TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Sunday, 21 August 2022

NHỮNG NGÀY ẤU THƠ

August 16, 2022

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc Giả Viết” nhằm mời gọi quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi email: docgiaviet@nguoi-viet.com.

Đinh Trực

Trẻ con ngày xưa, chắc hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh cây cà rem. (Hình: danviet.vn)

Trẻ con ngày xưa, chắc hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh cây cà rem của những ngày thơ ấu.

Ngày ấy, có một bạn trai cùng lớp thời tiểu học, sáng đi học, trưa về vai đeo thùng gỗ nhẹ, đi bán cà rem. Vai áo bạc màu, quần ngắn chân trần, đội chiếc nón bạc màu, da đen sạm vì nắng gió, tay rung lắc chiếc chuông nhỏ bằng đồng leng keng như “Thay lời muốn nói…”

Ngày ấy, một cây cà rem chỉ có năm cắc rồi một đồng, nhưng là cả một niềm mơ ước của trẻ thơ. Bởi đâu phải lúc nào trẻ con chúng tôi cùng xóm cũng được ba má cho tiền mua cà rem.

Làng quê ngày ấy còn nghèo lắm! Trẻ con chỉ ăn cơm no bụng, hái trái cây trong vườn, ngoài đồng có sẵn, chơi những trò chơi mà vật liệu trong thiên nhiên mà thôi.

Để có được cây cà rem ăn, chúng tôi đi tát mương bắt cá, lượm xoài rụng, cắt những loại rau dại, rau vườn để bán cho những cô, dì hàng xóm để có tiền lẻ bỏ túi mua quà vặt, nhất là cây cà rem ngon ngọt, mát lạnh đầu lưỡi.

Làng quê ngày ấy còn nghèo lắm! Trẻ con chỉ ăn cơm no bụng, hái trái cây trong vườn, ngoài đồng có sẵn. (Hình: Nguyễn Bá Trạc)

Những buổi trưa Hè, nghe tiếng “leng… keng” quen thuộc từ quả chuông đồng nho nhỏ của thằng Tư bạn học chung lớp bán cà rem từ xa đi tới, tôi vội chạy ra sân gọi lớn:

“Tư… cà rem… cà rem…!”

Tôi mượn chuông của nó lắc mạnh, như nghe được cả đám nhỏ trong xóm xúm xít ùa ra, vây quanh thằng Tư, xôn xao, náo động, đứa nào cũng giành giựt cái chuông để lắc cho đã cái tay, nghe cho sướng cái màng nhĩ, như bầy ong vỡ tổ…

Những đôi mắt tròn xoe, trong veo háo hức sung sướng vì có tiền mua, có đứa lộ vẻ thèm thuồng khi nhìn miệng bạn liếm…, có đứa hít hà cây cà rem đang tan chảy trong miệng.

Cà rem của chúng tôi thường ăn ngày ấy là cây tròn, có khi dẹp, đầu que để cầm tay là thanh tre nhỏ xíu, chủ yếu là kem đá thấm vị xi rô vàng đỏ, kem đậu xanh, đậu đen…

Nói về kỷ niệm với cây cà rem thì có đủ thứ “ngọt ngào,” vô số kỷ niệm vui, những kỷ niệm ấy mà giờ nay nhắc lại, với đám bạn già chúng tôi, đứa nào cũng cười.

Bởi ngày đó có đứa dám lấy đôi dép Nhựt đang mang để đổi thằng Tư được ba cây cà rem, nó chơi đẹp chia cho hai bạn khác. Có đứa lén “ăn cắp” tiền của má để mua, có thằng đổi vài trái ổi sẻ, rồi năn nỉ thằng Tư để đổi một cây mà ăn.

Thằng Tư đã mang đến những que cà rem có vị của niềm vui bình dị, thân thương của bao nỗi thèm thuồng, ngóng đợi của chúng tôi rất đỗi thơ ngây hồn nhiên…

Có những lúc, giờ ra chơi đã đến, nó ngồi dưới gốc cây phượng già mà “tâm sự” cùng với tôi: “Nhà tao nghèo lắm! Nghe má kể lại khi tao sanh ra được mấy tháng, thì ba chết trong một trận đánh lớn ở ngoài miền Trung. Ba tao là sĩ quan đeo súng nhỏ cùng với một chú lính “chức” nhỏ hơn bò lên cắm cờ trên ngọn đồi và bị bắn trúng đạn…

Mấy chú lính đưa ba tao về nhà bằng xe quân đội rồi kể hết cho má tao nghe… Má khóc nhiều lắm…! Tao đâu biết gì đâu, cũng khóc, chắc đói bụng đòi bú sữa.

Chẳng biết má tần tảo cực khổ thế nào để nuôi tao lớn. Thương má cực khổ, tao xin má cho đi bán cà rem để phụ thêm tiền gạo.”

Tôi nghe nó kể với đôi mắt rưng rưng muốn khóc mà lòng cũng cảm thấy xốn xang! Vậy mà cuối năm lớp nhì, thằng Tư với thằng Tâm được nhận phần thưởng “Cây mùa Xuân chiến sĩ.” Quá nhiều đồ như vải trắng, vải quần xanh, sách tập viết… dù điểm học cuối năm không được giỏi/ Tôi và các bạn học trong lớp, thú thật có ý nghĩ ganh tức vì sao nó được lãnh thưởng…

Tiếng rao khàn khàn của thằng bạn học con nhà nghèo ngày ấy, giờ vẫn còn in sâu trong ký ức, âm thanh của tiếng chuông vang lên quen thuộc của ngày nào… như nhắc nhớ một thời gian khó, một ký ức thật nhớ đời!

Ngày nay…, giữa bốn bề cuộc sống dù có sôi động, náo nhiệt hiện đại và bề bộn, dù tôi vẫn còn thấy đâu đó trên đường, những cô chú, cháu nhỏ bán kem, không còn vất vả đi bộ mà thay bằng chiếc xe máy… Kem cũng được gọi bằng cái tên đủ loại như: kem bảy màu, kem sầu riêng, chuối, sô cô la, và cũng được phát bằng loa thay cho tiếng rao…

Nhưng với tôi, dù thế nào đi nữa cũng vẫn không thể thay thế được hình ảnh cây cà rem mộc mạc đơn sơ và tiếng chuông leng keng của tuổi thơ, của thằng Tư đeo thùng đi bán dạo ngày xưa…

llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll