TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Tuesday, 16 April 2013

*** TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 22




Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
TỪ BI & TRÍ TUỆ SỐ 22

THƯ NGỎ
 Ban Biên-Tập PHTQ. CANADA
            TẬP-SAN SỐ 22 LỄ PHẬT-ĐẢN·                   


Kính thưa Quí vị độc giả,
Chư Tôn Đức Ban Biên Tập PHTQ trân trọng cảm niệm công đức và phước đức của Quí vị đã phát tâm bảo trợ và giới thiệu tập san.

Đạo Phật là đạo Từ Bi & Trí Tuệ.

Người thiếu tâm từ bi khó có thể hiểu nổi những lời dạy của đức Phật, khó thực hiện tâm lượng hỷ xả, bởi tâm cố chấp và thành kiến.

Người thiếu trí tuệ, bản thân khổ đau phiền não, lại còn dẫn dắt bao nhiêu người khác lạc vào tà đạo, bởi các tà pháp như cúng kiến van vái cầu xin.

Trì chú vào chai nước để thỉnh về uống, trị bá bệnh là tà pháp trong chùa. Có bệnh không điều trị thuốc men, lại vào chùa thỉnh sư trì chú đại bi, dược sư, dâng sớ cầu an, khỏi bệnh là tà pháp trong chùa. Xem các nhà sư như thần thánh, nói gì cũng tin, bảo gì cũng làm theo là người u mê, dễ bị gạt gẫm.

Khá đông người thần thánh hóa các sư tây tạng, bởi họ tụng om om ùm ùm cà lăng tăng tăng chả ai hiểu mô tê chi cả, thì cho đó là linh thiêng, thỉnh họ về nhà ban phép để xóa sạch nghiệp chướng, thỉnh bùa bình an, bùa làm ăn. Quá nhiều mê tín dị đoan trong các cách hành đạo hiện nay, trong cũng như ngoài nước, bởi con người thiếu trí tuệ.

Người có trí tuệ cần tìm hiểu rõ ràng lời Phật dạy trong các kinh điển để thực hành cho đúng chánh pháp. Nhà sư nào khuyên người không cần học kinh điển, chỉ cần niệm Phật cầu vãng sanh là loại tà sư nhiều vô số trong các chùa hiện nay.

Quan trọng nhất là khi còn sức khoẻ, tâm trí sáng suốt, con người nên phát tâm học Phật, để sống đúng chánh pháp, tâm được an nhiên tự tại.
Đến lúc duyên phước đời này đã tận, con người bình thản ra đi, tâm thần không hoảng loạn, lo sợ, tiếc nuối.
Không cần cầu siêu, cũng siêu thoát. [] 

Tâm nguyện của PHTQ là tạo thiện duyên, hiểu rằng Phật Pháp tại thế gian, được an lạc hạnh phúc, giác ngộ chân lý, giải thoát khổ đau.
Điều nào tôn giáo này công nhận, các tôn giáo khác không công nhận, chưa phải là chân lý.
Chân lý tối thượng vượt qua các nghi lễ, các hình thức của tôn giáo, nhất là vượt qua tâm cố chấp, giúp con người sống đời an nhiên tự tại.

 Văn-Phòng Phật-Học Tịnh-Quang Canada ấn tống và phát hành miễn phí Tập san Từ Bi & Trí Tuệ,
3 số mỗi năm, vào các dịp sau: Tết Nguyên Đán, Đại Lễ Phật Đản, Đại Lễ Vu Lan.

Kính mong Quí vị độc giả khắp nơi phát tâm gieo duyên với Tam Bảo, tùy tâm tùy hỷ, tùy duyên phát nguyện,
bảo trợ phương tiện hoằng pháp này, như là một nhân duyên bố thí pháp, phước đức và công đức, tự lợi và lợi tha, tự độ và độ tha.

Sự đóng góp này dù số tịnh tài bao nhiêu, nhưng với tấm lòng vị tha rộng rãi, thì phước báu sẽ rất lớn, bao la, vô lượng vô biên. Ví như chỉ với một nhân hạt cam gieo trên mảnh đất từ thiện thì kết quả thu được biết bao nhiêu trái cam ngon ngọt sau này. 

Đó chính là phước báo vậy.
Con người tai qua nạn khỏi, chính là nhờ phước báo này, không phải nhờ phép lạ.

Quí vị phát tâm bảo trợ, hùn phước ấn tống, xin ghi chi phiếu trả cho: PHAT HOC TINH QUANG
và gửi về địa chỉ:

 Phật-Học Tịnh-Quang 108 - 123 Railroad St.,Brampton, ON, L6X-1G9, CANADA
 
Ngưỡng nguyện thập phương thường trụ Tam Bảo thùy từ chứng minh công đức này và gia hộ quí vị độc giả cùng bửu quyến thân tâm an lạc, trí tuệ khai minh và cư trần lạc đạo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật.
Ban Biên-Tập PHTQ.CANADA


 MỤC LỤC PHTQ SỐ 22 
ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2013


1. Bộ Sách Cư Trần Lạc Đạo

2. Trang Mục Lục

3. Thư Ngỏ của Ban Biên Tập

5. Suy Ngẫm

6. Thích Thanh Từ Ý Nghĩa Chữ Tu

14. K.Pháp Bảo Đàn Gốc của sự tu hành

16. Vấn đề tang chế & cúng đèn

18. Tuần Báo Nam Úc

24. Chuyện hai cái bị

26. 5 Điểm Quan Trọng của Đạo Phật

29.Thích Chân Tuệ Giác Ngộ  Giải Thoát

47. Thượng bất chánh thì hạ tắc loạn

48. Thích Thanh Từ: Đời đáng yêu hay đáng chán

59. Chánh ngữ là lời nói chân chánh

60 & 61. BVĐ.XD. NHÀ DƯỠNG LÃO

62.ThíchChânTuệ: Công Ðức Phước Ðức

76. Tu Phải Làm Gì & Chí Công Vô Tư

78. Thắc mắc và giải đáp về Tang Lễ

81. Truyền thụ đại giới

83. Người Phật tử cần nên đi chùa

85. Ý Nghĩa của Nghi Lễ Tắm Phật

87. Lệ Hoa Wilson - tin Phật hay tin Chúa

 90. Phật Sự hay Ma Sự 

91. Nụ cười trên gương mặt

92. Thăm Bệnh Nhân Trong Bệnh Viện

93. Dời đến đâu dơ đến đó

94. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

95. Phật giáo không mê tín 

98. Cốt Tủy Của Ðạo Phật

101. Phật giả - Pháp giả - Tăng giả

104. Vợ Chồng Như Khách Khứa

114. Trang Thư Độc Giả PHTQ.22

118. Trang Tri Ân Ban Bảo Trợ PHTQ.22

 
THƯ PHẬT TỬ PHTQ

2013/4/13 Le Hoa Wilson
Kính Thầy,

Con không biết từ đâu mà con nhận được email của thầy, chắc là do một vài bài con viết đăng trên báo ViệtBáo và một vài phật tử đọc , forward v.v.. và con đã nhận được email từ PHTQ.
Con cám ơn thầy đã dám nói lên sự thật về việc cúng lạy, cầu nguyện, van xin thần thánh ban phước, ban tài lộc, ban sức khỏe v.v..

Con cứ thắc mắc không biết con có tội hay không vì con rất ít khi tụng kinh hoặc đi tụng hộ niệm v,,v,, (nhưng mỗi hành động con lúc nào cũng cố gắng theo lời Phật dạy)  vì mỗi lần đi thì các bạn cứ nói là 'có muốn đi tụng hộ niệm kiếm chút phước không?' hoặc là 'có muốn đi lên chùa xin nước về uống cho hết bịnh không' hoặc là 'có muốn cúng dường để được vãng sanh không?'.  Vì đó không phải là điều con mong muốn nơi đạo Phật nên con có hơi lơ là.

Hằng ngày con cố gắng đem lại một chút an vui, hạnh phúc bình thường cho những người hàng xóm bằng cách trồng trọt, săn sóc cây cảnh ở vườn nhà con (vì con ở ngay góc và ngang trường học nên có rất nhiều người qua lại) để mỗi lần họ đi ngang qua thì ngừng lại ngắm nghía vui thích, chỉ cho các đứa con cháu nhỏ mà họ rước từ trường về. Con chia sớt cho họ một vaì loại bông, cho các em nhỏ một vài trái ổi, cành lan v.v. và con thấy họ cười vui, vậy là con vui và bình an. Con không mong gì nơi họ vì đây là một xóm có nhiều người Mễ nghèo, để trồng được những bông hoa mà con trồng thì phải tốn nhiều thời giờ và tiền bạc vì mua phân, tưới nước  mà họ thì bận rộn với công việc nặng nhọc , đâu có thời giờ và tiền bạc. Vì thế họ lấy khung vườn nhà con như một cái mini park, đi qua lại ngó nhìn và vui hưởng.
Con có nhiều thắc mắc về cách tu lắm thầy ơi. Con biết thầy rất bận, thong thả rồi con sẽ xin thầy dạy cho con.

Sau đây con xin gởi $100. để giúp cho việc in kinh sách. Đúng ra đây là tịnh tài của đứa em chồng con, người Mỹ, đạo Công Giáo hoàn toàn nhưng vì chú ấy biết con đạo Phật nên gởi cho con chút ít tiền để con dùng trong việc Phật sự trước khi chú ấy qua đời (chú ấy bị cancer gan và chỉ còn 1 tháng nữa thôi). Check nầy ký bởi đứa con của con vì chú ấy quá bịnh ký không nổi. Con biết trong chùa khi nhận tiền thì hay ghi rỏ sổ sách , vậy thầy cứ tùy tiện, hoặc ghi là Vô Danh hoặc ghi là Steven Wilson, tùy ý thầy.

Con gởi check bằng US mail, tên trên check là John Wilson.  Thầy sẽ nhận được sau.
Con xin lổi thầy đã viết dài dòng làm mất thời gian quí báu của thầy.
Phật tử Lệ Hoa Wilson



Mô Phật
Kính ĐH Lệ Hoa Wilson,

VP.PHTQ rất hân hạnh được biết quí ĐH.
Trước đây có người chuyển đến bài viết của quí ĐH.
BBT hoan hỷ chọn đăng, nhưng hỏi thăm Email của quí ĐH để xin phép thì không có.
Bài viết đó đã đăng trên số PHTQ.16 (Phật đản năm 2011) và cũng được online:

Bài viết này của quí ĐH đi vào lòng người, rất nhiều độc giả cảm xúc.
Việc làm tạo mini park cống hiến (cúng dường) khách qua đường một cảm giác thoải mái, nhìn ngắm hoa trái trong vườn rất có ý nghĩa.
Chư tăng có dịp đi thiền hành quanh khu vực. Một hôm, đi ngang một sân vườn nhà kia có cây táo rất sai trái (nhiều trái).
Ông chủ nhà đang ngồi trong sân gọi lại, hái tặng mấy trái táo thơm ngon.
Thật là tình người khó quên. Không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo. Chỉ trọn vẹn tình người với người. Tình nhân loại.
Người Việt mình thường bị hai chữ từ bi & bác ái làm cho ngăn cách.
Tại sao mọi người không đến với nhau bằng tình thương giữa người và người, cùng chung tiếng nói Việt, phải không quí ĐH?
Việc cúng dường ấn tống kinh sách, khi nhận được tịnh tài (cheque or cash) VP.PHTQ.CANADA sẽ có
Thư Cảm Niệm & Hồi Hướng Công Đức.
Trong trường hợp này, chư Tăng sẽ dâng lời cầu nguyện cho đương sự được an bình trong Hồng Ân Thiên Chúa, bởi có câu:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Người thiện tâm đáng được hưởng mọi phước lành trên đời này và đời sau trên cõi nước Thiên Đàng.
VP.PHTQ.CANADA đang cố gắng hoàn tất Tập san PHTQ.22 cho kịp phát hành tháng 5.2013 trước dịp Phật đản (24.5.2013).
Tuy nhiên, quí ĐH gần xa có những thắc mắc về chánh pháp hay việc tu học, xin cứ nêu lên.
Chư Tăng sẽ tùy duyên giải đáp trước sau, để người tin Phật hay tin Chúa, hoặc chưa tin ai
- miễn là người thiện tâm - mong rằng đều cảm thấy lợi ích, an vui trong cuộc sống thực tế hàng ngày, ngay trên cõi đất này.
Kính chúc quí ĐH vạn sự an bình.
Kính thư,
VP.PHTQ.CANADA

Chánh mạng là mạng sống, cuộc sống chân chánh. Nghĩa là chúng ta chỉ làm những nghề chân chánh, không xâm phạm mạng người, tổn hại mạng vật để sinh sống.  Người có chánh mạng là người sống cuộc đời có ý nghĩa, lợi mình lợi người, không lường gạt ai, không ăn không ngồi rồi, không sống bám vào kẻ khác, không sống bám vào xã hội, luôn luôn có tâm niệm phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật.

Kính mời tham khảo LINK:

MUỐN NHẬN TÀI LIỆU THÔNG TIN PHẬT HỌC
GHI TÊN MAILING LIST
Xin liên lạc: VP.PHTQ.CANADA@gmail.com
hay: Phật-Học Tịnh-Quang Canada <cutranlacdao@yahoo.com>
* * *
Kính mời viếng thăm:

 
THƯA HỎI, ĐÁP PHẬT PHÁP PHTQ 

From: Nha Khanh
Kính thưa Thầy,

Con cám ơn lời chỉ bảo của Thầy rất nhiều.
Ngày nay người Phật tử thật khốn khổ, nhất là những người mới tìm hiểu và tin Phật,
không phân biệt được thực hư, giả thiệt trong các hoạt động của các chùa.
Thời đại internet có tiện ích nhiều, nhưng cũng có tác hại không lường trong việc truyền Pháp.
Đôi khi có người chuyển tải hình ảnh cúng kiếng nhẩy múa làm con hoang mang. Thông tin truyền bá đã dùng những danh từ có tính cách không thanh thoát, để công kích nhau, con đọc rất là khó chịu.
Con muốn tìm những huớng dẫn để mình có thể công phu hàng ngày nhưng đạt 2 điểm: 

1. Lời kinh bằng tiếng quốc ngữ hiện nay,
để dễ hiểu và dễ áp dụng vào đời sống của người tu tại gia.

2. Vì đời sống của người cư sĩ tại gia còn bề bộn nhiều trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, nên không có đủ thời gian để hành trì các thời khóa như các tu sĩ.
Như thế con sẽ tìm nơi đâu có những hướng dẫn giữ các thời khóa công phu mỗi ngày thích hợp
để mình tập tu những bước chập chững ban đầu.
Vì nhu cầu tu học, các Phật tử như con đã vào các trang mạng để lục tìm, càng tìm càng đi vào mê hồn trận. Duyên phước đủ mới gặp được trang mạng hữu ích, phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh của mình.

Kính thưa Thầy,

Con đang sống ở Mỹ, con chỉ mới qua đây được hơn 2 năm thôi.
Thầy cũng biết: môi trường ở những nước Mỹ, Úc, Canada rất tốt cho người có ý huớng tu tập, nhưng cũng vô vàn khó khăn trong việc tìm hiểu học hỏi như: phương tiện đến chùa dự pháp đàm, dự các nghi lễ, nhất là kinh sách, thú thật nhìn mà thèm thôi vì túi tiền của mình không có khả năng.

Sách được phát hành giá quá cao so với Việt Nam. Con lại đã lớn tuổi rồi nên cuộc sống phải dựa vào các con, đâu dám đòi hỏi nhiều. Ở Việt Nam có điều kiện rất dễ dàng, nhưng môi trường sống lại quá phức tạp, phải va chạm, thích nghi với những tiếng ồn không dứt của phố thị đông người, của hàng quán, của karaoke, kể cả tiếng chửi thề.

Con cũng không biết từ đâu con có được trang mạng của Thầy. Bỗng một ngày mở email và thấy có trang Thầy gửi đến, con rất phân vân không biết có nên mở xem không hay xóa? Con đã chọn việc mở thư và đọc, từ đó tất cả những gì con nhận được từ Thầy, con lưu giữ trong folder riêng và foward cho thân hữu.

Một lần nữa con xin cám ơn sự huớng dẫn của Thầy, và xin sám hối về những sai phạm của mình trong việc không ý thức chuyển tải những điều không nên.
Kính chúc Thầy sức khỏe và hoạt động truyền Pháp
rộng khắp cho những người Phật tử sơ cơ như con được đi đúng huớng.
Kính thư,
Nhã Khanh.



Kính quí ĐH Nhã Khanh,
Bàn tay, đồng tiền hay tờ giấy luôn luôn có 2 mặt, không thể tách rời được.
Cũng vậy, chuyện đời cũng như chuyện đạo, luôn luôn có 2 mặt.
Có người thiện, cũng có người bất thiện.
Trong tâm của một con người, có lúc nghĩ thiện (lợi mình lợi người),
cũng có lúc nghĩ bất thiện (lợi mình hại người).
Khi tâm chưa bình an, dù ở nơi chốn nào cũng có điều bất như ý.
Trong các sinh hoạt nhà chùa, dĩ nhiên có nhiều điều hay tốt,
cũng có lắm điều gạt gẫm, không tốt.
- Tại sao?
- Bởi vì tăng chúng đâu phải ai cũng tốt, cũng chân tu thực học tất cả đâu.
- Phải nói, một số không ít tăng ni phát tâm cạo tóc,
nói là muốn tu,
nhưng không học hiểu giáo lý và thực hành lời Phật dạy
ngay trong đời sống hàng ngày.
Do đó, đa số tăng ni chỉ biết tụng lóc cóc leng cheng kiếm sống,
nói chuyện trên trời, dưới biển,
thần thánh hóa bản thân,
chuyện tu hành chẳng biết lẽ đúng sai, không phân biệt chánh pháp và tà pháp.
Người Phật tử, do đó, p
hải biết tự tìm học, đi chùa đúng chánh pháp,
tìm hiểu sự việc trước khi thực hành việc tu tập.
Chớ vội nghe theo, hay thần tượng bất cứ nhà sư nào,
giữ tâm không thành kiến, y pháp bất y nhân.
Phải dùng trí tuệ xem xét lời giảng có đúng chánh pháp chăng?
- Thế nào là đúng chánh pháp?
- Phải tự thắp đuốc mà đi
- nghĩa là tự lực từ bỏ tham sân si, mới thực là tu.
- Phải hiểu rõ mọi việc trên đời không ngoài nhân quả, không tồn tại vĩnh viễn.
- Không ai có thể cứu được mình
- kể cả đức Phật khi còn tại thế cũng không cứu được các đại đệ tử
khi nghiệp báo xảy đến.
Huống là ngày nay, chúng ta van xin cầu khẩn với tượng Phật,
có được gì đâu,
có gì là linh thiêng đâu?
- Nhà sư chết còn chưa biết đi về đâu - siêu hay không siêu -
làm sao cầu cho người khác siêu được?
- Đừng đợi khi chết rồi, thỉnh sư, mời cha, đến cho đông, cầu cho nhiều,
chỉ có tiền mất - tật vẫn mang!
- Chỉ có chính mình cứu được mình thoát khỏi sanh tử luân hồi mà thôi.
- Bằng cách nào?
- Học hiểu và Thực hành lời dạy của đức Phật
ngay trong đời sống hàng ngày,
luôn luôn quán sát xem tâm niệm của bản thân

sáng suốt chăng,
chân chánh chăng,
thanh tịnh chăng.

Tâm Sáng Suốt (Phật)
Tâm Chân Chánh (Pháp)
Tâm Thanh Tịnh (Tăng)
chính là
TỰ TÂM TAM BẢO,
chẳng phải đi tìm bên ngoài hay ở đâu xa.
Tìm bên ngoài, thường gặp
Phật giả
Pháp giả
Tăng giả.
Vài hàng đơn giản kính mong quí Đạo Hữu luôn tinh tấn,
mong rằng hôm nay mình tiến bộ hơn hôm qua.
Kính thư,
BBT.PHTQ.CANADA
THÔNG BÁO
PHẬT HỌC TỊNH QUANG KÊU GỌI ẤN TỐNG KINH SÁCH

Văn Phòng Phật Học Tịnh Quang trân trọng kêu gọi quí vị thân hữu, đạo hữu hảo tâm gần xa hùn phước và giúp đỡ việc ấn tống kinh sách hữu ích cho quí Phật tử tại gia tu học trong năm 2013. 
Tập san PHTQ 22 (Đại Lễ Phật Đản PL.2557) đang được biên tập và sẽ phát hành miễn phí vào tháng 5-2013.
Quí vị có thể nhận miễn phí nơi các chùa, các tòa soạn báo, các Bác sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ hay các cơ sở thương mại tại Toronto, Brampton, Hamilton, Montréal.
Phố Tàu Toronto số lượng nhiều nhất tại tiệm Tạp Phong 360 Spadina Ave.
Quí vị muốn nhận tập san qua bưu điện xin ủng hộ cước phí $10/ 1 quyển, gửi về địa chỉ sau đây.
Quí vị khắp nơi, phát tâm góp bài, đóng góp ý kiến, khởi tâm bảo trợ, hùn phước ấn tống, cúng dường tịnh tài, tùy duyên thỉnh sách, qua thư bưu điện, không qua điện thoại, hoan hỷ liên lạc: 
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ,
108 - 123 Railroad St., Brampton, ON, L6X-1G9
Trân trọng thông báo,
Ban Biên Tập
PHẬT HỌC TỊNH QUANG CANADA


Monday, 1 April 2013

*** NHÀ DƯỠNG LÃO TUỔI HẠC TẠI ONTARIO


 
 
 
Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll


LÁ THƯ BAN VẬN ĐỘNG
Xây dựng Nhà Dưỡng Lão Tuổi Hạc tại Ontario

Kính thưa quí đồng hương Việt Nam

Thời gian thắm thoát trôi qua nhanh chóng, lớp người du học sinh Việt Nam đặt chân đầu tiên đến Canada trước 1960 nay tuổi đã ngoài 70, lớp người định cư sau năm 1975 có người nay tuổi cũng ngoài 80-90. Con số đó thật không nhỏ. Như thế nhu cầu cần có một trung tâm an dưỡng cho các cụ cao niên Việt Nam quả thật là điều bứt thiết, không kém gì nhu cầu săn sóc cho trẻ thơ.

Tục ngữ ta có câu: “Một già một trẻ đồng nhau”. Thật vậy, khi con người tuổi tác càng cao thì thể chất và tinh thần lại càng thấp, tâm lý thay đổi mau chóng như thuở còn bé, nghĩa là cũng cần sự quan tâm chăm sóc. Thế nhưng rất tiếc cho đến hôm nay người Việt chúng ta ở nhiều nơi vẫn chưa thực hiện được những cơ sở “dưỡng già” riêng cho cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu cho các cụ cao niên, mà đáng lý ra một công dân cao niên Canada phải được thừa hưởng đầy đủ. Phải chăng một phần nguyên nhân là do tập tục lễ nghĩa trong truyền thống gia đình của người Á đông đã kiến cho ông bà, cha mẹ chưa muốn rời xa con cháu, hay nói cách khác là chưa sẳn sàng vào nhà dưỡng lão. 

Tuy nhiên có một điều khá trớ trêu cho hai lớp người một già một trẻ này là, khi con cháu lớn lên phải đi làm, thì sức khỏe ông bà, cha mẹ ngày một già yếu. Các cụ phải sống ở nhà một mình trong khi con cháu đi làm vắng nhà là một điều hết sức nguy hiểm. Có nhiều vị đã uống thuốc quá liều lượng, có vị đã vô tình gây hỏa hoạn, hay có nhiều vị đã bỏ nhà lang thang ra đường..v.v… Các tổ chức cộng đồng người Việt trong đó có các tôn giáo đều có những băn khoăn trước vấn đề này.

Gần đây người Việt Alberta may mắn có được hai vị dân cử tỉnh bang gốc Việt (MLA). Họ đã thấy được nhu cầu đó nên khuyến khích chúng tôi thực hiện dự án nầy. Sau cuộc thử nghiệm đầu tiên là thực hiện một ngôi nhà dưỡng lão 140 phòng vào năm 2002. Cơ sở gồm có hai khu vực, một khu vực dành cho người sống tự túc (Independent) và một khu vực dành cho người được chăm sóc (Assisted Living), thành lập xong vào tháng 9 năm 2008. Sau hơn 4 năm hoạt động, chúng tôi có chút ít kinh nghiệm nên muốn trợ duyên cùng quí đồng hương chúng ta tại Toronto và các vùng phụ cận một dự án thứ hai. Toronto là một nơi được mệnh danh là thủ phủ của cộng đồng người Việt Canada, chúng tôi nghĩ với số lượng người Việt tại đây cao gấp 10 lần so với số dân việt tại Edmonton thì chắc chắn nhu cầu phải cao hơn nhiều.

Vì vậy hôm nay, thay mặt ban vận động chúng tôi xin kêu gọi quí đồng hương, nếu xét thấy đây là nhu cầu thực tiễn cho gia đình hay cho cộng đồng thì xin quí vị góp một bàn tay với chúng tôi thực hiện dự án nhà dưỡng lão này bằng cách đóng góp một lần, đóng góp định kỳ, hay cho mượn không lấy lãi trong vòng 2,3,4 năm hoặc cho đến khi hoàn thành. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Có như thế chúng ta mới mong thực hiện được dự án như mơ ước đó trong thời gian ngắn nhất.

Tất cả số tiền gây quĩ được chúng tôi bỏ vào trương mục ngân hàng, công khai trên báo chí, chỉ dùng vào việc xây cất nhà dưỡng lão Tuổi Hạc tại Ontario. Chúng tôi nguyện đem hết sức mình để làm công việc từ thiện này, mục đích chỉ nhằm giúp cộng đồng có được một cơ sở phúc lợi xã hội, phục vụ cho người cao niên Việt Nam. Cơ sở này hoàn toàn không phân biệt tôn giáo, sắc tộc.

Một điều mà chúng tôi muốn nói thêm là: nếu dự án này chẳng may không thành tựu vì bất cứ lý do gì thì ban vận động sẽ giải quyết làm sao? Xin thưa quí vị, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, và phải hoàn trả tất cả số tiền theo danh sách đóng góp mà ban vận động đã ghi nhận và đăng báo.
Trân trọng cảm ơn và kính chào quí liệt vị.

Tỳ kheo Thích Thiện Tâm
Trưởng Ban Vận Động xây dựng nhà Dưỡng Lão Tuổi Hạc tại Ontario
Chi phiếu Ủng Hộ xin vui lòng ghi:
GOLDEN AGE VILLAGE For The ELDERLY (hoặc viết tắc: G.A.V.E)
P.O.Box 92142 Piazza Village, 9200 Weston Road. Vaughan, Ontario.
L4H 3J3. CANADA. 1(905) 856-9769

 Giáo sư Nguyễn Quang Phong & Bác sĩ Bùi Xuân Nhiếp
 
 
 
 
 
 
 



 CỨU KÍNH CỦA ĐẠO PHẬT
 TK Thích Chân Tuệ

Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Ðức Phật có dạy:
 "Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo". 
Nghĩa là chúng ta không làm tất cả các việc bất thiện, không làm những việc ác, tránh những việc tổn người hại vật, cố gắng làm tất cả những việc thiện, những việc ích lợi cho người khác, nhưng đừng ghi nhớ, đừng chấp chặt vào những việc ích lợi đã làm, thì tâm ý của chúng ta sẽ được thanh tịnh. Ðó là tu tâm dưỡng tính, đó là điều cốt yếu chư Phật mười phương ba đời muốn dạy như vậy.

Thí dụ chúng ta đã làm những việc ích lợi cho bất cứ ai mà chấp chặt vào đó thì tâm của chúng ta sẽ bực dọc, bất an khi không được ai khen tặng hoặc không được ai đáp ứng như ý.

Nếu như quên đi những việc thiện đã làm, giúp đỡ người với tâm "thi ân bất cầu báo đáp", thì chúng ta sẽ yên ổn, bình an, tâm của chúng ta sẽ không loạn động, không bực bội khi gặp phải người vô ơn. Trong Kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng:

 "Trong tâm khiêm tốn là công. Ngoài hành lễ phép là đức". Hay:
 "Nội cần khắc niệm chi công. Ngoại hoằng bất tranh chi đức".
Nghĩa là "bên trong" chúng ta phải chuyên cần vận nội lực loại trừ những tâm niệm kiêu ngạo, tật đố, ngã mạn, ganh tị, đố kỵ, khen mình khinh người, để đạt được tâm niệm khiêm tốn, hạ mình, nhún nhường, tùy hỷ công đức.

Ðồng thời, chúng ta cũng phải vận nội công để khắc phục các tạp niệm, để tâm không còn có các vọng tưởng.

Mỗi khi tạp niệm, vọng tưởng khởi lên, chúng ta liền giác ngộ, liền nhận biết và dừng ngay, không tiếp tục theo dòng tâm thức, đi lang thang từ đông sang tây, từ quá khứ đến hiện tại và vị lai, từ chuyện này đến chuyện khác. Như vậy chúng ta có được "công".

Ðiều quan trọng cần biết là: chúng ta đừng sợ có vọng tưởng, tạp niệm khởi lên trong tâm thức. Ai ai cũng có vọng tưởng và tạp niệm.

Chỉ sợ chúng ta không giác ngộ, không nhận biết kịp thời, nên bị vọng tưởng, tạp niệm lôi cuốn, đi lang thang làm khách phong trần, quên mất cố hương, từ bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Khi dong ruổi theo các vọng tưởng, tạp niệm như vậy, tâm của chúng ta sẽ loạn động với thất tình lục dục, tức là quên mất "bản tâm thanh tịnh" sẵn có của chúng ta.

Còn "bên ngoài" chúng ta thực hành lễ phép, cung kính, tôn trọng tất cả mọi người, bởi vì mọi người ai ai cũng có "Chân Tâm Phật Tính" như nhau, mọi người ai ai cũng có ưu điểm để chúng ta học hỏi, noi theo, không phân biệt, không thành kiến, không kỳ thị, không tranh cãi, không hơn thua, không thị phi, không ỷ mình là kẻ trên người trước, kẻ có nhiều công lao, kẻ có nhiều tài năng, kẻ làm được nhiều việc không ai bằng. Như vậy chúng ta được nhiều người thương mến, gần gũi. Như vậy chúng ta có được "đức". 

Thêm nữa, người Phật Tử muốn có công đức thì bên trong không có tâm chấp ngã, tâm chấp pháp, nói chung là tâm cố chấp; bên ngoài hành động luôn luôn ngay thẳng, bình đẳng, công minh, chính trực.

Hãy phát tâm tìm học kinh điển, biết đúng Chính Pháp mà hành theo, tránh chuyện tu mù, tu mò, để khỏi lạc sang tà giáo, ngoại đạo. Công đức là ở "Pháp Thân", phát sinh trí tuệ bát nhã, không do tu phúc, không do làm những việc phúc thiện mà được.

Chúng ta ngày nay cũng hay lầm lẫn cho rằng lập chùa, giúp chư tăng tu học, bố thí, cúng dường, làm Phật sự, đi chùa lạy Phật là được nhiều công đức và tự hào rằng mình làm vô lượng vô biên công đức, cần phải được tán thán, rồi chờ đến ngày được vãng sinh về cõi tây phương cực lạc quốc của Ðức Phật A Di Ðà!

Trong Kinh A Di Ðà, Ðức Phật dạy rất rõ ràng cõi Tây phương cực lạc là nơi chỉ có các bậc bồ tát "nhứt sinh bổ xứ", tức là các bực "thượng thiện nhơn" sắp thành Phật, những người hiền thiện bậc thượng, gặp gỡ nhau mà thôi.

Những người còn đầy dẫy tham sân si, đầy dẫy nghiệp chướng, đầy dẫy phiền não thì nhứt định không thể nào đạt được cảnh giới đó. Không thể chỉ lấy có một chút ít thiện căn phúc đức làm nhân duyên, để cầu nguyện về cõi cực lạc đó được.

Ví như người đeo nặng qua sông thì phải chìm, không thể nổi được. Chứ không phải Ðức Phật A Di Ðà không có lòng từ bi cứu độ chúng ta.

Chư Phật có tâm đại từ đại bi muốn cứu độ chúng ta, nên chỉ dạy các pháp môn tu học, các phương pháp, để chúng ta noi theo đó mà tự mình tu tập, để tự được cảnh giới an lạc và hạnh phúc hiện đời và vãng sinh mai sau.

Có người quan niệm "đới nghiệp vãng sinh", nghĩa là con người vẫn còn mang nghiệp chướng, nhưng nhờ biết niệm Phật A Di Ðà, nên được Ngài thương xót cho vãng sinh về cõi tây phương cực lạc, rồi tu tiếp sướng hơn. Ðiều này có vẻ "phe đảng" cũng như quan niệm cứ chấp nhận rước thượng đế vào lòng thì sẽ được thượng đế cho về thiên đàng, hưởng phúc đời đời, không cần biết đó là người như thế nào!

Thực ra, đạo Phật không có dạy như vậy. Nếu thực sự muốn tu cho thành người tốt, thì chúng ta hãy tu ngay ở cõi đời này, đừng hẹn. Còn mang nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, nếu về tây phương, chỉ làm nơi đó ô uế mà thôi.

Dù có được về bên đó chăng nữa, không thấy thích hợp, cũng sẽ đòi về trở lại mà thôi!

Sống với những người thế tục, chúng ta mới cần phải tu, mới có cơ hội để tu. Chứ về bên đó gặp toàn người tốt thì đâu cần phải tu nữa.

Cũng như người còn nhiều phiền não quá, nhiều nghiệp chướng quá, dù có được đưa vào chùa ở, mà không quyết tâm trì chí, cũng khó mà tu được, có ngày cũng xuất, nếu không xuất thì sẽ gây biết bao nhiêu việc đáng tiếc cho cảnh thiền môn!

Trong Kinh A Di Ðà, Ðức Phật cũng dạy nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe được danh hiệu Phật A Di Ðà, luôn luôn trì giữ danh hiệu đó trong tâm trí, lúc nào cũng niệm Phật, nhớ nghĩ tới Phật, trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày, đạt được tâm yên không loạn.

Khi thọ mệnh hết, người như vậy giữ gìn được tâm không điên đảo, tức thời được vãng sinh cõi nước tây phương cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà. Tại sao vậy?

Bởi vì khi tâm của người đó luôn luôn niệm Phật, không còn lăng xăng, lộn xộn, không còn loạn động vì các việc đối đãi thị phi, hơn thua, tốt xấu, cho nên cảm ứng được cảnh giới tịnh độ của Ðức Phật A Di Ðà vậy.

Nói cách khác, tâm của người đó thấy mọi sự đúng như thực, thấy mọi việc không còn điên đảo, gọi là "tâm bất điên đảo", cho nên người đó thấy được "Tự Tính Di Ðà, Duy Tâm Tịnh Ðộ".

Nghĩa là nhờ tâm được thanh tịnh, bất loạn động, bất điên đảo, cho nên người đó thấy được "Phật Tính", tức là "Pháp Vô Sinh", không còn sinh tử luân hồi, tức đắc vãng sinh tây phương cực lạc.

Nếu còn nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, nghĩa là tâm còn điên đảo, tâm còn loạn động, làm sao vãng sinh được mà mong cầu!

Cõi tây phương cực lạc hay cõi thiên đàng là cảnh giới "bất tùy phân biệt", bình đẳng tuyệt đối, chí công vô tư, làm gì còn chia giai cấp có chín phẩm, ba hạng, thượng trung hạ, như con người tưởng tượng cho thêm lộn xộn và phức tạp! Không thể lấy tâm lượng phàm phu xét cảnh giới bồ tát!

Như vậy, cốt tủy của đạo Phật, không phải là van xin cầu nguyện, cúng kiến lễ lạy cho nhiều, mà chính là lúc nào cũng nhớ nghĩ tới hạnh nguyện của chư Phật, nói lời như Phật dạy, hành động như Phật dạy, luôn luôn giữ gìn tâm ý thanh tịnh, bình an, yên tĩnh, không loạn động, không điên đảo.

Ðược như vậy, tam nghiệp hằng thanh tịnh, chúng ta vừa có phúc đức vừa có công đức đầy đủ, phúc tuệ trang nghiêm, tùy tâm mãn nguyện. Kinh sách có câu: "Phúc Tuệ Lưỡng Toàn Phương Tác Phật". Cứu kính của đạo Phật chính là nghĩa đó vậy. 


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
cutranlacdao@yahoo.com


ĐÊM BỊNH VIỆN
TRẦN VĂN LƯƠNG
 
Đêm bệnh-viện, sầu tơi trên tóc trắng,
Người già nằm, bóng hạc lắng chiều sương,
Mắt ngu ngơ như nắng lỡ độ đường,
Nhìn con gái dựa bên giường gà gật.

Đầu ngật ngầy váng vất,
Thương con mình tất bật ngược xuôi,
Mấy ngày qua luôn túc-trực không rời,
Đến tối mịt mới về nơi tổ ấm.

Bàn tay già chầm chậm,
Thờ thẩn nắm tay con.
Từ rãnh mắt xoáy mòn,
Giọt thương cảm lăn tròn theo vết cũ.

Khuya rồi đó, sao con chưa về ngủ,
Chuyện tuổi già, con ủ-rũ làm chi.
Chín mươi rồi, Bố chưa bị cất đi,
Mình may mắn, có gì mà áo-não.

Hãy để Bố vào ở nhà dưỡng lão,
Như mọi người vừa khuyên bảo sáng nay,
Vì một mai khi rời khỏi nơi đây,
Khó khăn sẽ theo tháng ngày dai dẳng.

Bố không muốn mình trở thành gánh nặng,
Để cho con phải lo lắng miệt mài
Đời con còn nhiều trách-nhiệm trên vai,
Đâu có thể chực-chầu hoài sớm tối.

Thân gầy còm yếu đuối,
Sao kham nổi đường xa.
Thêm việc sở, việc nhà,
Chuyện con cái, dễ gì mà vất bỏ.

Người già thường cau-có
Nằm liệt giường, càng khó tính gấp trăm.
Dù cho con chẳng quản ngại nhọc nhằn,
Nhưng chịu đựng tháng năm dài sao thấu.

Bố vẫn muốn sống đời bên con cháu,
Dẫu cơ-hàn, mà rau cháo có nhau.
Bao năm qua mất Mẹ , bấy năm sầu,
Bố gượng sống với niềm đau-lẻ-bạn.

Buồn nhớ lại ngày vượt biên hoạn-nạn,
Bỏ quê nhà, chấp-nhận vạn gian-truân,
Chết trong tay đã nắm chặt chin phần.
Mạng sống chỉ ngàn cân treo sợi nhỏ.

Con thuyền khốn khổ,
Sóng gió tả-tơi,
Phút chót đã kề nơi,
Lối định-mệnh, ai người sống sót.

Tưởng chỉ được nhìn Mẹ, con lần chót,
Nhưng Trời thương cho trót-lọt qua đây,
Trong khi bao người biển cả vùi thây,
Giờ sao nữa, chẳng mảy-may tiếc rẻ.

Bố chỉ hận mình không còn sức khỏe,
Đở đần con việc lẻ-tẻ hôm mai,
Để chiều về, con bớt phải loay-hoay,
Được yên nghỉ sau ngày dài kiệt sức.

Khi bị đẩy vào trong phòng hồi-lực,
Bố biết mình gần tới lúc xuôi tay.
Dù thoát nạn hôm nay,
Đời cũng phải rẽ ngay vào lối ngoặc.

Bố tự biết như ngọn đèn sắp tắt,
Nên cố tình bẳn gắt mấy ngày qua.
Nếu chẳng may phải theo gót ông bà,
Con cũng đở xót xa giờ đưa tiễn.

Mai kia rời bệnh-viện,
Con đừng bịn-rịn xót xa,
Hãy nghe lời y-tá dặn ngày qua,
Mà đưa Bố thẳng ra nhà dưỡng lão.

Cuộc sống mới dù là mưa hay bão,
Bố không buồn,tự bảo vẫn còn may,
Vì biết rằng, chỉ quanh-quẩn đâu đây,
Con cháu Bố đang vui vầy hạnh-phúc.

Rồi sẽ có những buổi chiều hun-hút,
Bố nặn dần từng phút ngóng người thân.
Nhưng rủi con chẳng tới được một lần,
Bố cũng hiểu, đừng bận tâm ray-rứt.

Bố không ngại chặng cuối đời khổ cực,
Nhìn thấy con hạnh-phúc, Bố vui lòng.
Tuổi đã nhiều, phận Bố thế là xong,
Con phải sống cho chồng, cho con cái.

Hứa với Bố, con sẽ không buồn mãi,
Nếu mai này, khi Bố phải ra đi,
Mà con không kịp đến lúc phân-kỳ,
Nói cùng Bố lời chia-ly vĩnh-viễn.

 Đêm trơn giấc, người con rời bệnh-viện,
Đôi mắt già quyến-luyến vọng đưa chân.
Trong ký-ức phai dần,
Khuôn  mặt những người thân vùng hiển-hiện.

Lòng chợt thoáng bùi-ngùi khi nghĩ đến
Phút lên đường, theo ước-nguyện ba-sinh,
Chân bơ-vơ trong tăm tối một mình,
Mò mẫm lối hành-trình về thiên-cổ.

Ý NGHĨA CÔNG ĐỨC VÀ PHƯỚC ĐỨC
TÂM CHƯ PHẬT SẼ THÀNH
SỰ VÔ MINH TRONG PHẬT GIÁO
LUÂN HỒI SANH TỬ TRONG ĐẠO PHẬT
37 PHẨM TRỢ ĐẠO TRONG CHÁNH PHÁP