TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Saturday 1 October 2022

CÂU CHUYỆN NỐI CƠM CỦA KHỔNG TỬ

Ai là người tốt ? Ai là người xấu ?
Kính mời xem câu chuyện: Thật là một con người tốt bụng

https://phtq-canada.blogspot.com/2022/10/cau-chuyen-noi-com-cua-khong-tu.html

 Trên đời này, có những việc chính tận mắt mình trông thấy, chính tai mình nghe, rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật !

Câu chuyện đã dạy chúng ta một bài học thấm thía về cách nhìn người, nhìn sự việc. Đừng vội vàng đánh giá người khác chỉ qua hành động bề ngoài, đừng nhìn nhận, đánh giá sự việc bằng con mắt tầm thường, phiến diện của kẻ phàm phu. Muốn thấu hiểu một việc, hãy nhìn bằng cái tâm, bằng sự chánh niệm tìm hiểu thấu đáo, suy xét vấn đề một cách toàn diện với tâm từ bi, bao dung và bình đẳng.

Tục ngữ có câu “Nhãn kiến vi thực” (mắt nhìn thấy thì mới là thật), con người ta thường chỉ tin tưởng vào những gì mình tận mắt thấy. Nhưng ở đời lại không đơn giản như thế, những thứ dù chính mắt ta thấy, chính tai ta nghe, cũng chưa chắc đã là sự thật. Mọi thứ thường có sự tình uẩn khúc bên trong.

Tuy nhiên, có những người chưa hề thấy, chưa hề nghe, cũng vội tin như thật. Có người còn nói thà tin có còn hơn không. Hoặc phúc cho ai không thấy mà tin. Thật không còn gì u mê, ngu ngốc hơn. Những con người như vậy đã bị tẩy não lâu đời, nhiều kiếp. Thật là tội nghiệp ! Thật là đáng thương !

Đừng vội phán xét người khác

khi mình không hiểu rõ hay không hiểu gì về họ

Mỗi người đều có hoàn cảnh, số phận, cuộc sống khác nhau, người ngoài không cách nào hiểu được tường tận. Vậy nên, đừng vội vàng chỉ trích hay phán xét người khác, khi không hiểu gì về tình huống chân thực của họ.

Cuộc sống của con người phát sinh việc gì, họ đang trải qua khó khăn và trắc trở gì, chúng ta đều không biết được, những điều chúng ta nhìn thấy chỉ là bề ngoài mà thôi.

Chúng ta có từng trải qua khổ đau mới hiểu được nỗi đau của người khác. Chúng ta có trải qua con đường đời gập ghềnh như thế nào mới hiểu được người khác cũng trải qua như vậy.

Con người thực sự tu dưỡng bản thân sẽ hiểu được lời nói, việc làm hay suy nghĩ đều có hai mặt: lợi hoặc hại. Mọi việc trên đời đều có hai mặt: đúng/sai, phải/quấy, thiện/ác. Cuộc đời thường xảy ra cảnh đối nghịch: Lợi/Suy, Hủy/Dự, Xưng/Cơ, Khổ/Lạc.
Hiểu được như vậy, cho nên không nhận định phiến diện, không phán xét vấn đề từ một phía. Trên đời này hãy áp dụng: “Y PHÁP BẤT Y NHÂN”. Nghĩa là: “XÉT VIỆC KHÔNG XÉT NGƯỜI”. Nhất là người đời không nên có thành kiến để đi đến kết luận sai lạc và tuyệt đối không nên về hùa với số đông người khác. Số đông chưa chắc đã hiểu rõ câu chuyện, chưa chắc đã nắm được sự thật, chưa chắc đã có chân lý. Như vậy, giữa con người với con người, việc làm tổn thương nhau sẽ giảm đi rất nhiều.

 Cổ nhân có câu: “Hạnh phúc không phải được quyết định bởi tài phú, quyền lợi, quyền lực hay dung mạo.  Mối quan hệ chân thành giữa con người và những người xung quanh quyết định cuộc sống bình an, lương thiện không cần cầu nguyện”. Con người muốn là một người vui vẻ hạnh phúc, thì hãy lấy việc “đối xử tử tế” với người khác làm điểm xuất phát đi nhé. Cầu chúc tất cả một ngày bình an trên trái đất.[]

Kính mời tham khảo:

https://phtq-canada.blogspot.com/2019/06/phan-xet-nguoi-khac.html

https://phtq-canada.blogspot.com/2019/08/cho-voi-tin-tuong-cho-voi-phan-xet.html

https://phtq-canada.blogspot.com/2021/08/y-phap-bat-y-nhan.html


Câu chuyện: Thật là một con người tốt bụng

"Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi sau một thời gian sống ở Âu Châu, đã phải chờ khá lâu ở phi trường Heathrow của London. Sau khi mua một ly cà phê và một gói bánh quy, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ máy bay.

Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người làm gì đó sột soạt ở bàn mình. Liếc nhìn qua tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh của cô, bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình.

Một phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.

Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết cỡ nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi.

Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận. Tuy nhiên, các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra và khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó. Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người ta. Chàng kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng".
(Reader's Digest)

Suy nghĩ: Câu chuyện cho thấy cái nhìn của chúng ta về người khác không luôn luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. Vì thế đừng vội xét đoán, kết án. Và cũng phải sẵn sàng thay đổi cái nhìn của mình khi chúng không còn đúng với sự thật nữa. Quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta muốn có những thay đổi lớn trong cuộc đời mình thì trước hết phải thay đổi cách nhìn về người khác. Hãy đeo cặp kính khác rồi mọi sự sẽ thay đổi theo ta.

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

1. Một câu chuyện ngụ ngôn, kể rằng: 

Có một chú heo, một chú cừu và một chú bò sữa bị nhốt trong một chuồng. Có một lần người chủ bắt chú heo, heo liền lớn tiếng kêu thất thanh và chống cự mãnh liệt.

Cừu và bò sữa không thích tiếng kêu của chú heo nên giận dữ chỉ trích: “Ngươi thật là làm quá, ông chủ mỗi lần đến bắt chúng ta thì chúng ta cũng không kêu to ầm ĩ như ngươi”.

Chú heo nghe xong liền đáp lại: “Việc bắt các anh và bắt tôi là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ông chủ bắt các anh chỉ là muốn lấy lông và sữa của các anh, nhưng ông ấy bắt tôi là muốn lấy mạng của tôi, các anh có hiểu không”?

Cừu và bò sữa nghe xong đều lặng yên không nói được lời nào. Câu chuyện ngụ ngôn tuy ngắn ngủi và đơn giản nhưng lại rất sâu sắc. Nó nói cho chúng ta biết rằng, người ở vị trí và hoàn cảnh khác nhau thì rất khó để hiểu được người khác.


2. Một câu chuyện khác như thế này: 

Một vị bác sĩ sau khi nhận được cú điện thoại tiếp nhận một ca phẫu thuật gấp, liền vội vã chạy nhanh nhất đến bệnh viện và thay đổi trang phục.
Cha của bệnh nhân không kềm chế được bực tức nên trách: “Tại sao ông lại có thể đến muộn như vậy? Chẳng lẽ ông không biết được rằng con trai tôi đang ở vào tình thế nguy hiểm sao? Ông đúng là người không có trách nhiệm”.
Bác sĩ nói: “Thật xin lỗi, tôi không phải trực ở bệnh viện hôm nay. Nhưng khi nhận được điện thoại tôi đã lập tức đến ngay. Xin ông bình tĩnh một chút”. 

- “Bình tĩnh? Nếu như người nằm trong phòng phẫu thuật là con trai của ông thì ông có thể bình tĩnh được không, cha của bệnh nhân phẫn nộ nói”.
Bác sĩ lại ôn tồn: “Được rồi. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho con trai của ông”.

Cha của bệnh nhân lại tức giận nói: “Chỉ có người thờ ơ với sự sống chết của người khác mới có thể nói được những lời như vậy”.
Mấy tiếng sau, ca phẫu thuật thành công, bác sĩ từ trong phòng phẫu thuật đi ra vui vẻ nói với cha của bệnh nhân: “Cảm ơn trời đất, con trai của ông được cứu rồi”.

Không chờ người đàn ông kia trả lời, vị bác sĩ vội vã rời đi và nói: “Nếu như có vấn đề gì, ông có thể hỏi cô y tá”.
Cha của bệnh nhân bất bình nói với cô y tá: “Ông ta thật ngạo mạn. Tôi muốn hỏi tình trạng của con trai tôi một chút mà cũng không được”.

Nữ y tá nói: “Con trai của bác sĩ hôm qua đã mất vì tai nạn giao thông, lúc chúng tôi gọi điện cho bác sĩ đến mổ cho con trai của ông, bác sĩ đang trên đường đến nhà tang lễ. Bây giờ con trai của ông đã được cứu sống rồi, bác sĩ phải vội vàng trở về để lo việc chôn cất cho con trai mình”.


3. Một câu chuyện khác như thế này: 

Một người đang đi trên đường phố thấy cảnh một người khỏe mạnh đang khống chế một người nằm trên mặt đường.

Không cần biết câu chuyện ra sao, người này bèn ra tay đánh người khỏe mạnh kia. Người đang bị khống chế lập tức đứng dậy và chạy mất dạng.

Lúc đó, người này mới hiểu ra rằng người khỏe mạnh kia là nhân viên công lực và người bị khống chế chính là một tên tội phạm.


4. Một câu chuyện khác như thế này:

Trên internet, có người nhận được các Emails với nội dung thô bỉ, tục tĩu, hạ cấp với danh tánh của một người, bèn vội vàng tin ngay và lên án người này thậm tệ, nhất là người đó lại là một người danh tiếng. Họ quên mất người gửi các Emails bất xứng đó mới chính là tác giả. Người gửi hay chuyển các Emails có thể ngụy tạo, cắt xén, thêm bớt, sửa đổi nội dung một cách dễ dàng nhằm nục đích tiêu cực. Trò chơi này thường xảy ra và thường có khối người đạo đức giả lên tiếng phê phán, kết án như vậy.


5. Một câu chuyện khác như thế này: 

Thế giới công nghệ ngày nay rất thực dụng và tiện lợi. Một câu chuyện, một bản tin được đăng tải lên mạng, ngay lập tức khắp nơi mọi người đều hay biết.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có mặt tiêu cực. Một câu chuyện, một bản tin được đăng tải lên mạng, liền có một số không ít những người hồ đồ nhào ra phê phán, chỉ trích, chửi bới, thậm chí văng tục, sỉ nhục đương sự. Họ không cần biết câu chuyện đó, bản tin đó có bao nhiêu phần trăm sự thật, hay câu chuyện đó, bản tin đó được ngụy tạo với mục đích xấu xa, nhơ nhớp nhằm bôi bác một cá nhân, hay một tổ chức nào đó. Các cá nhân hay tập thể can đảm vạch trần những vấn đề tiêu cực trong xã hội hay trong tôn giáo, chính trị, thường bị tấn công một cách không khoan nhượng bởi những kẻ bè phái, hồ đồ, vô giáo dục, phi văn hóa, thiếu nhân cách.

Đó là những kẻ không biết rằng họ đang tạo nghiệp xấu và quên rằng luật nhân quả không sai và không chừa bất cứ một ai. Gieo gió ắt gặt bảo. Gây thù chuốc oán. Sinh sự thì sự sinh. Ném rác tất nhận rác. Chửi người thì người chửi.  

Những kẻ dùng ngôn ngữ tục tĩu, bẩn thỉu và vô giáo dục để bôi bẩn, vu cáo, chụp mũ, mạ lỵ - đương nhiên họ sẽ nhận đáp trả thứ tương tự. Kẻ nào ném bùn thì họ sẽ nhận lại bùn mà thôi. Kẻ nào ném dơ, sẽ nhận lại thứ dơ hơn. Cổ nhân có dạy: Dù trốn lên non. Xuống biển vào hang. Nghiệp báo đã mang. Chạy đâu cho thoát ! Chạy đâu cho thoát !

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường có khuynh hướng hay phán xét, khen, chê, phê bình hoặc chỉ trích người khác. Vậy có khi nào mình tự xét lại mình hay không? “Họ có ý kiến về mỗi người nhưng chẳng có một ai làm họ vừa lòng hết. Không thể có được lòng khoan dung, phán xét là một cách để chứng tỏ rằng họ tồn tại”. 


6. Một câu chuyện khác như thế này: 

Trên thế gian cũng như trên các diễn đàn mạng, những loại người ngồi lê đôi mách hay mồm loa mép dải, thường thích chõ mõm vào bất cứ chuyện thế gian thiên hạ sự nào. Họ thích bình phẩm, bới móc, chê trách, chỉ trích, lên mặt dạy đời, phê phán người khác, ít khi lịch sự, thường châm biếm nặng, dễ khiến cho người nổi giận.

Khi loại người này bị ném trả những thứ tương tự họ đã ném vào người khác, hay nhận phải những thứ khó chịu hơn, khó tiêu hơn, khó ngửi hơn, họ bèn la làng, kêu cứu, tố cáo người khác côn đồ, thô lỗ. Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng. Đúng là vừa đánh trống vừa ăn cướp. Loại người này hàm huyết phún nhân, ngậm phân phun người. Loại người này chê cơm chọn cứt. Cũng sẽ có một số người dễ tin, nhẹ dạ, thích can thiệp, thích làm anh hùng, thuộc loại nhiều chuyện, chẳng cần biết đầu đuôi ra sao, bèn nhào ra bênh vực, chửi mắng hùa theo, gây nên trận chiến.

Thật là đáng thương! Thật là đáng chán!


7. Một câu chuyện khác như thế này: 

Có một cô gái thuộc gia đình danh giá, có học, có đạo. Năm kia gia đình cô gặp tai nạn giao thông, cô bị thương tích, vài người trong nhà thiệt mạng. Cha cô là cựu luật sư, cựu thẩm phán, lợi dụng việc này để đòi tiền bảo hiểm. Ngoài việc kiện hãng bảo hiểm, gia đình còn dựng lên câu chuyện “sexual assault” vu cáo một nhân viên, đòi bồi thường 4 triệu đô và phạt tù 4 năm. Người phương Tây có câu nói tưởng chừng như nói đùa: “nhất phụ nữ, nhì trẻ em, thứ ba con chó, thứ đến đàn ông” để nói về thứ tự ưu tiên trong xã hội. Với vở kịch khóc lóc của cô gái và bà mẹ, quan tòa xử phạt anh nhân viên.

Bao nhiêu người từng chịu án oan, nhiều vụ án xử tử sai lầm, cho nên phương Tây đã bỏ án tử hình.

Con người vì tâm tham, đã bất chấp thủ đoạn nham hiểm vu khống cáo gian để đòi tiền, dù họ thuộc hạng người danh giá, có học và có đạo trong xã hội. Quan tòa tưởng chừng vô tư, nhưng cũng rất nhiều khi phán xét, xử án sai lầm, tổn thương danh dự cá nhân và tan nát gia cang nạn nhân. Bởi vậy, cho nên để tránh việc tạo nghiệp xấu ác, chớ vội tin tưởng những gì người ta nói và chớ vội phê phán những gì người ta làm.

llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

Câu chuyện “Nồi cơm của Khổng Tử”

Một lần Đức Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong những người học trò xuất sắc, có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò ưu tú nhất của Khổng Tử. Trên đường đi, gặp đúng thời gian dân chúng đói kém, mất mùa, thầy trò trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ. 


Khi sang đến đất Tề, thầy trò Khổng Tử được bà lão già biếu một ít gạo mới để nấu cơm. Đức Khổng Tử phân công Tử Lộ cùng các môn sinh vào rừng kiếm rau; việc thổi cơm giao cho Nhan Hồi - một đệ tử được thầy hết mực tin tưởng. 


Khi đang đọc sách ở nhà trên, Đức Khổng Tử bỗng nghe một tiếng “cộp” từ bếp vọng lên. Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, ông thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm rồi cho vào tay và nắm lại thành nắm. Nhan Hồi đậy vung lại, nhìn trước ngó sau rồi lén đưa nắm cơm lên miệng. Thấy vậy, Khổng Tử cảm thấy thất vọng vô cùng, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Trò yêu của ta lẽ nào lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lý? Bao kỳ vọng đặt vào nó thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!”.


Khi các đệ tử đã về đông đủ và cơm canh đã chuẩn bị xong. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, vẫn một dạ theo thầy, yêu thương đùm bọc nhau. Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương, cha mẹ. Cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, tiên tổ các con bảo có nên chăng? Ngoài Nhan Hồi ra, các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”


Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?” Tất cả học trò không rõ ý thầy muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?"


Nhan Hồi thưa: “Dạ, khi mở vung ra để ghế cơm, chẳng may một cơn gió thổi vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi. Nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, nếu vứt đi thì anh em sẽ phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và các anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và các anh em. Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”


Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử giật mình than rằng: “Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt chút nữa Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ!”

llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll