nằm ngay góc đường. Bà chủ là người miền Bắc di cư. Năm 1954, xe chè bà nổi tiếng về đậu xanh, đậu đỏ và bánh lọt nước dừa không nơi nào sánh bằng. Bà cũng bán thêm nước chanh muối, sương sáo, sương sa. Vào giờ tan học, học sinh các trường kéo đến rất đông. Nếu hôm nào con gái bà tan học về trễ thì bà trở tay không kịp. Xe chè cũng là sợi dây tơ hồng đem lại nhiều mối tình “Thuở học trò còn buồn vu vơ, thức bao đêm làm thơ rồi đợi chờ” (Bài hát Vọng Gác Đêm Sương – Mạnh Phát).
Đường TND chạy dài tới khu nông cơ cũ, cuối cùng, chấm dứt ở nhánh sông nhỏ chảy ngang qua. Học sinh trốn học thường đến đây tắm sông, trèo hái trứng cá, bần, me, bình bát, keo và mướn ghe chèo ra đến Long Vân Tự và cầu Phan Thanh Giản, Xa Lộ Sài Gòn-Biên Hòa.
Trên đường Trần Nhật Duật có bốn con đường nhỏ mang tên các nhân vật lịch sử đi ngang qua, thứ tự như sau: Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Quí Khoách và Trần Khánh Dư. Riêng, hai đường Đặng Dung và Trần Khánh Dư chạy dài đến đường Trần Khắc Chân, còn gọi là xóm Cầu Mới, có một cây cầu bằng ván bắc ngang đi ra được đường Chi Lăng-Gia Định.
Ngoài ra, hẻm số 27B – TND có tiệm chụp hình Nguyễn Kỳ nổi tiếng. Một thời được các nữ sinh kéo đến ủng hộ rất đông. Họ thường đến đây chụp hình chân dung để kỷ niệm hay dán trong lưu bút ngày xanh mỗi dịp Hè về. Chủ nhân có biệt tài tô điểm, thêm thắt làm cho hình đẹp, sắc sảo hơn, giống như bây giờ người ta làm photoshop.
Nhà số 10 TND là Trường Trung Tiểu Học Tư Thục Huỳnh Thị Ngà do Bà Huỳnh Thị Ngà làm chủ, kiêm Hiệu Trưởng. Trường thành lập từ năm 1947, ban đầu chỉ là những lớp bậc ở tiểu học ở căn nhà trệt. Dần dần, xây lên nhiều tầng và phát triển thêm Trung Học Đệ Nhất Cấp và Đệ Nhị Cấp. Bà là một phụ nữ giỏi, đảm lược.
Thời nào bà cũng giao thiệp rộng trong các giới chức đương quyền và các Phong Trào Phụ Nữ. Bà biết chèo chống, điều hành và giữ vững ngôi trường Huỳnh Thị Ngà trong bao nhiêu năm, mà chung quanh có nhiều trường trung học tư thục khác như: Vạn Hạnh, Văn Lang, Việt Nam Học Đường, Văn Hiến, Huỳnh Khương Ninh, Vương Gia Cần, Tân Thạnh, Les Lauriers, Nguyễn Công Trứ, Đông Tây Học Đường, La San Đức Minh mà các Hiệu Trưởng đều là phái nam. Họ đã dùng mọi cách để cạnh tranh với trường bà, nhưng không ảnh hưởng được gì hết!
Đặc biệt, trường HTN còn là trường duy nhất ở Sài Gòn có nhận nữ sinh nội trú. Phụ huynh rất an tâm khi gửi con vào đây học nội trú. Bà dạy dỗ, chăm sóc, theo dõi thường xuyên và áp dụng kỷ luật thật nghiêm khắc với các em. Trường lúc nào cũng đông học sinh, thi cử luôn luôn đạt thành tích tốt vì được các giáo sư giỏi và nhiều kinh nghiệm cộng tác. Bà khuyến khích học sinh tham gia các chương trình văn nghệ, các công tác phục vụ cộng đồng, cứu trợ các nạn nhân bị hỏa hoạn, bão lụt và thăm viếng các thương bệnh binh đang được điều trị ở các Quân Y Viện.
Những học sinh có đóng góp được bà nâng đỡ cho học miễn hay giảm một phần học phí. Nữ minh tinh điện ảnh nổi tiếng Thẩm Thúy Hằng, ca sĩ Trang Mỹ Dung, Thảo Ly, Phương Đại, thần đồng Phương Mai, Vũ Bộ Song Kim, một nam sinh đã từng đoạt giải trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do đài phát thanh Sài gòn tổ chức tại rạp Quốc Thanh và Hưng Đạo…đều từng là học sinh trường HTN.
Ngoài ra, bà Ngà còn dành một phòng rộng nhất cho giáo sư dạy Pháp Văn Trần Văn Chánh thuê mở Cour Particulier ở tầng trệt. Giáo Sư Chánh là thân phụ của Bộ Trưởng Y Tế VNCH-Bác Sĩ Trần Lữ Y (Louis.) Lúc đầu, thầy mở các lớp luyện thi Bac 1&2 tại tư gia, gần trường Huỳnh Khương Ninh, trước nhà có cây mít ướt đã già, múi nhỏ, nhưng ngọt và thơm. Sau này, học sinh các trường theo chương trình Pháp như: Les Lauriers, Marie Curie, Jean-Jacques Rousseau, Couvent des Oiseaux, Pasteur, Taberd… đến ghi tên học rất đông, nên Thầy phải chuyển sang trường Huỳnh Thị Ngà mới có thể chứa đủ. Trường hoạt động cho đến ngày 30 Tháng Tư,1975, tính ra tồn tại gần ba mươi năm.
Bà Huỳnh Thị Ngà mất ngày 5 Tháng Mười Hai, 1992 tại tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ.) Lúc còn sinh thời, bà luôn luôn ước mơ lấy lại ngôi trường thân yêu mà bà đã bỏ ra bao nhiêu công sức tạo dựng. Nhưng ước mơ của bà đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Đối diện trường HT Ngà, góc đường Đặng Dung là nhà Vũ Sư Nguyễn Trọng ở trên lầu một, phía trước có cây me to. Học sinh các trường chung quanh thường leo lên hái, những trái me được túm gọn lại trong áo sơ mi. Khi vừa trèo xuống, thỉnh thoảng bị các anh hùng du đãng xóm chợ Tân Định tịch thu hết chiến lợi phẩm, lúc đó chỉ biết mếu máo, năn nỉ đàn anh cho xin lại vài trái ăn cho đỡ công sức leo trèo.
Cách đó vài căn là nhà Giáo Sư Huỳnh Văn Mĩ. Thầy Mĩ nổi tiếng về dạy Pháp Văn, nhất là phương pháp phân tích các mệnh đề rất dễ hiểu. Thầy cũng là một trong những Võ Sư có công sáng lập môn phái Hàn Bái Đường. Không ai nghe nhắc về vợ thầy, sau khi hết giờ dạy học chỉ thấy thầy đi chợ một mình, tay xách cái gà mên. Thầy có con trai tên H đẹp trai, giỏi võ và tốt nghiệp Bác Sĩ Quân Y.Thầy Mĩ mất ở Nam Cali năm 2004, hưởng thọ 93 tuổi. Học sinh trường Huỳnh Thị Ngà rất nể sợ thầy. Trong giờ thầy dạy, học sinh rất kỷ luật, không một em nào dám quậy phá, cho dù bặm trợn, ba gai đến đâu cũng không dám hó hé vì thầy rất nghiêm và khó. Em nào vô kỷ luật, thầy sẵn sàng có biện pháp thích đáng ngay lập tức. Bà Huỳnh Thị Ngà là học trò hồi nhỏ của thầy.
Phải kể thêm ở đây xe kem của một người miền Bắc di cư có cô con gái tên Mai và xe bò viên của ông Tàu có đổ xí ngầu ăn bò viên. Thường thường là ông thắng. Trường hợp ông thua thì bò viên ông múc cho người thắng nhỏ hơn là loại bình thường bán cho khách.
Bây giờ, trở ngược ra đường Trần Quang Khải đi về phía Đa Kao. Trước khi đến một ngã năm, phía bên trái là phòng nha khoa trang bị máy móc hiện đại của vợ chồng đều là nha sĩ. Vợ là Nha Sĩ tên Hạnh, dáng người mảnh mai, trang nhã. Bệnh nhân đang đau răng được bà chữa trị, tự nhiên cảm thấy không đau. Bà có nụ cười đẹp, hiền từ, hai hàm răng trắng đều. Chồng là Không Quân Thiếu Tá Nha Sĩ Dương Quảng Định đã từng tu nghiệp ở Hoa Kỳ (phục vụ tại Trung Tâm Giám Định Y Khoa Không Quân.) Hai vợ chồng rất đẹp đôi.
Đi thêm khoảng ba mươi thước gặp một Villa cổ, phía trước có depot rác nhỏ. Các công nhân quét rác sau khi gom rác xong đem đến đây đổ. Bên kia đường là chỗ cho thuê sách, tiểu thuyết và truyện kiếm hiệp Đức Hưng, kế bên là tiệm hàn gió đá Sáu An, tiệm hớt tóc Hải Vân. Cách đó vài căn là nơi chuyên sản xuất xích lô đạp và xe ba bánh có tên Ngọc Quế.
Khi đến ngã năm, bên tay trái là đường Trần Khắc Chân, nhìn về phía tay phải là đường Nguyễn Phi Khanh và Trần Văn Thạch, có nhà may Tụ Bảo (số 16 TVT), tiệm buôn Thế Giới, vựa trái cây, lò bánh mì, giò chả Liên Hương, nhà Bác Sĩ Trần Văn Văn, Cinéma Modern, tiệm thuốc Tây, tiệm sinh tố, nhà sách Yểm Yểm Thư Quán, tiệm may áo dài Lê Châu.
Đối diện là quán cà phê Phúc Thịnh, tiệm bán vật liệu xây dựng Đức Thịnh, hai vựa bán gà, xóm Cảnh Sát, vì đa số những gia đình ở đây đều phục vụ trong ngành Cảnh Sát và nhà Quái Kiệt Tùng Lâm. Hẻm này đi ra được đường Đinh Công Tráng. Căn nhà nằm ngay góc Nguyễn Phi Khanh và Trần Văn Thạch của ông bà Bùi Ngọc Phương. Ông tự phong cho mình là vua dầu hoả Việt Nam và dự định ứng cử Tổng Thống VNCH. Cũng kể thêm tiệm Ô Mai Bắc Việt mà nữ sinh là khách hàng thường xuyên ghé đây.
Nếu đi ngược chiều trên đường Nguyễn Phi Khanh, ngã ba đầu tiên là đường Huyền Quang có Sơn Trà Đình-Tín Nghĩa Hội, số 113A Nguyễn Phi Khanh nằm ngay góc. Mỗi năm vào dịp Lễ Vu Lan có trình diễn Hát Bộ. Khán giả đi xem thường ném các quạt giấy có kẹp tiền lên sân khấu, để tưởng thưởng khi đến đoạn nào gây cấn, hấp dẫn. Lúc đó chiêng trống thi nhau gõ, đánh liên hồi. Tiếng la hét cổ vũ ầm ỉ.
