TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Wednesday, 3 June 2020

Lễ Trai Đàn Bạt Độ là tà pháp


Lễ Trai Đàn Bạt Độ là tà pháp - phi chánh pháp
 
Trên thế gian này có rất nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Đối với Phật Giáo, cũng như nhiều tôn giáo khác, thường có những hình thức nghi lễ, đôi khi rất rườm rà đầy vẻ linh thiêng huyền bí, nhằm mục đích chiêu dụ tín đồ. Trải qua hơn 2500 năm, Phật Giáo truyền bá qua nhiều thời kỳ và quốc độ khác nhau. Cho nên, các sinh hoạt trong chùa chiền có trộn lẫn nhiều nghi lễ, hình thức, niềm tin, từ các quan niệm đạo giáo khác hay tín ngưỡng dân gian, nhất là khi Phật Giáo từ Trung Hoa truyền sang nước ta. Chẳng hạn như: xin xăm, bói quẻ, bói toán, coi ngày chôn cất, chọn ngày cưới hỏi, phát tài hái lộc đầu năm, cúng sao, giải hạn, tam tai đại nạn, rãi tro trên núi trên sông trên biển, dẫn vong, vớt vong như vớt bèo, cúng cô hồn, cúng mở cửa mả, cúng khai trương tiệm, và rất nhiều lễ cúng kiến khác nữa.
 Gần đây từ trong nước ra đến hải ngoại, các chùa đua nhau tổ chức các Lễ Trai Đàn Bạt Độ, như một phong trào tín ngưỡng, đúng hơn phải gọi là bệnh dịch trai đàn bạt mạng. Gia đình nào cũng có người thân qua đời vì đủ mọi lý do, đủ mọi thời gian, đủ mọi nơi. Cho nên các lễ trai đàn thường qui tụ rất nhiều tín đồ đến cúng bái và thường không tiếc tiền của dâng cúng để cầu siêu độ cho thân nhân quá cố. Các nhà sư lớn nhỏ, kể cả các nhà sư nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, cao cấp như chủ tịch, giáo hội trưởng, tăng giáo trưởng các Giáo Hội PGVN hải ngoại, kiếm được lợi nhuận kếch sù qua việc tổ chức các lễ trai đàn kiểu này. Cho nên các lễ trai đàn trở thành phong trào, các nhà sư đua nhau học nghề của bọn tà sư trong nước, tổ chức cái gọi là ban kinh sư, còn gọi là "ban kinh hoàng". Nhiều người lầm tưởng Lễ Trai Đàn Bạt Độ bắt nguồn từ Phật Giáo Trung Hoa. Không phải vậy. Lễ Trai Đàn Bạt Độ là một hình thái sinh hoạt của tà giáo, dùng tà pháp dẫn dắt bá tánh vào tà đạo, do các tà sư thực hành nghi lễ.
Tại sao gọi Lễ Trai Đàn Bạt Độ là phi chánh pháp, là tà pháp, tà giáo, tà đạo và tà sư, bởi vì từ hình thức cho đến nội dung, ý nghĩa, đều sai lệch chánh pháp.
Phi chánh pháp nghĩa là không đúng chánh pháp, không có lợi ích gì cho việc truyền bá chánh pháp hay cho sự tu học của bá tánh, không có ghi trong bất cứ kinh điển nào, kể cả các thứ kinh điển gọi là ngụy kinh, do các nhà sư Tàu sáng tác cũng không dám đề cập đến loại nghi thức cúng kiến quái đản, quái thai, quái tượng này.
 Về hình thức:
- Trong khi hành lễ, các tà sư thực hiện Lễ Trai Đàn Bạt Độ ăn mặc đủ kiểu, y phục sáng chói, màu mè lòe loẹt, bông hoa sặc sở, đội đủ loại nón như bọn kép phường tuồng sân khấu.
- Trong khi hành lễ, các tà sư hai tay bắt ấn mò cua, hai chân múa may quay cuồng, ngậm lửa phun tứ phía, nhạc trổi lên ồn ào, dùng một cục gỗ đập lên bàn thờ hay đập lên quan tài gây nên tiếng đập chát chúa khó nghe, dọng cây tích trượng bằng sắt trên sàn gỗ nghe đùng đùng ầm ầm thật kinh khiếp.
- Trong khi hành lễ, các tà sư chế biến các hình tượng phật bằng giấy bổi, tô đủ màu sắc, rồi đem ra sân chùa đốt sau buổi lễ, như đốt giấy tiền vàng bạc hay đồ vàng mả cúng cô hồn. Ngoài ra, còn có đủ loại hình tượng diêm vương cô hồn ngạ quỉ cõi âm ty, như lễ hội halloween của phương tây, thắp đèn nến lung linh ma quái, mờ mờ ảo ảo, treo màn vải trắng thưa như đám tang, như cảnh giới địa ngục, để hù dọa những kẻ u mê, yếu bóng vía, hoảng sợ bị đọa nên phải cúng nhiều tiền, hối lộ các tà sư cầu nguyện cho được vãng sanh không cần kinh sách.
-  Trong khi hành lễ, các tà sư xử dụng âm Hán Việt, âm vang thầy pháp, thầy bùa thầy cúng, ợ ợ ngáp ngáp, úm ba la úm ba la, và khi hòa với tiếng nhạc cổ, chiêng trống khánh, om sòm, nên rất khó nghe và khó hiểu, mục đích mê hoặc tín đồ ngu si chẳng hiểu gì và cũng chẳng cần hiểu, chỉ cần tin theo.
Đây là các hình thức phi chánh pháp.
 Về nội dung:
Các tà sư thực hiện Lễ Trai Đàn Bạt Độ giải thích ý nghĩa như sau: Theo giáo lý nhà Phật, Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, sự từ bi này không chỉ đối với người sống mà còn với người chết. Chính vì lòng từ bi đó người ta lập ra Trai đàn để cầu siêu cho các vong hồn được siêu thoát, hóa giải mọi tai ương hận thù, để cuộc sống được ấm no, yên ổn.
Trong Phật giáo Nguyên Thủy không có kinh cầu siêu, kinh cầu an. Các nhà sư Phật giáo Bắc tông, do nhu cầu phát triển nên uyển chuyển áp dụng các loại kinh khác nhau cho hai mục đích cầu siêu và cầu an.
Ví dụ như dùng kinh A Di Đàkinh Địa Tạng để cầu siêu cho người quá vãng, dùng phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa kinh Dược Sư để cầu an cho người lâm bệnh. Phải chăng, ý nghĩa căn bản của cầu siêu và trai đàn chẩn tế phổ độ là để biểu tỏ tấm lòng chân tình thương mến người thân quá vãng, thương xót đồng bào tử nạn, thương xót những cô hồn đói lạnh và nhất là để an tâm cho người sống?
Lễ Trai Đàn Bạt Độ còn có rất nhiều tên gọi khác nhau. Chẳng hạn như: Trai Đàn Thủy Lục Chẩn Tế Cô Hồn Bình Đẳng Giải Oan, Hiệp Kỵ Cầu Siêu Bạt độ Chư Hương Linh, Trai Đàn Chẩn Tế Âm Linh Cô Hồn. Có khi mang danh khác như: Pháp Hội Đại Bi, Pháp Hội Dược Sư, Pháp Hội Địa Tạng. Nội dung truyền bá qua các lễ hội này là: trai đàn bạt độ này có năng lực bất khả tư nghì cứu độ bảy đời tổ tiên của tín đồ được vãng sanh cực lạc quốc. Hơn nữa, trai đàn chẩn tế là sự phát triển của cầu siêu với đối tượng lớn hơn, nhiều hơn, không chỉ là người thân quá vãng, mà tất cả muôn loài đã quá vãng, không phân biệt bất cứ ai hay bất cứ loài nào. Tất cả vong linh, mười loại cô hồn mười phương đều tề tựu một nơi. Trong một đại lễ trai đàn bạt độ, ngày đầu tiên, hơn 3.000 người đã đến cầu siêu cho người thân. Hơn 20.000 vong linh có tên và hàng triệu vong linh không tên sẽ được cầu siêu trong ba ngày. Trai đàn có nghĩa là một đạo tràng thanh tịnh. Bạt là nhổ lên, độ là vượt qua, thoát khỏi. Trai đàn bạt độ là một đạo tràng thanh tịnh được tổ chức để nhổ bật gốc rễ của lòng tham để vượt qua các nẻo luân hồi.

Theo thông bạch của đạo tràng Mai Thôn về Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng Giải Oan tại Việt Nam năm 2007
Hội Đồng Giáo Thọ của Đạo Tràng Mai Thôn kính xin thông báo để quốc dân và đồng bào Phật tử trong nước và ngoài nước được biết là ba Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bình Đẳng Giải Oan sẽ được tổ chức trong mùa xuân Đinh Hợi (2007) để cầu siêu độ cho tất cả những đồng bào tử nạn trong chiến tranh, trong đó có chiến sĩ trận vong, nạn nhân chiến tranh, những người bị mất tích mà hài cốt chưa tìm ra được, cho những người đã chết trong tù ngục, và cho những đồng bào thuyền nhân không may đã bỏ mình trên biển cả vì sóng gió và hải tặc. Trong các Đại Trai Đàn này chư vị Tôn Túc cũng như toàn thể phật tử sẽ cầu nguyện siêu độ cho tất cả những đồng bào nào từng là nạn nhân của chiến cuộc, không phân biệt Bắc Nam, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, già trẻ hay trai gái.
 
Nhận xét:
Trai đàn bạt độ: đó chỉ là hình thức gạt gẫm bá tánh u mê đông đảo, bọn trọc buôn thần bán thánh lợi dụng tình cảm thân thương của người còn sống không học hiểu giáo pháp và không tiếc tiền bạc của cải chi ra cho các buổi lễ trai đàn bạt mạng này. Đây chỉ là một lối giải thích hết sức ngụy biện. Đức Phật còn KHÔNG có năng lực này, năng lực siêu độ cho tất cả. Các tà sư cô hồn có thể làm được hay sao? Cầu siêu cho bảy đời thân nhân người đem tiền của cúng trai đàn, các vong linh bảy đời được siêu hay sao? Nên nhớ: Trước điện Phật mọi người đều bình đẳng trong nhân quả. Nhà sư hay bất cứ giáo phẩm của tất cả mọi tôn giáo trên đời này, bị bệnh cũng phải uống thuốc, bị bắn cũng chết, làm bậy cũng ở tù, như tất cả mọi người chứ có linh thiêng, quyền năng gì cao siêu đâu? Đức Phật còn không có khả năng cứu độ một mạng người khi quả báo đã trổ ra. Các tà sư đó có khả năng cứu độ hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu, thậm chí tất cả vong linh chết bao nhiêu năm qua hay sao?
 Nếu thật lòng xót thương, chân tình thương mến người thân, bá tánh nên bày tỏ khi người thân còn sống bằng cách tự tu tâm dưỡng tánh và khuyến khích người thân không làm điều ác, nên làm việc thiện và gìn giữ tâm ý thanh tịnh. Cúng Lễ Trai Đàn Bạt Độ chỉ là biểu tỏ tấm lòng u mê, tham lam, ích kỷ, không sống đời lương thiện lại muốn vãng sanh khi qua đời và nuôi béo các tà sư phá hoại chánh pháp. Kinh điển đại thừa tuy ngụy tạo còn chẳng có bộ kinh nào dám nói dóc như các tà sư tổ chức các Lễ Trai Đàn loại này. Chẳng qua là gạt gẫm bá tánh, ai cũng có ít nhiều thân nhân đã qua đời. Có vài nhà sư đem Bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Cụ Văn Hào Nguyễn Du để giải thích. Các nhà sư này tưởng Cụ Nguyễn Du là Phật hay Bồ Tát sao chớ?
 Tóm lại, thế nào là mê tín? 
Mê tín là u mê, tin theo tà kiến, những hiểu biết bất chính, tin những điều không đúng sự thật, tin mù quáng; phần nhiều là những việc về tinh thần, tâm linh, nhưng cũng ảnh hưởng về vật chất, mê lầm tưởng đó là sự thực. Từ sự tin sai lầm đưa tới nói năng và hành động sai lầm. Như tin bà đồng bà cốt, tin bói quẻ, tin cúng sao giải hạn, tin thầy bùa thầy chú, tin vãng sanh không cần kinh sách, tin cầu an cầu siêu, tin nhà chùa hay nhà thờ có năng lực siêu phàm. Những loại tin này không có một chút căn bản, không thể chứng minh được, nên được liệt vào hạng mê tín dị đoan.
Theo Phật giáo, chúng sinh sống trong phạm vi ba cõi đều phải chịu khổ đau, mà nỗi khổ đau lớn nhất là phải trôi lăn trong đêm dài tăm tối sinh tử luân hồi. Khổ đau có rất nhiều nguyên do, nhưng gốc rễ chính là tam độc: tham lam, sân hận và si mê.
Như thế, trọng điểm của việc học hỏi Chánh pháp, hiểu Chánh pháp, hành Chánh pháp và giảng nói Chánh Pháp chính là việc đoạn trừ tam độc tham, sân, si.
Ích lợi lớn nhất của việc nghe Chánh Pháp chính là để hiểu Chánh Pháp. Ích lợi lớn nhất của việc hiểu Chánh Pháp là hỷ tâm và tín tâm, để vận dụng vào việc tu tập thực hành Chánh Pháp trong đời sống hàng ngày. Ích lợi lớn nhất của việc tu tập thực hành chính là sự giải thoát tham, sân, si. Muốn thoát khỏi khổ đau cần phải nhổ tận gốc rễ tam độc. Mục đích cứu cánh của Phật giáo là ly tham, giải thoát. Để đạt được mục đích cứu cánh ấy, Phật dạy tám vạn bốn ngàn pháp môn, và pháp môn nào cũng phải đi qua Giới, Định và Tuệ.
Vấn đề cầu nguyện là vấn đề tín ngưỡng trong dân gian khắp mọi nơi, từ nhiều thế kỷ qua. Vấn đề này có hai mặt: 1. Đối với đại đa số, đó là phương tiện an tâm trong lúc con người gặp khổ nạn, bất trắc. 2. Đối với giáo lý cao siêu vi diệu nhiệm mầu, đó là phương tiện tu tập giải thoát sanh tử luân hồi. Triết lý hay cốt tủy của đạo Phật chính là: Tự mình cứu mình - Không ai cứu được mình - kể cả Đức Phật - cho nên cầu nguyện là vô ích.
Đạo Phật quan trọng Lý Nhân Quả và Lý Vô Thường. Do nhân quả, sau khi đắc đạo và còn tại thế, ngay Đức Phật vẫn phải đền trả nghiệp quả và Đức Phật không cứu được dòng họ Thích Ca hay các đại đệ tử, khi nghiệp quả đã đến lúc họ phải đền trả. Chỉ có Phước Báo mới cứu được, giảm thiểu được Nghiệp Báo mà thôi. (Điểm này xin xem thêm bài giảng về PHƯỚC BÁU). Tuy nhiên, để phổ biến sâu rộng giáo lý vi diệu nhiệm mầu, đạo Phật cũng phải mang hình thức của một tôn giáo. Nói đến tôn giáo chính là các hình thức cầu nguyện, các nghi lễ cầu nguyện. Lời cầu nguyện «vô ngã vị tha» là lời cầu nguyện đúng chánh pháp, chấp nhận được bởi trưởng dưỡng «từ bi & trí tuệ». Lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc là lời cầu nguyện vô ngã vị tha.
Tuy nhiên, lời cầu nguyện cho cha mẹ hay thân nhân quá vãng được siêu sanh cực lạc quốc, tuy bày tỏ lòng hiếu thảo, nhưng bấy lâu nay bị lợi dụng. Người còn sống phải lo tu tập để tâm thức được nhẹ nhàng, khinh an, khi ra đi, khỏi cầu cũng siêu. Các nhà sư sống có an chăng, chết có siêu chăng, làm sao nhà sư cầu siêu cầu an cho người có tiền bỏ ra thuê mướn dịch vụ cầu an, cầu siêu? Các nghi lễ cầu siêu cầu an cũng chẳng qua là hình thức an ủi, khuyên giải thân nhân và cũng là cơ duyên tốt nhứt, thù thắng nhứt để giảng giải giáo lý, khuyên tang chủ phát tâm tu tập, đừng để đến lúc nằm trong quan tài, nằm trong hũ tro, mới nghĩ đến chuyện thỉnh sư cầu siêu. Lúc đó các tà sư tha hồ bày trò, đặt chuyện, hăm he hù dọa, gây khó dễ, để tống tiền tang chủ. Tang chủ cố gắng thỏa mãn nhà chùa, xong việc cúng thất, cả nhà đứng trước cổng chùa chửi thề ỏm tỏi, thề không bước tới cửa mấy thằng đầu trọc nữa. Như vậy, cả tăng lẫn tục đều phiền não qua việc tang lễ và cho các buổi lễ trai đàn bạt mạng này.
Trong các nghi lễ Phật giáo được quy định,
không có Lễ Cúng Sao Giải Hạn, không có Lễ Trai Đàn Bạt Độ. Về giáo lý,
Đức Phật hoàn toàn không nói về những ngôi sao chiếu mạng, hoàn toàn không nói về năng lực cứu độ siêu thoát hàng triệu vong linh. Đức Phật chỉ dạy chúng ta về Luật Nhân Quả. Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trong hiện tại. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Chuyển hóa nhân quả do nơi công phu tu tập hàng ngày đúng theo chánh pháp, không do cầu nguyện phi chánh pháp. Thành công hay thất bại trong đời người, không do ai ban phát mà do chúng ta tạo nên từ trước. Tất cả đều do tâm, khẩu và ý của con người tạo ra, nhân duyên xấu do chúng ta tạo, tất sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt. Sở dĩ trong nhà chùa có làm lễ cầu an đầu năm cho phật tử với mong ước gia đình quí phật tử được an lạc hạnh phúc. Nhưng khi làm lễ cầu an là tụng kinh Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn. Mọi người hãy nghĩ đơn giản rằng, đầu năm đi lễ chùa để cầu an, hướng thiện là đủ rồi. []
Con người dù theo bất cứ tôn giáo nào
Hãy sống với tâm sáng suốt, chân chánh, thanh tịnh
- không tôn giáo nào gạt gẫm được. []
Con người dù theo bất cứ tôn giáo nào cũng phải ghi nhớ
các điều trên đây.
Muốn thoát khỏi phiền não khổ đau, con người phải:
1. Tránh làm các điều ác, các việc bất thiện.
2. Siêng làm các việc phước thiện.
3. Giữ tâm ý trong sạch.
BBT. PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

Đạo Phật truyền bá trải dài nhiều ngàn năm, xuyên qua nhiều quốc độ, tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau. Cho nên, ngày nay bá tánh gồm cả tu sĩ và tín đồ các tông phái, thuộc nhiều quốc tịch, bị nhầm lẫn chánh tà, không biết phân biệt thiệt giả, thực hư.
Đại đa số tu sĩ xuất gia, không do ngộ đạo, hiểu đạo, chạy theo danh và lợi, chú trọng việc hình tướng, nghi lễ, cúng kiến, đem đời vào đạo, khuynh đảo thiền môn, không chú tâm nghiên tầm giáo lý, thích các pháp tu tắt, dễ dàng theo tánh lười biếng, nhưng tham cầu hưởng phước đời sau.
Đại đa số bá tánh vì cuộc sống bận rộn, chỉ đến chùa vào các dịp lễ để cầu phước, hay khi có duyên sự quan hôn tang tế. Vì gia duyên ràng buộc, bá tánh không có thời gian nghĩ đến việc tu tâm dưỡng tánh, không hiểu chánh pháp, cho nên bá tánh không phân biệt được đâu là sư thật, đâu là sư giả hay bọn giả sư.
Không thể trách bá tánh không biết phân biệt thầy chùa, thầy bùa, thầy cúng, khi chính các vị tu hành ngay trong chùa còn không hiểu chánh pháp, đại đa số thi hành tà pháp ngay trong chùa, ngồi chểm chệ cao hơn tượng phật để hành tà pháp trong các buổi lễ gọi là Trai Đàn Bạt Độ, dẫn dắt bá tánh vào tà đạo.
Đề cập đến kinh điển của đạo Phật phải gọi là Thiền Lâm, nhiều như cây trong rừng, tùy theo căn cơ, trình độ hay hoàn cảnh, sở thích để chọn môn phái thích hợp theo học.
Tuy nhiên, dù theo pháp môn tu tập nào, tông phái nào, tóm tắt cốt tủy của đạo Phật gồm trong 3 câu sau: 1. KHÔNG LÀM CÁC ĐIỀU ÁC, CÁC ĐIỀU BẤT THIỆN 2. SIÊNG LÀM CÁC VIỆC THIỆN, VIỆC LÀNH, CỨU NGƯỜI GIÚP ĐỜI. 3. LUÔN GIỮ TÂM Ý THANH TỊNH.
VP. PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll