TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Wednesday, 18 January 2023

SAIGON CỦA TÔI

https://phtq-canada.blogspot.com/2023/01/saigon-cua-toi.html

Wednesday, 18 January 2023

Ký ức về Ngã 3 Ông Tạ

(Cuối Trang)

llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

Miền Nam từng có một thời kỳ sáng lạng. 

Miền Nam từng có một thời kỳ sáng lạng. Ý chí và nhiệt tâm kiến thiết quốc gia của người Việt từng có một giai đoạn sáng chói. Năm 1955, xuất phát điểm của miền Nam cũng gần tương tự miền Bắc. Sau khi Pháp rút, Việt Nam nói chung là một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn, công nghiệp gần như bằng không, cùng với nhiều cái “không” khác, từ hệ thống giáo dục, chăm sóc y tế đến quản trị hành chính. Miền Nam đã xây dựng tất cả từ bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen.

Chỉ trong 5 năm, từ 1955-1960, miền Nam đã lột xác với công cuộc kiến thiết toàn diện, bằng các chính sách dinh điền, xây dựng thủy nông, lập khu kỹ nghệ, phát triển điện lực, thiết lập hệ thống giao thông, khai thác tài nguyên khoáng sản, xây dựng hệ thống ngân hàng. Đó là “5 năm vàng son” như cách nói của giáo sư Nguyễn Tiến Hưng trong “Khi đồng minh nhảy vào” (cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh 2016). “5 năm vàng son” đã tạo nền tảng cho sự phát triển miền Nam trong 15 năm sau đó.

Trong khi “Kế hoạch Ngũ niên I” (1957-1961) tập trung việc xây dựng canh nông (lập khu dinh điền; thu xếp nơi sinh sống cho đồng bào di cư miền Bắc), ngư nghiệp, công kỹ nghệ, công chánh, điện lực, khoáng sản. “Kế hoạch Ngũ niên II” (1962-1966) nhấn mạnh việc gia tăng mức sống người dân và đặc biệt chú trọng đến giáo dục, y tế, xã hội và lao động. Khu kỹ nghệ Biên Hòa được xây trong thời gian này (theo sắc lệnh ký ngày…); tiếp đó là khu kỹ nghệ Phong Dinh (1967). Ngày 1-4-1961, công trình thủy điện Đa Nhim được khởi công; nửa tháng sau, nhà máy xi măng Hà Tiên ra đời. Trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp dệt, đồ hộp, thủy tinh, nhựa dẻo, lắp ráp cơ khí… phát triển rất mạnh. Đến năm 1968, miền Nam đã có 85 hãng dược, sản xuất 2.203 dược phẩm, chiếm 70% thị phần, với nguyên vật liệu chủ yếu trong nước.

Năm 1950, hệ thống giao thông miền Nam gần như chẳng có gì. Saigon và các vùng ven đô vẫn còn nhiều con đường bụi đất mịt mù với những chiếc thổ mộ ngang dọc lọc cọc. Chỉ vài năm sau, xe đò đã có thể chạy bon bon trên đường nhựa về lục tỉnh. Ngày 7-7-1954, hơn một năm trước khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng Thống nền Đệ Nhất Cộng Hòa, công cuộc tái thiết đường hỏa xa xuyên Việt (Saigon-Đông Hà, 1.223 km) đã hoàn thành, chạy qua các tỉnh dọc bờ biển Trung Phần với các nhánh nối nhiều thành phố lẫn các khu kỹ nghệ (Kỳ Lâm-Nông Sơn; Diên Trì-Qui Nhơn, Tháp Chàm-Đà Lạt; Mường Mán-Phan Thiết).

Các phương tiện giao thông khác cũng nhanh chóng phát triển. Niêm giám thống kê Việt Nam 1970 cho biết “chiều dài tổng cộng các đường xe là 20.896 cây số”; và theo Bộ Công Chánh, riêng Đô Thành Saigon, có 7.400 xe taxi; 2.440 xích lô máy; 7.500 xích lô đạp; 3.100 xe lam; 464 xe ngựa; 60 xe buýt; và toàn miền Nam có khoảng 1 triệu xe gắn máy đủ loại (dưới 50 cc). Hệ thống hải cảng và giang cảng phát triển mạnh đặc biệt thời ông Diệm, khi mà các cuộc tấn công của “cộng quân” còn yếu và hạn chế. Trong những năm trước 1963, trung bình hàng năm các giang cảng trên đồng bằng Cửu Long chuyển vận về giang cảng Saigon khoảng 800.000 tấn hàng hóa (lúa gạo, trái cây, than củi, nông thủy sản).

