TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Wednesday, 15 March 2023

QUẦN ĐẢO HẢI TẶC Ở HÀ TIÊN

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/quan-dao-hai-tac-o-ha-tien-1/

https://www.youtube.com/watch?v=S428slUjEls&ab_channel=B%C6%B0%E1%BB%9BcCh%C3%A2nMi%E1%BB%81nT%C3%A2y

233K subscribers. Copyright by Bước Chân Miền Tây
Một góc Hà Tiên xưa (ảnh: Blog “Trung Học Hà Tiên Xưa”)
Nguyễn Đông A
Bài 1: Tại sao gọi là “quần đảo Hải Tặc” ?

Cách nay sáu, bảy năm, tôi có đi xuống Kiên Giang, loanh quanh nhiều ngày ở Hà Tiên. Tôi ghé thăm đền thờ, lăng Mạc Cửu cùng 59 lăng mộ lớn nhỏ gia quyến của dòng họ Mạc nằm ở núi Bình Sa cao 50m trồng nhiều bạch mai. Những ngôi mộ hình bán nguyệt Trung Hoa.

Cách nay sáu, bảy năm, tôi có đi xuống Kiên Giang, loanh quanh nhiều ngày ở Hà Tiên. Tôi ghé thăm đền thờ, lăng Mạc Cửu cùng 59 lăng mộ lớn nhỏ gia quyến của dòng họ Mạc nằm ở núi Bình Sa cao 50m trồng nhiều bạch mai. Những ngôi mộ hình bán nguyệt Trung Hoa.

Lúc ấy tôi viết: “Tướng lĩnh nhà Minh tránh Mãn Thanh men theo biển, di cư. Hai nhóm Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch khai khẩn, lập nghiệp tạo nên Cù lao Phố – Biên Hòa và Mỹ Tho đại phố trù phú. Nhóm Mạc Cửu đến Hà Tiên khẩn hoang, thuần phục, dâng đất…”. Hà Tiên vốn là đất cũ của Chân Lạp.

Mạc Cửu (1655-1735) gốc Quảng Đông, là một thương gia người Hoa có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên vào khoảng đầu thế kỷ XVIII ở Việt Nam. Mạc Cửu không khuất phục chính sách của Đại Thanh nên chạy qua phương Nam, trú tại phủ Nam Vang nước Cao Miên. Tuy nhiên do tình hình Chân Lạp hết sức rối ren, ông rời Nam Vang. Ông chiêu tập dân xiêu tán người Hoa, Việt mở phố xá, xây thành lũy, đẩy mạnh khai hoang lập ra bảy thôn trải dài ven biển từ Kompongsom – Chân Lạp về tận Cà Mau.

Với chủ trương để cho dân khai hoang tự do, không thu tô thuế, chỉ đứng ra tổ chức mua sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Chính điều này đã quy tụ dân cư đến Mang Khảm ngày càng đông. Ghe thuyền các nơi, kể cả nước ngoài đến mua bán tấp nập. Trong khoảng thời gian 1687-1688, quân Xiêm vào cướp phá Mương Khảm, bắt Mạc Cửu đưa về Xiêm ở Vạn Tuế Sơn. Sau này ông trốn thoát.

Tuy nhiên có người phản bác cho rằng: “Mạc Cửu bị dụ chạy lánh nạn qua Xiêm, chứ không phải bị quân Xiêm đến cướp phá Hà Tiên rồi bắt đi”. Đến năm 1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác…

Trên bản đồ người Pháp vẽ tay năm 1869, người ta thấy trước ngôi Đền Mạc Công Miếu (ô vuông nhỏ màu vàng đậm) có một cái ao hình hơi tròn (màu xanh tươi) đó là cái ao do Ông Mạc Cửu cho đào năm 1719. Khu vòng màu xanh lá cây có ba đỉnh núi đó chính là khu núi Bình San (núi Lăng). Bên phải góc trên hình có khu vòng màu xanh và một đỉnh núi, đó là núi Phù Dung (núi Đề Liêm) – (chú thích của Blog “Trung Học Hà Tiên Xưa”)

Nhận thấy muốn tồn tại phải có thế lực đủ mạnh để bảo vệ, che chở cho lãnh địa mà ông đã tốn công gây dựng, năm 1708, Mạc Cửu cùng thuộc hạ đem lễ vật đến xin thần phục chúa Nguyễn. Tháng Tám cùng năm chúa Nguyễn Phúc Chu, chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Chúa Nguyễn vẫn cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương. Trải qua bảy đời nắm quyền, dòng họ Mạc đã biến vùng đất Hà Tiên hoang sơ thành một trong những địa điểm buôn bán sầm uất nhất trong khu vực.

Còn Mạc Thiên Tích (1718-1780) là con của Mạc Cửu, người được chúa Nguyễn phong là Tông Đức hầu. Ông nối nghiệp cha mở mang đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn Phúc Trú phong chức Tổng binh Đại đô đốc. Ông tiếp tục khai khẩn miền Tây Nam Bộ, biến vùng đất Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn vinh, nhiều lần chống trả lại các cuộc tấn công của các lân bang Xiêm La và Chân Lạp.

Mạc Thiên Tích đã tổ chức thành công Tao đàn Chiêu Anh Các vào năm 1736 ở Hà Tiên, đóng góp cho nền văn học Việt nhiều tác phẩm có giá trị, điển hình như: “Hà Tiên thập cảnh, Thụ Đức Hiên tứ cảnh, Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh… “, sau này được coi là “Văn học miền Nam”, được đưa vào giảng dạy sinh viên khoa Văn đại học. “Hà Tiên thập vịnh” được Phan Huy Chú đánh giá là “êm ái, xinh đẹp, đáng học”. Lê Quý Đôn cũng khen… Đó là những câu chuyện dài về dòng họ Mạc. Trong bài này tôi chủ yếu tố viết về “Quần đảo Hải Tặc” ở Hà Tiên. Vài điều nêu bên trên như để nói về bối cảnh lịch sử.

Kiên Giang hiện nay có ba thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc. Trong tỉnh có đến gần 200 hòn đảo lớn nhỏ.

Muốn ra đảo chính Hòn Tre, còn có tên là Hòn Đốc hoặc Tiên Hải nằm trong Quần đảo Hải Tặc, người ta thường đi từ Hà Tiên ở bến phà Thạnh Phú bằng tàu cao tốc, ra biển theo hướng Nam, trực chỉ nhắm vào những chấm đảo nhỏ ẩn hiện ở ngoài khơi xa xa mà chạy, chỉ khoảng nửa tiếng thì cập bến. Giá đi tàu 100.000 đồng/người. Xe máy 50.000 đồng, công người bốc chuyển xe lên xuống chừng 20.000- 30.000 đồng, mỗi chuyến chỉ chuyển được tối đa 10 chiếc để ở mũi tàu.

Người bốc vác khéo léo nắm đầu, nắm đuôi xe, đưa xe lên xuống qua một miếng ván dài, đầu ván nhấc lên hạ xuống như bập bênh. Xe máy nặng, khó cần đến năm người đẩy, đỡ xuống. Hành khách ngồi trong khoang tàu, hàng hóa để trên mui. Nếu đi tàu sắt thì chậm hơn, khoảng hơn một tiếng, chỉ tốn khoảng nửa tiền đi tàu cao tốc. Đó là đã nhanh hơn rất nhiều so với đi tàu cây trước kia.

Quần đảo Hải Tặc nằm ở khu vực gần cuối mũi biển Tây Việt Nam trong vịnh Thái Lan. Quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai đảo chìm, cách đất liền bảy hải lý, cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý và cách đảo Phú Quốc 16 hải lý. Các đảo được cấu tạo chủ yếu từ đá phiến và sa thạch Creta. Do đặc điểm địa hình địa chất mà các đảo đều hiếm nước ngọt. Do có địa hình hiểm trở, lại nằm trên tuyến đường thông thương quan trọng nên nơi đây một thời gian dài là nơi lý tưởng để cướp biển đồn trú, ẩn nấp, mai phục và tấn công các tàu buôn qua lại.

Từ thực tế đó, tên gọi “Hải Tặc” đã xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, lâu dần thành phổ biến, rồi trở thành địa danh chính thức được ghi trên bản đồ hành chính.  Hiện nay trên đảo vẫn còn Cột mốc chủ quyền ghi rõ tên Quần đảo Hải Tặc, ghi rõ tọa độ vĩ tuyến, kinh tuyến được thiết lập dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Cột mốc chủ quyền quốc gia đặt tại khu vực Bãi Bắc Hòn Đốc do hải quân Việt Nam xây dựng từ năm 1958 là bằng chứng có giá trị pháp lý về chủ quyền quốc gia và biên giới biển, đảo Việt Nam.

Cột mốc chủ quyền được dựng từ thời VNCH (VNExpress)

Việc phân chia các đảo thuộc “quần đảo Hải Tặc” mang tính quy ước, không rõ ràng về phạm vi và số lượng, do phân bố đảo trong vùng tạo ra. Có người cho rằng, “quần đảo Hải Tặc là cụm hòn gồm 24 đảo lớn nhỏ, trừ vài đảo Campuchia cưỡng chiếm năm 1958, còn lại thì ở cực Bắc là hòn Quéo cách thành phố Kep, Vương quốc Campuchia 4 km, kéo dài 25 km, cực Nam của hòn Đước, đồng thời được phân thành hai “đám đảo Nam Bắc”.

Trong khi đó, cách hiểu “quần đảo Hải Tặc” ngày nay có sự khác biệt khi số lượng đảo được thống kê ít hơn chỉ 16 đảo. Như đã nói, Hòn Tre, Hòn Đốc cũng chính là đảo Tiên Hải, là đảo lớn nhất, là trung tâm hành chính xã Tiên Hải. Ngoài ra còn có các hòn đảo khác người ta thường nhắc đến như Hòn Tre Vinh, Hòn Trục Môn, Hòn Long, Hòn Ngan, Hòn Nhóm, Hòn Đôi, Hòn Chơ Rơ, Hòn Cướp Nam, Hòn Xi Xi…

Theo quan điểm của Việt Nam, từ đầu thế kỷ XVIII cho đến trước năm 1939, toàn bộ các đảo giữa Việt Nam và Campuchia thuộc chủ quyền Việt Nam. Từ năm 1939, Campuchia chính thức quản lý về mặt hành chính ở phía Bắc đường Brévié. Tuy nhiên, chính quyền Nam Kỳ và sau đó là chính quyền Việt Nam Cộng hòa không chấp nhận và vẫn xem nhóm đảo Bắc Hải Tặc, một nhóm đảo nằm gần Campuchia thuộc chủ quyền Việt Nam. Đến năm 1958, Campuchia đưa quân ra chiếm nhóm Bắc Hải Tặc. Ngày 7 Tháng Bảy 1982, hai nước Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa hai nước, theo đó lấy đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong khu vực vịnh Thái Lan.

Trong các đảo, chỉ có sáu, bảy đảo là có con người sinh sống, chủ yếu tập trung tại các đảo Hòn Tre lớn, Hòn Giang, Hòn Đước và Hòn Ụ. Đến đầu năm 2012, cả quần đảo có hơn 420 hộ gia đình với gần 1.800 người. Hiện nay đã trên dưới 2.000 người. Nhưng trên đảo còn có quân đội, có cả bộ binh, công binh, hải quân và biên phòng trú đóng. Từ Tháng Một 1983, chính quyền Việt Nam lập xã Hoà Đốc thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Đến Tháng Chín 1983, xã Hoà Đốc đổi tên thành xã Tiên Hải. Đến năm 2018, xã Tiên Hải thuộc thành phố Hà Tiên cho đến nay.

Mạc Công Miếu vào năm 1953. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp (Blog “Trung Học Hà Tiên Xưa”)

Tại đảo, mọi người có thể chạy xe máy lòng vòng ven biển mà không sợ lạc đường, bởi cả đảo chỉ có một con đường chính, một vòng đảo dài chừng bảy cây số. Đường nhỏ, đổ xi măng, bê tông hóa như đường nông thôn, chứ không trải nhựa đường như những con đường ven biển ở nơi khác. Nhưng nhìn thì cũng hơi giống con đường từ Bãi Dâu đến Sao Mai ở Vũng Tàu khi xưa, với một bên là đồi núi, một bên là biển.

Bên phía biển thỉnh thoảng gặp hàng dừa cao hoặc những cây bàng, loại cây đặc trưng ở miền biển, có cây to cao rậm lá, nhưng cũng có cây thấp lè tè, èo uột. Dưới biển thì là cát, có chỗ cát trắng cũng có rau muống biển mọc. Nhiều chỗ có nhiều đá to nhỏ, hàu bám đầy. Nhưng nhìn chung đảo còn nhiều cây rừng, rừng thưa, còn vẻ hoang sơ, gió biển mát rượi, không khí trong lành. Bãi tắm sạch, nước trong xanh. Bạn có thể tản bộ dạo biển, mướn xe đạp với giá rẻ bèo, 20.000 đồng, đạp lông nhông quanh đảo, hoặc chơi thể thao trên cát hoặc tắm biển, hoặc mò cua, bắt ốc ở các ghềnh đá.

Ven biển có nhiều hàng quán che tạm, bày ghế nhựa quanh bàn đá bán cà phê hoặc đồ ăn sáng, có quán mắc cả võng bên hàng dừa để du khách nằm nghỉ, hứng gió biển, hoặc quán bán hải sản, luộc, chế biến món tươi ở biển như cá, tôm, ghẹ, sò để khách nhâm nhi.

Một trong những tấm ảnh về núi Tô Châu (Hà Tiên), chụp trong khoảng 1920-1929, thời gian người Pháp còn đóng ở Hà Tiên (ảnh: Facebook “Thú Chơi Sách”)

Ven biển có một nhà thờ Công giáo mới xây đồ sộ. Đối diện xéo gần chỗ “Cột mốc” ở Bãi Bắc, bên kia đường phía đồi núi có Miếu Bà Chúa Hòn để người dân đến thắp nhang cầu cho mưa thuận, gió hòa, bình an. Nghe nói miếu đã có từ trăm năm trước. Cũng có một chùa Phật, tôi sẽ nói sau. Đảo có trường tiểu học và trung học cơ sở, nếu nhà nào có điều kiện, các em sẽ vào Hà Tiên để tiếp tục học hết cấp ba.

Thực phẩm, đồ dùng tại đảo, người dân phải vận chuyển từ đất liền ra. Điện ở đảo trước kia được cung cấp bằng máy phát điện. Nhưng đường dây điện giờ đây đã được mắc vào mạng lưới điện quốc gia kéo từ đất liền ra. Nước sinh hoạt được lấy từ giếng do người dân tự đào, khơi mạch nước ngọt hoặc trữ nước mưa. Nay lại có thêm hai hồ nước ngọt lớn của chính quyền địa phương và quân đội, đủ cho sử dụng trong sinh hoạt. Tuy nhiên nước uống người ta vẫn dùng nước bình.

Người dân sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá bè biển, đánh bắt hải sản hoặc buôn bán nhỏ lẻ, làm dịch vụ du lịch. Du khách có thể trải nghiệm lặn biển. Chủ ghe sẽ đưa bạn ra bãi đá mà bạn yêu cầu. Bạn có thể đeo kính bơi, nhảy xuống biển chiêm ngưỡng các rạn san hô rực rỡ, đủ màu sắc hoặc xem những đàn cá đang bơi dưới mặt biển. Có những tour chừng một ngày một đêm với các dịch vụ lặn biển ngắm san hô hoặc câu cá, câu mực đêm, để thử cảm giác mới lạ, khám phá. Khách du lịch cũng có thể tham quan các bè nuôi cá, được nghe giới thiệu cách làm hệ thống khung lồng cá, kỹ thuật nuôi cá biển, quản lý lồng bè và có thể tự tay cho cá ăn.

Với vị trí địa lý, cảnh quang môi trường đã tạo cho xã đảo có một số ưu thế phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển du lịch và khai thác tài nguyên biển. Chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng đã cho Công ty cổ phiếu Nhất Tâm Lasta Film ở Sài Gòn thuê đảo Hòn Tre để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng và một trường quay phim. Hoặc chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư thuê một số hòn đảo thuộc quần đảo Hải Tặc, ví dụ như Công ty cổ phần thủy sản Kiên Giang được cho thuê sáu hòn đảo để đầu tư du lịch. Những hòn đảo hoang, khắc nghiệt và hiểm nguy nhất ví dụ như Hòn Gùi dần dần cũng đã có người đến ở. Như vậy sớm muộn gì quần đảo Hải tặc cũng sẽ trở thành nơi du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm.

Về cướp biển khi xưa, theo lời truyền khẩu của những ngư dân sống lâu đời ở Hòn Tre thì có băng cướp Cánh Buồm Đen hoạt động vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trên tàu của họ thường có treo cây chổi màu đen với thông điệp: “Quét sạch tàu qua lại”. Nằm trong khu vực vịnh Hà Tiên-Rạch Giá ra đến vịnh Thái Lan, một tuyến đường thông thương quan trọng từ Trung Quốc sang các nước phương Tây, nên từ nhiều thế kỷ trước, quần đảo này là nơi lý tưởng để cướp biển đồn trú, ẩn nấp, mai phục và tấn công các tàu buôn qua lại. Đến tận những năm đầu thế kỷ XX, ở vùng biển này nạn cướp biển vẫn hoành hành.

Theo các cụ cao niên ở địa phương, tên gọi quần đảo Hải Tặc ra đời gắn liền với liền với sự xuất hiện của băng nhóm cướp biển hoạt động trên vùng biển này và lấy những hòn đảo hoang trong vịnh Xiêm La làm căn cứ ẩn mình. Từ đây, các toán cướp có biệt danh Cánh Buồm Đen bất ngờ xuất hiện như từ dưới biển chui lên, tấn công chớp nhoáng khiến các tàu buôn đi lại trong vùng không kịp trở tay.

còn tiếp

llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll