Kính Chúc Quí Vị & Gia Đình
Năm Mới 2024
An Lạc & Hạnh Phúc
https://phtq-canada.blogspot.com/2013/01/lac-va-hanh-phuc.html
https://phtq-canada.blogspot.com/2018/12/an-lac-va-hanh-phuc.html
https://phtq-canada.blogspot.com/2019/12/an-lac-va-hanh-phuc.html
https://phtq-canada.blogspot.com/2022/02/an-lac-va-hanh-phuc.html
AN LẠC VÀ HẠNH PHÚC
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Trên thế gian này, an lạc và hạnh phúc
là niềm ao ước, mong muốn của tất cả mọi người, không phân biệt
màu da, sắc tộc hay tôn giáo. Người theo bất cứ tôn giáo nào trên thế giới cũng
đều muốn có được một cuộc sống an lạc và hạnh phúc ngay hiện tại, trước khi từ
giã cõi đời này ra đi, về cõi niết bàn hay thiên đàng.
Cuộc sống an lạc và hạnh phúc không phân biệt, không dành riêng
cho người giàu nghèo, học thức, địa vị, hay nam phụ lão ấu.
Cuộc sống an lạc và hạnh phúc chỉ có với những ai "biết" cách sống an lạc và hạnh phúc mà thôi.
Nhiều khi chúng ta nghĩ an lạc và hạnh phúc
do tạo hóa ban cho, do cầu nguyện Trời Phật hay thượng đế, thần
linh mà được. Bởi vậy cho nên, khi gặp khổ đau và phiền não, con người thường
tìm kiếm bình an trong sự cầu nguyện, hay mong đợi sự ban ơn cứu rổi của thần
linh hay thượng đế.
Chúng ta thử hỏi
có mấy ai được bình yên, được an lạc và hạnh phúc qua sự cầu nguyện
suông như thế?
Thí dụ như có người bị bệnh, nếu chỉ biết cầu khẩn, van xin bác
sĩ, cho mình khỏi bệnh, như vậy chưa đủ. Người đó phải chịu nghe lời dặn, phải
chịu uống thuốc, phải chịu tập thể dục, phải chịu kiêng cử, thì mới có nhiều hy
vọng khỏi bệnh được.
Hơn nữa chúng ta thử suy nghĩ: mình có xứng đáng được hưởng an
lạc và hạnh phúc như đã mong cầu hay không?
Nếu có, thượng đế là đấng toàn năng,
chí công vô tư, đã ban cho chúng ta rồi, đâu cần phải cầu nguyện?
Nếu không, chúng ta có cầu nguyện cũng vô ích mà thôi.
* * *
Trong quá khứ xa xưa, việc tin tưởng thần linh chỉ để an ủi
những người quá khổ đau chưa tìm được lối thoát.
Ngày nay, nếu con người không chịu tích cực chữa bệnh cho chính
mình mà chỉ biết cầu khẩn, van xin, chỉ biết đem toa thuốc đọc tụng hằng trăm
ngàn lần thì bác sĩ hay thần linh cũng bó tay mà thôi.
Có người còn mê tín hơn, khi gặp cảnh ngộ khổ đau và phiền não,
bèn đi coi bói, xem tướng, đoán vận mạng ở những ông bà thầy bói, là những
người không còn phương kế sinh nhai nào khác, ngoài chuyện tán dóc dựa theo tâm
lý của con người, để gạt người khổ đau nhẹ
dạ.
Họ bảo người đó về nhà, đổi cái cửa, sửa cái giường, phá cái
tường, xoay cái bếp, dán bùa cùng khắp cửa lớn, cửa sổ, cầu tiêu, nhà bếp, với
hy vọng được bình yên, được tai qua nạn khỏi, được an lạc và hạnh phúc!
Thực ra làm như vậy chỉ gây thêm phiền toái trong gia đình, bởi
vì đâu phải ai cũng tin những điều mê tín đó, chứ làm sao có được an lạc và
hạnh phúc?
Muốn có được an lạc và hạnh phúc,
chúng ta hãy tích cực tìm hiểu thế nào là an lạc,
thế nào là hạnh phúc, hạnh phúc từ đâu tới, an lạc từ đâu có,
để rồi chúng ta
cố gắng thực hiện cho bằng được
cuộc sống an lạc và hạnh phúc ngay hiện tại, trên thế gian này,
bằng chính quyết tâm và nỗ lực của chúng ta.
Người ta ở đời thường quan niệm hạnh phúc qua hình ảnh của một
cuộc sống đầy đủ vật chất và tinh thần.
Người ta thấy một người có nhà cao cửa rộng, có vợ chồng con cái
đàng hoàng, có công ăn việc làm tốt, có địa vị trong xã hội, thì liền cho đó là
hạnh phúc và mơ ước có được một cuộc đời như thế.
Quan niệm như vậy có nghĩa là người ta chỉ biết
cái hạnh phúc bên ngoài,
cái hạnh phúc trước mắt của ngày hôm nay,
chứ chưa phải là hạnh phúc "thực sự và vĩnh cửu".
Chúng ta hãy chuẩn bị tư tưởng, tìm hiểu
thế nào là an lạc và hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu.
Nếu không, dù có được cái hạnh phúc vật chất như hằng mơ ước,
chúng ta cũng không thực sự có được an lạc và hạnh phúc lâu dài.
Tại sao vậy?
Bởi vì dù người có hạnh phúc vật chất, chưa chắc có an lạc tinh
thần. Thí dụ như chúng ta trúng số độc đắc kỳ này, chúng ta có thừa khả năng để
sắm xe hơi, xây nhà lầu, tạo dựng một cuộc sống vật chất giàu sang, sung sướng.
Nhưng thử hỏi, như vậy, chúng ta có an lạc và hạnh phúc hay không?
Một cuộc sống đầy đủ về vật chất của ngày hôm nay chưa chắc đã
tồn tại vĩnh viễn cho đến ngày mai. Cuộc đời biến đổi không cùng, không ai có
thể biết được ngày sau của mình sẽ ra sao. Ngày sau sẽ ra sao, là câu hỏi không
có câu trả lời. Ðừng đi kiếm câu trả lời nơi mấy ông bà thầy bói, vô ích, phí
công, phí sức, phí tiền bạc, phí thời gian.
Tại sao vậy?
Bởi vì các ông bà thầy bói còn chưa biết ngày sau của họ thế nào
nữa kìa! Trước đây, có ai ngờ được rằng ngày nay người dân Việt chúng ta sống
lưu lạc khắp nơi trên quả địa cầu này hay không.
Những cái chúng ta có hôm nay,
ngày mai có thể bị biến đổi, hư hoại hay mất đi,
lúc đó chúng ta sẽ nghĩ sao?
Lòng tiếc nuối tiền tài, của cải, tài sản, đâu làm cho cuộc sống
của chúng ta được an lạc và hạnh phúc. Những công ăn việc làm khấm khá hôm nay,
có thể thất bại ngày mai.
Lúc đó, chúng ta sẽ nghĩ sao, lòng tiếc nuối công ăn việc làm
hôm qua, đâu làm cho cuộc sống hôm nay được an lạc và hạnh phúc.
Những quan hệ bạn bè tốt đẹp hôm nay có thể sẽ biến đổi ngày
mai, có thể trở nên thù nghịch, tai hại không thể lường trước được.
Vì là bạn bè chí thân chí thiết với nhau hôm qua, chúng ta đã
trót dại tâm sự quá nhiều điều thầm kín riêng tư, về lý lịch, về tình cảm, về
công việc làm ăn, bí mật nghề nghiệp chẳng hạn, ruột gan phèo phổi đem ra phơi
ráo, để rồi hôm nay, quan hệ không còn tốt đẹp nữa, họ đem những chuyện biết
được công khai trước dư luận, trước mọi người, chúng ta nghĩ sao? Lòng bực tức,
oán thù, giận dữ, đâu làm cho cuộc sống của chúng ta được an lạc và hạnh phúc.
Những người thân thích, quyến thuộc như cha mẹ, anh chị em, vợ
chồng, con cái của chúng ta, đâu phải vĩnh viễn tồn tại trên thế gian này. Ðến
lúc những người thân thuộc đó có mệnh hệ nào, hoặc từ giã chúng ta ra đi, chúng
ta nghĩ sao? Lòng thương yêu, trìu mến, tiếc thương, đâu làm cho cuộc sống của
chúng ta được an lạc và hạnh phúc.
Tất cả những của cải vật chất,
những thứ có hình tướng, mà chúng ta có thể dùng cặp mắt thường
để nhìn thấy được, dùng bàn tay để xúc chạm được, trên thế gian này,
đều phải trải qua bốn giai đoạn:
"sinh, trụ, dị, diệt".
Nghĩa là mọi thứ của cải vật chất, có hình tướng, nhỏ như cái
bàn, cái ghế, nhà cửa, cây cối, lớn như dãy núi, quả địa cầu, đều được hình
thành, bằng cách này hay cách khác,
gọi là "sinh", hiện diện trên thế gian này
một khoảng thời gian nào đó,
gọi là "trụ", tồn tại được vài năm hay vài
chục năm, vài trăm năm hay mấy ngàn năm, thậm chí vài triệu năm, cũng phải đến
giai đoạn biến đổi, hư hoại,
gọi là "dị", và cuối cùng cũng tan rã, biến
mất,
gọi là "diệt".
Chúng ta nên biết thêm rằng các thứ vật chất, có hình tướng nói
trên đây, bao gồm cả cái thân thể nặng mấy chục ký lô của chúng ta, trong kinh
sách thường gọi là "thân tứ đại", gồm có địa, thủy, hỏa, phong, tức là
đất, nước, lửa, gió hợp thành này,
hay nói cách khác,
cái thân bằng đất sét nhồi với nước rồi phù hơi nóng vào mà
thành, cũng phải trải qua bốn giai đoạn "sinh, trụ, dị, diệt" không thể khác được!
Chúng ta được cha mẹ sinh ra, lớn lên, trưởng thành, trụ thế
được vài chục năm, rồi đến thời kỳ cơ thể biến dị, trở nên già nua, da dẻ nhăn
nhúm, lưng còm, má hóp và cuối cùng rồi cũng bị hủy diệt.
Ðược trải qua đủ bốn giai đoạn "sinh, trụ, dị, diệt"
như thế, chúng ta thực sự có nhiều phước báo, sống được trăm tuổi, do tích lũy
phước thiện nhiều đời trước và đời này.
Cũng có biết bao nhiêu người trên thế gian này không trải qua đủ
bốn giai đoạn như thế.
Có người chỉ có "sinh" mà không đến được các giai
đoạn: "trụ, dị, và diệt"!
Có người chỉ
có "sinh" và "trụ" một thời gian ngắn,
cơ thể chưa được "dị", thì đã
bị "diệt" rồi!
Ðó chính là những người đã ít tu nhơn tích phước, lại còn tạo
nhiều nghiệp báo xấu!
Có tu nhơn tích phước,
mới hưởng lộc và trường thọ.
Sống lâu mà thiếu phước thì khổ hơn là chết sớm cho rồi!
Thông thường,
chúng ta chỉ thấy người khác qua đời mà không bao giờ dám nghĩ
tới có lúc nào đó, chúng ta cũng phải từ giã cõi đời này như bao nhiêu người
khác.
Nếu lúc nào cũng luôn luôn nhớ nghĩ được như vậy, chúng ta sẽ
không còn phiền não vì những chuyện "dù lớn dù nhỏ" trên
thế gian này nữa.
Tại sao vậy?
Bởi vì có ai biết ngày mai mình chết mà hôm nay vẫn còn hơn
thua, vẫn còn muốn thưa kiện người khác ra tòa, vẫn còn tranh đấu như
trâu-bị-đánh hay không? Chắc là không, vì không ai muốn khi mình nằm xuống,
người ta đến khạc nhổ trên quan tài của mình chứ. Nhưng vì tánh nóng giận, sân
hận, tự ái quá cao, ta đây là ngon nhất trong thiên hạ, cho nên không dằn được.
Hơn nữa, vì thường nghĩ rằng "đời còn dài", cho
nên con người khó nhịn được những điều bất như ý đầy dẫy trên cõi đời này.
Có người khi thấy một người khác chết thì liền nghĩ ngay rằng
mình cũng có ngày phải chết, cho nên lập tức suy nghĩ, tìm đường thoát khỏi
sanh tử luân hồi.
Họ cố gắng tìm hiểu để khám phá ra
"con người chân thật" của chính mình,
ngoài cái thân xác đang mang và sẽ bỏ lại khi ra đi về bên kia
thế giới.
Ðó là hạng người có trí tuệ cao.
Ðạt được "con người chân thật" thì chúng
ta không còn bị phiền não khổ đau chi phối, chắc chắn sẽ tìm được cuộc sống an
lạc và hạnh phúc ngay trên cõi đời này, trên thế gian này.
Tại sao vậy?
Bởi vì sống được với "con người chân thật" của chính mình thì chúng ta đã "giác ngộ và giải
thoát", đã bước ra khỏi những khổ lụy của cuộc đời.
Nhưng làm sao đạt được, làm sao sống được với "con người chân thật" là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu, cần
tìm hiểu cho thấu đáo, cho tường tận.
Việc này đòi hỏi chúng ta phải phát tâm bồ đề một cách kiên cố,
một cách dũng mãnh, phải phát nguyện tu học theo đúng Chánh Pháp, trong suốt
một thời gian cần thiết nào đó, tùy theo căn cơ trình độ và nỗ lực của mỗi
người.
Mục đích cứu kính của đạo Phật nhằm chỉ bày cho tất cả mọi người
biết được "con người chân
thật" của chính mình,
để không còn mê mờ, trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Chứ không phải như
chúng ta thường thấy ở những bước đầu, khi mới đến với chùa chiền. Ðạo Phật
không chỉ có những nghi lễ tụng niệm, cầu an, cầu siêu, cầu phước mà thôi.
Có người thấy người khác chết chỉ xúc động một lúc, nhưng khi
thấy người thân qua đời liền tỉnh ngộ, nhận biết "cuộc đời là vô thường".
Vô thường nghĩa là không có gì trên thế gian này tồn tại vĩnh
viễn, kể cả thân xác này.
Cho nên không còn tham đắm chuyện tranh danh đoạt lợi nữa, quay
về suy tư, tìm hiểu đâu là sự thật của con người, đâu là sự thật của cuộc đời.
Từ đó, con người cũng tìm được cuộc sống an lạc và hạnh phúc.
Có người thấy người khác chết, thấy người thân qua đời cũng
không ảnh hưởng gì, cho đến lúc chính bản thân suýt chết vì một tai nạn nào đó,
hay may mắn thoát khỏi một cơn bệnh hiểm nghèo, thập tử nhứt sanh, liền thức
tỉnh, nhận biết rõ ràng cuộc đời là "khổ nhiều vui ít", mọi của cải vật chất là vô thường, cuối cùng không có gì trường
tồn, liền mạnh mẽ dứt bỏ mọi thứ đau khổ phiền não hệ lụy trên đời. Khi dứt bỏ
được, con người bắt đầu sống cuộc đời còn lại trong an lạc và hạnh phúc.
Ðại đa số còn lại thì không như vậy. Con người mãi lăn lộn trong
cuộc sống của thế gian, không có đủ thời giờ để ăn uống, nghỉ ngơi, lo cho
chính mình, thấy người khác chết thì mặc kệ, mình thì "còn lâu mới chết", đời mình còn dài mà, hãy lo làm ăn
tranh đấu, kiếm tí danh gì với bà con, cho rỡ ràng tông môn dòng họ, cho sáng
mặt đẹp mày, đồng thời kiếm cho thiệt nhiều tiền, bất chấp mọi thủ đoạn, lường
gạt sang đoạt, vu khống cáo gian, thưa gởi kiện tụng, để hưởng thụ cho sung
sướng tấm thân. Các việc khác để người khác lo, không phải chuyện của mình, người
bị thưa bị hại khổ sở thế nào cũng mặc kệ.
Ðến lúc lâm chung,
sắp lìa đời, họ thỉnh sư, cầu cha, mời ông, mời bà, đến chật cả
nhà, tụng kinh cầu nguyện, để cho mình được vãng sanh tây phương cực lạc, cho
mình được tiếp tục sung sướng, cho mình được lên thiên đàng, để hưởng phước đời
đời trên đó. Ðem tiền hối lộ các sư, các cha như vậy là được như ý nguyện hay
sao?
Trên các cõi lành đó, chỉ có các bậc thượng thiện nhơn, tức là
các người toàn thiện mà thôi. Ðâu phải lắm tiền nhiều của, đem nhờ thiệt là nhiều
người khác cầu nguyện cho mình mà đặng đâu.
Khi còn sống trên thế gian này, họ chỉ biết có mình, gia đình
mình, chỉ biết có "mình và mình, tiền và tiền", không biết
tu tâm dưỡng tánh, cho nên không được an lạc và hạnh phúc, cuộc sống chìm đắm
trong phiền não khổ đau, đấu tranh giành giựt.
Ðến khi chết, một cách chắc chắn, họ chỉ được tiêu diêu nơi miền
cực lạc, được siêu thăng về cõi thiên đàng, qua các phân ưu trên báo chí mà
thôi.
Hiểu được cuộc sống là vô thường, thay đổi không dừng, tâm ý
cũng biến đổi từng giây từng phút, chúng ta đã được phân nửa
cuộc sống an lạc và hạnh phúc.
Tại sao vậy?
Bởi vì hiểu được như vậy, khi gặp tai biến của cuộc đời, nay còn
mai mất, nay thịnh mai suy, nay lời mai lỗ, nay vui mai buồn, nay khen mai chê,
nay thân mai thù, nay thương mai ghét, nay bốc mai bôi, nay lên mai xuống, nay
vua mai giặc, chúng ta liền biết ngay đó là "thập như thị", tức là
"mười điều đương nhiên".
Trên cõi đời này, thế gian thường tình là như vậy đó, chúng ta
đừng ngạc nhiên, đừng thắc mắc, đừng tức giận, đừng thở than, đừng trách hờn,
đừng nghĩ suy, đừng bận tâm. Nhờ đó, chúng ta không còn khổ đau và phiền não
nữa.
Trên thế gian này,
chúng ta thấy đầy dẫy những sự thăng trầm: lúc được lúc thua,
lúc thắng lúc bại, lúc lời lúc lỗ, lúc thịnh lúc suy, lúc khen lúc chê, lúc
tâng bốc lúc bôi bác, lúc đau khổ lúc hạnh phúc.
Trong kinh sách, những bước thăng trầm như vậy được gọi
là "bát phong".
Bát phong gồm có bốn điều phước báo và bốn điều quả báo, hoặc bốn điều
như ý và bốn điều bất như ý, chia
thành bốn cặp: "lợi và suy, hủy và dự, xưng và cơ, khổ và
lạc". Ðó là tám ngọn gió trên thế gian, lúc nào cũng không ngừng
thổi, hết cơn gió này rồi đến cơn gió khác, có lúc gió thổi hiu hiu mát mẻ khỏe
khoắn, có khi gió thổi mãnh liệt kinh hồn, tàn bạo khốc liệt trong các cơn
giông bão.
Lúc gặp ngọn gió "lợi lộc" thổi đến, như
trúng số chẳng hạn, thì tâm của chúng ta sẽ nổi sóng ngay, có người mừng quá
đứng tim hết thở.
Lúc gặp ngọn gió "suy sụp" thổi đến, thời
cuộc gây nên tán gia bại sản, sự nghiệp điêu tàn, thì tâm của chúng ta sẽ nổi
sóng ngay, có người tiếc của quá nên tự vận chết.
Lúc gặp ngọn gió "hủy báng" thổi đến, bị chê
bai, bị bôi lọ, bị nói xấu thì tâm của chúng ta sẽ nổi sóng ngay.
Lúc gặp ngọn gió "danh dự" thổi đến, được
viết sách đề cao, được phát bằng khen tặng, vui vẻ khôn cùng, thì tâm của chúng
ta sẽ nổi sóng ngay.
Lúc gặp ngọn gió "xưng tán" thổi đến, được
tâng bốc, nêu tên ngợi khen, thì tâm của chúng ta sẽ nổi sóng ngay.
Lúc gặp ngọn gió "cơ bài" thổi đến, bị chỉ
trích, bài bác, đích danh phê bình, thì tâm của chúng ta sẽ nổi sóng ngay.
Lúc gặp ngọn gió "khổ đau" thổi đến, chẳng
hạn như gặp hoạn nạn, người thân qua đời, thì tâm của chúng ta sẽ nổi sóng
ngay.
Lúc gặp ngọn gió "hoan lạc" thổi đến, được
sự hỷ hạ mừng vui, thì tâm của chúng ta sẽ nổi sóng ngay.
Người nào có công phu tu tập,
có bản lãnh chịu đựng được tám ngọn gió độc này thổi đến mà
"thước-ca-ra tâm" vẫn "như như",
vẫn "vô động chuyển", tức là tâm trí của người đó
vẫn không lay động, không khởi niệm, không vui mừng hớn hở, cũng không âu lo sợ
sệt, dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào cũng vậy,
người đó được gọi là "bát phong xuy bất động",
có nghĩa là tám gió thổi chẳng động, dĩ nhiên người đó có cuộc sống an lạc và hạnh phúc vậy.
Ngoài biển khơi lúc nào cũng có gió thổi,
tùy theo sức gió, mặt biển sẽ có sóng nhỏ, sóng to tương ứng.
Tâm của chúng ta ví như mặt biển, khi có chuyện xảy ra, ví như
tám gió thổi đến, thì lập tức nổi sóng ngay. Thí dụ như thấy người oán thù,
nghe lời chửi mắng, nhớ chuyện thua thiệt, thì tâm của chúng ta lập tức nổi
sóng nổi sân ngay.
Chúng ta muốn có cuộc sống an lạc và hạnh phúc thì nội tâm không
nên nổi "sóng tham, sân, si" mỗi khi "tám
gió" thổi đến. Còn nếu cơn sóng có "lỡ" nổi lên rồi, thì hãy giác ngộ ngay,
hãy "biết" ngay rằng tâm của chúng ta đang nổi sóng.
Nhờ đó sóng sẽ lặng ngay và chúng ta hãy mỉm một nụ cười cho thật tươi tắn! Thế
là hết, phiền não đã qua đi rồi!
Tuy nhiên, sóng lặng nhanh hay chậm là do công phu quán chiếu
mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khắc của mỗi chúng ta. Cũng như chiếc xe có thắng ăn hay
không vậy thôi. Thông thường thì chúng ta ai ai cũng "tới luôn bác
tài" cho hả giận, không thể dừng được, không thể nhịn nổi, mỗi khi tám gió
thổi đến.
Trong gia đình,
nếu người vợ có lỡ tay đập bể một món đồ bình thường, hoặc quan
trọng và quí giá như cái bình cổ đời Khang Hy đi nữa, đức lang quân cũng không
nên vì thế mà nặng lời tiếc của, làm cho gia đạo bất an, huống gì những chuyện
lặt vặt nhỏ mọn khác. Cặp vợ chồng như vậy khỏi cần phải đi coi bói, xem chừng
nào hết tiểu hạn hết đại hạn, chừng nào tai qua nạn khỏi, chừng nào mới được
bình yên.
Thực ra đại hạn hay tiểu hạn là tùy ở mình hết trơn, bao lâu
mình còn lầu bầu tiếc của thì bấy lâu mình còn phải xức dầu cù là cho bớt nhức
đầu, cho đỡ đau bụng. An lạc và hạnh phúc ở ngay trong gia đạo của họ rồi, khỏi
cần phải kiếm, nhọc công mệt sức.
Cũng vậy, khi ông chồng có thất bại trong công việc hùn hạp làm
ăn, thua lỗ, thậm chí có đứt vốn, vỡ nợ đi chăng nữa, vị phu nhân hiểu biết
cũng không vì thế mà nặng lời tiếc của, không đay nghiến: phải chi ông để tiền
cho tôi mua hột xoàn vừa chưng diện được đẹp đẽ, vừa để dành làm của sau này!
Ðược như vậy, gia đạo sẽ bình yên, cuộc sống được an lạc và hạnh phúc chắc chắn, không nghi.
Những cặp vợ chồng như vậy không cần đến gặp bác sĩ tâm thần,
tâm lý gì cả. Bởi lẽ, dù có than trời trách đất, la lối om sòm chăng nữa thì
cũng không có cách nào bù lại những sự mất mát vật chất cũng như tinh thần,
chuyện gì đã qua thuộc về quá khứ, hãy để cho nó qua đi, đừng tiếc nuối, đừng
than van, đừng nhớ tưởng, chẳng ích lợi gì.
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
"Quá khứ tâm bất khả đắc", chính là nghĩa như vậy.
Người ta thường tự hỏi: Tại sao tự nhiên tôi khổ quá vậy, tại
sao tự nhiên tôi bị bệnh vậy, tại sao tự nhiên tôi bị người khác mắng vậy, tại
sao tự nhiên có đứa bé mới sanh ra đã bị tật nguyền, lục căn khiếm
khuyết?
Con người không thể giải thích được những câu hỏi tại
sao "tự nhiên" trên đây, bèn đổ hết lên đầu một nhân vật,
do chính con người tưởng tượng ra, rồi gọi đó là Trời, là Thượng Ðế, là Tạo
Hóa.
Người ta thường nói: Nhờ Trời thương, nên tôi giàu có, sung
sướng. Tại Trời trớ trêu, không thương yêu, muốn trừng phạt, nên tôi khổ quá,
nên tôi bị bệnh hoạn, nên tôi bị tai nạn liên miên! Cái gì cũng nhờ trời tại
trời hết trơn.
Ông Trời hay Bà Trời nếu có thực,
và là đấng có quyền năng tuyệt đỉnh,
là đấng chí công vô tư, là đấng có lòng bác ái bao la, tại sao
lại "ban phước
giáng họa" một cách tùy tiện, một cách bừa bãi như thế, tại sao không ban cho tất cả con
người một cuộc sống an lạc và hạnh phúc ngay trên thế gian này, tại sao không
dẹp hết loài yêu ma quỉ quái, để cho cuộc đời được tươi vui đẹp đẽ?
Trời lại hứa hẹn rằng: người nào chịu thờ phượng, mới được cho
lên thiên đàng hưởng phước đời đời, còn tất cả mọi người khác không chịu tin
như vậy, không chịu thờ phượng, bị cho xuống hỏa ngục hết trơn!
Cái cõi thiên đàng phe đảng, ích kỷ như vậy,
đâu khác gì thế gian này?
Cái niềm tin vô căn cứ nơi trời đất quỉ thần ma quái linh
thiêng, không luận lý được như vậy, đang dần dần bị đẩy lui, theo đà phát triển
của khoa học, trên khắp thế giới hiện nay. Số người tin tưởng như vậy, càng
ngày càng sáng mắt ra, càng giảm dần, nhờ học hiểu chân lý.
Người đời nay nhứt định không để cho những kẻ lợi dụng đức tin tôn
giáo lừa gạt thêm nữa.
Những người này bày ra những câu chuyện huyễn hoặc, linh thiêng
giả tạo, nào là tượng đá biết khóc, nào là bức tranh chảy nước mắt, nào là ngày
tận thế sắp đến, nào là thánh thần cứu người chết sống lại, nào là thần linh
hiện ra nơi này nơi nọ, trên đám mây, trên ngọn cây, trong hốc đá, bên suối
nước, dạy điều này, bảo điều kia, tiên tri điều nọ, điều nào cũng có lợi cho
nhóm người ít ỏi của họ mà thôi.
Con người có trí tuệ tối thiểu
không thể chấp nhận, không thể tin được những điều vô lý như
vậy.
Thử hỏi thánh thần cứu người chết sống lại làm chi, bởi vì sau
đó người này cũng phải chết mà thôi, có ai sống mãi không chết đâu, kể cả ông
thánh ông thần kia. Lúc đó ai đến cứu họ lần nữa?
Thánh thần hiện ra có ích lợi gì cho việc tu tâm dưỡng tánh của
chúng ta chứ? Hay chỉ để gánh tội thay cho chúng ta?
Thực ra, trên thế gian này không việc gì tự nhiên mà có, mà sinh
ra đâu, cũng không có trời nào ban phước giáng họa một cách bừa bãi như vậy cả.
Chúng ta cần nên biết sự thực là:
Tất cả mọi sự việc đều do nhân duyên sanh ra.
Tất cả mọi sự việc đều do nhân duyên diệt đi.
Thí dụ như cái cây không phải tự nhiên mọc lên được, mà phải do
nguyên nhân là hạt giống gieo xuống đất, rồi nước tưới, ánh sáng và nhiều yếu
tố khác trợ duyên, mới có được. Gieo nhân là hạt giống cam thì được cây cam và
gặt hái quả cam.
"Nhân nào quả nấy" là định luật.
Khoa học cũng thừa nhận như vậy. Ăn uống không vệ sinh, không
điều độ là nguyên nhân, hậu quả là bị bệnh.
Thời nay, người bị bệnh thì đi bác sĩ khám bệnh và cho thuốc
uống, chứ cầu nguyện thượng đế, uống nước sông nước suối, tụng kinh thì làm sao
khỏi bệnh cho được? Nếu tụng kinh cầu nguyện thượng đế, uống nước sông nước
suối, mà khỏi bệnh, thì bác sĩ, dược sĩ nên giải nghệ, bệnh viện đóng cửa cho
rồi.
Bị bệnh không do trời phạt, hết bệnh không do trời thương.
Hút sách, cờ bạc là nguyên nhân, hậu quả là tán gia bại sản, vợ
bỏ con chê.
Chơi xấu, đâm bị thóc thọc bị gạo, lường gạt
là nguyên nhân, hậu quả là bị chưởi mắng,
khinh khi.
Lười biếng làm việc là nguyên nhân, hậu quả là nghèo khó. Lười
biếng học hành là nguyên nhân, hậu quả là dốt nát.
Âm mưu hại người là nguyên nhân, hậu quả là bị quả báo người hại
lại.
Siêng năng làm việc, biết tiết kiệm là nguyên nhân, kết quả là
giàu có.
Chăm chỉ học hành là nguyên nhân, kết quả là đỗ đạt.
Tốt bụng giúp người là nguyên nhân, kết quả là được mến chuộng.
Tâm hồn khoáng đạt thoải mái,
không chứa chấp thù hận, không chứa chấp chuyện nhỏ mọn, không
tham sân si, không thành kiến, không ganh tị, không đố kỵ, không tị hiềm, không
ganh ghét, không tranh đua, không hơn thua, không kỳ thị, không so đo, không
suy lường, không tính toán,
không cố chấp, không quan trọng hóa mọi việc lớn nhỏ,
không phân biệt phe phái, không thị phi nhơn ngã
là nguyên nhân,
kết quả là cuộc sống an lạc và hạnh phúc vậy.
Thường thì chúng ta thấy quả báo nhãn tiền, sinh sự thì sự sinh,
gieo gió thì gặt bão, ở hiền thì gặp lành, làm thiện thì hưởng phước.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người thắc mắc: Tại sao có người ăn
hiền ở lành, biết tu tâm dưỡng tánh, thường xuyên đi chùa, đi nhà thờ, không
làm việc gì bất nhơn thất đức, nhưng họ cứ bị tai họa, bệnh hoạn, họa vô đơn
chí, xui xẻo dồn dập?
Trái lại, có người thật điêu ngoa, hung tợn, lừa thầy phản bạn,
làm đủ mọi chuyện tồi tệ, ném đá dấu tay, không chừa bất cứ thủ đoạn, phương
tiện gian manh nào, nhằm đoạt cho bằng được mục đích vị kỷ của họ, tại sao họ
vẫn cứ phây phây, nhởn nhơ, ăn nên làm ra, tậu nhà sắm xe?
Dường như công lý, lẽ phải không có trên quả địa cầu này vậy!
Thượng đế, nếu thực là đấng toàn năng, có phép lạ siêu việt, cầu gì cho nấy,
cứu người chết đặng sống, sao không dẹp trừ sạch hạng người như vậy, cho thế
gian này biến thành thiên đàng, có phải là tốt đẹp vẹn toàn hay không?
Trong lúc khoa học còn quá phôi thai chưa giải thích được các
hiện tượng vật lý, thiên văn, cho nên con người bèn tưởng tượng, bèn nặn ra
thượng đế, để chính con người nương tựa vào đó, cầu nguyện tìm sự bình an tâm
hồn tạm thời trong lúc sợ hãi, khổ đau mà thôi. Luật nhân quả giải thích được
các việc đó trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.
Có những nguyên nhân được tạo ra trong quá khứ, kết quả hay hậu
quả nhận được trong hiện tại.
Có những nguyên nhân được tạo ra trong hiện tại, kết quả hay hậu
quả nhận được trong vị lai.
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy:
Dục tri tiền thế nhân, đương kim thọ giả thị.
Yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.
Nghĩa là:
Muốn biết kiếp trước mình đã làm gì, hãy nhìn cuộc sống của mình
hiện tại.
Muốn biết kiếp sau mình sẽ ra sao, hãy nhìn việc mình đang làm hiện
tại.
Nếu hôm nay mình dốt nát nghèo nàn khốn khổ, gặp tai nạn liên
miên, thậm chí chết người, thì đó là quả của cái nhân tạo ác nghiệp và không
biết làm việc phước thiện trước đây, chứ không có chuyện thương ghét tùy tiện
của thượng đế nào cả. Nếu hôm nay mình thông minh, đủ ăn đủ mặc, thì đó là quả
của cái nhân tu tâm dưỡng tánh, tích phước tích đức trước đây nhiều đời và đời
này.
Hôm nay mình được bình an là quả của cái nhân mình không tạo sự
bất an cho kẻ khác, dù đó là kẻ thù. Hôm nay mình được hạnh phúc là quả của cái
nhân mình không phá hoại hạnh phúc kẻ khác, dù đó là kẻ thù.
Tùy theo "cái nhân" là hạt giống loại nào, sau khi
được gieo xuống đất, phải chờ đủ "thời tiết nhân duyên", mới gặt hái
"cái quả" của nó, có khi sớm, cũng có khi muộn. Cũng có khi gặt phải
quả chanh chua, nhưng có thể đem bán đi, mua quả cam ngọt.
Ðó là trường hợp chúng ta đã "lỡ" gieo nhân xấu, nhưng nhờ thiện tri thức nhắc nhở, chúng ta
biết phục thiện, quay trở về chánh đạo, chuyển ba nghiệp xấu ác thành ba nghiệp
thiện lành, làm nhiều việc phước đức, tu tâm dưỡng tánh, chúng ta có thể gặt
"quả tốt", hay ít ra cũng giảm bớt được "quả xấu". Tức là
chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Cũng ví như gieo nhân biết tiết kiệm,
con người có thể gặt quả giàu có, hay giảm bớt được nợ xưa đó vậy.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy:
"Nhứt thiết duy tâm tạo".
Nghĩa là:
Tất cả đều do tâm của chúng ta tạo ra.
Muốn có quả thiên đàng trong tâm, chúng ta hãy gieo nhân từ bi
hỷ xả, bác ái vị tha. Gieo nhân ích kỷ, hận thù, tham lam, sân hận, si mê, nhứt
định gặt quả địa ngục trong tâm, chắc chắn không sai, chỉ có sớm hay muộn mà
thôi.
Thiên đàng địa ngục hai bên.
Ai ngộ thì nhờ, ai mê thì sa.
Thiên đàng chẳng chứa quỉ ma.
Ai người tâm thiện tìm ra thiên đàng.
Chúng ta đã thấu hiểu lý lẽ chân thật của cuộc đời là vô thường,
không có gì tồn tại vĩnh viễn, không có gì là tự nhiên sanh. Luật nhân quả áp
dụng trong ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Sinh sự thì sự sinh. Nhân nào
thì quả nấy. Gieo gió thì gặt bão. Có lửa thì có khói.
Cầu nguyện chỉ đem lại sự bình an tâm hồn tạm thời. Bình an thực sự
chỉ có cho người thiện tâm mà thôi. Thiên đàng, địa ngục tuy là hai tâm trạng
khác nhau, nhưng tất cả thực sự chỉ là các trạng thái ở trong tâm của tất cả
chúng ta mà thôi.
Ngày xưa, có người đến hỏi Ðức Phật:
Bạch Ngài, có kinh điển nào có thể đọc tụng để cầu nguyện cho đệ
tử được Niết bàn hay không?
Ðức Phật đáp: Không!
Tại sao vậy?
Thí dụ như quăng hòn đá xuống nước, hòn đá nặng tức nhiên chìm
lĩm, không có kinh điển nào đọc tụng, có thể cầu nguyện cho cục đá nổi lên
được. Ðem dầu đổ xuống nước, dầu nhẹ tức nhiên nổi trên mặt nước, không có kinh
điển nào đọc tụng, có thể khiến cho dầu chìm được. Nghĩa là khi con người tạo
nghiệp bất thiện thì bị sa đọa, làm việc xấu ác thì tâm trạng bất an, không thể
nhờ cúng kiến cầu an, mà được bình an, yên ổn, không thể nhờ cầu hồn, cầu siêu
mà người đó có thể thăng lên niết bàn hay thiên đàng được.
Cũng vậy, khi con người biết làm việc phước thiện, biết tu tâm
dưỡng tánh, biết quán chiếu, biết suy tư lẽ vô thường, lý nhân quả nhân duyên
của cuộc đời, thì nhứt định khi sống được an lạc và hạnh phúc.
Khi ra đi, người đó được an lành, siêu thoát, tái sanh nơi nhàn
cảnh. Không ai có thể đem kinh điển nào đọc tụng, hay rủa xả, hoặc không thể vì
người đó không theo tôn giáo này, không theo tôn giáo kia, hoặc vì bất cứ lý do
gì, mà người đó có thể đọa vào địa ngục được.
Tâm của họ trong sáng, thanh tịnh, tự tại, nhẹ nhàng, thánh thiện
hiện đời, nhứt định khi ra đi, được siêu thăng cõi lành, cõi thiện mà
thôi,
không có gì nghi ngờ cả.
Cũng như
cái cây bình thường mọc nghiên về bên nào,
khi bị cưa xuống,
sẽ ngã về bên đó vậy.
Chí công vô tư đúng nghĩa phải là như vậy.
* * *
Tóm lại, cuộc sống an lạc và hạnh phúc không do cầu nguyện suông mà được, không có một nguyên tắc nào,
một phương pháp nào mà tạo ra.
Cuộc sống an lạc và hạnh phúc không là độc quyền của bất cứ ai theo
một tôn giáo nào, bất cứ ai thuộc một dân tộc nào, hoặc bất cứ ai thuộc một
giới nào.
Người quá khôn ngoan, lanh lợi ở đời
không thể có cuộc sống an lạc và hạnh phúc.
Người quá khờ dại, u mê, ngu muội cũng không thể có cuộc sống an lạc và hạnh phúc.
Cuộc sống an lạc
và hạnh phúc chỉ có nơi tất cả
những ai biết tu tâm dưỡng tánh, biết quên mình vì người, biết làm việc phước
thiện, biết quán chiếu, suy tư lẽ vô thường, lý nhân quả, nhân duyên của cuộc
đời.
Tức là cuộc sống an lạc và hạnh phúc chỉ có nơi những
người "biết" cách sống an lạc và hạnh phúc mà thôi. Chí công vô tư là ở chỗ đó vậy. []
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Chủ-Nhiệm VP.PHTQ.CANADA
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll