TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Monday 17 March 2014

*** LƯƠNG TÂM VÀ PHẬT TÂM (CƯ TRẦN LẠC ĐẠO TẬP 2)

Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
Lương tâm và Phật tâm
TK THÍCH CHÂN TUỆ 
Trên thế gian này, từ cổ chí kim, có nhiều tôn giáo, xuất hiện tồn tại, cho đến ngày nay. Có nhiều tôn giáo, giáo phái tín ngưỡng, thành lập sinh hoạt, chỉ một thời gian, rồi tự biến mất. Theo luật đào thải, cái gì xấu dở, không được tiện dụng, không lợi ích gì, không ai chịu dùng, không ai nghe theo, sẽ không tồn tại. Nhờ trí sáng suốt, chúng ta có thể, phân biệt rõ ràng, tà giáo chánh giáo.
 
Tà giáo là những, giáo phái tín ngưỡng, không đem lợi ích, đến cho con người, không đem bình yên, ở trong tâm trí, chỉ đem lợi lộc, cho một thiểu số, giai cấp lãnh đạo. 
Tà giáo chủ trương, không cần trí tuệ, chỉ cần đức tin, làm cho con người, ngày càng u mê, ngu ngơ tăm tối, nhắm mắt tin càng, bất cứ những gì, vị giáo chủ nói, bất cứ những gì, giáo hội phán ra, không được suy nghĩ, phân biệt đúng sai, thường được gọi là: những người cuồng tín. 
Tà giáo thường hay, xúi giục tín đồ, hy sinh tài sản, của cải vật chất, kể cả sanh mạng, bất cứ giá nào, để được phong thánh, được lên thiên đàng. 
Tà giáo có mặt, ở các xứ nghèo, lạc hậu chậm tiến, dân trí thấp kém, và còn xuất hiện, ở xứ văn minh, vật chất cực thịnh, chẳng hạn như là: xứ Canada, Hoa Kỳ Anh Pháp, Ðức Ý Nhật Bản. 
Tà giáo phát triển, phạm vi giới hạn, không gian thời gian, không thể phát triển, trên khắp toàn cầu, nếu không xử dụng, chiến tranh xâm lược, thủ đoạn tinh thần, mê hoặc nhân tâm, linh thiêng huyền bí, cưỡng ép hôn nhân, chính trị kinh tế. Khoa học nhân loại, ngày càng phát triển, tà giáo lu mờ, niềm tin lung lay, tín đồ giảm sút, giáo chủ lo âu.
 
Chánh giáo là những, tôn giáo chân chánh, chỉ dạy pháp môn, phương pháp dẹp trừ, phiền não khổ đau, đem lại bình yên, trong tâm con người, đem lại an lạc, hạnh phúc hiện đời, giúp đỡ con người, giác ngộ giải thoát, khỏi vòng sanh tử, luân hồi nghiệp báo. 
Chánh giáo chủ trương, bất tùy phân biệt, không hề kỳ thị, phát triển đến đâu, hòa nhập đến đó, trong sự hòa bình, hòa hợp bình an, không gây chiến tranh, không gây mâu thuẫn, không chống trái nhau, như nước pha sữa, tuy hai mà một. 
Chánh giáo chủ trương, tự do tín ngưỡng, phát triển tâm linh, tự nguyện tự tín. Chánh giáo luôn luôn, đem lại cho người, những niềm an ủi, ngay trong đời sống, những niềm vui tươi, cho những tâm hồn, đang bị nhiệt não, vì các hệ lụy, của thế gian này. Khoa học nhân loại, ngày càng phát triển, chánh giáo sáng tỏ, chứng minh rõ ràng, niềm tin vững chắc, nhờ các phát minh, khoa học kỹ thuật. Dĩ nhiên tín đồ, ngày càng nhiều hơn, niềm tin vững hơn, có nhiều lợi ích, thực tế rõ ràng, ngay trong cuộc sống.

Người ta cho rằng: tất cả tôn giáo, đại cương giáo lý, thảy đều giống nhau, chẳng hạn như là: khuyên răn dạy dỗ, làm lành lánh dữ, cải ác tùng thiện, nhằm đạt mục tiêu, kiến tạo xã hội, an ninh trật tự, bình yên hạnh phúc. Nói chung, để đạt cứu cánh, hầu hết tôn giáo, đều dạy con người, sống với "Lương Tâm". Thế giới luôn luôn, đề cao phát triển, lương tâm con người, lương tâm nhân loại. Chúng ta hãy thử, tìm hiểu thử xem: 
Lương Tâm là gì? Người có lương tâm, khác với người đời, như thế nào? Còn trong giáo lý đạo Phật, từ ngữ "Phật Tâm" có ý nghĩa gì, có sự khác biệt nào không?
* * *
Trong phạm vi bài này, chúng ta tìm hiểu: "Lương tâm và Phật Tâm", theo quan điểm của đạo Phật mà thôi. Người trên thế gian tin Phật, thờ Phật, cúng Phật, lạy Phật, chưa hẳn là Phật Tử chân chánh, dù tại gia hay xuất gia.
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: "Tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai".
Tại sao vậy? Bởi vì, những người chỉ biết, tin tưởng Như Lai, tức là tin Phật, như là tin tưởng, một vị thần linh, hay là thượng đế, quyền năng tối thượng, ban phước những ai, cầu nguyện phụng thờ, lễ lạy tin theo, sẵn sàng giáng họa, những ai không tin, không chịu thờ lạy, những người như vậy, chỉ là những người, phỉ báng đạo Phật. Những người như vậy, chẳng hiểu biết gì, Chánh Pháp đạo Phật, dù họ ở chùa, hay ở tại gia, dù họ mang bất cứ hình tướng nào chăng nữa.
 
Chúng ta nên biết một cách rõ ràng, một cách tường tận và chắc chắn rằng: Ðức Phật không phải là thần linh, không bao giờ ban phước hay giáng họa cho bất cứ ai. Ðức Phật là con người đã giác ngộ và giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Ðức Phật chỉ dạy rành rẽ con đường tu tập, giảng giải đầy đủ các pháp môn hành trì, tùy theo căn cơ trình độ, hoàn cảnh và sở nguyện của mỗi người, dành cho bất cứ ai muốn đi đến chỗ giác ngộ và giải thoát, không phân biệt là Phật Tử hay không là Phật Tử, không phân biệt tại gia hay xuất gia. Nhưng muốn được giác ngộ và giải thoát, hay ít ra, muốn được an lạc và hạnh phúc hiện đời, con người phải làm sao, phải làm gì?
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
"Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.
Thắp lên với Chánh Pháp".
 
Phật độ hữu duyên nhơn. Ðức Phật chỉ có thể cứu độ những người hữu duyên, tức là những người chịu thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của mình, bằng cách mồi với ngọn đuốc Chánh Pháp, nhờ đó mới có thể phá tan màn vô minh, thấu rõ chân lý, biết pháp môn thực hành. Nói một cách khác, nếu những người nào, phát tâm bồ đề, cầu học Chánh Pháp, thực hành giáo lý, vào trong đời sống, hằng ngày hiện đời, mới có thể nếm, pháp vị vi diệu, cao siêu mầu nhiệm, mới có thể sống, an lạc hạnh phúc, mới có thể đạt, cứu kính đạo Phật, đó là: "giác ngộ và giải thoát". Cũng ví dụ như, một vị bác sĩ, chỉ có thể cứu, những người có bệnh, nhưng chịu chữa trị, chịu nghe lời khuyên, và chịu uống thuốc, mà thôi.
 
Toàn bộ giáo lý nhà Phật được ghi chép trong tam tạng kinh điển, gồm có: Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận. Ngày xưa, có một vị quan Tể Tướng đến tham vấn đạo, muốn được biết cốt tủy của đạo Phật, làm sao có thể tóm gọn được tam tạng giáo kinh điển nhà Phật. Một vị Thiền Sư bèn chỉ dạy bài kệ, trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, như sau:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo.
Nghĩa là:
Việc ác không làm
Làm các việc thiện

Giữ tâm thanh tịnh

Ðúng lời Phật dạy.
 
Vị quan đó nói: Như vậy dễ quá, con nít lên tám, cũng có thể biết. Thiền sư từ tốn: Con nít lên tám, có thể biết được, ông già tám mươi, suốt đời thực hành, cũng vẫn chưa xong! Thực vậy, biết suông nói suông, việc gì cũng dễ, nhưng thực hành được, một cách chu toàn, mới thực là khó.
* Hơn nữa, chúng ta nên biết rằng: Người nào thực hành được hai câu đầu của bài kệ, đó chính là người có lương tâm ở trên thế gian này. Còn người nào thực hành được đến câu thứ ba của bài kệ, đó chính là người sống được với Phật Tâm, còn được gọi là bản tâm thanh tịnh của con người. Ðó mới chính thực là cứu kính của đạo Phật.
 
Nói một cách đơn giản, lương tâm là tâm lương thiện, hiền lương, thiện lành. Theo sách vở thế gian, lương tâm có nghĩa là: nhận thức nội tâm theo lẽ phải, nhận thức đúng sai, phải trái, khả năng tự đánh giá hành vi của mình về phương diện lẽ sống và đạo đức. Lương tâm có nghĩa là tâm công minh, chính trực, sách vở gọi là: Công Tâm hay Trực Tâm. Người có lương tâm luôn luôn chỉ làm các việc thiện lành, lương thiện, ích lợi cho mình và cho người, với tất cả tấm lòng chân thật, hiền lương, không làm các việc xấu ác, lợi mình hại người, không gây phiền não khổ đau cho người khác. Người có lương tâm luôn luôn đem lại sự bình yên hạnh phúc cho mọi người, an ninh trật tự cho xã hội, là mẫu người lý tưởng, đáng tôn trọng kính mến, nhưng rất khó thực hiện. Tại sao vậy? Bởi vì: Sống trên thế gian này,
 
- "việc ác không làm" không phải là điều dễ dàng.
- "làm các việc thiện" không phải là điều dễ dàng.
- "giữ tâm thanh tịnh" là điều khó khăn nhứt.
1) Sống trên thế gian này, "việc ác không làm" không phải là điều dễ dàng. Thế nào là việc xấu việc ác, việc dữ hay việc bất thiện? Theo sách vở thế gian, việc xấu, việc ác, việc dữ, việc bất thiện, có nghĩa là: những việc làm không tốt, đáng khinh khi, đáng chê trách, đáng xấu hổ, đáng hổ thẹn, trái với đạo đức, không hợp lẽ phải, lợi mình hại người, gây phiền não, tạo khổ đau, đem tai họa đến cho người khác, do tâm ích kỷ, ganh tị đố kỵ, hơn thua phải quấy, mục hạ vô nhơn, cống cao ngã mạn, khen mình khinh người, thúc đẩy sai khiến. Theo kinh điển nhà Phật, một cách tóm gọn, việc xấu việc ác, việc dữ bất thiện, đều phát xuất từ: tâm tham sân si.

Do nghiệp chướng huân tập lâu đời, tức là do thói quen trong cuộc sống hằng ngày, con người quen làm các chuyện xấu dở, ác ôn, độc địa, hại người, một cách dễ dàng. Nhưng khi con người muốn ngưng các chuyện như vậy, không làm hoặc không làm nữa, trong kinh sách gọi là: "dừng nghiệp và chuyển nghiệp", thì rất khó khăn. Có người cảm thấy sung sướng khi làm cho người khác bực bội, đau khổ, thua thiệt, tàn mạt, sống không yên, chết không được! 

Có người cảm thấy sung sướng khi nói những lời, khiến người khác nhức nhối tức tối, lắc đầu chịu thua, mới được hả dạ, kể cả người đó là vợ hay chồng, anh chị em, thậm chí là cha mẹ. Có người cảm thấy sung sướng khi suy tư nghĩ tưởng những điều lợi mình hại người! Trong kinh sách, gọi đó là tam nghiệp: "thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp". Tam nghiệp được thanh tịnh, con người đồng với chư Phật sống ở cảnh giới tây phương. Tam nghiệp chưa được thanh tịnh, làm sao cuộc sống được an lạc và hạnh phúc?

Những người chỉ biết đi chùa lễ lạy, cúng kiến, ăn chay một tháng vài ngày, thậm chí ăn chay trường, góp chút công của vào các việc từ thiện, hay ấn tống kinh sách, tụng kinh rầm rầm, đọc chú rào rào, gỏ mỏ đánh chuông vang rân, hoặc ngồi thiền thở ra hít vô, nhưng chẳng hiểu mục đích để làm gì, nhứt là khi tam nghiệp chưa thanh tịnh, mà cầu nguyện vãng sanh tây phương cực lạc, cầu nguyện gặp chư Phật, có khi còn cầu nguyện cho tất cả cửu huyền thất tổ, nội ngoại song thân, ông bà cha mẹ, cùng vãng sanh cực lạc, thì đúng thực là: "những người đang sống trong cơn mê!".
 
Chính vì sống trong cơn mê, không biết thân này giả tạm, không biết tâm này vô thường, biến đổi luôn luôn, con người tạo tội tạo nghiệp không ngừng, cho nên trôi lăn trong sanh tử luân hồi đã bao nhiêu kiếp rồi, vẫn chưa thức tỉnh. Chỉ vì miếng ăn ngon trong chốc lát, con người tìm đủ mọi cách ăn uống cầu kỳ, bất chấp sự đau khổ của các con vật bị giết làm thịt một cách hết sức dã man. Chỉ vì một lời nói khó nghe, một lời khuyên chạm tự ái, con người có thể trả thù người khác bằng đủ mọi cách, từ trong ý nghĩ ác độc, sắp đặt kế hoạch hại người, cho đến lời nói cay cú, nghiệt ngã, gây nhức đầu nhói tim kẻ khác, và hành động tàn nhẫn, vu khống cáo gian khiến người lâm nạn.
 
Có những việc lợi mình hại người, nhưng nhỏ nhặt, con người có thể tránh được, không làm. Nhưng nếu việc lợi mình hại người đó đem lại bạc triệu đô la, sức hấp dẫn thực là kinh khủng, bao nhiêu người trên thế gian đã không chống cự nổi lòng tham lam ham muốn thèm thuồng muôn thuở của mình, sẵn sàng lao đầu vào, dù biết đó là việc tạo tội tạo nghiệp, cũng bất chấp hậu quả khổ đau gây ra cho người khác và gia đình của họ, thậm chí bất chấp hậu quả xảy ra cho chính bản thân mình. Chẳng hạn như thấy của rơi trị giá nhỏ nhoi, người ta lượm được, có thể trả lại cho chủ nhân, để nhận được lời khen tán thưởng. Nhưng nếu của rơi là vài chục lượng vàng y, hay vài trăm ngàn đô la, thì việc trả lại cho khổ chủ thực là khó làm lắm thay!
 
Chẳng hạn như có người xúi làm chuyện bất chánh hoặc phi pháp, đem lại mối lợi không lớn lắm, con người còn sợ bị pháp luật trừng trị, còn sáng suốt nhớ tới luật nhân quả, biết sợ hậu quả, không dám làm theo. Nhưng nếu việc đó, đáng vài triệu đô, dù cho khó khăn, nguy hiểm đến đâu, dù có phạm pháp, lương tâm cắn rứt, có người bất chấp, dùng đủ thủ đoạn, giựt hụi quịt nợ, thưa gửi kiện tụng, vu khống cáo gian, đặt điều thêm bớt, cố ý gạt gẫm, dụng tâm hại người, dù là người thân, hay người hiền thiện, họ cũng mặc kệ, miễn sao thu được, số tiền lớn lao, đến nổi tối tâm, tối mặt như vậy. Ðịa ngục nơi đâu, người khác đau khổ, gia đình tan nát, họ cũng dửng dưng, chẳng cần biết đến!
 
Chẳng hạn như là: Người có tâm tham, rất khó thực hành, bố thí cúng dường, giúp người nghèo khó. Người đời có câu: Ðồng tiền liền khúc ruột. Những người như vậy, mất một đồng tiền, họ có cảm giác, đứt từng khúc ruột. Ðối với họ đồng tiền to hơn cái bánh xe. Ngay cả chồng vợ con cái, ông bà cha mẹ, họ cũng coi nhẹ, rẻ hơn đồng tiền! Ðời họ chỉ biết: làm tiền, nhận tiền, kiếm tiền, nhặt tiền, lượm tiền, thu tiền, đếm tiền, cất tiền, giấu tiền, nhưng không bao giờ biết chữ "cho tiền" viết ra làm sao. Chữ tiền làm mắt họ mờ tối, và chữ tiền đeo theo họ cho đến giây phút từ giã cõi đời này.
Chẳng hạn như là: Người có tâm sân, coi trọng bản ngã, tự ái rất cao, rất khó thực hành, hạnh lành ái ngữ. Ái ngữ tức là: nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn hòa nhã, êm ái dịu dàng, dễ thương dễ nghe, nói lời ngọt ngào, thường hay khen tặng, đem lại nụ cười, an lạc vui tươi, cho người khác nghe. Trái lại, những người sân hận, thường kiếm những lời, xỉa xói móc họng, khen mình khinh người, trả đủa thực nặng, có thể làm cho, đối phương choáng váng, nhức đầu ngất xỉu, hay nghỉ thở luôn! Họ có thói quen, không ưa người nào, liền thích chọc tức, bằng lời khó nghe, xui khiến người khác, quấy rầy quậy phá, bằng không làm vậy, họ ngủ chẳng được!
 
Chẳng hạn như là: Người có tâm si, rất khó thực hành, hạnh lành vị tha, chỉ luôn vì mình, không thấu suốt luật, nhân duyên quả báo. Những người si mê, luôn luôn ích kỷ, chuyện nào lợi mình, hay gia đình mình, dù cho hại người, cũng vẫn cứ làm. Những người như vậy tức nhiên chỉ thấy được kiếp sống này của con người, chỉ mong kiếp sau mình được lên thiên đàng, còn người khác phải đọa địa ngục. Họ không biết rằng: chính những nghiệp lực, do thân khẩu ý, tạo tác hằng ngày, sẽ dẫn dắt họ, vào vòng sanh tử, luân hồi khổ đau, ở trong lục đạo: thiên, nhân, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.
 
Bởi vậy cho nên, chúng ta nhận thấy, sống ở trên đời, người ta thích thú, kiện tụng lẫn nhau, bất chấp khổ đau, của bao người khác, người ta buôn lậu, những hàng quốc cấm, bất chấp hiểm nguy, bất chấp tác hại, nguy hiểm lâu dài, của món hàng đó, đối với quốc gia, đối với xã hội, đối với con người. Gạt gẫm người thân, dù là anh em, thậm chí cha mẹ, dính vô tội lỗi, họ cũng chẳng từ! Dù cho nhiều lúc, tránh được pháp luật, qua mặt chính quyền, làm ăn trót lọt, kiếm được nhiều tiền, phủ phê sung sướng, nhưng chỉ tạm thời, ăn quen làm nữa, gặp lúc hết thời, người đời tố cáo, bị bắt quả tang, tiền mất tật mang, tài sản tuôn ra, lấy của che thân, của sông đổ biển, sa lưới pháp luật, thân tàn ma dại, cho nên phải biết: nhân quả không sai, nghiệp báo không chừa, bất cứ một ai, làm việc bất thiện! Cửa ngõ địa ngục, sẵn sàng mở rộng, đón họ đi vào!
 
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
"Dù lên non, xuống biển, vào hang,
nghiệp báo vẫn theo con người như hình với bóng,

không ai có thể tránh được".
Hoặc sách có câu: "Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không lọt", cũng chính là nghĩa đó vậy.
* * 


2) Sống trên thế gian này, "làm các việc thiện" không phải là điều dễ dàng. Thế nào là việc thiện? Theo sách vở thế gian, việc thiện có nghĩa là: những việc tốt, những việc lành, đáng khuyến khích, đáng quí trọng, về mặt tư cách, hợp với đạo đức, lợi mình lợi người, không hại người hại vật. Người có tâm từ thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khác, đem lại an vui lợi ích cho mọi người, không phân biệt người thân hay kẻ thù. Làm các việc thiện mà không cầu danh, không vụ lợi, không dụng ý, không cầu báo đáp, lại càng khó khăn hơn nữa.
 
* Con người muốn có cuộc sống an lạc và hạnh phúc, cần phải tu nhơn tạo phước, chứ không phải chỉ cầu nguyện, van xin khấn vái suông. Chỉ có phước báu mới có thể giúp đỡ con người được tai qua nạn khỏi, được bình yên may mắn. Phước báu có được do những việc làm phước thiện, tốt lành, lương thiện, chẳng hạn như: bố thí cúng dường, đi chùa lễ Phật, ấn tống kinh sách, cứu người giúp đời, tụng kinh niệm Phật, trì chú thiền quán, trì giới nhẫn nhịn.
 
Người có phương tiện tài chánh, có thể giúp đỡ người khác bằng tiền bạc, cơm gạo, vật thực, áo quần, thuốc men, nhà cửa. Người không có khả năng vật chất, có thể giúp đỡ người khác về phương diện tinh thần, hay bằng chính công sức của mình, chẳng hạn như: làm giúp công việc, chỉ dẫn đường sá, giới thiệu việc làm, chỉ dạy nghề nghiệp. Người hiểu biết giáo lý, có thể giúp đỡ người khác, qua cơn nhiệt não, tránh khỏi khổ đau, hết điều phiền lụy, tìm được an vui, tu tâm dưỡng tánh, giác ngộ giải thoát.
 
Hạnh nhẫn nhịn cũng là một việc thiện lành nên làm. Người biết nhẫn nhịn sẽ có cuộc sống an vui, không tranh chấp cãi vã, không thị phi hơn thua, đương nhiên tránh được nhiều chuyện phiền não khổ đau trong cuộc đời. Người ta mắng mình một tiếng, mình trả lại một miếng, thì dễ dàng quá. Người ta chửi mắng mình, hữu lý hoặc vô lý, chủ ý hoặc vô ý, mình nhịn được mà không thấy nhục, mới thực là việc khó làm. Người ta đưa lửa tới đốt, mình vẫn bình tĩnh thản nhiên, không đưa thân tâm ra đón nhận, mọi việc chắc chắn sẽ bình yên. Người ta chửi mãi, mõi miệng, chán nãn, rồi cũng im thôi! Người tu tâm dưỡng tánh, nên biết nhẫn nhịn, để tránh những hậu quả phiền toái, nhất là để giữ gìn bản tâm thanh tịnh. Ðó mới chính là mục đích cứu kính của đạo Phật.
 
Trì giới cũng là một việc thiện lành nên làm. Trì giới nghĩa là giữ gìn năm giới cấm: sát, đạo, dâm, vọng, tửu. Con người không sát hại người khác, không sát hại sinh vật, để lợi mình hại người, để được ăn ngon khoái khẩu, bởi vì chính mình không muốn bị ai hại, không muốn bị thú dữ ăn thịt! Con người không lấy của người làm của mình, bởi vì chính mình không muốn lấy của mình làm của người. Con người không phá hoại hạnh phúc của người, bởi vì chính mình không muốn người khác phá hoại hạnh phúc của mình. Con người không nói dối, không gây chia rẽ, không tạo phiền não khổ đau cho người bằng lời nói, bởi vì chính mình không muốn người khác gây phiền não khổ đau cho mình bằng những lời nói độc ác, gian xảo. Con người không uống rượu hay các chất say, một cách quá độ, bởi vì chính mình không muốn gây thù chuốc oán, tạo tội tạo nghiệp, mà vẫn không hay, không biết gì cả.
 
Trên thế gian này, người nào thực hiện được hai điều: "việc ác không làm" và "làm các việc thiện", đúng là mẫu người lý tưởng trong xã hội, mà hầu hết các tôn giáo chân chánh đều nhắm đến. Nói một cách khác, theo thế gian thông thường, đó là người có lương tâm. Người có lương tâm, tạo tác được vô lượng phước báu. Tại sao vậy? Bởi vì, người đó sẽ có cuộc sống bình yên, và góp phần tạo sự bình yên cho những người chung quanh. Một vấn đề cần bàn qua, đó là: Lương tâm nghề nghiệp khác với mánh lới nghề nghiệp như thế nào? Người có lương tâm nghề nghiệp là người luôn luôn tìm cách thăng tiến nghề nghiệp, đem hết khả năng chuyên môn của mình, để phục vụ nhân sinh, làm hết việc chứ không phải chỉ làm hết giờ, tận tụy cứu người giúp đời, quan tâm đến lợi ích của đối tượng phục vụ, việc kiếm tiền sinh sống không phải vấn đề hàng đầu. 

Chẳng hạn như: Một vị bác sĩ có lương tâm, thường tận tâm chăm sóc bệnh nhân, bất kể giờ giấc, coi trọng sinh mạng con người, luôn luôn tâm niệm cố gắng chữa lành bệnh, đem lại an vui cho bệnh nhân và gia đình của họ. Một vị luật sư có lương tâm, thường tận tụy với nghiệp vụ, nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, cân nhắc các vụ kiện, với tinh thần tôn trọng chân lý, góp phần giữ gìn sự bình đẳng, công bằng trong xã hội. Trái lại, mánh lới nghề nghiệp là các mưu kế, mưu mô, mưu chước, phương cách, phương kế, thủ đoạn, thường đem lại lợi mình, bất chấp quyền lợi thân chủ, thậm chí đem bất lợi cho đối tượng phục vụ.

3) Sống trên thế gian này, "giữ tâm thanh tịnh" là điều khó khăn nhứt. Bản tâm thanh tịnh là tâm thể của mọi người, khi đã dẹp sạch hết phiền não khổ đau, không còn dấy niệm hoặc khởi bất cứ niệm nào, dù thiện hay bất thiện, dù trong giây phút, dù ở bất cứ nơi đâu, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bản tâm thanh tịnh chính là cảnh giới niết bàn hiện tiền, đó là mục đích cứu kính của đạo Phật.
 
Người không biết sống với bản tâm thanh tịnh hằng ngày, thời chỉ là người thế gian ở trên đời, dù là người có lương tâm hiền thiện chăng nữa, cũng vẫn còn bị sanh tử luân hồi chi phối, dĩ nhiên là cuộc sống còn phiền não khổ đau. Tại sao vậy? Bởi vì, tuy những người đó đã dẹp được tâm tham, tâm sân, tâm si thường tình của người thế gian, nhưng họ vẫn còn tâm tham, tâm sân, tâm si, một cách vi tế, ẩn tàng dưới hình thức tín ngưỡng. Chẳng hạn như họ không còn tâm tham ngũ dục thế gian, gồm có: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ, nhưng họ vẫn còn tham sự sung sướng ở cõi cực lạc hay thiên đàng! 

Họ chịu bỏ những cái nhỏ nhoi ở thế gian hiện tại, để mơ ước một đời sống sung sướng cực điểm ở đời kiếp sau, chứng tỏ tâm tham vi tế vẫn chưa thực sự dứt bỏ hẳn. Làm được việc thiện nào, họ cũng mong, cũng đòi, cũng nghĩ, cũng nói rằng: sẽ được trả công bội hậu ở cõi thiên đàng! Hoặc: sẽ được tiêu diêu nơi miền cực lạc! Còn tâm mong cầu, tức còn chấp ngã, phước báu vẫn có, nhưng rất hạn chế, theo tâm nhỏ hẹp, chỉ nghĩ đến mình, không biết đến người! Phước báu vô lượng, không thể nghĩ bàn, khi nào không còn: chấp ngã chấp pháp.
 
Chẳng hạn như họ không còn tâm sân thường tình, tức là không còn khởi niệm tức giận, vì những chuyện nhỏ mọn, vì những lời nói khó nghe, vì những lời nhục mạ, vu khống, chửi bới, đối với bản thân họ. Tuy nhiên, đối với tín ngưỡng hay tôn giáo họ đang đặt niềm tin, nếu bị đụng chạm, họ sẵn sàng chiến đấu và tiêu diệt kẻ thù, mà họ cho là kẻ xấu ác, kêu gọi thánh chiến, nhân danh công lý họ đang theo! Nhiều người tu hành, muốn đạt thần thông, thành tựu phép lạ, chịu mọi khổ hạnh, nhiều năm tháng dài, chẳng hạn như là: không ăn không ngủ, nằm trên gai chông, chổng mông lên trời, treo chân lên cây, đứng trên một giò, chỉ ăn muối tiêu, đủ thứ hình tướng, quái dị kỳ khôi, những ai khuyên can, giải bày lý lẽ, họ chẳng chịu nghe, vì trái ý họ, họ liền tức giận, mắng chửi thậm tệ.

Ðối với những tội phạm trong xã hội, họ vẫn còn nổi sân hận, tâm vẫn còn xáo động, vẫn còn mong muốn những kẻ xấu ác phải bị trừng trị thực nặng, chẳng khoan dung, chẳng khoan hồng, chẳng tha thứ. Tâm như vậy chưa được thanh tịnh! Họ thường nghĩ rằng: ân đền oán trả là lẽ công bằng. Họ nghĩ đến cảnh: mặt đất nứt nẻ, rẻ ra một đường, chôn sống toàn thể, những kẻ xấu ác, hoặc cơn hồng thủy, biển máu cuồn cuộn, cuốn trôi tất cả, những người gian ác, chỉ người như họ, cho là hiền thiện, mới đáng sống đời! Họ không ngờ rằng: tâm địa như vậy, cũng là tàn ác, không khác gì cả! 
Thí dụ như là: Một ông đạo tiên, tu trên núi cao, có vẻ nhàn hạ, thanh thản thư thái, tiên phong đạo cốt, nhưng khi nghe được, đệ tử của mình, bị người hiếp đáp, ở dưới trần thế, nổi giận đùng đùng, xách kiếm xuống núi, trả thù lập tức! Thí dụ như là: Thượng đế cõi trời, cũng có những lúc, nổi trận lôi đình, gây nạn hồng thủy, bão tố lũ lụt, cuồng phong bệnh tật, tàn sát nhân loại, chỉ vì loài người, không nghe lời dạy, không thờ thượng đế! Thực ra đúng là: Loài người suy tâm mình ra tâm thượng đế! Tâm như vậy chưa được thanh tịnh!
 
Chẳng hạn như họ không còn tâm si thường tình, không còn u mê những chuyện thế gian, không còn mê muội coi bói xem tướng, xin xăm gieo quẻ, không còn ngu si coi nước sông nước suối như nước thần nước thánh, nhưng họ vẫn chưa hiểu biết được: Họ thực sự là ai, từ đâu đến cõi này, hiện diện trên thế gian để làm gì, và sau kiếp này họ sẽ đi về đâu? Họ vẫn sống trong cơn mê, như từ muôn thuở. Cho nên, họ chỉ biết được cuộc sống đóng khung, trong một trăm năm kiếp người mà thôi. Họ không hiểu được, kiếp sống này chỉ là một phần, một đoạn ngắn trong chuổi dài sanh tử luân hồi, nhiều đời nhiều kiếp, nếu họ không khéo tìm cách, tìm đường, tìm phương pháp thoát ly. Họ không hiểu được rằng: ngoài lương tâm của người thế gian, họ còn có tâm cao cả hơn, đó là Phật Tâm, tức là tâm tánh sáng suốt, không bao giờ sanh diệt, bất cứ người nào cũng có. Khi đạt được Phật Tâm thì phiền não khổ đau lập tức dứt sạch, con người thoát ly được sanh tử luân hồi một cách mầu nhiệm vô cùng.
Nhiều người đã biết, bản tâm thanh tịnh, nhưng chưa hoàn toàn, khi được khi không, khi lành khi dữ, khi thiện khi ác. Tại sao vậy? Bởi vì, tập khí nhiều đời, chưa được dứt sạch, nghiệp chướng vẫn còn. Ðó là những người, còn đang tu tập, đang tập chăn trâu, con trâu tâm ý, lăng xăng lộn xộn, chạy ngược chạy xuôi, chẳng lúc nào nguôi, những thứ tạp niệm, nghĩ chuyện đàng đông, chạy sang đàng tây. Những người quyết chí, tu tâm dưỡng tánh, áp dụng Chánh Pháp, vào trong cuộc sống, hằng ngày hằng giờ, hằng phút hằng giây, cố gắng hết sức, tận tâm tận tình, tận lực tận sức, cho đến ngày nào, giác ngộ giải thoát. Những người như vậy, ở trong kinh sách, gọi là hành giả, đang bước từng bước, trên đường tu tập, có khi vấp ngã, vẫn cố đứng lên, tiếp tục đi tới, tinh tấn dũng mãnh, cho đến khi nào, hoàn toàn sống với, bản tâm thanh tịnh. Lúc đó gọi là: đạt đạo chứng đạo, trọn thành Phật đạo, cũng như chúng ta, thường hay phát nguyện, trong các thời khóa, tụng kinh niệm Phật. Lúc đó, nghiệp chướng không còn, người trâu đều mất, tâm thức rỗng lặng, tịch diệt vi lạc, bất khả tư nghì, không thể nghĩ bàn. Nói một cách khác: Ngay giây phút đó, thành một vị Phật, Phật Tâm hiển lộ, một cách hoàn toàn, một cách tròn đầy, một cách viên mãn.
 
Phật Tâm chỉ hiển lộ khi nào tâm trí của con người hoàn toàn thanh tịnh, không chất chứa bất cứ hình ảnh nào của chúng sanh trong ba cõi sáu đường, hoàn toàn trống rỗng, tĩnh lặng tịch tịnh, không còn tham lam, không còn sân hận, không còn si mê, dù là thường tình, hay là vi tế. Mặt biển thanh bình, phẳng lặng trong sáng, bao la bát ngát, không nổi sóng to, khi có gió lớn, không gợn sóng nhỏ, khi gió thổi nhẹ, được ví như là: bản tâm thanh tịnh, luôn luôn bình tĩnh, tự tại thản nhiên, trước mọi thăng trầm, ở trên thế gian, tức là vượt qua, sóng gió cuộc đời, dù nhiều hay ít, dù nặng hay nhẹ, ở trong kinh sách, gọi là bát phong.
 
Thí dụ như là: Mặt gương trong sáng, không dính bụi trần, có ông đi qua, có bà đi lại, có vật trước gương, đều hiện hình ảnh, rõ ràng trong gương, không hề phân biệt, nam nữ giàu nghèo, xấu đẹp mập ốm, không hề kỳ thị, bất cứ điều gì, hoặc phương diện nào. Tuy nhiên, khi người hay vật, đã đi qua rồi, hình ảnh hoàn toàn, không còn trong gương. Tấm gương trở lại, trạng thái bình thường, như tự thuở nào, trước khi hình ảnh, hiện ra trong gương, không hề thay đổi. Cũng ví như là, bản tâm thanh tịnh, luôn luôn trống trơn, hoàn toàn tĩnh lặng, không hề chất chứa, bất cứ hình ảnh, do tâm thương ghét, do tâm lăng xăng, lao xao lộn xộn, thường ngày ghi lại, kinh sách gọi là: cái tâm phan duyên, tức là duyên theo, các cảnh trần đời, luôn luôn khởi niệm: hỉ nộ ái ố, vui buồn thương ghét.



Bản Tâm Thanh Tịnh, chính là Phật tâm.

Tóm lại, chúng ta đã hiểu biết: thế nào là Lương Tâm, thế nào là Phật Tâm. Trong mọi hoàn cảnh trên thế gian này, con người sống có lương tâm, thời thiên đàng là đây. Nhưng nếu tiến được thêm bước nữa, không chấp thiện không chấp ác, không khởi bất cứ niệm nào trong tâm, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào: thịnh hay suy, được hay thua, sướng hay khổ, vui hay buồn, khen hay chê, tức là con người vượt qua được bát phong, sống được với Phật Tâm bất sanh bất diệt, thời niết bàn là đây, thoát ly sanh tử luân hồi, hiện đời an lạc hạnh phúc, giác ngộ giải thoát. Người ngộ Phật Tâm, làm bất cứ việc gì cũng được cảm ứng của mọi người. 

Trong kinh sách có câu: Ðạo cảm ứng giao nan tư nghì, tức là người đạt đạo, tạo được sự cảm ứng, sự cảm thông một cách mầu nhiệm, không thể nghĩ, không thể bàn. Cũng ví như người đời làm việc gì, nếu để hết tâm trí vào việc đó, sẽ tạo được sự cảm thông của mọi người. Một bài viết, một bản nhạc được viết nên, hoặc được trình bày bởi những người có tâm hồn, sẽ tạo được sự rung động, cảm thông trong tâm của độc giả hoặc khán thính giả. 
 
Các tôn giáo khác, thường hay cho rằng: thiên đàng địa ngục, hai nơi khác biệt, một cách rõ ràng, người thờ thượng đế, được lên thiên đàng, không tin thượng đế, phải đọa địa ngục, đời đời kiếp kiếp, không chuyển đổi được. Trái lại, theo quan điểm của đạo Phật, thiên đàng hay địa ngục, mặc dù là hai cảnh giới khác nhau, nhưng đều chỉ là tình trạng nhứt thời của tâm thức mà thôi. Ví như biển động hay biển lặng đều chỉ là tình trạng nhứt thời của mặt biển mà thôi. Cũng ví như là có ảnh hiện ra hay không, đều chỉ là tình trạng nhứt thời của tấm gương mà thôi. Khi con người hành động, nói năng, suy nghĩ theo bốn tâm lượng rộng lớn: từ, bi, hỷ, xả, còn gọi là tứ vô lượng tâm, thì tâm thức ở trong cảnh giới thiên đàng.

Khi con người hành động, nói năng, suy nghĩ theo ba tâm phiền não: tham, sân, si, còn gọi là tam độc, thì tâm thức ở trong cảnh giới địa ngục. Bởi vậy cho nên, con người sống được với lương tâm, cảnh giới thiên đàng hiện tiền, không cần chờ kiếp sau! Con người sống được với Phật Tâm, cảnh giới niết bàn hiện tiền, không nghi, không cần đợi vãng sanh cực lạc quốc! Tuy nhiên, người có lương tâm, làm các việc thiện, chẳng hạn như là: nuôi trẻ mồ côi, săn sóc người già, bệnh hoạn tật nguyền, thậm chí truyền nhiễm, khi gặp trở ngại, gặp sự chống đối, phỉ báng chửi mắng, ganh tị đố kỵ, gặp kẻ vô ơn, cũng sanh phiền não, cũng dễ nãn lòng, thoái chí bỏ cuộc. 

Trong thời Ðức Phật, còn tại thế gian, có lần đi đến, nơi một xứ kia, dân đó nghe lời, các người cầm đầu, chống đối gây rối, vì sợ dân chúng, quy y với Phật. Tôn giả A Nan, thỉnh cầu đi đến, giáo hóa nơi khác. Ðức Phật mỉm cười, từ tốn giải thích: Các người bệnh nặng, mới cần thầy thuốc, thầy thuốc lương tâm, không khi nào nói, chỉ trị bệnh nhẹ, từ chối bệnh nặng. Người còn phiền não khổ đau, tức là chưa được giác ngộ, là người có tâm bệnh, cần đến sự giáo hóa, cần phải nên tu học, để chuyển đổi tâm tánh, từ bất lương thành hiền lương, từ hiền lương lương thiện, tức là có lương tâm, chuyển biến thêm bước nữa, phát hiện và sống được với Phật Tâm, tức nhiên thoát ly được phiền não khổ đau.
 
Cũng trong thời Ðức Phật còn tại thế, có vị đệ tử xin phép đi đến xứ kia để giáo hóa. Ðức Phật cho biết dân ở xứ đó hung hăng lắm, họ có thể chửi mắng nhục mạ. Vị đệ tử đáp: Bạch Ðức Thế Tôn, như vậy họ cũng còn hiền thiện. Ðức Phật nói: Nếu họ đánh đập ông thì sao? Vị đệ tử đáp: Bạch Ðức Thế Tôn, như vậy họ cũng vẫn còn hiền thiện. Ðức Phật nói: Nếu họ giết hại ông thì sao? Vị đệ tử đáp: Bạch Ðức Thế Tôn, như vậy họ cũng vẫn còn hiền thiện, bởi vì họ giúp con giải thoát khỏi thân tứ đại này mà thôi. Ðó là tấm gương của vị đại đệ tử, thuyết pháp bậc nhứt, tên là Phú Lâu Na, người đã giác ngộ Phật Tâm, không còn thoái chuyển trên bước đường hoằng pháp lợi sanh.
Sách có câu:
"Chánh nhân thuyết tà pháp, tà qui chánh.
Tà nhân thuyết chánh pháp, chánh qui tà".
Người có lương tâm, còn được gọi là chánh nhân, tức là người chân chánh, dù có dùng bất cứ phương tiện nào chăng nữa, cũng chỉ nhằm mục đích cứu kính là: đưa con người trở về với chánh đạo. Chẳng hạn như là: các bậc chân tu, đạo cao đức trọng, người có lương tâm, tỏ ngộ Phật Tâm, nhận thấy chúng sanh, phiền não khổ đau, mê tín dị đoan, thích xem đồng bóng, hay xem bói toán, cúng sao giải hạn, tiêu tai khỏi nạn, coi ngày xem tướng, xin xăm gieo quẻ, cho nên chư Tổ, dùng phương tiện đó, để đưa con người, trở về với chùa, tìm nơi yên tịnh, rồi nhân cơ hội, thuyết pháp độ sanh, khai mở tâm trí, giảng luật nhân quả, dạy thuyết vô ngã, làm sao gặt quả, vô sanh pháp nhẫn, giúp đỡ con người, sống được cuộc đời, an lạc hạnh phúc, giác ngộ chân lý, giải thoát sanh tử, chấm dứt luân hồi.
 
Còn người bất chánh, gọi là tà nhân, muốn sướng tấm thân, lười biếng làm việc, trốn lánh cuộc đời, biến đổi hình tướng, kiếm cơm qua ngày, dùng mọi phương tiện, dụ dẫn con người, trở về với chùa, về hùa với mình, rồi nhân cơ hội, kêu gọi quyên góp, chuyện này chuyện nọ, lăng xăng lộn xộn, lẫn lộn đạo đời, vọng tâm sai khiến, dù thuyết Chánh Pháp, cũng quá sai lầm, xa lìa chánh đạo, tạo nhiều thành kiến, khiến người u mê, lạc vào ngoại đạo. Ngoại đạo nghĩa là: ngoài tâm cầu Phật, qua các hình tướng, qua các âm thanh, không giúp được ai, tỏ ngộ chân lý, bởi vì tu mù, chẳng học giáo lý, lấy gì giảng dạy, cho hàng Phật Tử, cho nên Chánh Pháp, cũng biến thành tà, chính nghĩa đó vậy!
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
Nhược dĩ sắc kiến ngã.
Dĩ âm thanh cầu ngã.
Thị nhân hành tà đạo.
Bất năng kiến Như Lai.
 
Nghĩa là: Người nào muốn tìm Phật qua hình tướng, hay qua âm thanh, đó chính là người lầm đường lạc nẽo, là hành tà đạo, xa rời chân lý, làm sao có thể, gặp được Như Lai, tức là gặp Phật? Khi nào ánh sáng chân lý soi rọi, tâm trí bừng sáng, con người vượt qua cơn mê, mới được gọi là: hành đúng Chánh Pháp, đi đúng Chánh Ðạo. Bằng không, dù mang bất cứ hình tướng nào, tại gia hoặc tại chùa, dù tu hành bao nhiêu năm, người đó cũng vẫn chưa tỏ ngộ Phật Tâm, vẫn đang trôi lăn trong sanh tử luân hồi, tức nhiên cuộc sống vẫn còn nhiều phiền não khổ đau.
 
Chúng ta cần nên ghi nhớ rằng: Ðức Thích Ca thành Phật ngay trên thế giới ta bà này, chư vị Tổ Sư tu tập theo lời Ðức Phật dạy, ngộ đạo và chứng đạo cũng ngay trên thế giới ta bà này, chư Hiền Thánh thực hành các pháp môn cũng sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc ngay trên thế gian này. Tại sao chúng ta không noi gương các Ngài, tự thắp đuốc lên mà đi, để khỏi uổng phí cuộc đời hiện tại, với những mộng tưởng nơi cõi thiên đàng hay cực lạc? Không tự đi thì không thể tới đâu được cả! Không thể nào cầu nguyện thành công, khi mình thực sự không xứng đáng! Không chịu tu học thì không thể sáng đạo được! Không chịu tu tập, thực hành, áp dụng Chánh Pháp vào đời sống hằng ngày, thì không thể nào chứng đạo được! Ai ai cũng đều biết rằng: Không chịu ăn thì không thể nào no được!
 
Ðó chính là những chân lý bất di bất dịch, đáng để cho tất cả mọi người chúng ta suy ngẫm, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, xuất xứ, giàu nghèo, sang hèn, giai cấp, học lực, kiến thức, nam phụ lão ấu, tại gia xuất gia, tín đồ tu sĩ. Không phân biệt kỳ thị gì cả mới gọi là chánh đạo, mới thực sự là bình đẳng, mới thực sự là chí công vô tư đó vậy./.





VAN LẠY VÀ CẦU XIN



Đức Phật không phải là thần linh. Ngài không ban phước giáng họa cho ai cả. Ngài là bậc Đạo Sư tìm thấy và chỉ dạy chúng sanh con đường tu giải thoát khỏi cảnh khổ của lục đạo luân hồi. Các vị Tăng Ni tu đang theo Phật cũng không phải là thần, hay thánh. Các vị Tăng Ni không có năng lực nào để cầu xin cho người chết vãng sanh cực lạc theo kiểu cách lễ trai đàn bạt mạng giải oan của các tà sư trong chùa.  Tại sao? Bởi vì các tà sư còn chưa chắc được vãng sanh kia mà. Chúng ta là người tu theo Phật phải có nhận thức sáng suốt biết rõ con đường đúng sai, chứ không phải ai nói gì cũng nghe, ai bày vẽ gì cũng nhắm mắt tin theo!!!
 
Trước Tam bảo, người ta lạy lục cầu xin: xin tai qua nạn khỏi, xin giàu sang phú quý, xin tiền tài, xin địa vị. Họ mang theo rất nhiều lễ vật, xì xụp khấn vái, cầu xin. Họ đem tiền thật mua tiền giả (vàng mã) dâng cúng thánh thần, họ cầu xin thật nhiều tiền thật trở lại. Họ đem dâng cúng một vài trái cây, cầu xin sống thọ. Khắp nơi trong khuôn viên chùa chỗ nào cũng thấy cắm nhang đèn, tiền lẻ rải khắp nơi; lò hóa vàng giả rừng rực cháy mang theo muôn vàn lãng phí. Cảnh chen chúc, giẫm đạp nhau ở cửa thiền để được làm lễ cầu an, cầu siêu, cúng sao giải hạn trong dịp đầu năm không thể chấp nhận được. Tại sao? Cầu an chưa thấy được bình an, đã phải nhập viện vì thương tích do chen lấn, tranh giành giẫm đạp nhau.



Trong tình hình đó, đáng lẽ hàng ngũ Tăng Ni ở các ngôi chùa cần phải hướng dẫn, chấn chỉnh lại nhận thức sai lệch của người dân, của Phật tử. Tuy nhiên, với lý luận phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng mà nhiều ngôi chùa, nhiều nhà sư lại dễ dãi chấp nhận việc người dân, người Phật tử đến chùa chỉ để cầu khẩn van xin phi chánh pháp. Hình ảnh một số nhà sư cúng sao giải hạn, gieo quẻ âm dương, chọn ngày lành tháng tốt, đã và đang dẫn dắt một số khá đông Phật tử dần dần mang đậm màu sắc mê tín, tà pháp, lạc vào tà đạo, nhưng cứ ngỡ rằng mình đi chùa như thế là tốt, được tiếng khen thuần thành, tu giỏi.


Để trả lại sự trang nghiêm thanh tịnh cho chùa chiền, giúp chúng sinh nhận thức rõ về giáo lý và lời dạy của Đức Phật, chùa chiền nên truyền bá phương pháp tu tâm thanh tịnh và tìm được an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại.  
Các bậc chân tu nhận sự cúng dường của bá tánh không phải để tranh danh đoạt lợi, mà dành nhiều thời gian nghiên cứu kinh điển, hiểu rõ lời kinh, tâm từ bi thương xót, giảng dạy Phật tử có căn bản về nhận thức đạo Phật là đạo trí tuệ, đi đúng chánh đạo. 
Tu theo Phật là tự lực, nổ lực, cố gắng để đạt được sự sáng suốt, giác ngộ giải thoát, từ bi trí tuệ. 

Trước hết là chuyển đổi nhận thức đầy mê tín đến cuồng tín do tham sân si của phần đông Phật tử không có giáo lý căn bản, cần nhất là hàng ngũ Tăng Ni tại các chùa chiền hay tự viện. 
Xã hội trong và ngoài nước nhận biết đạo Phật thông qua các hoạt động của hàng ngũ Tăng Ni, Phật tử, sự hiểu sai lầm về đạo Phật đầy mê tín thần quyền trong xã hội văn minh hiện đại ngày nay thật vô cùng tai hại. Cuộc sống thường ngày của Tăng Ni và Phật tử là tấm gương phản chiếu tư tưởng Phật giáo trực tiếp đến cộng đồng và xã hội ngày nay trong và ngoài nước. 

Nếu chúng ta tự nhận là người đang tu theo Phật, đều phải đau lòng và có trách nhiệm đánh lên tiếng chuông thức tỉnh những người đang ngụp lặn trôi theo dòng sông mê!


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Ban Biên-Tập Phật-Học Tịnh-Quang Canada

 


PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 24 (TỪ BI & TRÍ TUỆ)
LUẬN BÀN GIỮA MÊ VÀ NGỘ
CÚNG SAO GIẢI HẠN
ĐẦU NĂM ĐI CHÙA ĐÚNG CHÁNH PHÁP
LOẠN ĐẦU NĂM MUA SỰ PHIỀN NÃO
SỐNG SAO LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI