TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Sunday 5 August 2012

***CHƯƠNG TRÌNH ĐI TÌM HẠNH PHÚC


Chương Trình Đi Tìm Hạnh Phúc

Trong tháng 7 năm 2012, Hội Phụ Nữ Việt Nam Toronto, Canada, có tổ chức sinh hoạt thuyết giảng và hội thảo với chương trình Đi Tìm Hạnh Phúc, dành cho tất cả quí đồng hương đủ mọi thành phần, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo hay tuổi tác. Sinh hoạt mới mẻ này thu hút được nhiều người tham dự thuộc đủ mọi lứa tuổi, cao niên nhứt là cụ 82 tuổi, trẻ tuổi nhứt cũng ngoài 20 tuổi, theo nhiều tôn giáo khác nhau. Các đề tài thuyết giảng và thảo luận rất thực tế cho việc đi tìm hạnh phúc trong đời sống bận rộn hàng ngày, với bao nhiêu điều bất trắc, bất như ý xảy ra, không dự đoán trước được.
Bài viết này nhằm ghi lại nội dung một cách tổng quát một số thắc mắc và các lời giải đáp trong các buổi sinh hoạt của chương trình Đi Tìm Hạnh Phúc nói trên.

1. Thế nào là hạnh phúc?
Tùy theo quan điểm, tùy theo tuổi tác, một cách tổng quát, con người thường nghĩ rằng các yếu tố đem lại hạnh phúc cho đời sống cá nhân, gồm có: tiền bạc, của cải, nghề nghiệp, việc làm, nhà cửa, tài sản, danh vọng, quyền thế, thời tiết và sức khoẻ.

2. Có mấy loại hạnh phúc?
Theo quan điểm thế gian, thông thường có hai loại hạnh phúc: Hạnh phúc vật chất và Hạnh phúc tinh thần. Những điều thường đem lại hạnh phúc vật chất như: tiền bạc, nhà cửa, tài sản, thời tiết và sức khoẻ. Những điều thường đem lại hạnh phúc tinh thần như: gia đình tốt đẹp, thân nhân hòa hợp, nghề nghiệp vững chắc, thêm nữa là danh vọng và quyền thế.

Theo quan điểm tâm linh, tín ngưỡng hay tôn giáo, có hai loại hạnh phúc: Hạnh phúc thế gian và Hạnh phúc xuất thế gian. Hạnh phúc thế gian bao gồm hai yếu tố vật chất và tinh thần nêu trên. Hạnh phúc xuất thế gian bao gồm hai yếu tố giác ngộ chân lý và giải thoát phiền não khổ đau.

3. Làm sao có hạnh phúc?
Muốn có hạnh phúc vật chất, con người phải cố gắng học hỏi, làm việc để có một đời sống đầy đủ tiện nghi căn bản, không thiếu thốn, phải biết giữ gìn sức khoẻ và chọn địa phương có thời tiết thích hợp.

Muốn có hạnh phúc tinh thần, con người phải biết tổ chức đời sống gia đình tốt đẹp, trên nhịn dưới nhường, nhẫn những điều khó nhẫn, trải tình thương, sự cảm thông, biết tha thứ, tấm lòng bao dung đến với mọi người chung quanh, kể cả thân nhân, bạn bè cùng sở làm hay hàng xóm láng giềng. Ngoài ra, con người còn phải tránh những tâm ganh tị, đố kỵ, hơn thua, bè phái là những điều gây mất hạnh phúc.


 
4. Làm sao biết mình có hạnh phúc?
Có những hạnh phúc con người phải trả một giá nào đó, phải trải nghiệm những đắng cay, khổ nạn trong đời sống mới có được. Tuy nhiên, cũng có những hạnh phúc con người không phải trả một giá nào hết. Chẳng hạn như: con người được sanh ra trong một gia đình tương đối đầy đủ hạnh phúc vật chất và tinh thần, được có thân thể khoẻ mạnh, đầy đủ các giác quan, không bị khuyết tật; trong đời sống, không gặp khổ nạn chiến tranh, thiên tai hay trộm cướp, bạn xấu, tai nạn, mất mát, thất bại, bệnh tật. Muốn biết được, cảm nhận được mình có hạnh phúc, con người tránh thái độ đứng núi này trông núi nọ, tránh tâm mong cầu những điều quá tầm tay, quá sức mình, nhứt là nên đi thăm và giúp đỡ những hoàn cảnh kém hạnh phúc hơn mình, nghèo đói, bệnh tật, hoạn nạn, thiếu mắt, tai hay chân tay, thần kinh và nhiều thứ khác nữa.

Những hạnh phúc này không do ông bà cha mẹ, hay thánh thần thiên địa nào ban cho riêng mình. Những hạnh phúc đó do chính bản thân mình tu nhân hạnh, tích phúc đức nhiều đời, nhiều kiếp trước. Mình làm phúc, tạo phúc, thì được hưởng phúc. Mình không làm phúc, không tạo phúc, thì làm sao hưởng hạnh phúc được? Đó mới thực là chí công vô tư. Đó là chân lý.

Như vậy, muốn tiếp tục hưởng hạnh phúc, nhất thiết con người sống trên đời phải làm phúc, tạo phúc, luôn giữ tâm niệm vô ngã vị tha (quên mình vì người). Con người giữ tâm niệm ích kỷ, khó cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc đời.

5. Làm sao giữ được hạnh phúc?
Chuyện đời thường muốn tạo dựng một sự nghiệp, một công trình, quả thực là khó khăn vô vàn, phải trải qua một thời gian nào đó, hay phải trả một giá nào đó, mới hoàn thành được. Nhưng muốn duy trì sự nghiệp hay công trình đó tồn tại lâu dài quả thực là khó khăn vô cùng.

Hạnh phúc trên đời này cũng vậy, tạo dựng thực khổ công, nhưng khi hạnh phúc đã ở trong tầm tay, việc duy trì hạnh phúc hay gây mất hạnh phúc cũng ở trong tầm tay con người, do chính con người; chứ không do tiểu hạn đại hạn, hay không do thánh thần thiên địa nào trừng phạt.

Cho nên, khi gặp cảnh mất hạnh phúc, con người không cần phải dâng sớ cầu an, bởi tiền mất tật mang, hay cúng sao giải hạn, bởi tai nạn vẫn tới, cũng không nên cúng kiến nơi này nơi khác, không cần dâng lễ vật hối lộ, tạ lỗi với thánh thần thiên địa gì cả. Nếu muốn tạ lỗi hay sám hối, thì quan trọng nhứt con người nên dừng nghiệp và chuyển nghiệp, hãy đến gặp nạn nhân, do chính mình gây ra khổ nạn, để nói lời xin lỗi, hoặc bồi thường thiệt hại vật chất hay tinh thần. Như vậy mới là thực tế hơn, để tìm lại hạnh phúc cho chính bản thân và cho người khác.

Thí dụ như: Con người đã trải qua một thời gian dài làm việc cật lực, tiết kiệm, dành dụm, tạo dựng được một căn bản vật chất tương đối, tổ chức đời sống tinh thần để có hạnh phúc. Bổng dưng vì tâm tham, con người tìm kiếm thêm nguồn lợi tức bằng cách cờ bạc, đầu tư, hùn hạp, chơi cổ phiếu, để rồi bị lường gạt, bị phá sản, mất hạnh phúc.

Thí dụ như: Con người đã trải qua một thời gian dài xây dựng hạnh phúc gia đình. Bổng dưng vì tâm sân, một hành động, cử chỉ hay lời nói không kềm chế, thiếu suy nghĩ, gây đổ vỡ, mất hạnh phúc. Hoặc bổng dưng vì tâm si, nghe lời thiên hạ đồn, đi theo một phong trào, hay tin theo một giáo phái nào đó, bèn thay đổi nếp sống, thay đổi sinh hoạt, gây bất hòa trong gia đạo, mất hạnh phúc. Như vậy, để duy trì hạnh phúc có được trong tầm tay, con người phải chú ý nhận rõ, phải sáng suốt, không nhẹ dạ dễ tin, và nhất thiết phải hạn chế ba điều độc hại: tham, sân và si.

