TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Thursday, 1 November 2012

*** THẾ NÀO ĐƯỢC GỌI LÀ TU?


Tác giả: Tỳ Khưu Thích Chân Tuệ

TU LỄ KÍNH CHƯ PHẬT

Trrong thập phương tam thế khắp pháp giới, có vô số Đức Phật, chúng ta đều dùng thân khẩu ý, tam nghiệp thanh tịnh, thường tu hạnh lễ kính chư Phật. Nghĩa là chúng ta thường xuyên một lòng thành tâm kính lễ chư Phật mười phương, điều này là lẽ đương nhiên đối với những người Phật Tử. Điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta không những kính lễ mười phương chư Phật quá khứ, tức là chư Phật đã thành, mà chúng ta luôn luôn kính lễ chư Phật trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.

Chư Phật hiện tại và vị lai là những vị nào, ở đâu, làm sao chúng ta biết được mà kính lễ?

Thông thường ở thế gian, chỉ khi nào các bậc thánh nhân viên tịch, các nhà hiền triết qua đời rồi, người đời sau mới nhận ra được và tôn sùng, chiêm bái. Còn khi các vị đó đương thời, tại thế, vì mê muội, vì ganh tị đố kỵ, vì gièm pha phỉ báng, nói chung, vì vọng tâm tham sân si che lấp, không có bao nhiêu người thấy được, hiểu được, cảm nhận được sự siêu phàm, sự thanh cao bên trong cái hình tướng thế nhân của các vị đó.  Đó là nói về các bậc chân tu thực học, đạo cao đức trọng, còn đối với mọi người khác thì sao?

Con người thường tưởng tượng rằng thánh nhân phải là những người có hình tướng dị thường, có hào quang tỏa khắp thân, có phép lạ chữa lành bệnh tật, có thần thông đi mây, cưỡi gió, lướt trên mặt nước, hô phong hoán vũ, làm được những chuyện kỳ đặc khác người. Cho nên con người thích chiêm ngưỡng, lễ lạy các vách tường, nóc nhà, gò mối, ụ đất, buồng chuối, gốc cây cao, ngọn cây sao, khe suối, hốc đá, hang sâu, bất cứ chỗ nào có người phao tin rằng có tiên thánh hiện ra nơi đó!

Hoặc là tôn sùng, lễ bái các người có hình tướng dị kỳ, râu tóc xồm xoàm, mười năm chưa tắm, bụi bặm dơ bẩn, móng tay cả tấc, thậm chí có người không bận quần áo gì cả!  Hay sùng bái các người làm những việc khác thường như ngồi trên bàn chông, đi trên đống lửa, quanh năm ngủ ngồi không nằm, ăn cơm muối mè, không dùng thức ăn nào khác, chỉ uống nước lạnh, không chịu uống thuốc men gì cả!

Tại sao có nhiều mê tín dị đoan như vậy, kể cả những người gọi là học thức, trí thức thế gian, bằng cấp này nọ? - Bởi vì con người thường quá quan tâm đến phương diện vật chất, chỉ chú trọng đến cái thân xác của con người, hình tướng bề ngoài, mà quên đi phần tâm linh. 

Ngay khi còn sống tại thế gian, cái thân xác này còn không phải là mình, huống là sau khi chết.  Tại sao vậy? -  Bởi vì chúng ta ai ai cũng muốn được trường sanh bất tử, muốn thân xác này trẻ mãi không già, đẹp mãi không nhăn, khỏe mãi không đau, sống hoài không chết, nhưng nào có được đâu?  Đến khi nghỉ thở hai hôm là không ai dám đến gần!

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có dạy:

Nhứt thiết chúng sanh
giai hữu Phật Tánh.

Nghĩa là bất cứ chúng sanh nào, bất cứ người nào trên thế gian này, không phân biệt hình tướng, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt sang hèn, không phân biệt địa vị, không phân biệt nam nữ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt học thức, không phân biệt xuất xứ, không phân biệt gì hết, mọi người đều có Phật Tánh đồng như nhau, chỉ vì mê ngộ không đồng, nghiệp chướng khác nhau, cho nên hình tướng bên ngoài có sự khác biệt.

Chính vì con người chấp chặt cái hình tướng bên ngoài cho nên phân biệt tốt xấu, phải quấy, đúng sai, không hiểu được ngoài các thân xác ra, chính mình có Phật Tánh, không hiểu được mọi người đều có Phật Tánh như nhau.  Do đó phiền não khởi lên, cuộc đời chìm đắm trong các sự tranh chấp, hơn thua, kiện thưa, đấu tranh, giành giựt, phê phán, chỉ trích, chiếm đoạt.

Nếu thực sự hiểu được mọi người đều bình đẳng, đều có Phật Tánh như nhau, thì con người không dám xúc phạm lẫn nhau, dù bằng hành động, lời nói hay ý nghĩ, huống là âm mưu hại nhau, kiện nhau ra trước ba tòa quan lớn, đòi bồi thường vài triệu đô la, để cả nhà xúm nhau chia chác!  Thiệt là tội nghiệp lắm thay! Con người tạo ác nghiệp mà không hay, không biết! Hoặc biết mà cố phạm!

Chư Tổ có dạy:

Chúng sanh nhìn chư Phật là chúng sanh, cho nên phiền não khổ đau.

Chư Phật nhìn chúng sanh là chư Phật, cho nên niết bàn an lạc.

Nghĩa là những người phàm phu không biết mình có Phật Tánh, không biết mọi người đều có thể thành một vị Phật trong tương lai, thường mang tâm trạng tự ti, hèn kém, luôn luôn mang "cặp kiếng chúng sanh", đó là cặp kiếng kỳ thị, bất bình đẳng, cho nên nhìn thấy tất cả mọi người chung quanh đều là chúng sanh như mình, thường là tệ hơn mình, xấu xa hơn mình, cho nên sanh tâm chán nản, ghét bỏ, khinh khi, giận tức, bực dọc, từ đó phiền não khổ đau bắt đầu.

Nói một cách thông thường đó là: suy bụng ta ra bụng người. Người mang cặp kiếng màu đen, nhìn chỗ nào cũng thấy tối thui, nhìn người nào cũng tưởng là ma đen thùi!

Còn chư Phật từ nhãn thị chúng sanh, thương nhìn cuộc đời bằng Phật nhãn, với tâm bồ đề giác ngộ, với "cặp kiếng bình đẳng", cho nên nhìn thấy rõ ràng người nào cũng có Phật Tánh, cũng có khả năng thành một vị Phật, nếu giác ngộ, biết quày đầu hướng thiện, từ bỏ nghiệp chướng.

Trong nhà Phật, mọi người trân quí Phật Tánh của nhau, nên thường chắp tay trước ngực, cúi đầu, chào nhau bằng câu "Mô Phật" hay "A Di Đà Phật", ngụ ý rằng: "Búp sen xin tặng người.  Một vị Phật tương lai". 

Bởi vậy cho nên, tu hạnh "Lễ Kính Chư Phật", chúng ta tạo không biết bao nhiêu phước đức, được không biết bao nhiêu công đức, tránh không biết bao nhiêu phiền não khổ đau.

Phước báu này sẽ giúp đỡ chúng ta giải trừ nghiệp chướng đã tạo từ trước, được tai qua nạn khỏi, gặp được những sự may mắn trong cuộc sống hàng ngày. Trước đây, những khi gặp may, gặp hên, chúng ta thường nghĩ là tự nhiên có, hay do trời cho, hoặc do cầu nguyện. Đôi khi được phước báo lớn, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, chúng ta cho là phép lạ nhiệm mầu, chứ có biết đâu đó chính là phước báo do chính mình tạo tác, giờ đây chính mình được hưởng, gọi là “có phước” vậy mà!

Từ đó chúng ta sống trong sự cảm thông, tương kính, cho nên cuộc đời của chúng ta sẽ được an lạc và hạnh phúc, không nghi, dù chúng ta đang sống ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.


TU TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY

-        Có người tuyên truyền rằng các sư ngoại quốc, đọc thần chú rất linh thiêng, có thể giúp mình rửa sạch nghiệp, có thể giúp trị bệnh ung thư, dù ở bất cứ thời kỳ nào, nên rước thỉnh về nhà để bát cúng dường. Lại có người quảng cáo là có thể truyền nhân điện chữa lành bệnh ung thư mà bác sĩ từ chối, nhờ hào quang của Phật. Các chuyện này có thật không, có đúng giáo lý đạo Phật không, hay chỉ là mê tín dị đoan, lường gạt?

       Đức Phật có dạy:

Dù cho lên non
xuống biển vào hang
nghiệp báo đã mang
vẫn theo con người
như hình với bóng
không ai có thể
tránh được thoát được.

Con người thường thích chuyện linh thiêng huyền bí, nhất là những chuyện giúp mình chạy tội, tránh quả báo xấu của nghiệp nhân xấu đã gây nên, đã tạo ra trong đời. Nếu các chuyện này có thật, các sư ngoại quốc đó có thần lực ghê gớm, đâu có phải sống kiếp lưu vong, lang thang kiếm sống kiểu phi Phật pháp như thế đó!

Phật pháp là phương thuốc mầu nhiệm chữa trị tâm bệnh, chứ không chữa trị thân bệnh. Khi có thân bệnh, con người cần đến thuốc men, tây y hoặc đông y, cần đến bệnh viện, dưỡng đường để được bác sĩ, y tá, chuyên viên y tế chăm sóc. Khi có tâm bệnh, phiền não khổ đau, các bác sĩ đông hay tây y cũng phải tìm đến Phật pháp để chuyển hóa phiền não thành bồ đề, chuyển hóa khổ đau thành an lạc hạnh phúc.

Khi tâm được bình yên, cuộc sống thoải mái, sức khỏe có thể tăng thêm, các bệnh có thể sớm chữa khỏi.

Khi hết trần duyên, con người đã trải qua sanh, già, bệnh, thì ai cũng phải chết. Không thấu hiểu luật vô thường, mong kéo dài mạng sống khi không thể, con người dễ bị những tà sư, ma giáo lường gạt, tiền mất tật mang.

Tóm lại, trong cuộc sống, chúng ta cố gắng tu tâm dưỡng tánh, sống hạnh phúc, chết bình an. Thế thôi! 

- Thường ngày, khi nói năng, nên cẩn trọng lời nói và cách nói, tránh làm người khác tổn thương danh dự, va chạm tự ái cá nhân, không nên làm người nghe khó chịu, dễ sanh giận hờn, dễ gây oán thù.  Như vậy gọi là tu đó.
  
- Bình thường, người đời nói năng với cấp trên, bề trên, khá cẩn thận và lễ độ. Nhưng với người dưới quyền, người đời thường hay cao giọng, lên giọng kẻ cả, không giữ gìn lời nói, không để ý cảm giác của người nghe, cho nên ít người ưa thích cấp trên, thường tìm cách xa lánh, chỉ có kẻ dua nịnh đến gần. Nếu mình có trách nhiệm, trong đời hay trong đạo, mà giữ được sự hòa nhã, tương kính, trong lời nói và cách nói, thì tất được người chung quanh cảm mến, thân cận, ưa thích gần gũi. Như vậy gọi là tu đó. ■


Thương ghét, phải quấy, đẹp xấu, đúng sai, hơn thua, chính là vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm. Ðó chính thực là con trâu, mà người tu theo Phật phải chăn phải dắt, phải kềm phải chế, phải điều phải khiển, phải thuần phải phục, thúc liễm luôn luôn. Chăn trâu thành công thì Tánh Giác hiển lộ. Ðiều quan trọng là: "Con người hãy chăn dắt con trâu, chớ để con trâu dẫn dắt con người! Nếu để con trâu dẫn dắt, không biết con người sẽ đi về đâu?". Cho nên mới có pháp tu gọi là "Pháp Môn Chăn Trâu", chính là nghĩa đó vậy.

Chăn trâu nghĩa là: áp dụng Chánh Pháp, vào trong cuộc sống, của mình hằng ngày, dẹp trừ vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm liên miên, chuyển hóa ba nghiệp, thân khẩu ý mình, bất lương bất thiện, thành ra ba nghiệp, hoàn toàn thanh tịnh. Chăn trâu nghĩa là: không theo sức mạnh, sức kéo sức lôi, của tâm tham lam, sân hận si mê.

Ðây mới chính là ý nghĩa thiết yếu của việc tu tâm dưỡng tánh theo đạo Phật: Trong tâm khởi niệm, nếu giác kịp thời, liền biết không theo, đó là Chơn Tâm. Trong tâm khởi niệm, nếu còn mê muội, không giác kịp thời, liền theo niệm đó, trở thành vọng tâm. Cũng ví như là: Khi có gió thổi, mặt biển nổi sóng, gọi là biển động. Mặc dù có gió thổi, mặt biển vẫn bình yên, đó là biển thái bình, ví như bản tâm thanh tịnh. Tu theo đạo Phật, không phải chỉ có: cúng kiến lễ lạy, van xin cầu nguyện, không còn gì khác!

Nếu con người biết sẵn sàng tha thứ cho người khác, cũng như đã từng nhiều lần trong đời, tha thứ cho chính bản thân mình, thì cảnh giới thiên đàng niết bàn cực lạc chính là đây, ngay trên thế gian này!
Sinh sự thì sự sinh. Nhân nào thì quả nấy. Gieo gió thì gặt bão. Có lửa thì có khói. Cầu nguyện khấn vái chỉ đem lại sự bình an tâm hồn tạm thời mà thôi. Bình an thực sự chỉ có cho người thiện tâm. Thiên đàng hay địa ngục, tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng tất cả thực sự chỉ là các trạng thái ở trong thâm tâm của tất cả chúng ta. Cũng ví như biển động hay biển lặng, tuy khác nhau, nhưng đều là hai trạng thái của biển mà thôi vậy.

Cảnh giới tịch diệt an lạc đó không dành riêng cho bất cứ ai, không thuộc bất cứ tôn giáo nào, không thuộc bất cứ sắc dân nào, không thuộc bất cứ thời đại nào. Bất cứ ai dẹp được một phần các tâm niệm sanh diệt, thì người đó sống được một phần trong cảnh giới an lạc tịch diệt.

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ


KHI GIA ĐÌNH CÓ VIỆC TANG 

Kính Thầy,

xin Thầy hướng dẫn và chỉ dạy cho chúng con.
Khi có tang không có Tăng Ni, người nhà có được phép tụng kinh hay không ?
Nếu được phép tụng thì bận áo tràng hay đồ tang?

Có người nói là không được phép ngồi trước bàn Phật.
Nhiều nơi cũng như Thầy biết, vì tiền tụng có khi hơi hơi mắc, nên có
những ban hộ niệm đi tụng được mời, bao luôn từ tụng thất cho đến chôn
cất, nhưng không thù lao hay tiền xăng cộ.

Có khi tang chủ không biết nấu đồ chay, ban hộ niệm bao luôn, nhưng không tính tiền.
Như vậy có đúng hay không ? Vì cả một tấm lòng thành chúng con đến
với người ta, chúng con xem như là người thân của mình trong tiền kiếp,
chứ không phải lại để cho họ mang ơn, hay khen ngợi.
Con xin được Thầy chỉ dẫn
A Di Đà Phật
Pd Trí Việt

**************************************************************** 


CN.29.1.2012
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật
Kính quí ĐH,

VP.PHTQ.CANADA xin giải đáp ngắn gọn các thắc mắc của quí ĐH như sau:

1. Khi gia đình có tang, chính các thân nhân tang quyến chân thành tụng kinh cầu nguyện là tốt nhất. Mặc áo tràng màu lam, nâu hay mặc đồ tang cũng đều được cả. Tất cả hình thức bên ngoài không quan trọng. Điểm quan trọng là tâm chân thành hướng về mười phương chư Phật cầu xin gia hộ cho người thân vừa quá vãng và hồi hướng công đức cho khắp pháp giới chúng sanh (mở rộng tâm từ vô biên thì phước báo vô lượng).

2. Không cần mời thỉnh các ông bà thầy cúng đám, tụng đám - dù tại gia hay xuất gia - với giá cả cắt cổ. Các vị này thường hay bày vẻ đủ điều tà pháp, làm ra vẻ linh thiêng huyền bí để làm tiền, làm phiền tang gia. Họ tụng mướn kiểu đó, ê a ngân nga lóc cóc leng cheng lùng tùng xèng như phường hát dạo, chẳng có tâm thành vị tha, chẳng vị chánh pháp, chỉ vì hầu bao, tranh giành cơm gạo, cho nên chẳng có công đức gì, chẳng ích lợi chi!

3. Đối với các Ban Hộ Niệm: nếu quí vị đến giúp tang gia với tấm lòng chân thành, vị tha - bất vị danh lợi thì quá tốt, đáng tán thán. Tuy nhiên, việc làm của quí Ban Hộ Niệm không thể so sánh với pháp sự của chư vị Tôn đức chân tu thực học. Hơn nữa, không nên phán quyết người này được vãng sanh hay không, bởi đó là tà pháp; không nên cùng nhau vỗ tay reo hò vui mừng ngay trên thân xác, chúc tụng rằng người quá cố đã vãng sanh, trông man rợ quá! Có một nhà sư quái đản lập dị bên Đức tuyên bố: «chia vui đám tang, chia buồn đám cưới».

Việc tang chế cần nên tiết giảm tối đa các hình thức nghi lễ rườm rà, tốn kém, chỉ có tác dụng phô trương thân thế, phô trương sự hiếu để giả dối. Việc cần làm thực sự là chí tâm cầu nguyện cho người quá cố được vãng sanh về cõi tịnh độ, cõi thiện lành, qua các thời tụng kinh, niệm Phật, hồi hướng công đức, bố thí cúng dường, làm việc phước thiện, cứu người giúp đời. Giáo Lý Đạo Phật là phương tiện độ sanh, độ thân nhân của người quá cố được giác ngộ, hiểu rõ luật nhân quả, lý vô thường qua các nghi thức tang lễ.

Các thân nhân tang quyến và bằng hữu nên giác ngộ chân lý này và phát tâm tìm hiểu chánh pháp, để chuyển hóa đời sống tâm linh, để đạt an lạc hạnh phúc và giải thoát phiền não khổ não ngay trong cuộc sống và giải thoát sanh tử luân hồi. Đây mới chính là cứu cánh của các hình thức nghi lễ trong đạo Phật đúng theo chánh pháp.

Tóm lại,
Việc tang lễ trong Phật giáo nhằm mục đích chính là an ủi thân nhân và giảng giải chánh pháp. Nên giác ngộ sự thật là: nhà sư còn chưa biết khi chết có siêu hay không, làm sao cầu siêu cho người khác được. 
Nhà sư chân tu thực học cần hướng dẫn cho quần chúng Phật tử giảm thiểu những lễ nghi ma chay tốn kém để "chuyên tâm nguyện cầu".
Nên nhớ: ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Đó là chân lý. []

Tập san PHTQ.CANADA (TỪ BI & TRÍ TUỆ)  sẽ có các bài viết giải thích cặn kẻ thêm
quan điểm chi tiết về vấn đề này,
để mọi người an tâm và không còn bận tâm,
hay phiền não khổ đau qua các tang sự,
qua việc quá coi trọng cái thân xác tứ đại, cái nắm tro tàn hay nấm mộ,
mà quên đi phần chính là
tâm linh của người quá cố cũng như của những người còn sống trên thế gian.

Kính mong quí ĐH vạn sự cát tường và cư trần lạc đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật
VP.PHTQ.CANADA

Quí vị muốn nhận tập TẬP-SAN PHTQ qua bưu điện, hoan hỷ ủng hộ bưu phí:
CAN, EU or US$10/ mỗi cuốn.Không cần mua Money Order.
Tịnh tài có thể gửi bằng cash or personal cheque,
Ghi trả cho: PHAT HOC TINH QUANG.---------------------------------------------------------- Gửi về địa chỉ dưới đây:

PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA108 – 123 RAILROAD ST.,BRAMPTON, ON, L6X-1G9, CANADA------------------------------------------------------ TEL: 647-828-1016

Xin liên lạc VP.PHTQ.CANADA qua
Email: cutranlacdao@yahoo.com

PHTQ SỐ 1 ĐẾN SỐ 20

KÍNH MỜI THAM KHẢO NHỮNG BÀI VIẾT "PHẬT HỌC TỊNH QUANG":

SUY NGẪM VỀ TỤNG KINH SIÊU THOÁT

Ý NGHĨA CÚNG HOA, HƯƠNG, ĐÈN
HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI
MUỐN TU THÌ PHẢI HỌC
NGUỒN GỐC CỦA SỰ MÊ TÍN
ĐẠO PHẬT VÀ SỰ KHỔ ĐAU TRONG CUỘC SỐNG
NHÂN NÀO QUẢ NẤY