TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Monday, 8 August 2022

CHÍNH TRỊ - LỊCH SỬ

 HGBT

Share:

LTS:

Lịch sử không phải là những gì hậu thế để trôi vào lãng quên mà là máu xương đã đổ xuống và bia mộ được dựng lên, để thế hệ sau có thể nhìn lại mà suy ngẫm và học hỏi. Trong khi đó, lịch sử với một số chế độ, trong đó có chế độ cộng sản Việt Nam, không chỉ luôn được viết một chiều mà còn bị nhào nặn bóp méo, để gió có thể thổi theo hướng của họ, sao cho con thuyền lịch sử trôi một cách lầm lạc khiến người ta khó có thể đánh giá lại những nhân vật và sự kiện lịch sử với sự chính xác và công tâm. Soi lại bằng lăng kính khác để có cái nhìn không bị che tối bằng tấm vải đỏ là điều cần làm.

Hồi ký dưới đây là những ghi chép của một nhân chứng sống và hoạt động chính trị tại miền Bắc Việt Nam vào thập niên 1940, một trong những giai đoạn nhiều bi kịch và diễn biến chính trị nhất lịch sử cận đại Việt Nam. Cụ đã chứng kiến Việt Minh “cướp chính quyền” như thế nào. Cụ đã thấy tận mắt những gì cộng sản Việt Minh làm để giật mọi thứ về tay họ, chứ không phải “giành chính quyền về tay nhân dân” như cách họ tuyên truyền. Cùng với Bên dòng lịch sử của Linh mục Cao Văn Luận, và Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim, hồi ký này – được viết bằng lối diễn đạt giàu chất văn học – đã dựng lại một cách sống động những ngày binh đao cứa sâu vào da thịt Việt Nam mà vết sẹo của nó đến tận nay vẫn còn hằn đậm.

Hồi ký hoàn thành năm 2002 đã được tác giả viết như một cách ghi lại ký ức của một thời tuổi trẻ nhiệt huyết đấu tranh, không chỉ kháng Pháp mà còn chống cộng sản. Nó được cất trong ngăn tủ suốt 20 năm qua. Tác giả đã ra người thiên cổ nhưng hậu duệ của cụ – một thân hữu gắn bó thân thiết với Saigon Nhỏ – không muốn những gì cụ kể rơi vào lãng quên. Tôn trọng di ngôn của cụ, gia đình không muốn tiết lộ tên của cụ, dù vậy, hồi ký đã được gửi đến Saigon Nhỏ với mong muốn tác phẩm được phổ biến, để hậu thế một lần nữa xem lại những sự kiện của một thời, trong thiên trường ca lịch sử Việt Nam, dĩ nhiên với cái nhìn không bằng thiên kiến một chiều như cách miêu tả sai lệch của chế độ cộng sản.

Saigon Nhỏ chân thành cám ơn cụ cùng hậu duệ và xin được đăng lại tập hồi ký chính trị này.

__________

Tôi không muốn viết hồi ký. Tôi cũng không dám nhận là chứng nhân lịch sử của giai đoạn 1945-1946, thời kỳ quật khởi oai hùng của dân tộc. Đây chỉ là những kỷ niệm thân thương ghi lại để thành kính tưởng niệm những anh hùng đã nằm xuống trong cuộc kháng chiến vô cùng oanh liệt và gian khổ chống thực dân Pháp và cộng sản…

Để tặng T.H. và các con, cháu.

Bỗng dưng khói lửa tung trời

Từng đoàn xanh tóc cả cười ra đi

(Ca Dao Nam Bộ)

Chương I – Trong bóng tối

____________________

Thời ấy ngoại trừ một số rất ít sinh viên hay học sinh do liên hệ gia đình hay bạn bè giới thiệu, móc nối được với những tổ chức cách mạng, còn đại đa số không biết gì về các hoạt động của những “hội kín”. Ở Hà Nội vào những năm trước 1945, có một số “quốc sự phạm”, tức mấy người yêu nước chống thực dân Pháp bị tù, mãn án được trở về “hồi hương quản thúc”, bắt buộc phải về làng hay nơi cư trú cũ sinh sống dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương.

Những “quốc sự phạm” thường bị họ hàng, bạn bè xa lánh vì sợ liên lụy. Bản thân họ, trước sự theo dõi của mật thám Pháp, cũng né tránh, ít tiếp xúc với những người lạ. Tôi còn nhớ giáo sư Nghiêm Toản, một đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, tham dự vào cuộc tổng khởi nghĩa 1930, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Sau năm năm ông được trở về Hà Nội tiếp tục dạy học tại trường trung học tư thục Gia Long. Trước khi bị bắt, thay vì mặc âu phục như các giáo sư đồng nghiệp, ông Nghiêm Toản lúc nào cũng mặc quốc phục, khăn đóng, áo dài, có lẽ để tỏ lòng yêu nước. Nhưng từ khi đi tù Côn Đảo về, ông bỏ hẳn quốc phục, luôn luôn mặc âu phục, chắc chắn để tránh sự nhòm ngó của mật thám Pháp.

Một hôm đến ăn giỗ tại nhà một người trong họ, tôi được gặp anh Nguyễn Ngọc Sơn và được biết anh là một “quốc sự phạm”, đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, mới ở tù về. Trông nét mặt phúc hậu của anh Sơn, tôi có cảm tình ngay. Khi nghe nói anh từng tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng, tôi rất kính phục. Mặc dù lúc đó tôi chỉ là một thiếu niên, hiểu rất ít về các “hội kín”, nhưng một hình ảnh đã khắc sâu vào tâm khảm tôi. Năm ấy, năm 1930, tôi mới lên sáu tuổi ta. Gia đình tôi ở làng Thanh Trì nằm trên hữu hạn sông Hồng Hà, gần Hà Nội. Một hôm tôi đang đứng chơi bên cạnh chị tôi trên con đê trước cửa nhà, bỗng nhiên tôi nghe thấy có nhiều tiếng người la to:

-Bắt lấy nó! Bắt lấy nó! Bắt giặc bà con ơi!

Chị tôi và tôi đều sợ hãi, nhìn về phía đầu làng. Xa xa cũng trên con đê, tôi thấy có một người mặc áo cánh trắng (giống như áo bà ba ở trong Nam) đang bị mấy chục người mang gậy gộc, dáo, mác, đuổi theo rất gấp. Chị tôi và tôi vội chạy xuống chân con đê để tránh. Tuy nhiên tôi cũng kịp nhìn thấy người đang bị đuổi bắt còn rất trẻ. Mấy phút sau tất cả đều mất hút ở một khúc quẹo của con đê. Hai chị em tôi, mặt mày tái mét, phải đứng yên một hồi lâu, mới định thần được.

Vừa định lững thững quay về nhà, chúng tôi bỗng thấy một chiếc xe hơi mui trần đang phóng nhanh về cuối làng, trên xe chật ních người, cả Tây lẫn Việt. Chỉ mấy phút sau, khi chị tôi và tôi sắp sửa bước vào cổng nhà thì chiếc xe hơi ấy đã quay trở lại, chạy về phía Hà Nội. Lúc ấy ở trên xe có thêm một người nữa, người này máu me đầy mặt và bị trói chặt, tay bị xích.

Buổi tối hôm ấy, nghe thầy tôi kể lại thì người bị dân làng đuổi bắt là một người “hội kín”. Người ấy đã rút súng lục bắn gãy chân một tên đội cảnh sát Pháp ở bến xe ô tô hàng (xe đò) Gia Lâm. Sau đó người ấy bỏ chạy dọc theo bờ sông Hồng Hà. Một lát sau mật thám Pháp và lính cỏ (lính huyện mặc quân phục), chạy xuống bờ sông, rượt theo, bắn nhiều phát súng nhưng không trúng. Thấy khó lòng chạy thoát, người ấy liền nhảy xuống một chiếc thuyền câu nhỏ, dùng súng uy hiếp, bắt người lái đò chở thuyền sang bờ bên kia. Bọn lính và mật thám Pháp đành đứng lại ở bờ sông, bắn theo nhiều phát súng trường nhưng không trúng vì sông Hồng Hà quá rộng. Thuyền vừa cập bến làng Thanh Trì, người thanh niên vội nhảy vọt lên bờ. Lúc ấy ở trên bờ đã có đông nghẹt người đứng chờ vì dân làng nghe tiếng súng ở bên kia bờ sông bắn theo nên kéo cả ra bờ sông “bắt giặc”.

Một ông già tên là Lềnh Trực sấn tới định ôm lấy người thanh niên. Người này nhảy lùi lại và ôn tồn nói:

-“Tôi không phải là giặc cướp mà là người làm cách mạng chống lại Pháp để lấy lại đất nước, giành độc lập” – vừa nói người ấy vừa giơ khẩu súng lục lên cao và nói tiếp: “Nếu các ông cứ bắt tôi thì đây là một khẩu súng lục. Tôi bắn, sẽ chết người.”

Lềnh Trực cười hô hố, kéo áo phanh bụng ra nói:

-“Mày đừng nói láo. Cái ấy mà mày gọi là súng à? Mày thử bắn tao xem nào.”  

Không còn cách nào khác, người thanh niên đành chĩa súng vào Lềnh Trực và bấm cò.

“Đoàng”, Lềnh Trực lảo đảo rồi ngã quỵ xuống đất. Thấy thế, đám đông bỏ chạy tán loạn. Người thanh niên cũng chạy lên đê. Đợi người này chạy độ năm mươi thước, một số dân làng mới đuổi theo, nhưng không ai dám tới gần.

Sau đó người thanh niên chạy ngang qua cổng nhà tôi. Qua nhà tôi độ vài trăm thước thì có một người thợ làm đồ sứ trong lò bát Thanh Trì tên là Trương Trang, nghe tiếng la “Bắt giặc!” liền bỏ việc, chạy ra định vật ngã người thanh niên xuống đất thì bị người này bắn một phát vào bụng, lăn ra chết. Liền đó một người khác tên là Hương Xín, vác một cái đòn gánh, chạy theo phang vào đầu người thanh niên. Người này bấm cò súng, nhưng súng không nổ vì hết đạn.

Hướng Xín liền sấn tới, dùng đòn gánh đánh vào đầu, vào vai người thanh niên. Khi người này vừa ngã xuống đất, hắn liền ngồi lên lưng người ấy, vặn tay. Thấy người này có đeo một chiếc nhẫn cưới, hắn liền rút con dao “nhíp”, một thứ dao nhỏ bỏ túi, cắt nguyên cả ngón tay đeo nhẫn, bỏ vào túi vì hắn sợ nếu tháo nhẫn sẽ mất thì giờ, có thể người khác đoạt mất chiếc nhẫn ấy. Về sau, chính phủ Bảo Hộ, tức chính quyền của thực dân Pháp, cấp cho Hương Xín giấy ban khen và chức cửu phẩm bá hộ.

Hương Xín vừa đánh ngã người thanh niên thì ôtô của mật thám Pháp ở Hà Nội cũng vừa phóng tới. Chúng liền xích tay người thanh niên, lúc ấy đã ngất ngư vì đòn hội chợ của dân làng, chở lên xe, giải về sở mật thám Hà Nội. Sau này khi lớn lên, tôi đọc tờ tuần báo Phụ Nữ Tân Văn xuất bản ở Sài Gòn – vì Sài Gòn là thuộc địa của Pháp, không phải là đất bảo hộ, nên tương đối có ít nhiều tự do báo chí – được biết người thanh niên kể trên là Lương Ngọc Tốn, mới ngoài hai mươi tuổi, đã đậu bằng “diplôme” tức Thành Chung, tương đương với bằng trung học tốt nghiệp cấp hai bây giờ, nhưng vào thời ấy học toàn bằng chữ Pháp nên người đậu “diplôme” có kiến thức rộng.

Ông Lương Ngọc Tốn không chịu ra làm “quan Phán đầu tòa” cho thực dân Pháp mà lui về làng làm chánh hội với mục đích dùng kiến thức của mình để canh tân dân trong làng. Ông bí mật gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng, được cử giữ chức ủy viên thủ ủy trung ương. Với nhiệm vụ này ông đã cầm đầu nhiều vụ bạo động để gây ủy cho đảng, tống tiền hay đánh cướp nhà bọn quan lại hoặc những nhà buôn làm giàu nhờ dựa vào thế lực Pháp.

Hôm ông bị bắt chính là ngày ông xách cặp đi thu tiền ủng hộ của các chi bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng và cảm tình viên của Đảng tại Hà Nội. Chẳng may khi ông qua cầu Paul Doumer (sau này là cầu Long biên) sang Gia Lâm định đáp xe đò về Bắc Ninh thì gặp một tên đội cảnh sát người Pháp chặn ông lại hỏi. Tên cảnh sát gọi ông lại chỉ để bảo ông xuất trình thẻ thuế thân (một thứ thuế đánh vào đầu người dân, giống như thuế chó ta phải đóng khi nuôi chó). Ông Tốn tưởng đâu là tên cảnh sát thấy ông xách cặp, nên nghi ngờ muốn khám cái cặp này.

Trong cặp lúc ấy có một số tiền khá lớn, gần 100,000 đồng, cùng với nhiều biên nhận và con dấu của Ban tài chính Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bởi thế ông lập tức rút khẩu súng lục ra bắn tên cảnh sát Pháp liền hai phát. Tên này ngã quỵ, chân trái bị gãy như đã kể ở đoạn trên. Sau đó ông Lương Ngọc Tốn bị đưa ra hội đồng đề hình do tên chánh án Bridge chủ tọa. Ông bị tử hình và lên máy chém cùng với đảng trưởng Nguyễn Thái Học tại pháp trường Yên Bái.

Do chuyện này khi lớn lên tôi có nhiều cảm tình với Việt Nam Quốc Dân Đảng, mặc dù tôi chỉ hiểu rất lờ mờ đó là một “hội kín” chống Pháp. Từ khi gặp anh Nguyễn Ngọc Sơn, một đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đày ở Côn Đảo mới trở về, tôi luôn luôn khâm phục chí khí của anh. Anh cũng coi tôi như một người em nhỏ tuổi. Tuy vậy anh không bao giờ đề cập đến vấn đề chính trị với tôi. Qua anh Sơn, dần dần tôi được biết có mấy “quốc sự phạm” khác, bạn của anh, cũng đi tù Côn Đảo hoặc Lao Bảo về như các anh Nguyễn Thế Nghiệp, Nhượng Tống, Nguyễn Đôn Lâm (có tên nữa là Đồng), Hể Đóa ở vườn hoa cửa Nam Hà Nội.

_____

CÒN TIẾP