TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Monday, 14 August 2023

Saigon một thời VéloSolex

 

https://phtq-canada.blogspot.com/2023/08/saigon-mot-thoi-velosolex.html

Monday, 14 August 2023


Saigon, một thời VéloSolex

 


VéloSolex trên đường phố Saigon xưa (file photo)

Thư về cho bà con, bạn học cũ ở miền Nam Việt Nam, khi viết bì thư, lần nào Hà cũng thấy lòng xao lên một nỗi bất an: Hà muốn viết thật to cái tên thành phố Saigon, nhưng sợ thư mình sẽ đi mà không đến. Do đó càng ngày thư càng ít về với thành phố cũ, nhất là khi đã có điện thư.

Saigon, nơi đã dung dưỡng Hà suốt một thời hoa niên. Hồi di cư vào Nam chị chỉ là một cô bé học lớp Đệ Lục trường Trưng Vương. Cô bé này vào loại nhỏ nhất trong lớp vì sau chiến tranh, gia đình cô hồi cư về Hà Nội rất sớm và cô trở lại trường ngay, nên bạn cùng lớp có người lớn hơn cô đến năm, ba tuổi. Niên học nào cô cũng phải ngồi bàn trên. Mấy năm đầu, học trò Trưng Vương còn phải học nhờ trường Gia Long, mỗi sáng các cô đứng chờ ở cổng trường nhìn các chị học trò Gia Long phóng xe Mobylette, ống quần rộng bay phần phật, mấy cô nhỏ Bắc Kỳ nhìn nhau cười ngặt nghẽo.

Nhưng chỉ ít lâu tình nghĩa Bắc Nam lại khăng khít. Lý do là Trưng Vương học từ sáng tới buổi trưa. Trước khi về, các cô để lại tình thư trong hộc bàn cho bạn Gia Long học lớp chiều và sáng sau vào lớp lại tìm trong hộc bàn hi vọng có thư hồi âm của người bạn mới. Có khi tình thư lại kèm theo vài cái kẹo hay quả ô mai mà cô bạn Nam Kỳ gọi là xí muội. Tình bạn như thế cũng kéo dài cho đến hết niên học, mà có khi chẳng thấy mặt nhau lần nào.

Minh họa: pexels-phát-trương

Sau một niên học ngày ngày phải cuốc bộ từ nhà tới trường, một buổi tối mẹ bảo hai anh cô dẫn em đi mua chiếc xe đạp mới. Nhớ lại hôm đó lòng cô vui như mở hội nhưng sao hai anh lại có vẻ nôn nóng hơn cô? Ngoài hai anh em, lại còn có cả mấy anh bạn xung phong đi theo tháp tùng. Các anh đưa cô đến một cửa hàng bán xe đạp gần đầu đường Gia Long.

Tới nơi, cô thấy cửa hàng sầm uất, đèn néon sáng trưng. Một thiếu nữ xinh đẹp đứng ở cửa hàng tiếp khách, với mái tóc đen mượt óng ả chảy dài xuống tận thắt lưng. Cô nhỏ tò mò nhìn mái tóc cánh phượng nghiêng nghiêng một bên mái đầu mà cô đoán có lẽ nó phải được giữ bằng hàng chục cái kẹp tóc.

Cô gái yểu điệu, tươi cười với các anh và âu yếm hỏi cô: Em muốn chiếc xe nào? Cô không nhớ các anh cô có dám đề cập gì đến giá cả nhưng cuối cùng cô cũng đem về một chiếc xe đạp mới, khung màu xanh lá mạ, ghi-đông và chuông mạ kền sáng bóng. Mãi sau cô mới biết tên thiếu nữ con chủ tiệm là Phước Liên, rất nổi tiếng và học trên cô mấy lớp. Hèn chi sứ mạng dẫn em đi mua xe đạp được các anh cô và cả mấy người bạn hăng hái tham gia.

Cô là em út trong gia đình. Được các anh chị thương nhưng ai cũng có cái quyền dạy dỗ đe nẹt cô, nhiều khi cô cũng thấy khổ sở. Bù lại, hai anh cô lại có nhiều bạn, mẹ cô cũng hiếu khách coi bạn con như con cháu nên họ rất thoải mái, chiều chuộng cô như em. Các anh đều sắp lên đại học nên coi con bé gầy gò, mặt mũi tinh nghịch như em út của mình.

Gặp bữa, người nhà vừa đặt lên bàn ăn đĩa đậu rán chiên giòn thơm phức, các anh tiện tay nhón ăn ngon lành khiến chị giúp việc trợn mắt ngạc nhiên. Các anh cũng giúp cô trong việc học như anh Tín hàng xóm giải dùm những bài toán khó, anh Bích giảng cho cô những ý hay nét đẹp của những bài thơ cổ, các anh Hiệp, anh Bảo đạp xe đưa cô đi xem lớp xem trường trước ngày thi Trung Học Phổ Thông.

Có những buổi chiều hè, gió mát thổi qua giàn hoa ti-gôn trước mái hiên căn nhà nhỏ, các anh thổi sáo, hòa đàn. Anh cô có ngón đàn Hạ Uy Di lâm ly thánh thót, anh thường hát bài Tà Áo Văn Quân thật lãng mạn mà cô còn nhớ đến bây giờ: “Tư Mã người ơi, dừng đàn bên Văn Quân, nâng phím hào hoa kề làn môi giai nhân”. Có khi anh hứng chí hát bài Cô Hàng Nước: “Mẹ tôi nói rằng: Quyết chí hỏi vợ cho con a, quyết chí tìm nàng dâu ngoan a…” thật tức cười.

Còn có anh Dư rất đẹp trai khi anh kéo vĩ cầm bản Em Tôi, Chiều Tà, mái tóc anh xõa xuống một bên trán trông thật nghệ sĩ. Nghe đâu sau này anh lấy vợ là con một nhà văn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Cô Út bị sai bưng nước cam, xá xị, kem soda… túi bụi mà cũng không thấy phiền hà. Cô cũng nghe các anh thường suýt xoa nhắc đến những người đẹp của Saigon thời đó, nào là Bảo, Chất, Châu Phố, Châu Qui… Nhưng hình ảnh các anh cho là đẹp nhất là “Cô Thiều áo trắng đi VéloSolex”. Với cái nhìn của cô bé 13 tuổi, hình ảnh áo trắng và VéloSolex là biểu tượng cho nét đẹp trong sáng của thời đó.

VéloSolex trên đường phố Saigon xưa (file photo)

Vài năm sau, các anh lớn lên, đi học xa hay ra trường đi làm nên nhà cô cũng bớt khách, và có lẽ cô cũng đã lớn hơn nên các bạn anh cô cũng sinh ra dè dặt. Chỉ còn ít người thỉnh thoảng tới nhà. Cô còn nhớ có một anh, hình như lúc đó mới vào đại học. Anh có cái Vespa Italy hay đến chở anh cô đi chơi. Mẹ cô hay nói “thằng ấy nó hiền”, nhưng cô không chắc anh ta có hiền thật không vì thỉnh thoảng cô bắt gặp anh chở mấy cô gái đàng sau xe Vespa, hôm thì tà áo xanh, hôm thì tà áo hồng tung bay trong gió. Cô cũng không kể lại với mẹ vì thấy chẳng liên hệ gì tới mình.

Ngày ngày cô và đám bạn nhỏ trong trường vẫn đạp xe nói cười nhăng nhít. Thấm thoắt đã đến kỳ thi Trung Học Phổ Thông. Không đủ tuổi, anh cô phải làm giùm đơn xin miễn tuổi. Môn toán đại số vốn là khắc tinh của cô thì may sao, anh Hai của cô được nghỉ phép về nhà cả tháng để sửa soạn sang Mỹ học. Anh la mắng dạy dỗ ra sao mà đến kỳ thi ấy cô đậu Bình thứ.

Để làm quà thưởng, mẹ cô mua cho một chiếc xe Solex kiểu mới. Mẹ nói, ra ý không phải nuông chiều cô út, nhưng vì “trường nó sắp dọn về gần Sở thú, đi xe đạp thì hết ngày giờ”. Chiếc xe trong mộng của cô không biết được mua lại của ai nhưng trông rất mới, nước sơn đen vẫn còn bóng loáng, máy nổ dễ dàng, xe chạy êm ru. Thế là bắt đầu từ nay cô đã ung dung lướt xe VéloSolex dưới những trận mưa lá me dọc con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Xe VéloSolex, cũng gọi là Solex, không giống như những chiếc xe gắn máy của Nhật tràn ngập Việt Nam sau này, cũng khác với những chiếc Mobylette nặng nề cục mịch, máy mạnh hơn, tiếng kêu rất to. Xe Solex của cô gần giống như khung xe đạp, có gắn một bộ máy hình trụ nhỏ đằng trước dưới ghi đông. Xe thường sơn mầu đen, trông  thanh nhã, tiếng máy kêu cũng nhẹ nhàng, êm dịu. Cô nghĩ xe Solex rất hợp với thiếu nữ Việt Nam, nhất là khi mặc áo dài. Các cô học trò thường thả tà áo trắng ra sau cho gió thổi bay bay như phượng múa trên đường phố.

Từ năm này cô đã thuộc vào lớp lớn, lên học đệ nhị cấp là trên cả bốn lớp đàn em. Đã có một số bạn lớp cô bỏ trường bỏ lớp theo chồng, mà nhìn lại cô vẫn là một con bé 15 tuổi không đáng để ý.

Ở nhà thì vẫn có “anh Vespa” vẫn đến chơi với anh cô. Hình như anh ta cũng chẳng để ý đến cô, và cô cũng bận với đám bạn học, cũng chẳng để ý đến anh.

Chỉ nhớ một lần, mới gội đầu, cô ra ngồi ở bàn học với hộp đựng gương lược và kẹp tóc. Anh đi qua, tò mò đứng nhìn cô nhỏ 15 tuổi nghiêng đầu chải tóc. Cái nhìn của anh có gì là lạ, làm cô mắc cỡ, vội ôm cả gương lược chạy vào phòng trong, vẫn thấy tiếng anh cười nói, không biết với ai “cái con nhỏ, có thế mà cũng…”

Thời đó nhiều cậu thanh niên Saigon có cái mốt mỗi ngày vào giờ tan học là đến “trồng cây si” ở các cổng trường con gái.  Còn các cô học trò thì sợ nhất là các anh lẽo đẽo theo sau rồi hỏi han này nọ, ai mà nhìn thấy về mách là chết đòn hay ít ra cũng bị mắng trơ mặt mũi. Nguyệt, cô bạn ăn diện rất thời trang kể lại với đám bạn là vừa bị mẹ mắng “Tại mày cứ ăn mặc vào chúng nó mới hay theo”. Bà muốn nói con gái cứ diện bộ trang điểm nên đám con trai mới để ý mà chòng ghẹo. Mấy cô ghé tai nhau thầm thì “không ăn mặc gì nó càng theo nữa” rồi cười khúc khích với nhau.

Hồi này cô cũng mắc cỡ vì có một cây si rất trung thành. Ra khỏi cổng trường, quay đi quay lại đã thấy anh ta đứng đâu đó lặng lẽ nhìn theo cô ríu rít với đám bạn. Có lần muốn đánh lạc hướng, cô chạy xe lên nhà bạn hay ghé các cửa tiệm, tưởng thoát nhưng lúc đi ra đã thấy anh ta với chiếc Mobylette màu xám đứng chờ đâu đó.

Cô sợ không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt anh ta nhưng hình như anh ta hay mặc quần áo màu xám, mái tóc hơi quăn cũng xám và có lẽ mặt mũi anh cũng xám như chiếc Mobylette của anh. Cô tức tối nghĩ thầm người đâu mà lì quá. Nhưng anh ta không bao giờ đến gần hay nói năng gì nên cô không biết làm sao, chỉ coi anh ta như “một nỗi ám ảnh không rời”.

Minh họa: pexels-tuấn-kiệt

Nhiều năm sau, khi đã có gia đình, vợ chồng cô tình cờ gặp lại anh Mobylette ở nhà một chị bạn cũ. Té ra anh cũng là một dược sĩ đồng nghiệp với chị bạn.  Anh già hơn ngày xưa một chút, mập hơn một chút. Anh không còn cái xe Mobylette màu xám và anh vẫn chưa lấy vợ.  Anh nói chuyện nhưng hình như đầu óc để đâu đâu. Anh nhìn cô, hai mắt hơi buồn “Có lẽ không bao giờ tôi lấy vợ”. 

Những năm sau, Saigon mất đi vẻ thanh bình, lúc nào cũng thấy sôi sục không khí chiến tranh với những cách mạng và chỉnh lý. Đã thành sinh viên của Đại học Saigon và xin được ít giờ dạy ở vài trường trung học tư, cô có phương tiện rủ các bạn chạy Solex lên Dakao Tân Định ăn mì bò viên Cây Nhãn, mua sách của Tự Lực Văn Đoàn… Cô cũng đã tham dự những Đêm Không Ngủ của sinh viên thảo luận về tình hình đất nước, khi thì cùng theo các anh chị lớn theo chiến dịch Xuống Đường để phản đối chế độ mà các người trẻ thời đó cho là lỗi thời, cần đổi mới.

Một buổi chiều, đang chạy xe trên đường Lê Văn Duyệt, cô chợt thấy một chiếc Vespa phóng nhanh đến cạnh. Quay sang, cô nhận ra “anh Vespa”, người bạn thân của anh cô trước đây hay đến nhà chở anh đi chơi, đi phòng trà, khiêu vũ. Những lúc sau này không thấy anh đến nhà thường như trước và không hiểu sao lòng cô lại hay nghĩ đến anh, người thanh niên gầy gầy cao cao, ít nói, nhưng có ánh mắt làm cô bối rối. Anh nói: “Ngày mai anh phải đi Nha Trang rồi!”. Cô không nhớ lúc đó anh còn nói những gì, nhưng trước khi bỏ đi, anh nói vội “Anh sẽ viết thư cho em”.

Cô biết anh vừa tốt nghiệp trường Hành Chánh thì được đưa ra quân trường Đồng Đế ở Nha Trang để huấn luyện quân sự trước khi được bổ nhiệm đi xa. Vài tuần sau, cô nhận được thư anh nhưng cô không trả lời. Sau gần một năm, cô nghe nói anh đã mãn khóa và trở lại Saigon. Cô cũng không thấy anh đến thăm. Chắc anh sợ cô thấy cái đầu tóc ngắn, da đen khét nắng, không còn nét thư sinh của anh?

Rồi anh được đổi ra làm việc ở đảo Phú Quốc, một đảo xa tít tắp phía Nam Việt Nam. Anh lại viết thư về. Trong thư anh không than thở về cảnh sống cô đơn nơi cuối bãi đầu ghềnh mà anh lại nói về sự quyến rũ của mùi nồng thơm biển cả, màu trắng xóa của những ngọn sóng bạc đầu và màu xanh của núi rừng. Anh gọi hòn đảo là “Lost Paradise” của anh. Anh cũng mong thư của cô và dần dần anh phác họa đời sống tương lai có cô dự phần trong đó. Rồi bỗng nhiên cô thấy mình chiều nào cũng mở radio nghe tin thời tiết, dù chỉ được nghe báo tin “Hôm nay Phú Quốc trời nhiều mây…” và để thấy lòng mình cũng xao xuyến như mây.

Ít lâu sau anh trở lại Saigon vẫn hình dáng cũ, nhưng trông đã đượm nét phong sương. Bây giờ cô nói chuyện với anh lâu hơn và rồi sau đó anh đến thăm cô luôn, ngay cả khi anh cô không có nhà. Mẹ cô thì vốn đã thích anh. Lúc này anh không còn xe Vespa, lần nào đi chơi với nhau cũng bằng taxi. Chiếc xe Solex của cô cũng được nghỉ hưu. Hai năm sau anh rời đảo, về Saigon làm việc trong một cơ quan chính phủ và cô cũng lên thuyền hoa theo anh, bỏ lại quãng đời thơ mộng mà cô gọi là quãng đời VéloSolex đã qua.

Saigon vẫn tiếp tục cảnh sống phồn vinh trong nỗi ưu tư của chiến tranh kề cận. Phố xá nhộn nhịp, phòng trà quán ăn đông đúc rộn rã tiếng nói cười, nhưng đêm đêm những đốm hỏa châu vẫn vụt lên chiếu sáng vùng ven đô, như báo trước những hiểm nguy sắp tới. Rồi đến một ngày hốt hoảng dồn hết tất cả những gì có thể mang theo được vào mấy cái va-li chạy ra bến tàu, mặc cho định mệnh đẩy đưa cả gia đình vào một tương lai vô định. Nước mắt nhạt nhòa, quay đầu nhìn lại thành phố cũ, biết rằng lần này ra đi là vĩnh biệt.

VéloSolex trên đường phố Saigon xưa (file photo)

Không biết bao năm tháng đã đi qua nơi xứ người. Gặp lại những nam thanh nữ tú của Saigon năm nào, giật mình vì không thể nhận ra nhau. Mới hôm xưa còn trẻ trung nhanh nhẹn, nay nhìn lại đã thấy mái tóc muối nhiều hơn tiêu. Đúng như ngày xưa Lý Bạch đã ngậm ngùi: Buổi sáng tóc còn xanh như tơ, chiều đến đã trắng như tuyết.

Hình dáng thay đổi theo thời gian, mà định mệnh cũng vần xoay bao cuộc đời vào các ngả rẽ không ngờ. Tình cờ tìm ra một tấm hình kỷ niệm lớp Đệ Nhị ngày xưa, thấy cô bạn Vũ Hoàng Oanh thuở nào với gương mặt vui tươi như hứa hẹn một tương lai sáng lạn, thì sau 1975 ở lại Saigon đã phải vừa làm cô giáo vừa tảo tần buôn bán thêm để nuôi con khi chồng là nhà văn quân đội Dương Hùng Cường bị bắt vào trại học tập cải tạo rồi qua đời.

Sau đó Oanh cũng bị tai nạn trong khi long đong chạy hàng bán, và mất theo chồng để lại mấy đứa con còn thơ dại. Cùng đứng trong tấm ảnh ngày xưa có Thu Nhạn dung dị đoan trang mà những năm gần đây thường được thông tin trong nước nhắc đến là người vợ tận tụy sống một đời khép kín theo chồng là cố Thiếu tướng Việt Cộng Phạm Xuân Ẩn, một gián điệp nhị trùng nổi tiếng.

Gần đó trong hình là Bích Vân, người vợ xinh xắn hiền hậu của Đề đốc Hải quân VNCH Hoàng Cơ Minh, người đã thành lập tổ chức Kháng Chiến, trở lại Việt Nam lập chiến khu và nghe đâu đã hy sinh trong khu rừng Hạ Lào. Hai thiếu nữ ngây thơ trong sáng thuở nào vì nghịch cảnh lịch sử đã sống hai cuộc đời khác biệt, nay đứng trên hai chiến tuyến, biết có khi nào gặp lại nhau?

llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll