TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Saturday, 1 December 2012

***THÂN BỆNH VÀ TÂM BỆNH TRONG CÕI ĐỜI

TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ


**THÂN BỆNH
Ðức Phật, là bậc toàn giác, vẫn "Có" thân bệnh, nhưng "Không" phiền não và khổ đau, tâm trí của Ngài vẫn an nhiên tự tại, trong mọi hoàn cảnh. Nói một cách khác, Ngài không có tâm bệnh. Bất cứ ai sống trên đời này, còn mang thân xác con người, là còn khổ vì thân bệnh, nếu không giác ngộ được chân lý vi diệu nhiệm mầu. Các vị giáo chủ của tất cả các tôn giáo cũng có thân bệnh và rồi cũng chết như mọi người mà thôi.
Trong thời buổi khoa học tiến bộ ngày nay, ngay tại những quốc gia văn minh tiến bộ tây phương, vẫn còn một số người, khi có thân bệnh, lại đi tìm uống, nước suối nước sông, cầu mong phép lạ, với cả niềm tin, thượng đế gia trì, hay ban phép lành, hoặc được ân điển, từ đấng bề trên, nào đó chẳng biết, trị dứt bá bệnh, cả bệnh nan y, thậm chí cứu được, người chết sống lại!
Chúng ta thử suy nghĩ xem: những vị tự xưng là thượng đế, là thánh thần, là thiên địa, là tu hành chứng đắc gì đó, cứu người chết được sống lại, để làm gì, để được người đời tôn thờ nể sợ chăng? Tại sao chỉ cứu người này, không cứu những người khác?
Dù có cứu được bao nhiêu người, để rồi sau đó, những người này cũng lại chết một lần nữa, lần này chết thiệt đó, như bất cứ mọi người nào khác, trên thế gian này. Nhứt là những vị tự xưng là thượng đế, là thánh thần thiên địa kia, rồi cũng chết như ai, và lại còn chết thảm, không chỗ chôn thây, nữa là khác!
Nếu như các phép lạ, các điều linh thiêng huyền bí đó có thực, các bệnh viện, các cơ quan y tế nên đóng cửa, các bác sĩ, dược sĩ, y tá, điều dưỡng viên, chuyên viên y tế, nên giải nghệ, và chức sắc các tôn giáo đó không cần có y sĩ riêng, không cần nằm điều trị ở bệnh viện.
Nhiều người mê tín dị đoan hơn nữa, khi có thân bệnh, lại chạy đi tìm, thầy bùa thầy ngải, tìm sư tìm sãi, thuốc tiên linh thiêng, chỉ một viên thôi, trị dứt bá bệnh, thiệt là tội nghiệp, thực đáng thương xót, chỉ khổ bị gạt, tiền mất tật mang. Những người như vậy là những người không có trí tuệ bát nhã, không nhận được chân tướng của các pháp thế gian, rất dễ bị lung lạc bởi bất cứ luận điệu thuyết giảng, hay tuyên truyền nào, có vẻ mơ mơ hồ hồ, có vẻ linh thiêng huyền bí, có vẻ như điển nhập, từ thế giới vô hình nào đó, không giải thích được, thực ra không làm sao giải thích được, cho dù họ là kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, văn sĩ, thi sĩ, học sĩ, chuyên viên, chuyên gia, hay bất cứ ai.
Tại sao vậy? Bởi vì mọi người đều sợ chết, càng giàu càng giỏi càng sợ nhiều hơn, sợ mất cái thân mạng này, mà thôi!
**TÂM BỊNH
Tâm bệnh có thể chia làm hai loại: các bệnh tâm thần và những khổ đau về mặt tinh thần. Ðối với các bệnh tâm thần, hay bệnh thần kinh, cũng đã có những bệnh viện thần kinh, các dưỡng trí viện, với các bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần, chăm sóc và điều trị. Ðối với những khổ đau về mặt tinh thần, con người mới cần tới sự giúp đỡ của các tôn giáo. Sự giúp đỡ của các tôn giáo có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo căn cơ, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo địa phương, tùy theo phong tục và tập quán của mỗi dân tộc. Nhiều khổ đau phiền não của con người không thể điều trị dứt hẳn tận gốc, bằng thuốc men, hay các phương pháp tâm lý học, mà phải được điều trị bằng đời sống nội tâm, bằng sức mạnh tâm linh, bằng trí tuệ bát nhã.
 Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề đời sống nội tâm, hay sức mạnh tâm linh, hay trí tuệ bát nhã trong đạo Phật, mà thôi.
Ðạo Phật là đạo cứu khổ nhân loại, cho nên đạo Phật mạnh mẽ nhận định: Cuộc đời là bể khổ. Chúng ta ai ai cũng đồng ý với nhau rằng: Cuộc đời khổ nhiều hơn vui. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bi quan, yếm thế, chán đời, thụ động, chấp nhận định mệnh sẵn có, chấp nhận số phận đã an bài, chấp nhận những cảnh khổ đau của cuộc đời. Ðạo Phật không dừng lại ở nhận định như vậy. Ðạo Phật dạy chúng ta nhiều phương pháp:
"Làm sao cho đời bớt khổ. Làm sao cho đời hết khổ". Trong tất cả các kinh điển của đạo Phật, ghi lại lời chỉ dạy của Ðức Phật, đều nêu rõ các pháp môn tu tập, nhằm mục đích giúp đỡ chúng sinh, giải thoát khỏi phiền não và khổ đau, một cách tích cực, một cách hiệu quả. Thực ra, đó mới chính là mục đích cứu kính của đạo Phật vậy.
Tuy nhiên, Ðức Phật chỉ là một bậc đạo sư giác ngộ, đem chân lý giác ngộ chúng sinh, chứ không phải là thần linh, hay thượng đế, chuyên ban phước giáng họa, cho nên không có thể cứu giúp con người thoát khổ, qua các lời khẩn cầu van xin, cầu nguyện khấn vái, mỗi khi con người gặp phiền não và khổ đau. Trong kinh sách, có câu: "Chúng con khổ nguyện xin tự độ". Con người phải tự độ mình, tức là tự cứu chính mình, nhưng bằng cách nào? Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
"Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với Chánh Pháp". Nghĩa là: Con người muốn tự cứu chính mình, thoát ly mọi khổ ách, cần phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, phải sáng suốt học hiểu và nương theo Chánh Pháp, tức là các pháp môn tu tập, Ðức Phật dạy trong các kinh điển, chẳng hạn như "Bát Nhã Tâm Kinh", và luôn luôn thực hành trong cuộc sống hằng ngày, chứ không phải chỉ cầu nguyện suông.
"Bát Nhã Tâm Kinh" là bài kinh chỉ dạy phương pháp tu tâm dưỡng tánh, dẹp trừ tâm loạn động bất an, uế trược cấu nhiễm, phát hiện chân tâm, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, để giúp cho chúng sanh sống được an lạc hạnh phúc, không còn phiền não khổ đau, giác ngộ được con người chân thật, để giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Chân tâm đó mới thực là mình, còn cái xác thân và cái tâm bất an loạn động không phải là mình, sẽ bị bỏ lại thế gian, khi chúng ta ra đi sang kiếp khác. Như vậy, chúng ta học "Bát Nhã Tâm Kinh" là để nhận được bản tâm bản tánh thực sự của mình. Khi học xong kinh này, nếu chúng ta trực nhận được bản tâm thanh tịnh hay chơn tâm, tức là trí tuệ bát nhã bừng sáng, con đường vào đạo đã khai mở. Ðó chính là mục đích cứu kính của đạo Phật vậy.
Người Phật Tử sinh hoạt trong chùa, hay đi chùa lễ Phật tụng kinh, thường thuộc lòng "Bát Nhã Tâm Kinh". Bởi vì "Bát Nhã Tâm Kinh" rất quan trọng trong Phật giáo, là cứu kính tối thượng của đạo Phật, cho nên bất cứ khóa tụng kinh nào, bất cứ khóa hành thiền nào, bất cứ khóa tu học nào, thuộc bất cứ tông phái nào của Phật giáo, cũng đều có "Bát Nhã Tâm Kinh", dù bằng tiếng Việt, tiếng Hán Việt, hay tiếng Pali. Thêm một bước nữa, nếu như chúng ta cùng nhau tìm hiểu những điều Ðức Phật dạy trong "Bát Nhã Tâm Kinh", rồi đem áp dụng vào đời sống hằng ngày, thì ích lợi vô lượng vô biên, công đức và phước đức viên mãn, không thể nghĩ bàn.
Theo kinh điển đạo Phật, con người có tám muôn bốn ngàn thứ tâm bệnh. Nào là bệnh tham lam, bệnh sân hận, bệnh si mê, bệnh cố chấp, bệnh nghi ngờ, bệnh cao ngạo, bệnh thành kiến, bệnh tà kiến, bệnh biên kiến, bệnh thiên kiến, bệnh định kiến, bệnh thường kiến, bệnh đoạn kiến, bệnh kiến thủ, bệnh giới cấm thủ, bệnh tưởng tượng, bệnh cảm thọ, bệnh trạo cử, bệnh hôn trầm, bệnh giải đãi. Bởi vậy cho nên, Ðức Phật chỉ dạy tám muôn bốn ngàn pháp môn tu tập, để đối trị và diệt trừ từng thứ bệnh.
Chẳng hạn như để diệt trừ tâm tham lam, bỏn sẻn, Ðức Phật dạy giữ giới và thực hành pháp môn bố thí. Người nào hiểu được hạnh bố thí đem lại vô lượng vô biên phước báu, và thực hành được hạnh bố thí hằng ngày, thì tâm tham lam, bỏn sẻn sẽ giảm đi nhiều. Người nào biết cho ra, biết cứu người giúp đời, tức nhiên, cuộc sống được an vui. Người nào chỉ biết tìm mọi cách hốt vô, mưu mô hại người hại đời, bất chấp thủ đoạn, bất kể tha nhân, cuộc sống chắc chắn bất an.
Muốn giảm bớt tâm tham lam, chúng ta phải bớt ham muốn, bớt ham thích, bớt nhu cầu, và nên biết thế nào là đủ. Người không biết thế nào là đủ, ví như người khát nước, lại uống nước biển mặn, càng lúc càng thêm khát, không bao giờ thỏa mãn! Nếu không có những gì mình thích, thì hãy thích những gì mình có. Thế là yên chuyện! Khỏi tạo tội tạo nghiệp thêm nữa!
 Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật có dạy:
Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc.
Bất tri túc giả thân xử thiên đường diệc bất xứng ý.
Nghĩa là: Người biết thế nào là đủ, tuy nằm trên đất, cũng thấy an vui, lợi lạc. Người không biết thế nào là đủ, tuy thân ở trên cảnh giới thiên đường, tâm ý vẫn không thỏa mãn! Chẳng hạn như để diệt trừ tâm sân hận, hay nóng giận, Ðức Phật dạy thiền định và thực hành pháp quán từ bi. Con người tăng trưởng tâm từ bi được thì những cơn nóng giận sẽ giảm đi rất nhiều. Cặp mắt của người có tâm từ bi, luôn luôn thương nhìn cuộc đời, cư xử nhẹ nhàng, dễ dãi, khoan dung, với mọi người chung quanh, khó nổi cơn sân đối với những lỗi lầm, những sai trái của người khác, dù là người thân hay kẻ thù cũng vậy, và không lợi dụng lòng từ bi của người khác.
Các bậc phụ huynh cần có tâm từ bi quảng đại, mới có thể giữ gìn được hạnh phúc trong gia đình. Các nhà giáo cần có tâm từ bi quảng đại, mới có thể thương yêu, dạy dỗ học sinh, như con ruột của chính mình. Các nhà tu cần có tâm từ bi quảng đại, mới có thể thương xót chúng sanh đang trầm luân đau khổ, phát nguyện tu hành tinh tấn, để tự độ và độ tha, sẵn sàng hy sinh, phục vụ nhơn loại.

Chẳng hạn như để diệt trừ tâm si mê, Ðức Phật chỉ dạy trí tuệ bát nhã. Ðó chính là tam vô lậu học của Phật giáo: Giới-Ðịnh-Tuệ, là phương tiện giúp đỡ chúng sinh giải thoát, không còn lọt vào vòng sanh tử luân hồi, phiền não và khổ đau nữa. Chẳng hạn như để diệt trừ tâm hay cố chấp, sống để dạ chết mang theo những lời người khác nói mích lòng, Ðức Phật chỉ dạy pháp đối trị là tâm hỷ xả. Người nào hiểu được rằng chứa chấp càng nhiều trong tâm thức của mình, càng bị trầm luân trong sanh tử luân hồi, trong phiền não và khổ đau, chẳng ích lợi gì, bèn cố gắng phát triển tâm hỷ xả, tự khắc sẽ cảm thấy khinh an, nhẹ nhàng, mắt sẽ nhìn cuộc đời một cách lạc quan hơn, cuộc sống sẽ an vui, lợi lạc hơn.
Trí tuệ bát nhã trong đạo Phật, được giảng giải trong Bát Nhã Tâm Kinh, cũng như được đề cập đến trong tam tạng kinh điển, khác với trí tuệ của thế gian. Ở thế gian, người có trí tuệ là những người học cao hiểu rộng, có bằng cấp các ngành nghề, hoặc là những người thông minh lanh lợi, khôn ngoan sáng suốt, biết cách đối phó, ứng xử nhanh chóng, đối đáp mạch lạc, nói năng lưu loát, thuộc nhiều vấn đề, qua nhiều phương diện, trong mọi hoàn cảnh.
Nhưng, những người có trí tuệ trên thế gian vẫn sống trong điên đảo mộng tưởng, vẫn sống trong phiền não khổ đau, vẫn bị cảnh trần lôi cuốn đắm nhiễm, cũng như bao nhiêu người khác. Khi đắc thời được thế, vinh quang thắng lợi, họ hả hê hỉ hạ, hân hoan hớn hở, vui vẻ rỡ ràng. Khi thời thế xoay trở, mất mát thất thu, cơ nghiệp suy tàn, gia cảnh lầm than, họ ưu tư sầu muộn, phiền não khổ đau, có khi không còn muốn sống nữa. Còn trí tuệ bát nhã trong đạo Phật là phương tiện giúp đỡ tất cả chúng sinh, hiểu biết muôn sự mọi việc trên đời, một cách "đúng như thực", không điên đảo mộng tưởng, không nhận giả làm chân, để đạt được giác ngộ và giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, thoát ly phiền não khổ đau, để kiến tạo một cuộc sống an lạc và hạnh phúc, ngay trên thế gian này.
Mở đầu Bát Nhã Tâm Kinh, Ðức Phật dạy: "Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị".
Nghĩa là: Muốn quán chiếu cuộc sống một cách tự tại, như các bực Bồ Tát, cần phải thực hành trí tuệ bát nhã một cách thâm sâu, đến mức tột cùng ba la mật, khi đó xét thấy năm uẩn đều không, con người sẽ vượt qua được tất cả mọi khổ ách. Ở trên đời này, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, các uẩn khác: thọ, tưởng, hành, thức, cũng đều như vậy.
Thế nào là:"Chiếu kiến ngũ uẩn giai không", hay làm sao:"Xét thấy năm uẩn đều không"? Năm uẩn gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là phần thân xác, có hình tướng, có sắc tướng, nhận thấy được bằng mắt thường. Thọ, tưởng, hành, thức, là phần tinh thần, hay tâm linh, không hình tướng, không nhận thấy được bằng mắt thường. Chúng ta nên biết rằng: nguồn gốc của mọi sự đau khổ trên thế gian này đều do "tâm cố chấp" mà ra. Chúng ta cố chấp điều gì? Chúng ta cố chấp rất nhiều thứ. Chẳng hạn như chúng ta không nhận thấy được "con người chân thật", cho nên chấp rằng: ngũ uẩn là thực, tức là chấp thân này và tâm này là thực, trong kinh sách gọi như vậy là "chấp ngã". Chẳng hạn như chúng ta không nhận định được toàn bộ sự thực, nguyên vẹn chân lý, cho nên chấp rằng: việc này đúng, việc kia sai, thế này là phải, thế kia là quấy, trong kinh sách gọi như vậy là "chấp pháp".
Trong Kinh Viên Giác, Ðức Phật có dạy: "Con người vì vô minh cho nên có hai thứ chấp: chấp ngã và chấp pháp. Ðó là hai nguyên nhân chính gây ra phiền não và khổ đau của cuộc đời". Khi nào hiểu được một cách rõ ràng và phá trừ được hai nguyên nhân chính gây ra khổ đau về mặt tinh thần này, chúng ta sẽ tìm được an lạc và hạnh phúc thực sự, ngay trong cuộc sống hiện tại. Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về chấp ngã. Chấp ngã có nghĩa là chúng ta chấp cái thân giả tạm và cái tâm vô thường, lại cho là "thực", lại tưởng chính là "mình", cho nên mới phiền não và khổ đau.
Trước hết, nói về cái sắc thân giả tạm, tức là cái thân xác của chúng ta, lúc mới sanh ra đời, chỉ có vài ký lô thôi, bây giờ thì cân nặng đến mấy chục ký lô. Ở đâu ra mấy chục ký lô đó, nếu không do các chất: đất, nước, gió, lửa, tạo nên mà thôi. Ðất là những chất cứng trong thân người như: tóc, lông, răng, móng, xương, thịt. Khi còn sống, chúng ta mượn những chất từ đất mà ra, để bồi bổ cái thân này hằng ngày như: cơm gạo, bánh mì, trái cây. Ðến khi chết, những thứ này trở về với đất. Nước là những chất lỏng trong thân người như: máu, mủ, nước miếng.
Khi còn sống, chúng ta mượn những chất từ nước mà ra, để bồi bổ cái thân này hằng ngày như: canh, sữa, nước giải khát. Ðến khi chết, những thứ này trở về với nước. Gió là những chất hơi trong thân người. Khi còn sống, chúng ta mượn những chất từ không khí, hít vô thở ra, để bồi bổ cái thân này hằng ngày. Ðến khi chết, những thứ này trở về với không khí. Lửa là những chất ấm trong thân người. Khi còn sống, chúng ta mượn những chất sanh nhiệt, để bồi bổ cái thân này hằng ngày như: gừng, chất đạm. Ðến khi chết, những thứ này trở về với hư không.
Cái sắc thân giả tạm nặng mấy chục ký lô này của chúng ta gồm bốn thứ nói trên, trong kinh sách gọi là thân tứ đại, không phải là "thực". Tại sao vậy? Bởi vì nếu cái thân tứ đại này thực là của chúng ta, thì nó phải tuân lệnh và tùy thuộc quyền xử dụng của chúng ta. Chúng ta ai ai cũng muốn cái thân tứ đại này trẻ mãi không già, khỏe mãi không đau, còn mãi không hoại. Nhưng, từ xưa đến nay, từ đông sang tây, từ hoàng gia đến dân chúng, từ giàu sang đến nghèo hèn, từ học thức đến bình dân, có ai được toại nguyện như vậy đâu! Vậy mà ai động đến "nó", chúng ta liền nổi xung, nhứt định ăn thua đủ, nhứt định vác đơn kiện, nhứt định đòi bồi thường, nhứt định làm tới luôn, cho hả giận cho đã nư, không thể nhịn nổi, chỉ nhằm bảo vệ cái thân tứ đại vốn giả tạm, vốn không thực này, để rồi một ngày kia, dù-muốn-hay-không, mọi người đều phải bỏ lại, để đi sang thế giới khác, để tái sinh kiếp khác, với một đống nghiệp báo chẳng lành!
Ðời người chẳng qua chỉ là hơi thở, khi thở hơi ra mà chẳng hít vào được nữa, thì ô hô tử vong! Ðời người chỉ là tạm vay mượn đất, nước, gió, lửa, từ bên ngoài, để bồi bổ cho đất, nước, gió, lửa, bên trong thân, từng ngày từng giờ, từng phút từng giây. Khi không vay mượn nữa, con người không tồn tại được. Chỉ vì con người mãi quay cuồng sống vội, mãi lo kiếm tiền, mãi lo hưởng thụ, mãi lo giữ gìn, mặt mũi hão huyền, lúc nào cũng tưởng: "đời còn dài mà", cho nên hơn thua, từng câu từng lời, kiếm chuyện đấu tranh, chiếm đoạt tài sản, danh lợi phù du, giành giựt miếng ăn, dựng chuyện thưa kiện, đòi hỏi bồi thường, tiền bạc phi nhân, chỉ biết lợi mình, bất kể hại người, đem lại khổ đau, cho bao người khác. Bởi vậy chính mình cũng chịu đau khổ phiền não luôn luôn.
Con người quên rằng: Ở ngoài nghĩa trang, đâu phải chỉ có, mộ phần các cụ, trăm tuổi mà thôi! Hiểu được như vậy, chúng ta không còn chấp cái thân tứ đại mấy chục ký lô này là thực nữa, thì sự đau khổ, cho mình và cho người, chắc chắn sẽ giảm bớt. Cái thân tứ đại không còn là thực nữa, thì những thứ phụ thuộc như: nhà cửa, tiền bạc, danh vọng, địa vị, còn có nghĩa gì nữa đâu, mà ham muốn tranh chấp, đấu đá sát phạt, hơn thua được mất, cho đời thêm đau khổ? Cái thân tứ đại, còn phải bỏ lại, thì có thứ gì, đem theo được chứ? Có đem theo được chăng, chẳng qua là tội nghiệp, đã tạo tác trong đời, mà thôi.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
"Người hơn thì thêm oán.
Kẻ thua ngủ chẳng yên.
 Hơn thua đều bỏ hết.
Giấc ngủ được an lành".
Làm được như vậy, chúng ta khỏe re! Bằng không như vậy, đừng than khổ nhọc, như bò kéo xe, te tua tơi tả! Chuốc khổ vào thân là tự chúng ta mà thôi. Không ai làm cho chúng ta đau khổ và phiền não được, nếu chúng ta không muốn tiếp nhận sự phiền não và khổ đau đó. Ví như người ta đưa lửa phiền não đến, nếu chúng ta không đưa thân tâm mình ra đón nhận, thì lửa đó chẳng có tác dụng phiền não gì cả! Chẳng hạn như, có người tới nói, mình là người xấu, mình có thực xấu, hay không phải xấu, tự xét tự biết, tự sửa tự đổi, tự mình chuyển hoá, tự nguyện sám hối, giận dữ làm chi, cho chúng khinh khi! Không thèm tức giận, thì sẽ ngủ khì! Khỏe quá khỏe quá!
Tóm lại, chúng ta biết rằng, khi đứng trong một căn phòng, cầm đèn rọi ra bên ngoài, thì mình sẽ thấy rõ, biết rõ cảnh vật bên ngoài, còn bên trong căn phòng thì tối thui. Ngược lại, khi xoay ngọn đèn vào bên trong căn phòng, dĩ nhiên căn phòng sáng tỏ, một cách rõ ràng, chúng ta có thể thấy mọi thứ đồ đạc và đi đứng không bị vấp ngã. Cũng vậy, khi chúng ta phóng tâm quán sát bên ngoài, chúng ta có thể phê phán người này đúng, người kia sai, chuyện này phải, chuyện kia quấy, sách này tốt, sách kia tồi, món này ngon, món kia dở, hội này hay, hội kia hỏng, vân vân và vân vân. Chúng ta có thể biết chuyện khắp năm châu bốn biển, chuyện thời sự khắp thế giới, chuyện văn chương kim cổ đông tây, muôn sự mọi việc bên ngoài đều biết rõ ràng rành mạch.
Trái lại, chuyện bên trong tâm trí của chính mình thì mù tịt, chẳng biết tí gì cả! Mình thực sự là ai, chẳng biết! Mình thực sự đang muốn gì, chẳng biết! Mình thực sự đang làm thiện hay bất thiện, chẳng biết! Mình thực sự đang nghĩ thiện hay bất thiện, chẳng biết! Mình thực sự sống trên đời để làm gì, chẳng biết! Mình sau này sẽ đi về đâu, nếu vẫn cứ tạo tội tạo nghiệp hằng ngày, chẳng biết! Chuyện gì thuộc về bên trong chúng ta cũng đều chẳng biết!
Bởi vậy cho nên, Tổ Qui Sơn Linh Hựu có dạy: "Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng". Nghĩa là ngay khi, còn sống trên đời, lúc còn khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo, nhưng con người vẫn, bị các cảnh trần, lôi cuốn quay cuồng, vẫn bị tâm tham, tâm sân tâm si, sai xử liên miên, tâm trí bất định, đến khi sắp chết, dù trẻ hay già, tâm thần hoảng hốt, nhớ lại tất cả, tội nghiệp đã làm, đã nói đã nghĩ, trước đây trong đời, lo sợ nghiệp báo, con đường trước mặt, mù mù mờ mờ, mang mang mịt mịt, thần thức rối ren, không thể sáng suốt, không biết mình đi đâu, không biết mình vào cảnh giới nào, lúc đó hối hận, cũng quá muộn màng!
Có một người, sau một thời gian vắng nhà, đi lang thang ngoài gió bụi, làm khách phong trần lãng đãng đã nhiều năm tháng, cảm thấy mệt mỏi, giờ đây muốn quay trở về quê hương, tìm về căn nhà xưa. Khi về đến nhà, người đó nhận ra, tất cả đồ đạc, bên trong căn nhà, vương vãi tứ tung, ngổn ngang trăm thứ, trên bàn trên ghế, trên cả sàn nhà, giấy tờ rải rác, cùng khắp mọi nơi, bởi vì tất cả, cửa sổ cửa cái, cả thảy là sáu, đều bị mở tung. Người đó bèn đi, đóng hết tất cả, cửa sổ cửa cái, đốt ngọn đèn lên, cho sáng căn nhà, cho ấm căn phòng, rồi ra công sức, quét dọn khắp nơi, sắp xếp đồ đạc, ngăn nắp gọn gàng, trật tự mỹ quan. Xong xuôi tắm rửa, pha tách trà nóng, ngồi xuống yên lặng, thưởng thức khung cảnh, ấm áp lạ thường, từ trong ra ngoài, thực khó diễn đạt. Ngay lúc bấy giờ, người đó cảm thấy, bình yên thanh thản, an lạc hạnh phúc.
Cũng vậy từ lâu, chúng ta vô minh, mở rộng sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đón nhận sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thường xuyên mỗi ngày, bởi vậy cho nên, nội tâm xáo trộn, sanh ra sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Chúng ta đã từng nhận chịu quá nhiều phiền não khổ đau của cuộc đời. Cho nên giờ đây, chúng ta muốn trở về với bản tâm thanh tịnh, muốn nội tâm không còn xáo trộn, không còn náo động, không còn phiền não, không còn khổ đau. Việc đầu tiên chúng ta phải làm là: đóng bớt sáu căn, giảm bớt cơ hội tiếp xúc với sáu trần bên ngoài, tự khắc sáu thức cũng theo đó giảm đi.
Khi sáu thức giảm bớt, đến lúc không còn nữa, tức là trong nội tâm không còn khởi bất cứ niệm nào nữa cả, khi đó chúng ta đã trở về được căn nhà xưa, đã dọn dẹp mọi sự mọi việc ngăn nắp, tìm được bản tâm thanh tịnh, đạt được cảnh giới cứu kính niết bàn. Tức nhiên lúc đó, cuộc sống của chúng ta được an lạc và hạnh phúc, bởi vì phiền não và khổ đau không còn nữa. Ðây chính là pháp môn tu tập theo Bát Nhã Tâm Kinh.
Sự mầu nhiệm vi diệu của đạo Phật chính là sự áp dụng những lời dạy của Ðức Phật vào đời sống hằng ngày của người Phật Tử, dù tại gia hay xuất gia, để được an lạc hạnh phúc, để đạt giác ngộ giải thoát, chứ không phải những chuyện mê tín dị đoan do những người tu mù, không học hiểu kinh điển, giải thích giáo lý một cách mơ mơ màng màng, cho có vẻ linh thiêng huyền bí, để lôi kéo tín đồ, mưu mô lợi dưỡng, hưởng thụ cuộc đời, thêm danh thêm lợi, gọi là phương tiện, quên mất cứu kính! Những việc như vậy, ngày nay tràn ngập, trong các sinh hoạt, Phật giáo khắp nơi.
Người Phật Tử chân chánh, dù tại gia hay xuất gia, phát huy được trí tuệ bát nhã, sẽ dễ dàng nhận ra, nơi nào hoằng dương Chánh Pháp, đó là nơi giảng kinh thuyết pháp, mở lớp giáo lý, giúp ích mọi người, hiểu rõ Phật Pháp.
Còn những nơi nào, chỉ có cúng kiến, nghi thức lễ lạy, thu tiền bá tánh, bày trò văn nghệ, thi ca xướng hát, nhưng chẳng đem lại, một chút ích lợi, về mặt tâm linh, cho bất cứ ai.

HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH  

TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có rất nhiều thắc mắc, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, chẳng hạn như là: Gia đình theo truyền thống Phật Giáo lâu đời, nhưng cha mẹ thường bất hòa với nhau, đôi khi gây gổ, đánh lộn. Làm sao khuyên giải để cha mẹ trở nên hòa thuận? 

Trước hết, chúng ta phân tích câu hỏi này thành ba phần để tìm hiểu cho rõ ràng:
Thứ nhứt, khi nói gia đình theo truyền thống Phật Giáo lâu đời, có nghĩa là: ông bà, cha mẹ, nhiều thế hệ đã tin Phật, thờ Phật, tụng kinh, niệm Phật, đi chùa, lễ Phật, bố thí, cúng dường, làm phước, và thế hệ ngày nay tiếp tục truyền thống y như vậy, thế thôi, có phải vậy không?
Thực ra, như vậy cũng tốt, cũng quí, cũng đáng mừng lắm rồi, bởi vì gia đình đã gieo trồng căn lành thêm lớn. Tuy nhiên, như vậy chưa hoàn toàn đầy đủ. Tại sao như vậy?  Bởi vì gia đình chưa có cơ duyên thuận tiện tìm hiểu giáo lý của đạo Phật một cách tường tận để áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày.  Chính vì vậy mới có tình trạng bất an ở trong gia đình.

Đạo Phật là đạo cứu khổ nhân loại, cho nên giáo lý của đạo Phật rất thực tế, có thể áp dụng vào trong đời sống hằng ngày của mọi người, nhằm mục đích đem lại an lạc trong tâm của con người và đem lại hạnh phúc cho gia đình, hòa bình cho xã hội.  Chẳng hạn như là: giáo lý đạo Phật dạy "từ bi hỷ xả" (trong kinh sách gọi là: tứ vô lượng tâm, tức là bốn tâm rộng lớn vô cùng) để con người có thể thương yêu mọi người như thể thương thân, vui với hạnh phúc của người khác, luôn luôn hòa thuận với tất cả mọi người xung quanh, tha thứ bỏ qua dễ dàng lỗi lầm của người khác, chỉ biết lo giữ gìn tâm niệm của chính mình cho được ngày một thanh tịnh hơn, ngày một trải rộng ra, vị tha hơn là vị kỷ, vì người hơn là ích kỷ, chỉ biết vì mình, vì gia đình mình.
* *
Thứ hai, cha mẹ bất hòa với nhau, thường gây gổ, đánh lộn.  Nguyên nhân chính là do: tâm "chấp ngã" và tâm "chấp pháp".

Chấp ngã là chấp cái thân và cái tâm của mình là thực, tồn tại lâu dài, vĩnh viễn.  Người ta thường thấy người khác chết, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến cái ngày, chính mình cũng phải chết!  Nếu như con người biết rằng ngày mai mình sẽ từ giã cuộc đời, thì chắc chắn hôm nay không còn tâm trí đâu để cãi nhau, đánh nhau, tranh đấu hơn thua, tranh giành của cải, tranh danh đoạt lợi!

Đó là chuyện cái thân nặng mấy chục kí lô.  Còn cái tâm của mình thì sao?  Tâm của con người hằng ngày hết sức lăng xăng lộn xộn, lúc nghĩ chuyện thiện, lúc nghĩ chuyện ác, lúc nghĩ chuyện đàng đông, lúc nhớ chuyện bên tây, lúc hiền, lúc dữ, lúc nghĩ chuyện quốc gia đại sự, lúc nghĩ chuyện hang cùng ngõ hẹp, lúc nghĩ chuyện cứu đời giúp người, lúc nghĩ chuyện lợi mình hại người, lúc nghĩ chuyện quảng đại cao thượng, lúc nghĩ chuyện ti tiện nhỏ nhen.

Vậy cái tâm nào thực sự là "mình"? Mình thực sự là ai?  Chẳng biết?! Mình hiền hay dữ?  Chẳng biết? Tùy theo người khác đối xử với mình tốt hay xấu?  Tùy theo cảnh trần?  Nếu cứ như vậy, con người bị ràng buộc trong sanh tử luân hồi, chịu nhiều phiền não khổ đau, không sao tránh khỏi.  Chúng ta không bao giờ nhận ra cái "bản tâm thanh tịnh" thường hằng, bởi vì kiếp con người luôn luôn bận tâm với cảnh trần đời bên ngoài quanh năm suốt tháng cả ngày, cho đến hơi thở cuối cùng!

Chấp pháp là chấp chặt mọi thứ vật chất có hình tướng trên đời là tồn tại vĩnh viễn.  Cho nên con người mới đấu tranh, giành giựt, quơ quào, vơ vét, nhồi nhét cho đầy túi tham, giấu giếm, cất giữ, tích trử, cố gắng chiếm hữu thực nhiều của cải, bất chấp mọi thủ đoạn, không màng đến sự khổ đau của người khác, chà đạp lên mọi người để đoạt được ý muốn của mình.
Về phương diện tinh thần, chấp pháp nghĩa là chấp chặt cái ý kiến, cái suy nghĩ, cái sở học, cái hiểu biết của mình, luôn luôn là đúng, ai làm ngược lại, ai nói ngược lại, ai nghĩ ngược lại đều là sai hết!  Chỉ có mình là đúng nhứt mà thôi! Hiểu được tường tận nguyên nhân chính gây ra những phiền não khổ đau trên cuộc đời này như vậy, con người chỉ cần phá bỏ tâm cố chấp (chấp ngã và chấp pháp) thì cuộc sống sẽ an lạc và hạnh phúc ngay.
**
Thứ ba, muốn khuyên giải cha mẹ hòa thuận, chúng ta cần làm hai điều: Một là, bản thân phải tỏ ra là người con hiếu đạo trong gia đình, là người công dân tốt, hiền lương trong xã hội.  Hai là, bản thân phải tìm học giáo lý của đạo Phật để có thể giải thích cho cha mẹ những lời của Đức Phật, và chư vị Tổ sư, chỉ dạy trong các kinh sách, những điều thực tiển có thể áp dụng được trong cuộc sống hằng ngày, chứ không phải chỉ cầu nguyện, van xin, khấn vái, mà có được cuộc sống an lạc và hạnh phúc đâu.

Tóm lại, để gia đình được hòa thuận an vui, chúng ta cần phải thực sự hiểu nhau, thông cảm nhau, mới có thể thực sự yêu thương nhau được, bằng tinh thần vị tha, hơn là vị kỷ, bằng tấm lòng phục vụ, hơn là đòi hỏi được phục vụ, bằng sự phát tâm cứu khổ người khác, hơn là kêu trời than khổ.  Mọi sự trên đời rồi sẽ qua, cuộc đời rồi sẽ kết thúc, chúng ta nên xây dựng cuộc sống của chính mình được an lạc và hạnh phúc, ngay trên hiện đời này, chấm dứt ngay sự gây đau khổ cho người khác. []

      NIỀM VUI         
lắng nghe 
tiếng sáo bên trời 
véo von sương khói 
cõi đởi thoắt không 
chuông chùa len nhẹ qua tâm 
ngẩn ra mới biết mong manh phận người 
sương chiều lãng đãng rơi rơi....
niềm vui bất chợt mây trởi thong dong.  

ĐỜI NGƯỜI VÀ CHIẾC LÁ

vô thường 
trôi chảy
trần gian 
chạm vào "chiếc lá" 
nỗi đau luân hồi 
từ trong 
vô lượng kiếp người .

Phật:"DUYÊN SINH THUYẾT"
sáng ngời pháp âm 
mây trời lãng đãng hư không 
như là "chiếc lá" thong dong đi về
chuông chùa vang vọng sơn khê 
giật mình tỉnh giấc bồ đề thậm thâm.

Tác giả: ĐÀO PHƯỚC GIAO