TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Tuesday 2 October 2012

*** CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT




CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

Nhân duyên khởi có vị Phật Tử trẻ gửi Email từ Hà Nội đến VP.PHTQ.CANADA, xin học hỏi cách áp dụng đạo lý nhà Phật, để hiểu rõ thêm những vấn đề trong đời sống, có liên quan đến giáo lý, nhất là những chuyện mê tín dị đoan đang tràn ngập tại Việt Nam nói chung, miền Bắc nói riêng, thêm nữa tràn ngập hầu hết các chùa tại hải ngoại, với sự bao che, sáng tác, vẽ vời, của các cấp lãnh đạo cao cấp của các giáo hội.  

Mong rằng bài viết này đem lại một chút ánh sáng soi rọi lương tâm của quí vị cao cấp đang cầm quyền lãnh đạo các giáo hội, nhất là các vị trưởng lão sống lâu lên lão làng, đang mãi mê xây dựng chùa to, lo cho tượng lớn, mà quên đi Phật Tâm Phật Tánh, quên đi công đức hoằng pháp lợi sanh, nên chấm dứt các chương trình văn nghệ gây quỹ, các chương trình hành hương thương mại, các khóa tu học Phật Pháp trình diễn hình thức, không có nội dung thực chất, các lễ hiệp kỵ phe phái phe nhóm, gây chia rẽ trong tăng đoàn, gây bất an bất ổn xáo trộn ngay trong các cấp lãnh đạo Phật giáo, các hội đồng điều hành lưu nhiệm muôn năm muôn năm - bao che các thành phần bất hảo bất xứng.

Trong chùa không có giảng sư, không có giáo thọ, không có các khóa tu học, chỉ có ca sĩ này, nghệ sĩ kia, buổi trình diễn văn nghệ nọ. Các giảng đường trở thành sân khấu ca nhạc, phục vụ bá tánh ham vui.

Nhà sư trở thành ca sĩ, trở thành bầu sô (show), ở Toronto, nhào vô hốt bạc cung cấp cho các thế lực đen đỏ sau các bức tượng, trong các bức tường. Phật tử vô minh chẳng hiểu nhiều, cứ cúng dường cho có phước! Thêm nữa, các hành vi chụp mũ vu khống, các nhà sư đội lốt người đời côn đồ, đội lốt đàn bà nữ lưu, các cư sĩ hết thời giấu mặt đặt tên, lên các diễn đàn tấn công phe phái, tấn công tôn giáo (giáo lý, giáo phẩm).


Chuyện đời hay chuyện đạo luôn luôn có hai mặt.
Có chùa bê bối, cũng có chùa chuyên tu, các vị chân tu thực học chí tâm lo cho tiền đồ đạo pháp và dân tộc.
Mong thay! Thực mong vậy thay!  Mong thay! Thực mong vậy thay!    Mong thay! Thực mong vậy thay!  

VP.PHTQ.CANADA





----- Forwarded Message -----
From: Pham Thi Le Hang <LeHangHN@yahoo.com>
To: "cutranlacdao@yahoo.com" <cutranlacdao@yahoo.com>
Sent: Tuesday, October 2, 2012 4:01:04 AM
Subject: Kính Thầy

Con không thấy hồi âm của Thầy, chắc Thầy bận việc?
Con đã đọc vài bài viết trên trang nhà Phật của Thầy rồi ạ.
Con muốn được nhìn thấy kiếp trước của con thì phải làm thế nào? và làm thế nào để được nhìn thấy nhiều điều hơn nữa mà  mắt thường không thể nhìn thấy được ạ?
Vì con có quen 1 Phât tử ở Từ Liêm còn trẻ mà đã làm được điều ấy qua áp dụng pháp môn Mật Tông, con đang đọc đến bài của Thầy là Mật Tạng Phật Giáo Việt Nam, con muốn được như vậy thì phải làm như thế nào ạ?
Cái bàn phím của con hay nhảy chữ quá, mặc dù con muốn viết thư dài cho Thầy, con đành ghi vài lời đến Thầy. Kính mong Thầy chỉ giúp cho con để con có thể chữa bệnh, hay chữa tâm linh cho Mẹ con và con gái của con ạ!
Mong hồi âm của Thầy!

Con, Lệ Hằng, pháp danh Phương Hòa (Hà Nội)


TUE.2.10.2012
Mô Phật
Kính ĐH Lệ Hằng,

Thầy rất bận việc, dĩ nhiên, nhưng Thầy không quên hồi âm cho Lệ Hằng đâu.
Giáo lý đạo Phật giúp con người tu tập để giảm bớt phiền não khổ đau trong cuộc đời.
Chẳng hạn như Đức Phật dạy: bớt lòng tham, bớt ham muốn vật chất,
thì đời bớt khổ, bởi vì bớt bon chen, không giành giật.

Đức Phật dạy: bớt lòng sân hận, bớt hờn dỗi khi gặp sự bất trắc, không được sự như ý,
hay khi không gặp người dễ thương, hoặc gặp rồi nhưng thương không dễ,
thì con người sẽ ăn ngon và ngủ yên, và đời sẽ bớt khổ.
Đức Phật dạy: bớt lòng si mê, đừng tin những chuyện huyễn hoặc, huyền bí, linh thiêng nào cả,
cũng đừng mong cầu thấy phép lạ, được phép lạ.

Tại sao?
- Bởi vì đức Phật, đức Chúa hay bất cứ vị giáo chủ nào cũng chết.
Có vị nào sống đến ngày nay hay sống vĩnh viễn đâu?
Các vị giáo chủ hiện đời cũng sợ chết như ai, cũng bị lôi cổ té trong thánh đường lúc đang ban phép,
ra ngoài công chúng cũng phải đi xe chống đạn.

Những chuyện phép lạ, hiển linh, huyền bí, thấy kiếp trước, biết kiếp sau,
tiên đoán năm này năm kia tận thế, niệm A Di Đà Phật để cứu trái đất khỏi tan nát,
A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật mới linh thiêng,
chữa người chết sống lại,
rờ mắt người mù thành người mắt sáng,
rờ chân người bại liệt thành lực sĩ chạy đua,
rờ miệng người câm thành người chửi lộn số một,
biến nước lã thành rượu ngọt, biến khúc cây thành bánh mì ngon,
hình chụp thánh giá hiện ra trên sông biển, hình Phật bà hiện ra trên mây,
hình đức Mẹ hiện trên vách tường tiệm cà phê ế khách,
bức tranh thánh chảy máu mắt, chảy máu dầu olive,
tượng đức Mẹ hay tượng Phật bà biết khóc,
ánh sáng mạnđàla hay hoa mạnthùsa, hiện trên nóc chùa, trên tượng Phật ngọc 4 triệu đô la, 
các sư la hoảng kiếm thêm tiền,
hoa vô ưu nở trên tượng Phật đá, trên chuông đồng, trên khúc gỗ, trên cửa sổ,
hóa thân Phật Quán Âm hay Phật Di Đà chỉ tái sanh ở Tây Tạng, Bồ Tát Văn Thù hay Bồ Tát Phổ Hiền chỉ hiện ra bên Trung Hoa, hành hương qua Ấn độ mới gặp Phật đá, mới tu đắc quả, mới thành Phật tượng. 
Các mánh lới quảng cáo du lịch qua tôn giáo như vậy thiệt là hiệu quả vô cùng. 

- Tại sao?

- Bởi vì toàn là những chuyện mê tín, huyễn hoặc, tào lao quá mức,
do các vị tu sĩ chức sắc, thuộc giáo phẩm cao cấp,
hay hàng lãnh đạo các giáo hội tôn giáo phịa ra, vì lợi danh, với mục đích lôi kéo tín đồ,
gạt gẫm những người nhẹ dạ, những người còn sống trong vô minh (tham sân si),
những người còn ham cầu nguyện cho mình, cho gia đình mình, cho đạo mình,
ham vãng sanh cực lạc chỉ cần niệm Phật mười tiếng, chẳng cần biết đức Phật dạy những gì,
chẳng cần học kinh điển, cho là xen tạp mất linh nghiệm, mà thôi. Than ôi!

Tuy nhiên, đạo Phật có dạy điều tối thượng mà các tôn giáo khác không có chỉ dạy.
ĐH. Lệ Hằng có muốn biết chăng? - Đạo Phật có dạy rằng:

1. Con người có 2 phần (ngũ uẩn):

Ngoài xác thân tứ đại phàm tục (sắc), còn có phần tâm linh (thọ, tưởng, hành, thức).
Phần xác thân (tứ đại) khi hết phước (tận số) thì chết đi, đem chôn, hay thiêu - không ai đem xác thối lên trời!
Con người không cần bận tâm đến cái xác chết, của mình hay của thân nhân, không nên phiền não với mấy cái hủ tro từ nhà quàn - chưa chắc là tro thiệt từ thân xác của thân nhân quá vãng. Quan trọng mấy cái vật chất đó, chỉ làm khổ người thân còn sống, phải đem xác chôn chỗ này, đem tro rãi chỗ kia. Đó chảng qua do tập quán, tín ngưỡng lâu đời của thế gian, và cũng chính do bản ngã (EGO) của của con người, làm khổ con người mà thôi. Cho nên, đạo Phật chủ trương “Vô Ngã, Vị Tha”. Thầy sẽ giải thích thêm khi đủ thiện duyên qua đề tài: Ngũ Táng (Địa táng, Điểu Táng, Hỏa Táng, Thủy Táng, và Thạch Táng). Tốt nhất là hiến xác cho khoa học sau khi chết, hợp tình hợp lý, hợp tâm nguyện vô ngã vị tha, có lợi ích đôi phần. Người chết thực hành hạnh bố thí (nội tài). Người sống hưởng thành quả khoa học, thuốc men, giải phẩu qua ngành y dược. Đừng nghe mấy vị sư Tàu (tào lao) tuyên truyền tâm ích kỷ rằng, hiến xác thì không được vãng sanh? Kinh điển nào dạy như vậy, ngoài mấy vị sư tào lao hiện nay?

2. Tâm Linh lại có 2 phần: thật và giả.

2.1. Phần tâm giả là tâm tham lam, giận dữ, ngu si, mà con người thường sống hàng ngày.
Phần tâm giả này khi có khi không, khi sanh khi diệt, khi khởi lên khi biến mất. Cho nên con người thay đổi tâm tính thường xuyên (vô thường) khi đắc thế khi thất bại (lợi/suy), khi thương khi ghét, khi thích khi chê, khi tán dương khi chửi bới (xưng/ cơ hay hủy/ dự), khi vui khi buồn (khổ/lạc).
Phần tâm giả (vọng tâm) này lẫy lừng, mạnh mẽ vô cùng, chính là động cơ (nghiệp lực) dẫn dắt con người sống đời khổ đau, luân hồi kiếp này đến kiếp sau, và muôn kiếp sau nữa.
           
2.2. Bởi thế cho nên, cốt tủy của đạo Phật là phải tìm cho ra (giác ngộ) phần tâm thật (chân tâm).
Những hình thức cúng kiến, cầu an cầu siêu, các nghi lễ rườm rà trai đàn bạt độ, trong khắp các chùa, chỉ là hình thức của một tôn giáo để mọi người tìm đến, cần thiết nhưng không thật, giả đó.

Nhà sư có chắc chắn bản thân chết có siêu hay chăng, mà có thể cầu siêu độ cho ông bà bảy kiếp của bá tánh? Chuyện tào lao! Kinh điển nào dạy thế? Gạt gẫm người nhẹ dạ! Dễ thu lượm tiền bạc tín đồ.
Tham dự xong rồi, con người thông minh phải phát tâm học đạo như ĐH Lệ Hằng hiện nay.

Khi tâm con người không còn vọng động, không còn lăng xăng lộn xộn, không còn mong điều này,
không còn muốn điều kia, thì chân tâm (tâm thật) hiển lộ
Khi chân tâm hiển lộ, đời sống con người bớt phiền não khổ đau.

Cũng ví như mặt biển sóng to khi có gió lớn (tâm con người giận dữ khi gặp chuyện bất như ý)
nhưng khi hết sóng to gió lớn, thì mặt biển trở nên thanh bình, phẳng lặng,
có thể trông xa, thấy rộng bốn phương, đến tận chân trời góc biển.

Các tôn tượng của chư Phật đều có con mắt thứ ba, nằm giữa 2 con mắt thường, thường tượng trưng bằng chấm đỏ, hay viên ngọc quí. Con mắt thứ ba này gọi là con mắt thông minh trí tuệ (tuệ nhãn). Tuệ nhãn chỉ có được khi tâm con người không còn vọng động, không còn những chuyện tham sân si, không còn loạn động với cảnh trần hàng ngày, duy nhất, tâm chỉ còn trạng thái phẳng lặng, tịch tịnh, gọi là nhất tâm bất động, hay nhất tâm bất loạn.

Tùy theo tâm con người dẹp được, bớt được bao nhiêu tham sân si vọng tâm, thì trí sáng chân tâm (hay tuệ nhãn) hiển lộ bấy nhiêu. Ví như mây đen (vọng tâm, phiền não) tan biến bao nhiêu, thì mặt trời (tuệ nhãn hay chân tâm) hiển lộ ánh sáng bấy nhiêu. Tất cả đều do công phu tu tập của mỗi cá nhân, theo từng thời gian ngắn hay dài, mau hay lâu.

Cho đến khi vọng tâm hoàn toàn biến mất, chân tâm hoàn toàn hiển lộ, thì con người hoàn toàn giác ngộ và giải thoát, không còn sanh tử luân hồi, gọi là đắc đạo. Đây chính là cốt tủy của đạo Phật.

Muốn thành công, đạt được mục tiêu nầy (đáo bỉ ngạn) con người phải nổ lực hàng ngày, không phải dễ dàng trong vài tháng, hay vài năm, nhưng cũng không phải không ai đạt được đâu. Trong lịch sử các nước, nhiều vị chân tu thực học đạt được cảnh giới này, không phân biệt tại gia hay xuất gia, không cần phải tu ở trong chùa, không cần phải là đệ tử của vị nầy hay của môn phái nọ.

Nhưng các vị không ai nói ra, các vị chỉ tu hành và dẫn dắt người hữu duyên tu hành. Người nào nói rằng họ đạt được như vậy, như vậy, nhờ pháp này hay pháp kia, toàn là những người muốn tự tôn làm lãnh tụ, muốn tự đánh bóng để được tôn sùng, gạt gẫm mọi người, không ngoài mục đích danh và lợi mà thôi.
Những chuyện vu vơ khác, xin miễn bàn để khỏi bị loạn tâm trong thế giới đảo điên xưa nay.

Thầy mong rằng những điều giải thích trên đây giúp cho ĐH Lệ Hằng hiểu được chánh pháp và Thầy mong ĐH Lệ Hằng đọc phần sau đây về ý nghĩa của sự cầu nguyện, rất bổ ích, để suy nghiệm thêm.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật.
Kính thư,
VP.PHTQ.CANADA



Ý NGHĨA LỄ CẦU NGUYỆN  

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

Trong các buổi lễ, Chư Tôn Đức cầu nguyện gì?
Trong các buổi lễ, Chư Phật Tử cầu nguyện gì?

Nghi lễ có tác dụng rất lớn đối với các tôn giáo. Phật giáo dù không coi trọng, nhưng nghi lễ vẫn chi phối phần lớn các sinh hoạt Phật sự, đôi khi còn là hoạt động chính của một ngôi chùa, để đáp ứng nhu cầu của quần chúng và nhu cầu hoằng pháp.

Đối với cá nhân, khi lâm vào hoàn cảnh bức bách, khổ đau, bất trắc, bất như ý, con người thường cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, tìm sự bình yên trong tâm hồn qua cầu nguyện.

Lời cầu nguyện này chỉ giúp tâm trí được bình yên tạm thời. Nếu con người có học hiểu giáo lý của đạo Phật, thâm hiểu luật nhân quả, biết rằng: mọi chuyện gì xảy đến cho mình, đều do chính mình đã tạo nghiệp nhân trước đây, giờ phải nhận nghiệp quả, nghiệp báo (gọi chung là quả báo).

Việc may mắn đến, mình biết ngay rằng: đó là phước báo, do việc thiện lành chính mình đã làm.
Việc không may xảy đến, mình biết ngay rằng: đó là quả báo, do việc bất thiện chính mình đã làm.

Theo chánh pháp, nên biết rằng: chỉ có phước báo mới làm giảm bớt hay tiêu trừ quả báo mà thôi!

Cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, mà không tu nhân tích phước, không tu tâm dưỡng tánh, không dừng các nghiệp bất thiện, phỏng có được gì ?

Thí dụ chúng ta lỡ mượn nợ tiêu xài rồi (tạo nghiệp), bây giờ phải đền trả (gặp xui xẻo), chỉ có cách lấy tiền tiết kiệm (phước báo). Không có tiền tiết kiệm thì phải cầu nguyện trúng số để trả nợ chăng ?!
Người có phước báo nhiều, dù gặp tai nạn lớn lao như rớt máy bay, động đất, vẫn sống sót, gọi là số may mắn quá. Người có phước báo ít hơn, phải chịu thương tích hay xây xát chút đỉnh, gọi là còn hên quá. Người không có phước báo thì lãnh đủ quả báo.

Thời đức Phật còn tại thế, khi chư vị thánh tăng phải đền trả các nghiệp báo cuối cùng, đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, như sau:

Dù lánh lên non núi,
xuống biển hay vào hang
khi nghiệp báo đã mang
không ai tránh thoát khỏi.

Theo quan niệm Phật giáo, cầu nguyện không phải van xin đức Phật, Bồ tát, thần thánh, hay năng lực linh thiêng huyền bí nào cả.

Cầu nguyện là tập trung tâm trí, nhất tâm chuyển đổi vọng niệm mê lầm, xấu ác trở nên thanh tịnh. 
Cầu nguyện là một cách định tâm, định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người.
Cầu nguyện vì thế chính là phương pháp quán chiếu, nhìn lại con người thật của mình, quan sát tâm tình, trừ khử tà kiến mê tín,  khát vọng phàm tình, ích kỷ nhỏ nhen, ỷ lại yếu đuối. 

Nếu hiểu chính xác ý nghĩa cầu nguyện thì cầu nguyện là một phương pháp tu tập, có giá trị tương đương với phương pháp thiền định, quán chiếu tự tâm.

- Cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc là lời cầu nguyện vị tha, đúng chánh pháp, trưởng dưỡng từ bi & trí tuệ.
- Cầu nguyện cho mình, gia đình mình, đoàn thể mình, tôn giáo mình là lời cầu nguyện vị kỷ, phi chánh pháp, không từ bi & trí tuệ.

- Nếu ai cầu cũng được như ý, thế giới sẽ loạn, nhân sanh đảo điên. Không làm việc cầu giàu có. Không tu hành cầu vãng sanh. Không học hành cầu đỗ đạt. Các bên thù nghịch cầu nguyện đối phương biến mất. Trái đất chỉ còn thú vật, đất đá, cây cỏ! Thảm họa của sự cầu nguyện phi chánh pháp là như vậy đó!

- Trong chiến tranh thế giới 1 và 2, hai phe lâm chiến đều làm lễ cầu nguyện long trọng, xin Thượng đế giúp phe mình chiến thắng đối phương. Thượng đế bèn nghe theo lời cầu nguyện này, nên hai phe đều tả tơi thê thảm. Đó là thảm họa của sự cầu nguyện phi chánh pháp!

- Đạo Phật trải qua nhiều năm tháng truyền bá xuyên qua nhiều quốc độ, nên mang cái vỏ mê tín của tôn giáo, và lập ra nhiều nghi thức, lễ hội, để tiếp cận với quảng đại quần chúng đang sống trong vô minh. Giáo lý đạo Phật rất siêu việt, nhiệm mầu khi áp dụng trong đời sống, không buộc ai phải thờ lạy, cúng kiến đức Phật với tâm cầu khẩn van xin, vòi vĩnh như đứa bé thơ.
Trái lại, đức Phật dạy: Tôn thờ Như Lai mà không hiểu Như Lai, chính là phỉ báng Như Lai vậy.

- Ngày nay, người theo đạo Phật, tu sĩ cũng như cư sĩ, nhân danh phát huy tín tâm của Phật tử, bày ra đủ thứ nghi lễ rườm rà, phức tạp, tạo vẻ linh thiêng huyền bí, giải thích hiện tượng thiên nhiên phi chánh pháp, đem kinh sách chữ nghĩa hù dọa những người ít hiểu biết, không thuyết giảng chánh pháp, lại tuyên truyền tà pháp. Chẳng hạn như: người ngồi xe lăn, chỉ nhờ tín tâm với tượng Phật ngọc mà phục hồi, đi đứng bình thường!

- Tóm lại, người Phật tử dù tại gia hay xuất gia, có chút phước báu, có chút trí tuệ, ngoài tín tâm ban đầu qua các hình thức lễ hội, sinh hoạt Phật giáo, nên phát tâm tìm hiểu cốt tủy của lời Phật dạy, hướng tín tâm đến chỗ chánh tín. Không nên tiếp tục để các tà sư - mang hình tướng xuất gia hay tại gia - hướng dẫn tín tâm ban đầu đến chỗ mê tín.

Từ mê tín đến cuồng tín, chỉ cách một sợi tơ !
Mong lắm thay ! ! !
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Chủ Nhiệm PHTQ.CANADA



Xin liên lạc VP.PHTQ.CANADA qua Email: cutranlacdao@yahoo.com

Kính mời viếng thăm:




Chào buổi sáng

Chào buổi sáng nghe lòng thơm giấy trắng
Sáng hừng đông chợt êm ả không ngờ
Chào buổi sáng lắng nghe chim ca hót
Tâm nhẹ nhàng tâm lắng đọng êm êm

Chào buổi sáng bình minh mây hồng ảo
Cánh hoa hồng sương lấp lánh kim cương
Chào buổi sáng bắt đầu không hấp tấp              
Vô thường ư, sáng nay đẹp, rất thường

Như Nguyệt


Một nụ cười

Tôi ngồi , tôi đứng ở một góc phòng
Ngắm nhìn những người đến viếng
Những khuôn mặt dàu dàu, đau khổ
Những khuôn mặt… đưa đám ma
Họ có lý do, họ đang đi thăm người chết!

Nhưng cũng có những lúc
Đứng ở một góc phố
Ngắm những người đi qua đi lại
Những người xa lạ. Đàn ông, đàn bà
Tôi  vẫn thấy những gương mặt đầy bi lụy
Những gương mặt cau có, nhăn nhó, khó đăm đăm
Những khuôn mặt khổ sở, phiền não, lo lắng, ưu tư

Vẫn biết cuộc đời đầy khổ đau, tuyệt vọng
                               Nhưng bạn ơi bạn có biết                                   
Phần đông chúng ta tự tạo lấy địa ngục của chính mình?
Hãy vui lên đi bạn

Thiên đường đang ở rất gần và chung quanh
Xin hãy tặng cho chính bạn
và  những người chung quanh

một nụ cười

Bạn sẽ thấy cuộc đời chuyển đổi
rất dễ thương
và rất đẹp

Mỗi sáng khi thức dậy
nhìn vào gương
Bạn hãy chào bình minh và cười thật tươi một cái
Bạn sẽ thấy
Bạn có một ngày
Thật tuyệt vời!
Hạnh phúc!

Quách Như Nguyệt



NGUỒN GỐC CỦA SỰ MÊ TÍN
LÀM SAO TÌM THẤY PHẬT
KHOA HỌC VÀ KIẾN THỨC TRONG PHẬT GIÁO
ĐẠO PHẬT VÀ SỰ KHỔ ĐAU TRONG CUỘC SỐNG
TAM TUỆ HỌC VÀ TAM VÔ LẬU HỌC