Nay, đình Sơn Trà bị thu nhỏ lại diện tích vì người ta chiếm dụng làm nơi bán vật liệu xây dựng gạch, cát, xi măng, xe ba bánh. Bà con đi ngang qua đều ngao ngán vì chỉ còn thấy tấm bảng có tên Đình Sơn Trà treo tượng trưng. Nơi thờ cúng phía trước có ông Cọp thì quanh năm nhang tàn, khói lạnh.
Đường Huyền Quang mang tên một vị sư. Con đường dài khoảng hai mươi thước, đi hết đường Huyền Quang gặp đường Lý Trần Quán. Trên con đường này có nhà nam tài tử nổi tiếng Đoàn Châu Mậu. Ông bà có tất cả sáu người con: ba trai và ba gái. Tất cả đều có khiếu về âm nhạc, sử dụng được nhiều nhạc khí. Phải kể Đoàn Châu Bảo và Nhi. Cô con gái út tên Thanh Tuyền cũng là một giọng ca khá nổi tiếng. Tài Tử Đoàn Châu Mậu mất vào năm 2000 ở Hạ Uy Di.
Quẹo trái là trường Mẫu Giáo Mạnh Mẫu, nơi đây có nữ Nghị Viên Thành Phố nổi danh TKT, mà một dạo báo chí Sài gòn hết lời ca tụng bà có biệt tài “vừa đánh răng, vừa huýt sáo.” Kế bên là chả cá Sơn Hải.
Cuối đường sẽ gặp đường Hiền Vương, bên kia đường là bên hông nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Quẹo trái là sở vệ sinh thành phố. Cũng phải kể thêm hai quán chả cá nữa là Như Ý và Thăng Long trong khu vực Đa Kao.
Ngã ba kế tiếp của đường Nguyễn Phi Khanh là Lý Văn Phức, có một depot rác rất lớn. Các công nhân vệ sinh đều đưa rác về đây, trước khi các xe tải lớn đến chở đi tái chế và phế thải.
Cuối đường NPK là quán cà phê bà Chi, mà các bài viết về cà phê Sài gòn cũ luôn luôn phải nhắc đến. Bây giờ con cháu bà vẫn tiếp tục, nhưng khách không còn đông. Buổi trưa phải bán thêm cơm phần giao đến các văn phòng.
Quẹo trái gặp rạp hát Casino Đa Kao, tiệm thạch chè Hiển Khánh, nhà may Cao Minh, tiệm bánh Bảo Hiên Rồng Vàng, tiệm kem Mỹ Hương là nhà của nhạc sĩ tây ban cầm Đan Phú. Ông chơi cho các đài phát thanh và chương trình Đại Nhạc Hội hàng tuần do đài phát thanh Sài Gòn tổ chức thi tuyển lựa ca sĩ ở rạp Quốc Thanh và Hưng Đạo. Khi ông đệm đàn, ông rất khắt khe với ca sĩ hát không đúng nhạc, hay không thuộc bài hát. Tuy nhiên, khi đệm cho nữ ca sĩ liêu trai Thanh Thúy hát, dù ca sĩ Thanh Thúy hát cách nào, đôi khi chỏi, hay rớt nhịp, ông cũng vui vẻ nhiệt tình đệm theo, mà không một chút bực dọc hay phàn nàn.
Kế bên là tiệm thịt bò Đức Phú. Đối diện bên đường là nhà hàng Pháp tên Casino, tiệm guốc Đa Kao, tiệm bán quân trang, huy chương và huy hiệu quân đội Quế Anh.
Nếu quẹo phải sẽ gặp tiệm hớt tóc Đơ, chuyên hớt tóc theo lối tài tử ngoại quốc, rồi đến đền thờ Đức Trần Hưng Đạo số 36 Hiền Vương. Ngõ vào trong đền phía bên trái bán nhang đèn cho khách thập phương đến cầu khẩn, có bà thầy bói mù chuyên gieo quẻ bói bằng hai đồng xu. Gieo quẻ cho bất cứ ai, khi hai đồng xu được bà tung lên vừa rơi xuống chiếu, bà cũng đều nói với thân chủ là sắp nhận được tin vui ở xa và dặn thân chủ đừng cho ai mượn tiền sẽ bị giựt, nên cẩn thận về đi đứng, xe cộ, kẻo bị tai nạn, nhưng khi đã đến đây cầu khấn thì được Đức Thánh Trần che chở, nên đều tai qua, nạn khỏi. Hãy an tâm! Đã được Thánh phù hộ thì tên bay, đạn lạc, bom rơi vững như bàn thạch, không hề hấn gì!
Đoạn đường Trần Quang Khải từ đây ra đến đường Đinh Tiên Hoàng, tuy không dài lắm, nhưng có rất nhiều cửa hiệu buôn bán. Phía bên phải là Pharmacy Duyệt, cũng là tên của Dược Sĩ Duyệt. Gia đình ông di tản vào ngày 30/04/1975. Rồi đến bảo sanh viện Chung Nam Quế. Nơi các bà bầu khu Đa kao và Gia Định thường đến khai hoa nở nhụy.
Nhà kế bên trước sân có một hồ nuôi cá tai tượng rất lớn và hòn non bộ nước chảy róc rách. Một phụ nữ rất mập ngồi trước nhà, lúc nào trên tay cũng cầm cây quạt bằng lông gà phe phẩy. Bà hành nghề coi bói bài Tây, thân chủ cũng đông. Tiếp theo là nhà thuốc tây Garde Vũ Cung, số 67C/TQK của Dược Sĩ Vũ Bích Thủy, hai tiệm bán phụ tùng và sửa xe Honda, rồi cà phê, cơm tấm bình dân tên Ngọc Dung số 77 Trần Quang Khải, chủ tiệm ghép tên hai con gái đặt tên cho tiệm.
Đi thêm một chút nữa sẽ gặp đình Nam Chơn, số 29 TQK. Trước đình có thờ hình ông Cọp rất oai vệ. Bên trái cổng, nằm trong sân đình có cây đa to, rễ đan với nhau chằng chịt. Có lẽ nó được trồng đã hơn một thế kỷ? Hiện nay đình Nam Chơn được xếp là “Di tích Kiến Trúc Nghệ Thuật” cần phải bảo tồn. Về đêm có dạy võ thuật, rất đông thanh thiếu niên đến tập luyện. Thêm vài bước nữa là một Phật Đường nhỏ của người Hoa, phía trước có hai cây Mai Tứ Quý đã già, hoa nở quanh năm. Phật Đường thuộc Giáo Hội Phật Đường Nam Tông có tên là Minh Sư Đạo Quang Nam Phật Đường.
Nghe đâu Phật Đường này sẽ được xây dựng lại thành nhiều tầng. Mọi chi phí, tốn kém đều do các Hoa Kiều ở nước ngoài gửi tiền về giúp. Hiện đã lên kế hoạch và đang xin phép chính quyền xét duyệt.
Kế bên là tiệm vàng Bảo Thành. Ngoài việc bán vàng bạc, nữ trang, cũng còn nổi tiếng về làm bánh Trung Thu, giò lụa, giò thủ và các loại bánh mứt.
Trước 1975, bà Bảo Thành là chủ thầu các bãi giữ xe hai bánh lớn nhất Sài Gòn như: trường Đại Học Luật Khoa ở đường Duy Tân, Nha Xổ Số Kiến Thiết ở đại lộ Thống Nhất, rạp hát Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo, và dọc theo hai bên đường Lê Lợi. Cách một căn là tiệm cơm Tàu có tên Dân Thiên, với các món mì xào dòn, áp chảo, cơm thố và cơm chiên Dương Châu tuyệt vời.
Tiếp tục phía bên trái, đầu tiên là Chi Cuộc Cảnh Sát Tân Định, kế bên là đình Nghĩa Hoà được xây dựng vào năm 1917. Bà con thường gọi là đình Công Thành Ban. Nơi đây chuyên trình diễn hát bộ. Trước đình có thờ một ông Cọp.
Hẻm đình Nghĩa Hoà đi thông ra được đường Trần Khắc Chân. Tiếp theo sẽ đến một dãy phố, có tiệm ronéo Lửa Hồng quay Ronéo, đánh máy và photocopy bài vở, tài liệu cho các học sinh và thầy cô giáo, tiệm nhộn nhịp nhất vào mùa thi cử. Ngoài ra, cũng còn bán những bản nhạc quay Ronéo sẵn với giá rất bình dân.
Cách đó vài căn là một tiệm bán hòm, tiệm may Của, rồi đến nhà bà con với bà chủ rạp hát Văn Hoa.
Nổi tiếng ở đoạn đường này là tiệm cầm đồ bình dân Kim Ngân. Bà chủ lúc nào cũng trang điểm lộng lẫy như các cô đào cải lương Thanh Nga, Bạch Tuyết sắp lên sân khấu. Chung quanh cũng có nhiều tiệm cầm đồ, nhưng Kim Ngân thường đông khách hơn vì tiệm cầm mọi mặt hàng giá cao hơn các nơi, cho chuộc với phân lời tương đối thấp và thủ tục đòi hỏi không phức tạp so các nơi khác.
Đi thêm khoảng hai mươi mét nữa là một con hẻm lớn, có thể nói là nổi tiếng nhất vùng Tân Định – Đa Kao, đó là hẻm Vạn Chài. Đây là địa điểm quy tụ anh hùng hào kiệt tứ xứ về hùng cứ. Mỗi lần chính quyền mở các cuộc hành quân cảnh sát để bắt thanh niên trốn quân dịch hay cư trú bất hợp pháp thì xe cộ, súng ống rầm rộ, ca nô, thuyền nhỏ chạy dài dọc theo sông cầu Bông, đèn pin chiếu pha sáng cả một vùng. Cuối cùng, kết quả chẳng được gì hết! Vì thanh niên trốn quân dịch đã nhảy xuống sông, lặn qua bên phía Gia Định, hoặc trốn trong các con hẻm sâu, tối tăm, quanh co khó đi vào. Lực lượng kiểm soát đành bó tay và chào thua! Đặc biệt, trong hẻm có một trường trung tiểu học tư thục mang tên Văn Hiến do Thầy Phan Ngô làm Hiệu Trưởng. Thầy cũng từng ra ứng cử và đắc cử Nghị Viên thành phố Sài Gòn.
Ra khỏi hẻm, quẹo trái là gặp ngay rạp hát Văn Hoa số 62 Trần Quang Khải, Quận Một. Rạp này đã từng một thời là nơi hẹn hò của những mối tình học trò thường buồn vu vơ, ăn chưa no, lo chưa tới. Nơi của những học sinh cúp cua vào những giờ học, mà các cô cậu cho là nhàm chán. Nhất là học sinh các lớp Đệ Tam thường trốn học nhiều vì là lớp không thi, lớp dưỡng sức để chuẩn bị sang năm chiến đấu với thi cử. Lơ tơ mơ là đơ dèm cùi bắp hay đeo cánh gà chiên bơ lủng lẳng trên vai.
Rạp Văn Hoa là một trong những rạp hát quen thuộc, thanh lịch và sang trọng so với các rạp khác trong vùng, vì có trang bị máy lạnh, màn ảnh rộng và giá vé vào cửa cũng tương đối bình dân. Rạp chiếu đủ các loại phim. Những lúc có phim mới và hấp dẫn, bà con sắp hàng rồng rắn, kéo dài tới tận trước ngõ xóm Vạn Chài. Khán giả nào không muốn sắp hàng, không muốn chen lấn đổ mồ hôi, dễ bị rách quần, rách áo hoặc bị rạch bóp, thì có thể mua vé chợ đen. Đôi khi phải trả gấp đôi, gấp ba.
Kế bên rạp hát là một quán cà phê cũng mang tên Văn Hoa, đã đi vào lịch sử của cà phê Saigon. Quán có dàn âm thanh nổi tối tân, nhạc ngoại quốc chọn lọc, hấp dẫn, luôn luôn đổi mới, chỗ ngồi thanh lịch, vị trí thuận lợi và do hai chị em ruột là bà con với vợ của ông chủ rạp Văn Hoa đứng bán.
Cô chị có tên TBD và cô em có tên TBH. Hai chị em đều là nữ sinh trường trung học Huỳnh Thị Ngà. Lúc nào đi học, cả hai cô đều mặc đồ đầm rất xinh xắn, trông giống búp bê không tình yêu. Nghe đâu cũng có nhiều anh trồng cây si đến uống cà phê thường xuyên mỗi ngày, trong số đó có anh là ca sĩ một ban kích động nhạc nhà ở đường Tự Đức nổi tiếng về bài hát Sunday Morning. Ngày nào anh ta cũng đến quán ngồi đồng, vừa thưởng thức cà phê, vừa trồng cây si cô em TBH. Mối tình thuở học trò. Cuối cùng chẳng nên cơm cháo gì!
Gia đình cô TBD hiện ở Montréal, còn gia đình cô TBH từ Montréal chuyển về Pleasanton (California.) Chồng cô là kỹ sư được một hãng điện tử lớn ở Bắc Cali tuyển dụng.
Sau 1975, rạp Hát Văn Hoa vẫn còn hoạt động và coi như đã bị xoá sổ hoàn toàn vào ngày 14 tháng 03, năm 2011. Lúc đầu một công ty mua lại dự định xây một chung cư 15 tầng với nhà ở và các cửa hàng ăn uống, cùng các phương tiện giải trí khác. Nhưng chính quyền không chấp thuận, do đó công ty tạm ngưng để chờ xin giấy phép khác. Hiện nay, đã xây dựng xong và mới làm lễ khánh thành mang tên “Trung Tâm Văn Hoá Đa Năng” (IMC TOWER).
Đoạn đường còn lại, phải nhắc đến một quán cơm xã hội, chuyên phục vụ cho giới lao động, công tư chức với đồng lương thấp và học sinh, sinh viên nghèo, giá rất bình dân, chỉ 5 đồng. Thực đơn gồm ba món thay đổi thường xuyên, cơm ăn thoải mái, ăn cho đến khi nào no bụng thì thôi! Ngoài ra, còn đươc tặng thêm một trái chuối tráng miệng và ly trà thơm, còn nóng bốc khói.
Sau đó phải kể thêm hai tiệm bán xi măng, gạch, cát và đá rất lâu đời là Tấn Phát và Tâm Long, tên của vợ và chồng được ghép lại. Tiệm bán vật liệu xây dựng Tâm Long số 8 TQK và tiệm vàng Bảo Thành số 9 TQK, hai tiệm nằm đối diện nhau. Hai bên gia đình coi nhau rất thân tình và đều đông con. Lúc nào cũng có ý muốn làm thông gia với nhau. Nhưng rất tiếc các dâu và rể của cả hai nhà đều là những người ở nơi khác, đúng là duyên số do “Trời sắp đặt,” dù ai có muốn làm mai mối bằng mọi cách, cũng không thể nào được.
Một chút nữa thì bỏ quên tiệm may áo dài tương đối nổi tiếng là Phương Luân, hiệu ảnh Ngọc Chương, cà phê Cây Trúc số 10 TQK nằm ở kế bên.
Đi hết đường Trần Quang Khải sẽ gặp đường Đinh Tiên Hoàng. Trước đó gặp một cái đình nhỏ tên là Phú Hoà Vạn số 6 TQK. Nơi đây hồi xưa Thầy Vũ Hữu Tiềm thuê để mở lớp Luyện Thi Đệ Thất vào các trường công lập, nay đình Phú Hoà Vạn coi như bị xoá sổ hoàn toàn vì một gia đình chiếm cứ từ trước đã cố tình làm mất đi các di tích của đình.
Hiện nhà cầm quyền địa phương đang tìm mọi cách thu hồi để làm chuyện công ích, nhưng vẫn chưa lấy lại được vì gia đình chiếm ngụ cương quyết không chịu trả.
Quẹo trái đi ra cầu Bông, sẽ gặp một quán bán thịt gà, vịt và heo quay Huỳnh Ký rất đông khách. Cạnh đó là một tiệm chuyên sửa xe Vespa và Lambretta. Nhìn sang bên kia đường là tiệm giày Đông Hưng và nhà may áo dài Thanh Châu. Tiệm mang tên người con gái lớn nhất. Nhà may Thanh Châu khá nổitiếng, chuyên may áo dài cho các ca sĩ và áo cưới cô dâu. Hiện nay, tiệm may Thanh Châu vẫn tồn tại và có rất nhiều khách đến đặt may mỗi ngày. Chủ nhân cữ không còn nữa!
Bên kia đường Trần Quang Khải là đường Nguyễn Huy Tự, phía tay phải có chợ Đa Kao. Trước khi tới chợ Đa Kao, sẽ gặp một gánh chè chỉ duy nhất bán đậu đen. Bà bán chè có tướng trông phúc hậu, bà chỉ bán vào buổi chiều. Chè đậu đen bà nấu, hạt rất dẻo, hương vị ngọt đậm đà, thú vị và thơ mộng nhất là “ngồi chồm hỗm” ăn chè nóng dưới cơn mưa lất phất của Sài gòn, vì không có ghế cho khách.
Một con đường chạy ngang chợ Đa Kao là đường Trương Hán Siêu. Bên trong có đền thờ nhà cách mạng Tây Hồ Phan Chu Trinh và quán bánh cuốn tráng hơi mang tên Tây Hồ. Bà chủ bánh cuốn tên là bà Cà. Bà khởi nghiệp năm 1960, bằng một cái quán xập xệ, một ít bàn ghế thấp lè tè và mấy tấm bạt cũ để che nắng mưa. Bà mất vào năm 2005, nay, các con bà phát triển thành ba nơi bán bánh cuốn cùng mang tên Tây Hồ: hai tiệm trên đường Đinh Tiên Hoàng và Huỳnh Khương Ninh và một trên đường Đinh Bộ Lĩnh – Bình Thạnh. Phía trong chợ Đa Kao, nằm bên dãy chợ cá và bán chạp phô bên tay phải còn có Đình Hoà Mỹ, số 7 THS.
Đối diện chợ Đa Kao là Tín Nghĩa Ngân Hàng, khi chiều đến, ngân hàng đóng cửa thì xuất hiện một gánh cháo lòng, mà bà chủ rất khó tánh. Bà luôn luôn ưu tiên bán trước cho nam giới, còn nữ giới thì bà thường bắt phải đợi. Nếu thắc mắc, khiếu nại thì bà im lặng, không trả lời, có nghĩa là bà không muốn bán. Các nữ thực khách đành phải đi nơi khác mà trong bụng rất ấm ức vì bị bà phân biệt đối xử.
Đường Nguyễn Huy Tự rất ngắn, khoảng chừng 30 thước, chấm dứt khi đụng đường Nguyễn Văn Giai. Trên đường Nguyễn Văn Giai có Trung Tâm Toán Lý Hóa Minh-Trung tọa lạc tại số 57 và 59 rất nổi tiếng dạy luyện thi Tú Tài với kết quả tốt. Trung tâm do Giáo sư Trần Văn Trung sáng lập với sự cộng tác của một nhóm Giáo sư Tư Thục chuyên nghiệp. Giáo sư Trần Văn Trung cũng là Kiến-Trúc Sư, giảng dạy Trường Đại-Học Kiến-Trúc Saigon 196 đường Pasteur, Quận 3, Saigon, góc Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu).
Đường Nguyễn Huy Tự chạy thẳng là đường Phạm Đăng Hưng, nay là Mai Thị Lựu, có Chùa Phước Hải còn gọi là Đền Ngọc Hoàng, nơi TT Obama đến thăm năm 2016. Đi hết đường Phạm Đăng Hưng, đụng đường Phan Đình Phùng, quẹo trái là Đài Phát Thanh Sài gòn. Thêm vài bước sẽ gặp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllNhững con đường tên vẫn như xưa.
Trên đường PĐH có Viện Nhu Đạo Quang Trung của Thượng Toạ Thích Tâm Giác. Thầy nguyên là Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo. Đối diện với Viện Nhu Đạo Quang Trung là một ngôi chùa lâu đời của người Hoa, mang tên Phước Hải Tự hay còn gọi là Chùa Ngọc Hoàng, số 73 PĐH, đặc biệt, trong chùa có nhiều cây cổ thụ lâu đời, một cái hồ lớn thả rất nhiều rùa, có những con sống đã vài chục năm trở lên và thờ nhiều hình ảnh thần linh có giá trị nghệ thuật và lịch sử. Mỗi khi các bó rau được thả xuống hồ cho chúng ăn thì cả hồ náo động, nước bắn lên tung toé, vì các chú rùa giành ăn tạo nên.
Vào ngày 24/05/2016, khi đến thăm Việt Nam, Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ là Barack Obama trong nhiệm kỳ sắp mãn, sau khi viếng thăm chính thức Hà Nội, đến trạm dừng chân cuối cùng là Sài Gòn. Ông và đoàn tùy tùng chọn ngôi chùa có tuổi gần một thế kỷ này để viếng thăm khiến nhiều người ngạc nhiên cho sự viếng thăm bất ngờ này.
Đường Nguyễn Huy Tự, quẹo trái là đường Bùi Hữu Nghĩa, có một cây cầu sắt cũ, đi về phía chợ Bà Chiểu (Gia Định), nếu quẹo phải sẽ gập đường Nguyễn Văn Giai, đi hết đường Nguyễn Văn Giai sẽ gặp đường Đinh Tiên Hoàng, nhìn sang phía bên kia đường là đường Huỳnh Khương Ninh, bên trái là rạp hát Asam, nay đã xây thành chung cư và tiệm thuốc tây Lịch Cường.
Pharmacy này mang tên của Dược Sĩ Tống Lịch Cường, đi thêm vài bước là tiệm Thông Mỹ bán các dụng cụ về âm thanh. Đầu đường Huỳnh Khương Ninh, có xe bánh mì chỉ bán vào buổi chiều: Bảy Quan nổi tiếng với bánh mì thịt, dăm bông và Pa tê rất độc đáo và xe bánh mì Bảy Hổ nằm bên tay trái cách đo không xa, cũng khá nổi tiếng. Mỗi xe có một hương vị đặc biệt riêng, lúc nào cũng đông khách, ai muốn mua phải xếp hàng chờ.
Hiện nay, đầu đường HKN là hai tiệm bánh cuốn mang tên Tây Hồ do con gái bà Cà chiếm ngự. Trên con đường này có trường trung học Huỳnh Khương Ninh, đi hết đường HKN sẽ gặp đường Phan Liêm, đường chạy dọc theo bên hông nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Trên đường Đinh Tiên Hoàng giữa khoảng đường Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản có đường Tự Đức, trường tiểu học Đa Kao, mì Cây Nhãn, thêm hai nhà hàng Pháp nổi tiếng là Chez Albert và La Cigale.
Căn nhà nằm ngay góc Tự Đức và Đinh Tiên Hoàng được người ta thuê mở tiệm Butagas. Hai con gái chủ nhà: KN và KL là cựu học sinh VL rất xinh. Tiệm Thông Mỹ chuyên bán dụng cụ âm thanh, máy thu băng, nằm ngay góc Phan Thanh Giản và Đinh Tiên Hoàng, tiệm bán mắt kính Đỗ Vượng số 192 Đinh Tiên Hoàng.
Ngoài ra, cũng phải kể thêm hai quán cà phê đã đi vào gia phả cà phê Saigon trước năm 1975. Quán thứ nhất là cà phê Hân mà tất cả mọi thứ đếu làm bằng Inox, từ phin, muỗng, tách đựng đường, đựng sữa. Quán thứ hai là cà phê Duyên Anh. Quán mang tên nhà văn Duyên Anh, nhưng hoàn toàn không hề dính dáng gì đến nhà văn này. Cô bé ngồi tính tiền tên Q, có nụ cười xinh xinh, đôi mắt tròn, đen láy và tóc dài thắt bím rất dễ thương. Cô làm cho bao nhiêu đấng anh hùng mê mệt. Cô cũng còn là đề tài cho các chàng thi sĩ tài tử đến vừa thưởng thức cà phê, vừa làm thơ sầu mộng, nhưng chẳng anh nào lọt được vào đôi mắt nai tơ của nàng! Bây giờ cà phê Hân và Duyên Anh là hai nhà hàng bán thức ăn hải sản.
Khu Đa Kao có thể kể thêm những con đường tên không thay đổi như đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có Nha Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, hai trường trung học công lập là Trưng Vương, Võ Trường Toản, hồ bơi guyễn Bỉnh Khiêm, đình Tân An, các Sở và Nha An Ninh Quân Đội. Kể thêm Đài Phát Thanh Sài Gòn.
Đường Phan Kế Bính có quán cà phê Văn Nghệ Cây Tre, Hội Văn Hoá Bình Dân do ông Huỳnh Văn Lang Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái làm Chủ Tịch. Có nhà Dược Sĩ Nguyễn Chí Nhiều nổi tiếng về thuốc Euquinol trị nóng đầu cho trẻ em. Ông là mạnh thường quân cho bộ môn xe đạp, và là “Ông Bầu” cho đội đua xe đạp Euquinol. Ông cung cấp xe đạp, quần áo, mọi phương tiện và trả lương cho các cua rơ ăn rồi chỉ lo tập dợt. Đội Euquinol luôn luôn thắng trong những cuộc đua lớn. Mỗi lần có tổ chức cuộc đua là ông có cơ hội quảng cáo nhãn hiệu Euquinol, thuốc tiên chuyên trị cảm mạo, thương hàn cho trẻ em và người lớn.
Đường Mạc Đĩnh Chi với Billiards và nhà hàng Trường Cang, Hội Việt Mỹ và Ty Cảnh sát Quận Nhất.
Các đường Trần Cao Vân, Phan Tôn, Phan Ngữ, Trần Doãn Khanh, Cây Điệp, Nguyễn Thành Ý, Hoà Mỹ.
Ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Phan Thanh Giản có tiệm bánh Lưu Luyến và trường Vương Gia Cần. Gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Phi Khanh, Hoà Mỹ và Hiền Vương vẫn còn cây đa cổ thụ rất to đứng sừng sững, năm sáu người ôm không xuể.
Bên kia đường là tiệm chuyên làm con dấu, bảng tên, thêu cờ, bán các huy hiệu và tài liệu Hướng Đạo Việt Nam tên Phúc, số 180 ĐTH. Ông Phúc được thân nhân bảo lãnh đi Mỹ, qua ở chỉ được vài tháng, ông cảm thấy không thích nghi và khó có thể hội nhập, nên quay trở về VN để ngày ngày tiếp tục công việc từ trước đã gắn liền với cuộc đời ông.
Phải kể thêm một con đường tương đối đẹp và thơ mộng là đường Phùng Khắc Khoan với tư gia Đại Sứ Hoa Kỳ. Hai bên đường trồng toàn những cây me, khi có gió nhẹ và nắng vàng với những chiếc lá me rơi rơi, trông dễ thương và thơ mộng vô cùng.
Cuối cùng khu Tân Định, có những con đường không bị đổi tên: Nguyễn Văn Mai nối hai đầu đường Hai Bà Trưng và đường Huỳnh Tinh Của có trường tiểu học con trai Tân Định, nhà thuốc Đỗ Phong Thuần và xóm Hầm Sỏi danh tiếng về du đãng trong vùng.
Đường Đinh Công Tráng với món bánh xèo vang danh, trường Tân Thịnh, (Les Lauries), tiệm chụp hình Duy Hy, số 76 ĐCT, chuyên chụp hình cho học sinh các trường tiểu học công lập để làm kỷ yếu mỗi năm, Bảo Sanh Viện An Ký. Một con hẻm nhỏ đi ra được rạp Moderne trên đường Trần Văn Thạch. Bà con đặt tên là hẻm Tùng Lâm vì có nhà danh hài Tùng Lâm, ban Tân Dân Nam trong con hẻm nhỏ này. Và cũng còn có tên Xóm Cảnh Sát vì dân cư ngụ trong hẻm này hầu hết phục vụ trong Ngành Cảnh Sát Quốc Gia VNCH.
Ngay góc Hai Bà Trưng và Đinh Công Tráng là tiệm thuốc Kính Tiên, số 274 HBT, phía trước có trưng bày nhiều hũ, lọ thủy tinh lớn đựng cà phê hạt đủ loại nổi tiếng như Meilleur Gout, J.Martin… để xay cho các tiệm bán cà phê và khách mua mang về nhà. Nếu quẹo phải có Luyến Photo, trường dạy đánh máy chữ Lectason, nhà thuốc Đông Y Kim Khuê, có để một con Cọp to nhồi bông trong lồng kính trước cửa và lò dạy nhạc của ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Được ghép lại là Lê Minh Bằng. Nhạc sĩ Lê Dinh mất ở Canada, nhạc sĩ Anh Bằng mất ở Hoa Kỳ, còn nhạc sĩ Minh Kỳ đã mất tại Suối Máu, Biên Hoà vào Tháng Tám, năm 1975.
Nếu quẹo trái thì gặp tiệm giày Trinh Shoes, hai tiệm bán hòm Vạn Thọ và Tobia, tiệm bán đèn trang trí trong nhà Bùi Huy Mông, tiệm ảnh Công Thắng số 256 HBT. Chủ nhân là em ruột của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Mạnh Đan, người đã từng đoạt rất nhiều giải thưởng danh dự và cao quý về nhiếp ảnh trong và ngoài nước, tiệm vàng Kim Phụng, tiệm sách Việt Trí, thuốc lá 888.
Hẻm Bưu Điện số 230 HBT, đi ra được đường Hiền Vương. Quẹo bên phải gặp trường dạy lái xe hơi Mayer của ông nghị Còi Ô Tô Giáp Văn Thập, nhà của nữ nghệ sĩ hài Mỹ Trinh số 110. Cô Mỹ Trinh chưa bao giờ mở quán ăn, hay là diễn viên hài khi còn ở VN, cơm tấm Hiền Vương hay Mayer số 114. Quẹo trái gặp trường Mẫu Giáo Michelet và đường Lý Trần Quán. Phía bên kia đường là Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi.
Gần đó có tiệm chuyên làm cửa sắt, máng xối… của gia đình hai anh em cua rơ Trần Gia Thu và Trần Gia Châu danh tiếng một thời trong làng đua xe đạp VNCH. Đối diện bên kia đường là cà phê Thu Hương cũng nổi tiếng trong lịch sử cà phê Sài gòn, mà ông chủ không muốn ai đổ nước sôi vào phin cà phê mà phải chính do tự tay ông.
Nhà thờ Tân Định số 289 HBT. Trước năm 1975 có cha Tr. là thần tượng của giới trẻ, hôm nào cha giảng thì nam thanh nữ tú đến nghe rất đông. Cũng phải kể thêm cha TL, nhà số 146 Bis Hiền Vương, nằm sát bên trường La San Đức Minh.
Cha TL là một trưởng Hướng Đạo Việt Nam kỳ cựu. Cha sáng tác nhiều bài hát trong sinh hoạt Hướng Đạo như: Anh Em Ta Về, Con Voi. Cha cũng biểu diễn thổi kèn Harmonica trong các lần sinh hoạt, lửa trại rất xuất sắc và nhà nghề.
Trường Thiên Phước số 295 HBT là một trường dành cho nữ sinh do các Soeur trông coi. Giờ tan học sáng hẳn cả một đoan đường với các đồng phục đầm màu hồng. Chưa kể, khúc đường này thường bị kẹt xe, vì nhiều xe hơi đến đón các tiểu thư của mấy ông có quyền chức đậu bừa bãi, bất chấp luật lệ, nhưng không hề thấy bóng dáng cảnh sát giao thông xuất hiện trong giờ học sinh Thiên Phước tan trường.
Bên trong nhà thờ Tân Định có một cổng sắt thường đóng, chỉ để hở đủ cho một người len qua, khi nào có lễ lớn thì cửa mới mở lớn ra. Đi qua cổng này sẽ gặp trường LaSan Đức Minh, cũng như đường Hiền Vương, đường Pasteur và đường Huỳnh Tịnh Của.
Đầu đường Hai Bà Trưng và Hiền Vương là Tín Nghĩa Ngân Hàng và nhà may Paris Mode có hai con trai tên Bảo và Toàn. Phía bên kia đường đối diện trên đường Hiền Vương là quán Bar Châu Thới, cạnh bên là một lò bánh mì và trường Tư Thục Nguyễn Công Trứ.
Trên đoạn đường Hiền Vương này có ngõ hẻm Trần Tấn Phát đi ra được đường Duy Tân, Hai Bà Trưng, Phan Thanh Giản, có tiệm may Lếng của Việt Kiều chạy nạn từ Nam Vang về, hai cây xăng và rửa xe. Phía tay phải có tiệm giò chả Phú Hương và hai tiệm phở gà nổi tiếng là Hiền Vương và Chí.
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll