TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Monday 4 February 2019

XUÂN BÌNH YÊN


Monday, February 4, 2019
XUÂN BÌNH YÊN
TKN Thích Nữ Chân Liễu

Trong thời tiết của năm mới,
trên mảnh đất an bình hiền hòa Gia Nã Đại,
khi nhắc đến Tết Việt nơi xứ người thì không khí lạnh cũng trở thành niềm vui và ấm áp.
Hạnh phúc đến với những điều mới mẻ,
cuộc sống tiến bộ lạc quan, tâm hồn người con Phật thì luôn cầu mong thế giới thanh bình thịnh vượng.

Một ngày đi qua, một tháng cũ hết, một năm lặng lẽ trôi, một đời người, một con đường, một chân lý sống, suy tư cho cùng tận sự vô thường biến đổi ngay trước mắt. Đời người không là mãi mãi sống trăm năm, không một ai thoát khỏi luật vô thường. Cần thấy rõ được niềm hạnh phúc những vinh quang hiện tại; hoặc thăng trầm, vinh nhục ở trong quá khứ; hay sự bất hạnh thất bại bất như ý sẽ xảy ra ở tương lai.
Tất cả đều là vô thường. Chỉ có giác ngộ tìm cho được sự thường không bao giờ thay đổi, khi đó con người không còn sợ bị vô thường chi phối nữa.

Phật pháp không là của riêng ai, những điều chân chánh đã có sẵn trong chốn dân gian.
Nhân quả và vô thường là sự thật trong vũ trụ.
Khi con người còn tham lam danh vọng, sân hận chất chứa, si mê điều lợi, bất chấp thủ đoạn, hại người lợi mình, thì không có trí tuệ.
Khi không hiểu được giá trị của Phật Pháp, không áp dụng nhân cách đáng trân trọng và tâm từ bi trong cuộc sống, thì chiến tranh xảy ra, hơn thua tranh danh đoạt lợi, đau khổ ly tán.
Sự vô cảm và tàn bạo khiến con người càng lúc càng xa rời đạo đức.

Nhân quả và vô thường làm cho chúng sanh rơi vào vòng xoáy của luân hồi sanh tử, nhiều kiếp chịu đau khổ trong lục đạo: thiên, nhơn, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh.
Phật là bậc Thầy khai ngộ và chỉ dạy cho chúng sanh thức tỉnh, dùng trí tuệ để nhận biết rõ ràng ai ai cũng có Phật tánh bình đẳng và sáng suốt.
Ai cũng có thể qui y Phật để trở về con đường chân chánh và thanh tịnh.

Trong Kinh Nhật Tụng Chư Tổ dạy rằng:
Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện qui y

Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng.
Bản tánh rỗng lặng như nhau có nguồn gốc từ quá khứ sâu xa, là chốn an bình tịch lạc, không có tranh chấp, không có đau khổ. Phật là từ chúng sanh giác ngộ mà chứng quả. Phật cũng từ phiền não mà chứng bồ đề.

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn.
Sự suy tư của tâm thanh tịnh không thể nghĩ bàn. Đạo là con đường mà hành giả chân chánh không bị danh lợi cám dỗ, trạng thái tâm lặng lẽ không dính mắc, không chống trái với nhau.
Nhân cách của các vị thiện hữu tri thức cảm thông nhau, cho dù thuận hạnh nghịch hạnh vẫn có thể hoằng pháp ở mọi hoàn cảnh, mà không đánh mất giá trị của đạo hạnh.
Đây là việc bất khả tư nghì của những bậc bồ tát có đủ từ bi và trí tuệ.

Lưới đế châu ví đạo tràng.
Ngài Thần Tú ví tâm như gương lấm bụi phải lau chùi hằng ngày, Ngài Huệ Năng ví tâm xưa nay không phải là một vật, nên chẳng có gì phải lau chùi. Trong đời sống tùy quan niệm và hoàn cảnh, người tu đừng chấp, đừng phân biệt giai cấp, hay đòi hỏi nhiều, thì ở đâu cũng là đạo tràng.
Lời dạy của chư Phật chư tổ cũng là phương tiện để tu học, pháp môn nào cũng là kiến thức từ bên ngoài cần cho việc tu học mà thôi, đừng rơi vào sự sai lầm của bản ngã, gây chướng ngại cho con đường giải thoát. Quan trọng nhất là chánh kiến và chánh tín, tránh khỏi mê lầm, tìm được chân lý thật sự đưa con người đến hạnh phúc, đó mới là cứu cánh và vô cùng trân quí hơn cả trân châu bảo ngọc.

Mười phương chư Phật hào quang sáng ngời.
Phước đức giúp người tu dễ vượt qua khó khăn của ma chướng, như người khách bộ hành phải đi qua những đoạn đường gian nan đầy vực sâu và thử thách. Khi có được những gì mong cầu, người tu đi đến đâu làm việc gì cũng chỉ nghĩ lợi ích chúng sanh. Tánh giác có sẳn nhưng vì nghiệp thiện ác ở sáu cõi làm cho chúng ta quên đường về. Từ vô thủy chúng sanh đã là Phật, tự tánh vốn thanh tịnh luôn luôn hiện hữu. Khi ánh sáng trí tuệ như ngọn đèn được thắp sáng, bóng tối vô minh từ bao đời kiếp tự tan biến mất. Hiểu được và hành được Phật Pháp bằng thân giáo và khẩu giáo là công đức phước đức, lợi lạc cho mình và cho những người hữu duyên, thì hào quang cũng không khác gì chư Phật mười phương.

Trước bảo tọa thân con ảnh hiện.
Công phu “phản quan tự kỷ” chánh niệm tỉnh giác, chiếu kiến từng hành động thuộc về thân khẩu ý. Đức Phật ví tâm con người như mặt biển và ngọn sóng, khi sóng yên biển lặng thì thấy được sóng và nước là một. Sóng lặng là định, là tuệ, là an bình. Sóng dậy là loạn, là mê, là phiền não. Mặt biển lúc nổi sóng và mặt biển lúc thanh bình, tuy trạng thái hoàn toàn khác nhau, nhưng không phải là hai biển. Cũng vậy, tâm con người lúc bình tĩnh thản nhiên và lúc nổi cơn tức giận, không hai, nhưng cũng không phải một. Tuy hai mà một, tuy một mà hai, chính là nghĩa đó vậy. 
Trước tình thương bao la bình đẳng của Phật tâm, con người rồi sẽ nhận ra thật tướng của cái ta, tốt xấu như thế nào. Chư Tổ các ngài giúp môn đệ nắm vững đường lối tu hành và định hướng cho biết Phật tại tâm, tâm là Phật. Phật và chúng sanh chỉ là ngôn từ để xử dụng, chứng đắc, hay ngộ nghĩa lý là do ở nơi mỗi người.

Cuối đầu xin thệ nguyện qui y.
Khi người tu đạt được trạng thái vắng lặng thấy được lẽ thật, bừng tỉnh, giác ngộ sinh tử, mong muốn quay về với chốn an bình tịnh lạc đó mới thật sự là “qui y”. Nhưng đâu là ranh giới của đau khổ và hạnh phúc, si mê và giác ngộ. Tu nghĩa là “dừng”, không mang mặc cảm phước mỏng nghiệp dày, không tự mãn với những gì có được, mới thấy đời tu có ý nghĩa và an lạc. Khi liễu ngộ là đã nhận biết được đường hướng và mục đích cuối cùng một cách rõ ràng, hãy vững niềm tin mà tiến bước bằng nghị lực và ý chí không thối chuyển.

Các Thiền sư có câu:
“Thủy lưu qui đại hải. Nguyệt lạc bất ly thiên”.
Nước dù chảy đi đâu, cuối cùng cũng về biển cả. Trăng lặn ở đâu, cũng không ra khỏi bầu trời.
Xuân đi xuân đến, mãi mãi vẫn là xuân.
Mùa xuân bình yên với người tu đạt từ bi và trí tuệ. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
  

Phần nhiều mọi sự khổ não 
xuất phát từ tâm tham sân si, tâm tưởng tượng 

cố chấp, hay tâm lo buồn sợ hãi.
Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí
TKN Thích Nữ Chân Liễu

Mỗi năm Tết đến,
nơi nơi hân hoan đón mừng xuân mới, chúc nhau an lành và hạnh phúc.
Mùa xuân trở về mang niềm vui đến cho mọi người trên thế gian, trong đó có những người con Phật.
Chuông trống Bát Nhã thâm trầm vang lên trong các chùa, mang âm hưởng tỉnh thức cho phút giây đón mừng năm mới.
Phút nhập từ bi quán như nhắc nhở tâm từ bi của chư Bồ Tát gởi đến muôn loài và lời cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Mùi hương trầm lan tỏa, như hương xuân cúng dường mười phương chư Phật nhân dịp đầu năm.
Nụ cười từ bi của Ðức Phật luôn luôn hiện hữu, tạo cho đạo tràng một không khí ấm áp đầy đạo vị, mặc dù ngoài kia mùa đông Canada, tuyết đang rơi lạnh buốt người.

Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm,
trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, gọi ngắn là Kinh Pháp Hoa, Chư Tôn Ðức Tăng Ni hướng dẫn Phật tử đọc tụng vào dịp đầu năm, là cầu mong tứ chúng vui xuân an lành trọn vẹn và được nhiều hạnh phúc trong năm mới.

Trong phẩm Phổ Môn, có đoạn:

“Bồ Tát Quán Thế Âm nhận Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí của Bồ Tát Vô Tận Ý cúng dường, vì thương xót hàng tứ chúng cùng Trời Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người và không phải người. Liền khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm chia Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí làm hai phần: một phần dâng Đức Phật Thích Ca, một phần dâng Đức Phật Ða Bảo”.

Quán Thế Âm nghĩa là quán sát âm thanh từ thế gian phiền não, chuyển hóa thành ý thức lắng nghe mầu nhiệm nơi tâm giác ngộ, để tùy duyên cứu độ nhân gian. Nếu hiểu được ý nghĩa vô cùng thậm thâm vi diệu của Phẩm Phổ Môn và hạnh nguyện từ bi cao thượng của Bồ Tát Quán Thế Âm, con người sẽ không rơi vào tà kiến si mê và khai mở trí tuệ bát nhã. Với trí tuệ bát nhã, người phát tâm tu hành hạnh nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm hằng sống với lục độ ba la mật, và luôn giữ tâm trong bát chánh đạo, ví như những chuỗi hạt châu ngọc quí giá chiếu sáng nối kết nhau không rời, cho đến khi giác ngộ viên mãn.

* Lục độ ba la mật gồm có:
-        Bố thí là dùng vật chất, chánh pháp giúp đỡ và an ủi người.
-        Trì giới là giữ giới thanh tịnh trong mọi ý nghĩ lời nói và hành động .
-        Nhẫn nhục là kham nhẫn và cam chịu dù bị khinh khi hoặc gặp khó khăn.
-        Tinh tấn là cố gắng vượt mọi thử thách, giữ tâm chí vững bền.
-        Thiền định là tâm an nhiên tự tại, không não loạn trong mọi hoàn cảnh.
-        Trí tuệ là nhận thức sáng suốt đưa đến giác ngộ, không còn si mê.

*Bát chánh đạo gồm có:
-      Chánh kiến là kiến thức thấy biết đúng, hiểu rõ vô thường, nhân quả.
-      Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chánh, không trái với chân lý và lẽ phải.
-      Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không nói những lời thô ác, dối gạt.
-      Chánh nghiệp là hành vi chân thật, không làm những việc ác nghiệp.
-      Chánh mạng là nếp sống chân chánh, không làm những nghề bất thiện.
-      Chánh tinh tấn là tâm chuyên cần trì giới, tu hành, không lười mỏi.
-      Chánh niệm là tâm hiểu rõ việc đang nghĩ, đang nói và đang làm.
-      Chánh định là tâm bình tĩnh thản nhiên, không còn si mê loạn động.

Bồ Tát Quán Thế Âm nhận Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí của Bồ Tát Vô Tận Ý cúng dường, vì lợi lạc của chúng sinh, và đem cúng dường Ðức Phật Thích Ca, nghĩa là cúng dường Giáo Pháp giải thoát tối thượng; và cúng dường Đức Phật Ða Bảo, nghĩa là cúng dường Phật Tánh thanh tịnh sáng suốt.

Cúng dường Ðức Pht Thích Ca:

Ðức Phật Thích Ca là một vị Phật lịch sử.
Giáo lý của Ngài trong sáng như vầng nhật nguyệt, giúp cho người tu theo hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm, kinh Pháp Hoa, còn gọi là Hành Giả Pháp Hoa, giác ngộ tri kiến Phật.
Ngài chỉ dạy vô vàn pháp môn tự giải thoát sự trói buộc của phiền não, tự giác ngộ chân lý vượt trên mọi tín ngưỡng dân gian.
Phần nhiều mọi sự khổ não xuất phát từ tâm tham sân si, tâm tưởng tượng cố chấp, hay tâm lo buồn sợ hãi.
Con người thường hay lo lắng, buồn rầu, sợ nghèo, sợ đói, sợ khát, sợ bịnh, sợ già, sợ chết, sanh ly tử biệt.
Tưởng tượng, cố chấp, lo sợ càng nhiều, thì dễ sanh tâm sân hận, hung ác, việc tội lỗi gì cũng dám làm.
Người tu theo Phật muốn giải thoát sự khổ não trong cuộc đời, nên phát tâm hành trì tinh tấn giáo pháp của Đức Phật giảng dạy, sống trong bát chánh đạo, trí tuệ khai mở, thấu hiểu được chân lý nhân quả. Con người sẽ hưởng được pháp vị an lạc vô biên.

Tham ái sanh ưu tư
Tham ái sanh sợ hãi
Ai giải thoát tham ái
Không ưu, không sợ hãi.
(Kinh Pháp Cú)

Tâm từ thắng nóng giận
Tâm thiện thắng ác hung
Tâm thí thắng tham lam
Tâm chơn thắng dối trá.
(Kinh Pháp Cú)

Hành Giả Pháp Hoa thực hành tự lợi và lợi tha, luôn luôn hành trì lục độ ba la mật, với lòng từ bi chân thật vì lợi ích chúng sinh mới có thể xả thân cứu độ tha nhân, còn gọi là “vô ngã vị tha”, hay “quên mình vì người”.
Tâm hạnh Bồ Tát đạo ví như trân bảo quí giá hiếm có, cũng là Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí cúng dường Đức Phật Thích Ca thù thắng nhất.

Cúng dường Đức Pht Ða Bảo:

Ðức Phật bên trong Tháp Ða Bảo hiện ra trên hư không, chính là hình ảnh tiêu biểu cho tri kiến Phật, cũng là Chân tâm hay Phật tánh, tức là trí tuệ bát nhã tự thân, không dính mắc với chuyện đối đãi, thị phi, nguyên nhân gây nên phiền não khổ đau của thế gian.
Do đó, con người muốn được giải thoát  nên phát tâm tu hành hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm.
Bồ Tát là tâm từ bi cứu giúp nhân loại, tâm hoan hỷ làm tất cả công đức và phước đức, mà không chấp có công đức và phước đức, đó chính là tâm xả.
Bồ Tát không có tâm tự mãn, không có tâm mong đợi sự tán thán ngợi khen, nghĩa là Bồ Tát có tâm phá chấp và vô trụ, tức là “vô ngã vị tha” tuyệt đối.

Ðức Phật dạy:
“Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.
Trên thế giới, với tự tánh thiện lành sẵn có, nhiều người tự nguyện đến những nơi chiến nạn, đói nghèo, bịnh tật, thiên tai.
Với tâm từ bình đẳng bố thí tài vật và lòng bi mẫn không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, họ dùng bàn tay khéo léo dịu dàng và tài năng sẵn có, xoa dịu nỗi thống khổ cho nhân loại.
Chính họ là những người hành theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, quên mình vì người, nghe theo tiếng kêu cứu khổ đau của thế nhân và hiện thân cứu giúp.
Cũng có người tu theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm một cách nghiêm mật, giải bày, giảng nói Chánh Pháp vô ngại, đem ánh sáng trí tuệ Phật Pháp cho mọi người.
Đó chính là Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí giá trị hơn trăm nghìn lạng vàng, xứng đáng đem cúng dường Đức Phật Ða Bảo vi diệu vô cùng.

Bồ Tát Quán Thế Âm
là hình ảnh biểu hiện tượng trưng của sự cứu độ giải thoát về mặt tâm linh, thuộc lãnh vực tâm tánh và ý thức của Bồ Tát hạnh, thực hành Bồ Tát đạo.
Bồ Tát Quán Thế Âm
không phải là một vị thần quyền linh thiêng có thể ban phước hay thỏa mãn hết sự cầu khẩn van xin do mê tín và lòng tham ích kỷ của thế gian như nhiều người tưởng tượng.
Thâm nghĩa của hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm là sự thanh tịnh cao thượng của tâm từ bi hỷ xả.
Mọi người đều tự có khả năng đoạn tận phiền não, phá trừ tâm ô nhiễm của tham sân si và khai mở trí tuệ, phát tâm từ bi hỷ xả lợi tha tuyệt đối, thực hành hạnh nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn cho đời.

Hiểu rõ chân lý nhân quả,
con người tự làm chủ bản thân từ sự suy nghĩ, đến lời nói, và hành động; sống không ỷ lại sự cứu rỗi, van xin, không còn tâm mong cầu, chờ đợi sự huyền bí linh thiêng hay phép lạ đến từ bên ngoài.
Phép lạ chính là sự chuyển hóa nội tâm,
chuyển hóa phiền não thành bồ đề, chuyển hóa khổ đau thành an lạc.
Cầu xin nhiều thất vọng nhiều.
Nếu như cầu gì được nấy sẽ tăng trưởng lòng tham lam và ích kỷ.
Còn nếu cầu không được gì cả, chính là con đường dẫn đến đau khổ triền miên không lối thoát.
Cầu bất đắc thì đương nhiên là khổ!
Nếu như không được những gì mong muốn thì hãy vui với những gì đang có, con người ít mong cầu, ít đòi hỏi, thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, thì thân tâm được an ổn tự tại.

Ða dục vi khổ
Sanh tử bì lao
Tùng tham dục khởi
Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại.
(Kinh Bát Ðại Nhân Giác)

Như lòng cha mẹ thương con, dạy cho con nhân nghĩa, dạy tri thức sống chân chính, chứ không tùy theo ý muốn vô minh dại khờ của con trẻ mà ban cho tất cả; đó là hại chứ không phải thương.
Tình thương trong đời cũng cần phải sáng suốt và cân nhắc, lòng từ mẫn của tâm hạnh Bồ Tát thương tất cả chúng sanh không bỏ ai, nhưng chân lý thuộc về nhân quả không thay đổi.
Chư Phật và Chư Bồ Tát cứu độ chúng sanh là dạy làm lành tránh dữ, gieo hạt giống từ bi sẽ nhận hoa trái từ bi, tạo hạnh phúc cho người sẽ nhận kết quả hạnh phúc cho mình.

Trì niệm hồng danh của Bồ Tát Quán Thế Âm mang ý nghĩa nhắc nhở chúng sanh trở về trí tuệ sáng suốt giác ngộ của Phật tâm, Phật tánh tự thân.
Khi nếm được Hương Vị Phật Pháp, còn gọi là Pháp Vị, con người sẽ mạnh dạn dứt bỏ lòng tham lam sân hận si mê, và dẹp tan được nạn nước lửa, dao gậy, xiềng xích, phá trừ tâm ma và trị tận gốc nghiệp ác.
Đó là sự tiêu diệt các nguyên nhân sanh đau khổ triền miên từ trước đến giờ.

. Nạn lửa: Niệm Quán Âm để bỏ lòng sân hận, nóng giận tiêu diệt, lửa tắt.
. Nạn nước cuốn: Niệm Quán Âm để bỏ lòng tham dục, nước tham ái tự khô kiệt.
. Nạn dao gậy: Niệm Quán Âm để bỏ lòng si mê, dao gậy không làm hại được.
. Nạn xiềng xích: Niệm Quán Âm để bỏ lòng bất chánh, xiềng xích không trói buộc.
. Nạn quỷ la sát: Niệm Quán Âm để bỏ lòng hung ác, ác tâm tự điều phục.

Có câu chuyện đáng suy ngẫm như sau:

Theo thông lệ các chùa mỗi tháng thường tổ chức thọ bát quan trai giới một ngày một đêm, giới tử về tham dự rất đông, có khi không còn chỗ để nghỉ đêm, ngoại trừ phòng thờ linh vị.
Không ít lời đồn đãi về chuyện hiển linh, hay linh ứng của các người đã mất, linh vị được thờ trong chùa, vì vậy phòng thờ này vẫn thường trống.
Với tâm ích kỷ, tinh thần yếu đuối, con người sẽ dễ bị nhiễu loạn bởi những lời đồn vô căn cứ, sanh tâm sợ sệt vu vơ.
Người biết cách tu, khi thọ bát quan trai, với lòng thanh tịnh, khởi tâm từ bi, thương xót tất cả chúng sinh dù ở cảnh giới nào và phát nguyện rằng:

“Công đức và phước đức trọn một ngày một đêm thọ bát quan trai hôm nay,
xin tâm nguyện hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sinh,
cùng chư vong linh ký tự tại chùa, đều được giác ngộ Chánh pháp và trọn thành Phật đạo”.

Khi khởi tâm từ bi thanh tịnh, tương ưng với tâm Chư Phật, với tâm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, giới tử thọ bát quan trai không còn tâm ma hay tâm sợ hãi nữa.
Tâm thiện sẽ giúp người biết tu có một giấc ngủ thật an lành, dù ở bất cứ nơi đâu, và trong bất cứ cảnh ngộ nào.

Tóm lại,
Bồ Tát Quán Thế Âm
chính là pháp tu cao quí lợi lạc cho thế gian, tạo phước đức đạo tâm cho người, đem lại ánh sáng giác ngộ chân thật cho chúng hữu tình.
Trước giờ phút Ðức Phật Thích Ca chứng đạt toàn giác viên mãn, ma quỉ dạ xoa dùng mọi vũ khí tham ái quyến rũ ngăn cản, nhưng nhờ định lực cao siêu,
Ðức Phật an nhiên tự tại tâm không dao động. Hơn nữa, Ngài phát khởi từ bi tâm, thương xót hóa độ, thu phục tâm ma, binh khí biến thành hoa tươi cúng dường và sau đó Đức Phật chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Lòng tôn kính cúng dường Chư Phật, Chư Bồ Tát không chỉ là vật chất thế gian, mà là giá trị nhân cách ở đời, là tâm từ bi hỷ xả hành đạo, tu hạnh thanh tịnh, tinh tấn trì giới, đạt được trí tuệ bát nhã viên mãn.

Đó chính là “Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí”, “vô ngã vị tha”, “quên mình vì người” cúng dường bình đẳng thập phương chư Phật và chư Bồ Tát một cách cao quí tối thượng nhất. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
TKN Thích Nữ Chân Liễu
(Toronto, Canada)