TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Sunday 27 January 2013

*** DÂNG SỚ CẦU AN CÚNG SAO GIẢI HẠN

 
 
Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

Dâng sớ cầu an & Cúng sao giải hạn
TK .Thích-Chân-Tuệ
Phật-học Tịnh-Quang Canada
 **
Dâng sớ cầu an 
Tiền mất tật mang
Cúng sao giải hạn
Tai nạn vẫn tới

Thiền môn chân chánh
Dạy người thực hành
Tu tâm dưỡng tánh
Theo bát chánh đạo

Việc ác không làm
Nên làm việc thiện
Giữ tâm thanh tịnh
Như chư Phật dạy

Trong đời sống này, dù đông hay tây, Việt Tàu Phi Ấn, Anh Pháp Mỹ Nga, hễ là người ta, không hề phân biệt, dù nam hay nữ, biết chữ hoặc không, tông môn giáo phái, tín đồ tu sĩ, bác sĩ luật sư, xuất xứ ngành nghề, trẻ già bé lớn, thường dân quan chức, học thức ít nhiều, không điều riêng tư, da trắng da đen, da vàng da đỏ, không bỏ một ai, thảy đều thường gặp:

Những chuyện may rũi, chuyện được chuyện mất, chuyện hên chuyện xui, chuyện vui chuyện buồn, luôn luôn thay đổi, trong mỗi phút giây, lúc được tán thán, khi bị phỉ báng, nhiều khi chán ngán, cái cảnh tình đời, lúc được lên voi, khi bị xuống chó, không ai thèm ngó, vợ bỏ con chê, lúc được lên hương, khi bị lọt mương, hết đường chạy chọt, lúc được hiển vinh, khi bị tủi nhục, ở tù rục xương, lúc được sung sướng, khi bị khổ đau, không sao kể xiết.  

Những lúc vui sướng, cuộc đời lên hương, chỉ biết thụ hưởng, phủ phê hỉ hả, không nhớ gì cả. Nhưng khi quá khổ, chịu đựng không thấu, tranh đấu đảo điên, khổ nạn liên miên, bấy giờ mới nhớ, đến chuyện cầu nguyện, khấn vái thần linh, van xin bồ tát, khẩn cầu thượng đế, ban cho phép lành, dành cho phép lạ, hy vọng cầu may, đổi thay vận mệnh.

Bởi vậy cho nên, mỗi dịp đầu năm, sau tết nguyên đán, mùng tám tháng giêng, người ta thường hay, chạy ngay vào chùa, nhân mùa thượng ngươn, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, cầu cho nạn khỏi, cầu cho tai qua, cầu cho toàn gia, bình an vô sự, kể từ đầu năm, chí những cuối năm. Sẵn dịp trăng rằm, cầu luôn đủ thứ: nào được buôn may, gặp hên bán đắt, một vốn bốn lời, nhất bổn vạn lợi, không đợi kiếp sau, kiếp này trúng số, con cháu đỗ đạt, tiền bạc như nước, sắm xe tậu nhà, tha hồ sung sướng. Các chuyện cầu nguyện, van xin cầu khẩn, khấn vái như vậy, có thực hay không, có được gì không? 
 

Người thì nói có, hễ cầu thì được, linh ứng vô cùng, nên tin là có, mất mát gì đâu. Kẻ lại nói không, trông chi chuyện đó, nằm mơ thì có, mở mắt tay không, không vẫn hoàn không, uổng công dâng sớ, mất tiền cúng sao, mau mau tỉnh thức! Tại sao như vậy? Bởi vì, thử hỏi: Sớ kia ai đọc? đọc cho ai nghe? chấp nhận hay không? thực không ai biết! Sao nọ ở đâu? ảnh hưởng thế nào? thực không ai biết! 

Hãy nhân dịp này, chúng ta cùng nhau, xét thử xem sao, cái chuyện đầu năm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, có đúng chánh pháp, có ích lợi gì, thực tế hay không? Thực ra nếu như, người ta tu nhân, tích phước nhiều đời, từ trước đến nay, thì được gặp may, không cần cầu nguyện, chẳng cần van vái, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Những người đạo khác, đâu có bận tâm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, nhưng họ có phước, họ vẫn gặp may, tiêu tai khỏi nạn, tam tai đại hạn, chẳng nghĩa lý gì, chẳng cần cúng sao, tào lao quá xá! Hãy thử suy nghĩ: Tại sao như vậy?

Bởi theo thông lệ, từ xưa tới nay, nhiều người thường hay, vào chùa đầu năm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, nhưng mà tai nạn, vẫn tới ào ào, làm sao giải thích? Theo đúng chánh pháp, chúng ta phát tâm, giúp đời giúp người, gặp chuyện khó khăn, khốn khó khổ đau, cùng nhau tu tập, hạnh nguyện bố thí, tài thí pháp thí, cùng vô úy thí, cứu nhân độ thế, giúp đỡ tiền của, giúp công giúp sức, giúp lời chỉ dẫn, khuyên lơn an ủi, cho người bớt lo, cho đời bớt khổ, bớt cơn sợ hãi, thấy đâu là phải, việc đúng thì làm, đúng với chánh đạo.
Làm được như vậy, chúng ta được phước, dù không mong cầu, chắc chắn không nghi. Khi tích được phước, dù ít hay nhiều, phước báo lai đáo, nghiệp báo tiêu trừ, chúng ta gặp may, tai qua nạn khỏi, gặp thầy gặp thuốc, tưởng như phép lạ. 

Thử xét thí dụ: trên chuyến phi cơ, xe hơi xe lửa, xe đò tàu thủy, chỉ khi gặp nạn, mới biết người nào, có phước bao nhiêu. Người nào phước nhiều, thoát nạn hiểm nguy, đường tơ kẻ tóc, một cách lạ lùng, hoàn toàn an ổn, người đời cho là: phép lạ hiển linh, thần linh cứu độ, người đó số hên, cho nên mạng lớn. Người nào kém phước, cũng được người cứu, chậm hơn một chút, xây xát ít nhiều, người đời cho là: người đó cũng hên, nên còn cứu kịp. Người nào vô phước, rước họa vào thân, các kẻ ác nhân, làm việc thất đức, không chịu tích phước, chẳng chịu tu nhân, thân không giữ được, người đời cho là: tới số mạng vong, không ai cứu nổi! 

Lúc gặp hiểm nguy, người cầu Đức Mẹ, kẻ khấn Quán Âm, lâm râm cầu nguyện. Nếu như cả hai, cùng được thoát hiểm, vị nào cứu họ? Còn nếu cả hai, đều bị thảm tai, chúng ta thử hỏi: Hai ngài ở đâu, chẳng nghe kêu cứu? Bác ái từ bi, sao nghe chẳng cứu?  Thực ra đó là: chẳng có vị nào, cứu hay không cứu, các người gặp nạn. Chúng ta nên biết, sự thực chính là: chỉ có phước báu, do ở thiện tâm, cứu giúp con người, khi gặp tai biến, dù ở nơi đâu, trên đất trên không, trên sông trên biển. Còn phước thì sống, hết phước mạng vong, đừng mong cầu khẩn, hãy mau giác ngộ.

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy: Chỉ có phước báo, mới có thể làm, giảm thiểu nghiệp báo. Phước báo là do, việc làm phước thiện, chính mình tạo ra, chứ không phải do, thượng đế ban cho, hay do cầu nguyện. Nếu cầu nguyện được, tại sao nhiều người, cùng cầu cùng nguyện, kẻ chết người sống? kẻ qua người vướng? 

Chúng ta nên biết, sự thực chính là: người nào tích phước, từ trước đến nay, không cần cầu nguyện, cuộc đời cũng an, ít gặp nguy nan, ít có sóng gió, ít có trắc trở, đở bớt phiền muộn, tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, chuyện khó hoá dễ. Khi tích phước đức, dù ít hay nhiều, đều được hưởng phước, rước được điều may, không hay thất bại, tại thế an vui, tai qua nạn khỏi, gặp thầy gặp thuốc, không chuốc ưu phiền, người hiền thường gặp, bệnh tật tiêu trừ, tưởng như phép lạ. Còn như cầu nguyện, mà không tích phước, thì cũng như không, chẳng nên trông mong, phép lạ xảy đến!  

Nghiệp báo cũng do, chính mình tạo ra, chứ không phải do, thượng đế thần linh, hay bất cứ ai, xúi bảo mình làm. 

Chính do tâm tham, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu xin tiền tài, giàu sang sung sướng, một chút phẩm vật, nhỏ nhoi chút xíu, dâng cúng cho chùa, nhà thờ đền miếu, cầu xin bạc triệu, liệu còn chưa đủ, ngủ nghỉ ăn uống, muốn danh muốn lợi, tài sắc phù du, muốn tu nên bỏ. 
Chính do tâm sân, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu xin thắng kiện, tàn hại kẻ thù, triệt hạ đối thủ, người họ không ưa, vui mừng khi thấy, kẻ thù thê thảm, sống trong khổ nhục, chết cũng không xong, họ mới hài lòng.
Chính do tâm si, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu nguyện vãng sanh, tây phương cực lạc, mà không cần tu, không gìn giữ giới, ngay trong hiện đời, đợi lúc hấp hối, nói với người nhà, rước nhiều ông bà, đến nhà hộ niệm, chỉ niệm mười tiếng, liền khiến được lên, cảnh giới Di Đà: thiệt là vô minh!  
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy, thí dụ như sau: Nếu một người nào, phải bị trừng phạt, nuốt một nắm muối, thì sẽ đau khổ, biết là dường nào. Nếu bỏ nắm muối, vào một tô nước, rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu, hơn một chút xíu. Nếu bỏ nắm muối, vào một lu nước, rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu, nhiều hơn chút nữa. Nếu bỏ nắm muối, vào một hồ nước, rồi mới uống vào, thì dễ như không, không còn lớn chuyện.

Nắm muối tượng trưng, cho các nghiệp nhân, bất thiện chẳng lành, con người đã tạo, từ trước đến nay, bây giờ phải lãnh, nghiệp quả nghiệp báo, nói chung đó là: quả báo khổ đau, không sao tránh khỏi. Chỉ có phước báo, ít hay là nhiều, tượng trưng tô nước, lu nước hồ nước, mới có thể giúp, con người vượt qua, sóng gió ba đào, nạn tai đau khổ, như vậy mà thôi. Đó mới thực là: chí công vô tư. Mình làm mình hưởng. Mình làm mình chịu. 

Con người nên lo, dừng nghiệp chuyển nghiệp, tự mình suy xét, chính bản thân mình, đừng nhìn người khác, tu sửa ba nghiệp: thân khẩu và ý, đừng làm bậy bạ, đừng nói tốt xấu, đừng nghĩ vẫn vơ, ngay từ bây giờ, đừng đợi đến khi, nghiệp báo xảy ra, dù có rên la, không còn kịp nữa, nghiệp báo vay trả, chẳng ai thoát cả, van xin cầu khẩn, thì cũng muộn màng! Cầu nguyện van xin, dù tin hay không, thực sự chẳng giúp, chẳng ích gì đâu. Hãy thử suy nghĩ: Tại sao như vậy?

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: Dù cho lên non, xuống biển vào hang, nghiệp báo đã mang, vẫn theo con người, như hình với bóng, không ai có thể, tránh được thoát được.

Tóm lại xưa nay, cuộc đời đổi thay, vui buồn sướng khổ, cũng tại con người, tạo phước cũng có, tạo nghiệp cũng có, tạo phước hưởng phước, hưởng phước báo lành, tạo nhân lãnh quả, nhân thiện quả hiền, nghiệp ác quả dữ. Đúng luật nhân quả, áp dụng ba đời: quá khứ hiện tại, và cả vị lai, chẳng hề sai chạy, chẳng vị nể ai, bất cứ người nào, dù tin hay không, nếu đã gieo nhân, cũng đều gặt quả. Trong sách có câu, cổ nhân thường dạy: Lưới trời tuy thưa, mà chưa ai thoát. Chữ "trời" có nghĩa: nghiệp báo đã mang, đến giờ phải trả, chưa ai thoát được.

Thượng đế thần linh, ơn trên thiêng liêng, chí công vô tư, không bao giờ làm, theo lời cầu nguyện, van xin khấn vái, của những con người, chẳng tích phước đức, lại gây ác nhân, thất đức vô cùng. Chẳng hạn như là: nay đâm bị thóc, mai thọc bị gạo, vu khống cáo gian, khai man lý lịch, lợi dụng pháp luật, xúi người kiện tụng, lợi dụng thần thánh, kiếm tiền bất chánh, giựt hụi quịt nợ, sang đoạt tài sản, chiếm hữu tác quyền, làm tiền trắng trợn, hung tợn hiếp người, bần cùng cô thế, bất kể khổ đau, của bao người khác. 
Ngày xưa chư Tổ, có lòng dạy dỗ, con người phát tâm, làm lành lánh dữ, tạo nên phương tiện, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Mục đích khuyến dụ, mọi người về chùa, cúng kiến lễ lạy, mong cầu an tâm, gia đạo hòa bình, tánh tình hướng thiện, rồi nhân dịp đó, truyền bá chánh pháp, thuyết giảng giáo lý, chỉ bát chánh đạo, đó là:

chánh kiến, và chánh tư duy, chánh ngữ chánh nghiệp, cùng là chánh mạng, và chánh tinh tấn, chánh niệm chánh định, giảng luật nhân quả, giải lý vô thường, phước đức công đức, phước báo quả báo, đọc tụng kinh điển, chí tâm tu tập, dạy các pháp môn, niệm Phật ngồi thiền, hiền lành tạo phước, việc thiện làm trước, từ khước ác nhân, tu tâm dưỡng tánh, giúp đỡ con người, giác ngộ chân lý, thấy được sự thực, giải thoát khổ đau, xây dựng cuộc sống, an lạc hạnh phúc.


Ngày nay chúng ta, tâm Phật tâm ma, lẫn lộn khó phân, cho nên tạm dùng, phương tiện thiện xảo, cúng sao giải hạn, dâng sớ cầu an, khi còn hoang mang, tâm thường bất an, gian nan khốn khổ, không chỗ nương tựa, vì chưa hiểu đạo, chẳng biết làm sao, thực hành thế nào, cho đúng chánh pháp.

Giờ đây thấu hiểu, rõ ràng không nghi, đâu là chánh pháp, chúng ta phát nguyện: dừng nghiệp chuyển nghiệp, quày đầu hướng thiện, quyết tâm trì chí, ý hướng tu hành, tu tâm dưỡng tánh, tránh làm điều ác, chỉ làm điều thiện, giữ tâm thanh tịnh, tích cực chuyển hóa, cuộc sống tâm linh, của bản thân mình, ngày được tốt hơn, tâm được an hơn, cuộc sống tốt hơn, an lạc hạnh phúc. Như vậy thực tế, những người xung quanh, cùng chung phúc lạc, cho đến một ngày, ngộ được chánh đạo, đạt được đỉnh cao: niết bàn giải thoát.

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ


THƯ PHẬT TỬ NGÔ PHÚC
GỞI
THẦY CHÂN TUỆ
10.2.2011
Kính Bạch Thầy,
Con tên Ngô Phúc, chữ nghĩa không biết nhiều, nếu có viết sai chính tả, mong Thầy thứ lỗi cho. Con có đôi lời tâm sự với Thầy, mong Thầy chỉ dạy cho. 
Kính bạch Thầy, vợ chồng con từ hồi tuổi đôi mươi, đến nay, thường hay đi chùa lễ Phật, cúng dường Tam Bảo, đi du lịch đến nước nào cũng vậy, vợ chồng con sống rất hạnh phúc, có được bốn cháu, hai trai và hai gái rất ngoan. Cho đến một hôm, vợ chồng con đang hưởng thụ ở sau vườn, có hai ông cảnh sát đến gõ cửa và báo một tin buồn, là con trai út của con, đã đụng xe qua đời, vợ chồng con không tin, vì nó mới đi có khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng đó là sự thật. 
Sau đó, vợ chồng con phải chấp nhận sự thật đau buồn đó và tìm hiểu về việc an táng và con có đến chùa mời Thầy tụng kinh cầu siêu cho nó, nhưng chùa ở Canada chỉ làm lễ theo cuối tuần, không làm lễ theo đúng ngày, cho nên con có nhờ người cháu ở Việt Nam đi chùa mời Thầy ở bển tụng kinh đúng ngày cho nó và Thầy ở bển có mời Thầy thập phương Tăng tụng kinh cầu siêu vãng sanh cực lạc, làm đúng 49 ngày, và thờ ở ba chùa.
Và từ đó, vợ chồng con không còn thấy hạnh phúc nữa, và bắt đầu tìm hiểu về kinh sách. Vợ chồng con đi đến chùa, thấy người ta in kinh chú đại bi, kinh A Di Đà và CD thuyết pháp, giảng kinh v.v.. và có một Thầy ở Việt Nam gởi tặng cho vợ chồng con một quyển kinh đại thừa vô lượng thọ, trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác, và vợ chồng con có tụng hằng ngày cho đến hôm nay.
Con có đọc được cuốn sách Từ Bi & Trí Tuệ của Thầy, trong đó có nói dâng sớ cầu an, tiền mất tật mang, cúng sao giải hạn, tai nạn vẫn tới, thì con thấy Thầy nói rất đúng, vì hằng năm, gia đình con thường đi chùa, cũng dâng sớ cầu an và cúng sao giải hạn, mà tai nạn xe cộ của con trai con, không giảm được phần nào, cũng phải mất mạng. 
Cho nên vợ chồng con rất hoan hỷ và mong Thầy chỉ dạy thêm về vấn đề cầu siêu, con nghe nói, người mất trong vòng 49 ngày, nếu có người tụng kinh trai giới, cúng dường Thập phương Tăng, tụng kinh cầu siêu vãng sanh nơi cực lạc cho người đó, thì người đó sẽ được siêu thoát và vãng sanh tây phương cực lạc, có đúng như vậy không, mong Thầy chỉ dạy.
Và sau đây là con xin thưa với Thầy về vấn đề, chú đại bi, trong kinh sách có nói, nếu ai đọc tụng chú đại bi mà không linh ứng, thì chú đại bi không được gọi là đại bi thần chú. Nhưng trong sách Từ Bi & Trí Tuệ 15 của Thầy, lại nói là, nếu cầu nguyện mà được linh ứng, (hữu cầu tắc ứng) thì trái với lý nhân quả nghiệp báo, như vậy có nên đi chùa không, có nên thờ cúng tại gia không, và hằng ngày tụng kinh cầu vãng sanh tây phương cực lạc có được linh ứng không, con mong Thầy chỉ dạy.
Và sau đây con xin gởi tấm chi phiếu 200 đô Canada xin thỉnh Bộ sách Cư Trần Lạc Đạo, trọn bộ 3 tập, xin Thầy hoan hỷ gởi cho, nếu có dư, xin được cúng dường ấn tống Tập san. Thành thật cám ơn Thầy và chúc Thầy nhiều sức khỏe.
Con
Ngô Phúc (Mississauga, Canada)

XIN QUẺ ĐẦU NĂM
- Thưa Ni sư, đầu năm xin xăm, con bắt nhằm quẻ “hạ hạ”. Có phải con bị xui xẻo, tai nạn suốt năm không, con phải làm sao đây Ni sư?
- Như vậy là xui tận mạng rồi chứ còn gì nữa. Con phải đi chùa lạy Phật nhiều, cúng chùa nhiều, mới hóa giải tai ách này được. Nhớ đó.
- Trời ơi! Chết con rồi, trời!
* * *
- Thưa Ni sư, đầu năm xin xăm, con bắt nhằm quẻ “hạ hạ”. Có phải con bị xui xẻo, tai nạn suốt năm không, con phải làm sao đây Ni sư?
- Chào đạo hữu. Đạo hữu hãy an tâm, không có gì xui xẻo hết đâu. Mấy cái quẻ xăm này để lắc cho vui, để những người còn tin chuyện linh thiêng huyền bí, thích cầu khẩn van xin về chùa dịp đầu năm.
Chuyện hên hay xui của con người tùy thuộc chuyện làm thiện hay làm ác trong cuộc sống, chứ không phải tùy thuộc nơi quẻ xăm này.

Đó là luật nhân quả.

Người làm việc thiện thì gặp phước báo, gặp may, gặp hên.
Người làm việc bất thiện thì gặp quả báo, gặp xui, gặp nạn tai, trắc trở.
- Nếu muốn tránh xui xẻo, tai qua nạn khỏi con phải làm sao?
- Con người nhiều đời nhiều kiếp vừa làm việc thiện, vừa tạo nghiệp chẳng lành. Cho nên, có khi gặp may, có khi chẳng may. Để tránh xui xẻo xảy đến, con người phải biết sám hối và nguyện không làm chuyện sai trái, đem đau khổ cho người, qua thân (đánh người), miệng (chửi mắng, nói xấu), và ý nghĩ (nghĩ xấu, nghi ngờ).
Thêm nữa, hãy tạo phước báu bằng cách cứu người, giúp đời, tu nhân tích đức, bù lại việc xấu ác đã tạo nghiệp trước kia.
- Nhưng mà con vẫn lo sợ chuyện xui xẻo xảy đến. Vậy con phải làm sao?
- Con thử xin quẻ khác xem sao, chắc là quẻ khác?
- Ờ hén, cám ơn Ni sư chỉ dạy rõ ràng. Con sẽ đi chùa thường xuyên để học đạo lý với Ni sư, Ni sư cho phép con nha.
- Mô Phật. Như vậy gọi là đi chùa đúng chánh pháp. Quí lắm. []

Ban Biên-Tập PHTQ

HỎI ĐÁP PHẬT PHÁP
From: Van Phuong Duong
Date: 2013/1/27
Subject: tang cha tang me
To: Thich-Chan-Tue <cutranlacdao.2010@gmail.com>


Kính bạch Thầy,
nay con có những vấn đề về tang chế, vì không hiểu nên thỉnh Thầy chỉ dẫn cho :
một gia đình người mẹ mất, nhà chùa đến phát tang cho con cháu, được hai chục ngày (20) thì người cha mất. bây giờ phải xả tang mẹ, rồi mới để tang cha.
Kính Thầy như vậy có đúng hay không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con rõ để trình bày cho các phật tử sau này.
A di đà phật
Tri việt


Sunday, January 27, 2013
Kính quí ĐH,
Vấn đề tang chế chỉ là phong tục tập quán, do con người truyền từ đời này sang đời khác - không phải Phật giáo. Do đó, người nhà đã thỉnh nhà sư từ chùa nào, hãy nghe lời chỉ dẫn của vị đó, tránh sự mâu thuẩn, tranh cãi vô ích. Việc để tang cha mẹ là việc làm bày tỏ lòng hiếu thảo của con cháu, tuy chỉ là hình thức.
Trong trường hợp đang có tang cha, thì xảy đến tang mẹ (hay ngược lại), gia đình chỉ cần làm lễ tang thứ hai, mà không cần thêm khăn tang hay xả tang trước. Việc xả tang ngày nay, nhứt là tại hải ngoại, tùy thuộc hoàn cảnh và tấm lòng của con cháu trong gia đình, chứ không có phép tắc nào qui định cả. Nói đến tấm lòng của con cháu, đó chính là những người con cháu biết đạo lý. Những người con cháu biết đạo lý, hiếu để thực sự, biết chăm sóc cha mẹ khi hai vị còn hiện tiền, chứ không đợi làm tang lễ linh đình, thỉnh nhiều sư tụng niệm, mới gọi là có hiếu. 
  
Nên biết các nhà sư khi chết chưa chắc đã siêu, thì làm sao cầu cho người khác được siêu?  Quí vị chắc cũng thường thấy khi các nhà sư viên tịch (chết), nhà chùa làm lễ tang cầu siêu linh đình. Con người nên tự biết sống đúng chánh pháp (ăn hiền ở lành, cứu người giúp đời, tu tâm sửa tánh) đừng đợi khi chết mới lo chuyện cầu siêu. Khi đó quá muộn và dễ bị nhà chùa hay nhà sư gạt gẫm, bày vẽ cúng kiến phi chánh pháp, tốn kém vô ích, gây thêm phiền phức, tranh cãi, bất hòa trong tang gia.
Thêm nữa, con cháu nên tự biết tu tâm dưỡng tánh và khuyến khích cha mẹ sống theo lời Phật dạy trong lúc tuổi già, để cha mẹ được tâm thanh tịnh và con cháu cũng được an tâm. Như vậy, con cháu biết tạo điều kiện và hoàn cảnh để cha mẹ sống hạnh phúc, chết bình an. Đây là điều cao quí tối thượng trên đời.

Tóm lại, con người từ trước đến nay chỉ sống bằng hình tướng, đến chùa bằng hình thức bề ngoài giả dối, nội tâm hoàn toàn mê muội, cho nên luôn phiền não và khổ đau.
Chỉ có phát tâm học đạo, tìm hiểu chân lý, tìm hiểu sự thật, sống đúng chánh pháp con người mới giải thoát được những điều mê tín đầy dẫy trong các chùa, trong cuộc đời. Từ đó con người mới thực sự thong dong tự tại, gọi là cư trần lạc đạo.
BBT PHẬT HỌC TỊNH QUANG
VP.PHTQ.CANADA
108 – 123 RAILROAD ST.,
BRAMPTON, ON, L6X-1G9, CANADA
VP.PHTQ.CANADA Email: cutranlacdao@yahoo.com


SINH SỰ SỰ SINH CHI CHO KHỔ
TỪ BI HỶ XẢ THẾ MÀ VUI
* * *
CHẤT CHỨA TRONG LÒNG CHI CHO KHỔ
THONG DONG TỰ TẠI THẾ MÀ VUI
* * *
Bài viết cùng tác giả

 Đầu Năm Đi Chùa Đúng Chánh Pháp
CẦU TRỜI CÓ ĐƯỢC GÌ ĐÂU
CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT
CHÁNH KIẾN VÀ CHÁNH TÍN
LUẬT NHÂN QUẢ
LỄ KÍNH CHƯ PHẬT
PHẬT PHÁP TẠI THẾ GIAN
PHẬT GIÁO CÓ MÊ TÍN KHÔNG
  



Saturday 19 January 2013

***NHẤT CHI MAI

 
 
Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll


Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Phật-Học Tịnh-Quang Canada

Trong dịp năm hết tết đến, mọi người đều nhắc đến hoa mai. Trong văn học đại chúng, cũng như  văn học Phật giáo, có nhiều bài văn bài thơ cảm tác về mùa xuân thường đề cập đến hoa mai.

Những vần thơ bất hủ, những áng văn trác tuyệt đi vào lòng người thường được nhắc tới, những câu thơ tuyệt bích trong thi ca Thiền học về không gian và thời gian, như bài thi kệ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhứt chi mai


tạm dịch:


Xuân đi trăm hoa rơi

Xuân đến trăm hoa nở

Việc đời qua trước mắt

Già theo đến trên đầu

Chớ bảo xuân qua hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai.
*
Thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096) họ Nguyễn tên Trường, người xứ Lũng Chiền, làng An Cách, con của Trung Thư Viên Ngoại Lang Hoài Tố, ham học, từ trẻ đã học hỏi nhiều và thông hiểu về Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo, được vua Lý Nhân Tông khen ngợi, triệu vào cung và ban cho tên Hoài Tín. Sau đó xuất gia, thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông, thế hệ thứ 8. Vua Lý Nhân Tông và Hoàng Hậu rất mến trọng sư, cho xây một cảnh chùa cạnh cung Cảnh Hưng để tiện việc tham hỏi về Phật học. Thiền sư mất năm 45 tuổi. Vua ban hiệu là Mãn Giác. Rất tiếc các sáng tác của sư không còn giữ lại, chỉ còn một bài "Cáo tật thị chúng" (Báo bệnh dạy chúng) rất nổi tiếng trong văn đàn Việt Nam.
* * *
Trước hết, về phương diện văn chương, đây là một trong những bài thơ tuyệt vời, thường được trong giới nhà thiền hay những văn nhân thi sĩ nhắc lại cái hay, cái đẹp của ý tứ thơ vào những độ xuân về.

Về phương diện ý nghĩa:
Bài kệ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư, làm ra trước khi viên tịch, có ý nhắc các đệ tử rằng: xuân đến thì trăm hoa nở, xuân đi trăm hoa rụng, đó là qui luật tuần hoàn, như thiên nhiên có đến có đi, hoa có nở có tàn, con người có sinh có diệt. Điều này có thể nghiệm thấy qua mái tóc bạc trên đầu, thân thể bệnh tật, chuyện gì rồi cũng qua!

Nhưng, đừng tưởng xuân qua hoa rụng hết, đêm qua, sân trước, vẫn còn nhánh mai. Nghĩa là đừng tưởng con người ra đi là cuộc đời kết thúc. Thực ra, cuộc đời vẫn tiếp diễn theo qui luật thiên nhiên, mọi người vẫn tiếp tục cuộc sống, cây cỏ vẫn tốt tươi trở lại sau mùa đông băng giá: xuân qua, hạ đến, thu sang, đông tàn!

Lời thơ uyên áo, thiền vị, ý nghĩa tuyệt vời! Nhứt chi mai là niềm hi vọng, là cái tốt trên đời không thể mất, là sự tồn tại của các giá trị siêu việt. Người tục hiểu khác người tu, nhưng cả hai đều thấy có cái trường tồn bất diệt chi phối cõi đời này. Đó thiệt là điều đáng quí! Bài thơ quả là một thông điệp rất lạc quan!

Ngoài giá trị thi ca tuyệt tác, bài thơ sáu dòng trên nói lên sở ngộ của một bậc thiền sư. Giữa dòng đời mọi vật đều vô thường, biến đổi: đến đi, nở tàn, ngày đêm, trước sau, vẫn có mặt cái thực tại như thật, cái thực tại luôn hiện hữu cùng với con người, mà con người thường không thấy, hay bị che khuất bởi các tướng sinh diệt.

Thiền sư thì thấy rất rõ: hình ảnh nhánh mai vàng rạng rỡ trước sân của thời điểm xuân tàn.

Không phải chỉ có nhánh mai ở bên ngoài cảnh vật, còn hiện diện một nhánh mai vàng rực rỡ trong tâm thức con người, dù cho tâm trạng phiền não của buổi xuân tàn.

Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, không gian và thời gian nào, con người cũng có điều kiện mỉm cười ngắm nhìn nhánh mai ấy, mặc cho sóng gió của lịch sử, hay bát phong của cuộc đời, cũng không đủ để dập tắt nụ cười ấy, nụ cười của một bậc thiền sư. Cái sở ngộ thực tại, cái thấy thực tại ấy, khiến hành giả sống rất lạc quan, sống với niềm tin không sinh không diệt trong cuộc sống.

Há đây không phải là một sức mạnh tâm lý phi thường, đánh thức tâm thức con người, trước bao nhiêu cảnh xuân tàn đó hay sao? Đây mới thực sự là điểm sống của bài thơ trên, và là điểm sống của thi ca, văn chương thiền học Việt Nam.


Về phương diện tu học:
Mùa xuân có đến ắt có đi theo qui luật tuần hoàn của thiên nhiên, không vĩnh viễn tồn tại, cũng không vĩnh viễn mất đi, có đi ắt có đến theo vòng sanh tử luân hồi.

Con người cũng không tránh khỏi các qui luật này. Trong vòng sanh tử luân hồi, con người đã bao lần trải qua 4 giai đoạn: sanh, trụ, dị, diệt! Muốn thoát ly được sanh tử luân hồi, người tu theo Phật phải làm sao giác ngộ được bản tâm thanh tịnh bất sanh bất diệt.

Trong cuộc sống, khi tiếp xúc với cảnh trần, tâm con người sanh ra không biết bao nhiêu phiền não khổ đau.

Muốn dẹp bỏ các tâm trạng bất an này, con người cần áp dụng tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Khi các vọng tâm phiền não hoàn toàn dứt sạch, con người đạt được cảnh giới vô tâm.

Vô tâm tức là không còn bị các vọng tâm phiền não gây khổ đau nữa, nói cách khác: tức là không còn tâm tham lam, sân hận, si mê, ganh tị, đố kỵ, làm phách, mắc mỏ, ỷ già, ỷ tài, ỷ giàu sang, đang thế lực, lăng xăng lộn xộn.

Khi tất cả những thứ đó rơi rụng hết trơn, ví như xuân tàn hoa lạc tận, thì lúc đó bản tâm thanh tịnh, hay chân tâm, hiển lộ. Chân tâm bình đẳng là con người chân thật. Khi đó, con người  chân thật sống trong an nhiên tự tại của niết bàn.

Nếu như phiền não (tham, sân, si) chưa dứt sạch (hoa tàn chưa rụng hết trơn), làm sao thấy được chân tâm, làm sao thấy được nhứt chi mai? Ví như mặt trời luôn sáng tỏ, nhưng vì bị mây đen (phiền não) che khuất, ánh sáng trí tuệ không tỏ đó thôi! Nếu người nào hiểu được rõ ràng thì phước biết bao! Người nào bớt được phiền não khổ đau, thì người xung quanh cũng đỡ khổ biết bao!

Cho nên kinh sách có câu: vô tâm tức niết bàn, chính là nghĩa đó vậy!

Cũng như Thiền sư Mãn Giác đã nói: hoa rụng hết, tức là các phiền não rụng hết. Khi ấy, tâm thanh tịnh hiện tiền, cũng như một nhánh mai hiện diện nơi sân trước hồi đêm qua. Sân trước, sân sau, đêm qua, đêm nay, ngụ ý chỉ sự đối đãi, sự tương đối, trên đời này: có đúng có sai, có phải có quấy, có sáng có tối, có trước có sau, có chánh có tà, có đen có trắng, có ngày có đêm!

Dù sống trong cảnh đời đối đãi nhị biên như vậy, nhưng nếu con người biết pháp môn tu tập, con người vẫn có thể giác ngộ được cái chân thật bất nhị, không còn thấy có hai, dù không gian, thời gian nào, dù người hay vật, sắc hay không, tượng trưng là: nhứt chi mai!
* *

Thiền sư Mãn Giác diễn tả mùa xuân theo thời gian cứ tuần hoàn qua lại, xuân đi rồi xuân lại đến. Sự sự vật vật cũng theo thời gian sanh diệt, đổi thay thay đổi, gọi là cuộc đời vô thường!

Mỗi khi xuân đến thì thấy hoa nở, xuân đi thì thấy hoa rụng. Hoa rụng hoa nở theo thời gian tức là sanh diệt, diệt sanh liên tục không ngừng. Con người cũng cùng chung số phận đó, vì tóc trên mái đầu đã bạc trắng cả rồi!

Như vậy, thời gian chi phối cả vạn vật lẫn con người, không có cái gì tồn tại mãi với thời gian. Tất cả chúng ta rồi đây cũng sẽ tuần tự ra đi, kẻ trước người sau, không ai tránh khỏi!

Người đời thường bi quan trước sự vô thường biến đổi của cuộc đời như vậy, nhưng qua hai câu chót, Thiền sư Mãn Giác kết thúc thật tuyệt vời:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhứt chi mai.

Thiền sư Mãn Giác nói: chớ bảo xuân qua là hoa rụng hết, vì đêm qua trước sân vẫn còn nhánh mai.

Thông thường, thời gian trôi qua, con người lẫn vạn vật, tất cả đều tàn phai hoại diệt. Nhưng trong khi cái vật chất hữu tướng bị hoại diệt đó, còn có một cái bất diệt, thời gian không hủy hoại được. Cũng như ngay trong thân năm uẩn sanh diệt vô thường của chúng ta, có cái thường hằng bất diệt, biểu trưng bằng một nhánh mai, tồn tại dù xuân đã qua.

Tóm lại, cái tâm suy nghĩ phân biệt, lăng xăng lộn xộn, là tâm duyên theo bóng dáng của trần đời bên ngoài.

Tâm đó sanh diệt tùy duyên, tùy cảnh mà có, không thật. Còn bản tâm hằng tri hằng giác, không đợi nghĩ suy mới có, là tâm chân thật, là bản tâm thanh tịnh, không sanh không diệt.

Bản tâm đó giúp mình, việc đến biết đến, việc đi biết đi. Bản tâm đó không hình không tướng, thênh thang trùm khắp.

Chúng ta thường ngày sống với cái tâm phân biệt hạn hẹp, tốt xấu hơn thua nên gọi là mê, mê lầm. Cái tâm phân biệt thì tùy duyên, duyên tốt thì hành xử tốt, duyên xấu thì hành xử xấu, cho nên tâm trạng sanh diệt, thay đổi luôn luôn.

Nếu người nào sống với cái tâm không sanh diệt trùm khắp thì gọi là giác, giác ngộ! Cái tâm chân thật không phân biệt, không sanh diệt, chính là cái “biết” đó thôi, không biến hoại và thường hằng.
Qua bài kệ trên đây, Thiền sư Mãn Giác nhắc cho đồ đệ cũng như chúng ta biết thân này có sanh ắt phải tử, nhưng trong cái thân sanh tử đó có cái tâm chân thật bất diệt.

Đây chính là cốt tủy của đạo Phật vậy.

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ



THẮNG HAY THUA

-         Hôm qua tôi tranh cãi với anh ta dữ dội.
          Bổng dưng anh ta nín
          thinh, chịu thua tôi !?

-         Chưa biết anh ta thua bạn thiệt chăng,
          nhưng anh ta tự chế, nhịn được, nín được,
         tức là: anh ta tự thắng chính bản thân anh ta đó! 



NHẤT CHI MAI
THIỀN SƯ MÃN GIÁC


Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhứt chi mai

**** 
Xuân đi trăm hoa rơi
Xuân đến trăm hoa nở
Việc đời qua trước mắt
Già theo đến trên đầu
Chớ bảo xuân qua hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.



Sống đời vui đạo
(Sống trong tương đối - Vui với tuyệt đối)

Thương ghét, phải quấy, đẹp xấu, đúng sai, hơn thua, chính là vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm. Ðó chính thực là con trâu, mà người tu theo Phật phải chăn phải dắt, phải kềm phải chế, phải điều phải khiển, phải thuần phải phục, thúc liễm luôn luôn. Chăn trâu thành công thì Tánh Giác hiển lộ. Ðiều quan trọng là: "Con người hãy chăn dắt con trâu, chớ để con trâu dẫn dắt con người! Nếu để con trâu dẫn dắt, không biết con người sẽ đi về đâu?". Cho nên mới có pháp tu gọi là "Pháp Môn Chăn Trâu", chính là nghĩa đó vậy.

Chăn trâu nghĩa là: áp dụng Chánh Pháp, vào trong cuộc sống, của mình hằng ngày, dẹp trừ vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm liên miên, chuyển hóa ba nghiệp, thân khẩu ý mình, bất lương bất thiện, thành ra ba nghiệp, hoàn toàn thanh tịnh. Chăn trâu nghĩa là: không theo sức mạnh, sức kéo sức lôi, của tâm tham lam, sân hận si mê.
Ðây mới chính là ý nghĩa thiết yếu của việc tu tâm dưỡng tánh theo đạo Phật: Trong tâm khởi niệm, nếu giác kịp thời, liền biết không theo, đó là Chơn Tâm. Trong tâm khởi niệm, nếu còn mê muội, không giác kịp thời, liền theo niệm đó, trở thành vọng tâm. Cũng ví như là: Khi có gió thổi, mặt biển nổi sóng, gọi là biển động. Mặc dù có gió thổi, mặt biển vẫn bình yên, đó là biển thái bình, ví như bản tâm thanh tịnh. Tu theo đạo Phật, không phải chỉ có: cúng kiến lễ lạy, van xin cầu nguyện, không còn gì khác!

Nếu con người biết sẵn sàng tha thứ cho người khác, cũng như đã từng nhiều lần trong đời, tha thứ cho chính bản thân mình, thì cảnh giới thiên đàng niết bàn cực lạc chính là đây, ngay trên thế gian này!
Sinh sự thì sự sinh. Nhân nào thì quả nấy. Gieo gió thì gặt bão. Có lửa thì có khói. Cầu nguyện khấn vái chỉ đem lại sự bình an tâm hồn tạm thời mà thôi. Bình an thực sự chỉ có cho người thiện tâm. Thiên đàng hay địa ngục, tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng tất cả thực sự chỉ là các trạng thái ở trong thâm tâm của tất cả chúng ta. Cũng ví như biển động hay biển lặng, tuy khác nhau, nhưng đều là hai trạng thái của biển mà thôi vậy.
Cảnh giới tịch diệt an lạc đó không dành riêng cho bất cứ ai, không thuộc bất cứ tôn giáo nào, không thuộc bất cứ sắc dân nào, không thuộc bất cứ thời đại nào. Bất cứ ai dẹp được một phần các tâm niệm sanh diệt, thì người đó sống được một phần trong cảnh giới an lạc tịch diệt.

TỲ KHƯU THÍCH CHÂNTUỆ



THẾ NÀO LÀ PHÁP NHẪN BA LA MẬT?
Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG
GIÁ TRỊ CỦA CON NGƯỜI
THƯ NGỎ VÀ MỤC LỤC PHTQ SỐ 21
DỌN KHO ĂN TẾT
AN LẠC VÀ HẠNH PHÚC