https://phtq-canada.blogspot.com/2022/11/hay-tu-thap-duoc-len-ma-di.html
Tính nhân bản qua câu
kinh: ''Tự mình thắp đuốc lên mà đi''.
https://www.phattuvietnam.net/tinh-nhan-ban-qua-cau-kinh-tu-minh-thap-duoc-len-ma-di/
Theo độc thần giáo
cũng gọi là nhứt thần giáo như đạo: Do Thái, Thiên Chúa, Tin Lành, v.v…và một
số nhà tư tưởng quan niệm rằng: Thượng đế là Đấng sáng tạo ra vũ trụ; là
Bậc toàn năng, toàn trí và toàn quyền đối với con người cũng như muôn loài vạn
vật. Thượng đế còn gọi là Thiên Chúa, Chí Tôn, Chúa Trời, Trời,… Ngài là
Đấng cầm cân nẩy mực, trọn quyền ban phước giáng họa cho bất cứ ai trong
trần thế.
Điều này được thể
hiện rõ nét qua đoạn kinh thánh Cựu Ước sau đây:
1. Sáng Thế Ký [(Gen.1:1-31,
đọc là chương 1, đoạn từ 1-31)] viết:
Ngày 1, Chúa tạo
dựng nên trời đất, ánh sáng và bóng tối.
Ngày 2, dựng vòm trời
bằng đồng thau.
Ngày 3, dựng cây cỏ.
Ngày 4, dựng các ngôi
sao.
Ngày 5, dựng sinh vật.
Ngày 6, dựng thủy tổ
loài người (Adam và Eva).
Ngày 7, nghỉ.
(Trích từ http://tongiaovadantoc.com)
Hoặc là:
Quyền họa phúc Trời
tranh mất cả!
Chút tiện nghi chẳng
trả phần ai!
(Nguyễn Gia Thiều –
Cung oán ngâm khúc)
Quan niệm trên, có nghĩa
là mọi khổ vui họa phúc, trí ngu giàu nghèo, sang hèn được mất… trong đời
người là do “tha nhân” định đoạt, chứ không phải “tự mình” quyết định.
Đối lập với các chủ
trương trên, trong kinh Du hành và kinh Chuyển luân Thánh vương. Đức Phật đã
nhiều lần dạy rằng: “Các ngươi hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”
Một lời dạy đơn giản,
nhưng lại là một danh ngôn bất hủ, mang tính nhân bản vô cùng sâu sắc! Đứng
trên bình diện triết lý nhân sinh, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa và xác định
giá trị nhân bản của nó trong đời sống chúng ta và nhân loại qua sự trình bày
sau đây:
Qua câu di huấn: “Các ngươi hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Đã gợi lên 2 vấn đề lớn.
I – TỰ MÌNH: tự bản thân chứ không do người khác. Với
chủ trưởng Nhân bản, lấy con người làm gốc, làm trung tâm để phục vụ, thăng
hoa, hướng thượng và tiến đến chân thiện mỹ. Đức Phật quan niệm: con người
và tất cả chúng sanh đều có chung một bản thể bình đẳng thanh tịnh, có đủ
khả năng chứng đạo thành Phật – Phật là danh hiệu chung cho tất cả chúng sanh
có công phu tu hành và giải thoát giác ngộ, chứng quả Niết bàn. Tuy nhiên,
con người phải tự lực tự cường và tự đi bằng đôi chân của chính mình để đạt
đến, chứ không ai đi thế và cũng không do ai ban rải hạnh phúc tối thượng
đó. Như Đức Phật đã minh thị: “Các ngươi hãy tự nỗ lực để tiến đến giải
thoát giác ngộ. Đức Như Lai chỉ là người dẫn đường” (Đại cương Kinh Trường A
Hàm, dịch giả Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, xb 1993, tr.94).
Thật vậy, Đức Phật
chỉ là vị Đạo sư – Vị Đạo sư khả kính, khả ái của chúng ta – Ngài rất yêu quý
chúng ta và mong muốn tất cả chúng ta chứng ngộ như Ngài, nên Ngài không
ngần ngại nói lên sự thật: “Ta cũng đã tìm khắp mọi nơi, để tìm người y cứ,
nhưng không ai đáng để ta y cứ. Do đó, ta phải tự y cứ chính ta và nỗ lực tu
tập giải thoát, chứng quả Niết Bàn, thành tựu Vô sư trí, Tự nhiên trí.v.v.
(Sđd)
Ngoài ra, khả năng “tự
mình” cũng được Tổ Linh Hưu sách tấn: “Kim sanh, tiện tu quyết đoán, tưởng
liệu bất do biệt nhơn!”
Tạm dịch: đời nay phải
tự quyết đoán, xét ra không do ai khác! (Qui sơn cảnh sách)
Riêng đối với Thiền sư
Việt Nam, bằng hai câu thơ ngôn chí mang tính đặc trưng của Thiền tông, Quảng
Nghiêm Thiền Sư phát biểu:
Nam nhi tự hữu xung
thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành
xứ hành
Nghĩa là:
Làm trai có chí xông
trời thẩm
Chớ dẫm Như Lai vết đã
qua (*)
(Thiền sư VN – HT Thích
Thanh Từ, xb. THPG/TPHCM, 1995, tr.189)
Tại sao Đức Phật đặt
vấn đề “tự mình” mà không phải là “tha nhân” để giành lấy vai trò “kể cả”,
để nhân danh Đấng Cứu thế hay Thiên sứ đầy đủ quyền năng tối thượng, tạo
cho mình muôn vòng hào quang rực rỡ như các vị giáo chủ khác?
Điều này, chúng ta có
thể giải thích qua những lý do sau đây:
1. Vì tôn trọng chân lý,
đã là chân lý thì bao giờ và ở đâu nó vẫn là chân lý; là sự thật khách quan
và vĩnh cửu. Thực tế đã cho chúng ta thấy: muốn no thì phải tự ăn, muốn
khỏe thì phải tự ngủ, chứ không có việc người này ăn mà kẻ khác no, người này
ngủ mà kẻ kia khỏe.
2. Vì tinh thần bình
đẳng, chúng sanh tuy khác nhau về hình hài thể xác, nhưng bản thể vẫn đồng
nhất bất biến, và tất cả chúng sanh đều có khả năng giải thoát giác ngộ
như nhau; ở thánh không thêm, ở phàm không bớt. Dù là trí thức hay bình dân
nếu có tu là có chứng, tùy sự dụng công, chứ không tùy thuộc giai cấp. Thế
nên Đức Phật đã khai thị:
Nhữ thị Phật đương
thành
Ngã thị Phật dĩ thành
Nghĩa là:
Ngươi là Phật sẽ thành
Ta là Phật đã thành
(Kinh Phạm Võng – dg HT Thích Hành Trụ, NXB Sen Vàng. 1958, tr.26).
3. Vì tâm từ bi vô
lượng. Đức Phật quán thấy tất cả chúng sanh đều là quyến thuộc trong vô
lượng kiếp đang đắm chìm trong vòng luân hồi đau khổ, cần phải tế độ. Như
hai câu kệ sau:
Phật tại thế gian
thường cứu khổ.
Phật tâm vô xứ bất từ
bi, .v.v.
Qua phần giải thích
trên, chúng ta đã rõ ý nghĩa, và lý do tại sao Đức Phật đề cập “tự mình” mà
không nói đến “tha nhân” rồi. Kế tiếp chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề: “Thắp
đuốc lên mà đi”.
II – THẮP ĐUỐC LÊN MÀ
ĐI:
THẮP, theo nghĩa đen là
mồi, đốt,… thuộc về hành động. Ý nói về sự nỗ lực tu tập.
ĐUỐC là vật thể thắp
sáng, tiêu biểu cho Chánh pháp. Chánh pháp được đề cập ở kinh này là tứ
niệm xứ.
ĐI có nghĩa là tiến
bước. Nó bao hàm ý nghĩa đang tiến đến mục tiêu đã định. Mục tiêu ở đây chính
là Tứ quả Thanh văn; là Vô thượng Bồ đề vậy.
“Tự mình thắp đuốc lên
mà đi” tức là tự mình nỗ lực hành trì Chánh pháp nói chung. Song, theo kinh Du
hành và kinh Chuyển luân Thánh vương, Chánh pháp được Đức Phật đề cập là tứ
niệm xứ.
Tại sao Đức Phật
không nói đến pháp khác?
Nguyên vì Đức Phật
muốn trừ bốn thứ chấp điên đảo mê lầm căn bản của chúng sanh:
Thân bất tịnh lại cho
là tịnh
Thọ là khổ lại cho là
lạc
Tâm vô thường lại cho là
thường
Pháp vô ngã lại cho là
ngã
Do quán chiếu tứ niệm
xứ, thấu rõ được chân lý của các pháp, thành tựu bốn pháp không điên đảo của
Nhị thừa, loại trừ bốn pháp điên đảo của chúng sanh. Dù không đề cập Tam vô
lậu học, nhưng thành tựu tứ niệm xứ cũng có nghĩa là thành tựu Tam vô lậu
học và các pháp khác.
Tóm lại, qua phần trình
bày nêu trên, chúng ta nhận thấy giáo pháp của Đức Phật tuy có vô lượng,
nhưng đều được xây dựng trên cơ sở nhân bản mà mọi người trong xã hội ở bất
cứ địa phương nào, thời điểm nào đều có thể đạt đến cứu cánh giải thoát giác
ngộ bằng chính khả năng của mình. Chứ không do ai khác. Nếu mình tinh cần
nỗ lực, tỉnh giác và nhứt tâm tu tập. Điều này đã được Đức Phật tái khẳng
định:
Tự mình nương tựa mình
Tựa điểm nào hơn nữa
Nhờ khéo điều phục mình
Được điểm tựa khó được (Pháp cú 160)
Nhận chân được ý nghĩa
chủ trương trên, khi nghiên cứu về Phật giáo – Erich Fromm, một nhà Tâm phân
học và Tôn giáo nổi tiếng đã nhận xét như sau:
“Một trong những thí dụ
rõ ràng nhất về tôn giáo nhân bản chính là Phật giáo Nguyên thủy. Đức Phật
là một vị thầy lỗi lạc, Ngài là “Con người đã thức tỉnh”, đã trực nhận chân
lý về nhân sinh. Ngài không thuyết giáo nhân danh một quyền năng siêu
nhiên, mà nhân danh lý trí. Ngài kêu gọi mọi người hãy thấy rõ chân lý mà Ngài
chỉ là người đầu tiên tìm thấy”. (Erich Fromm – Tâm phân học và Tôn giáo – dg
Trí Hải, NXB Đại học Vạn Hạnh, 1968, tr.71)
_________________________________________________________________
(*) Điều này có ý nói
lên tinh thần độc lập, tự chủ, tự tại của con người trong việc phát minh và
lựa chọn phương pháp tu tập thích hợp với căn cơ và hoàn cảnh của riêng mình,
chứ không phải Quảng Nghiêm Thiền sư phủ nhận thành quả bất hủ của Đức Phật
hay bất kính Đức Phật.
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll