TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Monday 11 June 2012

***Ý NGHĨA CÚNG HOA, ĐÈN, HƯƠNG VÀ Ý NGHĨA LỄ CẦU NGUYỆN



TK Thích-Chân-Tuệ
Ý Nghĩa Dâng Hoa Cúng Phật

Dâng hoa cúng Phật mang ý nghĩa dâng cúng những điều thiện lành, tốt đẹp, thơm tho, chúng ta làm được trong cuộc sống hằng ngày, theo lời chư Phật dạy. Chẳng hạn như chúng ta làm được việc thiện nào trong ngày, chúng ta dừng được việc ác nào trong ngày, đó là những bó hoa tươi thắm đem dâng cúng chư Phật.

Việc dâng hoa cúng Phật là một hành động thành kính ngưỡng mộ, bày tỏ tâm biết ơn sự chuyển hóa vô thượng của giáo pháp, mặc dù giá trị vật chất không đáng quan tâm. Tiếp theo việc dâng hoa cúng Phật là lời tán tụng và tâm người Phật tử hồi tưởng lại đời sống cao thượng, phẩm hạnh vi diệu của đức Phật, quyết cố gắng noi theo, không cầu khẩn van xin gì cả.

Đức Phật là một bậc sáng suốt, đã chấm dứt sự phiền não và khổ đau, một đấng hoàn hảo, chứng được trí tuệ bát nhã và  giác ngộ chân lý vô thượng, đáng được tôn kính và đảnh lễ. Người Phật tử quyết tâm noi theo chánh đạo, đưa đến chánh kiến và chánh tín, để hiện tại đạt an lạc hạnh phúc, mai sau được giác ngộ giải thoát.

Ý Nghĩa Lễ Cúng Đèn


Trong hình thức nghi lễ, khi cúng dường một ngọn đèn lên đức Phật, không nên nghĩ hay cho rằng mình đang làm một ân huệ và cầu khẩn van xin phước báo. Trái lại, nên ý thức một cách trọn vẹn rằng: chúng ta đang nâng cao nguồn sáng trí tuệ, mà chúng ta tiếp nhận từ đức Phật. Nguồn ánh sáng này xua đuổi bóng đêm trong tâm thức chúng ta, hướng dẫn chúng ta và tất cả chúng sinh tìm thấy con đường đi đến giác ngộ.

Theo cách này, đối với người thực hiện nghi lễ, ngọn đèn cúng dường lên đức Phật là phương tiện để quán niệm về cái ánh sáng giác ngộ đã và đang chiếu sáng trong mỗi người chúng ta từ thời vô thủy, và ánh sáng đó thường  bị những bức tường do tự ngã che khuất trong bóng tối. Mục đích của sự tu tập chính là để dẹp trừ cái bản ngã đó. []

 

Ý Nghĩa Dâng Hương Cúng Phật

Theo kinh sách, khi làm lễ dâng hương cúng Phật có 5 ý nghĩa, gọi là Ngũ Phần Hương, gồm có:

1. Giới hương,
2. Định hương,
3. Tuệ hương,
4. Giải thoát hương, và
5. Giải thoát tri kiến hương.

Đức Lục Tổ Huệ Năng giải thích trong Kinh Pháp Bảo Đàn như sau:

1. GIỚI HƯƠNG: Tức trong tự tâm chẳng quấy, chẳng ác, chẳng ganh tỵ, chẳng tham sân, chẳng cướp hại, gọi là GIỚI HƯƠNG.

2. ÐỊNH HƯƠNG: Thấy những cảnh tướng thiện ác, tự tâm chẳng loạn, gọi là ÐỊNH HƯƠNG.

3. TUỆ HƯƠNG: Tự tâm vô ngại, thường dùng trí tuệ chiếu soi tự tánh, chẳng tạo điều ác, dù tu nhiều thiện mà tâm chẳng chấp trước, kính trên mến dưới, thương xót kẻ cô đơn nghèo nàn, gọi là TUỆ HƯƠNG.

4. GIẢI THOÁT HƯƠNG: Tự tâm chẳng phan duyên, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại, gọi là GIẢI THOÁT HƯƠNG.

5. GIẢI THOÁT TRI KIẾN HƯƠNG: Tự tâm đã chẳng phan duyên thiện ác, chớ nên trầm không trệ tịch, phải tu học pháp tối thượng thừa, nhận tự bản tâm, thông đạt lý Phật, hạ mình để tiếp người, vô nhơn vô ngã, thẳng đến Bồ đề, chơn tánh chẳng đổi, gọi là GIẢI THOÁT TRI KIẾN HƯƠNG.

Thiện tri thức !  Năm thứ hương này mỗi người tự huân tập trong tâm, chớ tìm bên ngoài. []

Dâng cúng Phật
hương, đăng, hoa, quả, thủy.

Trong các thứ trên,
cúng dường pháp là hơn hết.

Ý Nghĩa: Đối với chư Phật mười phương, chúng ta phát khởi tín tâm, tin tưởng sâu sắc, hiểu biết rõ ràng, thành tâm dâng cúng: những điều tốt đẹp, những thành tựu cao quí nhứt, trên bước đường tu học (học hỏi chánh pháp và tu sửa thân tâm).

Không tu tập và không làm như thế, dù thành tâm đến đâu, dâng hương cầu nguyện nào có được gì? Tại sao vậy? - Bởi cầu khẩn van xin mà được như ý, người ta đền ơn đáp lễ, đốt hương cả bó, cháy luôn ngôi chùa!

Dâng cúng hương mang ý nghĩa dâng cúng những hương thơm kết tụ do việc giữ gìn giới luật, những hương thơm kết tụ do việc luôn giữ tâm thiền định, những hương thơm kết tụ do việc phát triển trí tuệ, những hương thơm kết tụ do việc tu hạnh giải thoát và những hương thơm kết tụ do việc giải thoát sự hiểu biết phiền lụy của thế gian.

Tóm lại dâng hương cúng Phật gồm có: 1. Giới hương 2. Định hương    3. Tuệ hương 4. Giải thoát hương và 5. Giải thoát tri kiến hương. []


Ý NGHĨA LỄ CẦU NGUYỆN


Trong các buổi lễ, Chư Tôn Đức cầu nguyện gì?


Trong các buổi lễ, Chư Phật Tử cầu nguyện gì?
Nghi lễ có tác dụng rất lớn đối với các tôn giáo. Phật giáo dù không coi trọng, nhưng nghi lễ vẫn chi phối phần lớn các sinh hoạt Phật sự, đôi khi còn là hoạt động chính của một ngôi chùa, để đáp ứng nhu cầu của quần chúng và nhu cầu hoằng pháp. Đối với cá nhân, khi lâm vào hoàn cảnh bức bách, khổ đau, bất trắc, bất như ý, con người thường cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, tìm sự bình yên trong tâm hồn qua cầu nguyện.
Lời cầu nguyện này chỉ giúp tâm trí được bình yên tạm thời. Nếu con người có học hiểu giáo lý của đạo Phật, thâm hiểu luật nhân quả, biết rằng: mọi chuyện gì xảy đến cho mình, đều do chính mình đã tạo nghiệp nhân trước đây, giờ phải nhận nghiệp quả, nghiệp báo (gọi chung là quả báo). Việc may mắn đến, mình biết ngay rằng: đó là phước báo, do việc thiện lành chính mình đã làm. Việc không may xảy đến, mình biết ngay rằng: đó là quả báo, do việc bất thiện chính mình đã làm. Theo chánh pháp, nên biết rằng: chỉ có phước báo mới làm giảm bớt hay tiêu trừ quả báo mà thôi!
Cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, mà không tu nhân tích phước, không tu tâm dưỡng tánh, không dừng các nghiệp bất thiện, phỏng có được gì?  Thí dụ chúng ta lỡ mượn nợ tiêu xài rồi (tạo nghiệp), bây giờ phải đền trả (gặp xui xẻo), chỉ có cách lấy tiền tiết kiệm (phước báo). Không có tiền tiết kiệm thì phải cầu nguyện trúng số để trả nợ chăng?! Người có phước báo nhiều, dù gặp tai nạn lớn lao như rớt máy bay, động đất, vẫn sống sót, gọi là số may mắn quá. Người có phước báo ít hơn, phải chịu thương tích hay xây xát chút đỉnh, gọi là còn hên quá. Người không có phước báo thì lãnh đủ quả báo. Thời đức Phật còn tại thế, khi chư vị thánh tăng phải đền trả các nghiệp báo cuối cùng,
Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, như sau:
Dù lánh lên non núi,
xuống biển hay vào hang
khi nghiệp báo đã mang
không ai tránh thoát khỏi.
Theo quan niệm Phật giáo, cầu nguyện  không phải là van xin đức Phật, Bồ tát, thần thánh hay năng lực linh thiêng huyền bí nào cả. Cầu nguyện là tập trung tâm trí, nhất tâm chuyển đổi vọng niệm mê lầm, xấu ác trở nên thanh tịnh. Cầu nguyện vì thế chính là phương pháp quán chiếu, nhìn lại con người thật của mình, quan sát tâm tình, trừ khử tà kiến mê tín,  khát vọng phàm tình, ích kỷ nhỏ nhen, ỷ lại yếu đuối. Cầu nguyện là một cách định tâm, định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người. Nếu hiểu chính xác ý nghĩa cầu nguyện thì cầu nguyện là một phương pháp tu tập, có giá trị tương đương với phương pháp thiền định, quán chiếu tự tâm.
- Cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc là lời cầu nguyện vị tha, đúng chánh pháp, trưởng dưỡng từ bi & trí tuệ.
- Cầu nguyện cho mình, gia đình mình, đoàn thể mình, tôn giáo mình là lời cầu nguyện vị kỷ, phi chánh pháp, không từ bi & trí tuệ.
- Nếu ai cầu cũng được như ý, thế giới sẽ loạn, nhân sanh đảo điên. Không làm việc cầu giàu có. Không tu hành cầu vãng sanh. Không học hành cầu đỗ đạt. Các bên thù nghịch cầu nguyện đối phương biến mất. Trái đất chỉ còn thú vật, đất đá, cây cỏ! Thảm họa của sự cầu nguyện phi chánh pháp là như vậy đó!
- Trong chiến tranh thế giới 1 và 2, hai phe lâm chiến đều làm lễ cầu nguyện long trọng, xin Thượng đế giúp phe mình chiến thắng đối phương. Thượng đế bèn nghe theo lời cầu nguyện này, nên hai phe đều tả tơi thê thảm. Đó là thảm họa của sự cầu nguyện phi chánh pháp!
- Đạo Phật trải qua nhiều năm tháng truyền bá xuyên qua nhiều quốc độ, nên mang cái vỏ mê tín của tôn giáo, và lập ra nhiều nghi thức, lễ hội, để tiếp cận với quảng đại quần chúng đang sống trong vô minh. Giáo lý đạo Phật rất siêu việt, nhiệm mầu khi áp dụng trong đời sống, không buộc ai phải thờ lạy, cúng kiến đức Phật với tâm cầu khẩn van xin, vòi vĩnh như đứa bé thơ. Trái lại, Đức Phật dạy: Tôn thờ Như Lai mà không hiểu Như Lai,  chính là phỉ báng Như Lai vậy.
- Ngày nay, người theo đạo Phật, tu sĩ cũng như cư sĩ, nhân danh phát huy tín tâm của Phật tử, bày ra đủ thứ nghi lễ rườm rà, phức tạp, tạo vẻ linh thiêng huyền bí, giải thích hiện tượng thiên nhiên phi chánh pháp, đem kinh sách chữ nghĩa hù dọa những người ít hiểu biết, không thuyết giảng chánh pháp, lại tuyên truyền tà pháp. Chẳng hạn như: người ngồi xe lăn, chỉ nhờ tín tâm với tượng Phật ngọc mà phục hồi, đi đứng bình thường!
Tóm lại, người Phật tử dù tại gia hay xuất gia, có chút phước báu, có chút trí tuệ, ngoài tín tâm ban đầu qua các hình thức lễ hội, sinh hoạt Phật giáo, nên phát tâm tìm hiểu cốt tủy của lời Phật dạy, hướng tín tâm đến chỗ chánh tín. Không nên tiếp tục để các tà sư - mang hình tướng xuất gia hay tại gia - hướng dẫn tín tâm ban đầu đến chỗ mê tín.
Từ mê tín đến cuồng tín, chỉ cách một sợi tơ !
 


Tượng Phật Tượng Bồ Tát

Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Ðại Nguyện Ðịa Tạng Vương Bồ Tát! Mặc cho sóng gió, động đất, lũ lụt, nhà tan, thuyền xe trôi vạt, pho tượng của ngài Ðịa Tạng Vương vẫn sừng sững đứng vững không lay động ……
Chuyện lạ có thật Japan Tsunami: tượng Đức Địa Tạng Vương ở Nhật vẫn đứng yên không ngã trong vùng bị tàn phá. Chung quanh tan tác ngã nghiêng. Lạ lùng thay, tượng Đức Địa Tạng Vương vẫn đứng yên sừng sững! Amazing !!!

''Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng''.


Trên đây là nội dung các emails gửi đến hộp thư của PHTQ. Đa số Phật tử đều cho rằng hiện tượng này linh thiêng huyền bí, tượng BT Địa Tạng đủ sức chống chọi với sức mạnh khủng khiếp của cơn sóng thần quét sạch cả thành phố ven biển, tàu bè lớn nhỏ, xe cộ đủ loại đủ cỡ, kể cả ngôi chùa và các tôn tượng khác. Điều đáng tiếc là trong số các người chuyển đi email mê tín này, có vài vị tu sĩ.

Mê tín là bởi vì trong đạo Phật không có hình tượng nào gọi là linh tượng, theo nghĩa linh thiêng huyền bí, cầu gì được nấy, cũng không có hình tượng nào gọi là thánh tượng, theo nghĩa các vị thánh là bậc bề trên không ai đạt được, chuyên ban phước giáng họa.

Trong đạo Phật, chỉ có tôn tượng, theo nghĩa hình tượng để tôn thờ, lễ bái, noi theo gương tu hành và công hạnh cao quí, đáng tôn kính, để sống đời và tu tập đúng chánh pháp, hành đúng chánh đạo, cuối cùng là trọn thành Phật đạo. Cũng có những hình tượng gọi là bảo tượng, theo nghĩa hình tượng quí báu, vật chất và tinh thần, hoặc có giá trị theo chiều dài lịch sử. Chúng ta nên biết: hình tượng làm bằng gổ, bằng thạch cao  không chịu được búa bổ; hình tượng làm bằng vàng, đồng, không chịu được lửa thiêu đốt. Các hình tượng dù bằng vật liệu nào cũng phải chịu qui luật vô thường: thành, trụ, hoại, diệt.

Trong Kinh Kim Cang, đức Phật có dạy:
 Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng.
 Nhược kiến chư  tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.
Qua hình tướng các tôn tượng chư Phật, nhưng không chấp tướng Phật Ngọc  Phật vàng, Phật đồng, hay Phật gỗ, ta mới thấy được, ngộ được Phật Tâm, Phật tánh, Như Lai. Nếu như mê tín chấp tướng, dù là tượng Phật Ngọc giá trị bạc triệu, tượng Phật vàng giá trị trăm ngàn, tượng Bồ Tát sau cơn bão, hậu quả là ngộ độc bởi hoa mạn đà la, hào quang 5, 7 màu, do các tà sư tuyên truyền bá láp, bán rao tà pháp, hưởng danh thu lợi.
Nghĩa là: Trên đời này, vật gì có hình tướng đều là hư vọng, nay hiện hữu, mai mất đi, không tồn tại vĩnh viễn.

Các hình tượng được làm bằng bất cứ vật liệu nào, đơn sơ như gổ, đá, xi măng, thạch cao, hay quí giá hơn như vàng, bạc, đồng, ngọc thạch, đá quí, kim cương, cũng chỉ có giá trị vật chất, giúp cho việc hành lễ được long trọng, trang nghiêm, giúp cho người tu theo Phật tăng trưởng sức tinh tấn tu tập theo chánh đạo, hướng tín tâm ban đầu theo chánh tín và chánh kiến. Giá trị tinh thần đích thực chính là Giáo Pháp của đức Phật. Người tu theo Phật nương theo hình tượng chư Phật, để lễ bái, cầu nguyện, cúng dường, phát tín tâm tìm hiểu những lời dạy của đức Phật để tu tập và áp dụng vào trong thực tế đời sống. Người tu theo Phật thấy và cảm nhận được pháp vị mầu nhiệm, thực tế của chánh pháp.Từ đó, người tu theo Phật ngộ đạo, thoát khỏi cảnh vô minh, tà kiến, mê tín, dị đoan; và không còn ngộ độc như bấy lâu nay.

Người tu theo Phật khi đã khai mở được trí tuệ bát nhã, khác với trí thức thế gian, sẽ thấy giáo lý đạo Phật rất hữu ích cho đời sống thực tế của mọi người, giúp con người vượt qua được những phiền não và khổ đau, không phân biệt là Phật tử hay không là Phật tử. []

CHUYỆN TRONG CHÙA

-   Tôi có nghe một vị sư giảng: khi cúng đèn dâng lên Phật phải thành tâm, thì cầu gì cũng được. Không biết điều này có đúng chánh pháp không?
-   Khi chúng ta dâng cúng hương, đăng, hoa, quả, thủy, tất cả đều có ý nghĩa tượng trưng dâng cúng sự phát tâm tu tập theo lời Phật dạy, dâng cúng thành tựu trong quá trình tinh tấn tu tập, chuyển hóa tâm mê mờ thành trí sáng suốt.
-  Dâng cúng mà cầu gì cũng được, đó là tà pháp. Người giảng điều đó là tà sư, mê hoặc và dụ dẫn chúng lạc vào tà đạo.
-  Chư Phật và chư Bồ tát đâu cần thụ dụng các thứ vật chất chúng ta dâng cúng. Dâng cúng một ngọn đèn chưa tới 25 xu, dù thành tâm,cầu gì cũng được, đó là tâm tham []

BBT PHẬT HỌC TỊNH QUANG
cutranlacdao@yahoo.com


Kính mời quí vị tham khảo bài viết theo link:
LUẬT NHÂN QUẢ
CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT
CHÁNH KIẾN VÀ CHÁNH TÍN
LỜI NÓI – ÁI NGỮ
PHƯỚC BÁU

TỘI VÀ NGHIỆP