TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Saturday, 2 March 2013

*** TÂM CHƯ PHẬT SẼ THÀNH



Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

TKN.Thích Nữ Chân Liễu

Trong Phật giáo, xuất gia hay tại gia, dù có sinh hoạt trong chốn Thiền môn hay không, chắc hẳn nhiều người cũng có nghe nhắc lại hoặc biết đến câu nói, từ kim khẩu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ngay khi chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác sau 49 ngày đêm thiền tọa dưới cội bồ đề: “TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH - CHÚNG SANH LÀ PHẬT SẼ THÀNH”.

Có nghĩa là Đức Phật tuyên bố đã thành Phật ngay rạng sáng hôm đó và tất cả chúng sanh trong sáu cõi, gồm: trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh, đều sẽ thành Phật trong tương lai. Trong hiện tại, tất cả đều là nhân, là hạt giống, nếu biết tu tập theo đúng chánh đạo, hành đúng chánh pháp, tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, trở thành một vị Phật.

Ở đây, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được vai trò của cõi người đang sống và phải chịu trách nhiệm về số phận nghiệp duyên và nhân quả của chính mình. Bao giờ thì thành Phật, hay mãi mãi là chúng sanh? Câu hỏi nầy có bao giờ con người nghĩ đến hay chưa?

Ngày nào đó với tâm thái trầm mặc, an bình, con người chọn cho riêng mình một không gian tĩnh lặng, hít thở nhẹ nhàng, ngồi xuống thiền tọa, chân xếp hình hoa sen, sau đó thực tập­ làm Phật vài ba phút.

TÂM CHƯ PHẬT ĐÃ THÀNH

Phật tại Tâm, không phân biệt Tướng - xuất gia tại gia, nam nữ, đẹp xấu, giàu nghèo. Phật Tâm không cố chấp, không phiền, không giận, không trách. Ai tôn kính, ai không tôn kính cũng chẳng khác gì nhau, chính là nghĩa bất tùy phân biệt. Tâm Phật là tâm bình đẳng, thanh tịnh tuyệt đối. Lòng từ bi của Chư Phật là vô ngã vị tha, thương chúng sanh như cha lành thương con.

Phật là Tâm sáng suốt, trí tuệ hiểu biết tất cả thiện ác trong thế gian một cách rõ ràng, không nghi, nhưng bất tùy phân biệt. Tâm Phật không phê phán, không chê trách, không thiên vị riêng tư một cá nhân hay một tôn giáo nào, không kết án vội vã một ai, không tranh cãi, không hận thù, không tà niệm, yêu thích người thiện, bỏ mặc người ác, khen mình chê người, không dùng lời phỉ báng nặng nề bất chấp sự đau khổ của người để thỏa mãn cái tôi - tự ngã.

Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đắc đạo ngay nơi cõi ác thế Ta Bà “ngũ trược” (tức là cõi có 5 điều dục vọng và si mê):

1. Kiếp trược: Nhiều căn bịnh hành hạ đau đớn, nạn đói, chiến tranh, thiên tai.
2. Kiến trược: Nhiều tà kiến, sai trái, dụ dẫn tạo nghiệp ác, cuồng tín si mê.
3. Phiền não trược: Nhiều tham vọng, tâm lăng xăng điên loạn, không tự chủ.
4. Chúng sanh trược: Chúng sanh chưa hiểu suốt nhân quả thiện ác, nên gây thù oán, thân quyến tương tàn.
5. Mệnh trược: Thọ mệnh chúng sanh ngắn ngủi, vô thường biến đổi, luân hồi sanh tử đau khổ muôn trùng.

Đức Phật vì lòng từ bi, không nhập Niết Bàn sau khi chứng đạo. Ngài ở lại thế gian thuyết muôn vạn pháp môn tu và chỉ dạy con đường tu thành Phật bằng thân giáo. Cử chỉ và hành động đầy khiêm tốn, bình đẳng, từ bi và hết sức tế nhị. Trong thời gian Đức Phật còn tại thế, nhiều người không hiểu biết thế nào là thành Phật. Có những vị còn không tiếc lời phỉ báng và nhiều lần muốn giết Đức Phật để giành ngôi Thế Tôn. Giá trị tình thương chúng sanh và đức độ kham nhẫn trong tâm lý hoằng pháp của Đức Phật là bậc trí tuệ tuyệt diệu và thâm sâu vô cùng.

Chư Phật và Chư Tổ thường dạy:
Lấy từ bi và trí tuệ làm thăng tiến đạo nghiệp
Lấy sự hy sinh và phụng sự chúng sanh làm niềm hạnh phúc
Lấy bao dung và hỷ xả để cư xử với mọi người
Lấy sự nghiệp giác ngộ và giải thoát làm cứu cánh.

Chư Phật tùy duyên thuyết pháp, cứu độ cho tất cả những ai thật sự mong cầu một đời sống thánh thiện tốt đẹp. Chúng sanh nghe lời dạy của Chư Phật, phát tâm tìm hiểu rõ ràng chân lý của sự giác ngộ và giải thoát. Sau đó, con người thực hành ba chặng đường VĂN, TƯ, TU (nghe hiểu, suy nghĩ, thực hành). Phát sanh trí tuệ sáng suốt mới mong vượt ra khỏi sự trói buộc đau khổ của luân hồi sanh tử.

“Như Lai là người chỉ con đường chứng được cứu cánh Niết Bàn tịch tịnh.
Thế Tôn là vị đã đoạn trừ phiền não của thế gian và đem lại nhiều thiện pháp cho chúng sanh”. (Tăng Chi Bộ Kinh)

Phật Tánh không do cầu khẩn van xin mà có, cũng không phát sinh từ lòng ái dục, hay tình cảm hạn hẹp ích kỷ. Phật Tánh phát xuất từ tâm từ bi, bao la tươi nhuần và bình đẳng như tâm Chư Phật vậy. Đó là những giây phút vô cùng trân quí, khi tâm vô trụ, vô chấp, đạt được an nhiên và tự tại, hạnh phúc và giải thoát.

Bản tâm thanh tịnh của Chư Phật không tạp niệm, không tà ý, ví như mặt biển thái bình lặng yên lúc không sóng không gió, mọi thời mọi khắc đều an nhiên tự tại và hạnh phúc giải thoát. Nói chung tất cả niệm do tâm chấp, tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm đố kỵ, tâm khinh khi, tâm lúc thuận lúc nghịch, lúc thân lúc thù, khi thương khi ghét, đó là những tạp niệm vọng tâm vọng chấp mà Chư Phật đã hoàn toàn chế ngự, điều phục được tất cả, nên Chư Phật là những vị “Phật đã thành”.

TÂM NHỮNG VỊ PHẬT SẼ THÀNH

Người tu theo Phật tuy chưa được trọn thành Phật đạo, nhưng ai cũng có nhân Phật Tánh và tâm ý thiện lành. Trong những giây phút con người thật sự để lặng yên tâm thức, chẳng khởi lên một niệm suy tính so đo, hơn thua, tranh chấp, phiền não, vọng động, thương ghét, đau khổ, thù hận và xóa bỏ hết ranh giới của nhỏ nhen cố chấp nhị biên, thiện và ác, đúng và sai, khi đó con người sẽ cảm nhận được Phật Tánh của mình hiển hiện vô cùng kỳ diệu. Đó chính là tâm từ bi hỷ xả như Chư Phật. Nguồn an lạc hết sức trong sáng với muôn ngàn thương yêu của lòng bao dung, đồng cảm và tha thứ.

Câu nói của Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát: Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài cũng sẽ thành Phật. 

Có tu nhiều đời nhiều kiếp mới được làm thân người. Có tài, có sắc, có phước, vinh hiển trong đời, không phải ai cũng có được. Nhưng dù sanh vào hoàn cảnh như thế nào cũng là do nhân quả, đều có Phật Tánh sáng suốt để đi đến giác ngộ và sẽ thành Phật, nhanh hay chậm, tùy theo nghiệp duyên, phước đức và công phu tu tập của mỗi người.

Chúng sanh bao gồm những con người còn sống trong luân hồi sanh tử, chưa giác ngộ toàn vẹn, cho nên tâm vẫn còn hỷ, nộ, ái, ố, tham lam, sân hận và si mê. Không một ai muốn phạm lỗi lầm, cũng không một ai muốn bị hình phạt, hay bị sỉ nhục. Con người phàm tục vì những cảnh trần lôi cuốn, đôi khi mất cảnh giác, phải chịu nhiều đau khổ và phiền não.

Cực Lạc Quốc là nơi chốn thanh tịnh trong sạch, không phiền não, không ô nhiễm, không tham sân si. Đó là cõi Phật, là nơi chư Thượng Thiện Nhơn (người tốt hoàn toàn) đồng câu hội. Người Phật tử sống ở thế gian ai ai cũng muốn, sau khi xả báo thân nầy, được về cảnh giới tịnh độ của chư Phật. Cho nên ngoài việc mỗi thời khắc nhất tâm niệm Phật, thiền tọa tập làm Phật, để phát sanh trí tuệ. Phật Tánh luôn sáng suốt, chân thật và thanh tịnh tuyệt đối.

Chư Tổ dạy có bốn pháp cao thượng tu hành như sau:
1. Giới đức cao thượng.
2. Định tâm cao thượng.
3. Trí tuệ cao thượng.
4. Giải thoát cao thượng.

Có nghĩa là giữ giới bền chặt, giữ tâm chánh trực, có trí tuệ nhận rõ đúng sai, thiện ác, lòng không cố ý khoe khoang chứng đắc, tự hào hơn thua, không vướng mắc một giả danh nào hết, cũng không tự gạt tâm mình hay gạt người, không tạo khẩu nghiệp, thân nghiệp và ý nghiệp. Cuối cùng là tâm được khinh an, thanh thản, tự tại và giải thoát.


 Nước mắt chúng sanh như biển cả, thế gian đau khổ nhiều lắm rồi. Nếu biết được ai ai cũng có một thứ quí giá vô cùng, đó là “Phật Tánh Chân Như”, là nhân lành đưa đến hạnh phúc an lạc vĩnh cửu, không có khổ đau sanh tử, thì con người cần gì phải tham gia vào sự tranh đua, sân hận, lỗi phải những chuyện danh lợi thế gian. Buông bỏ hết thì tâm được khinh an.

Suy cho cùng có ai trên đời không một vài lần phạm lỗi, hối hận, khổ đau. Thường thì con người có rất nhiều cách biện minh và dễ dàng tha thứ cho chính bản thân, nhưng đối với người khác, kể cả người thân sống chung quanh, thì không muốn tha thứ hoặc cảm thông, luôn luôn đòi công bằng và xử lý thỏa lòng. Do đó, con đường đi đến cảnh giới Chư Phật thật là xa xôi ngàn trùng.

Chúng sanh của thế kỷ 21 nầy có nhiều phương tiện và phước duyên gặp Phật Pháp. Giáo pháp của Đức Bổn Sư Thích Ca được thế giới tôn kính và đón nhận như nước cam lộ diệt trừ muôn ngàn phiền não. Sống với Tâm Phật qua cung cách ứng xử đạo đức hằng ngày, tức là có được hạnh phúc tại thế gian rồi đó. Con người cùng nhau phát nguyện tinh tấn tu học, nhân Phật tánh càng ngày càng hiển lộ, cây bồ đề đâm chồi nảy lộc đơm hoa kết trái.

Trong kinh sách Chư Tổ có dạy:
Nội cần khắc niệm chi công
Ngoại hoằng bất tranh chi đức.

Đó là công phu và đức độ của người tu. Bên trong tâm, giữ gìn chánh niệm, gọi là công phu. Bên ngoài thân, không hơn thua, không tranh cãi, gọi đức độ. Thân và Tâm song hành tu tập gọi là Công Đức. Còn gọi là Phúc Tuệ song tu.

Điều quan trọng là muốn tu phải phát tâm học hiểu Phật Pháp cho thấu đáo và thực hành trong đời sống hằng ngày. Khi đó giới hạnh được vẹn toàn, tâm định được phát triển, trí tuệ được khai mở, con người cảm thấy được niềm an lạc thanh tịnh không thể nghĩ bàn.

Dù là người xuất gia hay tại gia, con người muốn tu mà không tha thiết mong cầu giác ngộ Phật Pháp, thì cuộc đời đi tu sống trong sự mệt mõi buồn chán, quanh năm suốt tháng, tin vào sự linh thiêng huyền bí và chỉ biết chờ đợi phép lạ một cách tiêu cực. Khi cái chết gần kề, lúc đó hoảng loạn, bơ vơ, tâm trạng vô thức, không biết rơi vào cảnh giới tốt xấu nào đây, có phải muộn quá hay không?

Đạo Phật được thế giới tôn vinh là đạo bình đẳng và từ bi trí tuệ bậc nhất. Tuyệt vời hơn nữa là tất cả người tu phát nguyện: “Vì chúng sanh đạt thành ngôi chánh đẳng chánh giác. Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”. Nghĩa là: tự thân giác ngộ và cứu độ tha nhân, cho đến khi hạnh giác ngộ tròn đầy, tất cả chúng sanh ra khỏi lục đạo luân hồi.

Trong thời gian qua, nhân loại trên trái đất chịu đựng quá nhiều thiên tai. Sóng thần Nhật Bổn, bão tố Sandy, đã cướp mất bao nhiêu tài sản và nhân mạng của những người vô tội. Cảnh màn trời chiếu đất, cha mẹ mất con, vợ chồng ly tán, đau khổ tột cùng. Nhưng sau đó, họ không thể ngồi một chỗ than trời trách đất, suy sụp, buông trôi, hay giận cho trời già cay nghiệt, hận bản thân vô phước. Họ cùng nhau xây dựng lại ngôi nhà, vườn cây, khóm hoa, đem trở lại sự sống mãnh liệt trong tình người với người đầy lòng nhân nghĩa thân ái và bao dung. Đó chính là sức mạnh của Phật Tâm, Phật Tánh trong mỗi con người, trong cuộc sống hàng ngày, trên thế gian này.

Nói tóm lại, để sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn, với Tâm Phật sẵn có, con người cần được thăng tiến trên con đường giác ngộ, giải thoát. Con người cần phải luôn phát nguyện vun bồi công đức và phước đức, cho đến khi được đầy đủ từ bi và trí tuệ, lý sự viên dung. Đây chính là điểm siêu việt của đạo Phật đối với chúng sanh với câu Phật ngôn bất hủ: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ai ai cũng có thể tu theo con đường Phật dạy và đều có nhân duyên trọn thành Phật đạo.

Xin thành tâm cầu chúc cho những người con Phật, dù xuất gia hay tại gia, cùng là chúng sanh ở cõi ta bà, buông bỏ được tảng đá nặng nề của cái “ta” nhiều đau khổ phiền lụy và chuyển đổi những bất thiện nghiệp thành chư thiện nghiệp. Trước mắt còn đầy dẫy những khó khăn và thử thách cho người tu hành Phật đạo, con người cùng mạnh dạn bước từng bước chân chánh niệm, sáng suốt, an lạc, đi trên con đường tìm cầu giác ngộ.

Nguyện cầu tất cả chúng sanh trong pháp giới đều chứng ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đồng thành Phật Đạo.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
TKN.Thích Nữ Chân Liễu

 
CHUYỆN TRONG CHÙA

- Thưa Thầy, tôi nghe nói hùn phước in kinh sách ấn tống, phát hành băng giảng, được rất nhiều công đức thù thắng, cho nên có nhiều cá nhân cũng như tổ chức, chùa viện quyên góp thực hiện. Tuy nhiên, tôi thấy trong nhiều chùa, số lượng kinh sách, băng dĩa phát không, tràn ngập, bỏ bừa bãi, không trang nghiêm. 

Trong đó có quá nhiều kinh sách, băng giảng không có nội dung tốt, thậm chí mê tín dị đoan, sai lạc giáo lý, chẳng những không lợi ích gì, còn góp sức truyền bá tà pháp. Kính mong quí Thầy cho biết tôn ý về vấn đề này.





Đáp:

- Các dạng bố thí gồm có: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí có: ngoại tài (tiền bạc, của cải), và nội tài (các bộ phận của cơ thể). Pháp thí là bố thí chánh pháp, giúp người hiểu rõ chánh đạo, chánh kiến, chánh tín, sự thật của cuộc đời, để sống đời được an lạc và hạnh phúc, hơn nữa, đạt được giác ngộ và giải thoát. Và vô úy thí là giúp người vượt qua cơn sợ hãi, sợ chết, sợ đủ mọi thứ, ổn định được tâm bất an.

Trong các dạng bố thí vừa kể, bố thí pháp thù thắng nhất. Bởi lẽ, chánh pháp giúp đỡ con người trong kiếp này được khai mở trí tuệ, tránh tà pháp và mê tín dị đoan, biết tu tâm dưỡng tánh theo đúng chánh đạo, tránh tà đạo, nhận rõ tà sư và tà pháp. Cao cả nhất là chánh pháp giúp con người thoát ly được phiền não khổ đau trong sanh tử luân hồi.

Đúng như quí Đạo Hữu nhận xét, hiện nay tình trạng ấn tống kinh sách, băng dĩa rất được hưởng ứng, bởi nhiều lý do. Lý do trước hết là nhiều người hiểu rằng bố thí pháp (hùn phước ấn tống kinh sách, băng thuyết pháp) có công đức và phước đức trên tất cả các dạng bố thí khác. Hoặc, có nhiều người cầu khẩn, van xin, khấn vái điều gì đó cho gia đình hay cho công việc làm ăn, buôn bán, bèn bỏ ra chút tiền để in các loại gọi là “kinh sách” để hối lộ thần linh trước, cho được việc mình mong cầu.

Họ đâu biết rằng các loại sách rẻ tiền, các loại băng giảng tạp nhạp, hình thức bề ngoài có vẻ như đạo Phật, do chính các chùa in, các nhà sư giảng, nhưng nội dung rất phi chánh pháp, cho nên vô tình góp phần truyền bá tà pháp, mê tín dị đoan, làm cho nhiều người ngộ độc, tin theo, rất tai hại.

Chẳng hạn trước đây vài năm, có người góp tiền in sách Niệm Phật vãng sanh lưu xá lợi. Nghe qua có vẻ Phật pháp, nhưng nội dung chứa đựng, xen lẫn nhiều tà pháp. Người không học hiểu giáo lý, không nghiên tầm kinh điển, kể cả một số nhà sư già cũng như trẻ, rất dễ nhầm lẫn, ngộ nhận rồi ngộ độc, và đem truyền bá nọc độc cho nhiều người khác.

Thêm nữa, có vô số sách thuộc loại tà pháp, mê tín dị đoan, được in và bỏ bừa bải trong các chùa như: Bạch Y Thần Chú, Linh Cảm Thần Chú, Pháp Sám Đại Bi, Kinh Di Lặc cứu đời, Kinh Cứu khổ, Địa Mẫu chơn kinh, Kinh Hoàng Mẫu, Những điều linh ứng, Lời Nguyện,…

Các vị trụ trì chân tu thực học không phổ biến các loại sách nhảm này trong phạm vi hoằng pháp và các vị Phật tử chân chánh không góp phần tội nghiệp in phát hành hay phổ biến các loại sách này.

Chúng ta nên nhớ: nếu cầu nguyện mà được linh ứng (hữu cầu tắc ứng) thì trái với lý nhân quả nghiệp báo.

Mình làm mình hưởng.
Mình làm mình chịu.
BBT PHTQ



QUAY LẠI -
        ẮT NHÌN THẤY PHẬT

 

Phật trên bảo đàn tịnh thiền nhắm mắt
Chúng sinh như con rối bị giật dây
Cười khóc lao xao - người đó ta đây
Ai bịt mắt mà sao chẳng thấy?!...
 
Đạo ở trong tâm - phải nào đâu trên giấy
Giá ba, bảy đồng... như miếng thịt trên nong
"Thương hiệu nhà Tu" nay đắt tựa vàng ròng
Ai lắm bạc - rồi đây Phật độ!
 
Chú cóc nghiến răng, tội cho người thương khó
Nghèo tiền nên nghèo cả đức tin
Biết lấy chi để che chắn cho mình
Khi "Phép Thánh" đem bán rao ngoài chợ!
 
Ai dựng tượng bia đề - mài danh khắc gỗ
Đúc đồng, sơn son, võng lọng đăng đàn...
Ngẫm mà coi - Phật ở chốn Tịnh ban
Tâm chẳng động, trải bao mùa hưng phế!

 
Là con Phật ... chớ tin điều nghịch lý
Nhân không gieo - Quả ấy gặt làm sao?
Thức tỉnh đi - đừng cứ mãi ngủ mê
"Quay đầu lại... ắt sẽ nhìn thấy Phật"!!

 
 Tịnh Vân 
 
 
SÁNG SUỐT CHÂN CHÁNH THANH TỊNH
SUY NGẪM VỀ TỤNG KINH SIÊU THOÁT
SEN HỒNG MỘT ĐÓA
SUỐI NGUỒN BÌNH ĐẲNG TÁNH
Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG
Ý NGHĨA LỄ CẦU NGUYỆN