TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Monday 18 May 2015

*** PHƯỚC TUỆ SONG TU

Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
Phước Tuệ Song Tu
TK THÍCH CHÂN TUỆ

Trong đời sống này, chúng ta thường nghe, nói đến chữ "TU".  Chẳng hạn như là: tu bổ tu sửa, tu chính tu chỉnh, tu tỉnh tu thân, tu nhân tích đức, tu tâm dưỡng tánh.  Những từ ngữ đó, có nghĩa chung là: sửa chữa sửa đổi, rèn luyện trau giồi, cho được mới hơn, cho tốt đẹp hơn, cho đúng đắn hơn, cho chính xác hơn, cả hai phương diện, vật chất tinh thần. 
Còn như nói về, phương diện tín ngưỡng, từ ngữ đi tu, thường có nghĩa là: rời bỏ đời sống, tại nơi thế gian, sống đời tu sĩ, trong các tự viện, hay là tu viện, thanh tịnh trang nghiêm, hoặc đến những nơi, núi rừng vắng vẻ. 

Phạm vi bài này, chỉ đề cập đến, công phu tu tập, có thể áp dụng, giáo lý đạo Phật, cho người tại gia, để tạo an lạc, hạnh phúc hiện tiền, ngay trên đời này.  Ở trong đạo Phật, chúng ta thường bàn, đến các vấn đề: "tu phước tu tuệ". 

Tu phước là gì?  Tu tuệ là gì?  

Giá trị tu phước, giá trị tu tuệ, khác như thế nào?  Làm sao có thể, áp dụng vào trong, đời sống hằng ngày, của người tại gia, phát tâm tu tập, tu tâm dưỡng tánh? 
* * * 
Trước hết là việc, chúng ta cần biết, đạo Phật xưa nay, có những nghi lễ, hình thức cúng kiến, của một tôn giáo, dành cho đại chúng, đa số tín đồ, những người chưa thấu, giáo lý thâm sâu, của Đức Thế Tôn. 

Chẳng hạn như là: cúng kiến lễ lạy, chuông trống khánh mõ, cầu an cầu siêu, cầu phước lộc thọ, cầu nguyện hòa bình, cầu cho chúng sanh, vạn dân bá tánh, an lạc hạnh phúc.  Những hình thức này, rất là cần thiết, có thể giúp cho, những người sơ cơ, tin theo đạo Phật, bởi do ông bà, cha mẹ tin Phật, thỉnh thoảng đến chùa, vào các dịp lễ, lớn nhỏ hằng năm, hái lộc đầu xuân, dịp tết nguyên đán, hoặc vào các dịp, quan hôn tang tế, nhưng không hiểu gì, giáo lý đạo Phật. 
 
Hoặc gặp những lúc, phong ba bão tố, dồn dập trong đời, tâm thần điên đảo, đời sống chao động, con người cần có, cảnh chùa thanh tịnh, để được tĩnh tâm, cần có buổi lễ, cầu an cầu phước, để tạm an tâm, cần có những người, thiện hữu tri thức, hết lòng an ủi, giảng giải nghĩa lý, đem lại chánh kiến, giúp đỡ người đó, thoát khỏi những cảnh, khổ đau như vậy. 
Từ các dịp đó, con người đến chùa, sinh hoạt thường xuyên, và hiểu được rằng: bởi vì kém phước, thiếu phước ít phước, hết phước không phước, thường gọi "vô phước", cho nên cuộc đời, chịu nhiều thăng trầm, cuộc sống gặp nhiều, khó khăn bất trắc, khốn khổ đau thương, hoạn nạn điêu đứng, người thương không có, kẻ ghét thì đông.  Do đó con người, phát tâm "tu phước", tạo thêm phước báu, để cho cuộc đời, vơi bớt phiền não, giảm thiểu khổ đau.
 
Phước báu là do, chính chúng ta tạo, chứ không phải do, thượng đế ban cho, hay do cầu nguyện. Người nào tích phước, từ trước đến nay, không cần cầu nguyện, cuộc đời cũng an, ít gặp sóng gió, ít có trắc trở, đở bớt phiền muộn, tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, chuyện khó hóa dễ.  
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy, thí dụ như sau:
Nếu người phải bị, nuốt một nắm muối, thì sẽ đau khổ, biết là dường nào.  Nhưng nếu đem bỏ, nắm muối đó vào, một tô nước nhỏ, rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu, hơn một chút xíu. Nếu bỏ nắm muối, vào một lu nước, rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu, nhiều hơn chút nữa.  Nếu bỏ nắm muối, vào hồ nước lớn, rồi mới uống vào, thì chuyện sẽ không, thành vấn đề nữa. 

Nắm muối tượng trưng, cho các nghiệp nhân, bất thiện chẳng lành, con người đã tạo, từ trước đến nay, bây giờ phải lãnh, nghiệp quả nghiệp báo, nói chung đó là: quả báo khổ đau, không sao tránh khỏi.  Chỉ có phước báo, ít hay là nhiều, tượng trưng tô nước, lu nước hồ nước, có thể giúp đỡ, con người vượt qua, khổ đau mà thôi. 
Đó mới thực là: chí công vô tư. 

Mình làm mình hưởng. Mình làm mình chịu. 

Cầu nguyện van xin, dù tin hay không, thực sự chẳng giúp, chẳng ích gì đâu.  Tại sao như vậy?  Bởi vì thực ra, chính vị giáo chủ, giáo phẩm chức sắc, giáo quyền cao cấp, cũng phải trả nghiệp, đã tạo trước kia, nhiều đời nhiều kiếp, ngay trong kiếp này, cũng bị nguyền rủa, vu khống cáo gian, xử án khổ nạn, ám sát giết hại, một cách thê thảm, không ai thay được! 
Trong khi xảy ra, tai nạn xe hơi, xe lửa tàu thủy, hay là phi cơ, có người nằm mơ, cầu nguyện đức Mẹ, hằng đi cứu giúp, có người cầu nguyện, đức Quán Thế Âm, cứu khổ cứu nạn.  Nếu như hai người, cùng thoát tai nạn, thực sự vị nào, đã cứu giúp họ?  Còn nếu hai người, cùng bị thảm tử, thì cả hai vị, đều bỏ rơi họ?  Có phải vậy chăng? 

 Thực ra không phải!  Không có vị nào, cứu họ giúp họ, theo lời cầu nguyện. 
 Chỉ có phước báo, của chính cá nhân, đã cứu chính họ! 
Người có phước báo, nhiều hơn một chút, thì được thoát nạn, một cách an ổn.  Người có phước báo, ít hơn một chút, thì được thoát nạn, một chút xây xát.  Những người vô phước, không còn phước báo, thường gọi tới số, thì đã mạng vong.
 Chí công vô tư, là luật nhân quả. 
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:

 Chỉ có phước báo, mới có thể làm, giảm thiểu nghiệp báo. 

Nếu như chúng ta, phát tâm tu phước, tạo thêm phước báu, chúng ta thường làm, tất cả việc thiện, cứu người giúp đời, thường được gọi là: những việc "phước thiện".  Chẳng hạn như là: bố thí cúng dường, hùn phước cất chùa, tạo tượng đúc chuông, ấn tống kinh sách, đi chùa lễ Phật, vào chùa công quả, tham gia hoạt động, từ thiện xã hội, cứu trợ nạn nhân, thiên tai bão lụt, giúp đỡ người nghèo, bần cùng khốn khổ.  

Tuy nhiên cũng có, những người tu phước, thường hay mong cầu, phước báu trở lại, với bản thân mình, với gia đình mình, qua các dạng như: thới hên may mắn, tai qua nạn khỏi, giàu sang hạnh phúc, ăn nên làm ra, cửa nhà êm ấm, con cái thành tài, buôn may bán đắt.  Như vậy nghĩa là: mặc dù tu phước, người rất hiền lương, ăn hiền ở lành, việc ác không làm, chỉ làm việc thiện, nhưng mà tâm niệm, của người tu phước, chưa được quảng đại, còn hay vị kỷ, hơn là vị tha, chưa được thanh tịnh. 

Do đó cho nên, phước báu có được, rất là hạn chế, theo như tâm lượng, hạn hẹp của mình.  Khi không như ý, những người tu phước, thường hay nổi giận, bực bội bất an, tâm trạng hoang mang, làm cho nhiều người, mất dần tín tâm, bỏ theo ngoại đạo. 
* * *
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy:
"Nhược Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư bố thí.  Sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp bố thí.  Bồ Tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng.  Nhược Bồ Tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lượng" . 
Nghĩa là: nếu như chúng ta, không chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, và không chấp sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, mà thực hành hạnh bố thí, thì phước đức không thể nghĩ, không thể lường được. 
Nếu người tu phước, làm việc phước thiện, mà không vụ lợi, không tâm phân biệt, kỳ thị thân sơ, xuất xứ sang hèn, nam nữ sắc tộc, không mong cầu lộc, hay được báo đáp, không hề trông chờ, đền ơn đáp nghĩa, không hề thấy mình, là người làm phước, không thấy người khác, thọ nhận ơn phước, nếu làm như vậy, tạo được phước báu, vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn. Tại sao như vậy?  Bởi vì tâm lượng, của người tu phước, ngay lúc bấy giờ, trở nên quảng đại, vô cùng vô tận, cho nên phước báu, trở nên to lớn, vô lượng vô biên, tương ứng rõ ràng.  Trong lúc thực hiện, hành động tạo phước, lời nói tạo phước, ý nghĩ tạo phước, không hề nghĩ rằng: mình đang làm phước. 

Giúp đỡ người khác, chỉ vì tình thương, từ bi bác ái, lòng tốt tự nhiên, tâm bất vụ lợi, vì người quên mình, đó chính thực là: hành động tạo phước, cao thượng hạng nhứt, đem lại "phước báu", vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn. 

Chúng ta nên biết: chúng ta có phước, nếu như chúng ta, đầy đủ sức khỏe, lục căn hoàn bị, tay chân lành lặn, đi đứng tự nhiên, mắt mũi tinh tường, trí óc minh mẫn, sống trong hạnh phúc, gia đạo bình an, trên thuận dưới hòa, thuận vợ thuận chồng, con cháu ngoan ngoãn, hiền lành dễ dạy, cuộc sống bình yên, ít gặp sóng gió, ít có trắc trở, tai qua nạn khỏi, mọi việc suôn sẻ, mọi sự hanh thông, gặp được thầy lành, gặp được bạn tốt. 

Phước báu hơn nữa, nếu như chúng ta, gặp được chánh pháp, ngộ được chánh đạo, giác ngộ giải thoát, không còn trầm luân, sanh tử luân hồi. 
Người trí thực hành, hạnh nguyện bố thí, chẳng cầu báo ân, chẳng cầu lợi mình, chẳng vì giúp đỡ, cho kẻ bỏn sẻn, chẳng vì quả báo, sanh cõi nhơn thiên, giàu sang sung sướng, hưởng thụ dục lạc, chẳng vì danh tiếng, đồn đãi khắp nơi, chẳng vì có của, dư dùng không xài, chẳng vì bắt chước, làm theo người khác. 

Người trí thực hành, hạnh nguyện bố thí, chỉ vì từ tâm, giúp người cần đến, khiến người an vui, qua cơn khốn khó, bớt cơn phiền não, khiến cho người khác, sanh tâm bố thí, nhứt tâm hồi hướng, công đức phước đức, cho khắp muôn loài, pháp giới chúng sanh.  Làm được như vậy, trí tuệ khai mở, tâm niệm hòa bình, chúng sanh an lạc, mọi người hạnh phúc. 
Người thích bố thí, chẳng thích tu tuệ, sanh ra giàu có, nhưng tâm trí kém.  Người thích tu tuệ, chẳng thích bố thí, sanh ra thông thái, nhưng nghèo xác xơ.  Tuy nhiên rõ ràng, trong khi tu phước, nếu chúng ta làm, với tâm chính trực, bất tùy phân biệt, kết quả đồng thời, cũng có nghĩa là: chúng ta tu tuệ. 

Chẳng hạn như là: chúng ta thực hành, hạnh nguyện bố thí, với tâm đại từ, tâm bất vụ lợi, chúng ta được phước, đồng thời kết quả, tâm tham bỏn sẻn, dần dần giảm bớt, thiểu dục tri túc, biết đủ bớt tham, không còn phạm giới, không còn tạo nghiệp, tâm trí ổn định, dần dần thanh tịnh, trí tuệ phát sanh. 
Như vậy nghĩa là: thực tâm tu tập, tu phước tu tuệ, đồng thời kết quả. Nếu như chúng ta, tu tập tinh tấn, sẽ nhận thấy rằng: trong phước có tuệ, trong tuệ có phước.  Phước báu giúp ta, bớt gặp chướng ngại, trên đường tu tập.  Trí tuệ giúp ta, tu tiến nhanh thêm, chóng đến bến bờ, giác ngộ giải thoát, lai đáo bỉ ngạn. 
Tu tập nghĩa là: áp dụng giáo lý, ngay trong cuộc sống, luôn luôn nhớ nghĩ, sửa đổi tâm tánh, của chính bản thân, ngày một an hơn, ngày một vui hơn, cho đến một ngày, giác ngộ giải thoát. 
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
Hãy tự thắp đuốc, tự mình bước đi.
Thắp sáng trí tuệ, ngọn đuốc chánh pháp. 
 
Trí tuệ bát nhã, giúp đỡ chúng ta, thoát khỏi phiền não, giảm thiểu khổ đau, không ngoài giáo pháp, của Đức Thế Tôn.  Do đó chúng ta, phát tâm tu tập, nên học giáo lý, mở mang trí tuệ, mới tỏ chánh đạo, mới có chánh kiến, mới đặng chánh tín, tâm được thanh tịnh, tránh được tà đạo, tránh cảnh tu mù, lọt hầm sụp hố, từ bỏ tâm ma, đạt được giác ngộ, thấu rõ chân lý, giải thoát khổ đau, sống trong cảnh giới, niết bàn hiện tại, ngay trong cuộc sống, hằng ngày của mình.  Đó mới chính là: tu tuệ thực sự. 
* * 
Ở trong cuộc sống, thế gian hằng ngày, có nhiều cơ hội, có rất nhiều cách, có nhiều phương pháp, để cho con người, làm phước tạo phước, kiếm phước tích phước. Dù đó là phước: hữu lậu vô lậu, đều có công năng, giúp cho con người, có được cuộc sống, bình yên an ổn, ít đau khổ hơn, bớt đi phiền não, để tiến tới chỗ, giải thoát khỏi vòng, sanh tử luân hồi. Phước báu hữu lậu, do những việc làm, tạo sự an vui, thoải mái yên bình, ích lợi cho người, gặp lúc khó khăn, về mặt vật chất, hay về tinh thần.  Phước báu hữu lậu, còn có công năng, đem lại may mắn, tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, chuyện khó hóa dễ, hễ chịu làm phước, oan trái bớt đi, nghiệp báo giảm thiểu.  Người nào làm phước, với lòng ước mong, hưởng phước về sau, đó được gọi là: phước báu hữu lậu, vẫn còn trong vòng, sanh tử luân hồi.
Cha mẹ em bé qua đời hiến tạng của em cứu người
Phước báu vô lậu, do những việc làm, lời nói ý nghĩ, ích lợi cho người, nhưng đồng thời cũng, giúp chuyển hóa được, con người chính mình, thí dụ như là: bố thí cúng dường, tụng kinh niệm Phật, tư duy thiền quán, nghiên tầm kinh điển, tu tâm dưỡng tánh.  Người nào làm phước, với bốn tâm lớn: từ bi hỷ xả, tứ vô lượng tâm, lòng không cầu mong, hưởng phước về sau, chỉ chuyên cố gắng, tu tập tinh tấn, tiến dần đến chỗ: giác ngộ giải thoát, là phước vô lậu, vượt thoát khỏi vòng, sanh tử luân hồi. 

Phước báu hữu lậu, như tiền tiết kiệm, có khả năng giúp, con người giàu sang, sung sướng tấm thân, bình yên may mắn.  Hưởng phước báo này, có ngày cũng cạn, cũng dứt cũng hết.  Khi đó là lúc, con người sẽ phải, đền trả nghiệp báo, đã tạo trước kia, trong lúc giàu sang, quyền uy thế lực, tạo nhiều nghiệp ác, quên mất việc thiện, tu nhơn tích đức. 
Chúng ta từng thấy, các vị quyền uy, ông vua bà chúa, hoàng hậu thái phi, hoàng tử công nương, tổng thống thủ tướng, bộ trưởng toàn quyền, các nhà giàu có, trưởng giả cao sang, danh vang tột đỉnh, thế lực quyền quí, lãnh tụ chính trị, lãnh tụ tôn giáo, khi hưởng hết phần, phước báo hữu lậu, họ phải chịu nhiều, tai nạn khổ ách, tán gia bại sản, thân bại danh liệt, thậm chí có thể, mất mạng thê thảm, không ai thay được, ở nơi hoàng cung, hay trên xa lộ, hoặc dưới biển sâu, hay trên núi tuyết! 

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
"Con người khi nào, đang hưởng phước báo, cũng như mũi tên, bắn lên không trung.  Mũi tên bay lên, rất nhanh rất mạnh, cũng như con người, gặp được mọi sự, may mắn tốt đẹp. 

 Đến khi phước hết, con người bắt đầu, đền trả nghiệp báo, ví cũng như là, mũi tên hết trớn, thì rơi xuống đất, cũng nhanh như vậy". 
Đó chính là nghĩa: phước báu hữu lậu.
Bởi vậy cho nên, ở trong kinh sách, Đức Phật có dạy: chúng ta làm phước, đừng có mong cầu, hưởng phước về sau, mà nên phát nguyện: đời đời kiếp kiếp, đầy đủ phước duyên, gặp được chánh pháp, gặp được thầy lành, gặp được bạn tốt, giúp đỡ trợ duyên, tu tâm dưỡng tánh, cho đến cái ngày: giác ngộ giải thoát. 
Đó chính là nghĩa: phước báu vô lậu. 
* * *
Tóm lại nên biết, trong khi tu phước, đồng thời tu tuệ, mỗi ngày một tiến, nhứt định không lùi, con người cảm nhận, an lạc hạnh phúc, ở trong tầm tay, ngay trong hiện đời, đi đứng nằm ngồi, sinh hoạt hằng ngày, không tìm đâu xa, không đợi kiếp sau, vãng sanh cực lạc, hoặc lên thiên đàng. 

Tu tập nghĩa là: áp dụng giáo lý, vào trong cuộc sống, hằng ngày của mình, giữ thân khẩu ý, luôn luôn thanh tịnh.  Ngay trong cuộc sống, nếu như chúng ta, sinh hoạt bình thường, đi đứng nằm ngồi, tất cả hành động, lời nói ý nghĩ, đều thể hiện được, tứ vô lượng tâm: từ bi hỷ xả, tâm không phiền não, an nhiên tự tại, an vui tu tập, sống trong chánh niệm: niệm Phật niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm, tức là chúng ta, đạt được phước báu, trí tuệ viên mãn. Tu đúng như vậy, chúng ta đạt tới, niết bàn giải thoát, không còn trầm luân, sanh tử luân hồi.  Tam bảo thường trụ, phước tuệ lưỡng toàn.  Kinh sách có câu: 
"Phước Tuệ lưỡng toàn, thì phương tác Phật". 

Nghĩa là chúng ta, muốn được làm Phật, an nhiên tự tại, thì phải tu phước, tu tuệ song song, đều đặn như nhau. Ví như con chim, phải đủ hai cánh, mới có thể bay.  Chư Phật là bậc "PHƯỚC TRÍ NHỊ NGHIÊM", phước báu trí tuệ, thảy đều trang nghiêm, chính nghĩa như vậy. Chư Tăng thường được, mọi người xưng tán, là bậc "TÔN TÚC", nghĩa là các ngài, là bậc tu hành, đáng tôn đáng kính, bởi vì đầy đủ: phước báu trí tuệ,Tu Phước và Tu Tuệ.   
THƯA HỎI PHẬT PHÁP PHTQ
From: nha khanh

Kính thưa Thầy,

Con cám ơn lời chỉ bảo của Thầy rất nhiều. Ngày nay người Phật tử thật khốn khổ,
nhất là những người mới tìm hiểu và tin Phật, không phân biệt được thực hư, giả thiệt trong các hoạt động của các chùa.Thời đại internet có tiện ích nhiều, nhưng cũng có tác hại không lường trong việc truyền Pháp.
Đôi khi có người chuyển tải hình ảnh cúng kiếng nhẩy múa làm con hoang mang. 
Thông tin truyền bá đã dùng những danh từ có tính cách không thanh thoát, để công kích nhau, con đọc rất là khó chịu. Con muốn tìm những huớng dẫn để mình có thể công phu hàng ngày nhưng đạt 2 điểm:
 
1. Lời kinh bằng tiếng quốc ngữ hiện nay,
để dễ hiểu và dễ áp dụng vào đời sống của người tu tại gia.
2. Vì đời sống của người cư sĩ tại gia
còn bề bộn nhiều trách nhiệm đối với gia đình và xã hội,
nên không có đủ thời gian để hành trì các thời khóa như các tu sĩ.


nhã khanh




Kính quí ĐH Nhã Khanh,

Bàn tay, đồng tiền hay tờ giấy luôn luôn có 2 mặt, không thể tách rời được.

Cũng vậy, chuyện đời cũng như chuyện đạo, luôn luôn có 2 mặt.

Có người thiện, cũng có người bất thiện.

Trong tâm của một con người, có lúc nghĩ thiện (lợi mình lợi người),

cũng có lúc nghĩ bất thiện (lợi mình hại người).

Khi tâm chưa bình an, dù ở nơi chốn nào cũng có điều bất như ý.
Trong các sinh hoạt nhà chùa, dĩ nhiên có nhiều điều hay tốt,
cũng có lắm điều gạt gẫm, không tốt.
- Tại sao?
- Bởi vì tăng chúng đâu phải ai cũng tốt, cũng chân tu thực học tất cả đâu.
- Phải nói, một số không ít tăng ni phát tâm cạo tóc,
nói là muốn tu,
nhưng không học hiểu giáo lý và thực hành lời Phật dạy
ngay trong đời sống hàng ngày.
Do đó, đa số tăng ni chỉ biết tụng lóc cóc leng cheng kiếm sống,
nói chuyện trên trời, dưới biển,
thần thánh hóa bản thân,
chuyện tu hành chẳng biết lẽ đúng sai, không phân biệt chánh pháp và tà pháp.
Người Phật tử, do đó, phải biết tự tìm học, đi chùa đúng chánh pháp,
tìm hiểu sự việc trước khi thực hành việc tu tập.
Chớ vội nghe theo, hay thần tượng bất cứ nhà sư nào,
giữ tâm không thành kiến, y pháp bất y nhân.
Phải dùng trí tuệ xem xét lời giảng có đúng chánh pháp chăng?
- Thế nào là đúng chánh pháp?
- Phải tự thắp đuốc mà đi
- nghĩa là tự lực từ bỏ tham sân si, mới thực là tu.
- Phải hiểu rõ mọi việc trên đời không ngoài nhân quả, không tồn tại vĩnh viễn.
- Không ai có thể cứu được mình
- kể cả đức Phật khi còn tại thế cũng không cứu được các đại đệ tử
khi nghiệp báo xảy đến.
Huống là ngày nay, chúng ta van xin cầu khẩn với tượng Phật,
có được gì đâu,
có gì là linh thiêng đâu?
- Nhà sư chết còn chưa biết đi về đâu - siêu hay không siêu -
làm sao cầu cho người khác siêu được?
- Đừng đợi khi chết rồi, thỉnh sư, mời cha, đến cho đông, cầu cho nhiều,
chỉ có tiền mất - tật vẫn mang!
- Chỉ có chính mình cứu được mình thoát khỏi sanh tử luân hồi mà thôi.
- Bằng cách nào?
- Học hiểu và Thực hành lời dạy của đức Phật
ngay trong đời sống hàng ngày,
luôn luôn quán sát xem tâm niệm của bản thân
sáng suốt chăng,
chân chánh chăng,
thanh tịnh chăng.
Sáng Suốt
Chân Chánh
Thanh Tịnh
chính là
TỰ TÂM TAM BẢO,
chẳng phải đi tìm bên ngoài hay ở đâu xa.
Tìm bên ngoài, thường gặp
Phật giả
Pháp giả
Tăng giả.
Vài hàng đơn giản kính mong quí Đạo Hữu luôn tinh tấn,
mong rằng hôm nay mình tiến bộ hơn hôm qua.
Kính thư,
BBT.PHTQ.CANADA


Chuyện Trong Đời

- Thưa Thầy, xin Thầy từ bi chỉ dạy làm sao để con người cảm nhận được hạnh phúc trên đời này, dù cuộc đời quá nổi trôi, đầy sự bất như ý.
- Con người thường có đủ 3 tâm: tham, sân và si.
Khi tâm tham nổi lên, con người cảm thấy thiếu thốn, chưa đủ, muốn thêm, dù cho nhiều người đã có tiền rừng bạc biển trong tay. Có nhiều người mãi mê chạy theo lợi và danh cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa thấy đủ.
Cho nên, con người muốn cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống cần phải biết đủ (tri túc).
Sách có câu:

          Tri túc tiện túc

        đãi túc hà thời túc.

Tạm hiểu:

          Biết đủ thời đủ

          đợi đủ khi nào đủ.

Nghĩa là: Khi nào đủ ăn, đủ mặc, không đói rách, con người thấy biết là đủ thì ngay khi đó có hạnh phúc. Với tâm tham, đợi kiếm thêm nhiều nữa mới cho là đủ thì khó hưởng hạnh phúc vì sẽ không bao giờ cho là đủ.
 
Có lời khuyên: Trong đời con người nên nhìn xuống sẽ cảm nhận hạnh phúc, vì có biết bao nhiêu người khác không bằng mình. Lúc đó con người sẽ phát tâm cứu người giúp đời, tạo phước báu. Nếu con người nhìn lên sẽ thấy có biết bao nhiêu người hơn mình, cho nên không cảm nhận được hạnh phúc.  

Tóm lại, khi tâm cảm thấy biết đủ, con người sẽ cảm nhận được hạnh phúc ngay trong tầm tay.


Khi tâm sân hận nổi lên, con người cảm thấy bị xúc phạm bị khinh khi, bèn khởi tâm trả đủa trả thù, cho nên không cảm nhận được hạnh phúc. Muốn dẹp bỏ tự ái hay giảm bớt tâm sân hận, con người cần quán chiếu đó chính là bản ngã. Bản ngã chính là nguồn gốc của phiền não khổ đau trên đời, sao có thể cảm nhận được hạnh phúc?

Tóm lại, muốn cảm nhận được hạnh phúc, con người cần nên quán chiếu biết đủ và tập sống theo vô ngã (dẹp bỏ tự ái xằng). Dĩ nhiên như vậy là sống ngược không theo dòng đời thường.[]


Chuyện Trong Chùa

- Thưa Thầy, có vị sư tu hành từ nhỏ, khoảng 7 tuổi, hay 7 tháng tuổi, gọi là đồng chơn xuất gia. Có vị sư xuất gia tu hành khi đã trưởng thành, khôn lớn, có trí tuệ, có học thức, có địa vị, có gia đình gọi là bán thế xuất gia. Vị sư nào đáng kính hơn, có ích lợi lớn cho việc hoằng dương chánh pháp hơn?
- Chuyện trong đời cũng như chuyện trong đạo, luôn luôn có 2 mặt và tùy theo nhiều yếu tố, chứ không thể kết luận vội vàng được. Vị sư đáng kính là một vị sư chân tu thực học, có đức độ, làm nhiều lợi ích lớn nhỏ cho việc hoằng dương chánh pháp và phổ độ được nhiều bá tánh giác ngộ chân lý, không phân biệt vị đó xuất gia ở độ tuổi nào và lý do gì đi xuất gia.
Đối với các vị xuất gia từ thuở ấu thơ, chưa nhuốm bụi trần, đó là cái phước lớn, nhân duyên thiện lành. Vị sư đó có thuận điểm là tu hành được lâu năm, nhiều năm hơn so với các vị sư khác cùng tuổi tác. Do đó theo tâm lý chung, người đời kính trọng các vị sư này hơn.

Tuy nhiên có nhiều vị thực ra bị quăng vô chùa từ thuở nhỏ vì không biết cha mẹ là ai, con vô thừa nhận, con mồ côi, con nhà nghèo nuôi không nổi, con chạy loạn lạc chiến nạn. Các vị này lớn lên có muốn ra đời cũng không kiếm sống được, cho nên ở lì trong chùa cả 100 năm, sống lâu lên lão làng, hận người thù đời. Các vị này tâm địa vô cùng tàn nhẫn, độc ác đối với mọi người, ngay cả với đệ tử. Bề ngoài các vị này rất nghiêm trang, đạo mạo, cho nên gạt gẫm vô số người, khó nhận ra.

Đối với các vị bán thế xuất gia, tự quyết định việc tu hành khi tuổi trưởng thành. Nhiều vị trở thành rường cột của thiền lâm, lịch sử ghi chép đầy đủ công hạnh của các vị đại sư, tổ sư này. Tuy nhiên, cũng có nhiều vị thất bại công danh, gãy đổ tình duyên, tìm nương náu cảnh chùa. Có vị cũng thành những vị sư hiền đức. Cũng có nhiều vị ghét người hận đời, vô chùa trả thù.
Tóm lại, khó nói trọn vẹn tất cả các trường hợp. Ai ăn nấy no ai tu nấy chứng.[]


Tập san PHTQ số 28 Phật Đản 2015 phát hành 1.6.2015

THÔNG BÁO
PHẬT HỌC TỊNH QUANG KÊU GỌI ẤN TỐNG KINH SÁCH

Văn Phòng Phật Học Tịnh Quang trân trọng kêu gọi quí vị thân hữu, đạo hữu hảo tâm gần xa hùn phước và giúp đỡ việc ấn tống kinh sách hữu ích cho quí Phật tử tại gia tu học trong năm 2015. 
Tập san PHTQ 28 (Đại Lễ Phật Đản)  đang được in và sẽ phát hành miễn phí vào tháng 6-2015. 
Văn-Phòng Phật-Học Tịnh-Quang Canada ấn tống và phát hành miễn phí 
Tập san Từ Bi & Trí Tuệ, 3 số mỗi năm, vào các dịp sau:
      Tết Nguyên Đán,
      Đại Lễ Phật Đản,
      Đại Lễ Vu Lan.
 

Quí vị có thể nhận miễn phí nơi các chùa, các tòa soạn báo, các Bác sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ hay các cơ sở thương mại tại Toronto, Brampton, Hamilton, Montréal. Phố Tàu Toronto số lượng nhiều nhất tại tiệm Tạp Phong 360 Spadina Ave.


Quí vị muốn nhận tập san qua bưu điện xin ủng hộ cước phí, gửi về địa chỉ sau đây:




Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ 

Chủ-Nhiệm PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
108 - 123 Railroad St.,
Brampton, ON, L6X-1G9, Canada.

Tel: 647-828-1016


Kính thư,



LỜI HAY Ý ĐẸP
Đừng tìm kiếm nơi vẻ đẹp bề ngoài; chúng có thể đánh lừa bạn.
Cũng đừng tìm kiếm nơi của cải vật chất; vì ngay cả những thứ đó rồi cũng sẽ ra đi.
Hãy tìm kiếm người có thể khiến bạn mỉm cười,
Vì chỉ cần có nụ cười thì ngày ảm đạm cũng trở nên tươi sáng.
Hãy tìm người có thể khiến trái tim bạn mỉm cười 

LIFE
The photos are great, but the philosophy is even better!
CUỘC SỐNG
Các bức ảnh thật tuyệt vời, nhưng những bài học từ cuộc sống còn tuyệt vời hơn nữa!

Đâu là giá trị chân thật của con người?
TK Thích Chân Tuệ


Trong khi bàn về vấn đề giá trị của con người, thông thường người ta có thể xem xét về hai phương diện: vật chất và tinh thần
Về phương diện vật chất, người đời thường đánh giá cao những con người ăn mặc lịch sự, sang trọng, đúng thời trang, những con người sống trong những ngôi nhà cao, cửa rộng, những tòa biệt thự đồ sộ, nguy nga, tráng lệ, những con người đi trên những chiếc xe hơi lộng lẫy, đắt tiền, đầy đủ tiện nghi, những con người rộng rãi, hào phóng, xài tiền như nước. 
Bên cạnh đó, người đời cũng thường đánh giá cao những con người có sắc đẹp quyến rủ, những con người dung mạo tuyệt trần, những con người có thân hình lực lưỡng, cân đối, những con người khỏe mạnh, tráng kiện, những con người có uy quyền, có thế lực, có danh vọng, những con người có địa vị trong xã hội, những con người có tài sản kếch sù, những con người có nhiều cơ sở làm ăn, buôn bán, kinh doanh khắp nơi, những con người hét ra lửa mửa ra khói, những con người tiền hô hậu ủng, những con người có kẻ ăn người ở, có kẻ hầu người hạ, phục dịch trong ngoài, những con người có sức mạnh vô địch, những con người có võ công tuyệt luân
********************************


Những con người như vậy sở dĩ được đánh giá cao, bởi vì đó là mục tiêu nhắm đến, là niềm mơ ước đạt được của hầu hết mọi người nam nữ, già trẻ, lớn bé, trên thế gian này. Bằng đủ mọi cách, mọi thứ, mọi phương pháp, mọi phương tiện, mọi mưu mô, mọi kế sách, mọi thủ đoạn, mọi chiến thuật, mọi chiến lược, mọi sách lược, con người trên thế gian này đều chỉ mong đạt được, đoạt được những điều mơ ước đó, dù có phải chà đạp lên sanh mạng hay nhân phẩm của người khác hay nhiều người khác. Lắm khi con người bất chấp sanh mạng và tiền đồ của cả một dân tộc, hay của cả nhân loại trên quả địa cầu này, chỉ vì những tiêu chuẩn giá trị trên đây. Thật thảm thương thay! 




Con Chim Trong Bàn Tay


Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Ngày xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện
và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.
Một hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử
từ trên núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông.
Anh tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. Anh đặt câu hỏi như sau: "Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?".
Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra.
Nếu ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.

Sau một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau: "Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết".

Suy Ngẫm

Trên đời này, chuyện gì cũng có hai mặt. Bàn tay cũng có hai mặt. Đồng tiền, tờ giấy cũng có hai mặt. Tâm con người cũng có hai mặt: chân tâm và vọng tâm. Hành động lời nói ý nghĩ của con người cũng có hai mặt: thiện và bất thiện (ác). Cuộc đời cũng có hai mặt: hạnh phúc và khổ đau.

Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn là hưởng nếm hương vị chính hạnh phúc đang trong tầm tay của chúng ta.
Hạnh phúc ấy còn hay mất tùy ở mỗi người chúng ta, tùy sự hiểu biết và cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày với tất cả mọi người chung quanh.
Chúng ta được hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta quyết định, không do bất cứ ai, bất cứ thánh thần thiên địa nào ban cho.
- Tại sao vậy?
- Bởi vì, nếu thực có đấng nào đó có quyền năng ban phước cho - tại sao không ban cho ai khác, lại ban cho mình. Mình có xứng đáng được hưởng hơn người khác chăng? Suy nghĩ ban phước cho chính mình như vậy, chỉ vì cái bản ngã, ích kỷ, không vị tha, làm sao có được hạnh phúc?

Hạnh phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là chúng ta quên mình vì người, cứu đời giúp người, dù cho hoàn cảnh thế nào vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc.

Ý thức được sự xả kỷ vị tha, quên mình vì người trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ có được niềm vui hạnh phúc đích thực do chính mình quyết định, chính mình làm chủ, không làm nô lệ.

BBT.PHTQ.CANADA


Sent: Wednesday, June 27, 2012 11:41:18 AM
Subject: Re: [DiendanDanToc] HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY - HẠNH PHÚC DO CHÍNH CON NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH

Kính Tỳ Kheo Thích Chân Tuệ,
Trên những Diễn Đàn này, Tỳ Kheo luôn cho những bài học quí giá.
Nhân bài học này, tôi xin kính gửi Tỳ Kheo và quí bạn đọc 
một bài đọc ngắn và bài Thơ có ý nghĩa tương tự sau đây để quí vị nhàn lãm.
Kính chúc Tỳ Kheo và quí vị  thân tâm an lạc.


   
  

BIỂU TƯỢNG ĐÈN HOA SEN PHẬT ĐẢN

TKN Thích Nữ Chân Liễu



Ban ngày trời chiếu sáng

Ban đêm trăng chiếu sáng

Như hào quang Đức Phật

Chói sáng cả ngày đêm.

**

Đèn hoa sen chiếu sáng

Người trí tuệ sâu xa

Như trăng khỏi mây mù

Soi sáng khắp nhân gian.



Hằng năm, mùa Phật Đản đèn hoa sen được thắp sáng khắp nơi trên đường phố toàn thế giới. Trong đó gồm có Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Nepal, Trung Quốc, Thái Lan cùng các quốc gia đông Nam Á khác. Lễ hội với những lồng đèn rực rỡ, ngoài việc thể hiện nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Phật giáo và niềm hân hoan hạnh phúc mừng Đấng giác ngộ ra đời. Những người con Phật còn phải tự nhắc nhở tri ân và luôn củng cố niềm tin sáng suốt đầy trí tuệ vào giáo Pháp từ bi bình đẳng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó chính là ý nghĩa toàn mỹ trong dịp kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Từ Phụ, vị Phật giác ngộ và giải thoát chúng sanh ra khỏi biển khổ sông mê.



BẰNG CON TIM VÀ MỘT TẤM LÒNG

Sống trong nhân gian xuất gia hay tại gia và còn có rất nhiều hình tướng, giai cấp, trình độ, tùy hoàn cảnh, tùy phước duyên tu học, tùy căn cơ mà xiển dương chánh pháp. Bằng con tim chân thành và một tấm lòng bao dung con người có thể giải quyết được vấn đề nan giải trong gia đình, bức xúc trong tình cảm, nỗi tuyệt vọng áp bức, bất công, xung đột, tranh chấp trong cuộc sống. Thiền môn cũng là nơi người Phật tử trở về nương tựa, tịnh tu, gởi gấm niềm tin hy vọng và tìm được những phương pháp xoa dịu nổi đau tâm linh, giải quyết đau khổ mà họ đang gánh chịu.



Trong một mùa Phật đản, Chư Tăng Ni đưa Phật tử đi thăm một cảnh Đức Phật thành đạo trong khu vườn xung quanh chùa. Cảnh được diễn tả là một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi ở gốc cây bồ đề đang tọa thiền, cùng trong cảnh có ba tượng người nữ rất đẹp đang múa. Hai người Phật tử nhìn tượng ba cô gái, người thứ nhất buộc miệng khen:

-      Ồ ba cô tiên đẹp thật !

-      Tiên gì mà đẹp chứ? Không biết đừng có nói bậy! Là ba con ma nữ phá Phật đó! Đọc thêm giáo lý đi bà ơi!

-      Đẹp thì tôi nói đẹp có sao đâu? Bà giỏi dữ hén?



Qua lời đối đáp của câu chuyện trên chúng ta thử suy ngẫm. Trong khi Đức Phật chứng Niết Bàn, quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác từ lâu xa rồi, tại sao vẫn còn quá nhiều chúng sanh chìm đắm trong luân hồi, vậy Ngài đã dạy những gì? Chúng ta thực hành được nhiều hay ít trong tu tập? Hay chỉ là dùng Phật Pháp để hơn thua, được mất, danh và lợi?



Đúng sai không chấp thủ

Thương ghét khéo lìa xa

Thấu suốt từ vô ngại

Thân nầy là thân chót

Bậc đại trí đại nhân

Không nhiễm lụy pháp nào

Ái diệt tự giải thoát

Nhờ vậy chứng Niết bàn.

(Kinh Pháp Cú)



Thuốc không có hay dở mà chữa được bịnh là thuốc tốt. Pháp không có cao hay thấp mà Pháp nào đem lại an lạc hạnh phúc và chữa được tâm bịnh là Chánh pháp. Không có gì là khó để tìm được ánh sáng Phật pháp, nếu thấy rằng đời người rất ngắn, tự mình cố gắng xua tan bóng đêm trong tận cùng thâm tâm. Bóng đêm càng lớn, con người càng nhỏ bé và một ngày nào đó sẽ bị nhấn chìm vào địa ngục đau khổ.



THÚC LIỄM THÂN TÂM

- Khi đang tu tập, con người còn sống trong cảnh giới tương đối nên tâm còn động. Từ lời nói, suy nghĩ, hành động chỉ theo bản tánh vui buồn, hờn giận, khi thương khi ghét. Như vậy, rõ ràng là tâm động. Tâm động thì còn trong cảnh giới luân hồi. Vẫn biết giữa đời thường có tốt có xấu, tâm thường bị lòng đố kỵ chi phối, thấy cái xấu của người thì dễ, ít thấy được cái tốt, như lòng bàn chân úp xuống mặt đất khó nhìn thấy được. Khi hành động, lời nói có sự suy nghĩ và trí hiểu biết, chứ không vì bị ép buộc hay thành kiến, nguy hiễm nhất là tâm sân hận đưa tới sự hối hận muộn màng.



Tùy trình độ giác ngộ tu tập chuyển nghiệp, do đó nhiệm vụ nặng nề của người Thầy là dẫn dắt chúng Phật tử, thức tỉnh họ trong khi còn sống là còn cơ hội, khi bỏ thân xác này thì đã trể rồi. Mọi người đều phải đối diện với nghiệp tốt xấu đã tạo trong suốt cuộc đời, mà thọ lãnh quả báo (gieo giống nào thì gặt quả đó).

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, người tu vào được cảnh giới tự tại sáng suốt, cũng có nghĩa là lúc bấy giờ tâm giống như Chư Phật, luôn luôn sống trong chánh định chánh giác, lời nói suy nghĩ hành động đều thanh tịnh. Không có tham vọng hay mong cầu ích kỷ riêng tư, không còn phiền não, dứt trừ được tam độc tham lam, sân hận, si mê. Từ giác ngộ đi đến mục tiêu giải thoát sanh tử đau khổ là cứu cánh chân thật của đạo từ bi trí tuệ.



- Khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca đã trải qua những tháng năm tu tập và giác ngộ ngay dưới cội cây bồ đề, trên thế gian này và theo lịch sử ghi chép lúc đó Ngài 35 tuổi. Vị sa môn Cồ Đàm sau khi chứng đạo thấy được tam thiên đại thiên vô số thế giới trong sáu cõi (thiên, nhân, atula, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh) và hiểu rõ vô thường, nhân quả, sanh lão bịnh tử chi phối sáu cõi đau khổ trong sanh tử luân hồi. Danh từ Niết bàn là trạng thái của tâm Phật ở hiện tại lúc còn sống, không phải sau khi chết mới thấy được. Tự tại hoàn toàn - Tâm tỉnh lặng - Chính là niết bàn.

Mong muốn được trạng thái tâm sáng suốt trí tuệ như Chư Phật, ngoài việc làm phước để trưởng dưỡng lòng từ bi, chúng ta còn phải cố gắng học hiểu giáo lý của Đạo Phật một cách tường tận, rồi áp dụng vào đời sống hằng ngày. Hãy đem ngọn đuốc trí tuệ của mình mồi với ngọn đuốc Chánh Pháp, để được Niết bàn an lạc giải thoát và được hạnh phúc ngay hiện đời.



Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.

(Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh).



Đức Phật sống trọn cuộc đời, trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc, tự tại và giải thoát, dù cho cuộc đời cũng gặp những sóng gió khó khăn, nhưng Đức Phật không cảm nhận phiền não và khổ đau như tất cả chúng sanh khác. Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được các bậc truyền nhân chân tu thật học, chân chính rao giảng khắp nơi trên thế giới. Tấm lòng vị tha vô ngã, vô chấp, vô phân biệt của những bậc xuất gia trưởng tử Như Lai, là cố gắng đem chánh pháp thức tỉnh chúng sanh giác ngộ, mong họ sớm xa rời tà kiến, mê tín, xem nhẹ danh lợi và buông bỏ được lòng tham lam ích kỷ từ nhiều đời nhiều kiếp.



"Trên đời này, không có sự ghen tị tranh đấu chính là từ bi, không phân biệt cao thấp, hay dở chính là trí khôn, không nghe thấy đàm tiếu chính là sự thanh tịnh, không nhìn thấy hơn thua là tự tại, không tham vọng chính là bố thí, từ bỏ ác là hành thiện, sửa đổi chính là sám hối, nhún nhường là lễ Phật, tha thứ là sự giải thoát".





BIỂU TƯỢNG ĐÈN HOA SEN

Tâm là vô thường, thay đổi khi tối khi sáng. Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Người tu không có ích kỷ, không cố chấp, không cầu danh lợi, sống trong bao dung và tha thứ đó là hương thơm của hoa sen biểu tượng của từ bi. Ngọn đèn trí tuệ thắp sáng trong hoa sen là người tu biết thiện ác, chánh tà, đúng sai, nhưng không có sự phân biệt. Tâm trong sáng như gương, khéo léo hành sử, tán dương thiện xa lìa ác chứ không khinh chê, cũng không phân biệt đối xử yêu hận trói buộc.



Trí tuệ và lòng từ bi giúp cho hành giả trên đường tu giữ được tâm chân chánh, thanh tịnh và sáng suốt. Tự giác ngộ rồi thì ly tham, ly sân và si mê, chấm dứt được giải thoát. Sự hạnh phúc an lạc không do ai ban tặng hay do cầu xin mà được, mà do ở bản thân của mỗi người tự tu, tự chuyển đổi, luôn luôn chánh niệm thanh lọc tâm thật trong sạch và chánh định (thanh tịnh). Biểu tượng hoa sen là hương thơm đức hạnh người tu có niềm tin đúng chánh pháp, trên đường hành đạo có lòng từ bi cao thượng và tuệ giác sáng suốt như Chư Phật. Ngọn đèn chiếu sáng bên trong tượng trưng người tu thoát ra khỏi bóng đen tâm tối của vô minh trong sanh tử và đạt được giác ngộ và giải thoát.



Câu chuyện giáo lý cần suy ngẫm như sau:

Có một anh mù, đến thăm người bạn, đến lúc trời tối mới ra về. Người bạn đưa cho cây đèn. Anh mù bèn nói không cần, bởi vì đối với anh, trời sáng cũng như tối, ban ngày cũng như ban đêm, không có gì khác, không phân biệt được gì cả. Người bạn khuyên hãy cầm cây đèn, để người khác thấy mà tránh. Anh mù nghe có lý bèn nhận cây đèn và ra về, trên đường về, anh đụng phải một người đi đường. Anh mù bèn la lên: bộ không thấy cây đèn tôi đang cầm đây hay sao? Người kia đáp: Cây đèn của anh đã tắt từ lâu rồi!



Thế mới biết chúng ta cần cây đèn của chính chúng ta, để giúp chúng ta tai qua nạn khỏi, để giúp chúng ta giác ngộ và giải thoát khỏi vòng trầm luân, sanh tử luân hồi. Cây đèn do người khác trao cho, có khi không được hữu dụng. Cây đèn luôn luôn hữu dụng đó phải là cây đèn của chính chúng ta. Cây đèn đó chính là trí tuệ bát nhã của tất cả mọi người tu cần phải có.

ĐÈN HOA SEN biểu tượng niềm tin

Hạnh phúc thay, Đức Phật Đản Sanh

Hạnh phúc thay, Chánh Pháp trường tồn

Hạnh phúc thay, Tứ chúng đồng tu

Hạnh phúc thay, thiên hạ thái bình.



Kính chúc quí vị an lạc và hạnh phúc trong giới pháp của Chư Phật. Mùa Phật Đản hãy cùng nhau sám hối, cùng nhau thứ tha, giải bớt nỗi oan khiên nghiệp báo, xoa dịu thống khổ của kiếp người, cho nhau niềm yêu thương, xóa tan thù hận, có được sự cảm thông và hiểu biết, sớm thoát ly biển sanh tử luân hồi. Nguyện cùng tất cả chúng sanh trong pháp giới đều trọn thành Phật đạo. []



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

TKN Thích Nữ Chân Liễu




NHƯ     
Như một chiếc lá thu
Như một cơn gió thoảng
Như một giọt sương mai
Như một giấc mơ qua
Như một làn mây mỏng
Như một đóm lửa tàn
Như một thoáng ảo giác
Như một vì sao băng.
Đời vô thường tựa bọt nước mong manh,
Được mất thành bại hóa hư không.
(Thơ Viên Phụng) 30.12.2010

 
Ý NGHĨA CÚNG HOA, HƯƠNG, ĐÈN
HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI
MUỐN TU THÌ PHẢI HỌC
TỘI VÀ NGHIỆP
BAT CHÁNH ĐẠO
PHẬT DẠY CÁCH TRỊ M Ê TÍN
CHÁNH NGỮ - TU THEO ĐẠO PHẬT
SUỐI NGUỒN BÌNH ĐẲNG TÁNH