TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Sunday, 14 October 2012

*** ĐƯỜNG LỐI TU THEO PHẬT


HT THÍCH THANH TỪ
Khi nhắc nhở tu hành, chúng tôi nghĩ trước tiên phải nói cho quí Phật tử hiểu đường lối tu theo đạo Phật, sau đó mới ứng dụng tu thì việc tu mới có kết quả và không bị lầm lạc. Nên đề tài buổi giảng hôm nay là Đường lối tu theo đạo Phật.
Về căn bản, đầu tiên trong đạo Phật có chia ra ba môn học gọi là Tam tuệ học: Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ. Kế đến Tam vô lậu học là Giới, Định, Tuệ. Hai môn học này liên hệ tới sự tu hành của chúng ta như thế nào? Tôi sẽ giải thích cho quí Phật tử rõ.

Chủ trương của đạo Phật, mỗi người đến với đạo không phải chỉ tin mà phải hiểu, không phải chỉ hiểu mà phải tu. Đó là điểm trọng yếu. Cho nên trong kinh A-hàm, đức Phật dạy rằng người Phật tử tới chùa không chưa đủ, mà phải gặp chư Tăng. Gặp chư Tăng không chưa đủ mà phải hỏi giáo pháp. Hỏi giáo pháp không chưa đủ mà phải suy gẫm lời chư Tăng nói đúng hay sai, nếu đúng thì đem ra thực hành. Như vậy mới đúng ý nghĩa đi chùa. Chúng ta lâu nay hay có thói quen, đi chùa cốt lạy Phật, cầu xin Ngài cho mình nhiều phước là đủ rồi. Chư Tăng không cần thiết. Nếu có gặp chư Tăng, quí thầy nói gì tin nấy, không chịu suy gẫm lời nói đó đúng hay sai? Do đó nhiều Phật tử đi chùa năm này tháng nọ mà về nhà phiền não cũng như xưa, không hơn không kém. Đó là điều không hợp với đạo lý. Trước tôi nói về Tam tuệ học.


Đầu tiên là Văn tuệ tức là được nghe quí thầy giảng đạo lý. Nghe rồi, thu nhặt những lời thầy giảng về suy gẫm xem lời dạy đó đúng không? Bởi vì chư Tăng nhiều thành phần phức tạp, có người học đạo kỹ càng mới hoằng hóa, có người học sơ sài cũng ra hoằng hóa. Có người lớn tuổi cạo đầu vô chùa năm ba năm, thấy già thiên hạ kêu Hòa thượng, Thượng tọa, nhưng thật ra giáo lý còn kém cỏi. Không biết ai là người đáng tin cậy. Vì vậy Phật giáo bắt buộc chúng ta phải có tư duy, tức phải suy gẫm gọi là Tư tuệ. Suy gẫm thấy đúng rồi mới ứng dụng tu, gọi là Tu tuệ. Như vậy việc tu sẽ được lợi ích thiết thực. Ngược lại nếu chúng ta không suy gẫm, nói đâu tin đó thì đi chùa là họa chớ không phải phước.
Nói theo thế gian Văn là học lý thuyết, tư là thí nghiệm, tu là thực hành hay ứng dụng. Đạo Phật không phải là đạo huyền bí xa lạ mà rất thực tế, một môn học cụ thể chớ không phải trừu tượng. Nhiều người cứ ngỡ học Phật đơn giản là lạy Phật, kính Phật, như thế đủ rồi. Không phải vậy. Học Phật phải hiểu cho thấu đáo nên gọi là tuệ học, tức học để phát sanh trí tuệ. Trí tuệ này do chúng ta học, suy gẫm rồi ứng dụng tu mà được.

Phần thứ hai Tam vô lậu học còn gọi là ba môn học giải thoát. Ba môn học giải thoát đó là gì? Là Giới học, Định học và Tuệ học. Tăng Ni cũng như Phật tử vào đạo, đều tuân giữ giới luật của Phật đã chế ra thì đạo đức mới tốt. Gần nhất như quí Phật tử tại gia nếu không giữ năm giới thì không thể gọi là Phật tử chân chánh được. Phật tử chân chánh đâu thể say lèm nhèm, huống nữa là mấy giới kia. Đã là Phật tử đầu tiên phải giữ giới, vì giới là đức hạnh, là con đường để chúng ta tiến vào đạo đức. Nếu thiếu giới con đường đạo đức sẽ không có nghĩa gì hết. Đó là nói về Giới học thứ nhất. Thứ hai là Định học. Định là thiền định. Chúng ta phải tập thiền định để tất cả những niệm lự điên đảo lặng xuống hết, trí tuệ mới sáng suốt. Đó gọi là Định học thứ hai.

Thứ ba là Tuệ học. Tuệ này khác với tuệ ở trên. Tuệ trên là do Văn, Tư, Tu mà được, còn tuệ này do giới sanh định, do định phát tuệ. Hai Tuệ này khác nhau, khác ở điểm nào? Đó là điều chúng tôi muốn nói hôm nay.

Chúng ta còn nhớ đức Phật đến dưới cội Bồ-đề trải cỏ tọa thiền bốn mươi chín ngày đêm. Ở trong an định, trí tuệ phát sanh Ngài được giác ngộ thành Phật. Như vậy trong bốn mươi chín ngày đêm ấy Ngài học cái gì? Chỉ là định tâm, lóng lặng, trí tuệ phát sanh thì giác ngộ. Tuệ này từ định sanh nên được gọi là tuệ giải thoát. Vì vậy ba môn học này có tên là ba môn học giải thoát.

Hồi xưa có nhiều người thắc mắc đặt câu hỏi rằng: Đức Phật ngồi dưới cội Bồ-đề suốt bốn mươi chín ngày đêm như vậy nhọc quá, Ngài có đi ra ngoài không hay ngồi luôn? Đó là điều chính hồi xưa tôi cũng nghi. Bởi thân chúng ta là thân phàm xác tục nên có đủ vấn đề, ngồi luôn một mạch bốn mươi chín ngày đêm e không được. Nhưng sau này qua thời gian tôi cho Tăng Ni nhập thất tu, tôi mới hết nghi vấn đề đó.

Nếu sinh hoạt bình thường, trong hai mươi bốn giờ chúng ta phải ăn uống tiểu tiện đủ thứ, tức mượn vô trả ra hoài. Bây giờ ngồi thiền thời gian dài ba bốn chục tiếng đồng hồ, mấy lần đi ra? Thực sự không phải vậy. Khi ngồi thiền được định rồi thì ba bốn ngày cũng không có chuyện đó. Nó rất lạ. Không có những nhu cầu phàm tục như chúng ta. Từ đó chúng tôi mới hiểu được Phật ngồi suốt bốn mươi chín ngày đêm, không phải đi đâu. Đó là điều nếu chúng ta không tu thì không bao giờ biết được. Nhờ tu mới thấy đó là lẽ thực, không chối cãi.


Cho nên những vấn đề trong đạo Phật, nếu chỉ học hỏi, nghiên cứu qua loa chúng ta sẽ có rất nhiều nghi vấn. Hồi xưa các vị Thiền sư khi nhập định tới cả hai ba mươi ngày, tùy mức độ tu tập của mỗi vị. Các Ngài sống trong thiền định như vậy rất là bình yên. Từ đó chúng ta thấy sức định có giá trị không phải lấy trí phàm phu mà hiểu nổi. Được định thanh tịnh rồi thì trí sáng suốt phát sanh. Trí tuệ đó từ mình mà có, không do ai cho nên gọi là trí vô sư. Nên khi giác ngộ rồi, đức Phật tuyên bố “Ta học đạo không có thầy”. Vô sư là không có thầy.

Trong quyển “Góp nhặt cát đá” của ông Đỗ Đình Đồng dịch các câu chuyện thiền của Nhật Bản, có câu chuyện tên “giáo lý Thượng thừa” như thế này. Một anh chàng mù nọ đi thăm người bạn thân. Tới nhà người bạn, hai vị lâu ngày gặp nhau trò chuyện tới khuya lơ khuya lắc, anh mù mới về. Thấy trời tối đen, anh bạn đốt cho một cây đèn đưa cho anh bạn mù cầm về. Anh mù cầm đèn cười bảo: “Đối với tôi ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày, cần gì đèn”. Người bạn giải thích: “Tuy nhiên như vậy, anh cứ cầm cây đèn này. Ở xa người ta thấy anh người ta tránh, khỏi đụng vào anh”. Nghe có lý, anh mù cầm đèn về. Nửa đường có người đụng vào, giựt mình anh la lên:
- Không thấy tôi sao?
Người kia trả lời:
- Thưa bạn, tôi không thấy.
- Anh không thấy tôi cầm cây đèn đây à?
- Thưa bạn, cây đèn của bạn đã tắt từ bao giờ!

Câu chuyện đó có tên là giáo lý Thượng thừa. Một câu chuyện tầm thường như vậy lại gọi là giáo lý Thượng thừa, có khó hiểu không? Ở đây tôi chưa giải thích vội, mà dẫn thêm câu chuyện khác của một Thiền sư Trung Hoa.

Ngài Đức Sơn trước khi thành Thiền sư, Ngài là một Giảng sư giảng kinh Kim Cang nổi tiếng. Nghe các Thiền sư, nhất là Thiền sư thuộc hệ phái của Lục Tổ ở phương Nam nói “tức tâm tức Phật”, Ngài không bằng lòng. Ngài nói trong kinh Phật dạy người tu phải trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật, nói “tức tâm tức Phật” thì có vẻ xem thường lời Phật quá! Đó là ma nói chớ không phải Phật nói. Thế nên quảy một gánh kinh, Ngài nhất định tìm cho được mấy vị Thiền sư, ruồng đuổi tận hang ổ của bọn ma, ngõ hầu báo đền ân Phật.

Suốt mấy ngày liền Ngài gánh kinh Kim Cang sớ sao đi về phương Nam. Sáng sớm hôm đó nghe đói bụng, thấy có bà già bán bánh, Ngài để gánh kinh xuống hỏi:
- Bà bán cho tôi ít món điểm tâm.
Bà già thấy ông thầy hơi lạ, đi đâu mà quảy kinh kềnh càng, nên hỏi:
- Thượng tọa gánh cái gì vậy?
Ngài trả lời:
- Gánh kinh Kim Cang sớ sao.
Bà nghe xong liền nói:
- Nếu Thượng tọa trả lời được câu hỏi của tôi, xin cúng dường điểm tâm. Bằng trả lời không được xin mời đi nơi khác điểm tâm.
Ngài bảo:
- Được, bà cứ hỏi.
Bà già hỏi:
- Trong kinh Kim Cang, Phật nói quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Xin hỏi Thượng tọa điểm tâm nào?
Ngài Đức Sơn bí không trả lời được, đành quải gánh kinh đi. Trước khi đi Ngài hỏi bà già:
- Gần đây có Thiền sư không?
Bà nói:
- Trên núi có chùa Long Đàm, ở đó có Thiền sư  hiệu Sùng Tín.
Nghe thế Ngài liền gánh kinh đi. Lên tới tận chùa, bước vào nhà khách bỗng gặp Thiền sư Sùng Tín ở trong đi ra. Ngài liền nói:
- Ở xa nghe danh Long Đàm, đến nơi Long không thấy mà Đàm cũng chẳng hiện.
Ngài Sùng Tín chỉ nói một câu:
- Như vậy ông gần tới Long Đàm rồi.
Nghe câu đó, Đức Sơn bèn xin ở lại làm đệ tử.

Long là rồng, đàm là đầm, Long Đàm là cái đầm rồng. Ngài Đức Sơn nói “Ở xa nghe danh Long Đàm, đến nơi Long không thấy mà Đàm cũng chẳng hiện” là có ý chê nghe thiên hạ đồn đãi như vậy, nhưng đến nơi cũng chẳng có gì đặc biệt. Thiền sư Sùng Tín trả lời đơn giản mà Ngài nể phục.
Đọc sách thiền rất khó, khó ở chỗ đó. Người không hiểu, đọc một hồi thấy như các ngài đùa chơi với nhau thôi. Ngài Đức Sơn nghe Thiền sư Sùng Tín trả lời một câu đơn giản thôi nhưng lại khâm phục, nguyện ở lại làm đệ tử. Thế nghĩa là sao? Thật ra trong nhà thiền có thuật, khi đối phương đề cao các ngài, các ngài sẽ hạ thấp đối phương. Khi đối phương hạ thấp các ngài, các Ngài sẽ đề cao đối phương. Làm như thế là để thử phản ứng của Thiền sư, xem có hợp đạo lý thì mới theo, nếu không hợp đạo lý thì đi chỗ khác.

Nói ở xa nghe danh Long Đàm, tức ở xa tôi nghe hay lắm, Ngài là một Thiền sư nổi tiếng. Nhưng đến nơi đầm không thấy, rồng cũng không hiện, tức tới nơi không có gì đáng kể hết. Như vậy là hạ thấp Thiền sư Sùng Tín. Nếu là hạng phàm phu như chúng ta nghe thế nổi bực rồi. Nhưng ngài Sùng Tín chỉ nói một câu “Như vậy là ông đã gần đến Long Đàm rồi”, tức ông gần được ta rồi. Tại sao lại gần được?

Bởi vì ngài Đức Sơn lúc đó được người đời gọi là Chu Kim Cang. Do Ngài họ Chu lại giảng kinh Kim Cang, rất thông suốt giáo lý của Phật. Phật dạy người nào phá được ngã chấp đó là hàng Thanh văn, phá luôn được pháp chấp đó là hàng Bồ-tát. Ở đây rồng tượng trưng cho ngã, đầm tượng trưng cho pháp. Thiền sư Sùng Tín nói nếu ông không có ngã, không có pháp là ông gần được ta. Thế thì ta là thầy của ông rồi. Nghe vậy Ngài mới phục, không ngờ Thiền sư thấy sâu xa đến thế.

Khi đã vào ở trong chùa, Ngài rất cố gắng trong việc học và tu. Lúc nào cũng trông chờ Thiền sư Sùng Tín nói câu nào đó cho mình giác ngộ, nhưng chờ hoài vẫn không thấy. Một hôm ngài đứng hầu Thiền sư Sùng Tín tới khuya. Sùng Tín nói “Đêm đã khuya ngươi nên đi xuống”. Ngài xá, kế ra vén rèm rồi trở lại thưa: “Bạch Hòa thượng, bên ngoài tối đen”. Nghe thế Thiền sư Sùng Tín liền đốt cây đèn cầy đưa cho Ngài. Ngài vừa đưa tay cầm cây đèn liền bị Sùng Tín thổi tắt. Ngay đó Ngài sụp xuống lạy. Thiền sư Sùng Tín hỏi: “Ngươi thấy cái gì mà lạy?” Ngài trả lời: “Từ đây về sau con không còn bị đầu lưỡi các Hòa thượng lừa nữa”. Ngài Sùng Tín gật đầu.
Đến đây quí vị đã thấy ý nghĩa của giáo lý Thượng thừa chưa? Cây đèn của ngài Sùng Tín đưa có khác với cái cây đèn của anh bạn đưa cho người mù không? Những câu chuyện như vậy rất nhiều trong nhà thiền. Nếu người học thiền không hiểu thì đọc sách thiền chơi cho vui thôi, chớ không thấy giá trị của nó. Ở đây tôi sẽ thứ tự giải thích lại cho quí vị hiểu.

Một Thiền sư nói rằng “Nếu ông có cây gậy, ta cho ông cây gậy. Nếu ông không có cây gậy, ta cướp cây gậy của ông”. Nói câu lạ đời, đã có lại cho, không có lại cướp, là sao? Thiền sư là vậy đó. Hiểu được câu nói này mới hiểu được cây đèn. Người bạn sáng mắt thương anh bạn mù đi đêm không có đèn sợ người ta đụng, nên thắp cây đèn cho bạn cầm đi. Nhưng rất tiếc người bạn cầm cây đèn mà gió thổi tắt hồi nào không hay, cứ đinh ninh là đèn còn cháy. Tới chừng người ta đụng vào mình, hỏi ra mới biết cây đèn tắt rồi. Câu chuyện đó gọi là giáo lý Thượng thừa, Thượng thừa ở chỗ nào?

Như tôi đã nêu ở trên, tuệ do học được giống như cây đèn do người bạn trao cho mình. Nếu ta không định tâm, không mở sáng trí tuệ của mình thì giống như người mù tuy có cây đèn nhưng chính mình cũng không thấy không biết gì hết. Vì vậy nó còn, nó tắt không hay. Người tu nhờ học tức nhờ hữu sư trí để đi tới vô sư trí. Trí này mới cứu được mình. Hữu sư trí là ngọn đèn do thiện hữu tri thức trao để ta khai thác được vô sư trí của mình. Nếu không tự khai thác, ta cũng không cứu được mình thoát khỏi luân hồi sanh tử. Như vậy có phải là giáo lý Thượng thừa chưa?

Ngài Đức Sơn tha thiết muốn được thầy chỉ dạy chỗ thiết yếu, mà thầy không chỉ. Đức Sơn không biết rằng Thiền sư Sùng Tín không muốn Ngài bị kẹt ở trí hữu sư. Cho nên tuy không chỉ mà Thiền sư tạo điều kiện cho Ngài thắc mắc. Đức Sơn mở cửa thấy “ngoài kia tối đen”, để nói rằng con còn mù mịt lắm, xin thầy khai sáng cho. Thiền sư Sùng Tín liền đốt cây đèn trao cho. Nhưng Đức Sơn vừa đưa tay cầm, ngài Sùng Tín bèn thổi tắt. Để nói rằng tôi trao cho không phải là ngọn đèn thực của ông. Khi Thiền sư thổi tắt, Đức Sơn bừng ngộ mới thấy ngọn đèn thực từ mình phát ra, chớ không phải người khác cho. Từ đó Ngài trở thành Thiền sư nổi tiếng, không nói chỉ đánh hét thôi. Bởi vì thủ thuật trong nhà thiền là phải tạo điều kiện cho người ta thức tỉnh. Chớ còn nhắc nhở bằng lời lẽ hoài, đối phương khó sáng được.

Trở lại câu nói của Thiền sư “ông có cây gậy ta cho ông cây gậy, ông không có cây gậy ta cướp cây gậy của ông”. Cũng cùng một kiểu như thế. “Có cây gậy” để nói nếu mình đã sáng thì các ngài ấn tâm cho. “Không có gậy” tức chưa sáng thì không cho gì hết, nên nói cướp cây gậy của ông. Cho nên ngôn ngữ trong nhà thiền, từ thủy tới chung rất là lạ. Tuy nhiên hiểu rồi mới thấy cái thâm trầm của người tu. Đó là tôi nhắc qua các Thiền sư.

Kế đến tôi sẽ dẫn kinh. Như kinh Pháp Hoa, phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, đức Phật tán thán kinh Pháp Hoa là tối thượng, kinh Pháp Hoa là hòn ngọc báu, Ngài dặn dò hàng đệ tử phải ráng bảo vệ, duy trì kinh Pháp Hoa trên thế gian. Có một số Bồ-tát từ phương xa tới nghe kinh, nghe Phật tán thán như vậy liền đi nhiễu Phật ba vòng, rồi quì gối chấp tay bạch: “Bạch Thế Tôn, chúng con nguyện hộ trì những người trì kinh Pháp Hoa ở cõi Ta-bà này.”
Đức Phật nói: “Thôi đi không cần các ông”. Như Lai vừa nói xong, bỗng dưới đất rúng động, chư Bồ-tát từ dưới đất vọt lên vô số, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi quì gối chấp tay thưa: “Bạch Thế Tôn, chúng con nguyện bảo vệ những người thọ trì kinh Pháp Hoa ở cõi này”.
 Phật nói “Được, các ông hãy nên bảo hộ những người trì kinh”. Tại sao Bồ-tát tha phương xin bảo vệ những người trì kinh ở đây đức Phật từ chối, đợi Bồ-tát ở dưới lòng đất vọt lên xin bảo hộ Ngài mới cho? Nếu không giải thích những điểm này, chúng ta sẽ không thấy được ý nghĩa thâm trầm của kinh Pháp Hoa. Bồ-tát tha phương tượng trưng cho trí tuệ ở bên ngoài, nên đức Phật không cho bảo vệ kinh Pháp Hoa. Tại sao? Vì kinh Pháp Hoa đề cao tri kiến Phật tức là cái thấy biết Phật của chính mình. Cái thấy biết đó không phải trí tuệ bên ngoài đến mà bảo vệ được. Bồ-tát dưới lòng đất vọt lên tượng trưng cho tánh giác từ hông ngực của mình phát ra. Thân chúng ta là tứ đại, quả đất cũng tứ đại, trong tứ đại phát ra đó là vô sư trí, trí sẵn của chúng ta. Trí này mới bảo vệ được tri kiến Phật. Kinh Pháp Hoa dạy sâu xa như vậy, mà lâu nay có biết gì đâu.

Phật dạy tất cả chúng ta đều có trí tuệ sẵn, không phải học mà được nên gọi là vô sư trí. Còn trí tuệ do học hành mà được là hữu sư trí. Đứng về giáo lý căn bản mà nói thì hữu sư trí thuộc về tam tuệ học, vô sư trí thuộc về tam vô lậu học. Trí vô sư mới thật là trí của mình, còn trí hữu sư là trí vay mượn của thầy bạn, không phải của mình.

Trong nhà thiền dạy tu rất đơn giản. Trong “Góp nhặt cát đá” kể lại: Một hôm có vị tiến sĩ tới chùa xin học thiền. Thiền sư mời uống trà. Ngài rót trà, mặc dù chung trà đã đầy nhưng Ngài cứ rót hoài, nên nước trà chảy tràn lan ra ngoài. Thấy vậy, tiến sĩ mới nhắc: “Thưa Ngài, chung trà đã tràn. Thiền sư bình thản nói: “Cũng vậy, trong đầu của ông tới ba bốn bằng tiến sĩ, nó đã đầy quá rồi. Bây giờ cho thêm thiền vào nữa, nó sẽ tràn”.

Với người đang nặng về hữu sư trí thì không thể học đạo được. Bởi vì học đạo là học vô sư trí, mà vô sư trí thì không học được. Chỉ có định tâm, rồi từ đó phát sanh trí thật của mình. Chúng ta ngày nay học đạo ít thực hiện được điều đó. Phật tử tới chùa nghe tụng kinh, niệm Phật coi như là tu rồi. Còn quí thầy ngồi im lặng ngó xuống thấy như không tu gì hết, nhưng không ngờ đó là gốc của sự tu. Chính đức Phật do tu thiền mà được giác ngộ. Các hàng Thánh đệ tử của Ngài như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp… cũng tu thiền mà chứng A-la-hán, giải thoát sanh tử.

Nói Giới, Định, Tuệ là ba môn học giải thoát, vì nhờ đó mà người tu được giải thoát sanh tử. Chúng ta tu theo Phật thì phải hiểu đường hướng rõ ràng, nếu không hiểu sẽ ngờ vực con đường tu của mình, do đó dẫn tới việc tu không có kết quả. Hầu hết những kinh Đại thừa đều nói về vô sư trí qua các hình ảnh. Nếu đọc, ta cứ nhớ hình ảnh, mà không biết trọng tâm bên trong thế nào thì dễ trở thành mê tín. Cứ cho rằng tụng kinh Pháp Hoa là cao nhất, tụng có phước nhiều nên tụng hết bộ này sang bộ nọ để được phước.

Bồ-tát Thường Bất Khinh không tụng câu kinh nào, Ngài chỉ nói “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”. Chỉ câu nói đó thôi mà Phật bảo là Ngài trì kinh Pháp Hoa. Vì Ngài biết tất cả chúng sanh đều có vô sư trí hay còn gọi tánh giác, Phật tánh, căn bản trí. Nhờ có trí này chúng ta mới có khả năng giác ngộ. Tại sao? Vì hữu sư trí là trí bên ngoài do huân mà được. Đã bên ngoài huân được nên nó không phải thật của mình. Còn trí vô sư sẵn có, không do ai đem đến nên nó là thật của mình, không bao giờ mất. Chừng nào chúng ta nhận được nó gọi là giác ngộ. Do nó có sẵn nơi mình nên nó chính là nguyên nhân để dẫn đến sự giác ngộ.

Lâu nay chúng ta cứ ca ngợi trí bên ngoài, như vậy mình có khác nào rô-bốt. Đôi khi còn thua nó nữa, bởi vì cái máy nhớ giỏi hơn mình nhiều. Mới thấy trí tuệ của đạo Phật thật là thâm sâu, không phải nông cạn bên ngoài. Đó là lý do tại sao bắt người học Phật phải buông bỏ hết những suy luận bên ngoài. Ngồi thiền là để tâm trong lặng, gọi là định. Từ cái trong lặng đó phát ra trí tuệ, trí tuệ này khác với trí tuệ do học từ bên ngoài rất xa.

Có người nói học nhiều thầy, sẽ có nhiều kiến thức, nhiều hiểu biết sâu rộng hơn tự mình phát ra. Sự thực không phải vậy. Trí tuệ từ chính mình phát ra mới siêu thoát, mới vượt hơn tất cả những hiểu biết của trần gian. Đức Phật khi ngồi yên định phát ra trí tuệ, Ngài hoàn toàn giác ngộ. Bấy giờ Thế Tôn chứng được tam minh, lục thông, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng v.v... nhiều lắm. Ở đây tôi chỉ nói về tam minh thôi.

Tam minh là gì? Là ba cái sáng: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh. Do có tam minh nên Ngài có những kỳ đặc mà trước kia chưa ai có.
**Thứ nhất là Túc mạng minh, Ngài biết vô số kiếp về trước. Những kinh Bổn sanh Bổn sự, Phật kể rõ những đời trước của Ngài và các vị đệ tử thế nào. Phật nói Ngài nhớ rõ những đời quá khứ như việc hôm qua, rõ ràng như vậy. Thế nên đức Phật thấy chúng ta sanh tử luân hồi chẳng phải chỉ một đời này mà từ vô số kiếp. Trong kinh thường nói nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển cả, là vì chúng sanh đã khóc trong nhiều đời. Đó là Phật thấy mà nói, chớ không phải tưởng tượng mà nói. Đó là chứng được Túc mạng minh.
**Thứ hai là Thiên nhãn minh. Thiên nhãn minh chia làm hai phần: một phần thấy hiện tượng thế gian, một phần thấy chúng sanh đi trong lục đạo luân hồi. Về hiện tượng thế gian Ngài thấy xa tít mù, nghĩa là thấy trong không gian có hằng hà sa số thế giới. Trong kinh thường nói Phật thấy thế giới nhiều như cát sông Hằng. Trước đây hai mươi lăm thế kỷ ai dám nói câu đó? Hồi xưa nói thế giới nhiều như cát sông Hằng chúng ta không tin nổi, nhưng bây giờ tin rồi. Để thấy cái thấy của Phật không nhờ phương tiện khoa học.

Kế đến Phật thấy những sinh vật cực nhỏ. Nhìn trong bát nước Ngài thấy vô số vi trùng, nên nói “Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng”. Nghĩa là Phật nhìn trong bát nước thấy tám muôn bốn ngàn vi trùng, nên Ngài dạy các thầy Tỳ-kheo trước khi dùng nước phải có đãy lọc nước, vì sợ vi trùng chết, nên lọc bỏ nó ra. Hồi đó ai tin, nhưng bây giờ khoa học đã chứng minh những gì Phật thấy biết đều đúng. Song khoa học vẫn thấy sau và có những vấn đề chưa thấy bằng đức Phật.

Về phần chúng sanh, Ngài thấy chúng sanh luân hồi sanh tử trong lục đạo như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, thấy người qua kẻ lại rõ ràng không nghi ngờ. Cái thấy đó là do thiên nhãn mà thấy, chớ không phải do suy luận. Giá trị của đạo Phật là thấy mới nói, không còn nghi nữa. Bây giờ khoa học tuy có nhiều phát minh, nhưng có thể người phát minh sau tiến hơn người trước phát minh nên cái thấy khác đi. Trong  Phật học, từ xưa tới giờ không hề thay đổi, vì đó là những gì Phật đã thấy mới nói, không suy lý mà là chân lý. Đó là Thiên nhãn minh.
**Thứ ba là Lậu tận minh. Lậu là lọt, chúng ta bị lẩn quẩn loanh quanh trong lục đạo luân hồi không ra khỏi gọi là trầm luân sanh tử. Người nào vượt ra khỏi đó gọi là giải thoát sanh tử. Chữ Hán dùng từ vô lậu là không còn rơi rớt lại trong tam giới nữa, nên nói giải thoát sanh tử. Khi chứng được Lậu tận minh rồi, đức Phật thấy rõ nguyên nhân nào đưa chúng sanh đi trong luân hồi sanh tử và nguyên nhân nào để dứt bỏ luân hồi sanh tử. Bởi thấy rõ như thế nên bài thuyết pháp đầu tiên của Phật là Tứ diệu đế. Trong đó, Khổ đế và Tập đế là nhân quả luân hồi. Diệt đế và đạo đế là nhân quả giải thoát. Những gì Phật nói đều do Ngài tu chứng mà nói, chớ không có lý luận, không có tưởng tượng. Hiểu vậy chúng ta mới thấy học Phật là học pháp đúng như thật.

Đức Phật dạy chúng ta đến với đạo Phật để mà thấy, chớ không phải đến để tin. Người học đạo phải nhận ra lẽ thật bằng chính trí tuệ của mình mới được. Học Phật để tu chớ không phải để hiểu biết suông. Nếu chúng ta không ứng dụng tu, dù có đi chùa lạy Phật bao nhiêu nữa, rốt cuộc vẫn không hết khổ. Hiện tại không hết khổ thì mai kia cũng không hết khổ. Vì vậy tu là gốc của an lạc, chấm dứt khổ đau. Nhân với quả luôn đi sát nhau, ngày nay vui thì mai kia cũng vui, ngày nay khổ mà đòi mai kia vui, chắc khó.

Hôm nay tôi lược nói vài nét căn bản về đường lối tu của đạo Phật. Mong tất cả Phật tử hiểu rõ, nắm vững tông chỉ đức Phật đã chỉ dạy, theo đó ứng dụng tu hành. Được vậy chắc chắn kết quả sẽ tốt đẹp, không nghi.


PHẬT PHÁP TẠI THẾ GIAN
PHẬT GIÁO CÓ MÊ TÍN KHÔNG
TỰ TÁNH TAM BẢO VIÊN NGỌC MINH CHÂU
TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
SÁNG SUỐT CHÂN CHÁNH THANH TỊNH