6. Thế nào là hạnh phúc xuất thế gian?
Trong thế gian, con người có thể có đầy đủ hạnh phúc vật chất lẫn tinh thần. Chẳng hạn như con người có thể có sức khoẻ, có học thức, có gia đình tốt đẹp, có địa vị, có quyền thế, sở hữu tài sản. Nhưng trong cuộc sống, con người không có sự an tĩnh trong tâm trí, phải thường xuyên đối phó với những biến chuyển, những bất trắc, những tai họa, những chuyện bất như ý có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thêm nữa, tâm con người thường xuyên bất an, lo sợ đủ thứ, thậm chí sợ chết, mất mạng. Từ đó, chúng ta nhận thấy hạnh phúc xuất thế gian chính là tâm trí được bình an, sống trong tình thương yêu, không phải ưu tư tương lai chưa tới, không lo lắng sợ hãi trong hiện tại, hay nuối tiếc quá khứ đã qua.

Muốn đạt được hạnh phúc xuất thế gian, con người phải giác ngộ chân lý.

Chân lý đó chính là những điều đúng với tất cả mọi người, mọi thời gian và không gian. Những điều nào dân tộc này, địa phương này tuân theo, tôn giáo này chủ trương, thời đại này công nhận, nhưng dân tộc khác, địa phương khác không tuân theo, tôn giáo khác không chủ trương, thời đại khác không công nhận, thì những điều đó chưa phải là chân lý.


Chẳng hạn như: Mình gieo nhân thiện thì mình hưởng quả lành, mình gieo nhân xấu thì mình chịu quả xấu. Mình làm mình hưởng, mình làm mình chịu. Đó là chân lý.

Chẳng hạn như: Mọi sự vật trên đời đều biến đổi, không có gì tồn tại vĩnh viễn, tâm con người cũng thay đổi. Cho nên, khi gặp sự mất mát, sự đổi thay, con người không quá ngạc nhiên, hay quá khổ đau. Đó là chân lý.

Chẳng hạn như: Cái cây mọc lên là do hạt giống nảy mầm. Có lửa mới có khói. Sinh sự thì sự mới sinh. Gieo gió thì gặt bão. Không có gì trên đời tự nhiên mà có. Đó là chân lý.

Chẳng hạn như: Bàn tay, tờ giấy, hay đồng tiền luôn luôn có hai mặt, không thể tách rời được. Mặt biển thanh bình khi không gió và sóng biển khi gió nổi lên là hai mặt không thể tách rời được. Chuyện gì trên đời cũng phải xét hai mặt, có điều đúng có điều sai, có điều phải có điều quấy, con người nào cũng có tâm tốt và tâm không tốt, lợi cho người này thường không lợi cho người khác, người này thắng thì thường có người thua, người này đậu thì thường có người rớt, người này được thì thường có người mất, người này thích thì thường có người không thích, viên thuốc thần dược trị bệnh cũng chính là viên thuốc độc khi quá hạn, hay khi dùng quá liều, đồng tiền giúp người cũng là đồng tiền hại người, con dao khi dùng chuyện tốt khi dùng chuyện xấu. Đó là chân lý.

Tâm con người cũng có hai mặt: tốt và xấu, thiện và bất thiện, vọng và chơn.
Vọng tâm là tâm lăng xăng lộn xộn của con người trong cuộc sống duyên theo những biến động của cảnh trần bên ngoài. Khi thấy hình dáng đẹp mắt, hay nghe âm thanh êm tai, tâm con người thích lắm, dễ chịu. Khi thấy hình dáng gai mắt, nghe âm thanh chướng tai, điều chướng tai gai mắt thường khiến tâm con người không thích, khó chịu. Chính vì con người luôn luôn duyên theo trần cảnh (hình sắc, âm thanh) bên ngoài, nên trong tâm thức thường nổi sóng, sanh ra thương và ghét, thân và thù, thích và không thích. Trong cuộc đời, dù con người có hạnh phúc thế gian, cũng chưa gọi là có hạnh phúc xuất thế gian, chính là nghĩa đó.

Như vậy, muốn có hạnh phúc xuất thế gian, nghĩa là muốn có trạng thái tâm luôn thanh tịnh, bình an, không nổi sóng, con người nhất thiết phải luôn luôn kiểm soát thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Không nên làm điều gì, nói điều gì, hay suy nghĩ điều gì lợi mình hại người. Con người phải luôn sống với bản tâm sáng suốt (không u mê, nhẹ dạ, dễ tin), bản tâm chân chánh (không bất chánh, gạt gẫm) và bản tâm thanh tịnh (không khen mình, khinh người). Đó chính là chân tâm, bao gồm ba yếu tố là: sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh (được gọi là tam bảo), mà con người thường không nhận ra, bởi thường ngày con người sống với vọng tâm lăng xăng lộn xộn thương ghét, phê phán đúng sai, thị phi phải quấy. Cũng như mặt trời thường sáng tỏ, nhưng bị đám mây đen che khuất, hay mặt biển thường thanh bình, nhưng bị sóng gió ngập tràn.

Nói cách khác, con người phải sống đời cao thượng, tâm vô ngã, vượt qua cái bản ngả tầm thường, không tự ái, không ích kỷ nhỏ nhen, thì mới thực sự có hạnh phúc xuất thế gian - tâm an tịnh.  Con người tuy vẫn sống trên thế gian đầy sóng gió, nhưng tâm vẫn an nhiên tự tại. Cảnh giới niết bàn hiện tiền - tâm an tịnh, không phiền não khổ đau, chính là nơi đây.

Tóm lại, trong thời gian qua, cảm ơn Hội Phụ Nữ Việt Nam Toronto đã tạo thiện duyên để những đồng hương có dịp ngồi lại với nhau, trà đàm, nghe thuyết giảng, trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống, thảo luận những điều hay lẽ phải. Đây là sinh hoạt đem lợi ích thiết thực cho mọi người qua pháp môn bất nhị (không phải một, cũng chẳng là hai - một sự việc nhưng có hai mặt) và bất tùy phân biệt (không phân biệt kỳ thị nhưng biết rõ đúng sai). Trân trọng cám ơn tất cả, cầu chúc tất cả tìm được hạnh phúc thiết thực qua chương trình Đi Tìm Hạnh Phúc của Hội Phụ Nữ Việt Nam Toronto. []

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Chủ-Nhiệm PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
108 – 123 RAILROAD ST.,
BRAMPTON, ON, L6X-1G9, CANADA
TEL: 647-828-1016
Email VP.PHTQ.: cutranlacdao@yahoo.com


*TÌM HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?


Nhọc công tìm khắp đông tây
Nào hay hạnh phúc
ở ngay tâm mình

TKThích-Chân-Tuệ
Trước khi phát tâm tu học, con người cứ tưởng Phật pháp chỉ ở trong kinh điển, chỉ ở nơi niết bàn, hay ở cõi Phật và chỉ dành cho các nhà sư trong chùa chiền, tự viện.

Không ngờ Phật pháp ở khắp thế gian. Phật pháp ở tại thế gian. Sống trong thế gian, nhận được Phật pháp, đó mới là niềm an lạc và hạnh phúc chân thật nhất.
Hạnh phúc không có ở bên ngoài, không có ở địa phương nào, không có ở thành phố lớn hay thị xã nhỏ, dù nơi đó giàu sang hay đang phát triển, không có ở Việt Nam, không có ở Hoa kỳ, Canada, Âu châu hay Úc châu.

Hạnh phúc không có trong nhà, không có trong chợ, không có trong chùa.

Hạnh phúc ở trong tâm của mỗi người. Khi thân tâm an lạc, con người hưởng được hạnh phúc chân thật. Đó chính là niềm mơ ước của con người. Đó chính là câu chúc nhau chân thật nhất, trang nghiêm nhất. Chúc các bạn thân tâm an lạc.

Khi nào thân của con người được bình an?

Thân của con người được bình an là khi con người đang hưởng phước.

Nghĩa là: con người đầy đủ mắt tai mũi lưỡi, tứ chi lành lặn, không bệnh tật, được ăn no, mặc ấm, sống nơi an ninh, không gặp bất trắc, hiểm nguy.
Khi nào tâm của con người được hỷ lạc?

Tâm của con người được hỷ lạc là khi con người đang hưởng phước. Nghĩa là: con người được an nhiên tự tại trong cuộc sống, không bị sợ hãi bởi các lời hăm he, hù dọa, gạt gẫm của các tà sư, không lạc vào tà đạo, mê tín dị đoan, không bị tà kiến trói buộc, tà pháp sai sử. Tâm của con người được hỷ lạc nhất là khi con người sống đời tri túc, biết đủ, tri nhàn, biết thư giản, không còn tâm tham lam, sân hận và si mê.

Thân được bình an, tâm được hỷ lạc, không do lời cầu nguyện, hay chúc tụng, không do ơn trên, thánh thần thiên địa ban cho. Bởi lẽ, tại sao trời lại ban cho người này, không ban cho người kia, không ban cho tất cả mọi người? Thực ra, thân tâm an lạc có được, chính là phước báu, là công đức và phước đức, tạo nên do sự tu tâm dưỡng tánh của chính bản thân.

Có sáu phương cách để tạo nên phước báu, đó là: bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Trong kinh sách, gọi đó là  Lục Độ Ba La Mật.

Thực hành bố thí, tâm con người hoan hỷ, bớt tham lam, ích kỷ, nhỏ nhen. Phước báu vô lượng.  

Thực hành trì giới, 5 giới căn bản, 10 giới thiện, 250 hay 348 giới xuất gia, tâm con người bớt loạn động, được an tịnh, nhứt tâm. Phước báu vô lượng.

Thực hành nhẫn nhịn, nhẫn mà không thấy nhục, nhịn mà không thấy thiệt, tâm con người từ bi hơn, khoan dung, độ lượng hơn.  Phước báu vô lượng.

Thực hành tinh tấn, làm việc phước thiện, cứu người giúp đời không mệt mỏi, tâm con người an vui hơn khi thấy người khác an vui. Phước báu vô lượng.

Thực hành thiền định, tức giữ được sự bình tĩnh thản nhiên trong cuộc sống, tâm con người dễ dàng hỷ xả, không sân hận, không kích động; hành động, lời nói và ý nghĩ thảy đều thanh tịnh. Phước báu vô lượng.
Thực hành trí tuệ là bước cuối cùng, tâm con người sáng suốt, giác ngộ chân lý, giải thoát phiền não khổ đau trong sanh tử luân hồi. Đây chính là cứu cánh tột cùng của đạo Phật.   Phước báu vô lượng.

Phước báu vô lượng tức là hạnh phúc vô biên.

Sách có câu:

Thứ nhứt thì tu tại gia,
Thứ nhì tu chợ,
thứ ba tu chùa.

Người tu tại gia thực hành lục độ, tất được phước báu, rốt ráo sẽ được thân an tâm lạc, đó không còn là lời chúc tụng suông nữa.     Đó chính là sự thực.

Người tu tại gia, cũng phải ra chợ, tiếp xúc với đời, không tránh khỏi. Người tu tại chợ thực hành lục độ, cũng được thân an, tâm lạc, không nghi.
Đó chính là sự thực.

Người tu tại gia có lúc đến chùa, hoặc phát tâm xuất gia, thực hành lục độ, nhất định được thân an tâm lạc. Đó chính là sự thực.
Tất cả đều do tâm tạo. Tâm tạo được an lạc hạnh phúc, nếu trong cuộc sống, con người biết thực hành lục độ. Con người đã có an lạc hạnh phúc trong tâm, dù sống bất cứ ở nơi nào trên thế gian, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ thời đại nào, cũng cảm nhận được thân tâm an lạc.

Ngược lại, tâm tánh xấu xa, ích kỷ, nhỏ nhen, ganh tị, đố kỵ, hiềm khích, thù hận, cuồng tín, dù sống tại gia, tại chợ hay tại chùa, dù sống bất cứ nơi nào trên trái đất, con người cũng cảm thấy phiền não và khổ đau, không sao tránh khỏi.

Tóm lại, con người biết tu tập, nên quán xét tâm tánh chính mình, cố gắng tu tâm dưỡng tánh. Khi tâm tánh con người sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh, không cần lập nguyện, cũng được vãng sanh tịnh độ. Sống hạnh phúc, chết bình an. Nhất thiết duy tâm tạo, chính là nghĩa đó vậy. []

Suốt đời tìm khắp đông tây
Ai hay hạnh phúc
ở ngay tâm mình

QUA CƠN MÊ
QUÁN ÂM RA ĐỜI
TU TÂM DƯỠNG TÁNH
TU TƯỚNG VÀ TU TÂM
TỘI VÀ NGHIỆP
TỨ NHIẾP PHÁP
TỰ LỰC MỚI THẬT LÀ TU