110 năm ngày sinh họa sĩ Cát Tường, kể lại chiếc áo dài Le Mur
- Nguyễn Ngọc Chính
22 tháng 1, 2022
“Quần áo tuy dùng để che thân, song nó là tấm gương ngoài phản chiếu ra cái trình độ, trí thức của một đất nước”
(Họa sĩ Cát Tường)
Ngày Tết các bà, các cô thường “diện” chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử đất nước, chiếc áo dài vẫn luôn là hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Việt. Người Tàu cón “sườn xám”, người Nhật có “kimono”, người Hàn có “hanbok”… thì chúng ta có “Tà Áo Dài”! Ngược dòng lịch sử, vào năm 1934, trên tờ Phong Hóa bỗng xuất hiện một loạt bài “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” bàn về y phục phụ nữ, với những lời lẽ hết sức táo bạo của họa sĩ Cát Tường (1912-1946):
“Các nhà đạo đức thường nói quần áo chỉ là những vật dùng để che mưa nắng, nóng lạnh, ta chẳng nên để ý đến cái sang cái đẹp của nó làm gì. Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ cũng đủ hiểu.
“Y phục của người các nước Âu Mỹ không những rất gọn gàng, hợp với khí hậu xứ họ mà kiểu mẫu lại rất nhiều và rất đẹp. Như thế đủ tỏ rằng họ có một cái trình độ trí thức rất cao, một nền văn minh rất rõ rệt và luôn luôn tiến bộ. Y phục của các bạn gái, tôi xem thấy có nhiều điều bất tiện mà lại không có vẻ chi là mỹ thuật. Tuy rằng vài năm gần đây cũng có một vài phần sửa đổi, chẳng qua chỉ ở mấy cái mầu sắc sặc sỡ, mấy thứ hàng lạ nước ngoài còn thì vẫn kiểu áo lòe xòe ấy, vẫn cái quần lụng thụng đen ngòm ấy.
“Cần sửa đổi dần: Trước hết phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, mực thước của thân hình mỗi bạn. Sau nữa phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự… cũng phải có tính cách riêng của nước nhà”.
Họa sĩ Cát Tường cùng với nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” là những người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống. “Le Mur” là kiểu áo dài cách tân đầu tiên họa sĩ Cát Tường tung ra, được lấy cảm hứng hoàn toàn từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen… Về màu sắc, những màu “tối” như thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, được kết hợp với chiếc quần trắng.
Cát Tường tên thật là Nguyễn Cát Tường, trong tiếng Pháp “le mur” là bức tường nên ông “nửa đùa, nửa thật” lấy bút hiệu là “Le Mur”. Nguyễn Cát Tường sinh năm 1912 ở Sơn Tây, đến năm 1928 trúng tuyển vào khóa 4 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp năm 1933. Cùng với nhóm “Tự lực Văn đoàn”, ông chủ trương đổi mới y phục, thông qua y phục mang lại tự do cho phụ nữ với lý luận:
“Muốn để các bạn khỏi mất thì giờ vô ích, tôi xin thưa: Chính cái cổ là thừa và hai ống tay bất tiện. Cúc cổ chẳng bao giờ cài thì cái cổ để làm gì, tôi xin hỏi? Ðể che cổ ư? Thì nó nhỏ xíu thế kia, che thế nào đủ, vả lại áo các phụ nữ nước lạnh bên Âu Mỹ còn chẳng cần cổ, nữa là xứ ta khí hậu rất nóng. Còn hai ống tay thì… thì các bạn cứ thử co tay lại vuốt mái tóc mà xem. Có phải nó chật quá không?… Nó khó chịu và bất tiện lắm không? Mà người ta không dám co tay vào, ruổi tay ra thì mất hết vẻ tự nhiên, mềm mại, yểu điệu của trời đất phú riêng cho các phụ nữ không? Không những thế, các kiểu áo của các bạn nó lại còn kỳ dị lắm nữa.
“Nếu các nhà mỹ thuật Âu Mỹ qua xứ ta, chẳng may lần đầu mà được thấy những bộ áo của các bạn, tôi dám chắc họ phải ngạc nhiên mà buột mồm kêu: “Ố là là…” (nếu họ là người Pháp). Phải, họ lấy làm lạ là phải vì phụ nữ nhà Nam sống trong thế kỷ thứ hai mươi này mà còn giữ những bộ quần áo lôi thôi, lốc thốc như thế ư? Sở dĩ tôi cho hơi chật ở chỗ bụng là vì tôi muốn phân biệt rõ ràng phần ngực với phần bụng. Trái hẳn với ý tưởng của một vài nhà đạo đức Việt Nam, người Tây Âu đều cho bộ ngực cần nhất cho nhan sắc phụ nữ. Một người con gái đẹp mà “không có ngực,” nghĩa là ngực lép kẹp như chiếc đồng hồ Oméga – thì không thể nào gọi là một người đẹp hoàn toàn được…
“Có người khi trông thấy một thiếu phụ có bộ ngực nở nang thường ra chiều mai mỉa, vì họ cho thế là chướng, là lẳng lơ. Ðối với người đó nếu ta đem ý tưởng Âu Tây, tinh thần mỹ thuật ra giảng, chắc họ không khi nào chịu hiểu. Họ có biết đâu rằng chính người mình cũng hay dùng câu: “thắt đáy lưng ong” để tả một người con gái đẹp?”.
Từ áo tứ thân đổi sang áo dài Le Mur không phải là được mọi phụ nữ ủng hộ, kể cả nam giới. Ở Huế thời ấy có bài Vè mốt áo:
Vè vẻ vè ve
Nghe vè mốt áo
Bận áo lơ-muya
Đi giày cao gót
Xách bót tơ phơi
Che dù cánh dơi
Đi chơi Cụ Ngáo
Ăn cháo không tiền
Cởi liền lơ-muya
Dĩ nhiên lớp trí thức tân thời thì lại hết lời khen ngợi ông Cát Tường và chiếc áo dài Le Mur hay còn được viết là “Lemur”. Như thế, người ta mặc nhiên công nhận họa sĩ Cát Tường là người “khai sinh ra chiếc áo dài Việt Nam Tân thời như ta thấy ngày nay. Những năm tiếp theo, ông còn giới thiệu các kiểu y phục tân thời khác như áo hở cổ, quần ống loe, lại hợp tác với bạn mình là ông chủ hãng dệt Cự Chung sản xuất áo tắm, xu chiêng v.v…
Dù được khen hay bị chê, họa sĩ Cát Tường cũng đã trở nên cực kỳ nổi tiếng. Nổi tiếng đến độ, nếu các bạn còn nhớ, trong tác phẩm “Số Đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng có một nhà tạo mốt tên là ông “Týp-phờ-nờ” hay nôm na là “Tôi yêu phụ nữ” (TYPN)! Quả thật Cát Tường là một “nhà cách tân trang phục phụ nữ tài ba” nhưng theo Nguyễn Tất Đạt, con trai họa sĩ, ông lại là một người vắn số:
“Hôm đó là ngày 17 tháng 12 năm 1946. Buổi sáng ấy tại cái sân này bố tôi đã mang chị em chúng tôi ra đây để làm mấy động tác thể dục. Trưa hôm ấy, theo lời kể của mẹ tôi, bố tôi với ba người nữa là ông Tôn Thất Định, Phạm Giao và anh Hạt – người lão bộc của gia đình cụ Phạm – trở lại Hà Nội. Bố tôi về Hà Nội thăm nhà và để lấy thêm tiền cho mẹ tôi. Anh Hạt sau khi trở về Tràng Cát có kể lại rằng: Khi về gần tới nhà thì anh Hạt đi sau ba người kia một quãng ngắn. Đến đầu phố Hàng Bông anh Hạt trông thấy ba người đi trước bị toán an ninh thành phố chặn lại, sau đó cả ba người bị bắt. Anh Hạt lùi lại phía sau và thoát được”.
Trong tình hình nhiễu nhương của thời kỳ 1946 giữa Việt Minh và Quốc dân đảng, họa sĩ Cát Tường mất tích từ đó, mặc dù Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã có lần khuyên ông phải cẩn thận. Cuộc đời của một họa sĩ tài hoa kết thúc khi ông mới 35 tuổi!
Chiếc áo dài mà chúng ta được chiêm ngưỡng ngày nay đã trải qua nhiều thay đổi kể từ thời “Le Mur” của họa sĩ Cát Tường. Cách tân quan trọng nhất kỹ thuật may khi ráp tay áo mà giới chuyên môn gọi là “raglan”, có tác dụng hạn chế những nếp nhăn ở vai và nách áo. Rồi lại đến thời kỳ “mini-raglan”, rút ngắn chiều dài của tà áo để chạy theo phong trào”mini-jupe”. Kiểu này thường thích hợp với sự trẻ trung của người mặc và gần đây nhất có những “biến tướng” mà nhiều người không chấp nhận vì đó không còn “thướt tha” như áo dài nguyên thủy.
Cuối thập niên 1960, nhà may Thanh Khánh ở Đa Kao đưa ra những mẫu hàng thêu hoa lá cành để may áo dài. Kế đến, tiệm Saigon Souvenirs khu Thương xá Tax Sài Gòn lăng xê những mẫu hàng vừa vẽ vừa thêu trên lụa rất quý phái, lịch sự. Ba nhà may nổi tiếng tại Sài Gòn trước 1975 đã ra nước ngoài làm ăn: nhà may Thanh Khánh mở tại Paris, nhà may Dung Đa Kao và nhà may Thiết Lập Pasteur mở tại Mỹ.
Ảnh: Pexels
Một đặc điểm ít người để ý đến là mỗi chiếc áo dài chỉ may riêng cho chủ nhân của nó và phải trải qua giai đoạn thử áo để chỉnh sửa trước khi hoàn chỉnh. Mặc áo dài của người khác thế nào cũng lộ ra những chi tiết không chính xác về ni tấc của vòng ngực, vòng eo. Áo dài cũng kén người mặc. Ốm quá hay mập quá khi mặc áo dài đều “thất bại” vì áo càng ôm càng… phản chủ!
Nhân dịp Xuân về bỗng nhớ cảnh đi may áo dài của các bà, các cô chuẩn bị đón Tết. Ngày Xuân già trẻ, lớn bé đều thích mặc áo mới. Riêng với phụ nữ, chiếc áo dài đón Xuân sẽ làm cho ngày Tết thêm bội phần thi vị!
Ảnh trong bài: Pixabay và Pexels
llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll