TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Thursday, 26 December 2019

Pope Benedict Pope Francis


https://damau.org/62590/phim-hai-vi-giao-hoang-thong-diep-cho-thoi-dai-phan-hoa

Bài đã đăng của Trùng Dương

TrungDuong
Trùng Dương, Vigeland Sculpture Park, Oslo, Norway, 2013

Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư vào và lớn lên tại miền Nam từ 1954. Nguyên chủ nhiệm - chủ bút nhật báo Sóng Thần (Saigon, 1971-75), bà là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978). Tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ từ 1975. Sau khi tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu Bang California, Sacramento, bà làm phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, California, từ 1991-93; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006. Bà hiện cư ngụ tại tiểu bang Oregon.

Phim ‘Hai vị Giáo hoàng’: thông điệp cho thời đại phân hóa

0 bình luận ♦ 25.12.2019
LTS: Sáng ngày 24/12/2019, chúng tôi nhận được món quà Giáng Sinh rất ý nghĩa của nhà văn Trùng Dương gửi tặng cho Da Màu, đó là bài điểm phim “Hai Vị Giáo Hoàng” do Netflix sản xuất và vừa phát hành chính thức trên mạng vào ngày 20/12 vừa qua. Cũng nhân bài điểm phim mới này, chúng tôi muốn nhắc lại vở hài kịch “Cặp Đôi Giáo Hoàng” do nhà văn Đinh Từ Thức sáng tác, đã được giới thiệu trên Da Màu năm ngoái, gồm 9 kỳ cùng lời bạt 2 kỳ. Độc giả có thể bấm vào đây để đọc vở kịch có thể nói là đầu tiên về hai vị Giáo Hoàng, diễn ra trên sân khấu Da Màu:
https://damau.org/50056/loi-bat-cho-hai-kich-cap-doi-giao-hoang-phan-1
https://damau.org/50239/cap-doi-giao-hoang-ky-1
Hai ông già ngồi tranh biện về tôn giáo, còn có gì… chán hơn, có lẽ nhiều người, trong đó có tôi, tự hỏi.
Vậy mà chỉ dăm mười phút vào phim, tôi bị lôi cuốn lúc nào không hay, phần lớn bởi những câu đối thoại ngắn gọn, sắc bén, chuyên chở nhiều ý nghĩa, nghiêm chỉnh song cũng không thiếu hài hước giữa vị lãnh tụ Thiên Chúa giáo đương nhiệm, Đức Giáo hoàng Benedict, và người sẽ thay thế ông, Đức Hồng y Bergoglio và là ĐGH tương lai Francis.
Không những thế, phim còn chuyên chở một thông điệp đáng suy ngẫm trong một thời đại đầy phân hóa về chính trị, lòng người thiếu khoan dung, bất bình đẳng về kinh tế, trong bối cảnh khí hậu thay đổi đã và đang đe dọa hủy hoại môi sinh, như thời đại chúng ta đang sống.


clip_image002
Bích chương phim “Hai vị Giáo hoàng” (movieinsider.com)
Phim “Hai vị Giáo hoàng – The Two Popes” do Netflix sản xuất mới cho ra mắt hạn chế tại một số rạp hát tại Anh và Mỹ vào cuối tháng 11, và chính thức phát hành trên Web vào thứ Sáu ngày 20 tháng 12 vừa qua. Phim do hai diễn viên gạo cội gốc Anh, Anthony Hopkins và Jonathan Pryce, đóng (tôi thú nhận đây là một yếu tố khiến tôi quyết định bấm vào xem phim vì tôi thích diễn xuất của họ). Phim do đạo diễn người gốc Brazil, Fernando Meirelles, thực hiện tại Buenos Aires, Argentina và Rome, Italy. Tại Rome, vì nhiều cảnh diễn ra tại Vatican, và đoàn quay phim không được phép thu hình, trong đó có cảnh quan trọng nhất diễn ra trong Nhà nguyện Sistine nguy nga tráng lệ, nhà sản xuất đã cho dựng lại gần như hoàn toàn nội thất của Nhà nguyện trong một phim trường ở Rome.

clip_image004 clip_image006
clip_image008 clip_image010
Vì không được phép quay phim trong Nhà nguyện Sistine nổi tiếng trong Vatican, một cảnh chính trong phim, với những bức tranh diễn tích Kinh Thánh do danh họa Michelangelo vẽ vào thế kỷ thứ 16, nhóm làm phim “Hai vị Giáo hoàng” cho dựng lại nguyên nội thất của Sistine tại phim trường Cinecitta Studios ở Rome. Công trình tốn 10 tuần lễ mới xong. Theo chiều kim đồng hồ, từ trên:; Hoạ đồ nội thất Nhà nguyện Sistine; Chuẩn bị tái dựng lại toàn cảnh nội thất Sistine; Các họa sĩ địa phương vẽ lại bức quan trọng nhất “Ngày Phán Xét Sau Cùng”; và Công trình tái tạo Sistine hoàn tất. (Ảnh Netflix)
Nội dung phim
Câu chuyện bắt đầu bằng cái chết của Đức Giáo hoàng Jean Paul II vào năm 2005 đưa đến việc Hồng y Ratzinger gốc Đức (do Anthony Hopkins đóng) được đề cử thay thế, lấy hiệu là Benedict XVI, với nhiều thước phim thời sự xen kẽ, như đám tang của vị Giáo chủ vừa băng hà và một số cảnh quảng trường St. Peter mênh mông đông nghẹt giáo dân hồi hộp chờ nghe tin về và cả hân hoan chào đón vị Giáo chủ mới. Từng giữ chức vị quản thủ giáo điều của đức tin, Benedict là một người cực bảo thủ. Song chẳng bao lâu ông vướng vào cuộc điều tra xâm phạm ấu dục mà ông bị kết tội bao che khi còn ở địa phương, và đặc biệt vụ mệnh danh là “Vatileaks” về sì-căng-đan bao che tham nhũng trong Tòa Thánh.
Trong thời khoảng này, Hồng y Bergoglio gốc Argentina (do Jonathan Pryce đóng), phục vụ tại Buenos Aires, ngày một trở nên bất bình trước tinh thần bảo thủ của Vatican, muốn xin từ chức và xin về phục vụ tại một giáo xứ mà ông cho là mình sẽ hữu ích đối với giáo dân hơn. Tuy nhiên, việc ông đến Vatican để xin ĐGH Benedict cho phép từ chức vì thư xin từ chức của ông đã không được hồi âm thực ra không phản ảnh đúng thực tế, mà đây chỉ là cái cớ nhà làm phim đưa ra để tạo cơ hội cho hai vị chủ chiên tranh biện – một chủ điểm của phim – về tình trạng suy thoái của Giáo hội. Đạo diễn đã cho hai nhân vật chính gặp nhau tại ngôi nhà nghỉ mát sang trọng của Giáo hoàng tại Castel Gandolfo nằm ở 25 km (16 miles) về phía đông nam Rome, nổi tiếng có khung cảnh đẹp, trong ngôi vườn bao la được cắt tỉa chu đáo (thực tế đây chỉ là một địa điểm dàn dựng lại vì đoàn quay phim không được phép quay tại bất cứ bất động sản nào của Toà Thánh). Trước khi cho hai vị gặp nhau, đạo diễn dàn cảnh cho Hồng y Bergoglio lang thang trong vườn, gặp và trò chuyện với người làm vườn về một loại rau thơm, nói lên bản chất bình dân của ông.
Cuộc trao đổi giữa Benedict và Bergoglio thoạt đầu nhát gừng song đốp chát khi Benedict nêu ra những chi tiết – tôi cho đây là một cách giới thiệu nhân vật tuyệt vời, với chỉ vài nét chấm phá như trong một bức tranh thủy mạc – nói lên nếp sống giản dị và quan điểm cấp tiến của vị Hồng y của một nước Nam Mỹ nghèo khó, như việc ông không chịu sống trong tòa nhà kín cổng cao tường dành cho tổng giám mục ở Buenos Aires mà lại ra ở tại một căn chung cư, việc ông kết thân với giáo sĩ Do Thái, việc tán thành linh mục có vợ, chấp nhận liên hệ đồng tính luyến ái, cho những người bị mất phép thông công hay ly dị tiếp tục lãnh bánh thánh, vv. Khi Bergoglio ngắt lời Benedict về việc cho bánh thánh cả nhưng người đã bị tước phép thông công, nói ông tin là bánh thánh là cho người đang bị đói chứ không phải để tưởng thưởng kẻ ngoan đạo, thì bị Giáo chủ Benedict phản pháo như một lời buộc tội:
“Vậy thì cái đáng kể chính là điều Ngài tin tưởng, chứ không phải điều Giáo hội từng giảng dậy cả hàng nhiều trăm năm nay à?”
Giáo chủ Benedict đã khai hỏa. Vẫn lễ phép, tôn kính nhưng thẳng thắn, Bergoglio đáp lại bằng một câu trích dẫn trong Kinh Thánh, “Ta tới với những kẻ tội lỗi,” ngụ ý Thiên Chúa tìm tới những người đang cần được cứu rỗi. Benedict đổ tội cho việc sa lầy của Giáo hội là do tình trạng suy đồi tha hóa chung của xã hội Tây phương. Bergoglio cho rằng Giáo hội quá bảo thủ, tự cao, khép kín, thiếu tinh thần vị tha, không chịu nhìn nhận lỗi lầm và quyết lòng giải quyết thay vì đánh bùn sang ao (như trong các vụ xâm phạm tình dục thiếu niên), thiếu uyển chuyến đặng tiến hóa và thích nghi với thời thế luôn biến chuyển. Giáo chủ Benedict kết thúc cuộc trao đổi bằng tuyên bố ông không tin bất cứ điều gì Hồng y Bergoglio nói, cũng không chấp thuận đơn xin từ chức của Hồng y, còn nhấn mạnh là Bergoglio phải tiếp tục ngồi lại cương vị của mình vì nếu chấp nhận cho ông từ chức là chấp nhận sự chống đối. Nhưng ông không đóng cửa đối thoại hẳn, khi vào sáng hôm sau ông cho vị nữ tu hầu cận báo cho Hồng y thu xếp về Vatican cùng với ông khi ông phải về đó vì vụ sì-căng-đan VatiLeak vừa nổ ra.

clip_image012
Một cảnh quan trọng trong phim khi Giáo chủ Benedict (Anthony Hopkins) thảo luận với Hồng y Bergoglio/Giáo chủ Francis tương lai (Jonathan Pryce) trong Nhà nguyện Sistine. (Ảnh Netflix)
Những hội kiến sau đó, đặc biệt buổi trong nội thất của Nhà nguyện Sistine giữa những bức họa diễn tích Thánh Kinh của nhà danh họa thời Trung cổ Michelangelo, dần trở nên hòa dịu hơn, có tính cách riêng tư, tâm linh hơn, như một hành trình vào nội tâm của mỗi nhân vật qua những hồi tưởng về cuộc đời trước kia của mỗi vị. Từ đó hai vị đi dần tới chỗ đồng ý hiệp thông, tha thứ và ban phép lành cho nhau.
Ký giả Elizabeth Weitzman mở đầu bài giới thiệu phm “Hai vị Giáo hoàng” như sau:
“Ai sợ phải đối diện với sự bất đồng tại bàn tiệc mừng Giáng Sinh năm nay thì có thể tin vào sự công nhận tuyệt vời và cởi mở đối với tình trạng dị biệt niềm tin của [đạo diễn] Fernando Mereilles. Nếu các vị lãnh đạo tinh thần từ hai thái cực đối nghịch trong phim ‘Hai vị Giáo hoàng’ có thể tìm được thế đứng chung, thì chắc chắn chúng ta cũng có hy vọng làm được như thế.”

clip_image014
Anthony Hopkins (vai Pope Benedict) và Jonathan Pryce (vai Hồng y Bergoglio) chuyện trò trong một cảnh của phim “Hai vị Giáo hoàng” tại Phòng Nước Mắt trong Vatican được tái dựng lại cho phim. (Ảnh Peter Mountain)

Tất nhiên trên thực tế đã không có những cảnh trao đổi như vậy, song là do nhà viết truyện phim Anthony McCarten dựng nên. Cũng như ông cho biết đã dựng nên tới ba phần tư các câu đối thoại dựa vào hàng núi tài liệu, sách vở, phim ảnh mà ông đã thâu thập nghiên cứu làm nền cho truyện phim — những đối thoại tuy xoay quanh những vấn đề lớn nhưng vẫn điểm những nét khôi hài, một đặc tính của Hồng y Bergoglio, khiến người xem không khỏi có lúc bật cười lớn.

Một truyện phim xây dựng khéo
Xây dựng một câu chuyện dựa vào chuyện lịch sử, xung quanh hai nhân vật nổi tiếng toàn cầu, mà lại là hai vị lãnh tụ của một tôn giáo lớn, quả là một công trình không nhỏ, và liều lĩnh.
McCarten, gốc Anh và là tác giả của nhiều truyện phim về đời các nhân vật lịch sử, như Thủ tướng Anh Winston Churchill và khoa học gia Stephen Hawking, cho biết ông nẩy ra ý viết truyện phim “Hai vị Giáo hoàng” nhân một ngày trong khi đang ở Rome ông nhận được tin một người thân vừa qua đời và thấy muốn tìm một nơi để thắp cho người quá cố một ngọn nến. Ông quyết định tới quảng trường St. Peter và bắt gặp một đám đông khoảng 50,000 người đang dự thánh lễ do ĐGH Francis cử hành. Kinh nghiệm này gợi cho nhà viết truyện phim hai thắc mắc. Được biết là nguyên Giáo chủ Benedict đã về hưu và hiện sống tại một tu viện bên trong khuôn viên Vatican, dù vậy đây là lần đầu Giáo hội có tới hai vị Giáo chủ, vậy lần cuối sự kiện một lúc Giáo hội có tới hai vị Giáo chủ xẩy ra khi nào? Câu trả lời là 700 năm trước.
“Và câu hỏi thứ hai của tôi là, ‘tại sao ông Benedict về hưu?’ Tại sao một vị Giáo chủ truyền thống nhất thời đại lại làm cái việc ít truyền thống nhất như vậy?” McGarten nói. “Và từ hai thắc mắc này mà ý cho chuyện [“Hai vị Giáo hoàng”] nảy sinh.”
Đã hẳn là dựng nên một cuộc đối chất thần học tưởng tượng giữa hai quan điểm đối nghịch bảo thủ và cấp tiến của hai vị lãnh đạo tinh thần Benedict và Francis là một việc làm liều lĩnh. Không có tài liệu nào nhà viết truyện phim có thể dựa vào để tái dựng lại các trao đổi này vì sự kín đáo cách biệt với thế giới bên ngoài của Vatican. McCarten cho biết ông đã đọc thật kỹ các chứng liệu về các quan điểm mà ai cũng đã biết của hai vị Giáo hoàng, và nhìn nhận là việc cho hai vị thực sự tranh biện với nhau là do tưởng tượng hoàn toàn của ông.
“Thông thường ta chỉ có diễn dịch vậy thôi. Hy vọng là sự diễn dịch ấy dựa vào các dữ kiện và sự thực, và hy vọng là nó gợi hứng cho người xem [về] một cuộc tranh biện vượt ra ngoài lãnh vực tôn giáo,” McCarten nói. “Bởi vì hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại chìm đắm trong cuộc tranh cãi giữa hai khuynh hướng đối nghịch nhau, với một bên là quan điểm thế giới sẽ tốt hơn nếu đừng thay đổi mà cứ giữ nề nếp cũ, và một bên là phải chấp nhận thay đổi mặc dù các rủi ro.”
Hai người đã có khả năng biến cuộc đối thoại tưởng tượng trên thành như một hiện thực và khá gợi hứng đối với người xem, đó là tài tử Anthony Hopkins trong vai Giáo chủ Benedict cực bảo thủ; và Jonathan Pryce thủ vai Giáo chủ Francis tương lai có quan điểm cấp tiến; qua phần đạo diễn tài tình của Fernando Meirelles, một người tự nhận là “kẻ nguội đạo” (“a bad Catholic”).

Diễn xuất bột phát
Hai diễn viên Pryce, 72 tuổi, và Hopkins, 81 tuổi, cùng xuất thân từ Wales, Anh quốc, đã từng đóng vai các nhà lãnh đạo có thực ngoài đời: Pryce trong vai King James trong “The New World” (2005) và Hopkins thủ vai Tổng thống Nixon (1995), một trong bốn vai trò của ông đã được đề cử giải Oscar cho nam diễn viên xuất sắc. Tuy nhiên, lột tả một nhân vật mang chức “Đức Thánh Cha” (His Holiness) người chăn dắt linh hồn của trên một tỉ con người mang lại một cảm giác trách nhiệm đặc biệt. Sau khi khoác lên người trang phục trắng của ĐGH và nhìn mình trong gương, tài tử Hopkins nhìn nhận: “Trời, đây đúng là một cảm giác khác thường thật.”
Vai trò tài tử Pryce đảm nhận quả có mang lại một sức mạnh độc đáo khi trong một cảnh hành lễ trước hàng trăm con chiên tại một khu xóm nghèo ở Buenos Aires, ông kể, có một số trẻ em nghĩ ông là Giáo chủ Francis thật, “và có tới hai lần mấy chị phụ nữ trẻ mang con tới xin tôi ban phép lành. May mắn một vị linh mục thực sự đã tiến tới nói để ông ta làm phép cho,” ông Pryce, một kẻ ngoại đạo và người quả có nhiều nét giống Giáo chủ Francis thật, nói: “Bạn không biết được cháu bé đó sẽ ra sao nếu nhận được phép lành giả. Tuy nhiên điều đó nói lên tính cách hiện thực của [nhân vật].”
“Khi bạn thủ vai một nhân vật hư cấu bạn có thể dối giá sao cũng được, nhưng khi tôi mặc vào người bộ trang phục Giáo chủ, tôi không thể coi thường được. Tôi có thể đùa nghịch ban phép lành cho đoàn quay phim song nhất định là tôi có một sự tôn kính đối với ngôi vị của Giáo chủ,” diễn viên Pryce cho biết. “Như rất nhiều người, tôi có một niềm cảm thông sâu xa đối với Giáo chủ Francis, người đã nói lên quan tâm đối với xã hội, về hiện tượng khí hậu thay đổi, về dân tị nạn, về việc xây cầu chứ không phải là xây tường.”
Về phần mình, tài tử Hopkins thì lại bị mê hoặc bởi con người phức tạp của Giáo chủ Benedict, được mô tả trong truyện phim là bị kẹt giữa niềm tin vào tính cách tuyệt đối của các giá trị truyền thống của Hội Thánh và cảm giác thầm kín về việc mình có thể sai lầm. “Ông có sự hiểu biết và kiến thức để hiều là mình không hoàn toàn,” tài tử Hopkins nói. “Có thể ông đã từng nghĩ nhiều lần là ‘Ta không biết hết mọi sự.’ Chúng ta là những sinh vật bé nhỏ yếu đuối. Chúng ta nghĩ là mình thông minh song thực ra không phải vậy.”
Khi được hỏi ông đã nghiên cứu ra sao cho vai trò của mình, diễn viên Hopkins đáp một cách giễu cợt: “Tôi không nghiên cứu gì hết. Tôi xem vài tấm hình và ít đoạn phim tài liệu. Thế nhưng không có gì khó khăn cả đối với tôi trong việc đóng vai già vì tôi chính một ông già. Diễn xuất với tôi đã trở thành quá ư dễ dàng. Tôi không phải cố gắng. Người ta muốn làm cho [diễn xuất] thành phức tạp nên thấy nó khó khăn. Nếu ai muốn tin như vậy thì cứ việc tin, nhưng [diễn xuất] không phải là một cuộc mổ óc. Diễn xuất trở nên dễ dàng nếu mình cứ thoải mái buông thả mình vào đó.”
Quả như Hopkins nói, người xem thấy ông rất thoải mái trong vai Giáo chủ Benedict, có lẽ… thoải mái hơn cả chính Giáo chủ Benedict ngoài đời, người mà, theo tôi, có nét mặt khó khăn nếu không nói là khắc khổ, dường như luôn trăn trở về một điều gì.

clip_image016 clip_image018
Trái, một cảnh (tưởng tượng) trong phim “Hai vị Giáo hoàng” khi Giáo chủ Francis tới thăm Giáo chủ về hưu Benedict và hai người cùng ngồi xem trận đấu banh quốc tế giữa Argentina (thua) và Germany (thắng). Xem đá bóng thực tế là một đam mê của Giáo chủ Francis, trong khi Giáo chủ Benedict không thích bất cứ một môn thể thao nào. (Ảnh maturetimes.com.uk) Phải, hai vị Giáo chủ thật trong một buổi ĐGH Francis (trái) tới chúc mừng sinh nhật thứ 92 của nguyên Giáo chủ Benedict tại nơi cư trú trong Vatican tháng 4 vừa qua. (Ảnh Vatican Media)

Có thể kết thúc của nhà viết truyện phim McCarten khi dựng nên cuộc tranh biện về giáo điều giữa hai vị Giáo chủ có quan điểm đối nghịch, rồi để hai vị tiến lại gần nhau ở một điểm chung trong tinh thần bác ái tương nhượng có lẽ không hẳn là không tưởng, dù lý tưởng.
“Như hai võ sĩ, hai vị này đấu khẩu tới nơi tới chốn xong rồi rơi vào yên lặng, và chính trong sự yên lặng đó họ ngộ ra và bắt đầu xích lại gần nhau để tìm một chỗ đứng chung,” McCarten nói. “Tôi nghĩ nếu người xem phim có phản ứng nào sau khi xem phim, thì đó là cảm giác rằng thỏa hiệp có thể có được. Chúng ta hiện sống trong một thời đại người ta gần như tuyệt vọng là [thỏa hiệp] không còn có thể đạt được nữa. Nếu thỏa hiệp có thể có được giữa hai giới [bảo thủ và tiến bộ của Vatican] thì có lẽ ta còn có hy vọng.”
Liệu phim “Hai vị Giáo hoàng” có sẽ chiếm được một Oscar nào trong đầu năm tới? Có dư luận cho rằng tài tử Pryce, vai Đức Hồng y Bergoglio/ĐGH Francis tương lai, có thể được đề cử cho giải nam diễn viên xuất sắc nhất. Chúng ta chờ xem. [TD2019-12]