TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Monday 1 April 2013

*** NHÀ DƯỠNG LÃO TUỔI HẠC TẠI ONTARIO


 
 
 
Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll


LÁ THƯ BAN VẬN ĐỘNG
Xây dựng Nhà Dưỡng Lão Tuổi Hạc tại Ontario

Kính thưa quí đồng hương Việt Nam

Thời gian thắm thoát trôi qua nhanh chóng, lớp người du học sinh Việt Nam đặt chân đầu tiên đến Canada trước 1960 nay tuổi đã ngoài 70, lớp người định cư sau năm 1975 có người nay tuổi cũng ngoài 80-90. Con số đó thật không nhỏ. Như thế nhu cầu cần có một trung tâm an dưỡng cho các cụ cao niên Việt Nam quả thật là điều bứt thiết, không kém gì nhu cầu săn sóc cho trẻ thơ.

Tục ngữ ta có câu: “Một già một trẻ đồng nhau”. Thật vậy, khi con người tuổi tác càng cao thì thể chất và tinh thần lại càng thấp, tâm lý thay đổi mau chóng như thuở còn bé, nghĩa là cũng cần sự quan tâm chăm sóc. Thế nhưng rất tiếc cho đến hôm nay người Việt chúng ta ở nhiều nơi vẫn chưa thực hiện được những cơ sở “dưỡng già” riêng cho cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu cho các cụ cao niên, mà đáng lý ra một công dân cao niên Canada phải được thừa hưởng đầy đủ. Phải chăng một phần nguyên nhân là do tập tục lễ nghĩa trong truyền thống gia đình của người Á đông đã kiến cho ông bà, cha mẹ chưa muốn rời xa con cháu, hay nói cách khác là chưa sẳn sàng vào nhà dưỡng lão. 

Tuy nhiên có một điều khá trớ trêu cho hai lớp người một già một trẻ này là, khi con cháu lớn lên phải đi làm, thì sức khỏe ông bà, cha mẹ ngày một già yếu. Các cụ phải sống ở nhà một mình trong khi con cháu đi làm vắng nhà là một điều hết sức nguy hiểm. Có nhiều vị đã uống thuốc quá liều lượng, có vị đã vô tình gây hỏa hoạn, hay có nhiều vị đã bỏ nhà lang thang ra đường..v.v… Các tổ chức cộng đồng người Việt trong đó có các tôn giáo đều có những băn khoăn trước vấn đề này.

Gần đây người Việt Alberta may mắn có được hai vị dân cử tỉnh bang gốc Việt (MLA). Họ đã thấy được nhu cầu đó nên khuyến khích chúng tôi thực hiện dự án nầy. Sau cuộc thử nghiệm đầu tiên là thực hiện một ngôi nhà dưỡng lão 140 phòng vào năm 2002. Cơ sở gồm có hai khu vực, một khu vực dành cho người sống tự túc (Independent) và một khu vực dành cho người được chăm sóc (Assisted Living), thành lập xong vào tháng 9 năm 2008. Sau hơn 4 năm hoạt động, chúng tôi có chút ít kinh nghiệm nên muốn trợ duyên cùng quí đồng hương chúng ta tại Toronto và các vùng phụ cận một dự án thứ hai. Toronto là một nơi được mệnh danh là thủ phủ của cộng đồng người Việt Canada, chúng tôi nghĩ với số lượng người Việt tại đây cao gấp 10 lần so với số dân việt tại Edmonton thì chắc chắn nhu cầu phải cao hơn nhiều.

Vì vậy hôm nay, thay mặt ban vận động chúng tôi xin kêu gọi quí đồng hương, nếu xét thấy đây là nhu cầu thực tiễn cho gia đình hay cho cộng đồng thì xin quí vị góp một bàn tay với chúng tôi thực hiện dự án nhà dưỡng lão này bằng cách đóng góp một lần, đóng góp định kỳ, hay cho mượn không lấy lãi trong vòng 2,3,4 năm hoặc cho đến khi hoàn thành. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Có như thế chúng ta mới mong thực hiện được dự án như mơ ước đó trong thời gian ngắn nhất.

Tất cả số tiền gây quĩ được chúng tôi bỏ vào trương mục ngân hàng, công khai trên báo chí, chỉ dùng vào việc xây cất nhà dưỡng lão Tuổi Hạc tại Ontario. Chúng tôi nguyện đem hết sức mình để làm công việc từ thiện này, mục đích chỉ nhằm giúp cộng đồng có được một cơ sở phúc lợi xã hội, phục vụ cho người cao niên Việt Nam. Cơ sở này hoàn toàn không phân biệt tôn giáo, sắc tộc.

Một điều mà chúng tôi muốn nói thêm là: nếu dự án này chẳng may không thành tựu vì bất cứ lý do gì thì ban vận động sẽ giải quyết làm sao? Xin thưa quí vị, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, và phải hoàn trả tất cả số tiền theo danh sách đóng góp mà ban vận động đã ghi nhận và đăng báo.
Trân trọng cảm ơn và kính chào quí liệt vị.

Tỳ kheo Thích Thiện Tâm
Trưởng Ban Vận Động xây dựng nhà Dưỡng Lão Tuổi Hạc tại Ontario
Chi phiếu Ủng Hộ xin vui lòng ghi:
GOLDEN AGE VILLAGE For The ELDERLY (hoặc viết tắc: G.A.V.E)
P.O.Box 92142 Piazza Village, 9200 Weston Road. Vaughan, Ontario.
L4H 3J3. CANADA. 1(905) 856-9769

 Giáo sư Nguyễn Quang Phong & Bác sĩ Bùi Xuân Nhiếp
 
 
 
 
 
 
 



 CỨU KÍNH CỦA ĐẠO PHẬT
 TK Thích Chân Tuệ

Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Ðức Phật có dạy:
 "Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo". 
Nghĩa là chúng ta không làm tất cả các việc bất thiện, không làm những việc ác, tránh những việc tổn người hại vật, cố gắng làm tất cả những việc thiện, những việc ích lợi cho người khác, nhưng đừng ghi nhớ, đừng chấp chặt vào những việc ích lợi đã làm, thì tâm ý của chúng ta sẽ được thanh tịnh. Ðó là tu tâm dưỡng tính, đó là điều cốt yếu chư Phật mười phương ba đời muốn dạy như vậy.

Thí dụ chúng ta đã làm những việc ích lợi cho bất cứ ai mà chấp chặt vào đó thì tâm của chúng ta sẽ bực dọc, bất an khi không được ai khen tặng hoặc không được ai đáp ứng như ý.

Nếu như quên đi những việc thiện đã làm, giúp đỡ người với tâm "thi ân bất cầu báo đáp", thì chúng ta sẽ yên ổn, bình an, tâm của chúng ta sẽ không loạn động, không bực bội khi gặp phải người vô ơn. Trong Kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng:

 "Trong tâm khiêm tốn là công. Ngoài hành lễ phép là đức". Hay:
 "Nội cần khắc niệm chi công. Ngoại hoằng bất tranh chi đức".
Nghĩa là "bên trong" chúng ta phải chuyên cần vận nội lực loại trừ những tâm niệm kiêu ngạo, tật đố, ngã mạn, ganh tị, đố kỵ, khen mình khinh người, để đạt được tâm niệm khiêm tốn, hạ mình, nhún nhường, tùy hỷ công đức.

Ðồng thời, chúng ta cũng phải vận nội công để khắc phục các tạp niệm, để tâm không còn có các vọng tưởng.

Mỗi khi tạp niệm, vọng tưởng khởi lên, chúng ta liền giác ngộ, liền nhận biết và dừng ngay, không tiếp tục theo dòng tâm thức, đi lang thang từ đông sang tây, từ quá khứ đến hiện tại và vị lai, từ chuyện này đến chuyện khác. Như vậy chúng ta có được "công".

Ðiều quan trọng cần biết là: chúng ta đừng sợ có vọng tưởng, tạp niệm khởi lên trong tâm thức. Ai ai cũng có vọng tưởng và tạp niệm.

Chỉ sợ chúng ta không giác ngộ, không nhận biết kịp thời, nên bị vọng tưởng, tạp niệm lôi cuốn, đi lang thang làm khách phong trần, quên mất cố hương, từ bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Khi dong ruổi theo các vọng tưởng, tạp niệm như vậy, tâm của chúng ta sẽ loạn động với thất tình lục dục, tức là quên mất "bản tâm thanh tịnh" sẵn có của chúng ta.

Còn "bên ngoài" chúng ta thực hành lễ phép, cung kính, tôn trọng tất cả mọi người, bởi vì mọi người ai ai cũng có "Chân Tâm Phật Tính" như nhau, mọi người ai ai cũng có ưu điểm để chúng ta học hỏi, noi theo, không phân biệt, không thành kiến, không kỳ thị, không tranh cãi, không hơn thua, không thị phi, không ỷ mình là kẻ trên người trước, kẻ có nhiều công lao, kẻ có nhiều tài năng, kẻ làm được nhiều việc không ai bằng. Như vậy chúng ta được nhiều người thương mến, gần gũi. Như vậy chúng ta có được "đức". 

Thêm nữa, người Phật Tử muốn có công đức thì bên trong không có tâm chấp ngã, tâm chấp pháp, nói chung là tâm cố chấp; bên ngoài hành động luôn luôn ngay thẳng, bình đẳng, công minh, chính trực.

Hãy phát tâm tìm học kinh điển, biết đúng Chính Pháp mà hành theo, tránh chuyện tu mù, tu mò, để khỏi lạc sang tà giáo, ngoại đạo. Công đức là ở "Pháp Thân", phát sinh trí tuệ bát nhã, không do tu phúc, không do làm những việc phúc thiện mà được.

Chúng ta ngày nay cũng hay lầm lẫn cho rằng lập chùa, giúp chư tăng tu học, bố thí, cúng dường, làm Phật sự, đi chùa lạy Phật là được nhiều công đức và tự hào rằng mình làm vô lượng vô biên công đức, cần phải được tán thán, rồi chờ đến ngày được vãng sinh về cõi tây phương cực lạc quốc của Ðức Phật A Di Ðà!

Trong Kinh A Di Ðà, Ðức Phật dạy rất rõ ràng cõi Tây phương cực lạc là nơi chỉ có các bậc bồ tát "nhứt sinh bổ xứ", tức là các bực "thượng thiện nhơn" sắp thành Phật, những người hiền thiện bậc thượng, gặp gỡ nhau mà thôi.

Những người còn đầy dẫy tham sân si, đầy dẫy nghiệp chướng, đầy dẫy phiền não thì nhứt định không thể nào đạt được cảnh giới đó. Không thể chỉ lấy có một chút ít thiện căn phúc đức làm nhân duyên, để cầu nguyện về cõi cực lạc đó được.

Ví như người đeo nặng qua sông thì phải chìm, không thể nổi được. Chứ không phải Ðức Phật A Di Ðà không có lòng từ bi cứu độ chúng ta.

Chư Phật có tâm đại từ đại bi muốn cứu độ chúng ta, nên chỉ dạy các pháp môn tu học, các phương pháp, để chúng ta noi theo đó mà tự mình tu tập, để tự được cảnh giới an lạc và hạnh phúc hiện đời và vãng sinh mai sau.

Có người quan niệm "đới nghiệp vãng sinh", nghĩa là con người vẫn còn mang nghiệp chướng, nhưng nhờ biết niệm Phật A Di Ðà, nên được Ngài thương xót cho vãng sinh về cõi tây phương cực lạc, rồi tu tiếp sướng hơn. Ðiều này có vẻ "phe đảng" cũng như quan niệm cứ chấp nhận rước thượng đế vào lòng thì sẽ được thượng đế cho về thiên đàng, hưởng phúc đời đời, không cần biết đó là người như thế nào!

Thực ra, đạo Phật không có dạy như vậy. Nếu thực sự muốn tu cho thành người tốt, thì chúng ta hãy tu ngay ở cõi đời này, đừng hẹn. Còn mang nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, nếu về tây phương, chỉ làm nơi đó ô uế mà thôi.

Dù có được về bên đó chăng nữa, không thấy thích hợp, cũng sẽ đòi về trở lại mà thôi!

Sống với những người thế tục, chúng ta mới cần phải tu, mới có cơ hội để tu. Chứ về bên đó gặp toàn người tốt thì đâu cần phải tu nữa.

Cũng như người còn nhiều phiền não quá, nhiều nghiệp chướng quá, dù có được đưa vào chùa ở, mà không quyết tâm trì chí, cũng khó mà tu được, có ngày cũng xuất, nếu không xuất thì sẽ gây biết bao nhiêu việc đáng tiếc cho cảnh thiền môn!

Trong Kinh A Di Ðà, Ðức Phật cũng dạy nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe được danh hiệu Phật A Di Ðà, luôn luôn trì giữ danh hiệu đó trong tâm trí, lúc nào cũng niệm Phật, nhớ nghĩ tới Phật, trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày, đạt được tâm yên không loạn.

Khi thọ mệnh hết, người như vậy giữ gìn được tâm không điên đảo, tức thời được vãng sinh cõi nước tây phương cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà. Tại sao vậy?

Bởi vì khi tâm của người đó luôn luôn niệm Phật, không còn lăng xăng, lộn xộn, không còn loạn động vì các việc đối đãi thị phi, hơn thua, tốt xấu, cho nên cảm ứng được cảnh giới tịnh độ của Ðức Phật A Di Ðà vậy.

Nói cách khác, tâm của người đó thấy mọi sự đúng như thực, thấy mọi việc không còn điên đảo, gọi là "tâm bất điên đảo", cho nên người đó thấy được "Tự Tính Di Ðà, Duy Tâm Tịnh Ðộ".

Nghĩa là nhờ tâm được thanh tịnh, bất loạn động, bất điên đảo, cho nên người đó thấy được "Phật Tính", tức là "Pháp Vô Sinh", không còn sinh tử luân hồi, tức đắc vãng sinh tây phương cực lạc.

Nếu còn nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, nghĩa là tâm còn điên đảo, tâm còn loạn động, làm sao vãng sinh được mà mong cầu!

Cõi tây phương cực lạc hay cõi thiên đàng là cảnh giới "bất tùy phân biệt", bình đẳng tuyệt đối, chí công vô tư, làm gì còn chia giai cấp có chín phẩm, ba hạng, thượng trung hạ, như con người tưởng tượng cho thêm lộn xộn và phức tạp! Không thể lấy tâm lượng phàm phu xét cảnh giới bồ tát!

Như vậy, cốt tủy của đạo Phật, không phải là van xin cầu nguyện, cúng kiến lễ lạy cho nhiều, mà chính là lúc nào cũng nhớ nghĩ tới hạnh nguyện của chư Phật, nói lời như Phật dạy, hành động như Phật dạy, luôn luôn giữ gìn tâm ý thanh tịnh, bình an, yên tĩnh, không loạn động, không điên đảo.

Ðược như vậy, tam nghiệp hằng thanh tịnh, chúng ta vừa có phúc đức vừa có công đức đầy đủ, phúc tuệ trang nghiêm, tùy tâm mãn nguyện. Kinh sách có câu: "Phúc Tuệ Lưỡng Toàn Phương Tác Phật". Cứu kính của đạo Phật chính là nghĩa đó vậy. 


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
cutranlacdao@yahoo.com


ĐÊM BỊNH VIỆN
TRẦN VĂN LƯƠNG
 
Đêm bệnh-viện, sầu tơi trên tóc trắng,
Người già nằm, bóng hạc lắng chiều sương,
Mắt ngu ngơ như nắng lỡ độ đường,
Nhìn con gái dựa bên giường gà gật.

Đầu ngật ngầy váng vất,
Thương con mình tất bật ngược xuôi,
Mấy ngày qua luôn túc-trực không rời,
Đến tối mịt mới về nơi tổ ấm.

Bàn tay già chầm chậm,
Thờ thẩn nắm tay con.
Từ rãnh mắt xoáy mòn,
Giọt thương cảm lăn tròn theo vết cũ.

Khuya rồi đó, sao con chưa về ngủ,
Chuyện tuổi già, con ủ-rũ làm chi.
Chín mươi rồi, Bố chưa bị cất đi,
Mình may mắn, có gì mà áo-não.

Hãy để Bố vào ở nhà dưỡng lão,
Như mọi người vừa khuyên bảo sáng nay,
Vì một mai khi rời khỏi nơi đây,
Khó khăn sẽ theo tháng ngày dai dẳng.

Bố không muốn mình trở thành gánh nặng,
Để cho con phải lo lắng miệt mài
Đời con còn nhiều trách-nhiệm trên vai,
Đâu có thể chực-chầu hoài sớm tối.

Thân gầy còm yếu đuối,
Sao kham nổi đường xa.
Thêm việc sở, việc nhà,
Chuyện con cái, dễ gì mà vất bỏ.

Người già thường cau-có
Nằm liệt giường, càng khó tính gấp trăm.
Dù cho con chẳng quản ngại nhọc nhằn,
Nhưng chịu đựng tháng năm dài sao thấu.

Bố vẫn muốn sống đời bên con cháu,
Dẫu cơ-hàn, mà rau cháo có nhau.
Bao năm qua mất Mẹ , bấy năm sầu,
Bố gượng sống với niềm đau-lẻ-bạn.

Buồn nhớ lại ngày vượt biên hoạn-nạn,
Bỏ quê nhà, chấp-nhận vạn gian-truân,
Chết trong tay đã nắm chặt chin phần.
Mạng sống chỉ ngàn cân treo sợi nhỏ.

Con thuyền khốn khổ,
Sóng gió tả-tơi,
Phút chót đã kề nơi,
Lối định-mệnh, ai người sống sót.

Tưởng chỉ được nhìn Mẹ, con lần chót,
Nhưng Trời thương cho trót-lọt qua đây,
Trong khi bao người biển cả vùi thây,
Giờ sao nữa, chẳng mảy-may tiếc rẻ.

Bố chỉ hận mình không còn sức khỏe,
Đở đần con việc lẻ-tẻ hôm mai,
Để chiều về, con bớt phải loay-hoay,
Được yên nghỉ sau ngày dài kiệt sức.

Khi bị đẩy vào trong phòng hồi-lực,
Bố biết mình gần tới lúc xuôi tay.
Dù thoát nạn hôm nay,
Đời cũng phải rẽ ngay vào lối ngoặc.

Bố tự biết như ngọn đèn sắp tắt,
Nên cố tình bẳn gắt mấy ngày qua.
Nếu chẳng may phải theo gót ông bà,
Con cũng đở xót xa giờ đưa tiễn.

Mai kia rời bệnh-viện,
Con đừng bịn-rịn xót xa,
Hãy nghe lời y-tá dặn ngày qua,
Mà đưa Bố thẳng ra nhà dưỡng lão.

Cuộc sống mới dù là mưa hay bão,
Bố không buồn,tự bảo vẫn còn may,
Vì biết rằng, chỉ quanh-quẩn đâu đây,
Con cháu Bố đang vui vầy hạnh-phúc.

Rồi sẽ có những buổi chiều hun-hút,
Bố nặn dần từng phút ngóng người thân.
Nhưng rủi con chẳng tới được một lần,
Bố cũng hiểu, đừng bận tâm ray-rứt.

Bố không ngại chặng cuối đời khổ cực,
Nhìn thấy con hạnh-phúc, Bố vui lòng.
Tuổi đã nhiều, phận Bố thế là xong,
Con phải sống cho chồng, cho con cái.

Hứa với Bố, con sẽ không buồn mãi,
Nếu mai này, khi Bố phải ra đi,
Mà con không kịp đến lúc phân-kỳ,
Nói cùng Bố lời chia-ly vĩnh-viễn.

 Đêm trơn giấc, người con rời bệnh-viện,
Đôi mắt già quyến-luyến vọng đưa chân.
Trong ký-ức phai dần,
Khuôn  mặt những người thân vùng hiển-hiện.

Lòng chợt thoáng bùi-ngùi khi nghĩ đến
Phút lên đường, theo ước-nguyện ba-sinh,
Chân bơ-vơ trong tăm tối một mình,
Mò mẫm lối hành-trình về thiên-cổ.

Ý NGHĨA CÔNG ĐỨC VÀ PHƯỚC ĐỨC
TÂM CHƯ PHẬT SẼ THÀNH
SỰ VÔ MINH TRONG PHẬT GIÁO
LUÂN HỒI SANH TỬ TRONG ĐẠO PHẬT
37 PHẨM TRỢ ĐẠO TRONG CHÁNH PHÁP