TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Friday 1 July 2011

*** NHỮNG CHUYỆN TU TRONG ĐỜI (PHTQ SỐ 17)


CHUYỆN TRONG ĐỜI



- Thưa Thầy, tôi đang ở trong chung cư, thường hay bỏ cơm, gạo hay bánh mì cho chim đến ăn. Tội nghiệp mấy con chim đói, kiếm ăn không được, bay đến ban công nhà tôi nhiều lắm. Vậy mà Thầy biết không, ông quản lý cái chung cư la tôi quá trời, cấm không cho tôi bỏ thức ăn ra ngoài cho chim ăn nữa. Thầy coi thiên hạ chẳng biết thương loài súc sanh chút nào cả! Tội nghiệp mấy con chim! Thầy nghĩ sao?
- Bố thí thức ăn cho chim là thể hiện tâm từ bi thương xót chúng sanh đang đói khổ. Điều này đáng quí, tốt lắm! Tuy nhiên, nhà Phật dạy: Từ Bi và Trí Tuệ phải song hành. Chúng ta nên hiểu rằng chim chóc đến nhiều nơi chung cư, gây phiền hà cho láng giềng, gây mất vệ sinh cho khu vực. Chính vì thế, người quản lý chung cư mới thi hành biện pháp bảo vệ trật tự, vệ sinh chung. Chúng ta thương loài vật, cũng nên thương loài người sống chung quanh, nên tôn trọng cuộc sống riêng tư của mọi người, tránh gây phiền muộn cho người cũng là một cách tu hành.
Tóm lại, chỗ ở của người không nên để chim chóc làm phiền. Để thực hiện tấm lòng từ bi, chúng ta có thể đem thức ăn ra sân trước sân sau nếu có, hoặc ra công viên, bờ sông hay chỗ đất trống, và nên nhớ tránh sự xả rác nơi công cộng. Mọi việc, mọi người đều vui vẻ là đúng pháp. []



CHUYỆN TRONG
ĐỜI

- Thưa Bác sĩ, bà nhà tôi mắc bệnh hoang tưởng. Bả cứ tưởng bả là con gà mái.
- Bà nhà mắc bệnh bao lâu?
- Hơn một năm nay.
- Sao đợi đến bây giờ ông mới nói?
- Tôi đợi xem bả có đẻ trứng hay không, đó mà! []

-------------------------------------------------------------------------------------------------- 
Bộ Quần Áo Cũ


BỘ QUẦN ÁO CŨ

Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh, là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là cấp chỉ huy, ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm. Hôm nay, đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:

-Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.

-Nhưng bố thích mặc bộ này

Tôi bắt đầu cau có:

-Nhưng mặc như vậy đến chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố.

Ông già buồn rầu, lập lại:

-Bố thích bộ quần áo này.

Tôi cũng cương quyết:

-Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.

Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:

-Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.

Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.

Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, tôi nên xét lại trái tim mình đã.




[]
--------------------------------------

SUY NGẪM

Trong cuộc sống, cần cẩn thận lời nói. Khi phê phán người khác cố chấp, thì chính mình đang cố chấp đó.

BBT.PHTQ.CANADA