Trong “Hiện-tình kinh-tế Việt-Nam” (quyển hai; NXB Lửa Thiêng 1972), tác giả Nguyễn Huy (giảng viên Đại học Văn Khoa, Đà Lạt, Vạn Hạnh) cho biết: “Năm 1937, phi trường Tân-Sơn-Nhất chỉ có một đường bay duy nhất bằng đá đỏ, dài 1.500 m chiều Bắc Nam, rồi đến Đệ nhị Thế Chiến mới có thêm đường bay Đông Tây dài 1.300 m. Đến năm 1954, Nha Căn Cứ Hàng Không của chính phủ Việt-Nam phụ trách phần kiến tạo và kiện toàn hệ thống phi trường quốc gia để phục vụ cho hàng không dân sự. Việt Nam Cộng Hòa đã kiến tạo được một hệ thống phi trường quá đầy đủ đứng đầu Đông Nam Á với tổng số lối 500 phi trường lớn nhỏ; trong đó có 8 phi trường quốc tế có đường bay dài trên 2.500 m tiếp nhận được các loại phi cơ DC 28 trở lên” (nđd, trang 72-74).

Tân Sơn Nhất trở thành bãi đáp của nhiều hãng hàng không quốc tế, từ Air France, China Airlines (Đài Loan), Pan American World Airways, đến Cathay Pacific Airways. Tháng 10-1951, Công ty Hàng Không Việt Nam được thành lập với 50% vốn Việt Nam và 50% vốn Air France. Phi đội Hàng Không Việt Nam có 22 phi cơ, từ loại nhỏ như Cessna đến loại to như Boeing 727.

Đáng nói nhất của một thời “sáng dội miền Nam” (lấy theo tên một tạp chí nổi tiếng trước 1975) là chính sách giáo dục. Trước 1954, miền Nam không có đại học; muốn học cử nhân phải ra Hà Nội. Về đầu tư cơ sở giáo dục, năm 1957, Viện Đại học Saigon được thành lập với 8 phân khoa (văn khoa, luật khoa, y khoa, dược khoa, nha khoa, khoa học, sư phạm và kiến trúc). Viện Đại học Saigon có hai ký túc xá (đại học xá Minh Mạng cho nam sinh viên và đại học xá Trần Quý Cáp cho nữ). Các vị khoa trưởng không do Bộ giáo dục bổ nhiệm mà được bầu từ các giáo sư hội đồng khoa. Các giáo sư Viện Đại học Saigon đều là những tên tuổi lớn: Cao Văn Chiểu, Trần Quang Đệ, Lê Xuân Khoa, Vũ Văn Mẫu… Ngoài ra còn có Viện Đại học Huế (1957), nơi in bóng linh mục Cao Văn Luận; hoặc Viện Đại học Vạn Hạnh (1965), nơi tập trung những nhà triết học trí tuệ vô song (Thích Minh Châu, Phạm Công Thiện, Trí Hải, Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ…).

Việc “dựng người” được chú trọng từ cấp tiểu học. Trẻ được dạy cách khiêm tốn, trung thực, lễ phép và tôn kính (thậm chí cúi chào một anh học trò học “cao” hơn chỉ một lớp). Chủ trương giáo dục hoàn thiện nhân cách bên cạnh việc dạy chữ có thể thấy rõ ở chính sách giáo dục cộng đồng. Nghị định 2463-GD/PC/NĐ ngày 25-1-1969 của Bộ giáo dục đã yêu cầu “tất cả các trường tiểu học trên toàn quốc” (VNCH), kể từ niên khóa 1969-1970, phải áp dụng chương trình cộng đồng hóa. Trong quyển “Giáo dục cộng đồng” (Bộ giáo dục và Trung tâm học liệu xuất bản 1971), nhóm soạn thảo viết:

“Trường Cộng đồng vừa giáo dục học sinh vừa hướng dẫn dân chúng công cuộc giáo dục của học đường chỉ có thể đạt được kết quả tốt đẹp nếu học sinh, khi bước chân ra khỏi trường không thấy những điều trái ngược với lời Thầy giảng dạy. Cho nên việc giáo dục ở nhà trường phải đi đôi với việc cải tạo hoàn cảnh ở bên ngoài. Trường Cộng đồng hướng dẫn học sinh tự tìm tòi, học hỏi đồng thời phát triển tinh thần học tập thể và dân chủ: để tránh lối học từ chương nhồi sọ, học sinh trường Cộng đồng luôn luôn được hướng dẫn quan sát địa phương để tự tìm hiểu những vấn đề liên quan đến chủ điểm giáo dục” (nđd, trang 25).

Ban soạn thảo cũng nhấn mạnh đây là phương pháp giáo dục “đặt trên căn bản 3 nguyên tắc chính: dân tộc, nhân bản và khai phóng”.

Miền Nam trong suốt 1955-1975 chưa bao giờ bình yên. Làng quê lẫn đô thị liên tục xảy ra những vụ “một xe Lambretta ba bánh bị trúng mìn trên hương lộ 10, Long An: 13 hành khách chết, 2 bị thương” (11-3-1965); hoặc “lựu đạn giấu trong ổ bánh mì, nổ tại đường Ngô Quyền, Saigon: 2 quân-nhân Mỹ và 6 người Việt bị thương” (19-3-1965) – như được thuật trong “Việc từng ngày-1965” của Đoàn Thêm. Nhưng khói lửa chiến tranh và những giọt nước mắt “khóc người tiền phương” vẫn không làm mất đi sự tươi đẹp của làng quê, sự lạc quan của dân chúng và sự an bình trong xã hội lẫn gia đình. Điều đó thể hiện trong các sáng tác văn học, thi ca, và âm nhạc. Không chỉ thịnh vượng ở vật chất, con người cũng giàu lòng nhân ái và dạt dào tình yêu quê hương.

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll


Saigon vẫn rất dễ thương,

Cái tên dù lạ con đường vẫn quen.

Tôi hay “viện dẫn” hai câu thơ của mình mỗi khi phải hồi âm một cánh thư xa nào đó, thường là câu hỏi “Saigon bây giờ ra sao?”

Thật ra trong cảm nhận của tôi, Saigon vẫn thế. Bởi dù trải qua nhiêu bao biến cố thăng trầm, thì Saigon, Hòn Ngọc Viễn Đông, thủ đô trong những trái tim miền Nam ngày nào vẫn không bao giờ thay đổi.

Saigon của một thời tôi mới lớn, những “con đường tình ta đi” Duy Tân, Trần Quý Cáp, Tú Xương, Công Lý. Những chiều bát phố Lê Lợi, Tự Do. Những rạp ciné. Món bánh tôm hẻm Casino Saigon.

Những xe bò viên Nguyễn Thiện Thuật. Bánh mì thịt trước chợ Trương Minh Giảng, gỏi đu đủ - khô bò - nước mía Viễn Đông (góc Lê Lợi - Pasteur)…

Saigon của tôi “sáng nắng chiều mưa”. Mưa như được lập trình sẵn. Hoặc chiều hoặc sáng, có khi… cùng giờ nên người Saigon có thể nhởn nhơ bát phố khi “cơn mưa qua”, rất ít khi mưa như… đòi nợ, điều này những năm gần đây hình như thay đổi, mưa dầm và mưa… mất trật tự, người Saigon vốn quen kiểu “xưa” chẳng biết đâu mà lần! Nắng Saigon không quá gắt. Có lẽ nhờ thế nên mới chợt mát chỉ qua màu áo lụa Hà Đông.


Saigon của tôi có những ngôi trường đi vào thơ và nhạc như Văn Khoa, Luật, Gia Long, Trưng Vương, những con đường địa chỉ báo như Lê Lai, Phạm Ngũ Lão… Hồn đất và hồn người quyện nhau hồn hậu, chân tình.

Saigon của tôi quốc vương Cam-bốt từng du học, người Saigon chê hàng Thái, không thèm xài Colgate vì đã có kem Hynos “anh yêu em, anh yêu luôn kem” xịn hơn.

Saigon của tôi trẻ - luôn luôn trẻ. Không phải vì thiếu phố cổ hay người Saigon không thích “ra vẻ cụ” mà vì Saigon luôn luôn mới, hồn nhiên và dễ thương, không điệu đà, kệch cỡm.

Saigon của tôi còn nhiều hơn thế. Không diễn tả hết dù văn hóa cách mấy. Chỉ giản dị như lời hát “Saigon đẹp lắm! Saigon ơi! Saigon ơi!” Không lớn lao gì, kỷ niệm chỉ chứa đầy ngăn cặp học trò. Sự ồn ào sống động, dễ thương của vùng đất và con người. Đi xa, cứ về đến cầu Saigon hay cầu Bình Điền là coi như đến nhà.

Như bạn bè cùng trang lứa, tôi giữ Saigon như giữ chính cuộc đời mình. Khóc một ngày khi thương xá Tam Đa bị thiêu rụi. Thức một đêm khi Eden bị đập bỏ. Có thể thay vào sẽ là một tòa nhà đẹp hơn, nhưng Eden của ngày nào:

“Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm

Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm

Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím

Anh quen rồi, không lạnh - lính mà em!”

Thì không bao giờ còn nữa !!!

Vẫn biết có những sự đổi thay tốt hơn, đôi khi cần thiết, nhưng sao vẫn thấy chạnh lòng. Hơn sáu mươi năm hãnh diện làm “dân Saigon”.

Bỗng chợt giật mình tự hỏi, có khi nào người ta phù phép để Saigon biến mất không nhỉ? Có khi nào Vương Cung Thánh Đường, chợ Bến Thành, Bưu Điện Saigon, một sớm mai thức dậy người Saigon ngơ ngác hay tin sẽ trở thành trung tâm thương mại, cao ốc chọc trời.

Ôi! Saigon của tôi !!!

Tôi vẫn nói vui rằng mình giữ lại “Saigon xưa”. Từng tên đường, góc phố, giữ lại những buổi chiều hẹn hò: “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” và giữ lại mãi mãi,những dấu yêu xưa!

Và rồi lại buốt tim khi nghĩ đến một ngày nào “Saigon của tôi” sẽ chỉ còn là hoài niệm. Vô tình ai đó sẽ tìm thấy trong những trang sách hằn dấu thời gian ở một hiệu sách cũ.

Saigon ơi !!!

Tôi gặp lại họ rất tình cờ, trong một tiệm sách cũ, nơi thường lưu lại những gì mà ta còn nhớ hay đã quên.

Những trang giấy đã không còn nguyên màu trắng. Những dòng chữ như cũng nhạt theo năm tháng. Nhưng hình ảnh, dù phôi pha, thì nụ cười, ánh mắt cũng gợi nhớ một thời ta đã sống. Thời mà tên tuổi họ trên môi người hâm mộ Nghệ thuật thứ bảy, và họ được gọi một cách trang trọng là tài tử minh tinh.

Chưa xa lắm nhưng cũng đủ để quên những gì không muốn nhớ. Khi mà muốn xem phim người ta không thể làm gì khác hơn là đến rạp, và cứ có phim hay là rạp chật như nêm. Và rạp hát nào cũng treo đầy ảnh minh tinh tài tử, không phải Hồng Kông, Hàn Quốc như bây giờ mà toàn Việt Nam. Tôi say mê điện ảnh, dù chưa tới tuổi “đến rạp một mình” và yêu họ, dĩ nhiên.

Dạo đó chưa có những chương trình giao lưu, tài tử điện ảnh, ca sĩ tân nhạc cũng chưa phải “chạy sô” như bây giờ. Họ coi nghệ thuật như cứu cánh của đam mê và cả cuộc sống thực tế, nghề tay trái hầu như không có.

Chẳng ai nghe nói Thẩm Thúy Hằng phải đi… biểu diễn tân nhạc để kiếm thêm, cũng không thấy Kiều Chinh tham gia chương trình “đại nhạc hội”. Họ cũng chẳng đóng cùng lúc hai, ba phim như các diễn viên “đắt khách” bây giờ. Dù đó là những tên tuổi lớn của điện ảnh Saigon thuở ấy, những tên tuổi mà lứa tuổi 40, 50 hôm nay, nếu yêu điện ảnh khó mà quên được.

Một Kiều Chinh tuyệt vời trong “Hồi Chuông Thiên Mụ”, Thẩm Thúy Hằng với “Người Đẹp Bình Dương”, Kiều Nguyệt Nga - Thu Trang trong “Lục Vân Tiên”, Túy Phượng diễm kiều với vai Công chúa của “Thạch Sanh - Lý Thông”. Tôi yêu nét thùy mị của Thu Trang, vẻ sắc sảo của Kiều Chinh, và nét đẹp duyên dáng Thẩm Thúy Hằng. Nam tài tử có La Thoại Tân, Anh Tứ, Lê Quỳnh, Anh Sơn, Đoàn Châu Mậu, Tâm Phan, Huy Cường, Trần Quang. Vân Hùng chuyên đóng kịch với kỳ nữ Kim Cương, thỉnh thoảng cũng “lên phim”. Rất nhiều, thời nào thì nghệ thuật cũng cần rất nhiều. Dù trong số họ không phải ai cũng đến được vinh quang, và để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật, không chỉ có diễn viên chính.

Tình cờ gặp lại họ trong tiệm sách cũ. Nơi mà quá khứ lẫn với hiện tại, nơi mà thời gian chừng như bất lực, tôi thấy chút vui pha lẫn ngậm ngùi khi bắt gặp Lê Hoàng Hoa thời “mới làm quen với máy quay”, một Lê Mộng Hoàng hơn ba mươi năm về trước vẫn nhăn nhó… như bây giờ. Nụ cười Kiều Chinh và ánh mắt Thu Trang vẫn còn đó.

Một thời tôi đã lớn lên cùng với tên tuổi họ. Rồi tất cả bỗng như không còn, bỗng như chưa từng có. Người ta trôi theo nhịp sống bằng những cách khác nhau, và lưu giữ hay xóa đi dĩ vãng tùy thuộc mỗi người. Có điều chắc chắn rằng những gì đã có thì vẫn còn đâu đó, và ta sẽ gặp khi tình cờ một lúc nào đó đảo ngược được thời gian.

Và thời gian đã đảo ngược với tôi, trong một tiệm sách cũ. Tình cờ !!!

Lý Thụy Ý ( Tác giả )

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll 

Ký ức về Ngã 3 Ông Tạ 

Xóm “ Nai đồng quê ” trước năm 1971

Bắt đầu từ ngay ngã ba trên đường Thoại-Ngọc-Hầu. Bên phải có tiệm gạo Quang Vinh, nhà 3 tầng lầu, có người con trai cả tên Vinh học trò võ thiếu lâm của võ sư Lý Huỳnh, Lý Huỳnh là học trò cưng của võ sư Huỳnh Tiền, tôi có học võ thiếu lâm của võ sư Lý Huỳnh được đúng hai tháng gần bến đò Phú Lâm Chợ Lớn, sau đó bị thầy đuổi vì quá ốm yếu. Kế là tiệm thuốc bắc người Tầu, bọn trẻ xóm tôi gọi là chú ba Tầu tôi hay sang tiệm chú chơi được cho quế ăn thơm phức, sau đó là tiệm may Thành có người con lớn đi lính sĩ quan tử trận. Kế là tiệm bán giầy, bên cạnh là tiệm vàng Tân Lợi. Tiếp là tiệm chạp phô, cách một ngõ nhỏ là tiệm vàng không còn nhớ tên. rồi hai tiệm bán tạp hóa kế bên, tiếp nữa là tiệm vàng ông chồng là y tá chích thuốc dạo. Rồi lại một loạt tiệm tạp hóa sau đó đến tiệm vàng Việt Thịnh nổi tiếng giầu nhất vùng này có một lần bị cướp và một lần bị trộm, từ bên này đường tôi thấy tên trộm bị vây trên nóc nhà 5 tầng lầu. Rồi đến con đường hẻm cạnh con đường hẻm là nhà thuốc tây Bình Dân.

Trở lại từ đầu ngay ngã ba bên trái trên đường TNH. Tiệm vàng ngay góc, đến tiệm bán trái cây, kế là tiệm bán đồng hồ. Cạnh bên là tiệm bán sắt xây cất nhà cửa của bà Đỉnh, kế là tiệm banh kẹo và rượu Thanh Hương, nhà tôi Đức Hiền canh bên buôn bán đồ sắt và vật liệu xây cất ngay bên cạnh là tiệm buôn bán tạp hóa, kế bên là tiệm vàng Kim Thành thì phải, bà chủ tiệm vẩn còn bám trụ cho đến bây giờ nghe nói giầu bốc lên. Một loạt tiệm tạp hóa và vàng lien tiếp nối đuôi nhau. Rồi đến căn tạp hóa của bố mẹ nhạc sĩ Ngọc Trong và nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, sau đó mới đến thầy thuốc Ông Tạ cũng người Tầu, bênh nhân ở đây đông ngẹt, trước cổng vào có gánh hàng bán ốc luộc. Gần đó vài căn là nhà bố mẹ của ca sĩ Giang Tử. Nghe nói nhà văn Lê Tất Điều cũng ở ngã ba Ông Tạ, và còn nhà thơ Chu Vương Miện cũng dân Ông Tạ thì phải ? Ngay ngã ba trên đường Phạm Hồng Thái. Tiệm chụp ảnh Á Đông 4 tầng lầu đứng sừng sững ngay ngã ba, đây là căn nhà lầu 4 tầng đầu tiên ở ngã ba này thằng bạn con chủ nhà có lần dắt tôi đi coi trong nhà leo hết 4 tầng lấu bá thở. Kế bên là tiệm gạo Tín Lợi, có cô con gái lớn sau này qua Mỹ mở tiệm phở Hiền Vương trong Phúc Lộc Thọ. Bên phải là hai tiệm vàng, bên trái là nhà sách và tiệm bán đồ điện, gần đó cạnh trường Thánh Tâm có tiệm bán và sửa radio Đức-Thành, cô con gái lớn nổi tiếng học giỏi đậu hai cái tú tài ưu được học bổng đi Mỹ. Bên này đường đối diện là nhà may Hải Cảng, gần bên là ông y tá chích dạo, cách xa vài căn là tiệm phở bắc. Đối diện tiệm phở là trường Thánh Tâm thỉnh thoảng có đoàn xiếc về biểu diễn thuê mướn miếng đất rộng trong trường. Đối diện là bến xe ngựa, nơi đây là chỗ đóng đô của tôi, bọn trẻ chúng tôi thường hay chơi tạt hình, đánh khăng, đánh cù, thấy lỗ, chơi năm mười. Gia đình chú Tám coi ngựa ở bên trong, được cha xứ nhà thờ chí hòa cử trông coi nghĩa địa ngay đằng sau. Cạnh tiệm gạo Quang Vinh là tiệm bánh Thiên Hương Rồng Vàng, sau đó là một dãy 5 căn bán tạp hóa rồi đến nhà thờ Nam Thái, ngó qua bên kia là tiệm mộc tồn “Cây Còn” bạn anh tôi là con chủ tiệm nên người anh ta toàn hôi mùi chó đi đâu cũng bị chó sủa. Có thể nói tôi biết mặt hầu hết các chú nhóc và các tiểu thư xinh đẹp trong khu phố ngã ba Ông Tạ. 

Trước năm 1954, khu đất ở Ngã Ba Ông Tạ là xóm Gò-Gáo, còn gọi là xóm Cò Giáo, làng Tân-Sơn-Hoà. Năm 1954 Chính-phủ Quốc-Gia Việt-Nam (lúc đó chưa có Cộng-Hoà) lập tại đây một trại tị-nạn (refugee camp) cho đồng-bào miền Bắc lánh-nạn cộng-sản ở tạm, trước khi chuyển đi định-cư các nới khác trên miền Nam, trại này tên là Trại Hà-Nội. Sau một số rất đông đồng-bào tị-nạn được định-cư tại chỗ, Trại Hà-Nội đổi thành Ấp Hàng Dầu (tên một Phố ở Hà-Nội) địa-giới nằm trong vòng đường Lê-Văn-Duyệt nối dài (sau đổi thành đường Phạm-Hồng-Thái), đường Thoại-Ngọc-Hầu, rạch Nhiêu-Lộc, vòng rào xưởng máy Sở Hoả-Xa, và vòng rào trại lính nhẩy dù Nguyễn-Trung-Hiếu. Trong ấp có hai xứ đạo là Nam-Thái, và An-Lạc. Ban đầu phần lớn nhà trong ấp chỉ là nhà lá, người dân làm ăn buôn-bán tại chợ Ông Tạ, chẳng bao lâu gây dựng được nơi đây thành một khu thương-mại sầm-uất. Một số địa-danh trong vùng là “Nhà Dây Thép Gío”, “Ngõ Con Mắt”, Xứ Nghĩa-Hoà, Xứ Chí-Hoà, “Cổng Bom” ngõ đi vào chùa Khuông-Việt, “Cầu Sạn” trên đường Thoại-Ngọc-Hầu bắc qua rạch “Nhiêu-Lộc”, tận cùng đường Bùi-Thị-Xuân có “Cầu Xi-Măng” bắc qua rạch Nhiêu-Lộc cũng là một ngõ vào ấp “Hàng Dầu”, cũng phải nhắc tới “Ruộng Rau Muống” nơi tôi thường chạy thả diều, nhiều lần ngã xuống bùn trong ruộng.

Dương Công-Tử ở bên kia đường vậy thuộc về Xứ Nghĩa-Hoà phải không? cùng bên với Nhà Dây Thép Gío, trên đường LVD có tiệm điện Nhật-Quang là nhà-chọc-trời đầu tiên trong vùng (5 hay 6 tầng), có nhà thuốc Tây Kim-Tiếng, tiệm bán thuốc lào ba số 8 cạnh tiệm bán áo dài khăn đóng đàn ông cạnh nhà sách Ngọc-Lan. Tiệm thịt chó “Cây Còn” xéo ngõ vào nhà thờ Nam-Thái, và cạnh Viện uốn tóc Hồng-Kông, gần tới Ngã ba có tiệm bán ống nước sắt, cạnh trường Thánh-Tâm (không có nhà thờ Thánh-Tâm ở đây, thưa Cô HY, hồi đó cũng không có chỗ nào đủ đất rộng mà nuôi bò sữa, Sở Chăn-Nuôi thì thì tuốt trên Ngã tư Bẩy Hiền, có nuôi vài con gà, con heo, bò để thí-nghiêm chăn nuôi. Xưởng ráp xe đạp Peugot, và xe Puch của Ông Đặng-Đình-Đáng thì nhìn xéo qua trường Quốc-Gia Nghĩa-Tử) có tiệm bán và sửa radio Đức-Thành. Trước cổng trường Thánh-Tâm là bến xe ngựa, sau là bến xe Lam. Tiệm Đức-Hiền của nhà LNH bán tạp-hoá hay bán vàng? nằm trên đường TNH phải không? Tiệm thuốc Tầu rất lớn cách Ngã Ba một căn, Ông bụng bự đứng bán thuốc đó không phải là Đông-Y-Sĩ Thủ-Tạ. Phòng chẩn-mạch của ông Thủ-Tạ dưới chút nữa gần tới chợ, cách vài căn, khuất vào trong không ngay mặt đường TNH, xéo bên kia đường là nhà thuốc Tây Bình-Dân. Hồi ấy chỉ có một tiệm “Cây Còn” bán các món “Giả Cầy”, phần đông những người biết ăn thì làm lấy ở nhà, nên không như bây giờ, nghe nói suốt cả con đường biết bao nhiêu là tiệm bán món “Khó Nói” (tiếng của Ngài Jắc-Cu-Lơ). , món “Nai đồng quê” hay “Nai thềm” là tiếng miền Nam. Tiếng người Ri-cư gọi là các món “Giả Cầy”, vì không có con “Cầy” để làm các món này nên dùng tạm họ nhà Cẩu để làm “Giả”; chứ nếu bắt được con Cầy thật mà làm thì các món ngon gấp mười lần. “Rựa mận” là món nấu với riềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ, nó sền-sệt, mầu nâu-nâu như nhựa cây mận nên gọi thế.

Thành-ngữ “Trai Nam-Thái, gái An-Lạc” có lẽ chỉ mấy mấy Cậu dữ-dằn hay bênh nhau đánh lại mấy người lạ từ xa đến gây chuyện, và các Cô đanh-đá sẵn-sàng đánh bể mặt mấy tên léng-phéng chòng đến các Cô. Tê hồi nhỏ đã chứng-kiến cảnh mấy tên du-đãng từ Ngã Tư Bẩy Hiền, ngày Tết vào Ngõ Con Mắt giựt tiền của các bàn Bầu Cua của con nít, bị một Cô dùng dao răng cưa chặt đá chém cho toé máu.

Tác giả ?

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll