TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Friday 4 September 2020

DAKAO & TÂN ĐỊNH

Giai thoại về người Quảng Nam đất Dakao xưa: người Việt làm tay sai cho thực dân Pháp, sợ hình tội với quan quân triều đình và dân chúng, theo chân quân Pháp chạy vào Đất Đô Hộ (hay Đất Hộ tức Dakao - Saigon). Xem bài viết dưới trang này.
https://phtq-canada.blogspot.com/2020/09/dakao-tan-dinh.html


 
https://phtq-canada.blogspot.com/2020/09/dakao-tan-dinh.html
Đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Văn Giai - Nguyễn Huy Tự - Trương Hán Siêu & Chợ Dakao
Nơi đây nên nói rõ:
Điện Ngọc Hoàng, hay đền Ngọc Hoàng là cơ sở thờ cúng Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị thần theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa - đúng ra không phải là Chùa theo Phật Giáo.
Các links về Chùa Ngọc Hoàng
(nay là Chùa Phước Hải)
số 73 đường Phạm đăng Hưng (nay là Mai Thị Lựu)

Khi nghe nhắc đến Chợ Dakao mấy người bạn của tôi thay nhau kể chuyện về vùng Đất Hộ. Té ra họ đều là dân Dakao. Người thì có ba đời sống gần Cầu Sắt, người thì từ nơi khác đến mua nhà gần rạp Casino Dakao, người sống ở Xóm Chùa. Người cũ người mới hội tụ về vùng Đất Hộ. Bao nhiêu kỷ niệm xưa đem ra bày tỏ cho thỏa nỗi nhớ những ngày còn là dân Saigon chính hiệu con nai vàng ngơ ngác. Những chuyện không đầu không đuôi kể ra đây, đúng sai chẳng cần bàn cãi. Vì có khi những hình ảnh từ đâu trong quá khứ đột ngột ùa về rồi lướt qua như cơn gió thoảng.

Ðiều tôi quan tâm là Chợ Dakao hình thành từ khi nào và hình ảnh ngôi chợ đó tại một trung tâm thành phố ra sao trong khi không xa Chợ Dakao đã có một ngôi Chợ Tân Ðịnh bề thế với lối kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, có quá ít tài liệu để tìm hiểu về ngôi chợ nhỏ trên vùng Ðất Hộ còn gọi là Chợ Dakao mà cách lý giải cái tên vùng đất này cũng có vài quan điểm khác biệt.

Ông bạn lớn tuổi của tôi có ba đời cư ngụ gần Cầu Sắt kể rằng: “Ðất Hộ hẳn là cái tên xa xưa lắm. Từ thuở tôi còn bé đã nghe ông nội kể nhiều câu chuyện về vùng Dakao trong thời lính Nhật vào Saigon”. Ðem chuyện nơm nớp lo sợ cảnh giết chóc bắt bớ trong hoàn cảnh xã hội loạn ly thời đó chẳng hay chút nào. Ông kể chuyện món ăn hàng quán cho nhau nghe để gợi thèm hương vị ngày xưa đôi chút. Ông nhớ chi tiết về những con đường góc phố thân quen. Nhớ rõ từng tên tiệm buôn hàng quán trên mỗi con đường. Nào là chè Hiển Khánh, kem Vi Bổn, Bánh cuốn Tây Hồ, cà phê Duyên Anh sáng nào cũng tụ họp đám thanh niên trong đó có ông. Quán tên Duyên Anh nhưng người chủ chẳng dính dáng gì tới ông nhà văn có nhiều truyện dài viết cho tuổi thiếu niên gây ấn tượng hơn những thiên văn chương tình cảm xã hội thời bấy giờ. Ông bạn tôi đùa: “Chắc chủ quán “kết” Dzũng Dakao nên mới lấy tên người nặn ra nhân vật mà đặt tên cho quán”.

Sống ở vùng Ðất Hộ xưa ba đời cho nên ông rành rẽ vùng đất gần như khai phá sớm nhất khi mở rộng thành phố Saigon sau khi Pháp chiếm xong thành Gia Ðịnh. Mãi đến năm 1889 khi vùng gò cao từ Tân Ðịnh (xưa là Phú Hoà) đến Ðất Hộ (trước là làng Hòa Mỹ) mới trở thành quận 1 và quận 2. Tuy khi xưa là làng Hòa Mỹ nhưng vùng này còn có một cái tên Ðất Hộ trên bản đồ do Trần Văn Học vẽ vào năm 1815. Không biết Ðất Hộ có phải là địa danh nhưng chắc chắn nó nằm trong phần đất của làng Hòa Mỹ. Có thể Ðất Hộ chỉ là vùng đất nhỏ theo cách gọi của người địa phương nhưng ý nghĩa của nó như thế nào ít thấy tài liệu lịch sử hình thành đất Saigon ghi chép đầy đủ.

Ông bạn tôi không đồng ý với một vài quan điểm của mấy tài liệu viết về vùng đất này. Trang mạng Wiki cho rằng: “Tên gốc của vùng đất Dakao là Ðất Hộ (đất của hộ hoặc đất do hộ quản lý). Hộ (quartier) là đơn vị hành chính tồn tại vào thời kỳ Saigon và Chợ Lớn được sáp nhập lại thành Vùng Saigon – Chợ Lớn (Région de Saigon – Cholon) vào thời Pháp thuộc; đơn vị này tương đương cấp tổng ở các tỉnh. Ðứng đầu một hộ là hộ trưởng. Ðất Hộ được phiên âm thành Dakau trong sách báo, văn bản thời Pháp thuộc. Tên gọi Dakao trở nên phổ biến rộng rãi tại Saigon từ thập niên 1950 trở về sau”.

Ở đây có hai nghi vấn cần lưu ý: Thứ nhất, thời kỳ Chợ Lớn – Saigon sát nhập nhau vào đầu thập niên 1930. Việc chia đơn vị quản lý hành chánh quartier lúc đó tương đương cấp phường ngày nay. Và không thể nói quartier là hộ (đất do hộ quản lý) nên gọi là đất hộ. Thứ hai, Ðất Hộ đã có tên từ lâu trên bản đồ Trần Văn Học vẽ vào năm 1815 mặc dù nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu có bổ sung thêm một số tên địa danh dịch ra từ chữ Hán vào giữa thế kỷ 19 trên bản đồ.

Vấn đề tên gọi Dakau do người Pháp phiên âm từ chữ Ðất Hộ có thể chấp nhận được. Nhiều văn bản sách vở người Pháp in, xuất bản từ đầu thế kỷ 20 xuất hiện chữ Dakau. Chẳng hạn như chú thích tấm ảnh bưu thiếp Chùa Ngọc Hoàng được ghi rằng: Saigon – Pagoda de Dakau (Chùa Dakao). Ngôi chùa này còn có tên là Phước Hải Tự. Theo Vương Hồng Sển trong Saigon năm xưa, chùa tạo lập lối 1905 và hoàn thành năm 1906. Như vậy khó có thể đồng ý với nhận định tên gọi Dakao xuất hiện phổ biến rộng rãi từ thập niên 1950 trở về sau.

Theo ông bạn lớn tuổi của tôi người ở Xóm Chùa thì tên Dakao xuất hiện từ lâu khi gia đình cha mẹ anh di cư từ miền Bắc vào Saigon năm 1944 để tránh nạn đói. Nhà ông ở trong một con hẻm trên đường Trần Quang Khải gần đền thờ Tây Hồ Phan Chu Trinh. Hình dáng ngôi đền trông như cái đình có mái đao ngói đỏ. Nên ông chỉ nghe gọi tên Xóm Chùa. Tất nhiên đây là cách gọi của người dân sống trong khu vực tập trung vài ba ngôi chùa, đền thờ; gọi như vậy cho thêm hình tượng. Nhưng hình tượng nhất trong xóm này lại là nhiều đám du côn tụ họp từ những khu nhà sàn gần cuối kênh Nhiêu Lộc. Thanh niên lạ mặt không dám vào đây vì sợ ngó điêu là đánh. Cái xóm “hiền lành” nhất như thế lại sống trong Xóm Chùa, lại thêm ban nhạc “Mad Dogs”, nghe cái tên cũng thấy nổi loạn rồi, đàn ca hát xướng vang rền cả xóm.

Ông kể, nhà tôi ở Dakao nhưng đi học ở Tân Ðịnh gần đó. Trường tiểu học Huỳnh Thị Ngà khai trương năm 1947 và đó cũng là năm tôi vào học lớp nhì. Ðây là một trường tư thục nhưng có kỷ luật nghiêm khắc nên bố mẹ dẫn tôi đến ghi danh. Từ nhà đến trường chừng chưa đầy cây số, đi bộ cũng tới, vậy mà ba tôi dẫn tôi đi xe điện leng keng cho biết với người ta. Ðón xe ở trạm Dakao, xuống trạm Tân Ðịnh, lại đi bộ vào trường. Nhắc đến bến xe điện, theo tôi tìm hiểu tuyến đường xe điện: Saigon – Hóc Môn đi qua các trạm Bà Chiểu – Dakao – Tân Ðịnh khánh thành từ cuối thế kỷ 19. Như vậy xem ra địa danh Dakao đã xuất hiện vào thời gian này chứ mấy ai còn gọi Ðất Hộ?

Riêng Chợ Ðất Hộ mang tên này khi nào thì không có tài liệu để kiểm chứng. Ông bạn tôi với trí nhớ thuở còn học sinh tiểu học có thể không chính xác, nhưng thuở đó ông vẫn nghe người trong xóm gọi chợ Dakao mặc dù ngôi chợ này chỉ là chợ chồm hổm tự nhóm, dân chúng mua bán tụ tập lại thành hàng sạp lộ thiên. Mỗi chiều sau khi tan chợ, rác rến xả đầy, hai ba người phu quét dọn hì hục kéo lê cán chổi dài gom rác lại thành từng đống rồi dùng cào vun lên xe bò chở rác kéo ra bãi đổ ở phía đường Mayer tức Hiền Vương.

Một tài liệu ghi chép trong cuốn “Bến Nghé xưa” của nhà văn Sơn Nam nhắc đến vụ toan tính đánh chiếm Saigon vào tháng 1-1885 do ông Nguyễn Văn Bường, tự nguyên soái Tống cư ngụ tại Cầu Kiệu. “Nguyễn Văn Bường chuẩn bị xong người và khí giới để đột nhập vào chợ Tân Ðịnh và Phú Nhuận hòng chiếm và phá hủy vài công sở”. Nhưng cuộc nổi dậy bất thành, Nguyễn Văn Bường cùng vài ba lãnh đạo bị bắt và kết án chung thân đày ra Côn Ðảo. Sau đó mấy tháng, lại có tin dân chúng Hóc Môn nổi dậy. “Có tờ lịch ném vào chợ Hóc Môn ghi rõ thời điểm ấy. Lại có tin loan truyền đúng rằm tháng 3, vào ban đêm, nghĩa quân tấn công thẳng vào Saigon. Mặc dầu không sợ cho lắm nhưng bọn thương gia Pháp ở Ðất Hộ cũng thức chờ đối phó, ngủ với cây súng ở đầu giường”.

Ðất Hộ nhắc tới trong thời điểm ấy (1885) là điều đương nhiên cũng như Chợ Ðất Hộ cũng chỉ là cái tên gọi của dân chúng chứ không nằm trong các chợ được quy hoạch có tên quản lý trong một thành phố như chợ Tân Ðịnh (trước là Chợ Phú Hoà) sau này khi xây xong thành một tác phẩm kiến trúc đẹp thu hút dân chúng sống trong vùng Tân Ðịnh - Dakao. Những ngôi chợ nhỏ gần đấy như Xã Tài (Phú Nhuận), Ðất Hộ (Dakao) ít nghe nhắc đến hơn nên người Saigon sinh ở quận khác có nghe cứ tưởng chợ ở tỉnh nào.

Thành phố Saigon mở rộng nhanh chóng vào thời ông Diệm, chợ búa cũng theo đó mà hình thành và cất mới phục vụ cho nhu cầu dân sinh từ khắp nơi đổ về mảnh đất Saigon hoa lệ. Chợ Ðất Hộ hay Dakao từ chợ chồm hổm lộ thiên được dựng lên có nhà lồng, dãy sạp hẳn hoi mua bán cho đến ngày nay.

… Ai về Tân Định xóm tôi

Bích Vân (tháng 8 – 2004)

Chả hiểu tại sao, nhưng hễ cứ nghe ai nhắc hoặc nói đến hai chữ Tân Định là tôi lại thấy lòng nao nao, xúc động một cách kỳ lạ. Không kềm được. Chỉ mới nghe đến hai chữ Tân Định không thôi là đã thấy cả một quãng đời thơ ấu thần tiên như hiện ra trước mắt với biết bao kỷ niệm vui buồn thân yêu, cả một thời mới lớn vô tư đầy mơ với mộng, và cũng cả …một thời “đổi đời” khốn đốn chật vật lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc….

Bao  nhiêu  kỷ  niệm  ngày  xưa  đó
Đầy  ắp  trong  tôi  dìm  hơi  thở
Sắp  xếp  làm  sao  những  mến  thương
Cho  tròn  nỗi  nhớ  khung  trời  cũ . 

 

Đã ở Saigon ai mà chả biết hoặc chưa từng đi ngang qua nhà thờ Tân Định? Qua Hai Bà Trưng, con đường chính nối liền Phú Nhuận và … cứ thế đi thẳng tắp lên phố? Đi thẳng ra chỗ tượng đức Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, giang sơn của Hải Quân thì có lẽ chính xác hơn, nhưng phố Catinat và Bonard cũng đã nằm lẩn quẩn gần đâu đấy, chỉ cách có vài bước.

Cái đất Tân Định của tôi có nhiều… thứ nổi tiếng lắm nhé. Rất rất nhiều thứ. Những nhân vật trứ danh của vùng quận nhất Tân Định nói chung, và khu Nhà Thờ của tôi nói riêng, thì … ối thôi hằng hà vô số, nhớ sao cho hết và kể sao cho xuể? Một thí dụ nôm na thôi, tầm thường thôi, nhưng chắc chắn sẽ còn rất nhiêù người vào lứa tuổi sồn sồn như tôi khó mà quên cho được… Chú Hòa (còn được gọi một cách thân mật là Chí Hòa) có cái xe đẩy bán sirop đá bào ở đầu cái hẻm đối diện với nhà thờ Tân Định. Những buổi trưa nắng gắt mà được sà vào dầm dầm khuấy khuấy một ly “đá nhận” thoang thoảng chút mùi chanh muối rồi chấm chấm mút mút từng muỗng đá bào có xịt xịt tí sirop mâù xanh mâù đỏ, thì cứ gọi là coi ông mặt trời như …nơ-pa, đã khát và mát ruột gì đâu !!!!

 

Lại nhớ hồi tôi còn đầu tắt mặt tối với cái quán café cóc (sau 75 âý mà, buôn bán nhì nhằng chỉ mong kiếm đủ tiền đi chợ hằng ngày thôi, có mấy ai mà chẳng phải thế, như tôi, nhỉ ?) cũng ở ngay đầu hẻm, đã biết bao lần chú Hòa thương hại “giải vây” cho tôi vay tạm từng cục nước đá BGI để tôi phục vụ bán cà-phê “sữa đá” hay “đen đá” cho những người vừa tan lễ nhà thờ ùa vào hàng loạt … khiến tôi lính quýnh tíu tít pha pha chế chế luôn tay không kịp thở và cái thứ hàng gì tôi bày bán cũng hết sạch nhẵn, chỉ trong nhấp nháy, sau những giờ tan lễ ngày chủ nhật.

Cái quán cà-phê cóc của tôi thật ra thì chả có mấy người còn nhớ đến, nhưng nức tiếng lắm lắm cả Saigon lẫn Chợ Lớn là (quán đàng hoàng) Café Thu Hương nằm gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ Hiền Vương (đường Mayer cũ và bây giờ hình như là Võ thị Sáu thì phải). Ngày xưa, lúc đang còn trong thời kỳ nhắng nhố… sắp sửa thành người lớn, bọn ghiền ngồi cà-phê chúng tôi cứ phân vân không biết phải chọn cà-phê Văn Hoa Dakao hay Thu Hương Tân Định để được nghe những bài nhạc ngoại quốc “mới ra lò”, thịnh hành nhất, rô-măng-tic nhất … Văn Hoa thì nhạc hay, âm thanh hay và có mấy cô caissières yé yé xinh xẻo nhưng cà-phê lại chỉ tàm tạm thôi nên chúng tôi đóng đô Thu Hương thường hơn, vả lại những hôm lười đi xa, tôi chỉ việc băng qua đường là đã tới, gần xịt.

Gần xịt hơn nữa là cái quán bánh xèo Đinh Công Tráng rộn rịp từ xế xế chiều cho đến tối khuya, lúc nào cũng tấp nập người và xe. Nghe nói sau gần 40 năm rồi mà đến bây giờ vẫn còn tấp nập xe và người, cả ngày lẫn đêm nữa cơ đấy!

 

Đi quá thêm vài ba bước nữa là tới cái ngõ hẻm của nghệ sĩ Tùng Lâm, danh tiếng thì cả nước biết. Tôi thường đi băng tắt ngang cái hẻm này mỗi ngày để ra chợ, cái hẻm đâm thẳng vào hông chợ, đầu hẻm có xe nước miá (pha lẫn với dâu Đàlạt) của chị Tám, trời thần ơi là ngon, nhất là được uống vào những buổi tối cúp điện. Có lẽ chưa có loại nước uống nào trên thế giới, theo tôi nghĩ, mà vừa rẻ, vưà đã khát, vừa ngon lại vừa bổ như nước miá, nếu đừng để ý đến cái đám nhặng xanh bay vần vũ trên những xác mía đã được ép lâý nước rồi, cũng như những đẵn miá chưa ép.

Cứ gì phải ra tận ngoài Hà Nội để mò đến Chả Cá Lã Vọng mới thưởng thức cho được cái món chả cá thìa là chấm mắm tôm? chả cá Sơn Hải ở ngay ngã ba Lý Trần Quán và Đinh Công Tráng (còn gọi là Calmette) mà không ngon ư? Cứ gọi là lịm cả người đi âý chứ! Và trong cái ngõ hẻm sát kế bên còn có một nhân vật, lúc còn sinh thời, đã từng làm mưa làm gió trong giới điện ảnh hồi đó: tài tử Đoàn Châu Mậu, bố của Tuyền, cô bạn học cùng lớp với tôi ở M.C. và cùng học violon với ông xã nhà tôi ở trường Quốc Gia âm nhạc. Một cô bạn tính tình hiền hậu, lành như cục đất, ai nói gì cũng chỉ ngỏn ngoẻn cười. Cô bạn này của tôi đã có dạo, trước 75 một chút, cùng với Đức Huy là một Duo khá nổi tiếng trong làng ca nhạc Saigon.

 

Cha Tr. của giáo xứ Tân Định những năm 70 cũng là một nhân vật được nhắc đến khá nhiều, nhất là trong giới trẻ. Một thần tượng, một… hiện tượng lạ thì đúng hơn, đáp ứng được cái “máu hippie” của bọn choai choai chúng tôi thuở bấy giờ. Những buổi lễ của Cha, dành riêng cho giới trẻ, lúc nào cũng đông nghẹt!

Bọn con gái chúng tôi mê nhất là bộ râu quai nón của Cha, giọng nói từ tốn “lịm cả hồn” và những bài giảng rất là giản dị và cởi mở, những bài thánh ca soạn theo thể loại mới, nghe mà cứ “ngơ ngẩn cả người” vì… hay! Tôi biết, đã có khối con chiên ghẻ bỗng dưng trở thành ngoan đạo, chăm chỉ sốt sắng đi lễ nhà thờ không bỏ sót chủ nhật nào cũng chỉ vì … Cha, và trong số những con chiên ghẻ đó có tôi.

 

Sát bên nhà thờ Tân Định là trường Thiên Phước. Ngôi trường đạo này là của các Sơ, chỉ nhận toàn con gái và có một đặc điểm rất dễ thương là bắt các nữ sinh phải mặc đồng phục váy mầu hồng thay vì mặc váy mầu xanh nước biển đậm và blouse trắng như các trường đạo khác (Couvent des Oiseaux, Régina Pacis và Régina Mundi… chẳng hạn). Cứ đến giờ tan học là cả khu Tân Định nhộn nhịp hẳn lên với một đàn bướm mầu hồng khổng lồ ríu rít túa ra xúm đông xúm đỏ các gánh hàng rong túc trực sẵn trước cổng trường, trông vui mắt đáo để.

 

Quà vặt của vùng Tân Định là có tiếng đâý. Có tiếng là ngon! Mà cũng có tiếng là đắt! Chả thế mà người ta vẫn thường kháo với nhau là “chợ Tân Định chỉ dành riêng cho những dân nhà giầu, bán toàn hàng “tuyển” nên mắc như quỷ (?). Mà cũng đúng thôi, tiền nào của nấy!”

Chẳng ngoa tí nào sất, thật, dân vùng Tân Định phần lớn là “có máu mặt” cả mà! Những ngôi nhà lịch sự xinh xắn trong các con hẻm tương đối rộng rãi nếu so với những con hẻm của các vùng khác, và những cửa tiệm khang trang buôn bán sầm uất ngoài mặt đường đã nói lên rằng thì là… Quận Nhất không phải khi khổng khi không mà được gọi là Quận Nhất, nghĩa là nhất trong các quận của Saigon! Và những lý do để dẫn chứng thì kể đến mai, mốt cũng chưa hết.

 

Trước tiên phải kể đến lý do … yên ổn: năm 68 trong trận Mậu Thân, cái đất Tân Định chả suy xuyển một mảy may nào, ở đâu nhốn nháo chứ quanh vùng tôi ở vẫn cứ êm ru bà rù. Và kiểm lại trong ký ức, tôi rất ít khi nghe nói tới các băng đảng anh chị xuất thân hay những hành vi phạm pháp xuất phát từ cái xứ Tân Định. Chỉ cần nhiêu đó thôi, thế đã đủ là lý do chính đáng hàng đầu chưa nhỉ, để chán vạn dân Saigon ôm ấp giấc mơ có được “hộ khẩu” trong vùng này? Thế thì văn hóa nữa nhé?

Yểm Yểm thư quán trên đường Trần văn Thạch chắc nhiều người trong giới chữ nghĩa vẫn chưa quên.

 

Còn nữa, đối diện với chợ Tân Định ngay đầu cái xóm sát với nhà thuốc bắc Kim Khuê (có trưng một ông hổ to thật to, và thật, đứng chình ình trong tiệm) là chỗ cho mướn sách với một kho truyện phong phú không thể tả được! Trên thì giời dưới thì sách, thôi thì không thiếu một thể loại hay tác giả danh tiếng nào. Những Văn Bình Z.28, “Lửa cháy Thành Phiên Ngung”, “Thủy Hử” hay Kim Dung hay Duyên Anh hay Ian Fleming .v..v.., đã góp cái vốn kiến thức cho biết bao già trẻ lớn bé không chỉ vùng Tân Định.

Còn giới văn nghệ sĩ tụ tập trong vùng này thì đông vô số kể. Nào là nữ ca sĩ Bạch Quyên và Tuyết Mai của những năm “hồi đó lâu lắm rồi”, nào là nữ diễn viên kịch Mỹ Chi, nào là nữ sĩ Nguyệt Hồ nổi tiếng như cồn nhờ tài bói bài tây…

Nói chi đâu xa, cũng vào đầu những năm 60, ngay trong cái ngõ trước cửa Nhà Thờ của tôi, ông hàng xóm sọan giả Hoàng Khâm là … số dzách trong làng cải lương. Mỗi tối khuya mà thấy ông bách bộ đi tới rồi lại đi lui, phiá bên kia đường nhà thờ, để vắt tim nặn óc viết kịch bản dựng tuồng cho các gánh hát (hạng nhất thôi đấy nhé) là thiên hạ xung quanh nhìn bằng con mắt ngưỡng mộ ghê lắm.

 

Hiệu uốn tóc Mô-Đéc (dấu sắc) sát bên nách hiệu thuốc tây của nhà tôi cũng được các tài tử giai nhân của cả Sài Gòn tận tình chiêú cố. Cô em Lìn Dí làm chủ tiệm này còn bà chị Lìn Chế có thêm một tiệm nữa, cũng tên Mô-Đéc, nhưng nằm trên phố, đường Lê Lợi. Hai tiệm này lúc nào cũng đông nghẹt, nhất là vào những mùa Noel hay Tết, dễ thường khách đến “làm đầu” phải chờ đến cả tiếng đồng hồ mới được phục vụ. Chú Cóong, chú Cai có những bàn tay bằng vàng, được các bà các cô “tán tiu” nhiều nhất. Cứ vào đây là khắc biết hết tuốt tuồn tuột những chuyện “trong nhà ngoài phố” của … cả làng trên xóm dưới, bảo đảm!

Chỉ cách nhau chưa đầy ba phút đi bộ mà cái vùng tôi ở có đến hai rạp ciné. Bên hông chợ là rạp Mô-Đẹc (dấu nặng) và mặt trước của chợ là rạp Kinh Thành. Hai rạp này thay phiên nhau chiếu những phim Ấn Độ và cao-bồi hay ra phết, thỉnh thoảng để thay đổi không khí lại mời các gánh Cải Lương hay Hồ Quảng về trình diễn, làm nghẽn cứng cả xe cộ lưu thông vào những giờ sắp mở màn hay vãn tuồng.

Đấy là những dẫn chứng (mê ly chưa?) liên quan đến “cái đâù” mà tôi chỉ đại khái sơ qua thôi.

 

Còn “cái bụng” ư? Hai con đường Hiền Vương và Pasteur với một dẫy các hàng phở, món quốc hồn quốc túy vang danh khắp năm châu bốn biển, chả là cái nôi của nền văn hóa ẩm thực của nước Việt Nam đó sao? Dân sành sõi chỉ ăn phở thịt bò ở Pasteur hay phở gà trên đường Hiền Vương. Và Phở Pasteur đã trở thành bảng hiệu của vô số tiệm Phở, điển hình là ở Boston bên Mỹ, của Mr. Lê D.

Tiệm bán giò chả Bạch Ngọc và Phú Hương, cũng trên đường Hiền Vương thì … lọ là phải ngôn, nổi tiếng quá xá trời là ngon không đâu bằng. Bánh dầy, bánh giò, chả cốm, chả quế, giò lụa, giò bò không chê vào đâu được! Ăn giò chả của hai tiệm này với bánh mì nóng hôi hổi của lò Poitou gần đấy thì ngon phải biết, quên cả chết!

Ăn rồi lại muốn xơi thêm

No căng nứt bụng, cứ chêm, vẫn thèm …

Tôi còn nhớ, mãi, trong chuyến viếng thăm Little Saigon, cái cảm giác ngạc nhiên đến sững sờ khi bước chân vào lò giò chả Thái Bình trên đường Brookhurst. Cầm khoanh chả bò trên tay, cái mùi rau thìa là ngào ngạt xộc vào mũi, xông thẳng lên óc. Chao ôi là quen thuộc! là thân yêu! Trong một lóe chớp, dường như tôi thấy cả một quê hương Việt Nam, cả một bầu trời Tân Định ùa đến trước mặt. Tôi lặng cả người. Từ khi bị xa xứ, gần hai chục năm rồi, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được ngửi lại cái mùi chả bò quyến rũ này. Quyến rũ kỳ diệu cái khứu giác. Tôi cắn ngập răng, nghiến ngấu, mê mẩn. Quyến rũ thần tình cái vị giác. Không ngờ cái mùi, cái vị của một món ăn lại có sức khơi dậy kỷ niệm mãnh liệt dường âý. Tả làm sao cho xiết những xúc động của tôi lúc đó, lúc mang cái tinh túy đặc biệt của xứ sở tôi vào lòng?

Cám ơn lò giò chả Thái Bình đã cho tôi tìm lại hương vị độc đáo không bao giờ quên được này. Cám ơn cả Van´s bakery với những ô mai, những bánh mứt đủ các loại, gợi cho tôi nhớ biết mấy cái tuổi nhỡ nhỡ nhàng nhàng, lúc nào trong túi cũng sẵn, trong miệng cũng ngậm, ghiền ô mai như trẻ con nhai kẹo chewing-gum. Tôi mua nhiều lắm, mỗi thứ ô mai “Bắc Việt” mấy lạng, đem về Đức, để khi nhấm nháp thì nhớ ngược trở lại những ngày phiêu lưu, ôi tuyệt vời, bên Cali.

Nhưng thôi, đấy là một “thế giới nhớ” khác vẫn rất rất đậm nét (còn mới toanh), bây giờ tôi đang nhớ Tân Định, nhớ cái khu Tân Định của tôi cơ mà.

Ai đi bỏ lại con đường…

Tôi đang kể đến đâu nhỉ? Gì nữa nhỉ? À, cái quán điểm tâm cơm tấm bì gần bên trường dậy lái xe hơi của ông nghị sĩ Huyền, cũng vẫn trên đường Hiền Vương, không thể không góp phần vào “nghệ thuật ăn uống” của vùng Tân Định. Cô Mỹ Trinh, cô láng giềng của quán này bây giờ lại góp phần vào nền kịch nghệ hải ngoại bên Mỹ nữa đâý.

Và nhắc đến tiệm hòm Tobia thì không ai là không biết. Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà thôi, tôi đã thấy bảng hiệu Tobia ở miền Nam Cali nữa cơ. Hình như bây giờ nằm trên đường Newland street của thành phố Westminster, trước đó thì trên đường Edinger? Không biết tiệm bán hòm này có liên hệ gì với vợ chồng Bùi và Cathy Tobia Tân Định, những người vẫn hay … ngồi cùng chiêú với vợ chồng tôi vào những ngày cuối tuần, hồi còn ở bên nhà?

Những “tai to mặt lớn” cũng không thiếu, khét tiếng nhất phải kể đến ngài “Th. đen” với chiếc xe Camaro độc nhất vô nhị, luých vô cùng, nhất xứ, vào những năm đầu 70. Đối diện với tư dinh (bên trong cũng luých không kém, sau 75 trở thành trường Mẫu giáo) của ông vua điện lạnh này là tiệm Trinh shoes. Một biệt danh lẫy lừng trong giới ăn mặc thời trang của Saigon: Hảo‘s Trinh shoes, giới trẻ “xịn” thời đó ai mà chẳng biết?

Sở dĩ nói vòng vo, nhắc nhở tùm lum là tại vì … nhớ quá đấy mà. Chả là đêm qua nằm mơ, tôi thấy tôi đang đi chợ hoa, những ngày giáp Tết, ở bên nhà, ở Tân Định, ở trước cái cửa hàng Pharmacie nhà tôi. Tự dưng thấy quặn ruột nhớ nhà, nhớ Tân Định, nhớ cái không khí tấp nập không có chỗ len chân trên những ngã đường xung quanh nhà thờ vào những đêm Noel, nhớ cái tíu tít rộn rịp mua sắm của những ngày sắp Tết, nhớ lung tung, nhớ đủ thứ, nhớ ơi là nhớ, nhớ quay nhớ quắt, nhớ như điên như dại, nhớ chín ruột chín gan, nhớ quá lắm… Tân Định của tôi ơi !!!!

Trong chuyến Mỹ du vừa mới đây, mấy tháng trước, tôi như tìm thấy lại được một phần nào cái hồn của quê hương tôi trên xứ người. Đứng giữa khu Phước Lộc Thọ, bên tai nghe ríu rít đủ các thứ giọng của cả ba miền Trung Nam Bắc, trước mặt và xung quanh chỉ toàn những khuôn mặt của người cùng xứ sở, tôi thấy nỗi buồn tha hương vơi đi rất rất nhiêù. Và dường như tôi hít thở được mùi vị của quê hương tôi đâu đây, trên những tấm bảng hiệu đề chữ Việt, qua những món ăn thức uống thuần túy của dân tộc tôi, và có đôi lúc tôi đã thoáng bắt gặp cái khu Tân Định ngày xưa của tôi, ẩn hiện, bàng bạc, ngay trong khu thương xá này, cách nửa vòng trái đất chứ không phải ở trong lòng nước Việt Nam.

… Ai về Tân Định xóm tôi

Cho tôi nhắn nhủ đôi lời nhớ thương

Xa rồi những sáng mù sương

Hoàng hôn nhạt nắng giáo đường thánh ca

Tôi quỳ hồn bỗng mưa sa …

Bích Vân (tháng 8 – 2004)

https://www.youtube.com/watch?v=_1-8Xbs9ax4 (21:47)

Giai thoại về người Quảng Nam đất Dakao xưa

Hiện nay khu Dakao (Q.1, SAIGON) còn nhiều đền thờ do người xứ Quảng lập ra. Họ đến đây từ khi nào và vì sao họ còn được gọi là người Ba Xã?

Số 29 Trần Quang Khải ở gần góc đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, SAIGON) có một đình xưa tên là đình Nam Chơn. Đình này do lưu dân người Quảng Nam lập khoảng năm 1860 tức lúc người Pháp bắt đầu đến chiếm Saigon. Lịch sử đền này được biết là vùng làng Nam Chơn, nơi định cư của người Ba Xã từ bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).

Người Ba Xã là tên gọi những người Việt ở ba xã trên bán đảo Sơn Chà (Sơn Trà) hay Tiên Chà ở cửa sông Đà Nẵng, được quân đội viễn chinh Pháp mang theo về Nam Kỳ sau khi rút khỏi Đà Nẵng để tránh họ bị quân quan người Việt trả thù. Bởi trong lúc quân viễn chinh Pháp ở Sơn Chà, họ đã trưng dụng những người này vào những công việc như cu li, chuyên chở và đặc biệt là tiếp tế lương thực.

Lúc đó triều đình Huế muốn làm quân viễn chinh chết đói, nên đã cấm người dân thương mại buôn bán với quân Pháp. Nếu vi phạm sẽ có hình pháp nặng nề như xử trảm. Những người Ba Xã lúc đó phải dùng những mưu mẹo gạt quan lại. Thường theo phong tục tập quán và luật thì các đám cưới, đám tang, nghi lễ văn hóa mọi người đều phải tôn trọng, ngay cả nhà vua. Những lúc như vậy, dù vui hay buồn thì cũng nên dĩ hòa vi quý, dễ dãi không gắt gao. Người Ba Xã đã lợi dụng những lúc đó nên thường xuyên tổ chức đám cưới, họ cho những người tham dự giấu dưới áo nghi lễ trái cây, rau quả. Quà cưới gồm những thức ăn đủ loại và ngon. Dưới vải đỏ phủ là những đồ ăn khác được giấu. Người ta cũng không quên con heo truyền thống, trên đầu rãi bột màu đỏ son, phải có mặt trong đoàn đưa rước. Bên cạnh đám cưới còn có những đám ma diễn ra mỗi ngày bởi vì một bệnh dịch nào đó không rõ. Nhưng hòm thay vì chứa xác, thì lại chứa đùi bò, đùi heo, trái cây, rau quả.

Khi những người Ba Xã đến Saigon họ tập trung sống ở hai vùng: ở Dakao trong vùng gọi là làng Nam Chơn và ở Rạch Ông giữa hai làng Chánh Hưng và Khánh Hội. Ngoài đình Nam Chơn thì còn có đình Sơn Trà trên đường Nguyễn Phi Khanh cũng do những người Ba Xã ở Quảng Nam thành lập. Ở những đình này, trong các năm đầu thế kỷ 20 cho đến thập niên 1970 là nơi trình diễn các tuồng hát bội.

Ngoài ra ở Dakao còn có đình Phú Hòa đường Bà Lê Chân và đình Hòa Mỹ ở khu chợ Dakao cũng do người Ba Xã xây dựng. Các đình người Quảng Nam như đề cập trên thờ Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương hay gọi là Bà Đại Càn.

Nguyễn Liên Phong trong sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909) có nói về người Ba Xã vào định cư ở Dakao (Đất hộ) như sau:

“Cầu Bông địa cuộc thảnh thơi
Có ông Phủ Kiệt đương thời giàu sang
Thuở kia cần khổ gian nan
Ở nơi đất Hộ mở mang tư bề
Ngày nay đông đảo chỉnh tề
Tứ dân sanh lý nghiệp nghề thạnh sung
Thẳng qua chợ mới rất đông
Ở ngoài Ba Xã vào trong quá nhiều
Nghề chài nghề nhuộm mơi chiều
Đi buôn làm việc người đều thảnh thơi”.

Đình Tân An Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Dakao
Đình Phú Hòa 159 Trần Quang Khải Dakao
Đình Nam Chơn đường Trần Quang Khải Dakao
 Đình Xuân Hòa Đường Yên Đỗ 
(nay là Lý Chính Thắng Q.3)

Nhớ Saigon, chốn cũ đường xưa: Tân Định & DaKao những ngày xưa cũ

Đường Trần Quang Khải

Chợ Tân Định

Ngã ba Hai Bà Trưng - Bà Lê Chân (bên phải là Y Viện Tân Định)

Đường Hai Bà Trưng – Tân Định

Casino Dakao

Bưu điện Tân Định

Rạp Văn Hoa

Cầu sắt cuối đường Nguyễn Văn Giai (nay là cầu bê tông) qua bên kia là đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh.

Ngã ba Đinh Tiên Hoàng – Huỳnh Khương Ninh và Nguyễn Văn Giai

Ngã tư Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) – Đinh Tiên Hoàng

Tân An Đình – đường Nguyễn Bỉnh Khiêm

Ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm – Tự Đức (nay là Nguyễn Văn Thủ)

Đường Hai Bà Trưng thời Pháp, đi ngang qua nhà thờ Tân Định (lúc này chưa có tháp)

Đường Hai Bà Trưng – nhà thờ Tân Định

Đường Đinh Tiên Hoàng hướng về rạp Casino Dakao, bên phải là đường Nguyễn Văn Giai hướng về cầu sắt qua chợ Bà Chiểu (Gia Định). Trên đường Nguyễn Văn Giai số 57-59 là LỚP TOÁN LÝ HÓA MINH TRUNG trước 1975. Nay là Office Building Havinh (55-57).

Đường Hai Bà Trưng, trước năm 1966 là Hotel Brinks Saigon.

Đường Hai Bà Trưng, phía trước là cư xá Brinks, bên trái là CTy Điện lực CEE

Đường Hai Bà Trưng gần công trường Mê Linh, nơi tập trung snack bar, và cũng gần hãng nước đá BGI. Sau lưng Quốc Hội, với Saigon Điện Lực…

Đường Hai Bà Trưng bên phải xe xích lô máy là hãng BGI, chủ nhân thương hiệu bia 33

Góc Hai Bà Trưng & Nguyễn Siêu

Đường Hai Bà Trưng phía sau Quốc Hội

Đường Hai Bà Trưng và Công trường Lam Sơn, phía sau Quốc Hội

Đường Hai Bà Trưng và Thái Lập Thành (nay là Đông Du), tòa nhà bên phải là Trung Tâm Khuếch Trương Xuất Cảng thuộc Bộ Kỹ Nghệ Thương Mại 

Hai Bà Trưng – Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi)

Đường Hai Bà Trưng năm 1966

Đường Hai Bà Trưng năm 1968

Đường Hai Bà Trưng năm 1969

Đường Hai Bà Trưng và Trần Quốc Thảo năm 1968 (đoạn Tân Định)

Ngã Tư Hai Bà Trưng & Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu), gần nhà Thờ Tân Định

Đường Hai Bà Trưng, cắt ngang là Hiền Vương (Võ Thị Sáu), xa xa là nhà thờ Tân Định

Đường Hiền Vương

Chợ Tân Định

Đường Đinh Tiên Hoàng (đường này hình chụp lúc còn là đường Cường Để). Bên trái là Đại Học Nông Lâm Súc, cạnh ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Hồng Thập Tự

Đường Đinh Tiên Hoàng và Hồng Thập Tự, cạnh đài truyền hình

Đường Đinh Tiên Hoàng