Bản đồ Sài Gòn-Chợ Lớn năm 1952 (Nguồn: Mạnh Hải Flickr). |
https://phtq-canada.blogspot.com/2022/11/cholon-ngay-xua.html
Quận 3 được Pháp thành lập từ năm 1920, đến 1956 thì trở thành một phần của Đô thành Saigon. Năm 1959, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ban hành Nghị định số 110-NV về việc phân chia sáu quận đang có thành tám quận mới: Nhứt, Nhì, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy và Tám (ba quận: Nhứt, Nhì, Ba giữ nguyên địa giới thời Pháp, các quận còn lại đều đổi tên và thay đổi địa giới hành chính). Lúc này, quận Ba trùng với địa giới quận 3 cũ, có 5 phường: Chí Hoà, Bàn Cờ, Đài Chiến Sĩ, Trương Minh Giảng, Yên Đổ.
Năm 1962, quận Ba chia phường Đài Chiến Sĩ thành sáu phường: Cộng Hòa, Cư Xá Đô Thành, Hiền Vương, Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản. Như thế lúc này quận có 10 phường.
Quận 3 là nơi tập trung của rất nhiều biệt thự thời Pháp thuộc ngày xưa, và có nhiều vẻ đẹp của kiến trúc Tây Âu pha với nét truyền thống Á Đông với rất nhiều công trình chùa, miếu nổi tiếng như: Chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Tân Định, Thiền Viện Quảng Đức, chùa Vạn Thọ, chùa Đại Hạnh, chùa Quan Thánh Đế, chùa Vĩnh Xương, chùa Vạn Thiện,... và các di tích lịch sử hay nhà thờ cổ kính: Đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp, Thánh đường - Tu viện Mai Khôi, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ,...
Ngày xưa, đường Lê Văn Duyệt, với cái tên Tây là Verdun, bị Việt hóa thành ra Quẹt-Đoong. Phía trái của Quẹt Đoong là hoang địa. Xóm Bàn Cờ là rừng nhỏ và thưa, sào huyệt của trộm cướp, anh chị, điếm đàng. Trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký là một cái nghĩa địa lớn của người Tàu của ba bang Phúc-Kiến, Triều-Châu và Hải-Nam, nghĩa địa nầy mãi cho đến hai năm sau, năm 1927 mới bị giải tỏa để bắt đầu xây cất trường Trương Vĩnh Ký, và công việc xây cất kéo dài cho đến niên học khóa 1928-1929 vẫn chưa xong hẳn.
Nhà cửa của Saigon, chỉ đi đến cái nơi mà về sau là rạp Nguyễn Văn Hảo thì thôi. Hai bên đại lộ Trần Hưng Đạo (tên Pháp thuở đó là đại lộ Galliéni) là đất trống không.
Theo Bình Nguyên Lộc, từ trường Trương Vĩnh Ký, đi chùa Tam Tông Miếu, phải băng rừng, vì con đường Cao Thắng đưa tới đó là một con đường mòn đất, đi xe đạp trên đó cũng rất khó khăn lắm. Trừ những con phố lớn, về sau được kéo dài ra, thì đại để các con phố ngày nay, thuở ấy đã có rồi (trừ vài con phố khu Bàn Cờ, Vườn Chuối, mà thuở ấy còn hoang vu).
Nhà tôi cất trên miếng đất tọa lạc ở đường 20 (thời Pháp mới đến, họ lập ra 23 đường theo quy hoạch thành Phiên An của Trần Văn Học) sau đổi tên là đường Général Lizé, thời VN Cộng hoà 1956-1975 là đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), thuộc xóm Bàn Cờ ở quận Ba và ở kế bên cổng Lao Động, nay là cổng Cư Xá Đô Thành.
Trước 1954, thời Pháp thuộc, đường 20 thuộc khu mồ mả (Plaine des tombeaux) của đồng tập trận và mả ngụy là nơi chôn tập thể 1831 người bị vua Minh Mạng xử trảm sau loạn Lê Văn Khôi, con nuôi tả quân Lê Văn Duyệt.
Vị trí Đồng Tập Trận còn được học giả Vương Hồng Sển chỉ ra trong các trang sách sau:
“Khỏi chợ Cây Da Thằng Mọi, có một cánh đồng rộng lớn trống trải và cây cỏ mọc tùm lum nhiều chỗ. Ngày nay nhà cửa cất lấp bít bùng không còn nhìn được nơi nào, chớ xưa kia đây là ‘Đồng Tập Trận’, cũng gọi là ‘Mả Ngụy’ hay ‘Mả Biền Tru’.
... Vui vì xe chạy một đỗi, thấy di tích Đồng Tập Trận mênh mông (nay là Lý Thái Tổ). Sách nói khi xưa, làm con đường này gặp nhiều mả mồ (ắt chốn Đồng Tập Trận cũ)...
... Đồng Tập Trận cũng gọi là Mô súng, sau này mới gọi là Mả Ngụy”.
Vương Hồng Sển dẫn thêm, “Mả Ngụy ở khoảng bệnh viện Bình Dân (thuộc quận 3), từ đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám) vào Chợ Lớn (thuộc quận 5) nằm phía tay phải đường Điện Biên Phủ ngày nay, tức phía đối diện với bệnh viện”.
Sau khi đến Saigon, Raoul Postel đã mô tả lại cánh Đồng Mả Mồ trong tác phẩm L’ extrême-Orirenh, Cochinchine, Annam Tonkin.
Nguyễn Đình Đầu tả trong Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh (tập 1), 1987, tr. 211: “Nằm giữa các đường 3 tháng 2, Lê Đại Hành, Lữ Gia và Lý Thường Kiệt là khu Trường đua Phú Thọ,... trước kia là một phần của một vùng đất hoang vắng phía Tây Bắc thành phố, gọi là Đồng Tập Trận. Đây là một vùng rất khó kiểm soát và gây nhiều khó khăn cho công việc bảo vệ thành phố”.
Nơi đây xưa là vùng sình lầy, hoang vắng, dân cư hầu hết là người lao động nghèo, sống trong những căn nhà tạm bợ, tạo thành đường ngang ngõ dọc giống như ô bàn cờ, địa danh Bàn Cờ ra đời từ đó. Xóm Bàn Cờ, khu vực nằm giữa các đường Lê Văn Duyệt, Hồng Thập Tự và Lý Thái Tổ, Phan Thanh Giản. Nơi đây là giao điểm gạch nối Q. 1, Q. 3, Q. 10, Q. 5 với nhau.
Với vị trí như vậy, Bàn Cờ ngày càng đông đúc, nhà dân, chợ búa, siêu thị, nhà hàng, trường học, bệnh viện mọc lên tấp nập. Thế nhưng, 50 năm trước, xem bản đồ Saigon xưa, ta có thể ngạc nhiên thấy cả khu vực này đều chưa có tên. Tìm hiểu qua sách báo và cư dân lâu năm, mới biết cuối những năm 1950, Bàn Cờ là trại tạm cư. Dân chạy loạn từ quê lên, được chia ô cắm dùi làm lều, làm nhà ở tạm. Cứ thế, trên đất trống hình thành những con hẻm đường đất, chạy chi chít nhưng vuông vắn như... Bàn Cờ.
Xóm Bàn Cờ xưa giống như những xóm khác của Saigon, không những là nhà nghèo mà còn là nhà quê. Nhiều xóm nhà ngày ấy rất đúng nghĩa là xóm nhà lá, nơi khung cửa sổ có treo rèm vải, hàng rào gỗ ở ban công trên lầu, có các chấn song được xếp theo hình chữ X, thay vì xếp hàng dọc đơn điệu. Dần dần các mái nhà được thay bằng tôn, ít có mái ngói.
Những con hẻm đường đất có nhiều cây xanh là ngôi vườn, là sân chơi chung cho con nít, trẻ em trong xóm chơi đánh đáo, bắn bi, ô ăn quan, đá banh, nhảy cầu, nhảy dây, tạt lon... Con nít sau giờ học, đổ ra hẻm, chơi đùa với nhau dễ dàng. Người lớn thả con ra khỏi cửa, không lo lắng trăm nỗi an nguy như bây giờ.
Thời ấy, Saigon xóm chưa có nước máy vào nhà, chưa có cột đèn dẫn điện vào các hẻm. Ngoài nước giếng, người dân quen xài nước máy công cộng. Cứ ba bốn hẻm, lại có một cột bơm nước giếng bằng tay. Trong khu chợ Bàn Cờ, giữa hẻm 212 Nguyễn Thiện Thuật có một cột bơm nước, vừa xài cho xóm, vừa xài cho chợ. Tại đấy, từ sáng đến tối đều đông chật người. Các bà, các chị gánh nước thuê, đầu đội nón lá, mặc áo bà ba, xắn ống quần cao để lộ bắp đùi hai thùng nước sóng sánh, đong đưa nhịp nhàng trên đòn gánh. Đó là loại thùng thiếc vuông của các hãng nước mắm, dầu dừa, dầu hôi..., bây giờ rất hiếm thấy. Họ gánh nước đến đổ vào lu cho từng gia đình. Các bà, các chị hay gọi chủ nhà là Thầy Hai, Cô Ba! Thật ra, thầy hay cô cũng đều là dân lao động như nhau, giới bình dân.
Ở nhiều nhà, còn để một khạp nước có nắp đậy cẩn thận, kèm theo chiếc gáo dừa hay chiếc ly nhựa để khách đi qua cứ tự nhiên múc uống. Thêm vào đó, còn phải kể đến những tiệm thuốc bắc của người Hoa trong xóm. Tại đây, trên quầy lúc nào cũng có sẵn mấy lọ trần bì (vỏ quýt phơi khô) hay những loại kẹo ngậm gì đấy vừa ngọt vừa hăng hăng mùi thuốc bắc.
Cái cổng Lao Động giống như cái cổng chánh của cổng tam quan vào thôn xóm vùng quê, nhưng không có hai cổng nhỏ ở hai bên. Cổng này có mái ngói uốn cong và hai câu đối chữ hán khắc trên hai cột trụ của cổng. Cổng này là ấn tích xưa của xóm Bàn Cờ.
Nhà chúng tôi ở số 391 đường Général Lizé, kế bên nhà ông bà kiểm lâm ở số 387. Ông hay chơi với lũ trẻ tôi trò Huê Dung đạo bắt Tào Tháo, chắc vì nghề nghiệp đi bắt trộm trong rừng.
Đi về phía bắc xa hơn một ít thì gặp bệnh viện Bình dân ở số 371, được thành lập từ năm 1954, sau khi Pháp rút về nước và Ngô Đình Diệm lên làm thủ tướng. Bệnh Viện Bình Dân là Khối Giải Phẩu B của Trường Đại Học Y Khoa Saì Gòn, thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục, các bệnh viện khác trực thuộc bộ Y tế. Ngay từ những ngày đầu thành lập đã là cơ sở thực tập của trường Đại học Y khoa Saigon và là bệnh viện Ngoại khoa duy nhất ở miền Nam Việt Nam, tập trung hầu hết các chuyên gia tài giỏi ngành Y lúc bấy giờ.
Tới ngã tư Trần Quý Cáp, Lê Văn Duyệt để vào xem rạp Nam Quang (chợ Ðũi) thuộc loại bình dân. Trên dẫy phố trước rạp nầy, buổ̉i tối có nhiều hàng sách cũ, tôi đi mua sách đủ loại. Tôi được biết chú hoa kiều chuyên bán ve chai lúc đầu, rồi bán sách cũ, về sau mở có tiệm sách ở trước mặt rạp Nam Quang. Phải phục lối làm ăn của người hoa.
Về phía Chợ Lớn, bên cạnh nhà tôi có nhà ông giáo sư Vũ lai Chương, nhà thuốc tây Thái Tường, vựa bán cát cho đến đường Cao Thắng. Bên kia đường có lớp học toán của Nguyễn Văn Tụ, hãng vẽ Thế Hệ, tạp hóa Nam Thái, con trai là bạn bi da của tôi. Tiếp đến xe mì chú Cao người Minh Hương, nhà ông họa đồ, nhà may Lâm Tân, nhà chụp hình Mạnh Đan cho đến đầu chợ Nguyễn Thiện Thuật có quán cà phê.
Ở ngã tư đường Cao Thắng, Phan thanh Giản, có rạp hát Ðại Ðồng rất là bình dân, chiếu toàn phim cũ, có thời chiếu 2 phim gíá 5 đồng, giá vé chỉ bằng giá một tô phở xe lửa. Nhưng được cái xe bò viên ngay trước rạp thì tuyệt hảo. Chúng tôi đi coi cọp bằng cửa ra bên hông. Rạp hát Việt Long hay chiếu tuồng cải lương cũng thuộc loại khá. Vào đầu thập niên 70, rạp được tân trang và đổi tên là Thăng Long.
Đường nầy có nhà lầu 5 từng và nhiều biệt thự sang trọng.
Quẹo qua đường Phan thanh Giản về hướng ngã bảy, nơi tọa lạc rạp Long Vân thuộc loại kha khá. Rạp lúc nào cũng đông khán giả, chắc nhờ ở ngay trung tâm nhân mãn của Saigon: cư xá Bàn Cờ, cư xá Ðô Thành, chung cư Minh Mạng... Phía bên kia ngã bảy, đường Vĩnh Viễn là rạp Thành Chung mà khán giả vào xem có thêm phụ diễn là nếu trời nóng thì tắm hơi, còn trời mưa thì tắm nước từ nóc rạp dột xuống.
Trên đường này có hẻm vào xóm Bàn Cờ dưới, có chùa Tam Tông Miếu trên đường Cao Thắng gần góc đường Phan Đình Phùng, được xây vào ngày 9 tháng 9 năm 1926 đến ngày 2 tháng 2 năm 1927 thì hoàn thành. Chùa Tam Tông Miếu này khác xa Tam Tông Miếu xây dựng lại hồi năm 1957, miếu to như chùa, gồm chín cửa, chính giữa là Bửu Ðiện theo kiến trúc kiểu Tàu. Mỗi năm đến ngày Tết Nguyên Đán, chùa này ấn hành lịch gọi là lịch Tam Tông Miếu. Trên tờ giấy lịch có ngày ta, ngay tây, tử vi, sao giải hạn, buôn bán, giờ tốt, giờ xấu, xuất hành... Thực ra nơi đây không phải là ngôi chùa mà là cơ sở tín ngưỡng của Minh Lý đạo.
Đặc điểm của tôn giáo này là đạo được thành lập do những vị trí thức, công chức (thời Pháp), chủ trương Tam giáo đồng nguyên (Phật - Nho - Lão). Kinh sách hoàn toàn dùng tiếng Việt, các lời dạy của Đạo được Ơn trên (các đấng thiêng liêng) ban cho bằng cách giáng cơ (cơ bút, cầu cơ). Đạo không thờ thánh tượng hoặc hình ảnh mà chỉ thờ bài vị. Y phục của tín đồ: nam mặc áo dài đen, quần trắng, khăn đóng đen; nữ mặc áo dài đen, quần đen.
Trước chùa trên đường Cao Thắng có cái mả vôi to, tương truyền là mả của Huỳnh Công Lý là cha vợ của vua Minh Mạng bị tả quân Lê Văn Duyệt trảm,
Chùa Kỳ Viên (Phật Giáo nguyên thủy - Tiểu Thừa) tọa lạc ở góc đường Bàn Cờ và đường Phan Đình Phùng. Năm 1953, một trận hỏa hoạn thiêu hủy gần hết xóm Bàn Cờ và chùa Kỳ Viên bị lửa táp cháy xén một góc nhà bếp.
Góc đường Cao Thắng và Phan Đình Phùng có nhiều tiệm bán sách cũ của hoa kiều mà chúng tôi tới buổi tối mua sách là những kỷ niệm khó quên.
Ngày tôi lên 6, tôi đi học ở trường tư thục Lê Bá Cang ở góc đường Cao Thắng và Phan Đình Phùng. Khi đi học trên đường Cao Thắng, chị tôi đi trước với chị bạn chuyện trò huyên thuyên, tôi đi sau chọc chó trong mấy biệt thự sủa ầm lên rồi cả lũ chạy bở hơi tai.
Học trường tư thì có phí tổn cho nên ba tôi xin cho tôi vào học lớp 3 trường Bàn Cờ bên xóm bên kia đường Phan Đình Phùng. Thầy tôi là ông Hóa dữ đòn.
Ba tôi dẫn tôi đi chúc tết thầy Hóa theo phong tục xưa, ba tôi biếu thầy dưa hấu, tôi không vào nhà mà đứng ngoải cửa lẩm bẩm: Hóa điên vì thầy ta cho tôi ăn đòn đau.
Ba tôi xin cho tôi về học lớp nhì ở trường Bàn Cờ trong xóm Lao động gần nhà. Trường tiểu học Bàn Cờ ở gần bót cảnh sát. Trường được thành lập từ năm 1946, ban đầu trường được xây dựng với mái tranh, vách ván, một cách đơn sơ, tạm bợ trên một bãi đất hoang và mang tên Trường Bàn Cờ II. Đến 1950, để đáp ứng nhu cầu học sinh trong vùng ngày càng tăng, Trường Bàn Cờ II được xây mới với tường gạch lợp ngói, số phòng học tăng lên, trông trường có tầng lầu giống như kiểu kiến trúc của Pháp, có sân chơi ở giữa có cái nhà bồn kèn.
Đến năm 2012, Trường một lần nữa được nâng cấp thành trường THCS (Trung học cơ sở) đào tạo đến bằng trung học đệ nhất cấp.
Tôi học lớp nhất trường Bàn Cờ, thấy tôi là con nhà nghèo học giỏi, cô giáo đề nghị cho đi Cấp cuối năm với các bạn trong lớp, đây là lần đầu tiên tôi được đi ra khỏi thành phố Saigon, trước đó, tôi có mượn thẻ xe buýt của ba tôi đi dạo một vòng đến Bình Đông 3 và ngồi luôn trên xe quay về nhà là hạnh phúc lắm rồi.
Xe đò chở chúng tôi ra Cấp ngừng ở Long Thành, mãi hôm sau mới đến Cấp, chao ôi lần đầu tiên tôi thấy biển sao mà bao la thế. Mấy tên bạn cũng vậy chạy giỡn nô đùa thoả thích. Cái kỷ niệm này tôi nhớ mãi.
Năm 1954, khi đất nước chia đôi Nam Bắc, có phong trào di cư, người Bắc bỏ nhà cửa chạy vào nam tránh chế độ cộng sản, thì dân số Saigon tăng trưởng nhanh chóng, chính phủ có kế hoạch đô thị hoá và đường G. Lizé đổi tên là Phan Thanh Giản, nhà cửa cất lên san sát. Chợ Nguyễn Thiện Thuật được dựng lên trên hẻm cùng tên. Ngày nay chợ này và chợ Bàn Cờ có tiếng là chợ bán đồ si (sida, đồ cũ).
Từ xóm cổng Lao Động có con đường không đất đỏ hình chữ V đi thông ra đường Richaud nối dài sau là đường Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu Q3. Đi về phía bắc, gần đường xe lửa đi Hòa Hưng có chợ Vườn Chuối.
Chợ Vườn Chuối là một trong những khu chợ đông đúc và tấp nập, nằm bên cạnh đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thượng Hiền thuộc xóm Vườn Chuối. Ngày xưa xóm này nằm trong khu tập trận. Người dân không ai dám khai khẩn làm gì, chỉ trồng chuối thành vườn rồi từ đó truyền tai nhau gọi tên là xóm Vườn Chuối. Năm 1955, chính quyền Saigon dùng chính tên mà người dân hay gọi để đặt cho chợ và con đường Vườn Chuối ngày nay. Chạy dọc bên cạnh chợ là con đường Vườn Chuối, dài khoảng hơn 400 mét nhỏ nhưng đi được hai chiều. Từ xưa đến nay, con đường này có nhiều nhà may, tiệm quần áo cũ, áo cưới, quán ăn,... nằm san sát nhau. Trước đây, thì khu Vườn Chuối này toàn là nhà lá, nhưng sau bị cháy, nghi là có người đốt. Rồi từ vụ cháy đó, chính quyền mới lấy đất, phân lô bán lại cho dân lao động hoặc cấp cho những người cán bộ để cất nhà, lúc trước còn có những trang trại nuôi ngựa rất lớn. Cho đến những năm 1954 - 1955 thì trở thành khu dân cư đông đúc, náo nhiệt. Trong khu vực chợ Vườn Chuối có một cây bồ đề nằm chễm chệ ở góc chợ. Không ai biết cây này mọc đã bao lâu hay từ khi nào. Chỉ hay rằng người dân thấy cây lâu năm, linh thiêng nên lập bàn thờ dưới gốc cây, rồi mỗi ngày mọi người ra xung quanh nhang khói, hương đèn như một nơi cầu bình an cho gia đình.
Ngày nay những ngôi nhà lá đã biến mất, với sự phát triển của đô thị thì nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên. Đan xen vào đó chỉ còn một vài ngôi nhà cũ kĩ, ọp ẹp đã có từ rất lâu. Chợ Vườn Chuối còn được nhắc đến như một thiên đường ẩm thực mời gọi các tín đồ đam mê ăn uống ghé lại. Từ các món ăn vặt, ăn chơi đến các món ăn mang đặc trưng vùng miền, món nào cũng hấp dẫn và thu hút thực khách. Thú vị nhất có thể kể tới nhiều loại bún ở khắp các vùng miền khác nhau như: bún bò Huế, bún đậu mắm tôm, bún mọc... Trước mặt chợ, ngày xưa có tiệm tạp hóa Tài Lợi mà tôi hay đi mua đồ lặt vặt.
Về phía đường Cao Thắng có tiệm sách Trung Thành chuyên cho thuê chuyện sách cũ. Tôi không có nhiều phương tiện giải trí, nên mải mê thuê chuyện Tàu ở nhà sách nầy và một tiệm khác trong xóm Lao động, giá là 2 đồng 1 tuần. Tôi rành sử Tàu và đọc hết các tiểu thuyết cổ điển như Phong Thần, Tam Quốc, Đông Chu Liệt Quốc, Tiết Nhơn Quý, Tiết Đinh San, Càn Long Du Giang Nam...
Từ đường Cao Thắng đi về ngã bẩy có ngã ba Vườn Lài nằm giữa ngã bảy Saigon (đường Lý Thái Tổ) và ngã sáu Chợ Lớn (đường Nguyễn Tri Phương), bao gồm các đường chính là Minh Mạng (nay là đường Ngô Gia Tự), Vĩnh Viễn, Sư Vạn Hạnh thuộc quận 10 ngày nay. Trước đây, Ngã ba Vườn Lài là một vùng hoang vắng trên cánh đồng tập trận thời nhà Nguyễn. Đến năm 1950, Vườn Lài có xóm đĩ như ngã ba Chú Ía và trở thành xóm sầm uất, dân cư đông đúc, nhà cửa chen chúc với những đường ngang ngõ tắt. Vườn Lài là một trong những khu lao động của thành phố làm cơ sở cho cách mạng, nuôi dưỡng cán bộ, che giấu thanh niên trốn lính dưới chế độ cũ.
Giáo xứ Bàn Cờ bắt đầu có tên từ năm 1952, đầu tiên có một linh mục mua một căn nhà để làm nhà nguyện tại một con hẻm nhỏ trong Bàn Cờ. Năm 1954 số người Công giáo trong xóm tăng lên nhanh chóng và dựng ra họ đạo Bàn Cờ, đằng sau khu tôi ở bây giờ có tường xây bằng xi măng, người Bắc di cư cất nhà có 1 tầng.
Sau khi đậu bằng tiểu học năm 1956, tôi thi rớt vào lớp đệ thất trường Pétrus Ký. Ba tôi ghi tên cho tôi học lớp đệ thất ở trường tư thục Kiến Thiết, sau đó tôi vào trường Kỹ thuật Cao Thắng và vẫn ở cái nhà này cho đến năm 1964 thì đi Pháp học.
Tôi về lại Saigon lần đầu tiên năm 1993 với gia đình và có ghé qua thăm chốn xưa, thì đường Phan Thanh Giản đã đổi tên là đường Điện Biên Phủ, cư xá Lao Động trở thành Cư Xá Đô Thành. Cái nhà 389-391 có nhiều chái đằng trước do dân ngoài Bắc vào sau năm 1975 cất lên buôn bán nhỏ để kiếm thêm sinh kế. Nhà ông bà kiểm trở thành văn phòng AC. Bên kia đường có vô số cửa hiệu. Nhà ảnh Mạnh Đan và nhà ông họa đồ vẫn còn. Xe mì chú Cao vẫn ở ngoài đường trước ngõ hẻm xưa. Chú đã mất xong gia đình còn ở nhà cũ trong hẻm mặc cho nhà chức trách làm khó dễ. Hàng xóm xưa lại chào chúng tôi ở Pháp về. Rạp Đại Đồng vẫn chiếu phim cũ như xưa.
Các đường hẻm xưa trong xóm biến thành đường trải nhựa, có tên là đường số 1, 2, 3, 4 và có nhiều nhà có 3, 4 tầng lầu. Sau này văn phòng AC trở thành quán cà phê sang trọng, còn cái nhà tôi ở biến thành nhà ngân hàng ACB, rạp Đại Đồng chỉnh trang lại theo thời mới. Trường tiểu học Bàn Cờ xưa cũng nhường chỗ cho hai toà nhà mới, bịnh viện bình dân thành ra một bịnh viện tân thời... Những Người Muôn Năm ᴄũ, Hồn Ở Đâu Bây Giờ ?
Năm 2018, Cư Xá Đô Thành là khu vực dân cư sang trọng bậc nhất quận 3, tập trung nhiều văn phòng, công ty, căn hộ dịch vụ cao cấp chọn làm trụ sở. Trong khu dân cư và bán kính xung quanh khu vực 300m có đầy đủ tiện ích của cuộc sống như: trường học các cấp, trung tâm ngoại ngữ, bệnh viện Bình Dân, chợ Vườn Chuối, siêu thị Aeon Mall, sân khấu kịch Saigon.
Năm 2019 tạp chí Time Out mô tả đây là một khu phố nhộn nhịp nhưng ít bị xáo trộn, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử bên cạnh sự phát triển chóng mặt của đô thị. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội ghé thăm các nhà thờ, biệt thự thời thuộc địa hay các ngôi chùa cổ và một số quầy hàng bán ẩm thực đường phố nổi tiếng.
(15-12-2021)