TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Saturday 1 October 2022

MUÔN NGẢ ĐƯỜNG ĐỜI

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/muon-nga-duong-doi/

Đường phố Sài Gòn những năm 1960’s. Ảnh của François Sully

Tôi lên Sài Gòn vào một buổi chiều mưa to gió lớn, bắt đầu một quãng đời mới. Chờ trời mưa hơi tạnh một chút, tôi thuê xe ôm chở về Văn Lang Dược Viện ở số 27 đường Duy Tân, nơi cậu Út đang làm việc ở đó. Đường phố càng vào trung tâm xe cộ càng nhiều, mặc dù trời còn mưa chưa dứt hạt, nhưng thiên hạ vẫn đi dầm trong mưa với áo che mưa đủ loại, màu sắc tươi sáng. Ít người mặc áo tơi bằng ni-lông, có lẽ chỉ có những bác tài xích lô máy hay xích lô đạp mà thôi. Nhưng không, khi nhìn kỹ những người mua gánh bán bưng đầu đội nón lá, tôi thấy họ cũng mặc áo tơi. Thì ra ở đâu cũng vậy, người lao động dù ở nông thôn hay thành thị bao giờ ăn mặc cũng lam lũ như nhau. 

Tuy sống ở nhà quê suốt mấy năm cuối cùng của bậc trung học tôi đã quen với những cảnh đời cơ cực, nhưng khi đến đất đô thành thấy lại những cảnh đời ấy, lòng bỗng dâng trào lên một cảm giác buồn buồn khó tả.

Chờ cậu tan sở, sẵn trời quang mây tạnh, tôi xin phép đi ra ngoài cho biết cảnh Sài Gòn. Từ ngã ba Hiền Vương tới Hồ con rùa ngang qua trường Luật cây cao bóng mát, xe cộ dập dìu, người đi không dứt. Vừa đi bộ vừa suy nghĩ vẩn vơ.  Sau khi thi đậu Tú tài 2, tôi từ giã những ngày ở trọ tại Mỹ Tho để lên Sài Gòn theo học ở trường Luật.

Ban đầu, mẹ muốn tôi qua Cần Thơ học trường Đại học Sư phạm mới mở được vài năm, để còn sớm ra trường đi dạy hầu phụ giúp gia đình nuôi em, nhưng mãi loay hoay tôi nộp đơn trễ và lỡ chuyến đi. Hơn nữa Cần Thơ xa xôi quá, đường đi qua phà qua bắc mất nhiều thời gian, mà lại không có bà con cật ruột. 

Đường phố Sài Gòn những năm 1960’s. Ảnh của François Sully

Mẹ nhờ cậu Út giúp đỡ, cậu đang làm nhân viên coi kho ở nhà thuốc Văn Lang của Dược sĩ La Thành Trung đã được gần mười năm, nên rất quen thuộc khu vực quanh đường Duy Tân. Từ đó mỗi sáng cậu chở tôi ra nhà thuốc rồi đi bộ qua hai khu phố khoảng năm phút là tới trường Luật. Dù có lớp hay không tôi vẫn đến trường, khi học khi lang thang ra ngoài mấy quán cà phê quanh Hồ con rùa. Học ở lớp thì không hào hứng, nhưng khi ra quán thì nổ như pháo, có hôm quên cả giờ tan sở, khiến cho cậu phải chờ ở hãng mãi mà không thấy, bèn ra Hồ con rùa thì gặp ngay đích thị là đang tụ tập ở đây. 

Có hôm tan lớp buổi chiều tối, tôi lang thang lội bộ về nhà trọ. Qua các ngã đường Sài Gòn đèn phố sáng choang, các cửa tiệm sầm uất, xe cộ ồn ào, náo nhiệt sau giờ tan sở. Trong lòng lo lắng vẩn vơ, không biết có sống nổi ở thành phố để mà học hành cho tới nơi tới chốn hay không.

Được chừng vài tháng, có người bạn mới quen giới thiệu vào làm ở trường Trung học tư thục Đồng Nai thuộc quận 10, cuối đường Trần Quốc Toản. Tôi theo bạn chuyển qua Đại học xá Minh Mạng. Ban đầu làm thư ký, sau đó ông Tư, quyền Giám học giới thiệu vào dạy lớp 9 (Đệ tứ) môn Công dân Giáo dục.

Trước đây học ban B chuyên Toán Lý Hóa, có dạy kèm chủ yếu là Toán cho hai đứa con chủ nhà học lớp 11 (Đệ nhị) hồi ở trọ tại Mỹ Tho. Tôi có trình bày với ông Tư, ông ấy bảo rằng đi dạy để có tiền tạm thời sinh sống hay muốn theo nghề thầy giáo? Môn Công dân Giáo dục ít người chịu dạy mới có chỗ trống thay vào. Hiểu chưa? “Ở đời còn có nhiều điều không như ý, nhưng cố gắng tìm ra cái vừa ý trong đó mà sống, biết đâu lại là cái may sau nầy mà mình không biết.”

Đời sống bắt đầu dễ thở, trú ngụ tại Đại học xá Minh Mạng dành cho nam, tuy không có danh sách nhưng rất thoải mái, miễn phí hoàn toàn, chỉ chen ghế bố ngủ ban đêm, ban ngày xếp cất phòng hờ khi giám thị xét phòng. Mỗi tuần mua tập phiếu cơm nhà bàn sáng, chiều giá năm đồng mỗi phiếu. Đến giờ ăn, bạn bè gom lại đủ bốn phiếu lãnh một mâm thức ăn. Cơm trắng đựng trong thúng và nước mắm ớt đựng trong thau lớn lấy bao nhiêu cũng được.

Thỉnh thoảng có người không mua phiếu, bốn người đồng ý lãnh một mâm thức ăn nhưng ăn năm người, người không có phiếu qua câu lạc bộ mua vài đồng dưa mắm hoặc trà đá ăn uống chung. Còn như không có tiền mua phiếu thì nhờ bạn bè sau khi ăn xong ở nhà bàn, bới dùm một lon gui-gô (guigoz) cơm trắng đem về phòng ăn với nước tương con mèo. Vẫn vui ca hát và tranh cãi hăng say đủ mọi thứ đề tài từ thời sự, văn hóa, chính trị cho đến vẻ đẹp của phụ nữ.

Sinh hoạt ở Đại học xá Minh Mạng chủ yếu là về đêm, ngoài phòng học chính đèn đuốc sáng choang và luôn có những khuôn mặt quen thuộc thường trực ở đó đã dành chỗ từ chiều. Còn lại là các dãy phòng tập thể đèn bóng tròn, vàng lù mù, học cũng có mà bàn chuyện thời sự cũng có. 

Đường phố Sài Gòn những năm 1960’s. Ảnh của François Sully

Thường sinh viên các phân khoa có thi tuyển như Y, Dược, Kỹ thuật Phú Thọ, Nông Lâm Súc hay Sư Phạm thì ngày đến lớp, đêm về học tới khuya, còn các phân khoa ghi danh tự do như Luật, Văn Khoa, Vạn Hạnh… thì muốn đến lớp cũng được mà không đến lớp, ở nhà mua sách về học cũng xong, có khi về quê ở cả tháng mới lên Sài Gòn cập nhật tin tức sách vở và lịch trình thi cử, độ vài ngày là biến mất. Cánh sinh viên nầy là đông nhất và làm đủ mọi ngành nghề ở thành phố, kể cả ở các tỉnh lân cận quanh Sài Gòn.

Ngoài sinh hoạt học đường, sinh viên thuộc Đại học xá Minh Mạng tham gia biểu tình chống chính phủ cũng không ít, có hôm cảnh sát cho là sào huyệt biểu tình nên vây bố ráp, bắn hơi cay mịt mùng, chỉ khổ cho các sinh viên ở lậu không có danh sách phải biến cho lẹ, nếu không là bị bắt về Ty Cảnh sát thì phiền hà lắm, có khi bị giam giữ cả tuần. 

Sau những lần biểu tình, cảnh sát thường phối hợp với Ban giám thị Đại học xá kiểm tra sĩ số sinh viên trú ngụ tại đây và yêu cầu dọn dẹp phòng ốc đồng thời truy lùng số sinh viên cư ngụ bất hợp pháp, nhưng chỉ được một vài ngày hoặc vài tuần rồi thì đâu cũng vào đấy, cũng dọn ghế bố ra, cũng cơm nhà bàn như cũ và anh em vẫn vui vẻ sinh hoạt như không có gì. Cho đến khi sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật bị bắn chết tại trường Luật thì tình hình trở nên nghiêm trọng, một số sinh viên bị bắt giam vì tình nghi. Ban đêm thường có súng nổ ở đâu đó trong khuôn viên cạnh phòng học, thành phần sinh viên ra vào hỗn độn, nhiều người lạ mặt lảng vảng phía trước nhà thờ Ngã sáu, đối diện với cổng Đại học xá. 

Tình hình cư ngụ bất hợp pháp không thể kéo dài được nữa, tôi và hai người bạn khác cùng quê Mỹ Tho dọn ra hẻm cà phê Bà Tư đường Minh Mạng gần Ngã Bảy ở trọ ăn cơm tháng.

Việc học hành, ăn ở tương đối ổn định, mỗi tuần tôi dạy ở trường Đồng Nai bốn buổi, thời gian còn lại đều ra trường Luật, học cũng có mà ra quán cà phê quanh Hồ con rùa cũng có. Ngoài những câu chuyện phiếm hàng ngày, bạn bè cũng có bàn về tình hình chiến sự, đến hồi nầy rất là căng thẳng.

Sau Tết Mậu Thân, chính phủ ban hành luật Tổng động viên, qui định thanh niên đến 18 tuổi phải thi hành quân dịch, tuy nhiên trong luật cũng có những điều khoản liệt kê các thành phần được hoãn dịch. Đa phần các sinh viên đều nằm trong điều khoản được hoãn dịch vì lý do học vấn có đơn xin và được gia hạn từng năm một. Đặc biệt giới hạn tuổi nào thì học năm đó, luật qui định 19 tuổi là năm thứ nhất, 20 là năm thứ hai, cứ thế mà tính lên cho tới năm thứ tư. Nếu thi rớt bất cứ năm nào thì không còn hội đủ điều kiện để được hoãn dịch nữa và phải nhập ngũ.

Đường phố Sài Gòn những năm 1960’s. Ảnh của François Sully

Đa phần sinh viên các phân khoa ghi danh tự do học được một hoặc hai năm rồi nhập ngũ là nhiều nhất. Hai người bạn cùng quê Mỹ Tho với tôi nộp đơn vào Không quân ngành phi hành, cả hai đều được chọn sau khi trải qua một kỳ khám sức khỏe với tiêu chuẩn rất cao. Sau đó hai bạn qua Mỹ và đang được huấn luyện để trở thành phi công trực thăng viết thơ về cho biết đời sống rất vui vẻ và thích lắm. Tiền bạc dư dả ngay từ lúc mới chuẩn bị đi Mỹ, được đổi ngoại tệ sai biệt và hiện tại hằng tháng đều có dư, cho nên chắc chắn khi về nước sẽ dư sức mua một chiếc xe Vespa lượn khắp Sài Gòn. Riêng tôi vẫn kiên trì theo học trường Luật.

Sau khi ông Tư, quyền Giám học trường Đồng Nai bị bắt vì tình nghi hoạt động cho cộng sản, tôi là người được ông Tư tuyển dụng và cho đứng lớp dạy giờ, cho nên sau khi ông Tư bị bắt tôi bị cho nghỉ việc mà không nêu lý do. Bước đường cùng, tôi quyết định rời Sài Gòn mang sách vở về quê tự học.

Trong bộ sách Luật năm thứ nhất cử nhân năm đó, đa số là sách cũ của các sinh viên học năm trước, tôi mua lại với giá rẻ và so với sách mới nội dung cũng không khác là bao nhiêu. Duy chỉ có quyển Luật Hiến Pháp và Chính Trị Học của Giáo sư Nguyễn văn Bông là sách mới dầy gần 800 trang, nội dung vô cùng phong phú, nhất là phần Chính trị học, tôi thích nhất.

Tự học ở nhà nhiều thời giờ hơn, miễn là có sắp xếp thời khóa biểu học như ở trường, không phải mất thì giờ đi lại hay ngồi quán cà phê tán gẫu.

Mỗi tháng tôi lên trường Luật lấy tập ronéo và ở lại Sài Gòn độ vài ngày rồi trở về quê ôn luyện. Kết quả học hành thấy rõ. Đến Tháng Sáu năm ấy, khi chưa thi xong năm thứ nhất trường Luật, tôi đã thi đậu vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.

Điều đáng ghi nhớ mãi ở đây là năm thi vào Quốc Gia Hành Chánh với hai trung tâm Huế và Sài Gòn, tại Huế không biết số thí sinh là bao nhiêu, nhưng tại Sài Gòn số thí sinh là gần 4,000 người. Tổng cộng sinh viên thuần túy (vì còn có các thí sinh công chức và sắc tộc) trúng tuyển là gần 200 người. Thành phần nộp đơn dự thi gồm các phân khoa thuộc Viện Đại Học Sài Gòn và Đại Học Vạn Hạnh, đa phần là Sinh viên trường Luật và Văn Khoa.

Tôi trúng tuyển thứ hạng 30 nhờ đề thi luận văn chính trị “Nguyên Tắc Dân Chủ ” lại trùng với giáo khoa chính của môn Công dân Giáo dục lớp 9 (Đệ Tứ) mà tôi đã soạn và giảng dạy gần cả năm trời ở trường Trung học Đồng Nai trước đây. Khi đề thi được mở ra và giám thị phòng thi viết lên bảng, tôi run bắn người lên và biết rằng vận may đang mĩm cười với mình trong suốt gần năm giờ đồng hồ viết bài thi.

Sau đó gần một tháng, tôi nhận được giấy báo danh trúng tuyển kèm theo thông báo đến làm thủ tục nhận lộ trình thư tại Tòa hành chánh tỉnh để về Sài Gòn kịp nhập học Ban Đốc sự khóa 17 Học viện Quốc Gia Hành Chánh. Lòng náo nức tràn đầy nhuệ khí. Cả tỉnh Định Tường năm đó, gồm cả nam lẫn nữ chỉ có sáu người trúng tuyển. 

Thật hãnh diện khi đến Tòa hành chánh tỉnh để nhận lộ trình thư vì ba tôi trước đây đã từng làm việc ở nơi nầy nên đa số đều quen biết. Sau khi được mọi người chúc mừng, bác Sáu B. lấy chiếc công xa cùng với một vài người nữa ở Tòa hành chánh chở tôi ra ngoài ngã ba Trung Lương đãi một bữa bánh hỏi, thịt heo quay có uống bia. Tôi hứa với bác Sáu B. nếu may mắn có dịp là tôi sẽ trở về Mỹ Tho công tác.

Tôi lên Sài Gòn đúng ngày để dự lễ khai giảng được tổ chức trang trọng ở Đại giảng đường của trường. Giáo sư mặc áo chùng, đội mũ cánh đen thòng dây tua Tiến sĩ, đi đầu là Giáo sư Thạc sĩ Nguyễn văn Bông. Điều đặc biệt là một số giáo sư còn đảm nhiệm các chức vụ cao cấp trong chính phủ hàng Tổng, Bộ trưởng hay chuyên viên, cố vấn nên chúng tôi đều đã biết qua nhiều hình ảnh trên báo chí. Sinh viên quần áo tươm tất và được thông báo là phải mang giầy đen vì đa số sinh viên các trường đại học lúc bấy giờ thường hay mang dép da, xăng-đan hoặc giày vải Bata. Lòng tự hào như được lên mây, khi chúng tôi đồng loạt đứng lên để chào đón đoàn giáo sư và quan khách tiến lên hàng ghế danh dự.

Đường phố Sài Gòn những năm 1960’s. Ảnh của François Sully

Thông thường, hằng năm nhân buổi lễ khai giảng, Học viện luôn mời vị giáo sư tân khoa của trường hay một giáo sư học giả danh tiếng lên thuyết trình về một đề tài mới, có tính thời sự hay chuyên môn liên quan đến hiện tình đất nước. Năm ấy, Tiến sĩ Nguyễn văn Hảo mới về trường giảng dạy môn Phát triển kinh tế.

Giáo sư mặc bộ đồ bốn túi màu xanh rêu đậm, thuyết trình về hiện tình kinh tế của đất nước. Phong cách mới lạ, tự nhiên, nội dung vô cùng phong phú. Hội trường vỗ tay nhiệt liệt tán dương. Tiến sĩ Hảo lúc bấy giờ còn rất trẻ, đang là Tổng đốc Quỹ Phát Triển và sau nầy chừng độ một vài năm đã trở thành Phó Thủ tướng Đặc trách Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia.

Tôi dọn vào Ký túc xá Học Viện QGHC lòng mừng vui khôn tả, mọi việc ăn ở, học hành đều rất tốt đẹp, lại còn được lãnh học bổng suốt gần bốn năm theo học. Nhớ bạn bè ở Đại học xá Minh Mạng, tôi thỉnh thoảng đem theo đường, sữa và đồ dùng mua theo giá cung cấp ở phòng tiếp liệu để tiếp sức cho các bạn còn ở đây. Đồng thời, các bạn cũng thường hay sang ngủ trong phòng tôi và ăn cơm chung ở Câu lạc bộ trong khuôn viên Ký túc xá. Cuộc sống vui tươi tràn đầy hy vọng và mọi người ai nấy cũng đều hâm mộ rồi ra sẽ có môt tương lai vô cùng xán lạn.

Chỉ riêng mẹ tôi là lúc nào cũng tiếc sao tôi lại không học Sư phạm như một số bạn ở Mỹ Tho, nay đã ra trường và trở về quê dạy ở các trường trung học thuộc tỉnh lỵ Định Tường, được gần nhà, sau đó lập gia đình vợ chồng là thầy cô giáo. Đó là ước mơ của mẹ tôi, hơn nữa, vì tôi là con cả nên mẹ tin rằng gia đình nhà giáo sẽ có đời sống gương mẫu, đạo đức cho các em noi theo.

Đến khi tốt nghiệp ra trường, tôi chọn nhiệm sở ngoài miền Trung, tỉnh Kontum lại là nơi địa đầu giới tuyến nên mẹ rất buồn và lo lắng hết sức. Hôm soạn đồ đạc xếp vào va li, mẹ vừa nhồi nhét đủ thứ, vừa rơm rớm nước mắt. Tôi cố gắng nói cho mẹ vui “rồi thì một vài năm con cũng sẽ đổi về gần nhà, chứ có đi luôn đâu mà lo.” 

– Má biết rồi, hồi sanh con ra, Ngoại đã coi thầy, số con sống xa nhà. 

Hôm tôi đi, mẹ bồng dắt hai đứa em út ra đến tận ngã tư Cai Lậy, không nói gì cho đến khi tôi lên xe, mẹ đứng bên thành xe nói với theo “con đi mạnh giỏi.” 

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

nguoiphuongnam@iinet.net.au Oct 1, 2022, 8:54 AM

Mời đọc

Thơ tranh

Cười ý nhị

Youtube chọn lọc

 

Người Phương Nam

http://nguoiphuongnam52.blogspot.com.au/

Friday, September 30, 2022

Thế Nào Là Một Người Trí Thức - Hoàng Mạnh Hải

 

Đề tài này tôi đã viết rải rác mấy lần, hôm nay muốn tổng hợp lại và post lên. Các bạn thử tham khảo và kiểm tra lại bản thân xem mình có phải là một “Chân trí thức” không, nếu xét trên ba điểm quan trọng: Kiến thức, Tư cách và Trách nhiệm với đất nước.

1. KIẾN THỨC:

Kiến thức chuyên môn tự nó không có nhiều ý nghĩa, đó chỉ là thứ để giúp ta kiếm cơm hàng ngày. Muốn biết có phải là người trí thức hay không, ta phải xét kiến thức của mình về về bốn lĩnh vực Chính trị, Xã hội, Kinh tế và Văn hóa. Ta có biết cấu trúc quản lý của một quốc gia; có biết vai trò của chính phủ, quốc hội, tòa án; có biết vai trò của người dân; có biết 30 quyền con người; có biết thế giới đang theo đuổi những chuẩn mực, giá trị nào không. Và như một thước đo của EQ, bạn có kiến thức khá về ba môn Văn, Sử và Triết không.

Người trí thức là người có chân tài thực học, biết dùng kiến thức để lý giải sự việc, biết phân biệt đúng sai. Người trí thức dùng tài học của mình để tạo ảnh hưởng tích cực lên môi trường xung quanh, nơi mình làm việc và sinh sống. Một cách hiển nhiên, người trí thức chân chính không cần tới những đồ trang sức như bằng cấp hay chức vụ. Họ tỏa sáng bằng sự tự tin với thực lực của mình, bằng sự tin tưởng mọi người gửi gắm cho mình.

2. TƯ CÁCH:

Yêu cầu về tư cách đối với người trí thức còn cao hơn yêu cầu về kiến thức. Xã hội đòi hỏi ở giới trí thức cách hành xử đàng hoàng, lịch thiệp xứng với đẳng cấp của mình. Nói hơi ví von một chút, người ta kỳ vọng người trí thức phải chính trực như những người quân tử trong Nho giáo vậy. Chính trực (integrity) là một “đại tính cách”, rất khó đạt được vì nó tổng hòa từ ba đức tính Trung thực (Honesty), Can đảm (Courage) và Khiêm nhường (Modesty). Có một trong ba thì còn dễ, hai trong ba đã khó, được cả ba là rất khó. Không chú tâm rèn luyện thì hầu như không thể đạt được tính cách này.

3. TRÁCH NHIỆM VỚI ĐẤT NƯỚC:

Sau hết, trí thức chỉ là trí thức khi có sự công nhận của công chúng, của người dân. Sự công nhận đó không phải bởi mấy tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Càng không phải là chức danh giáo sư hay chức vụ bộ trưởng. Sự công nhận đó chỉ có được khi ta biết dùng sở học của mình để nói thay tiếng nói của người dân, cái nguyện vọng sâu kín của họ. Nếu người dân bị bất công khốn khổ mà ta im hơi lặng tiếng, nếu giặc đến sát bên hè nhà mà ta vẫn im thin thít, thì dù có trong tay rất nhiều bằng cấp, ta vẫn không phải là một người trí thức.

Trong xã hội văn minh, chính quyền thường rất đau đầu với giới trí thức. Tuy vậy, họ không trù dập hay thù ghét nhóm người rất đặc biệt này, vì họ cũng từ trí thức mà ra. Họ bước chân vào chính trường không chỉ là để theo đuổi một nghề mà còn để thỏa chí bình sinh giúp đời. Ralf Dahrendorf nói: “… all intellectuals have the duty to doubt everything that is obvious, to make relative all authority, to ask all those questions that no one else dares to ask" (… tất cả các bậc trí thức có bổn phận phải nghi ngờ những thứ đang được coi là rõ ràng, phải làm cho tất cả các loại thẩm quyền hóa thành tương đối, phải hỏi tất cả những câu không ai dám hỏi).

Như vậy, nhìn vào các khía cạnh Kiến thức, Tư cách và Trách nhiệm xã hội thì không khó để chúng ta nhận ra ai thật ai giả trong hàng ngũ trí thức này. Thực tế, tầng lớp trí thức chỉ chiếm vài phần trăm dân số. Khi tìm hiểu một xã hội nào đó, người ta tiếp xúc với giới trí thức trước tiên. “Mặt tiền” của đội ngũ này là văn nghệ sĩ và các chính khách, kế đến là giới luật sư và các vị làm trong ngành giáo dục. Những người có học thức cao như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư thì không phải “mặt tiền”. Họ thường được tiếp xúc sau, khi cần phỏng vấn về những khía cạnh khác của xã hội một cách cụ thể, chuyên sâu.

Ngược lại với trí thức không phải là tầng lớp bình dân hay lao động chân tay. Ngược lại với trí thức là ngụy trí thức. Có rất nhiều dạng ngụỵ trí thức nhưng ta chỉ điểm qua vài loại chiếm đa số trong hàng ngũ này:

• Dạng “Mũ ni che tai”: Chưa rõ từ bao giờ thành ngữ này được dùng trong tiếng Việt. Ý ban đầu của nó là “Biết gạt bỏ chuyện thị phi ở đời thì mới tu được” nay đã chuyển sang ý thường dùng là “Bịt tai bịt mắt lại, xem như không có gì” trước những chuyện chướng tai gai mắt để được yên thân.

Đó là thái độ an phận thủ thường, ranh giới hiền hòa nhất có thể khi chọn lối sống “ẩn cư”, nhưng thật đáng tiếc vô cùng. Xã hội thiếu vắng sự tham gia của giới trí thức trong mọi lĩnh vực thì không thể hy vọng ở tương lai. Nguyên nhân làm cho họ chọn cách sống mũ ni che tai này khá nhiều, nhưng nói chung là không nằm ngoài sự nhiễu nhương của xã hội mà họ không có cách nào vượt qua. Trước khi sống theo lối bịt tai bịt mắt, họ cũng từng đóng vai trò phản biện xã hội.

• Dạng “Gió chiều nào che chiều ấy”: Những người này chưa đến nỗi yếm thế, thu mình như nhóm an phận đã nói bên trên, nhưng vẫn là những người có chí khí thấp. Họ chọn đường lối ít hoạt động và đã xuất hiện thì phải an toàn. Cũng vì chủ trương này mà ta thấy nhiều lúc họ như con lật đật, chạy tới chạy lui mà không làm được gì nhiều. Họ không nhất quán, thay phe đổi chủ để luôn được đứng bên phía an toàn. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của sự sợ hãi, một thứ vừa mang tính di truyền vừa có tính tập nhiễm. Sự sợ hãi di truyền vì con người có thói quen nghĩ về tương lai bất định. Sự sợ hãi tập nhiễm là do người ta trải qua những thất bại hoặc đau khổ trong đời. Họ đáng thương nhiều hơn đáng trách nhưng vẫn phải xác định rõ ràng: Đó chính là cái đang tầm thường hóa giới trí thức.

• Dạng “Con buôn cao cấp”: Là những người học hành nhiều, từng đi nhiều nơi trên thế giới, biết cả chuyện trên kiến trúc thượng tầng lẫn chuyện dưới cơ sở hạ tầng. Có điều, họ dùng tất cả những hiểu biết đó để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Những người này coi tiền là trên hết, hơn cả quyền cao chức trọng vì họ đã từng dùng tiền để thao túng những người có chức quyền. Ta thấy hạng người này thường thành công, đa số bằng cách kinh doanh, trong rất nhiều lĩnh vực. Họ có quan hệ rất rộng, quen biết với nhiều người nổi tiếng và có địa vị xã hội cả ở trong và ngoài nước.

Tuy rất ham cảnh giàu sang nhưng nhóm này vẫn muốn được biết đến như là người trí thức. Vì thế nên sau khi dư dả về tiền bạc, ưu tiên kế tiếp của họ là một tấm bằng tiến sĩ để ghi vào danh thiếp, để được xướng lên trong lời giới thiệu của MC khi họ tham dự một buổi lễ nào đó. Các chức vụ như Tổng giám đốc hay Chủ tịch HĐQT xem ra chưa lấy làm thỏa mãn.

• Dạng “Đạo đức giả”: Sở dĩ họ trở thành đạo đức giả là vì rất hay dùng tiêu chuẩn kép. Tiêu chuẩn kép là luôn thủ sẵn hai tiêu chuẩn trong người và dùng cái có lợi nhất cho mình. Chẳng hạn, khi ủng hộ cho người có ý kiến trái chiều với một chính sách nào đó thì gọi là “phản biện xã hội”, nhưng khi muốn trù dập ý kiến phản biện thì coi đó là “chống phá nhà nước”. Những kẻ này thường thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ là kinh tế. Họ có thể là nhà văn nhà thơ, có thể là kỹ sư bác sĩ, hay những người làm trong hệ thống chính quyền. Những người này có xu hướng xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông để tô vẽ cho hình ảnh của bản thân.

Một trong những nỗi khổ lớn nhất của tôi là thấy bản thân nằm trong đám trí thức hèn nhát, không dám làm cái việc quan trọng nhất của giới trí thức - cất tiếng nói thay cho đa số người dân không có nhiều hiểu biết như mình. Chúng ta không thể không biết rằng sở dĩ mình có được cuộc sống trung lưu là vì có hàng triệu nông dân/công nhân đang phải làm việc và sinh sống ở phân đoạn tạo ra giá trị thấp. Chính vì họ nhận mức lương thấp nên mình mới có mức lương cao. 

Cho nên, bổn phận của giới trí thức là phải nói thay cho họ, để người nông dân có thể bán nông sản với giá cao, để người công nhân được nhận mức lương đủ sống. Vai trò đó được gọi tên là "phản biện xã hội". Làm việc này cần nhiều can đảm nên Aristotle mới nói: "Courage is the first of human qualities because it is the quality which guarantees the others" (Can đảm là đức tính phải có trước tiên vì nó bảo đảm cho các đức tính khác).

Thỉnh thoảng tôi cũng đọc được một vài bài viết trên mạng và rất khâm phục khi nhận ra những người trí thức thật sự. Có người nói lên nguyện vọng của dân, có người từ chối một lời mời danh dự đến một sự kiện khi nó được tổ chức trong một tòa nhà mà họ cho là đã được xây trên đau khổ của người khác. Những vì tinh tú ấy quá hiếm hoi, cô độc giữa đám đông hỗn tạp.

Rất may là nhân loại vẫn đi theo dòng chảy lớn, đi về phía văn minh. Giống như tất cả các dòng sông đều hướng ra biển dù phẳng lặng hay thác ghềnh, tất cả các quốc gia dù muốn hay không muốn thì cuối cùng cũng sẽ đi về phía văn minh và trong dòng văn minh đó, không thể thiếu bóng dáng của người trí thức...


Nguồn: FB Hoàng Mạnh Hải

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll