CÁCH XƯNG HÔ TRONG PHẬT GIÁO
(cuối trang)
Kính mời tham khảo
http://phtq-canada.blogspot.com/2011/05/cach-xung-ho-trong-phat-giao-phtq-so-16.html
http://phtq-canada.blogspot.com/2011/09/ai-chi-bo-tat-canh-hoa-sen-mau-xanh.html
http://phtq-canada.blogspot.com/2021/07/cach-xung-ho-trong-phat-giao-viet-nam.html
http://phtq-canada.blogspot.com/2022/02/cach-xung-ho-trong-phat-giao.html
(Thời mạt pháp)
Tác giả: Đinh Lâm Thanh (France)
Văn hóa truyền thống dạy cho người Việt chúng ta kính trọng các bậc tu hành, vì những vị tu hành là những người đã dứt khoát trần tục, từ bỏ giàu sang danh vọng phú quý để tìm con đường tu thân, và từ đó, dẫn dắt người đời đến một cuộc sống thánh thiện, chân thiện mỹ…
Sở dĩ chúng ta trọng những người tu hành vì
những vị nầy đã trở thành những kẻ hơn người. Họ đã từ bỏ được ba cái tầm
thường Tham Sân Si của giới phàm tục. Như vậy, những ai một khi quyết
định xa gia đình, dứt bỏ phú quý danh vọng để tự nguyện trở thành kẻ phục vụ
chúng sinh, lấy đức bác ái, tinh thần từ bi hỷ xả làm lý tưởng để lo cho
đời sống tâm linh con người, đồng thời chấp nhận làm kẻ thấp hèn trong xã hội
cũng như quên mình để hiến dâng cho lý tưởng, thì đều được xã hội quý
trọng.
Người Việt chúng ta rất sùng đạo, đó là vấn đề rất tốt.
Nhưng hành động trọng cha, kính thầy một cách quá đáng, có thể nói rằng đi đến lố bịch của một số con chiên, phật tử đã làm hư các thầy các cha, đồng thời biến các vị tu hành thành Phật, thành Chúa, là thần thánh oai nghiêm và quyền uy vô lượng chứ không còn là những kẻ tu hành hèn mọn, mà những vị nầy đã tâm nguyện dâng hiến cuộc sống để trọn đời phục vụ phật tử, tín đồ cũng như con chiên.
Những hình ảnh chấp tay cúi đầu: “con lạy thầy, con lạy cha" làm cho các nhà tu hành quên hẳn vai trò một nhà sư, một cha xứ đạo... để rồi những vị nầy tự ban cho mình cái quyền linh thiêng, đại diện Phật, Chúa ban phát ân huệ cho chúng sanh, con chiên và bắt người phàm tục phục dịch cho mình.
Hình ảnh và thái độ của thầy cha ngày nay thường bị hư hỏng và đôi lúc trịch trượng hỗn láo xấc xược vô giáo dục bởi hai lý do:
Trước hết là số người người sùng đạo có thái độ tôn trọng cha thầy một cách quá đáng: việc gì của thầy của cha làm đều tốt đều đẹp, lời thầy lời cha nói gì nghe cũng hay cũng phải.
Thứ đến là một số tín đồ, giáo hữu cò mồi dựa vào tôn giáo để làm chính trị cũng như kinh doanh, họ bám sát vào thầy vào cha, nhà chùa, nhà thờ, đánh trống thổi kèn, chấp tay lạy sống thầy, cha khúm núm trình thưa như đang đứng trước mặt quan quyền vua chúa ngày xưa...
Hành động nầy chẳng những đưa "cái
tôi" của thầy cha lên tận mây xanh, do đó, những cái tầm thường xấu xa
trong lòng các vị tu hành đã không diệt được mà còn được bơm lên thì Tham Sân
Si trong lòng các vị tu hành càng ngày càng lớn hơn những người phàm tục
nữa.
Như vậy tu hành đã không đạt được kết quả… mà một khi cái Tham Sân Si trong các
vị tu hành thường xuyên bị dồn nén thì sẽ bộc phát dữ dội.
Nên nhớ rằng, các nhà tu hành một khi đã đi lạc đường, thì cái Tham Sân Si sẽ quậy tới bến còn hơn những người phàm tục.
Cá nhân tôi là người trong cuộc và đã chứng kiến tận mắt hai trường hợp, từ đó lòng tôi mất đi rất nhiều kính trọng đối với một số vị tu hành:
Trong một cuộc biểu tình, tôi được giới thiệu với một gã linh mục còn trẻ hơn tôi. Sau câu chào hỏi thân mật xong thì gã linh mục quay mặt đi nơi khác, hình như có thái độ không muốn nói chuyện với tôi nữa vì tôi đã thẳng thắng kêu bằng cha và xưng tôi. Có lẽ chữ tôi trong cách xưng hô không thích hợp giữa một giáo dân với một linh mục nơi đông người đã làm giảm giá trị một kẻ tu hành nên ông nầy đã quay mặt đi giả vờ nói chuyện với những người chung quanh.
Nếu tôi trịnh trọng gọi bằng cha thì phải xưng
con như những người khác thì câu chuyện sẽ được tiếp tục trong tình thân
mật.
Tôi có thể gọi cha và xưng con trong nhà thờ, lúc xem lễ hay vào tòa xưng tội
theo con người Ki tô hữu của tôi.
Nhưng ngoài đời, trong một buổi biểu tình chính trị, thì giữa hai người tu hành
và giáo dân cũng đều là những người dân tỵ nạn Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng một người già trên 70 xưng con với một linh mục còn trẻ đáng cháu
nội giữa nơi công cộng thì cũng khó nghe lọt lỗ tai.
Như vậy trong bộ áo màu đen quý trọng đang mặc trên linh mục nầy, cái sân si
vẫn còn quá nặng mùi trần tục trong một kẻ tu hành.
Dịp cúng thất cho một người trong gia đình, nhằm
buổi cơm chay, tôi có dịp phải đi ngang qua phòng ăn - nối liền từ chân cầu
thang đến chánh điện – trong lúc các vị thầy chùa đang dùng bữa.
Chuyện đập vào mắt tôi, vị trụ trì ngồi đầu bàn, sau khi ăn hết chén cơm vị nầy
ngồi yên, không quay lại, đưa cái chén ra phía sau lưng… thì một Phật tử chấp
tay vái lạy ba cái, cúi mình xuống và đưa hai tay lên khỏi đầu đở lấy cái
chén, lấy cơm xong lại cung kính dâng lên gã trụ trì như lúc đầu…trong lúc tô
cơm đang nằm ngay trước mặt và trong tầm tay của gã.
Phía bên kia, một Phật tử cầm quạt đang phe phẩy
để cho gã thầy chùa dùng cơm mặc dù Paris lúc đó đang mát trời.
Tôi thấy gã trụ trì nầy đã quên hẳn y ta là kẻ tu hành mà có thái độ trịch
trượng xấc xược mất dạy như một vị vua chúa ngày trước...
Trở về với đề tài, nhiều người hỏi tôi thời đại
nầy làm nghề gì sướng nhất, tôi có thể trả lời tức khắc không cần đắn đo suy
nghĩ rằng : “Nghề Đi Tu".
Một nghề không đòi hỏi vốn kiến thức, không cần đầu tư tài chánh học vấn mà chỉ
cần thuộc năm ba bài kinh - như loại tu hành quốc doanh-
là có thể hành nghề một cách dễ dàng.
Khi hành đạo, không cần làm việc, nhưng tài sản, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc do con chiên thiện nam tín nữ cung hiến cũng quá dư thừa cho phép những gã nầy ăn uống no say, vợ con đầy đủ và nếu muốn thì tình nhân gái gú cũng sẵn sàng có ngay.
Nhà cửa được giảm hoặc miễn thuế, ăn khỏi tốn
tiền, có người hầu hạ, có kẻ làm bếp dâng lên tận miệng.
Có vị còn biến từ nhà ở cho đến nơi thờ phượng thành cơ sở kinh doanh với giá
bán cắt cổ từ cuốn sách cho đến gói thực phẩm.
Tất cả hoạt động kinh tế đều theo hình thức chui và chỉ thu tiền mặt.
Các lễ lộc phục vụ tôn giáo không có tình trạng
miễn phí hoặc giảm giá cho nhà nghèo mà phải tuân theo theo từng bậc giá cả
khác nhau.
Cước phí xin lễ, cầu nguyện đối với các vị tu hành người nước ngoài hoàn toàn
do tín hữu tự nguyện không bắt buộc theo một hình thức khuôn mẫu nào.
Tôi chứng kiến một cha người Pháp đã từ chối số
tiền lớn do một tín hữu người Việt Nam đến nhà thờ Tây xin lễ bình an cho gia
đình...
Chẳng những thế, nhà thờ còn làm hóa đơn chính thức để ghi vào sổ của nhà thờ.
Nhưng trái lại, trong một dịp gặp một cha nội người Việt Nam để xin lễ, gã linh mục nầy cho giá đàng hoàng và tỏ vẽ không hài lòng khi tôi đề cập đến giá cả của nhà thờ.
Từ chỗ nầy người ta xem các gã tu hành từ trong nước ra đến hải ngoại hành nghề tôn giáo với giá cả cắt cổ tín hữu và Phật tử một cách vô tội vạ.
Riêng việc tang chế, giá cả được ấn định bao
nhiêu tiền cho cha thầy đến tư gia, đến nhà quàn để tụng niệm.
Bao nhiêu tiền để tổ chức theo hình thức lớn, trung bình, nhỏ đối với một
lễ tiễn đưa người quá cố.
Bao nhiêu tiền để mang cốt tro về chùa, nhà thờ… và...
Bao nhiêu tiền theo đẳng cấp giàu sang hay bình dân để thuê một cái hộc để đựng
hủ cốt người chết.
Tiền nhiều thì nhà chùa nhà thờ tổ chức lớn, với
nhiều cha nhiều thầy chùa làm lễ...
Nhiều tiền thì tổ chức lễ riêng rẽ một cách trang trọng vào cuối tuần.
Ít tiền thì tổ chức cầu siêu tập thể và vào những ngày giờ làm việc.
Chính các thầy chùa các linh mục đòi hỏi giá cả để tổ chức những buổi lễ đình đám cho hôn nhân, cầu siêu, án táng, đưa hài cốt về chùa, về nhà thờ.
Những tiền lệ nầy đã tập cho tín đồ Phật tử những tính xấu, xem thường việc linh thiêng tôn giáo đồng thời tạo cho những gia đình nghèo, thiếu phương tiện bị mặc cảm và đau lòng mỗi khi có người thân vừa nằm xuống.
Chắc tất cả mọi người đều
công nhận rằng nghề đi tu chẳng những là một nghề ấm thân cho kẻ tu hành mà còn
giúp họ trở thành triệu phú trốn xâu lậu thuế một sớm một chiều.
Chẳng mất một giọt mồ hôi, suốt đời không đóng thuế, nhà cửa được giảm
tiền điện nước lại còn hưởng trợ cấp đặc biệt của xã hội (medicare, medicaid.
Foodstamps, SSI).
Cuộc đời tu hành thật đáng giá ngàn vàng, chỉ
một sáng một chiều trở thành triệu phú, trở nên kẻ ăn trên ngồi trước và
được trọng vọng nhất trong thiên hạ:
Nhà cao cửa rộng, đi Mercedes, BMW,
Lexus… có tài xế, ngày ăn no, đêm ngủ với vợ với gái, ngày thì đệ tử tự
nguyện thời gian rổi rảnh thì đếm bạc giấy rồi đem cất vào tủ sắt hoặc
nuôi gái…
Như vậy nghề tu hành thời nay của người Việt quả thật là tuyệt hảo và độc nhất
vô nhị của thế giới tính từ thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đến nay.
Nhà thờ nhà chùa đã biến thành cái chợ và hơn nữa cc nơi nầy còn cạnh tranh tổ chức văn nghệ mừng Xuân, ca hát ăn uống… thì chắc Chúa và Phật cũng phải quay mặt trước tình trạng tu hành thời nay.
Bây giờ giới trẻ ai cũng muốn đi tu, một nghề ngồi mát ăn bát vàng mà được thiên hạ đội lên đầu, chắp tay vái lạy thì còn gì quý hơn khi phải phí cuộc đời gần hai chục năm trong các nhà trường để rồi vác bằng chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Cái thiên đường “đỉnh cao trí tuệ” và “cái nôi nhân loại” của chế độ cộng sản đã đẻ ra nhiều nghề quái gở: Từ nghề ăn xin, mai mối, bịp bợm, nô lệ…đã nổi tiếng trên thế giới và bây giờ còn thêm nghề đi tu thật độc đáo vô cùng “hoành tráng” không có một quốc gia nào bắt kịp…
Chính cộng sản đã dàn dựng lên hình thức tu hành trưởng giả nầy ngay từ trong nước để chứng tỏ với thế giới rằng Việt Nam hòa toàn có tự do tôn giáo.
Thật vậy, cần phải ghi nhận, trong nước đi đến đâu cũng gặp đầy dẫy nhà thờ, nhà chùa… là những khu vực nguy nga to lớn bên cạnh những ngôi nhà của con chiên, Phật tử vẫn còn nghèo nàn đói rách.
Các thầy chùa các cha xứ thì đua nhau xin tiền để sửa sang cơ sở tôn giáo của mình càng lớn càng đẹp để tranh với chùa, nhà thờ bên cạnh
Đi đâu các vị tu hành cũng hân hạnh khoe rằng, ông nầy bà nọ là
Phật tử hoặc con chiên nằm trong khu hội hay họ đạo dưới quyền
Các vị tu hành đâu có hay rằng dưới mắt Chúa và Phật những ông bà nầy là những
tay ăn hối lộ, cướp của, giật vợ cướp chồng người ta, buôn bán cần sa, rửa tiền
dơ mà các vị tu hành cứ đội lên đầu những người núp bóng tôn giáo cho mưu đồ
chính trị, xem họ như một vinh hạnh của nhà chùa, nhà thờ.
Các vị tu hành cứ giành nhau ôm chân các ông bà nầy và ca tụng hết
mình… thì thật tội nghiệp cho Chúa và Phật quá. Việc tu hành không màng nghĩ
đến, kinh kệ hằng ngày không quan tâm mà thầy chùa cha xứ chỉ chú trọng đến các
hình thức phô trương bên ngoài.
Đó là cái nghiệp tham sân si đang lấn át các đức tính bình dị, liêm khiết, vị
tha, bác ái trong con người các vị tu hành hiện nay.
Tình trạng thầy chùa cha xứ mượn Phật-Chúa để phục vụ cho cái tham sân si vô đáy cá nhân đang thịnh hành đầy dẫy từ trong nước ra đến hải ngoại.
Cộng sản đố kỵ tôn giáo nhưng chúng lại xây dựng một số giáo hội gọi là quốc doanh nhằm thu nạp những gã tu hành mà tâm vẫn còn nặng nợ trần gian đồng thời cộng sản còn “sản xuất” ra một số sư đỏ, cha đỏ để phân hóa các giáo hội chính thống, đồng thời chia đôi khối giáo dân cũng như Phật tử làm nhiều phe phái nhằm phá hoại tôn giáo...
Âm mưu của cộng sản là chúng tạo ra một lớp tu hành gồm thầy chùa, linh mục quốc doanh với tất cả những cái xấu xa hơn những người trần tục, không ngoài mục đích để cho giáo dân, Phật tử nhìn thấy tư cách các vị lãnh đạo tinh thần để rồi từ đó họ sẽ xa dần Chúa và Phật…
Trong nước chính cộng sản bỏ tiền xây dựng chùa, nhà thờ để đưa vào đó những cha thầy quốc doanh với hai mục đích. Một là chứng minh với thế giới rằng Việt Nam là nơi mà các tôn giáo đều được phát triển tối đa, và hai là, chùa nhà thờ là những cái ổ trú ẩn của những tên cộng sản đội lốt tôn giáo...
Tình hình ở hải ngoai cũng vậy, chùa và nhà thờ mọc lên như nấm,
nguy nga đồ sộ, nhưng thử tìm hiểu tiền ở đâu để các thầy chùa cha xứ vừa
mua đất vừa xây những cơ sở tôn giáo vượt quá khả năng?
Đồng ý rằng tiền của do tín đồ đóng góp, nhưng
đó chỉ là số nhỏ nhằm che đậy bên ngoài, phần tài chính quan trọng là do cộng
sản cung cấp để thành lập những động ổ an toàn cho bọn cộng sản mặc áo nâu, áo
đen từ trong nước ra trú ẩn.
Trong nước thì tên giáo gian Huỳnh công Minh, tổng thư ký tòa Tổng
Giám Mục Sàigòn và cũng là “tổng tư lệnh” giáo hội công giáo quốc doanh.
Tên giáo gian nầy đang tận tình “điều khiển” ngài Hồng Y Tổng Giám Mục “dính
chàm” Phạm Minh Mẫn.
Do đó tín đồ không lạ gì khi ngài Hồng Y thi hành lệnh một cách tích cực, từ vụ
Cờ Vàng cho đến ‘tống khứ’ Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đi Vatican chữa bệnh
theo yêu cầu của cộng sản Hà Nội.
Ngoài ra, linh mục nào muốn ăn ngon mặc đẹp, tiền bạc đầy túi, muốn được lấy vợ đẻ con chính thức công khai, muốn có nhà thờ to lớn và đông giáo dân (như Phan Khắc Từ) thì đến cúi mình trước mặt giáo gian Huỳnh Công Minh, ký giấy tờ cam kết rồi lãnh vài ba trăm triệu để xây nhà thờ và xây tổ ấm.
Trước năm 1975 tôi thường đến thăm và dùng cơm chay với nhiều vị
Thượng Tọa trụ trì tại các chùa nhỏ (chùa nghèo) trong vùng Gia Định cũng như
với những vị linh mục dòng Phanxicô hoặc dòng Vinh Sơn.
Các vị nầy sống bình dị, mặc thô sơ, ăn uống thanh đạm.
Khi tiếp xúc với những vị nầy tôi cảm nhận được Phật tính cũng như tinh thần
Kitô thoát ra từ lời nói, cách cư xử đến cử chỉ và ánh mắt bao dung… Thâm tâm
tôi lúc nào cũng quý trọng những vị chân tu nầy…
Nhưng ngày nay, với chủ trương diệt tôn giáo, cộng sản đã sản xuất
ra một số quốc doanh để mưu đồ phá hoại các tôn giáo chân chính và thành phần
nầy hiện đang đầy dẫy từ trong nước ra đến hải ngoại. Các chất bổ béo trong cơ
thể các gã tu hành ngày nay quá dư thừa, thân hình các gã tu hành phì nộn và đa
số mang bệnh nhà giàu (tiểu đường, cao huyết áp…) vì các cha cai quản
họ đạo được con chiên mời dùng bữa luân phiên từ nhà nầy qua nhà khác...
Các thầy thì được Phật tử làm các món chay dưới dạng tôm rim, cá chiên, cua
lột, thịt kho tàu…giúp cho các thầy tự đánh lừa cả thị, xúc, vị giác của mình
để được ngon miệng.
Như vậy cái si vẫn còn quá lớn, làm sao cho trọn kiếp tu.
Xin kết thúc bài viết:
Chống
cộng sản thì phải chú tâm đến vấn đề tôn giáo vận. Địch đã gài sẵn cha thầy
quốc doanh vào nhà thờ, vào chùa… nếu chúng ta vô tình hay thiển cận, vẫn tôn
vinh, nuôi dưỡng và đùm bọc thành phần nầy thì Phật tử, con chiên đã tự chính
mình ra tay diệt tôn giáo của mình.
Đinh Lâm Thanh
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
CÁCH XƯNG HÔ TRONG
PHẬT GIÁO
(PHTQ số 16)
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Trong khóa nghiên tu an cư mùa hạ năm 2005,
tại Tổ đình Từ Quang Montréal, Canada,
các thắc mắc sau đây được nêu lên
trong phần tham luận:
1) Khi nào gọi các vị xuất gia bằng Thầy,
khi nào gọi bằng Đại Đức, Thượng Tọa hay Hòa Thượng?
2) Khi nào gọi các vị nữ xuất gia bằng Ni cô,
Sư cô, Ni sư hay Sư Bà? Có bao giờ gọi là Đại Đức Ni, Thượng Tọa Ni hay Hòa Thượng Ni chăng?
3) Khi ông bà cha mẹ gọi một vị sư là Thầy hay Sư phụ, người con hay cháu phải gọi là Sư ông, hay cũng gọi là Thầy? Như vậy con cháu bất kính, coi như ngang hàng với bậc bề trên trong gia đình chăng?
4) Một vị xuất gia còn ít tuổi đời (dưới 30 chẳng hạn) có thể nào gọi một vị tại gia nhiều tuổi (trên 70 chẳng hạn) bằng “con” được chăng, dù rằng vị tại gia cao niên đó xưng là “con” với vị xuất gia?
5) Sau khi xuất gia, một vị tăng hay ni xưng hô như thế nào với người thân trong gia đình?
* * *
Trước khi đi vào phần giải đáp các thắc mắc trên, cần thông qua các điểm sau đây:
*1) Chư Tổ có dạy: “Phật pháp tại thế gian”.
Nghĩa là: việc đạo không thể tách rời việc đời. Nói một cách khác, đạo ở tại đời, người nào cũng đi từ đời vào đạo, nương đời để ngộ đạo, tu tập để độ người, hành đạo để giúp đời.
Chư Tổ cũng có dạy:
“Hằng thuận chúng sanh”.
Nghĩa là: nếu phát tâm tu theo Phật, dù tại gia hay xuất gia, đều nên luôn luôn thuận theo việc dùng tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) để đem an lạc cho chúng sanh, tức là cho mọi người trong đời, bao gồm những người đang tu trong đạo.
*2) Từ đó, chúng ta chia cách xưng hô trong đạo Phật ra hai trường hợp:
Một là, cách xưng hô chung trước đại chúng nhiều người, có tính cách chính thức, trong các buổi lễ, cũng như trên các văn thư, giấy tờ hành chánh. Hai là, cách xưng hô riêng giữa hai người, tại gia hay xuất gia, mà thôi. Người chưa rõ cách xưng hô trong đạo không nhứt thiết là người chưa hiểu đạo, chớ nên kết luận như vậy. Cho nên, việc tìm hiểu và giải thích là bổn phận của mọi người, dù tại gia hay xuất gia.
*3) Có hai loại tuổi được đề cập đến, đó là:
tuổi đời và tuổi đạo.
Tuổi đời là tuổi tính theo đời, kể từ năm sinh ra.
Tuổi đạo là tuổi thường được nhiều người tính từ ngày xuất gia tu đạo.
Nhưng đúng ra,
tuổi đạo phải được tính từ năm thụ cụ túc giới và hằng năm phải tùng hạ tu học theo chúng và đạt tiêu chuẩn, mỗi năm như vậy được tính một tuổi hạ.
Nghĩa là tuổi đạo còn được gọi là tuổi hạ
(hay hạ lạp).
Trong nhà đạo,
tất cả mọi việc, kể cả cách xưng hô, chỉ tính tuổi đạo, bất luận tuổi đời.
Ở đây không bàn đến việc những vị chạy ra chạy vào, quá trình tu tập trong đạo không liên tục.
* * *
Bây giờ, chúng ta bắt đầu từ việc một người tuổi đời dưới 20 phát tâm xuất gia, hay do gia đình đem gửi gắm vào cửa chùa, thường được gọi là chú tiểu, hay điệu.
Đó là các vị đồng chơn nhập đạo. Tùy theo số tuổi, vị này được giao việc làm trong chùa và học tập kinh kệ, nghi lễ.
Thời gian sau, vị này được thụ 10 giới, gọi là Sa di (nam) hay Sa di ni (nữ), hoặc Chú (nam) hay Ni cô (nữ).
Khi tuổi đời dưới 14, vị này được giao việc đuổi các con quạ quấy rầy khu vực tu thiền định của các vị tu sĩ lớn tuổi hơn, cho nên gọi là “khu ô sa di” (sa di đuổi quạ).
Đến năm được ít nhất là 20 tuổi đời, và chứng tỏ khả năng tu học, đủ điều kiện về tu tánh cũng như tu tướng,
vị này được thụ giới cụ túc, tức là 250 giới tỳ kheo (nam) hay 348 giới tỳ kheo ni (nữ) và được gọi là Thầy (nam) hay Sư cô (nữ). Trên giấy tờ thì ghi là Tỳ Kheo (nam) hay Tỳ Kheo Ni (nữ) trước pháp danh của vị xuất gia.
Ở đây xin nhắc thêm, trước khi thụ giới tỳ kheo ni, vị sa di ni (hoặc thiếu nữ 18 tuổi đời xuất gia và chưa thụ giới sa di ni) được thụ 6 chúng học giới trong thời gian 2 năm, được gọi là Thức xoa ma na ni. Cấp này chỉ có bên ni, bên tăng không có.
Tuy nhiên trong tạng luật, có đến 100 chúng học giới chung cho cả tăng và ni. Cũng cần nói thêm, danh từ tỳ kheo có nơi còn gọi là tỷ kheo, hay tỳ khưu, tỷ khưu.
Bên nam tông, tỷ kheo có 227 giới, tỷ kheo ni có 311 giới.
Giới cụ túc (tỳ kheo hay tỳ kheo ni)
là giới đầy đủ, viên mãn, cao nhất trong đạo Phật để từng vị xuất gia tu tập cho đến lúc mãn đời (thường gọi là viên tịch, không nên lạm dụng từ vãng sanh), không phải thụ giới nào cao hơn.
Việc thụ bồ tát giới (tại gia hay xuất gia) là do sự phát tâm riêng của từng vị theo bắc tông, nam tông không có giới này.
Ở đây, xin nói thêm rằng:
Bắc tông (hay bắc truyền, phát triển) là danh từ chỉ các tông phái tu theo sự truyền thừa về phương bắc của xứ Ấn Độ, qua các xứ Tây Tạng, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật bổn và Việt Nam.
Nam tông (hay nam truyền, nguyên thủy) là danh từ chỉ các tông phái tu theo sự truyền thừa về phương nam của xứ Ấn Độ, qua các xứ Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cao Miên và Việt Nam.
Trong lúc hành đạo,
tức là làm việc đạo trong đời, đem đạo độ đời, nói chung sự sinh hoạt của Phật giáo cần phải thiết lập tôn ti trật tự (cấp bậc) có danh xưng theo hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo như sau:
1) Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại Đức.
2) Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo được 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa.
3) Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa Thượng.
Còn đối với bên nữ (ni bộ):
4) Năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo ni được gọi là Sư cô (hiện nay ở Canada, có giáo hội gọi các vị tỳ kheo ni này là Đại Đức).
5) Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 20 tuổi đạo, được gọi là Ni sư.
6) Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Sư bà (bây giờ gọi là Ni trưởng).
Đó là các danh xưng chính thức theo
tuổi đời và tuổi đạo (hạ lạp), được dùng trong việc điều hành Phật sự,
trong hệ thống tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo, không được lạm dụng tự xưng, tự
phong, tự thăng cấp, mà phải được xét duyệt và chấp thuận bởi một hội đồng giáo
phẩm có thẩm quyền, và được cấp giáo chỉ tấn phong, nhân dịp Đại Lễ hay
Đại Hội Phật Giáo, trong các Giới Đàn, hay trong mùa an cư kết hạ hằng năm.
Như trên, chúng ta có thể hiểu rằng: Sư cô nghĩa là Đại đức bên ni bộ. Ni sư nghĩa là Thượng tọa bên ni bộ. Sư bà (hay Ni trưởng) nghĩa là Hòa thượng bên ni bộ.
Bởi vậy cho nên, các buổi lễ hay văn thư chính thức, thường nêu lên là: “Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni”, chính là nghĩa đó vậy.
Tuy vậy, trên thực tế, chưa thấy có nơi nào chính thức dùng các danh xưng: Đại đức ni, Thượng tọa ni, hay Hòa thượng ni. Nếu có nơi nào đã dùng, chỉ là cục bộ, chưa chính thức phổ biến, nghe không quen tai nhưng không phải là sai. Đối với các bậc Hòa Thượng mang trọng trách điều hành các cơ sở Giáo Hội Phật Giáo trung ương cũng như địa phương, hay các Đại Tùng Lâm, Phật Học Viện, Tu Viện, thường là các vị trên 80 tuổi đời, được tôn xưng là Đại Lão Hòa Thượng hay Trưởng Lão Hòa Thượng. Các vị thuộc hàng giáo phẩm này thường được cung thỉnh vào các hội đồng trưởng lão, hoặc hội đồng chứng minh tối cao của các Giáo Hội Phật Giáo. Tuy nhiên, khi ký các thông bạch, văn thư chính thức, chư tôn đức vẫn xưng đơn giản là Tỳ kheo, hay Sa môn (có nghĩa là: thầy tu).
Đến đây,
chúng ta nói về cách xưng hô giữa các vị xuất gia với nhau
và giữa các vị cư sĩ Phật tử tại gia và tu sĩ xuất gia trong đạo Phật.
1)* Giữa các vị xuất gia, thường xưng con (hay xưng pháp danh, pháp hiệu) và gọi vị kia là Thầy (hoặc gọi cấp bậc hay chức vụ vị đó đảm trách). Bên tăng cũng như bên ni, đều gọi sư phụ bằng Thầy, (hay Sư phụ, Tôn sư, Ân sư).
Các vị xuất gia cùng tông môn, cùng sư phụ, thường gọi nhau là Sư huynh, Sư đệ, Sư tỷ, Sư muội, và gọi các vị ngang vai vế với Sư phụ là Sư thúc, Sư bá. Có nơi dịch ra tiếng Việt, gọi nhau bằng Sư anh, Sư chị, Sư em.
Ngoài đời có các danh xưng: bạn hữu, hiền hữu, thân hữu, hội hữu, chiến hữu.
Trong đạo Phật có các danh xưng: đạo hữu (bạn cùng theo đạo), pháp hữu (bạn cùng tu theo giáo pháp).
Các danh xưng: tín hữu (bạn cùng tín ngưỡng, cùng đức tin), tâm hữu (bạn cùng tâm, đồng lòng) không thấy được dùng trong đạo Phật.
2)* Khi tiếp xúc với chư tăng ni, quí vị cư sĩ Phật Tử tại gia (kể cả thân quyến của chư tăng ni) thường đơn giản gọi bằng Thầy, hay Cô, (nếu như không biết rõ hay không muốn gọi phẩm trật của vị tăng ni có tính cách xã giao), và thường xưng là con (trong tinh thần Phật pháp, người thụ ít giới bổn tôn kính người thụ nhiều giới bổn hơn, chứ không phải tính tuổi tác người con theo nghĩa thế gian) để tỏ lòng khiêm cung, kính Phật trọng tăng, cố gắng tu tập, dẹp bỏ bản ngã, dẹp bỏ tự ái, cống cao ngã mạn, mong đạt trạng thái: niết bàn vô ngã, theo lời Phật dạy.
Có những vị cao tuổi xưng tôi hay chúng tôi với vị tăng ni trẻ để tránh ngại ngùng cho cả hai bên.
Khi qui y Tam Bảo thụ ngũ giới (tam qui ngũ giới), mỗi vị cư sĩ Phật Tử tại gia có một vị Thầy (Tăng bảo) truyền giới cho mình.
Vị ấy được gọi là Thầy Bổn sư. Cả gia đình có thể cùng chung một vị Thầy Bổn sư, tất cả các thế hệ cùng gọi vị ấy bằng Thầy.
Theo giáo phái khất sĩ,
nam tu sĩ được gọi chung là Sư và nữ tu sĩ được gọi chung là Ni.
Còn nam tông chỉ có Sư, không có hay chưa có Ni.
Việc tâng bốc, xưng hô không đúng phẩm vị của tăng ni, xưng hô khác biệt trước mặt và sau lưng, tất cả đều nên tránh, bởi vì không ích lợi cho việc tu tâm dưỡng tánh.
3)* Khi tiếp xúc với quí vị cư sĩ Phật Tử tại gia, kể cả người thân trong gia quyến, chư tăng ni thường xưng là tôi hay chúng tôi (hay xưng pháp danh, pháp hiệu, hoặc bần tăng, bần ni), cũng có khi chư tăng ni xưng là Thầy, hay Cô, và gọi quí vị là đạo hữu, hay quí đạo hữu. Cũng có khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia bằng pháp danh, có kèm theo (hay không kèm theo) tiếng xưng hô của thế gian.
Cũng có khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia là “Quí Phật Tử”. Chỗ này không sai, nhưng có chút không ổn, bởi vì xuất gia hay tại gia đều cùng là Phật Tử, chứ không riêng tại gia là Phật Tử mà thôi.
Việc một Phật Tử xuất gia (tăng ni) ít tuổi gọi một Phật Tử tại gia nhiều tuổi bằng “con” thực là không thích đáng, không nên.
Không nên gọi như vậy, tránh sự tổn đức.
Không nên bất bình, khi nghe như vậy, tránh bị loạn tâm.
Biết rằng mọi chuyện trên đời:
ngôi thứ, cấp bậc, đều có thể thay đổi, nhưng giá trị tuổi đời không đổi, cứ theo thời gian tăng lên.
Theo truyền thống đông phương, tuổi tác (tuổi đời) rất được kính trọng trong xã hội, dù tại gia hay xuất gia.
4)* Trong các trường hợp tiếp xúc riêng, tùy thuận theo đời, không có tính cách chính thức, không có tính cách thuyết giảng, chư tăng ni có thể gọi các vị cư sĩ Phật Tử tại gia, kể cả người thân trong gia quyến, một cách trân trọng, tùy theo tuổi tác, quan hệ, như cách xưng hô xã giao người đời thường dùng hằng ngày.
Danh xưng Cư sĩ hay Nữ Cư sĩ thường dùng cho quí Phật Tử tại gia, qui y Tam bảo,
thụ 5 giới, phát tâm tu tập và góp phần hoằng pháp. Còn được gọi là Ưu bà tắc (Thiện nam, Cận sự nam) hay Ưu bà di (Tín nữ, Cận sự nữ).
5)* Chúng ta thử bàn qua một chút về ý nghĩa của tiếng xưng “con” trong đạo Phật qua hình ảnh của ngài La Hầu La.
Ngài là con của đức Phật theo cả hai nghĩa: đời và đạo.
Ngài sớm được tu tập trong giới pháp, công phu và thiền định khi tuổi đời hãy còn thơ.
Ngài không ngừng tu tập, cuối cùng đạt được mục đích tối thượng.
Ngài thực sự thừa hưởng gia tài siêu thế của đức Phật, nhờ diễm phúc được làm “con” của bậc đã chứng ngộ chân lý.
Ngài là tấm gương sáng cho các thế hệ Phật tử tại gia (đời) cũng như xuất gia (đạo), bất luận tuổi tác, tự biết mình có phước báo nhiều kiếp, hoan hỷ được xưng “con” trong giáo pháp của đức Phật.
6)* Đối với các vị bán thế xuất gia,
nghĩa là đã lập gia đình trước khi vào đạo, vẫn phải trải qua các thời gian tu tập và thụ giới như trên, cho nên cách xưng hô cũng không khác.
Tuy nhiên để tránh việc gọi một người đứng tuổi xuất gia (trên 40, 50) là chú tiểu, giống như gọi các vị trẻ tuổi, có nơi gọi các vị bán thế xuất gia này là Sư chú, hay Sư bác.
Hai từ ngữ này có nơi mang ý nghĩa khác. Việc truyền giới cụ túc, hay tấn phong, có khi không đợi đủ thời gian như trên đây, vì nhu cầu Phật sự của giáo hội, hay nhu cầu hoằng pháp của địa phương, nhất là đối với các vị bán thế xuất gia có khả năng hoằng pháp, từng đảm nhận trọng trách, hay nghiên cứu tu tập trước khi vào đạo.
7)* Vài xưng hô khác trong đạo như: Sư Ông, Sư Cụ thường dành gọi vị sư phụ của sư phụ mình, hoặc gọi chư tôn đức có hạ lạp cao, thu nhận nhiều thế hệ đệ tử tại gia và xuất gia. Một danh xưng nữa là Pháp Sư, dành cho các vị xuất gia tăng hay ni (sư) có khả năng và hạnh nguyện thuyết pháp (pháp) độ sanh. Ngoại đạo lạm dụng danh xưng này chỉ các ông bà thầy pháp, thầy cúng.
8)* Danh xưng Sư Tổ được dành cho chư tôn đức lãnh đạo các tông phái còn tại thế, và danh xưng Tổ Sư được dành cho chư tôn đức đã viên tịch, được hậu thế truy phong vì có công lao trọng đại đối với nền đạo. Đối với các bậc cao tăng thạc đức thường trụ ở một tự viện, người trong đạo thường dùng tên của ngôi già lam đó để gọi quí ngài, tránh gọi bằng pháp danh hay pháp hiệu của quí ngài, để tỏ lòng tôn kính.
9)* Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, các vị tỳ kheo thường dùng tiếng Ðại Ðức (bậc thầy đức độ lớn lao, phúc tuệ lưỡng toàn) để xưng tán Ngài, mỗi khi có việc cần thưa thỉnh. Các vị đệ tử lớn của đức Phật cũng được gọi là Ðại Ðức. Trong các giới đàn ngày nay, các giới tử cũng xưng tán vị giới sư là Đại Đức.
10)* Nói chung, cách xưng hô trong đạo Phật nên thể hiện lòng tôn kính lẫn nhau, noi theo Bồ tát Thường bất khinh, bất tùy phân biệt, bất luận tuổi tác, dù tại gia hay xuất gia, nhằm ngăn ngừa tư tưởng luyến ái của thế tục, nhắm thẳng hướng giác ngộ chân lý, giải thoát sinh tử khổ đau, vượt khỏi vòng luân hồi loanh quanh luẩn quẩn.
Nhất giả lễ kính chư Phật.
Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.
Cho nên đơn giản nhất là: “xưng con gọi Thầy”.
Theo các bộ luật bắc tông và nam tông còn có nhiều chi tiết hơn.
Tóm lại,
ngôn ngữ, danh từ chỉ là phương tiện tạm dùng giữa con người với nhau, trong đạo cũng như ngoài đời, có thể thay đổi theo thời gian và không gian, cho nên cách xưng hô trong đạo Phật tùy duyên, không có nguyên tắc cố định, tùy theo thời đại, hoàn cảnh, địa phương, tông phái, hay tùy theo quan hệ giữa hai bên.
Đó là phần tu tướng.
Các vị phát tâm xuất gia tu hành, các vị phát tâm tu tập tại gia, đã coi thường mọi thứ danh lợi, địa vị của thế gian thì quan trọng gì chuyện xưng hô, tranh hơn thua chi lời nói, quan tâm chi chuyện ăn trên ngồi trước, đi trước đứng sau, tranh chấp danh tiếng, tranh cãi lợi dưỡng, tranh giành địa vị, đòi hỏi chức vụ, nếu có, trong nhà đạo.
Đồng quan điểm hay không, được cung kính hay không, xưng hô đúng phẩm vị hay không, chẳng đáng quan tâm, tránh sự tranh cãi.
Nơi đây không bàn đến cách xưng hô của những người không thực sự phát tâm tu tập, hý ngôn hý luận, náo loạn thiền môn, dù tại gia cũng như xuất gia.
Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai.
Nhất niệm sân tâm khởi, thiêu vạn công đức lâm,
chính là nghĩa như vậy.
Cách xưng hô nên làm cho mọi người, trong đạo cũng như ngoài đời, cảm thấy an lạc, thoải mái, hợp với tâm mình, không trái lòng người, không quá câu nệ chấp nhứt, thế thôi!
Đó là phần tu tâm.
Trong đạo Phật,
cách xưng hô có thể biến đổi nhưng có một điều quan trọng bất biến, không biến đổi,
đó là phẩm hạnh, phẩm chất,
đức độ, sự nổ lực, cố gắng tu tâm dưỡng tánh không ngừng, cho đến ngày đạt mục đích cứu cánh: giác ngộ và giải thoát, đối với Phật Tử tại gia cũng như xuất gia.
Đó chính là một phần ý nghĩa của “tùy duyên bất biến” trong đạo Phật vậy.[]
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Kính mời quí vị xem bài viết "Bát Chánh Đạo" theo link:
http://phtq-canada.blogspot.com/2011/11/bat-chanh-ao-cu-tran-lac-ao-1.html